Tối ưu Landing page bán hàng là điều mà bất cứ doanh nghiệp/phòng ban marketing nào cũng cần thực hiện để chiến dịch quảng cáo mang lại hiệu quả như mong đợi.
Dưới đây là một số hướng dẫn chi tiết giúp bạn tiến hành tối ưu một cách nhanh chóng và đơn giản.
1. Landing page bán hàng là gì?
Landing page bán hàng (còn gọi là sales page) là trang web độc lập được tạo ra với mục đích thuyết phục khách hàng mua một sản phẩm/dịch vụ ngay trên trang đó.
Khác với website bán hàng gồm nhiều trang, landing page bán hàng chỉ gồm 1 trang đơn, thể hiện thông tin của một sản phẩm/ dịch vụ duy nhất.
2. Các đặc điểm của landing page bán hàng
Landing page bán hàng bao gồm các nội dung chi tiết về sản phẩm/dịch vụ:
- Đặc tính nổi bật
- Lợi ích khách hàng
- Phản hồi khách hàng
- Chính sách mua hàng
- Bảng giá
- Lời kêu gọi hành động (Call to Action – CTA)… giúp khách hàng có đầy đủ thông tin để ra quyết định mua hàng.
Landing page bán hàng được chia thành 2 dạng chính là landing page bán hàng dạng ngắn (Short-form sales page) và landing page bán hàng dạng dài (Long-form sales page).
Dưới đây là bảng so sánh tổng quan hai dạng sales page này:
Tiêu chí | Landing page bán hàng dạng ngắn | Landing page bán hàng dạng dài |
Đặc điểm | Thường chỉ gồm 1 phần với nội dung ngắn gọn, cô đọng.
Nội dung dưới 1200 chữ, thường có 1 hình ảnh/ video và 1 nút CTA. |
Đầy đủ các thông tin để giải đáp toàn bộ thắc mắc của khách hàng về sản phẩm/ dịch vụ.
Nội dung thường trên 1200 chữ, được chia ra nhiều phần và có nhiều nút CTA. |
Trường hợp sử dụng | Khách hàng đưa ra quyết định mua hàng nhanh.
Sản phẩm đơn giản và giá thành thấp. |
Khách hàng cần cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định mua hàng.
Sản phẩm phức tạp hoặc có mức giá cao. |
3. Tại sao cần tối ưu landing page bán hàng?
Có thể hiểu, tối ưu landing page bán hàng là việc thực hiện những thay đổi cần thiết để trang đích tăng hiệu quả và tỷ lệ chuyển đổi.
Các landing page bán hàng là thành phần quan trọng của các chiến dịch tiếp thị trực tuyến. Vai trò của chúng là đón toàn bộ lưu lượng truy cập từ các kênh quảng cáo. Do đó, tính thuyết phục và hiệu suất của các sale page có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Không ít nhãn hàng tiêu tốn khoản lớn chi phí và tài nguyên để quảng cáo và hướng lưu lượng truy cập đến các sales page. Việc tối ưu tốt landing page bán hàng có thể giúp:
- Giảm chi phí chi tiêu cho quảng cáo
- Tăng lượng khách mua hàng
- Tăng doanh số bán hàng
- Nâng cao độ tin cậy, nhận thức về thương hiệu.
4. 10 cách tối ưu landing page bán hàng giúp tăng chuyển đổi
Tối ưu hóa sale page đề cập đến quá trình nâng cao hoặc cải thiện các yếu tố như hình ảnh, nội dung, giao diện, CTA, khía cạnh kỹ thuật… Quá trình này cần dựa trên nhiều thử nghiệm và đo lường khác nhau.
Dưới đây là 10 cách thức và mẹo dễ áp dụng nhất để bạn bắt đầu tối ưu landing page của mình.
4.1 Đầu tư vào tiêu đề ấn tượng, hấp dẫn
Tiêu đề là một trong những phần quan trọng nhất trên trang landing page bán hàng, đóng vai trò thu hút sự chú ý của khách truy cập trong những giây đầu tiên. Dù vậy, rất nhiều trường hợp tiêu đề bị bỏ qua hoặc chỉ được viết qua loa, hời hợt.
Một trong những sai lầm thường gặp là sử dụng tên sản phẩm/ dịch vụ làm tiêu đề cho trang. Thay vì làm vậy, bạn nên dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng để tạo ra các tiêu đề hấp dẫn. Bạn có thể viết ra 10, thậm chí nhiều hơn các tiêu đề landing khác nhau. Sau đó, làm việc và hội ý với thành viên trong nhóm để chọn ra tiêu đề ấn tượng nhất.
4.2 Sử dụng bố cục nội dung landing page chuyển đổi cao
Bố cục content đóng vai trò quan trọng giúp người đọc dễ dàng tiếp cận nội dung trên page, đặc biệt là landing page bán hàng dạng dài. Khi hiểu được các bố cục này, người viết cũng dễ dàng sắp xếp từ ngữ có chủ đích hơn. Có hai bố cục text thường được áp dụng để tối ưu landing page là:
4.2.1 Mô hình chữ F
Bố cục mô hình chữ F cho biết các điểm nhìn chính của khách hàng, cũng như các khu vực trọng tâm để bạn có thể đặt các nội dung quan trọng nhằm thu hút khách hàng.
Cách thức hoạt động của mô hình này được mô tả như hình bên dưới:
Khi người dùng truy cập vào một trang landing page nào đó, họ sẽ có xu hướng di chuyển mắt từ vị trí (1) đến (5) như hình trên, cụ thể:
- Đầu tiên, người dùng di chuyển mắt từ trái sang phải ở trên đầu trang.
- Tiếp theo, người dùng di chuyển mắt xuống phía dưới một chút và một lần nữa đọc từ trái sang phải lần thứ 2. Lần này khu vực quét mắt thường ngắn hơn lần đầu.
- Cuối cùng, người dùng di chuyển mắt dọc theo phía trái màn hình từ trên xuống và hoàn tất việc di chuyển mắt theo mô hình chữ F.
Khi ứng dụng mô hình chữ F vào tối ưu nội dung landing page bán hàng, bạn có thể điều hướng người dùng đến các thông tin mình muốn truyền tải, giúp họ tiếp nhận thông tin nhanh, dễ nhớ hơn.
Theo đó, các nội dung quan trọng thì nên đặt ở trên (hero section và section thứ 2) và đặt phía bên trái. Bạn cũng nên viết tiêu đề phụ cho tất cả các phần nội dung, phân cấp và tách đoạn để khách hàng dễ nắm bắt thông tin.
4.2.2 Mô hình Tam giác ngược
Nhiều landing page bán hàng dạng dài ứng dụng mô hình tam giác ngược vì khách truy cập thường thích đọc nhanh, lấy thông tin nhanh. Chỉ có số ít người kiên nhẫn mới đọc đến hết Landing Page. Thông thường nhóm này là những người đã có nhu cầu mua hàng và đã tìm hiểu thông tin rõ ràng trước đó.
Việc tối ưu nội dung landing page bằng mô hình tam giác ngược giúp người dùng không bỏ lỡ các nội dung chính, quan trọng. Đồng thời, bố cục này cũng khuyến khích người dùng cuộn xuống để xem các thông tin bổ sung. Điều này giúp tăng thời gian khách ở lại trang, từ đó tăng cơ hội thuyết phục khách mua hàng.
4.3 Tối ưu thiết kế landing page bán hàng
Để tối ưu sale page đạt hiệu quả tốt, bạn cần chú ý đến giao diện thiết kế, màu sắc của trang cũng như khả năng thân thiện với thiết bị di động.
4.3.1 Đảm bảo giao diện trực quan, sinh động
Giao diện và cấu trúc tổng thể của thiết kế landing page bán hàng sẽ có tác động rất lớn đến hiệu quả của trang. Vì vậy, khi tối ưu, bạn cần đưa trang bán hàng về giao diện gọn gàng, trực quan với điều hướng rõ ràng, tự nhiên.
4.3.2 Lựa chọn màu sắc phù hợp
Một yếu tố cần lưu tâm khác khi tối ưu landing page bán hàng chính là màu sắc. Theo đó, những màu sắc khác nhau thường mang những ý nghĩa và đại diện cho những điều khác nhau. Sử dụng lý thuyết màu sắc phù hợp là một cách tuyệt vời để tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Các yếu tố quan trọng nhất cần xem xét khi lựa chọn màu sắc phù hợp với đối tượng mục tiêu của sale page là giới tính, tuổi tác, văn hóa và thói quen mua hàng. Đôi khi, chỉ với việc thay đổi màu sắc của nút “Mua ngay”, bạn đã có thể tác động đến mong muốn mua hàng của khách hàng.
4.3.3 Thân thiện với thiết bị di động
Phần lớn lưu lượng truy cập các trang web và landing page đến từ các màn hình nhỏ như điện thoại di động, máy tính bảng. Theo Statista.com, trong quý 4 năm 2022, có đến 59,16% lưu lượng truy cập trang web trên toàn thế giới là từ thiết bị di động.
Do đó, thiết kế sale page của bạn cần tối ưu để hiển thị chuẩn trên cả PC lẫn mobile. Điều này sẽ giúp người dùng có trải nghiệm tốt, không bị bỏ lỡ thông tin, vì vậy mà khả năng tạo chuyển đổi cũng tăng theo.
>> Có thể bạn quan tâm: 9 cách tối ưu landing page giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng
4.4 Thêm video vào landing page bán hàng
Video cho phép bạn truyền tải những ý tưởng hoặc câu chuyện mà hình ảnh và văn bản khó có thể làm được. Chúng giúp người dùng hình dung một cách gần gũi nhất cách sản phẩm/ dịch vụ của bạn phục vụ họ.
Việc thêm video vào để tối ưu landing page bán hàng là một trong những cách hiệu quả để tăng tỷ lệ chuyển đổi, đặc biệt khi tiếp thị bằng video đang là xu hướng trong những năm vừa qua.
Bạn có thể sử dụng video trong landing page bán hàng theo những cách sau:
- Video giải thích: Video giải thích cung cấp cho khách truy cập những gì họ cần biết về sản phẩm/ dịch vụ và thương hiệu của bạn ở định dạng ngắn gọn, dễ hiểu.
- Video chứng thực (Testimonial Video): Sử dụng video là một cách tuyệt vời để bạn đưa cảm nhận của khách hàng cũ vào sale page, khiến khách hàng tiềm năng của bạn tin tưởng và mua hàng.
- Video Background: Thay vì sử dụng ảnh tĩnh, bạn có thể dùng video trong khung nền để tạo ấn tượng với khách hàng và thu hút họ đến các nội dung bên dưới.
4.5 Đưa ra các thông tin kiểm chứng (Testimonials)
Những review, feedback hay cảm nhận của khách hàng ở sale page có thể giúp tăng chuyển đổi cho trang đích. Nhiều thử nghiệm đã chứng minh rằng các landing page có lời chứng thực hoạt động hiệu quả hơn những trang không có lời chứng thực.
Bạn có thể sử dụng các thông tin kiểm chứng này trong tối ưu landing page bán hàng dưới nhiều dạng khác nhau: Hình ảnh, trích dẫn cảm nhận, video, nội dung dạng Before – After, case study…
Lưu ý: Đối với các doanh nghiệp mới, chưa có khách hàng, bạn có thể thu thập những dẫn chứng này bằng cách:
- Cung cấp các mẫu thử miễn phí đến người dùng để nhận lại feedback
- Sử dụng trích dẫn từ một người có ảnh hưởng/ chuyên gia để mô tả vấn đề. Đây không phải là thông tin kiểm chứng nhưng có thể giúp thiết lập bối cảnh và khiến sản phẩm/ dịch vụ của bạn thêm phần tin cậy.
4.6 Thêm vào các ưu đãi hấp dẫn với giới hạn nhất định
Con người thường có xu hướng sợ bỏ lỡ những điều tốt đẹp. Do đó, việc đưa các ưu đãi hấp dẫn trong khoảng thời gian hoặc số lượng giới hạn sẽ khuyến khích khách hàng đưa ra quyết định mua hàng nhanh hơn.
Nếu bạn chỉ đưa ra ưu đãi mà không giới hạn thời gian, khách hàng có thể nghĩ rằng họ vẫn còn nhiều cơ hội mua hàng với giá rẻ. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ đưa bạn ra khỏi danh sách ưu tiên.
Vì vậy, khi tối ưu sale page, hãy luôn tạo tình huống để khách hàng nghĩ rằng họ cần phải hành động ngay. Bạn có thể tăng được tỷ lệ chuyển đổi nếu biết cách áp dụng giới hạn về thời gian hoặc số lượng.
4.7 Sử dụng Câu hỏi thường gặp
Phần Câu hỏi thường gặp (Frequently Asked Questions – FAQ) là nơi bạn giải quyết các mối quan tâm và câu hỏi phổ biến mà khách hàng đưa ra. Khi được sử dụng một cách thích hợp, phần FAQ có thể giúp khách hàng ở tất cả các giai đoạn của quy trình mua hàng giải quyết vấn đề của họ, cả khách hàng tiềm năng đang nghiên cứu sản phẩm lẫn khách hàng cũ cần hỗ trợ.
Việc thêm phần Câu hỏi thường gặp cũng sẽ giảm bớt sự lo lắng khi khách hàng mua hàng trực tuyến. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc đưa ra quyết định mua sắm từ khách hàng.
4.8 Loại bỏ các link không liên quan khi tối ưu landing page bán hàng
Trang landing page bán hàng của bạn chỉ có một nhiệm vụ duy nhất. Đó chính là thuyết phục khách truy cập nhấn vào nút CTA. Điều này có nghĩa là bất cứ thứ gì khiến họ mất tập trung khi nhấp vào nút đó đều cần được loại bỏ.
Một khi người dùng rời đi, bạn sẽ tốn thêm thời gian và tiền bạc để mời họ vào lại trang của bạn. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng sale page không có bất kỳ link nào để dẫn khách ra bên ngoài, như:
- Đường dẫn đến tài khoản mạng xã hội
- Liên kết đến thư viện lời chứng thực
Bạn cũng nên cân nhắc có cần thiết đưa thanh điều hướng ở trên cùng hoặc dưới cùng vào landing page của bạn hay không, nếu chúng không có quá nhiều giá trị và có thể khiến khách hàng phân tâm.
4.9 Tối ưu tốc độ tải trang
Kể từ khi có nhiều người sử dụng thiết bị di động để duyệt internet, tốc độ tải trang bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong trải nghiệm người dùng.
Tốc độ tải trang càng nhanh thì tỷ lệ thoát và các vấn đề liên quan đến việc rời bỏ trang càng thấp. Do đó, trong quá trình tối ưu landing page bán hàng, bạn nên lưu ý và cố gắng tăng tốc độ tải trang của mình lên cao nhất có thể.
Một vài cách giúp bạn nâng tối đa tốc độ tải trang:
- Tối ưu hóa hình ảnh: Sử dụng các công cụ nén hình ảnh để ảnh có dung lượng thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng
- Giảm thiểu CSS và JavaScript để tăng tốc độ tải trang
- Sử dụng mạng lưới phân phối nội dung: Giúp giảm thời lượng tải trang bằng cách phổ biến nội dung từ các máy chủ gần nhất với vị trí của khách truy cập.
4.10 Tiến hành A/B Testing khi tối ưu landing page bán hàng
Thử nghiệm A/B testing là phương pháp chia đối tượng cần kiểm tra thành hai phiên bản A và B rồi so sánh dựa trên những thay đổi nhất định nào đó.
Khi thử nghiệm, bạn nên phân tách và so sánh từng yếu tố, vì bạn sẽ không biết kết quả mới đến từ đâu nếu thay đổi nhiều yếu tố cùng lúc. Lặp lại quá trình A/B testing này cho những yếu tố khác đến khi có được tỷ lệ chuyển đổi kỳ vọng.
Bạn có thể kiểm tra hầu như mọi thứ trên trang đích. Nhưng nếu mới bắt đầu, bạn có thể thử một số yếu tố có tác động mạnh nhất, chẳng hạn:
- Tiêu đề
- Hình ảnh
- CTA (Màu sắc, nội dung lời kêu gọi hành động)
- Thông tin kiểm chứng
- Độ dài và các trường của biểu mẫu.
Tổng kết
Trên đây là một số phương pháp đơn giản và hiệu quả giúp bạn tối ưu landing page bán hàng. Hy vọng bạn sẽ áp dụng thành công và sở hữu những trang sale page chuyển đổi tốt, đem lại nhiều lợi ích cho chiến dịch và doanh nghiệp.
Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Dung