Mô hình SWOT là gì? Các bước phân tích SWOT chi tiết từ A-Z

24/07/2024
630

Phân tích mô hình SWOT hiệu quả giúp doanh nghiệp nhanh chóng tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và các thách thức đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phân tích SWOT cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp nhận diện, thiết lập chiến lược kinh doanh và xây dựng được hướng phát triển lâu dài. Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu chi tiết trong bài viết này.

SWOT là gì? Mô hình SWOT là gì?

SWOT là viết tắt của 4 từ: Strengths, Weakness, OpportunitiesThreats (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức). Các doanh nghiệp sử dụng mô hình SWOT để đánh giá vị thế cạnh tranh của công ty và phát triển kế hoạch chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn.

Mô hình SWOT lấy thông tin từ các nguồn nội bộ (điểm mạnh hoặc điểm yếu của công ty) và các lực lượng bên ngoài có thể có tác động đến các quyết định (cơ hội và thách thức). Mô hình này được các doanh nghiệp sử dụng trước khi đưa ra các quyết định từ ra mắt sản phẩm, cải tổ quy trình, tiếp cận thị trường mục tiêu mới hay bất kỳ hoạt động nào khác.

Việc phân tích SWOT như cách các doanh nghiệp kiểm tra lại nội bộ công ty mình cũng như những gì đang diễn ra bên ngoài thị trường. Phân tích dựa trên các dữ liệu thực tế vậy nên mô hình SWOT cung cấp cái nhìn toàn cảnh và chân thực nhất cho doanh nghiệp.

Trong 4 yếu tố của mô hình SWOT, điểm mạnh và điểm yếu là 2 yếu tố để đánh giá nội bộ doanh nghiệp. Đối với 2 yếu tố này, doanh nghiệp có thể kiểm soát và thay đổi được. Thường các yếu tố này có liên quan tới hoạt động công ty, tài sản thuộc về doanh nghiệp, phát triển sản phẩm,…

Bên cạnh đó, 2 yếu tố còn lại là cơ hội và thách thức là các yếu tố tác động bên ngoài thường liên quan đến thị trường và mang tính vĩ mô. Doanh nghiệp có thể sẽ không thể kiểm soát được 2 yếu tố bên ngoài này. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội, nhưng cũng phải quan tâm và đề phòng tới những thách thức từ bên ngoài có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thông qua phân tích SWOT, doanh nghiệp sẽ nhìn rõ mục tiêu của mình cũng như các yếu tố trong và ngoài tổ chức có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra, từ đó có những chiến lược bán hàng phù hợp để có thể tăng doanh thu. 

chiến lược swot
SWOT là viết tắt của 4 từ: Strengths, Weakness, Opportunities và Threats

Nguồn gốc của mô hình SWOT

Tác giả của sáng kiến mô hình SWOT cho đến nay vẫn chưa rõ ràng là ai. Một số nguồn thông tin cho rằng đó là do Albert Humphrey của Viện nghiên cứu Stanford tạo ra vào những năm 1960-1970. Ban đầu mô hình phân tích dữ liệu từ Fortune 500 và đa phần được sử dụng bởi các tổ chức thương mại . Các doanh nghiệp sử dụng nó như một công cụ hỗ trợ brainstorming trước khi đưa ra các quyết định trong quá trình kinh doanh.

Một số tài liệu khác lại ghi tác giả là hai giáo sư của Đơn vị Chính sách Trường Kinh doanh Harvard – George Albert Smith Jr và C Roland Christiensen vào đầu những năm 1950. Tuy không biết rõ tác giả là ai, nhưng trước khi có mô hình SWOT như hiện nay thì nó đã từng có rất nhiều dị bản, điển hình như: SOFT (Strengths: Điểm mạnh, Opportunities: Cơ hội, Fault: Lỗi lầm và Threats: Thách thức).

4 yếu tố chính trong mô hình SWOT

Ở phần định nghĩa SWOT là gì, anh / chị đã biết SWOT là viết tắt của 4 từ: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức). Vậy 4 yếu tố này có ý nghĩa chi tiết như thế nào? 

Strength (Điểm mạnh)

Điểm mạnh chính là những đặc điểm mà tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các thương hiệu. Đó là những gì doanh nghiệp làm tốt hơn đối thủ của mình, ví dụ như: văn hóa doanh nghiệp, công nghệ độc quyền, lịch sử lâu đời, đội ngũ nhân viên xuất sắc, …

Phân tích mô hình SWOT giúp các thương hiệu tìm ra lợi thế của mình và phát triển mạnh mẽ dựa trên các lợi thế đó. Các điểm mạnh cũng là cơ sở cho doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp khác.

Điểm mạnh của doanh nghiệp có thể được kể đến như:

  • Độ nhận diện thương hiệu cao
  • USP (Unique Selling Points) – Lợi thế độc đáo của doanh nghiệp khi bán một sản phẩm / dịch vụ
  • Đội ngũ nhân viên có năng lực
  • Tài năng lãnh đạo 

Weakness (Điểm yếu)

Cũng giống với S-Điểm mạnh, điểm yếu cũng là một yếu tố nội bộ của doanh nghiệp. Hai yếu tố này là những đặc tính mà doanh nghiệp có thể kiểm soát và thay đổi được.

Điểm yếu ngăn cản các doanh nghiệp hoạt động ở mức độ có hiệu quả cao nhất. Đó là những lĩnh vực mà doanh nghiệp còn thiếu hụt và cần cải thiện để duy trì khả năng cạnh tranh: nhận diện thương hiệu yếu, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao hơn mức trung bình, chuỗi cung ứng không đầy đủ hoặc thiếu vốn.

Sự tồn tại của các điểm yếu luôn đe dọa đến quá trình kinh doanh của các thương hiệu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần liên tục cải thiện và chuẩn bị sẵn sàng trước những tấn công của đối thủ cạnh tranh.

Một số những điểm yếu của doanh nghiệp có thể được kể đến như:

  • Ngân sách hạn hẹp, khó có thể đầu tư phát triển sản phẩm
  • Độ nhận diện thương hiệu chưa cao
  • Thiếu hụt nguồn nhân lực
  • Kỹ năng của đội ngũ nhân viên chưa được đảm bảo
  • Chưa nhận biết được Unique Selling Point của doanh nghiệp

Opportunity (Cơ hội)

Yếu tố thứ 3 trong mô hình SWOT là yếu tố Opportunity (Cơ hội). Khác với 2 yếu tố điểm mạnh và điểm yếu là những yếu tố thuộc bên trong doanh nghiệp, yếu tố cơ hội là những yếu tố từ bên ngoài ảnh hưởng tới doanh nghiệp. 

Cơ hội đề cập đến những yếu tố bên ngoài doanh nghiệp, có khả năng đóng góp vào sự thành công tiềm năng của các doanh nghiệp. Những yếu tố thuận lợi trong tình hình văn hóa – xã hội, các chính sách thuế hỗ trợ, sự rút lui hay thất bại của các thương hiệu đối thủ, … tất cả đều tạo ra cơ hội cho các thương hiệu phát triển.

Phân tích SWOT giúp các doanh nghiệp biết được và nắm bắt các cơ hội sắp tới để đề ra các chiến lược, kế hoạch phù hợp.

  • Thị trường ít cạnh tranh
  • Nhu cầu của khách hàng đối với việc sử dụng sản phẩm / dịch vụ đang tăng
  • Những điều luật hay quy định của Nhà Nước giúp thúc đẩy việc kinh doanh
  • Chính trị ổn định
  • Thay đổi về mặt nhân khẩu học của khách hàng (sở thích, nhu cầu, hành vi) có lợi cho doanh nghiệp

Threat (Thách thức)

Yếu tố cuối cùng của mô hình SWOT là yếu tố Threat (Rủi ro). Cũng giống như yếu tố cơ hội, yếu tố rủi ro cũng thuộc về các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình doanh nghiệp thực hiện mục tiêu của mình. 

Một số ví dụ về rủi ro mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt như:

  • Đối thủ cạnh tranh mạnh
  • Nhiều đối thủ mới nổi hoặc gia nhập thị trường
  • Tình hình chính trị không ổn định
  • Những điều luật hay quy định của Nhà Nước không hỗ trợ cho việc thúc đẩy kinh doanh
  • Nhu cầu của khách hàng cho việc sử dụng sản phẩm / dịch vụ giảm
  • Không có nhiều khách hàng quan tâm đến sản phẩm / dịch vụ

Lợi ích của phân tích mô hình SWOT đối với doanh nghiệp

Phân tích SWOT có phù hợp để áp dụng trong doanh nghiệp không? Tại sao doanh nghiệp nên phân tích SWOT? Về cơ bản, phân tích SWOT sẽ đem lại cho doanh nghiệp những lợi ích sau. 

Lên kế hoạch và brainstorm ý tưởng

Phân tích mô hình SWOT sẽ cực kỳ hữu ích cho giai đoạn doanh nghiệp đang trong quá trình lên ý tưởng cho một sản phẩm mới hoặc để phát triển một kế hoạch chiến lược để kinh doanh sản phẩm / dịch vụ. Ví dụ như: Lên kế hoạch phát triển tính năng mới cho bộ công cụ AMIS CRM. 

Giải quyết vấn đề

Khi doanh nghiệp đang gặp vấn đề và chưa tìm được hướng giải quyết phù hợp, phân tích SWOT sẽ giúp doanh nghiệp nhận biết được những điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình để có thể tận dụng điểm mạnh để giải quyết vấn đề, cải thiện được điểm yếu. 

Phân tích mô hình SWOT cũng giúp doanh nghiệp nhận biết được nguồn gốc của vấn đề rõ ràng hơn. Liệu vấn đề đó là do yếu tố bên trong hay bên ngoài doanh nghiệp gây ra, liệu doanh nghiệp có thể kiểm soát được những yếu tố đó hay không. 

Thiết lập thứ tự ưu tiên

Thông thường, khi doanh nghiệp có rất nhiều dự án hay ý tưởng để triển khai và phát triển sản phẩm, việc thiết lập thứ tự ưu tiên cũng như nhận biết được dự án nào nên ưu tiên làm trước, ý tưởng nào nên được ưu tiên để triển khai sẽ là một điều khó khăn.

Việc phân tích chiến lược SWOT giúp doanh nghiệp có thể hiểu rõ được những yếu tố bên trong và bên ngoài, từ đó biết được điểm mạnh của doanh nghiệp hiện đang có là gì và có thể áp dụng những điểm mạnh đó để triển khai dự án phù hợp với nhu cầu hiện tại của khách hàng. Những điểm yếu cần khắc phục có quan trọng hay không và có bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các rủi ro từ yếu tố bên ngoài không. 

Tìm hiểu lợi thế cạnh tranh và thấu hiểu đối thủ

Phân tích mô hình SWOT qua các yếu tố điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội cũng như rủi ro sẽ rất hữu ích trong việc tìm hiểu lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và thấu hiểu đối thủ. 

Thông qua SWOT, doanh nghiệp có thể hiểu điểm mạnh và điểm yếu của mình là gì và so sánh điểm mạnh cũng như điểm yếu đó với đối thủ. Bằng cách so sánh như vậy, doanh nghiệp có thể thấu hiểu được đối thủ hơn và tìm kiếm được lợi thế cạnh tranh của mình. 

Bên cạnh đó, khi nghiên cứu các yếu tố về cơ hội và rủi ro bên ngoài, doanh nghiệp cũng có thể hiểu được mình có thể nắm bắt được cơ hội nào để có được lợi thế cạnh tranh cũng như có kế hoạch phòng tránh rủi ro để đảm bảo lợi thế cạnh tranh đó không bị mất đi.

7 bước phân tích mô hình SWOT hiệu quả nhất

Sau khi đã hiểu được những lợi ích của việc phân tích SWOT, vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể phân tích SWOT một cách hiệu quả nhất? Doanh nghiệp có thể tham khảo 7 bước để áp dụng SWOT hiệu quả như sau. 

Bước 1: Xác định được mục đích của việc phân tích mô hình SWOT

Để có thể tận dụng việc phân tích SWOT, doanh nghiệp cần xác định được mình cần phân tích SWOT để làm gì. 

Ví dụ như doanh nghiệp có thể cần phân tích SWOT để tìm hiểu xem liệu giới thiệu hay cho ra mắt sản phẩm mới có phù hợp vào thời điểm nhất định không hoặc mục đích của việc phân tích SWOT là tìm hiểu đối thủ cạnh tranh đang hoạt động như thế nào, từ đó xác định những điều mà doanh nghiệp có thể thay đổi để sở hữu lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. 

Bước 2: Nghiên cứu về thị trường và doanh nghiệp

Trước khi phân tích mô hình SWOT, điều quan trọng mà doanh nghiệp nên làm là tìm hiểu kỹ về những yếu tố thuộc nội bộ doanh nghiệp cũng như tìm hiểu về thị trường và đối thủ cạnh tranh.

Để xác định được điểm mạnh, điểm yếu, doanh nghiệp cần hiểu được đội ngũ nhân viên của mình, tìm hiểu họ sở hữu những kỹ năng chuyên môn gì và đang yếu ở những mảng nào. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể xin ý kiến của đối tác kinh doanh hay xin phản hồi của chính khách hàng hiện tại của mình để nhận biết được điểm mạnh mà doanh nghiệp có thể tận dụng hay điểm yếu mà doanh nghiệp cần khắc phục.

Đối với yếu tố cơ hội và rủi ro, doanh nghiệp cần nghiên cứu về thị trường cũng như môi trường bên ngoài để hiểu được nhu cầu thị hiếu của khách hàng tiềm năng, đối thủ cạnh tranh đang hoạt động như thế nào, những điều luật hay quy định pháp luật có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay không. 

Bước 3: Nhận biết điểm mạnh

Đầu tiên, doanh nghiệp có thể xác định điểm mạnh của mình. Một số ví dụ về điểm mạnh của doanh nghiệp có thể được kể đến như: môi trường làm việc tốt, ý tưởng bán hàng độc đáo hay nguồn nhân lực tuyệt vời và bộ máy lãnh đạo xuất sắc,…

nhận biết điểm mạnh

Để nhận biết được điểm mạnh của mình, doanh nghiệp có thể đặt ra những câu hỏi sau: 

  • Khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp là ai?
  • Tại sao khách hàng lại thích sản phẩm của doanh nghiệp?
  • Điều gì làm nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp và đối thủ?
  • Điểm thu hút nhất về thương hiệu doanh nghiệp là gì?
  • Lợi thế kinh doanh đặc biệt của doanh nghiệp là gì?
  • Doanh nghiệp sở hữu những tài nguyên nào? Đối thủ cạnh tranh có sở hữu những tài nguyên đó không?

Câu trả lời sẽ đem lại cái nhìn tổng thể giúp doanh nghiệp xác định điểm mạnh cốt lõi của mình.

Đừng quên cân nhắc lợi thế từ góc nhìn cả trong cuộc lẫn khách hàng và những đối thủ cùng ngành. Cần thấu hiểu khách hàng mục tiêu cũng như đối thủ cạnh tranh để doanh nghiệp có thể nhận biết được điểm mạnh của mình một cách chính xác nhất. 

Bước 4: Xác định được điểm yếu

Bên cạnh điểm mạnh, doanh nghiệp cũng cần nhận biết được điểm yếu của mình để có thể tìm cách khắc phục. Một số điểm yếu của doanh nghiệp có thể được kể đến như: Đối thủ cạnh tranh nhiều, nguồn lực và ngân sách giới hạn, đội ngũ nhân viên chưa đủ kỹ năng chuyên môn,…

Một số câu hỏi mà doanh nghiệp cần trả lời để xác định được điểm yếu của mình có thể được kể đến như: 

  • Khách hàng đang không thích gì về doanh nghiệp hay sản phẩm của doanh nghiệp?
  • Những vấn đề hoặc khiếu nại thường được đề cập trong các review đánh giá về doanh nghiệp cũng như sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp là gì?
  • Nguyên nhân nào khiến khách hàng hủy đơn hàng và giao dịch?
  • Tại sao độ nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp chưa cao?
  • Những trở ngại/thách thức lớn nhất trong kênh bán hàng hiện tại?
  • Những tài nguyên nào mà đối thủ sở hữu nhưng doanh nghiệp thì không?

Hãy nhìn nhận điểm yếu của doanh nghiệp một cách khách quan nhất để có thể tìm ra được những hướng đi và chiến lược phù hợp để khắc phục. 

Bước 5: Liệt kê những cơ hội

Ở bước tiếp theo, doanh nghiệp cần liệt kê những cơ hội mà mình có thể tận dụng. Những cơ hội này sẽ thuộc yếu tố bên ngoài và doanh nghiệp khó có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thị trường sẽ giúp việc liệt kê cơ hội trở nên dễ dàng hơn. 

checklist cơ hội

Doanh nghiệp có thể nắm bắt một số cơ hội như: công nghệ mới, nhu cầu khách hàng gia tăng đối với sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp, hợp tác với những đối tác lớn, luật pháp thay đổi có lợi cho việc kinh doanh,…

Một số những câu hỏi mà doanh nghiệp cần trả lời để liệt kê được những cơ hội mà mình có thể tận dụng như: 

  • Làm thế nào để có thể cải thiện quy trình bán hàng và hỗ trợ khách hàng hiệu quả?
  • Nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm là gì?
  • Sự hợp tác nào sẽ có lợi cho doanh nghiệp?
  • Những luật lệ hay quy định pháp luật có hỗ trợ cho việc kinh doanh không?
  • Những kênh quảng cáo nào tiềm năng nhưng doanh nghiệp vẫn chưa khai thác?

Để nhận biết được các cơ hội, doanh nghiệp có thể dựa vào thế mạnh của mình đã xác định trước đó và tự hỏi những thế mạnh này có thể mở ra bất cứ cơ hội nào không. Ngoài ra, xem xét những điểm yếu và tự hỏi sau khi khắc phục và hạn chế những điểm này, doanh nghiệp có thể tạo ra cơ hội mới nào không?

Bước 6: Nhận biết được rủi ro

Khi đã xác định được những cơ hội mà doanh nghiệp có thể nắm bắt, bước tiếp theo doanh nghiệp cần làm là nhận biết được rủi ro để phòng tránh. 

Cũng giống như cơ hội, rủi ro thuộc về những yếu tố bên ngoài mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được. Một số ví dụ có thể được kể đến như: tỉ lệ thất nghiệp tăng, đối thủ cạnh tranh gia nhập thị trường đông, thay đổi về luật pháp, rủi ro tài chính và hầu như mọi thứ khác có khả năng tác động tiêu cực cho tương lai của doanh nghiệp hay kế hoạch kinh doanh.

Doanh nghiệp có thể trả lời những câu hỏi sau để nhận biết được rủi ro: 

  • Số lượng đối thủ cạnh tranh là bao nhiêu? Họ có những lợi thế cạnh tranh gì?
  • Có nhiều đối thủ mới gia nhập thị trường không?
  • Những luật pháp mới thay đổi là gì? Luật pháp đó có đem lại rủi ro trong việc kinh doanh không?
  • Nhu cầu của khách hàng có thay đổi không? Thay đổi đó có thể đem lại rủi ro cho doanh nghiệp hay không?

Tất nhiên sẽ có nhiều thách thức hay rủi ro tiềm tàng mà doanh nghiệp phải đối mặt và không thể lường trước được, như thay đổi môi trường pháp lý, biến động thị trường, hoặc thậm chí các rủi ro nội bộ như lương thưởng bất hợp lý gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Khi phân tích yếu tố rủi ro và thách thức (yếu tố bên ngoài), có một công cụ nữa mà doanh nghiệp có thể sử dụng, đó là mô hình phân tích PEST.

mô hình phân tích PEST

PEST là viết tắt của 4 từ: Chính trị (Political), Kinh tế (Economics), Xã hội (Socio-cultural), Công nghệ (Technological). Những yếu tố này đều được coi là yếu tố bên ngoài mà doanh nghiệp không kiểm soát được. 

Cụ thể hơn, những yếu tố này là:

  • Chính trị – Luật pháp: Các vấn đề toàn cầu, luật pháp và các quy định có thể có ảnh hưởng đến doanh nghiệp
  • Kinh tế: Thuế, lãi suất, lạm phát, thị trường chứng khoán và niềm tin của khách hàng.
  • Xã hội: Những thay đổi trong lối sống và xu hướng mua hàng, phương tiện truyền thông, các sự kiện lớn, đạo đức, quảng cáo,…
  • Công nghệ: Đổi mới, tiếp cận công nghệ, cấp phép và bằng sáng chế, sản xuất, tài trợ nghiên cứu, truyền thông toàn cầu

Đối với mô hình PEST, doanh nghiệp sẽ phân tích được sâu hơn các yếu tố bên ngoài để từ đó nhận biết được cơ hội cũng như rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách rõ ràng hơn.

Bước 7: Xác định chiến lược dựa vào phân tích SWOT

Sau khi đã hoàn thành việc phân tích cả 4 yếu tố trong mô hình SWOT, ở bước cuối cùng, doanh nghiệp nên xác định được chiến lược phù hợp dựa vào phân tích SWOT của mình. 

Một số chiến lược mà doanh nghiệp có thể tham khảo dựa vào mô hình SWOT có thể được kể đến như sau:

ma trận SWOT

  • Chiến lược S-O 

Chiến lược S – O (Strength – Opportunity) là chiến lược sử dụng điểm mạnh để khai thác cơ hội, phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp. 

Đây là chiến lược được ưu tiên sử dụng hàng đầu bởi nếu biết cách vận dụng tối đa điểm mạnh thì cơ hội thành công sẽ rất cao mà không tốn nhiều công sức. Doanh nghiệp có thể coi chiến lược S-O tương đương với chiến lược phát triển ngắn hạn của mình.

Ta có thể lấy ví dụ về điểm mạnh của 1 nhà hàng chay ở trung tâm thành phố. Những điểm mạnh của nhà hàng này có thể được kể đến như: 

  • Vị trí đắc địa (trung tâm thành phố)
  • Cơ sở vật chất hiện đại
  • Độ nhận diện thương hiệu cao
  • Thực đơn đa dạng, mới mẻ, sáng tạo
  • Giá tiền phù hợp với chất lượng

Những cơ hội mà nhà hàng này có thể tận dụng được là:

  • Nhu cầu với đồ ăn chay của khách hàng ngày càng tăng
  • Sự phát triển của các ứng dụng giao hàng online như Now, Baemin, Foody,…

Khi phân tích được điểm mạnh cũng như cơ hội theo chiến lược S-O, chủ nhà hàng có thể sử dụng chiến lược phát triển thị trường và mở thêm 1 chi nhánh mới của nhà hàng để phục vụ nhu cầu với đồ ăn chay của khách hàng tăng, tận dụng điểm mạnh là thực đơn nhà hàng đa dạng, giá tiền phù hợp và có vị trí ở trung tâm thành phố, có nhiều khu chung cư và văn phòng. 

  • Chiến lược W-O

Chiến lược W-O (Weakness – Opportunity) là chiến lược dùng điểm yếu để khai thác, tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, việc khắc phục điểm yếu sẽ khiến doanh nghiệp tiêu hao nhiều nguồn lực để tận dụng cơ hội. Đôi khi, khắc phục xong điểm yếu thì cơ hội đã không còn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải lưu ý và phân tích kỹ trước khi áp dụng. Chiến lược W-O tương đương với chiến lược phát triển trung hạn của doanh nghiệp.

Vẫn là ví dụ về nhà hàng chay, ở đây, những điểm yếu mà nhà hàng chay này có thể cần được khắc phục là:

  • Chi phí còn cao so với đối thủ
  • Diện tích nhà hàng còn nhỏ
  • Chưa thực hiện bán online qua các kênh giao hàng đồ ăn

Để tận dụng cơ hội với sự phát triển của các ứng dụng giao hàng online, chủ nhà hàng có thể khắc phục điểm yếu bằng cách kết hợp giữa hình thức offline (bán trực tiếp) và online (bán qua các app giao đồ ăn) để mở rộng thị trường, tăng doanh thu bán hàng.

chiến lược W-O

  • Chiến lược S-T 

Chiến lược S-T (Strength – Threat) là chiến lược sử dụng những điểm mạnh để hạn chế, phòng tránh nguy cơ. Từ đó, giúp hạn chế rủi ro và đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được diễn ra ổn định, phát triển.

Ta cũng có thế lấy ví dụ về những rủi ro mà nhà hàng chay phải đối mặt như:

  • Tỉ lệ cạnh tranh cao
  • Nhiều đối thủ gia nhập thị trường
  • Chi phí nguyên vật liệu cao
  • Các nhà cung cấp không đáng tin cậy

Với nhà hàng chay này, đối thủ cạnh tranh nhiều là mối lo ngại lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhà hàng. Để có thể hạn chế rủi ro, chủ nhà hàng có thể đưa ra chiến lược khác biệt hóa sản phẩm dựa vào thế mạnh là thực đơn của nhà hàng phong phú, đa dạng và mới mẻ hơn so với đối thủ. Nhà hàng có thể phát triển thực đơn thêm để bắt kịp xu hướng.

  • Chiến lược W-T

Chiến lược W-T (Weakness – Threat) là chiến lược khắc phục những điểm yếu để hạn chế các rủi ro. Với chiến lược này, doanh nghiệp cần phải vừa khắc phục điểm yếu, vừa phải dự đoán rủi ro có thể xảy ra nhằm phòng tránh nguy cơ, gây thiệt hại lớn về tài chính.

Quay trở lại ví dụ về nhà hàng chay, để giảm thiểu rủi ro bằng cách khắc phục điểm yếu, nhà hàng này có thể sử dụng chiến lược hội nhập về phía sau để khắc phục được điểm yếu là chi phí cao so với đối thủ và hạn chế được rủi ro từ phía các nhà cung cấp không đáng tin cậy. 

Chiến lược hội nhập về phía sau đặc biệt thích hợp trong trường hợp nhà cung cấp hiện tại của doanh nghiệp ở mức giá cao, không đáng tin cậy hoặc không đáp ứng được các yêu cầu nhất định.

6 tips giúp phân tích mô hình SWOT hiệu quả trong doanh nghiệp

tips để phân tích SWOT hiệu quả

Phân tích ngược

Một cách tiếp cận từ bên ngoài vào trong hầu như luôn tốt hơn cách tiếp cận từ bên trong ra ngoài đối với các chiến lược. Vì vậy, các doanh nghiệp nên cân nhắc bắt đầu với các yếu tố bên ngoài: Cơ hội và Thách thức trước khi chuyển sang các yếu tố bên trong: Điểm mạnh và Điểm yếu.

Việc phân tích này cho phép bạn khai thác các cơ hội và tránh né các rủi ro có thể gặp phải trước khi quyết định sẽ sử dụng điểm mạnh và điểm yếu của mình như thế nào.

Hãy cụ thể trong phân tích SWOT của doanh nghiệp

Một điều quan trọng đó là các doanh nghiệp cần tránh các lời sáo rỗng, chung chung trong bản phân tích mô hình SWOT của mình. Khi liệt kê điểm mạnh, hầu hết các tổ chức đều nói những điều như “nhân viên của chúng tôi là tài sản lớn nhất” hoặc điều gì đó tương tự. Nhưng đừng bằng lòng với điều đó. Hãy hỏi: Nhân viên của bạn có thể làm gì cụ thể, mà khách hàng, nhà phân phối hoặc các bên liên quan khác coi trọng, khác biệt và tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh? Thông tin càng cụ thể và định lượng được thì càng tốt.

Sử dụng công cụ phân tích môi trường PESTEL

Việc phân tích môi trường bên ngoài có thể gặp khó khăn khi lượng thông tin quá lớn và các yếu tố thay đổi liên tục. Lúc này doanh nghiệp có thể áp dụng một mô hình bổ trợ đó là PESTEL.

  • Môi trường chính trị – Political: Tình hình quan hệ quốc tế, chính sách thuế Môi trường kinh tế – Economics: Thay đổi trong tâm lý người tiêu dùng, phân phối thu nhập thu nhập, tiết kiệm, vay nợ và tín dụng.
  • Môi trường văn hóa – xã hội – Social: Sự tồn tại dai dẳng của các giá trị văn hóa cốt lõi,sự hiện diện của các nhánh văn hóa
  • Môi trường công nghệ – Technology: Đẩy nhanh tốc độ thay đổi, cơ hội không giới hạn cho sự đổi mới, sự khác nhau trong ngân sách R&D, quy định về sự thay đổi của công nghệ Môi trường tự nhiên – Environmental: Thiếu hụt/khan hiếm nguồn nguyên liệu, ô nhiễm gia tăng, bùng phát dịch bệnh và sự can thiệp của Chính phủ đối với quản trị nguồn tài nguyên thiên nhiên
  • Môi trường luật pháp – Legal: Sự gia tăng về luật định kinh doanh, yêu cầu tăng cường tập trung vào các hành động có trách nhiệm xã hội và đạo đức

Sử dụng mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter

5 lực lượng cạnh tranh trong mô hình của Porter quyết định tính hấp dẫn của thị trường, các lực lượng cạnh tranh trong một ngành cũng như vị thế của các doanh nghiệp trong ngành đó.

5 yếu tố bao gồm:

  • Quyền lực nhà cung ứng:

Nhà cung cấp ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp thị trường có nhiều nhà cung ứng, các doanh nghiệp có lợi thế hơn trong việc đề xuất giá cả nguyên vật liệu và ngược lại.

  • Quyền lực người mua:

Cũng giống với các nhà cung ứng, người mua cũng có quyền lực trong việc gây áp lực đến giá sản phẩm hay dịch vụ. Tuy nhiên, sức mạnh của người mua cũng bị chi phối bởi một số yếu tố: số lượng khách hàng của doanh nghiệp, chi phí tìm kiếm khách hàng mới hay vị thế của khách hàng đối với doanh nghiệp.

  • Đối thủ thâm nhập tiềm năng:

Các doanh nghiệp thâm nhập thị trường có khả năng đe dọa lớn đến vị thế của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là các thị trường không có rào cản gia nhập, mức độ cạnh tranh thấp.

  • Đối thủ cạnh tranh ngành:

Hiển nhiên là thị trường có càng nhiều doanh nghiệp tham gia thì mức độ cạnh tranh càng cao. Chính vì vậy sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ là chìa khóa thành công cho các doanh nghiệp.

  • Sản phẩm thay thế:

Sự xuất hiện của các sản phẩm này mang tới mối đe dọa cho sự thay thế các sản phẩm chính trên thị trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới và liên tục cải tiến để làm cho các dịch vụ của mình hấp dẫn và độc đáo hơn nhằm giảm nguy cơ thay thế.

Khai thác từ chính khách hàng của doanh nghiệp

Một nguồn thông tin mà các doanh nghiệp không nên bỏ qua đó chính là tập khách hàng của mình. Hãy xem xét tất cả các phân đoạn khách hàng và phân tích đặc điểm của họ để tìm manh mối về những gì nên có trong SWOT của doanh nghiệp.

Khách hàng nói rằng họ coi trọng hay không coi trọng điều gì về sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu và cách các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp? Nếu họ không mua sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp thì họ sẽ mua gì thay thế?

Phân tích đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp

Cũng giống như phân tích khách hàng, phân tích đối thủ cạnh tranh là nguồn thông tin tuyệt vời để hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa của các doanh nghiệp. Đối thủ cạnh tranh nào đang giành được hoặc mất thị phần và tại sao? Thị trường mục tiêu của họ có thay đổi theo thời gian không? Họ đang đầu tư vào những điểm mới nào? Nhân viên hoặc khách hàng nào đang rời bỏ doanh nghiệp hoặc đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp và họ đang đi đâu?

Khi tìm kiếm điểm mạnh và điểm yếu, các doanh nghiệp cần phải thực hiện các phép so sánh. Mạnh hay yếu so với cái gì? Đối thủ cạnh tranh (và sản phẩm thay thế) cung cấp là cơ sở cho các phép so sánh này.

Tổng kết

Trong bài viết này, chúng tôi đã cung cấp những thông tin chi tiết đến cho anh/chị về SWOT như:

  • Định nghĩa SWOT là gì
  • Nguồn gốc của mô hình SWOT
  • Lợi ích của việc phân tích SWOT
  • 7 bước để phân tích SWOT hiệu quả
  • 6 tips để áp dụng phân tích SWOT trong doanh nghiệp

Chúc anh/chị thành công trong việc áp dụng và phân tích SWOT hiệu quả.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả