Marketing Inbound Marketing Marketing 4P là gì? 6 bước xây dựng mô hình Marketing Mix...

Marketing 4P (hay còn gọi là Marketing Mix) là một mô hình Marketing hiệu quả giúp doanh nghiệp có thể xác định chính xác sản phẩm mà mình cần cung cấp, định giá sản phẩm phù hợp, xây dựng được các kênh phân phối thuận tiện cho khách hàng và tối ưu được những chiến dịch quảng cáo, truyền thông sản phẩm. 

Marketing 4P là gì

Mô hình Marketing 4P là một mô hình nổi tiếng gồm 4 yếu tố cơ bản góp phần rất lớn vào việc xây dựng & phát triển các chiến lược marketing, giúp doanh nghiệp có thể tăng tỉ lệ chuyển đổi và bứt phá doanh thu bán hàng.

Vậy mô hình Marketing 4P chính xác là gì? Đâu là 4 yếu tố chính cấu tạo nên mô hình Marketing 4P? Làm thế nào để áp dụng mô hình này một cách hiệu quả? Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu chi tiết về mô hình Marketing 4P tại bài viết này. 

Marketing 4P là gì?

Marketing 4P là một mô hình marketing hỗn hợp (Marketing Mix) được phát triển bởi E. Jerome McCarthy – một chuyên gia về marketing nổi tiếng vào những năm 1960s. Mô hình này bao gồm 4 yếu tố chính: Sản phẩm (Product), Giá cả (Price), Địa điểm (Place), Quảng cáo (Promotion).

marketing mix 4p là gì

Về cơ bản, mô hình Marketing 4P trả lời cho 4 câu hỏi sau:

  • Sản phẩm (Product): Doanh nghiệp sẽ bán gì?
  • Giá cả (Price): Doanh nghiệp sẽ định giá sản phẩm mà mình cung cấp như thế nào? 
  • Địa điểm (Place): Doanh nghiệp sẽ bán sản phẩm ở đâu?
  • Quảng cáo (Promotion): Doanh nghiệp sẽ quảng bá sản phẩm của mình tới khách hàng như thế nào?

Đọc thêm: Định giá sản phẩm là gì? 10 chiến lược định giá sản phẩm phổ biến trong marketing

Các yếu tố chính của mô hình Marketing 4P

Mô hình Marketing 4P bao gồm 4 yếu tố chính

1. Sản phẩm (Product) 

Sản phẩm là thứ mà doanh nghiệp sẽ phát triển hoặc sản xuất với mục đích đáp ứng được nhu cầu hay giải quyết vấn đề của một nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể. Sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp có thể ở dưới dạng vô hình (dịch vụ) hoặc hữu hình (hàng hóa). 

Để có thể cung cấp được những sản phẩm phù hợp, doanh nghiệp cần hiểu rõ về phân khúc thị trường mục tiêu mà mình định hướng tới cũng như chân dung khách hàng mà mình sẽ phục vụ. 

Thị trường mục tiêu là sự phân khúc khách hàng vào từng nhóm nhất định phù hợp với chiến lược, mục tiêu của từng doanh nghiệp. Hay nói cách khác, thị trường mục tiêu bao gồm những khách hàng tiềm năng thực sự quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Nhóm khách hàng cụ thể này là nhóm khách hàng mà doanh nghiệp muốn tiếp cận thông qua các hoạt động và chiến dịch marketing của mình. Đây là nhóm khách hàng có khả năng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp hơn là với những nhóm khách hàng khác. Đối với nhóm khách hàng mục tiêu, họ có chung những đặc điểm như: nhân khẩu học, trình độ học vấn, thu nhập, tâm lý và hành vi,…

phân loại thị trường mục tiêu

Bằng cách nghiên cứu thị trường mục tiêu, doanh nghiệp có thể hiểu được nhóm khách hàng lý tưởng của mình là ai. Khi tiếp cận nhóm khách hàng này, doanh nghiệp sẽ không cần phải cố gắng thuyết phục họ quá nhiều để mua sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, bởi họ đã có nhu cầu sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp từ trước đó rồi. Tất cả những gì doanh nghiệp cần làm là khiến họ biết nhiều hơn đến thương hiệu sản phẩm của mình và cung cấp dịch vụ khách hàng hiệu quả. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không thể phát triển sản phẩm phù hợp nếu không vẽ được chân dung khách hàng (buyer persona). Việc vẽ buyer persona sẽ giúp doanh nghiệp hiểu người mua của mình tốt hơn, từ đó xác định được sản phẩm như thế nào sẽ đáp ứng được nhu cầu hay giải quyết được vấn đề của họ. 

Dưới đây là những bài viết hay về cách xác định, nghiên cứu thị trường mục tiêu cũng như cách vẽ chân dung khách hàng mà anh/chị có thể tham khảo:

Để phát triển được những sản phẩm phù hợp, doanh nghiệp có thể trả lời những câu hỏi sau: 

  • Khách hàng muốn gì từ dịch vụ hoặc sản phẩm của doanh nghiệp?
  • Khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm như thế nào?
  • Khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm ở đâu?
  • Sản phẩm phải có những tính năng gì để đáp ứng nhu cầu của khách hàng?
  • Có bất kỳ tính năng cần thiết nào của sản phẩm mà doanh nghiệp cần phát triển không?
  • Doanh nghiệp có đang phát triển các tính năng mà khách hàng không cần đến không?
  • Tên của sản phẩm là gì?
  • Kích cỡ, màu sắc, tên của sản phẩm có thu hút sự chú ý?
  • Vẻ ngoài, bao bì của sản phẩm trông ra sao?
  • Sản phẩm của doanh nghiệp khác với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh như thế nào?

2. Giá cả (Price) 

Giá của sản phẩm về cơ bản là số tiền mà khách hàng cần chi trả để có thể sử dụng sản phẩm. Giá cả là một yếu tố quan trọng trong Marketing 4P bởi yếu tố này quyết định doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Việc định giá sản phẩm có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ chiến lược marketing cũng như ảnh hưởng lớn đến doanh số và nhu cầu của sản phẩm.

yếu tố giá trong marketing 4p

Tuy nhiên, định giá sản phẩm một cách phù hợp không phải là điều dễ dàng đối với doanh nghiệp. 

Khi định giá sản phẩm quá cao, doanh nghiệp sẽ bỏ qua những cơ hội bán hàng và những khách hàng tiềm năng có giá trị. Nhưng khi định giá sản phẩm quá thấp, doanh nghiệp sẽ mất đi những khoản doanh thu bán hàng quan trọng. Vì vậy, việc lên chiến lược định giá sản phẩm phù hợp là điều mà các nhà quản lý cần chú trọng.

Việc định giá phụ thuộc vào chi phí trung bình, giá trị của sản phẩm đối với khách hàng và giá trị của sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, trong khi định giá sản phẩm, doanh nghiệp sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như: chi phí mua hàng, chi phí sản xuất, thị trường mục tiêu, đối thủ cạnh tranh, thương hiệu cũng như chất lượng của sản phẩm.

Nhu cầu của khách hàng chỉ có thể được chuyển đổi thành mua hàng nếu khách hàng sẵn lòng và có khả năng chi trả cho sản phẩm. Vì thế, định giá sản phẩm hiệu quả là việc quan trọng trong các hoạt động marketing và bán hàng của doanh nghiệp. Định giá sẽ được sử dụng như một quyết định chiến thuật nhằm giải quyết các tình huống cạnh tranh với đối thủ, các tình huống đối với thị trường mục tiêu cũng như liên quan đến doanh nghiệp.  

Một số chiến lược định giá sản phẩm phổ biến mà doanh nghiệp có thể áp dụng có thể được kể đến như:

  • Định giá sản phẩm cạnh tranh (Competition-Based Pricing Strategy)
  • Định giá theo chi phí (Cost-Based Pricing)
  • Định giá xâm nhập thị trường (Penetration Pricing Strategy)
  • Định giá tiết kiệm (Economy Pricing Strategy)
  • Định giá Premium (Premium Pricing Strategy)
  • Định giá Freemium (Freemium Pricing Strategy)
  • Định giá theo tâm lý khách hàng (Psychology Pricing Strategy)
  • Định giá theo giá trị (Value-Based Pricing Strategy)

Anh/chị có thể tìm hiểu chi tiết về các chiến lược định giá sản phẩm hiệu quả qua bài viết: Định giá sản phẩm là gì? 10 chiến lược định giá sản phẩm phổ biến trong marketing

Dưới đây là một số câu hỏi quan trọng mà doanh nghiệp nên tự hỏi khi định giá sản phẩm:

  • Doanh nghiệp đã tốn bao nhiêu tiền để sản xuất sản phẩm?
  • Giá trị sản phẩm theo cảm nhận của khách hàng là gì?
  • Doanh nghiệp có những chương trình chiết khấu bán hàng nào?
  • Giá hiện tại của sản phẩm có phải là mức giá cạnh tranh so với đối thủ không?

3. Địa điểm (Place)

Địa điểm hay cách mà doanh nghiệp phân phối sản phẩm là một phần rất quan trọng của Marketing 4P. Doanh nghiệp cần phải định vị và phân phối sản phẩm ở một nơi mà người mua tiềm năng (potential buyer) có thể tiếp cận được một cách dễ dàng.

Để làm được điều này, doanh nghiệp cũng cần phải hiểu rõ về thị trường mục tiêu của mình. 

Hiểu rõ về thị trường mục tiêu sẽ giúp doanh nghiệp khám phá ra được các kênh phân phối và các địa điểm hiệu quả nhất để có thể tiếp cận đến khách hàng một các hiệu quả. 

thông điệp marketing

Có nhiều chiến lược phân phối sản phẩm mà doanh nghiệp có thể áp dụng, bao gồm:

  • Phân phối chuyên sâu
  • Phân phối độc quyền
  • Phân phối chọn lọc
  • Nhượng quyền 

Dưới đây là một số câu hỏi mà doanh nghiệp nên trả lời khi phát triển chiến lược phân phối của mình:

  • Khách hàng của doanh nghiệp tìm kiếm dịch vụ hoặc sản phẩm của mình ở đâu?
  • Nếu doanh nghiệp tự bán sản phẩm, doanh nghiệp sẽ bán qua Internet, qua các trang thương mại điện tử hay tại một cửa hàng?
  • Làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được các kênh phân phối khác nhau?
  • Chiến lược phân phối của doanh nghiệp khác với đối thủ cạnh tranh như thế nào?
  • Địa điểm mà doanh nghiệp chọn có thuận tiện để khách hàng tiềm năng ghé qua mua hàng không?
  • Làm thế nào để tiếp cận được với nhà phân phối? 

4. Quảng cáo (Promotion) 

Quảng cáo là một thành phần rất quan trọng của mô hình Marketing 4P nói riêng và của chiến lược marketing nói chung vì yếu tố này có thể thúc đẩy sự nhận diện thương hiệu và doanh số bán hàng. Quảng cáo có thể bao gồm các cách thức khác nhau như:

  • Quan hệ công chúng 
  • Quảng cáo trên các trang mạng xã hội
  • Quảng cáo trên truyền hình
  • Quảng cáo trên đài phát thanh và báo in 

Trong thời đại hiện nay, với sự phát triển của Internet, doanh nghiệp đã chuyển dần hình thức quảng cáo từ ngoại tuyến sang trực tuyến, hay còn gọi là chuyển qua hình thức marketing online

marketing online trong marketing 4p

Marketing online hay còn được gọi là Internet marketing là một hình thức tiếp thị trực tuyến tận dụng internet để truyền tải thông điệp tới khách hàng tiềm năng thông qua các kênh kỹ thuật số như công cụ tìm kiếm, email, website, và mạng xã hội.

Các chiến lược marketing online phổ biến bao gồm:

  • Thiết kế website
  • SEO (tối ưu công cụ tìm kiếm)
  • PPC (tìm kiếm trả phí)
  • Email Marketing
  • Social Media Marketing
  • Một số những phương pháp liên quan tới internet khác.

Mục tiêu của marketing online là tiếp cận khách hàng tiềm năng trên những kênh mà đối tượng dành nhiều thời gian quảng cáo sản phẩm ở trên những kênh đó với mục đích chuyển đổi các đối tượng khách hàng tiềm năng này thành khách hàng.

Mời anh/chị tìm hiểu những thông tin chi tiết về marketing online tại bài viết: Marketing Online là gì? 7 hoạt động chính trong Online Marketing

Để tạo ra một chiến lược quảng bá sản phẩm hiệu quả, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi sau:

  • Doanh nghiệp có thể gửi thông điệp tiếp thị đến những người mua tiềm năng của mình bằng cách nào?
  • Khi nào là thời điểm tốt nhất để quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp?
  • Doanh nghiệp sẽ tiếp cận đối tượng và người mua tiềm năng của mình thông qua những kênh nào?
  • Thông điệp mà doanh nghiệp muốn gửi tới khách hàng là gì?
  • Đối thủ cạnh tranh đang sử dụng chiến lược quảng cáo sản phẩm gì? 

Tại sao doanh nghiệp cần áp dụng Marketing 4P?

Khi áp dụng Marketing Mix 4P, doanh nghiệp có thể sở hữu một số lợi ích sau:

Marketing 4P giúp cung cấp được giá trị hữu ích cho khách hàng 

Lợi ích đầu tiên của mô hình 4P Marketing Mix đó là mô hình này giúp doanh nghiệp có thể cung cấp được những giá trị hữu ích tới cho khách hàng. Cụ thể đó là các sản phẩm mới, chất lượng các tính năng tốt, giá cả cạnh tranh sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và giúp giải quyết được những vấn đề mà họ đang gặp phải.

Việc bỏ ra một số tiền phù hợp để sở hữu sản phẩm tốt chắc chắn là điều mà bất kỳ khách hàng nào cũng mong muốn. Do đó, khi áp dụng chiến lược 4P Marketing, doanh nghiệp còn giúp gia tăng lợi ích cho khách hàng của mình, thu hẹp khả năng tiếp cận của họ với sản phẩm.

Marketing 4P giúp doanh nghiệp có thể tăng tỉ lệ chuyển đổi

Khi áp dụng mô hình Marketing 4P, doanh nghiệp có thể tăng tỉ lệ chuyển đổi bằng cách phát triển đúng sản phẩm mà khách hàng cần, định giá sản phẩm phù hợp, xác định được đúng địa điểm hoặc các kênh phân phối hiệu quả cũng như xây dựng được các chiến lược quảng cáo sản phẩm để tiếp cận chính xác đối tượng khách hàng mục tiêu.

Khi đã cung cấp sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng với chi phí phù hợp và có những chiến lược quảng cáo, tiếp cận khách hàng hiệu quả, doanh nghiệp có thể dễ dàng tăng tỉ lệ chuyển đổi, biến khách hàng tiềm năng thành khách hàng sẵn sàng chi trả để sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp. 

tăng tỉ lệ chuyển đổi

Marketing 4P khuyến khích doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm chất lượng 

Mô hình 4P Marketing giúp cho doanh nghiệp có thể nghiên cứu và hiểu rõ hơn về thị trường, nhu cầu của khách hàng mục tiêu. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra được những ý tưởng sáng tạo hơn, mang đến những sản phẩm phù hợp để có thể đáp ứng được mong muốn và nhu cầu của khách hàng. 

Cụ thể, các sản phẩm ra sau sẽ được tiêu chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng tốt hơn, mang đến những lợi ích có giá trị đến với khách hàng. 

6 bước xây dựng mô hình Marketing Mix hiệu quả nhất

Để có thể xây dựng và phát triển Marketing Mix hiệu quả, doanh nghiệp có thể tham khảo 6 bước dưới đây. 

Bước 1: Xác định điểm khác biệt (Unique Selling Point) của doanh nghiệp 

Bước đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm để xây dựng Marketing 4P hiệu quả đó là xác định được điểm khác biệt (Unique Selling Point) của mình. Đây chính là điểm khác biệt giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh và nổi bật hơn so với các đối thủ.

Thông qua việc nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp có thể khảo sát hay phỏng vấn một nhóm khách hàng cụ thể để xác định được đâu là đặc điểm hoặc tính năng chính của sản phẩm khiến nhiều khách hàng yêu thích. Doanh nghiệp cũng có thể khảo sát khách hàng về những tính năng mà doanh nghiệp có thể phát triển hay cải tiến trong tương lai để phù hợp với nhu cầu của khách hàng hơn. 

Bước 2: Thấu hiểu khách hàng 

Bước tiếp theo để xây dựng Marketing 4P đó chính là việc doanh nghiệp cần thấu hiểu khách hàng. Muốn chiến dịch marketing của mình hiệu quả thì trước hết doanh nghiệp cần phải hiểu mình sẽ quảng cáo sản phẩm tới ai và ai là người sẵn sàng chi trả để mua sản phẩm của doanh nghiệp. Bởi vậy việc thấu hiểu khách hàng là bước đặc biệt quan trọng trong các chiến dịch marketing của mọi doanh nghiệp. 

Khi áp dụng mô hình Marketing 4P, việc thấu hiểu khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp xác định được những sản phẩm hay những tính năng phù hợp với nhu cầu của khách hàng, định giá sản phẩm hợp lý hay tạo ra được những nội dung và thông điệp thu hút đối tượng mục tiêu của mình.

Những thông tin về khách hàng mà doanh nghiệp nên biết có thể được kể đến như: 

  • Độ tuổi
  • Giới tính
  • Địa điểm
  • Chức năng chuyên môn
  • Thu nhập
  • Những vấn đề chính mà khách hàng gặp phải (pain point) 

lôi kéo khách hàng trong marketing 4p

Bước 3: Tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh 

Bên cạnh việc thấu hiểu hiểu khách hàng, khi xây dựng Marketing 4P, việc phân tích đối thủ cạnh tranh cũng là bước rất quan trọng. “Biết người biết ta – Trăm trận trăm thắng”. Khi doanh nghiệp có thông tin về đối thủ, doanh nghiệp sẽ nhận biết được mình có những ưu nhược điểm nào so với họ, từ đó đưa ra các chiến lược, con đường phù hợp để thu hút khách hàng và tăng tỉ lệ chuyển đổi. 

Ở bước này, chi phí và các lợi ích đi kèm như các chương trình chiết khấu bán hàng, khuyến mãi, bảo hành, ưu đãi đặc biệt, … của đối thủ phải được xác định và phân tích đánh giá kỹ lưỡng.

Việc tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra mức giá cho sản phẩm của mình một cách thực tế, khách quan nhất và phù hợp với khách hàng .

Để phân tích đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp cần nghiên cứu những thông tin chính như:

  • Thông tin tổng quan về đối thủ: Đội ngũ lãnh đạo và quy mô công ty, nhà đầu tư, nhà cung cấp, đối tác, số lượng khách hàng, thị phần của đối thủ,…
  • Sản phẩm, dịch vụ của đối thủ: Đặc điểm, tính năng sản phẩm, dịch vụ, định giá sản phẩm, dịch vụ, điểm mạnh và điểm yếu của sản phẩm, dịch vụ,…
  • Các kênh truyền thông của đối thủ: Định vị thương hiệu của đối thủ, thông điệp truyền thông trong các chiến dịch, chiến lược nội dung của đối thủ, các hoạt động marketing của đối thủ,…
  • Chính sách giá của đối thủ: Đối thủ có những gói sản phẩm gì, định giá sản phẩm như thế nào,…
  • Khách hàng của đối thủ: Khách hàng nói gì về đối thủ, đối thủ đang tập trung vào thị trường nào, phân khúc nào, khách hàng của đối thủ xuất hiện ở đâu,…

Bước 4: Xác định địa điểm tiếp cận khách hàng phù hợp 

Ở bước này, doanh nghiệp cần đánh giá các lựa chọn về vị trí để xác định được nơi có thể tiếp cận khách hàng hiệu quả nhất hoặc nơi mà khách hàng có nhiều khả năng mua hàng nhất.

Để xác định được địa điểm để bán hàng phù hợp, doanh nghiệp có thể trả lời những câu hỏi sau:

  • Khách hàng tiềm năng thường mua hàng ở đâu?
  • Họ thường sử dụng kênh mạng xã hội nào?
  • Kênh mua hàng yêu thích của họ là gì?
  • Khách hàng thường có xu hướng mua hàng tại cửa hàng hay thông qua các kênh trực tuyến? 

Việc chọn lựa kênh phân phối và hình thức marketing cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Vì nhiều kênh mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube hay Website của doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận được khách hàng mục tiêu trên phạm vi rộng. 

Bước 5: Phát triển chiến lược truyền thông / quảng cáo sản phẩm 

Dựa trên đối tượng khách hàng mục tiêu đã được xác định và các mức giá của sản phẩm đã được thiết lập, đã đến lúc doanh nghiệp cần phát triển chiến lược truyền thông để quảng cáo sản phẩm của mình tới khách hàng. 

promotion trong marketing 4p

Ở bước này, doanh nghiệp nên xác định được những thông điệp mà mình muốn truyền tải tới khách hàng. Để có thể thu hút khách hàng một cách hiệu quả, doanh nghiệp nên tập trung vào truyền tải lợi ích mà doanh nghiệp có thể cung cấp tới cho khách hàng hay sản phẩm của doanh nghiệp có thể giúp khách hàng giải quyết được vấn đề của mình như thế nào. 

Dù sử dụng bất kỳ phương thức quảng cáo nào thì doanh nghiệp cũng cần làm nổi bật tính năng của sản phẩm và quảng cáo đến khách hàng về những lợi ích mà các tính năng này có thể đem lại cho họ. 

Bước 6: Kết hợp các yếu tố của Marketing Mix

Đối với bước cuối cùng này, doanh nghiệp cần xem xét tất cả các yếu tố của Marketing 4P đã được xác định và được lên kế hoạch liên quan với nhau như thế nào. 

Để có được một chiến dịch marketing hiệu quả, 4 yếu tố trong Marketing 4P cần liên kết chặt chẽ với nhau. Một số câu hỏi mà doanh nghiệp cần trả lời để kiểm tra sự liên kết giữa 4 yếu tố có thể được kể đến như:

  • Các kênh phân phối, kênh marketing để thực hiện chiến dịch quảng cáo có củng cố giá trị của sản phẩm hay không?
  • Tài liệu quảng cáo có phù hợp với kênh phân phối được đề xuất?
  • Giá của sản phẩm có phù hợp với các tính năng mà sản phẩm cung cấp không?

Kết hợp Marketing 4P và Marketing 4C

Nhiều chuyên gia về marketing cho rằng mô hình Marketing 4P quá thiên về sản phẩm và không cân nhắc kỹ đến khách hàng. Vì vậy, để chiến lược marketing trở nên hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng mô hình Marketing 4P nên được kết hợp với mô hình Marketing 4C.  

Marketing 4C được viết tắt của Customer Solutions (giải pháp cho khách hàng), Customer Cost (chi phí của khách hàng), Convenience (thuận tiện) và Communication (giao tiếp). 4C là những yếu tố liên quan đến khách hàng. 

marketing 4p và marketing 4c

Mô hình Marketing 4P và Marketing 4C có thể được kết hợp như sau: 

Sản phẩm (Product) kết hợp với Giải pháp cho khách hàng (Customer Solutions)

Khi kết hợp yếu tố Sản phẩm (Product) với Giải pháp cho khách hàng (Customer Solutions), doanh nghiệp cần nhớ rằng sản phẩm/ dịch vụ nào ra đời đều phải mang đến một ý nghĩa nào đó cho khách hàng, đáp ứng được mong muốn của khách hàng hay giải quyết được những vấn đề mà khách hàng đang gặp phải,…

Để làm được điều này, doanh nghiệp cần phải thấu hiểu khách hàng và tìm hiểu nhu cầu của họ trước khi cho ra đời một sản phẩm, dịch vụ nào đó.

Giá cả (Price) kết hợp với Chi phí của khách hàng (Customer Cost)

Đối với sự kết hợp này, giá sản phẩm mà doanh nghiệp định giá được cho là chi phí mà khách hàng cần chi trả. Chi phí này không chỉ là chi phí mua sản phẩm mà có thể bao gồm chi phí vận hành, chi phí sử dụng hay chi phí cho các dịch vụ kèm theo. 

Chi phí mà khách hàng đầu tư cần phải xứng đáng với những gì mà khách hàng nhận được khi họ sử dụng sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp. 

Địa điểm (Place) kết hợp với Sự thuận tiện (Convenience)

Sự kết hợp này đòi hỏi địa điểm mà doanh nghiệp bán sản phẩm hay cách thức phân phối sản phẩm của doanh nghiệp phải tạo được sự thuận tiện cho khách hàng. 

Để kết hợp hiệu quả 2 yếu tố này, doanh nghiệp cần xác định được rõ khách hàng mục tiêu của mình thường xuất hiện ở những đâu và đâu là nơi thuận tiện nhất để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận được với sản phẩm khi họ có nhu cầu.

Quảng cáo (Promotion) kết hợp với Giao tiếp (Communication)

Đối với sự kết hợp giữa 2 yếu tố Quảng cáo và Giao tiếp, các công tác truyền thông, quảng cáo phải là sự giao tiếp 2 chiều giữa doanh nghiệp và khách hàng. Doanh nghiệp cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của khách hàng và truyền thông cho khách hàng biết được sản phẩm mà mình cung cấp sẽ đáp ứng được những tâm tư, nguyện vọng đó như thế nào.

Một chiến lược quảng cáo hiệu quả sẽ phải là sự tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng để có thể giúp 2 bên hiểu nhau hơn, từ đó giúp doanh nghiệp có thể cung cấp được những sản phẩm có giá trị hữu ích tới cho khách hàng mục tiêu của mình.

>> Đọc thêm: 4C trong Marketing là gì & 4 bước áp dụng mô hình 4C Marketing hiệu quả

Tổng kết 

Trong bài viết này, chúng tôi đã cung cấp tới cho anh/chị thông tin chi tiết về mô hình Marketing 4P như:

  • Định nghĩa Marketing 4P là gì
  • Các yếu tố của Marketing 4P
  • Lợi ích của việc áp dụng Marketing 4P
  • Kết hợp mô hình Marketing 4P và Marketing 4C

Chúc anh/chị thành công trong việc áp dụng mô hình Marketing 4P trong các chiến dịch marketing của mình!

Tham khảo thêm một số bài viết hay khác: 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]