Cốt lõi của sự thành công trong chiến lược marketing của 7-Eleven là họ luôn lấy khách hàng làm trung tâm. Đây chính là tiền đề giúp thương hiệu này xây dựng được đội ngũ khách hàng trung thành và trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới.
Lấy khách hàng làm trọng tâm, sẵn sàng thay đổi để thích ứng – chiến lược này đã giúp 7-Eleven luôn giữ vững vị thế dẫn đầu trong ngành bán lẻ tiện lợi. Hãy cùng MISA tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé!
I. Tổng quan về 7-Eleven
1. Lịch sử hình thành
7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới với hơn 62,000 cửa hàng có mặt tại 19 quốc gia. Tiền thân của thương hiệu này là một đại lý nước đá có tên là Southland Ice, được sáng lập bởi J.C.Thompson vào năm 1927, với trụ sở đặt tại Dallas, Texas, Mỹ.
Thời điểm này chưa có tủ lạnh nên người ta luôn phải chứa các thực phẩm tươi trong thùng đá. Nhận thấy sự bất tiện này, ông đã mở những cửa hàng nước đá có bán thêm các loại thực phẩm tươi như bánh mì, trứng, sữa vào các buổi tối.
Các cửa hàng này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khách hàng. Lý do là khách có thời gian mua các loại thực phẩm cơ bản linh hoạt hơn mà không bị phụ thuộc vào các cửa hàng tạp hóa nữa.
Năm 1946, các cửa hàng này chính thức lấy tên là 7-Eleven. Chuỗi hoạt động từ 7h đến 23h, tất cả các ngày trong tuần.
2. Liên tục thay đổi để phát triển
Đến năm 1962, các hoạt động về đêm bắt đầu trở nên nhộn nhịp và phổ biến tại Mỹ. Thế nhưng người dân, đặc biệt là giới trẻ khó có thể tìm được cửa hàng nào mở cửa suốt đêm.
Nắm bắt xu hướng mua hàng mọi lúc này, 7-Eleven đã quyết định chuyển toàn bộ hệ thống sang phục vụ 24/7. Quyết định này đã giúp 7-Eleven trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi đầu tiên trên thế giới có dịch vụ này. Có thể nói, 7-Eleven đã mở ra khái niệm tiện lợi kiểu mới trên thế giới.
Trong những năm đầu thành lập, chiến lược marketing của 7-Eleven nhắm vào thị trường ngách giữa siêu thị và cửa hàng tạp hóa. Vì vậy, khu vực phát triển của họ là các vùng ngoại ô ở Hoa Kỳ.
Nhờ chọn thị trường ngách và mở cửa 24/7 – điều mà tạp hóa và siêu thị khi đó không làm được, đã giúp 7-Eleven nhanh chóng mở rộng khắp nước Mỹ. Tính đến năm 1963, thương hiệu này đã có 1.000 cửa hàng trên toàn nước Mỹ.
7-Eleven bắt đầu phát triển toàn cầu khi áp dụng mô hình nhượng quyền thương hiệu tại Canada, Mexico và các thị trường châu Á. Đặc biệt, nhận thấy tiềm năng của thị trường châu Á, 7-Eleven Corporation đã quyết định chuyển trụ sở công ty sang Nhật Bản vào năm 2001. Thậm chí, 7-Eleven còn được mệnh danh là chuỗi cửa hàng tiện lợi “đáng sợ nhất” thế giới khi cứ khoảng hai tiếng sẽ lại có một cửa hàng mới xuất hiện.
Nhìn lại hành trình phát triển của 7-Eleven trong nhiều thập kỷ qua, có thể thấy thương hiệu này liên tục có những thay đổi để thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng. Sự nhạy bén trong chiến lược marketing của 7-Eleven giúp hãng trở thành huyền thoại trong ngành bán lẻ thế giới.
II. Chiến lược marketing của 7-Eleven – “tiện lợi không lỗi thời”
1. Chiến lược địa phương hóa
Để có thể mở rộng quy mô trên toàn cầu, 7-Eleven đã sử dụng chiến lược địa phương hóa. Chiến lược này đòi hỏi công ty phải có những điều chỉnh phù hợp với văn hóa và lối sống tại thị trường họ muốn thâm nhập.
Chính vì vậy mà cửa hàng của 7-Eleven tại mỗi quốc gia sẽ có nhiều sự khác biệt thú vị. Đây trở thành điểm thu hút của chuỗi cửa hàng này khi luôn mang lại sự mới mẻ cho cả người dân địa phương và du khách. Và đó cũng là lý do giúp chuỗi cửa hàng tiện lợi này trở thành một phần trong cuộc sống của người dân địa phương mỗi nơi mà nó xuất hiện.
Chiến lược marketing của 7-Eleven tại Nhật Bản
Tại Nhật Bản, 7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi nhiều và nổi tiếng nhất. Cửa hàng tại Nhật được thiết kế theo một phong cách đặc trưng riêng, phù hợp với kiến trúc từng địa phương. Nó mang lại sự hài hòa, gắn kết với người dân ở từng khu vực.
Nếu những cửa hàng 7-Eleven tại Tokyo vẫn giữ được vẻ ngoài hiện đại, sang trọng thì các cửa hàng tại Kyoto – cố đô của Nhật Bản lại thường được thiết kế theo hướng cổ kính để tạo ra sự hài hòa với vẻ đẹp văn hóa truyền thống nơi đây.
7-Eleven Nhật cung cấp hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ cho các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Từ thực phẩm, đồ dùng hằng ngày đến dịch vụ photo, rút tiền, chuyển đổi ngoại tệ từ ATM Seven Bank, hay gửi thư, bưu kiện, thậm chí là xin giấy đăng ký cư trú.
Đặc biệt, tại đây còn có cả những sản phẩm giải trí như album âm nhạc hay poster của các thần tượng. Các sản phẩm về anime – đặc trưng của văn hóa Nhật rất được người dân và khách du lịch ưa chuộng – cũng có mặt trên các kệ hàng của thương hiệu này.
Ẩm thực cũng là một trong những thế mạnh của 7-Eleven Nhật Bản. Từ thực phẩm tươi sống đến thực phẩm chế biến sẵn đều được bày bán. Cửa hàng cũng có bán cả đồ uống, thuốc viên và các loại bột bổ sung vitamin và gel protein.
Cơ sở vật chất ở đây cũng được chú trọng, nhà vệ sinh luôn được giữ sạch sẽ và có cả bồn rửa mặt. Phải nói rằng, 7-Eleven Nhật Bản như một thế giới thu nhỏ, nơi bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn.
Chiến lược marketing của 7-Eleven tại Indonesia
Tại Indonesia, 7-Eleven nhận thấy rằng thị trường này thiếu những nơi mà người trẻ tuổi có thể đi chơi, ăn uống và truy cập internet miễn phí. Vì vậy, chiến lược marketing của 7-Eleven tại đây là biến cửa hàng như một nơi vui chơi giải trí hơn là một cửa hàng tiện lợi thông thường.
7-Eleven đã áp dụng mô hình kinh doanh kết hợp phục vụ cho nhiều đối tượng. Siêu thị nhỏ phục vụ đồ ăn sẵn rẻ tiền và nhà hàng có chỗ ngồi để phục vụ khách hàng đang tìm kiếm không gian giải trí ngoài trời.
Điểm thu hút khách hàng tại 7-Eleven Indonesia là cung cấp kết nối internet không dây miễn phí. Đây là điểm khác biệt đánh đúng nhu cầu sử dụng mạng xã hội của người dân địa phương vào thời điểm 7-Eleven bắt đầu có mặt tại thị trường này.
Thương hiệu này đã tận dụng các công cụ digital marketing để truyền thông rộng rãi đến khách hàng. Nhờ đó, mà 7-Eleven đã trở thành nơi giới trẻ Indonesia tụ tập hàng đêm, sau những giờ học và làm việc căng thẳng.
Đáng chú ý hơn, 7-Eleven thường cung cấp địa điểm biểu diễn miễn phí hoặc với chi phí thấp cho các nghệ sĩ địa phương. Việc nắm bắt đúng nhu cầu của thị trường và linh hoạt thay đổi, hợp thời là yếu tố then chốt tạo nên thành công của 7-Eleven Indonesia.
Chiến lược marketing của 7-Eleven tại Đài Loan
Với người Đài Loan, 7-Eleven thậm chí còn phổ biến hơn cả Starbucks. Riêng tại Đài Bắc đã có hơn 4.400 cửa hàng.
Nét đặc trưng của 7-Eleven Đài Loan là ẩm thực đa dạng. Nhiều người ca tụng rằng ăn uống tại 7-Eleven là một cách khám phá ẩm thực Đài Loan mà vẫn tiết kiệm chi phí. Những món đặc trưng xứ Đài như mì bò, cơm heo hầm, bánh bao hấp lồng,… Để đáp ứng văn hóa thưởng trà của người Đài Loan, 7-Eleven cũng cung cấp đa dạng các loại trà như trà đen, trà xanh, trà ô long, trà sữa,…
>> Xem thêm: [Hướng dẫn] 7 bước nghiên cứu thị trường hiệu quả nhất trong marketing
7-Eleven Đài Loan còn cung cấp nhiều tiện ích khác như thanh toán các loại hóa đơn hoặc chuyển tiền, photo tài liệu, bảo dưỡng xe đạp… Một số cửa hàng thậm chí còn có cả dịch vụ sấy đồ.
Chuỗi cửa hàng này còn như một đại lý du lịch, bạn có thể đặt vé tàu, vé xe, đặt phòng khách sạn hay nhận hoàn tiền tại đây nếu có nhu cầu hủy vé. Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng này còn là địa điểm giao nhận hàng của những người thích mua sắm trực tuyến.
7-Eleven Đài Loan còn bắt đầu áp dụng công nghệ kỹ thuật vào phục vụ khách hàng. Có thể kể đến các kệ hàng kỹ thuật số hay công nghệ nhận diện khuôn mặt ở các cửa hàng không nhân viên. Dù mới nhưng lại nhận được nhiều phản hồi tốt của khách hàng bởi nó phù hợp với cuộc sống hiện đại, nơi đề cao sự tiện lợi và nhanh chóng.
Chiến lược marketing của 7-Eleven tại Việt Nam
Khi gia nhập thị trường Việt Nam, mục tiêu của 7-Eleven là tạo ra sự khác biệt trong ngành mua sắm bán lẻ tại đây. Thương hiệu này đã tận dụng mạng xã hội để lắng nghe người dùng mạng phát biểu quan điểm về các món ăn Việt Nam, từ đó đưa ra chiến lược sản phẩm phù hợp.
7-Eleven là một trong những thương hiệu lớn cuối cùng vào Việt Nam. Vì vậy, họ phải tạo sự khác biệt để giành được thị phần. Và thực phẩm tươi là một phần quan trọng trong chiến lược ở thị trường này.
Thương hiệu này cung cấp những bữa ăn nhanh gọn nhưng đầy đủ dinh dưỡng cho khách hàng. Cửa hàng có cả những món ăn đường phố Việt như bánh tráng trộn, trứng vịt lộn, bắp xào, gỏi cuốn, xôi, chè,… . Đây còn là một trong số ít cửa hàng tiện lợi có bán cơm trưa tự chọn cho người dùng.
Điều này, một lần nữa thể hiện sự nhất quán trong chiến lược marketing của 7-Eleven đó là địa phương hóa, lấy khách hàng làm cốt lõi.
Trong chiến lược marketing địa phương hóa, 7-Eleven đã tìm hiểu kỹ những thói quen và văn hóa của người dân địa phương để tạo nên những trải nghiệm tinh tế cho khách hàng. Trong khi những nhà bán lẻ khác gặp khó khăn trong việc nhân rộng mô hình ra nước ngoài thì 7-Eleven đã mở rộng tới 17 quốc gia khác nhau.
Có thể thấy, chiến lược marketing của 7-Eleven đã thực sự thành công. Họ thâm nhập thị trường đúng đắn ngay từ ban đầu thông qua việc hợp tác với đối tác địa phương để nắm bắt kiến thức thị trường.
Nhờ vậy, 7-Eleven không chỉ nhanh chóng thâm nhập và phát triển tại nhiều nơi trên thế giới mà nó còn thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân địa phương. Chuỗi cửa hàng tiện lợi này có hầu hết mọi thứ thiết yếu mà người tiêu dùng cần. Chính sự thuận tiện này đã giúp 7-Eleven trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người bản địa.
>> Xem thêm: Khách hàng mục tiêu là gì & 5 cách xác định khách hàng mục tiêu
2. Phát triển các sản phẩm chiến lược mang nhãn hiệu riêng
Ngày nay, khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn trong việc mua sắm tiện lợi. Vì vậy, chiến lược marketing của 7-Eleven đã tạo khác biệt bằng cách phát triển các sản phẩm có nhãn hiệu của riêng mình thay vì chỉ phân phối các sản phẩm bán lẻ như đối thủ cạnh tranh.
Các nhãn hiệu này không chỉ góp phần làm tăng doanh thu mà còn là lý do nhiều khách hàng nhớ đến và lựa chọn 7-Eleven. Điều này đã được chứng minh qua thực tế, thương hiệu này liên tục phát triển các nhãn hiệu nổi tiếng không thua kém gì thương hiệu 7-Eleven.
Slurpee – Đồ uống mang biểu tượng văn hóa đại chúng ở Mỹ
Slurpee là nhãn hiệu đầu tiên và đã trở thành biểu tượng của 7-Eleven. Đây là loại đồ uống có ga đông lạnh, tạo thành hỗn hợp mịn, xốp, có bọt và được phục vụ ở nhiệt độ 280C.
Slurpee đã trở thành thức uống được hàng triệu người yêu thích. Đây là thương hiệu độc quyền nổi tiếng nhất của 7-Eleven và trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng ở Mỹ. Slurpee zone cũng là khu vực nhộn nhịp nhất trong các cửa hàng 7-Eleven. Đây là nơi tụ tập ưa thích của giới trẻ. Họ dành thời gian trò chuyện và đùa giỡn trong lúc pha chế loại đồ uống đông lạnh yêu thích của mình.
Theo đó, 7-Eleven luôn có những chiến dịch marketing đặc biệt cho dòng sản phẩm này. Điển hình như vào ngày 7/11 hằng năm, thương hiệu này sẽ tặng hàng triệu lít Slurpee miễn phí để kỷ niệm thành lập công ty. 7-Eleven Mỹ còn tặng các ly Slurpee nhỏ khi mua khách hàng ghé mua nhiên liệu.
Ngoài ra, những chiếc cốc uống nước Slurpee còn được thiết kế đặc biệt tùy theo từng chiến dịch như hình quái vật, ngôi sao nhạc rock ‘n’ roll hay các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
7-Eleven cũng cung cấp các giải thưởng miễn phí hay các trò chơi thú vị cho khách hàng khi mua Slurpee. Nhiều khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ thừa nhận rằng Slurpee chính là nhân tố thu hút họ ghé thăm chuỗi cửa hàng tiện lợi này.
Chuỗi cửa hàng này cũng liên tục nghiên cứu khách hàng và cho ra mắt các hương vị mới để làm đa dạng dòng sản phẩm.
Chiến lược marketing của 7-Eleven thay đổi nhanh nhẹn khi ra mắt Slurpee Juice và Sports Slurpee. Đó là khi hãng này nhận thấy người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các loại đồ uống tốt cho sức khỏe.
Những sản phẩm mới này đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thanh thiếu niên về nước ép trái cây và đồ uống bù nước, đồng thời cũng giúp giữ chân khách hàng hiện tại và thu hút thêm khách hàng mới.
Seven Premium – Dòng sản phẩm chất lượng cao của 7-Eleven
7-Eleven còn phát triển một nhãn hiệu riêng là Seven Premium, chuyên bán các sản phẩm chất lượng cao. Nhãn hiệu này được phát triển khi 7-Eleven nhận ra người tiêu dùng bắt đầu mua sắm thận trọng hơn và chọn lựa sản phẩm dựa vào chất lượng hơn là dựa vào giá bán.
Khuynh hướng xem trọng giá trị hàng hóa này đã khiến 7-Eleven phải thay đổi chiến lược sản phẩm. 7-Eleven cũng chú trọng lựa chọn sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng địa phương để bán tại mỗi cửa hàng.
Seven Premium hiện có hơn 3.600 mặt hàng, từ đồ ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn cho đến thịt và rau tươi. Bánh phô mai nướng, salad gà, cuộn cá ngừ sốt mayonnaise là các sản phẩm nổi tiếng của nhãn hiệu này.
Tại Nhật, Seven Premium rất được ưa chuộng do chất lượng cao mà giá thành lại rất phải chăng. Bí quyết nổi tiếng của nhãn hiệu này là hợp tác phát triển với các nhà sản xuất nổi tiếng cho từng sản phẩm, tôn trọng chất lượng cao cấp và sự tiện lợi. Chính cách làm này đã giúp Seven Premium nổi bật giữa các nhãn hiệu khác trên kệ hàng của 7-Eleven.
7-Eleven “bắt đầu” lấn sân sang lĩnh vực mỹ phẩm
Đầu năm 2022, 7-Eleven còn lấn sân sang lĩnh vực mỹ phẩm khi cho ra mắt dòng sản phẩm Coffee Body Scrub. Đây là sản phẩm tẩy tế bào chết làm từ cà phê với giá chỉ 1 USD, bằng giá một ly cà phê.
Sản phẩm này được sản xuất tại Úc với thành phần 100% từ thiên nhiên và thuần chay. Hiện đang được bán thông qua Adore Beauty và được quảng cáo rầm rộ bởi nữ diễn viên người Úc Olympia Valance.
Chiến dịch quảng cáo 7-Eleven Coffee Body Scrub có thông điệp vui nhộn. Họ mang tới thông điệp: chất lượng cà phê tại 7-Eleven không chỉ xứng đáng để uống mà còn có thể nâng niu cơ thể bạn.
Chiến dịch thú vị cùng chất lượng sản phẩm được đánh giá cao đã giúp Coffee Body Scrub nhận được nhiều phản ứng tích cực từ các tín đồ làm đẹp nói chung và fan nhà 7-Eleven nói riêng. Chiến dịch không chỉ giúp thương hiệu này quảng bá sản phẩm mới mà còn khẳng định chất lượng cà phê tại 7-Eleven, giúp doanh số cà phê tại cửa hàng tăng đáng kể.
Có thể thấy, 7-Eleven đang xây dựng cho mình một đế chế riêng, vượt ra khỏi chuẩn mực cửa hàng tiện lợi thông thường. Mỗi một sản phẩm mà 7-Eleven đưa ra thị trường đều giúp thương hiệu này tạo được lợi thế khác biệt và để lại dấu ấn trong lòng khách hàng. Chính vì thế, phát triển sản phẩm chiến lược đã trở thành mũi nhọn trong chiến lược marketing của 7-Eleven.
>> Xem thêm: CRM có thể giúp gì cho các chiến dịch marketing của doanh nghiệp?
3. Luôn dẫn đầu xu hướng
7-Eleven luôn là thương hiệu đi đầu trong việc mang lại sự tiện lợi cho khách hàng. Nhu cầu của khách hàng ở mỗi thời kỳ sẽ khác nhau nên khái niệm tiện lợi luôn thay đổi.
Để dẫn đầu xu hướng, đòi hỏi những chiến lược marketing của 7-Eleven phải bài bản để phát triển lâu dài. Sự tiện lợi mà 7-Eleven hướng đến là sự toàn diện, bất cứ điểm chạm nào giữa 7-Eleven và khách hàng đều khiến khách hàng thoải mái nhất và đáp ứng tốt nhu cầu nhất.
Chiến lược phân phối hợp lý
Đối với ngành hàng bán lẻ, chiến lược phân phối là yếu tố rất quan trọng trong chiến lược marketing của 7-Eleven. Chính vì vậy, để nhanh chóng mở rộng thị trường và tạo điều kiện cho khách hàng tìm kiếm cửa hàng mua sắm dễ dàng hơn, 7-Eleven sử dụng chiến lược phân phối thông minh qua hình thức nhượng quyền thương mại. Hình thức này giúp 7-Eleven nhanh chóng phát triển thương hiệu và hệ thống cửa hàng, giảm vốn đầu tư và chi phí quản lý.
Không những vậy, nhờ hợp tác với đối tác địa phương, 7-Eleven tăng cơ hội thâm nhập thị trường thành công. Mỗi địa điểm 7-Eleven lựa chọn mở cửa hàng đều được thương hiệu này nghiên cứu kỹ lưỡng. Họ tìm hiểu về nhu cầu và xu hướng tiêu dùng ở khu vực đó, bởi họ luôn muốn đảm bảo khách hàng có được sự thoải mái tốt nhất khi sử dụng dịch vụ tại chuỗi cửa hàng này.
Không gian bán hàng cũng là một yếu tố giúp 7-Eleven luôn duy trì được lợi thế dẫn đầu của mình. Các cửa hàng sẽ được bày trí nhằm thuận tiện cho hoạt động mua sắm của khách hàng.
Sản phẩm luôn được đảm bảo trong tình trạng tốt nhất và có sẵn trên kệ hàng khi khách hàng có nhu cầu mua sắm. Không gian cửa hàng luôn được giữ gìn gọn gàng, sạch sẽ. Nhân viên có thái độ vui vẻ và thân thiện với khách hàng. Việc duy trì toàn bộ hệ thống cửa hàng đồng nhất về chất lượng phục vụ đã giúp 7-Eleven có được sự trung thành của nhiều khách hàng.
Tối ưu trải nghiệm khách hàng
7-Eleven không chỉ đơn thuần là nơi khách hàng đến để mua những nhu yếu phẩm cần thiết mà đó còn là nơi họ có thể tận hưởng sự thoải mái. Ngay từ lúc bước vào cửa hàng, khách hàng sẽ được chào đón với không khí nồng nhiệt. Tiếng chuông cửa kêu leng keng cùng tiếng chào thân thiện của nhân viên cửa hàng mở ra cho khách hàng một không gian thoải mái, có thể đáp ứng mọi nhu cầu của họ.
Cùng với đó, 7-Eleven còn ra mắt ứng dụng di động 7REWARDS để phục vụ nhu cầu mua sắm online. Ứng dụng này cho phép khách hàng đặt và nhận hàng trong vòng 30 phút, thanh toán các hóa đơn trực tuyến, nhận các thông tin ưu đãi… Thương hiệu này cũng kích cầu tiêu dùng bằng cách cho khách hàng tích điểm mỗi lần mua hàng để đổi lấy những mã giảm giá siêu hấp dẫn.
Đây là một trong những cửa hàng tiện lợi đầu tiên phát triển ứng dụng di động. Và cũng là chuỗi cửa hàng tiện lợi đầu tiên cho phép tích hợp ví điện tử trên ứng dụng 7REWARDS nhằm hỗ trợ các hình thức thanh toán khác nhau.
Việc phát triển ứng dụng di động riêng giúp 7-Eleven có thêm kênh tương tác và thu thập dữ liệu từ khách hàng, từ đó có nền tảng để triển khai các chiến dịch marketing hiệu quả và giữ chân khách hàng.
Để có thể am hiểu khách hàng mục tiêu và tung ra các chiến lược marketing phù hợp như 7-Eleven, các doanh nghiệp có thể sử dụng bộ giải pháp sale – marketing toàn diện của MISA. Bộ giải pháp bao gồm phần mềm quản lý bán hàng MISA AMIS CRM và giải pháp Marketing MISA AMIS aiMarketing.
Có được chân dung khách hàng, thấu hiểu hành vi khách hàng dựa trên báo cáo của CRM, doanh nghiệp sẽ hành động ngay các chiến dịch Marketing trên aiMarketing một cách nhanh chóng, tự động để không bỏ lỡ cơ hội bán hàng.
Dùng thử bộ giải pháp để khám phá hàng loạt tính năng hấp dẫn tại đây
Thích nghi trong từng hoàn cảnh
Đặc biệt, thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra cũng là lúc nhiều thói quen tiêu dùng thay đổi. Nhận thấy khách hàng gặp nhiều bất tiện do bị ảnh hưởng bởi các chính sách phòng chống dịch của các nước, 7-Eleven đã có những điều chỉnh nhằm đảm bảo cung cấp được sự tiện lợi cho khách hàng.
Cụ thể, thương hiệu đã bổ sung thêm các gói hàng có kích thước lớn hơn phù hợp cho nhu cầu mua mang về của thị trường. Đồ dùng cần thiết cho gia đình và thực phẩm cũng được gia tăng số lượng bán nhằm đảm bảo có đủ hàng cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, thời điểm bán các mặt hàng cũng thay đổi. Chẳng hạn, dịch bệnh khiến nhiều người thay đổi thói quen uống cà phê từ buổi sáng trên đường đến văn phòng sang buổi chiều khi kết thúc các buổi họp online.
Vì vậy, 7-Eleven đã thay đổi số lượng cà phê tại các thời điểm để phù hợp với thói quen của người tiêu dùng. Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch thì chính sự thay đổi linh hoạt theo nhu cầu của khách hàng đã giúp 7-Eleven vượt qua được khủng hoảng nhờ chứng minh được tầm quan trọng của mình trong cuộc sống của người tiêu dùng.
Điểm nổi bật của 7-Eleven là họ luôn đảm bảo mọi nhu cầu của khách hàng đều sẽ được đáp ứng. Dù nhu cầu của khách hàng có thay đổi theo thời gian, khái niệm tiện lợi của mỗi thời cũng mỗi khác nhưng sự thay đổi linh hoạt đã giúp 7-Eleven mang lại sự tiện lợi không bao giờ lỗi thời. Chính chiến lược đúng đắn đã giúp chuỗi cửa hàng tiện lợi này giữ chân khách hàng lâu dài.
>> Xem thêm: Retention Rate là gì? 7 Cách tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng
4. Sáng tạo sự độc đáo dựa trên nhu cầu của khách hàng
Hiểu khách để sáng tạo cho khách thích
Sáng tạo luôn là điểm nổi bật trong những chiến lược marketing của 7-Eleven. Điểm cốt lõi là họ nắm bắt mong muốn của khách hàng một cách nhanh chóng, nhờ đó 7-Eleven có thể điều chỉnh các chiến lược sản phẩm, giá, phân phối, xúc tiến để cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng của khách hàng.
Để có thể phục vụ khách hàng một cách chu đáo nhất, thương hiệu đã lưu trữ tất cả thông tin về thói quen mua hàng của khách hàng, chủng loại sản phẩm được nhiều người lựa chọn hay dự báo thời tiết của ngày hôm sau. Từ đó, dự báo nhu cầu và tính toán số lượng hàng hóa cần phân phối, trưng bày tại mỗi cửa hàng.
Không chỉ có vậy, 7-Eleven còn tung ra các thực phẩm dành riêng cho từng mùa trong năm. Mỗi mùa sẽ có những dòng bánh ngọt hoặc đồ uống khác nhau và thậm chí mùa xuân năm nay cũng sẽ khác với mùa xuân năm trước.
Ngoài sản phẩm do cửa hàng chế biến, 7-Eleven còn làm phong phú kệ hàng của mình qua việc hợp tác với các nhà phân phối độc quyền. Đây cũng là cách mà thương hiệu này tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, biến mình thành nơi duy nhất khách hàng có thể tìm kiếm một sản phẩm nào đó.
7-Eleven không ngại đổi mới và sáng tạo để thỏa mãn nhu cầu khách hàng, dù đó là nhu cầu khác lạ nhất. Tiêu biểu là mùa hè năm 2020, 7-Eleven đã chính thức đưa thương hiệu chocolate Godiva của Bỉ – một thương hiệu cao cấp lên kệ hàng của mình.
Đây là dòng chocolate do nhà sản xuất chất lượng cao của Bỉ sản xuất và 7-Eleven phân phối độc quyền, với hình ảnh vui tươi và mức giá rất phải chăng. Việc một thương hiệu cao cấp được bày bán trên kệ hàng của một cửa hàng tiện lợi là điều chưa từng có tiền lệ.
7-Eleven một lần nữa lại khẳng định đẳng cấp dẫn đầu khi xóa bỏ định nghĩa cửa hàng tiện lợi thông thường, nơi chỉ bán những mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng.
Nhiều người lo ngại chiến lược phát triển sản phẩm mới này của 7-Eleven là điều khó chấp nhận và đi ngược chiến lược kinh doanh cơ bản. Tuy nhiên, đây là chiến lược mà thương hiệu này đưa ra sau một thời gian dài nghiên cứu thị trường, dựa trên các cuộc khảo sát chi tiết về thói quen và hành vi của nhóm khách hàng mục tiêu của họ – giới trẻ.
Thực tế đã chứng minh, những người trẻ vô cùng thích thú khi có thể tiếp cận các sản phẩm cao cấp một cách dễ dàng. Họ cho rằng môi trường tại cửa hàng 7-Eleven khiến họ thoải mái trong việc lựa chọn các sản phẩm cao cấp hơn.
Sáng tạo không giới hạn dựa trên sự thấu hiểu
Có thể thấy, sự sáng tạo của 7-Eleven là không giới hạn, họ tạo ra những điều tưởng chừng như không thể, nhưng thực chất những điều đó đều dựa trên góc nhìn của khách hàng. Chính vì vậy mà các chiến dịch của họ đều được đông đảo người tiêu dùng ủng hộ.
Sự sáng tạo linh hoạt của 7-Eleven còn thể hiện rõ ràng với mô hình “hệ thống thống trị” tại Nhật Bản. Thay vì cố gắng mở rộng trên phạm vi như thường lệ (phát triển đại trà), hệ thống này sử dụng chiến lược tập trung phát triển tại một khu vực để có thể phục vụ tốt người dân địa phương.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven Nhật cũng giảm được thời gian và chi phí vận chuyển để có thể cung cấp giá bán phải chăng cho khách hàng. Đó là lý do ở một số tỉnh tại Nhật có rất nhiều cửa hàng 7-Eleven, nhưng một số tỉnh khác thì lại không có.
Chiến lược marketing của 7-Eleven tạo hiệu ứng truyền miệng do độ phủ của các cửa hàng này rất dày, khiến nhiều người dân địa phương biết đến và thảo luận về nó. Nhờ vậy mà 7-Eleven có thể tiết kiệm chi phí quảng cáo trên truyền hình và các phương tiện khác.
Ngoài ra, thương hiệu này cũng dễ dàng kiểm soát chất lượng tại các cửa hàng vì khoảng cách giữa các điểm bán rất gần nhau. Người quản lý có thể di chuyển giữa các cửa hàng để thực hiện các công tác kiểm tra ,đánh giá mà vẫn tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí.
Đặc biệt, 7-Eleven luôn có những giải pháp độc đáo để hiểu rõ khách hàng của mình. Thương hiệu này xây dựng hẳn một kênh podcast để mọi người thảo luận các chủ đề xoay quanh 7-Eleven. Việc luôn luôn lắng nghe người tiêu dùng cho thấy nỗ lực của chuỗi cửa hàng tiện lợi này trong việc thỏa mãn nhu cầu và không ngại đổi mới để phù hợp với khách hàng của mình.
Từ chiến lược marketing của 7-Eleven, ta thấy việc thấu hiểu khách hàng vô cùng quan trọng. Nhiều doanh nghiệp đang mất đi khách hàng tiềm năng vì không quản lý được các dữ liệu khách hàng của mình.
Chính vì vậy áp dụng công cụ để quản lý khách hàng vô cùng quan trọng. Bộ giải pháp sale – marketing toàn diện của MISA bao gồm phần mềm quản lý bán hàng MISA AMIS CRM và giải pháp MISA AMIS aiMarketing sẽ giúp bạn giải đáp được khó khăn này. Hơn 8000 doanh nghiệp đã tin dùng để nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng, tăng tỷ lệ chốt sale thành công.
III. Kết luận
Chiến lược marketing của 7-Eleven tập trung vào giá trị cốt lõi là dựa trên nhu cầu của khách hàng, từ đó mang đến “sự tiện lợi không lỗi thời” và tạo được sự khác biệt trong lĩnh vực bán lẻ đầy cạnh tranh này. Đặc biệt là trong thời kỳ mà khách hàng ngày càng đề cao sự thuận tiện, linh hoạt và những giải pháp thông minh trong tiêu dùng.
Chính những lợi ích dịch vụ cùng với chiến lược marketing thấu hiểu khách hàng đã giúp 7-Eleven giữ vững thị phần trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới.
Tin bài liên quan:
- Phân tích chiến lược Marketing của VinFast chi tiết nhất
- Chiến lược marketing của Gojek – Siêu ứng dụng mới tốt nhất Việt Nam
- Phân tích chiến lược Marketing của Grab tại Việt Nam chi tiết nhất
Tác giả: Nguyễn Thị Phương Thanh