Khi xác định được thị trường mục tiêu, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí, giảm thiểu việc lãng phí nguồn nhân lực vào sai đối tượng khách hàng mục tiêu cũng như thúc đẩy doanh thu bán hàng một cách hiệu quả. Thông qua việc xác định thị trường mục tiêu, doanh nghiệp cũng có thể sáng tạo được những thông điệp marketing phù hợp với khách hàng và tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Xác định thị trường mục tiêu là việc quan trọng đối với doanh nghiệp để nâng cao hiệu suất của các hoạt động marketing và bán hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang sử dụng một thông điệp marketing với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Vậy tại sao doanh nghiệp cần phân loại thị trường mục tiêu? Làm thế nào để xác định thị trường mục tiêu một cách hiệu quả? Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu thêm về thị trường mục tiêu qua bài viết này!
Thị trường mục tiêu là gì?
Thị trường mục tiêu là sự phân khúc khách hàng vào từng nhóm nhất định phù hợp với chiến lược, mục tiêu của từng doanh nghiệp. Hay nói cách khác, thị trường mục tiêu bao gồm những khách hàng tiềm năng thực sự quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Nhóm khách hàng cụ thể này là nhóm khách hàng mà doanh nghiệp muốn tiếp cận thông qua các hoạt động và chiến dịch marketing của mình. Đây là nhóm khách hàng có khả năng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp hơn là với những nhóm khách hàng khác. Đối với nhóm khách hàng mục tiêu, họ có chung những đặc điểm như: nhân khẩu học, trình độ học vấn, thu nhập, tâm lý và hành vi,…
Bằng cách phân tích phân khúc thị trường mục tiêu, bạn có thể hiểu được nhóm khách hàng lý tưởng của mình là ai. Khi tiếp cận nhóm khách hàng này, bạn sẽ không cần phải cố gắng thuyết phục họ quá nhiều để mua sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, bởi họ đã có nhu cầu sử dụng sản phẩm của bạn từ trước đó rồi. Tất cả những gì bạn cần làm là khiến họ biết nhiều hơn đến thương hiệu sản phẩm của mình và cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng hiệu quả.
Vì vậy, trên thực tế, thị trường mục tiêu của bạn chính là khách hàng mục tiêu mà bạn nhắm đến.
Lợi ích của việc xác định thị trường mục tiêp đối với doanh nghiệp
Doanh nghiệp không nhất thiết phải lựa chọn thị trường mục tiêu bởi bạn có thể làm theo cách đơn giản đó là quảng cáo sản phẩm theo cùng một cách và cho tất cả những người mua tiềm năng. Cách tiếp cận thị trường này được gọi là truyền thông đại chúng (Mass media). Cách này đã được nhiều doanh nghiệp sử dụng rộng rãi trong quá khứ, đặc biệt là trong các ngành và thị trường như đồ ăn nhanh (Fast food) và nước ngọt (Soft drink).
Nhưng truyền thông đại chúng đã không còn được ưa chuộng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp lo lắng về việc lãng phí nguồn lực của mình vào những khách hàng ít quan tâm đến sản phẩm, hoặc những người là khách hàng trung thành với các sản phẩm cạnh tranh. Bởi lý do đó, phương pháp tiếp cận thị trường mục tiêu là một phương pháp quan trọng để thúc đẩy hiệu quả của các hoạt động marketing và bán hàng. Vậy việc phân loại thị trường mục tiêu có thể đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?
2.1. Xác định được lợi thế cạnh tranh
Phân loại thị trường mục tiêu đem lại cho doanh nghiệp các lợi thế cạnh tranh bằng cách xác định một thị trường mới mà doanh nghiệp có thể tập trung tiếp cận. Bằng cách phân loại thị trường mục tiêu, các doanh nghiệp có thể xác định các thị trường chưa được khai thác và đang phát triển nhưng lại có mức độ cạnh tranh thấp. Khi xác định được một thị trường mục tiêu có khả năng tăng trưởng cao và có mức độ cạnh tranh thấp, doanh nghiệp có thể mở rộng cơ sở khách hàng tiềm năng và cuối cùng thúc đẩy việc quảng cáo sản phẩm và bán hàng.
Với sự hiểu biết về thị trường mục tiêu, doanh nghiệp có thể hiểu rõ khách hàng đang mong muốn gì từ sản phẩm và dịch vụ của mình. Bằng cách đó, việc lên một chiến lược phù hợp để đáp ứng được nhu cầu cũng như mong đợi của khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.
2.2. Tạo nên những thông điệp marketing hiệu quả
Khi doanh nghiệp có thể xác định được thị trường mục tiêu cũng như nhóm khách hàng mà họ sẽ hướng đến, những thông điệp trong các chiến dịch marketing của doanh nghiệp sẽ trở nên hiệu quả hơn. Bằng cách phân loại thị trường mục tiêu, doanh nghiệp có thể tránh sử dụng ngôn ngữ chung chung, mơ hồ để giao tiếp với nhiều đối tượng khách hàng. Thay vào đó, những thông điệp trực tiếp đáp ứng được nhu cầu, mong muốn và phù hợp với các đặc điểm cụ thể của đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp sẽ được tạo ra.
Những thông điệp marketing hiệu quả có thể gây được ấn tượng sâu sắc hơn đối với khách hàng khi họ cảm thấy những thông điệp đó liên quan tới mình. Đối với các doanh nghiệp có thị trường rộng lớn và khách hàng đa dạng, việc tạo ra các thông điệp marketing phù hợp với từng phân khúc khách hàng không phải là dễ. Thông qua việc phân loại thị trường mục tiêu, bạn có thể giải quyết được vấn đề này và tập trung vào việc tạo thông điệp cho những đối tượng khách hàng cụ thể.
2.3. Tăng tỷ lệ chuyển đổi
Khi doanh nghiệp truyền tải những thông điệp phù hợp đến với khách hàng trong thị trường mục tiêu, doanh nghiệp sẽ có nhiều khả năng thu hút đúng đối tượng hơn. Đối tượng đó sẽ có hứng thú với sản phẩm của bạn và sẵn sàng chi trả cho sản phẩm đó hơn là những đối tượng khách hàng khác không thuộc thị trường mục tiêu. Nếu doanh nghiệp có khả năng kết nối với những phân khúc khách hàng phù hợp, nhiều khả năng họ sẽ là những khách hàng tiềm năng chất lượng cao và đủ điều kiện để chuyển thành khách hàng giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng.
2.4. Cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ
Đối với việc phân loại thị trường mục tiêu, doanh nghiệp sẽ có thể hiểu được khách hàng của mình hơn. Doanh nghiệp sẽ biết được khách hàng trong thị trường mục tiêu của mình cần gì, họ gặp vấn đề gì và sản phẩm của doanh nghiệp có thể giải quyết được vấn đề đó như thế nào. Doanh nghiệp cũng sẽ nhận được phản hồi và nhận xét từ khách hàng để có thể cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình hơn để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Khi có thị trường mục tiêu và thấu hiểu về khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp có thể đặt mình vào vị trí của họ và cân nhắc phải cải thiện sản phẩm, dịch vụ của mình như thế nào để chiếm được lòng tin và lòng trung thành của khách hàng. Doanh nghiệp có thể xem mình có thể thêm những tính năng nào vào sản phẩm để có thể phục vụ khách hàng tốt hơn.
AMIS CRM – Bộ công cụ tối ưu hoạt động kinh doanh
AMIS CRM là giải pháp phần mềm hỗ trợ các nghiệp vụ bán hàng, giúp doanh nghiệp chăm sóc khách hàng tốt hơn, nâng cao năng suất cho sale, tối ưu hoạt động kinh doanh và bứt phá doanh thu.
Nhứng tính năng nổi bật của AMIS CRM bao gồm:
- Quản lý chiết khấu, khuyến mại
- Lưu trữ, quản lý mọi thông tin khách hàng
- Quản lý nhân viên sale
- Quản lý nhân viên đi thị trường
- Tối ưu quy trình bán hàng, phê duyệt
- Liên thông dữ liệu về tồn kho, công nợ, đơn hàng… với Kế toán
- Báo cáo doanh số, hiệu suất nhân viên…
Các cách xác định thị trường mục tiêu phổ biến
Sau khi hiểu được lợi ích của việc phân loại thị trường mục tiêu, doanh nghiệp cần hiểu được các cách phân loại thị trường mục tiêu phổ biến hiện nay. Nhìn chung, có 4 cách phân loại thị trường mục tiêu phổ biến như sau:
Xác định thị trường mục tiêu theo địa lý
Phân loại thị trường mục tiêu theo địa lý là kiểu phân loại thị trường mục tiêu đơn giản nhất. Doanh nghiệp có thể phân loại khách hàng dựa trên biên giới địa lý.
Ví dụ về phân loại thị trường mục tiêu theo địa lý có thể được kể đến như:
- Mã bưu điện
- Tỉnh, thành phố
- Quốc gia
- Bán kính xung quanh một vị trí nhất định
- Khí hậu
- Thành thị hay nông thôn
Khi phân loại thị trường mục tiêu theo địa lý, doanh nghiệp có thể đề cập đến ranh giới địa lý xác định (chẳng hạn như thành phố hoặc mã ZIP) hoặc loại khu vực (chẳng hạn như kích thước của thành phố hoặc kiểu khí hậu).
Một ví dụ về phân loại thị trường theo địa lý có thể là một doanh nghiệp cung cấp sản phẩm là ô tô hạng sang chọn nhắm mục tiêu đến những khách hàng sống ở vùng có khí hậu ấm áp, nơi các phương tiện không cần trang bị khi trời có tuyết. Khi thực hiện các hoạt động marketing, doanh nghiệp nhắm vào xung quanh các trung tâm thành phố, đô thị, nơi khách hàng mục tiêu của họ có khả năng sinh sống và làm việc.
Xác định thị trường mục tiêu theo nhân khẩu học
Nhân khẩu học là sự phân tích về tính cách khách hàng của doanh nghiệp trên thị trường mục tiêu dựa vào các đặc điểm nhân khẩu học. Những đặc điểm này cung cấp thông tin cơ bản về khách hàng mục tiêu và thường được coi là một trong những kiểu phân khúc thị trường mục tiêu rộng. Ví dụ thêm về những thông tin nhân khẩu học của khách hàng có thể bao gồm độ tuổi, thu nhập, quy mô gia đình, học vấn hoặc giới tính.
Đối với việc phân loại thị trường mục tiêu theo nhân khẩu học, chủ doanh nghiệp có thể đi sâu vào việc phân tích những thông tin cơ bản của khách hàng mục tiêu để cắt giảm thời gian và nguồn lực cho các khách hàng thuộc phân khúc khác. Hoặc sử dụng những thông tin này để khai thác những người tiêu dùng tiềm năng mà doanh nghiệp chưa tiếp cận.
Ví dụ về thông tin khách hàng để phân loại thị trường mục tiêu theo nhân khẩu học như sau:
- Nghề nghiệp
- Tình trạng hôn nhân
- Học vấn
- Dân tộc
- Tôn giáo
- Tình trạng sống (nếu đối tượng của bạn là chủ nhà hoặc người cho thuê
- Thu nhập hàng tháng hoặc hàng năm
Đối với các doanh nghiệp B2B, các yếu tố về nhân khẩu học mà doanh nghiệp có thể phân tích bao gồm:
- Quy mô công ty
- Ngành nghề
- Chức năng công việc
Xác định thị trường mục tiêu theo tâm lý khách hàng
Phân loại thị trường mục tiêu tâm lý sẽ giúp doanh nghiệp phân loại được khách hàng mục tiêu của mình theo các yếu tố liên quan đến tính cách và đặc điểm tâm lý của họ.
Ví dụ về các đặc điểm tâm lý của khách hàng như:
- Đặc điểm tính cách
- Giá trị
- Thái độ
- Sở thích
- Phong cách sống
- Các yếu tố ảnh hưởng tâm lý
- Tiềm thức và ý thức
- Động lực
- Ưu tiên
Các yếu tố để phân loại thị trường mục tiêu theo tâm lý hơi khó xác định hơn so với nhân khẩu học vì những yếu tố đó mang tính chủ quan. Các đặc điểm tâm lý của khách hàng không tập trung vào dữ liệu mà yêu cầu doanh nghiệp phải nghiên cứu để khám phá và hiểu.
Ví dụ, thương hiệu xe hơi sang trọng có thể tập trung vào những khách hàng coi trọng chất lượng và địa vị. Trong khi với các doanh nghiệp B2B, họ có thể nhắm mục tiêu đến các chủ doanh nghiệp – những người có động lực để tăng năng suất và thể hiện giá trị đối với nhân viên của họ.
Xác định thị trường mục tiêu theo hành vi khách hàng
Trong khi phân loại thị trường mục tiêu theo nhân khẩu học và tâm lý học tập trung vào khách hàng là ai, phân loại thị trường mục tiêu theo hành vi tập trung vào cách khách hàng hành động như thế nào.
Ví dụ về những đặc điểm hành vi của khách hàng như:
- Thói quen mua hàng
- Thói quen chi tiêu
- Tâm trạng khách hàng
- Tương tác với doanh nghiệp
Phân loại thị trường mục tiêu theo hành vi yêu cầu doanh nghiệp hiểu về những hành vi của khách hàng. Những hoạt vi này có thể liên quan đến cách khách hàng và doanh nghiệp tương tác với nhau.
Một ví dụ về doanh nghiệp B2C trong cách phân loại thị trường mục tiêu này có thể kể đến thương hiệu xe hơi hạng sang nhắm đến mục tiêu là những khách hàng đã mua xe cao cấp trong ba năm qua. Bên cạnh đó, doanh nghiệp B2B có thể tập trung vào những khách hàng tiềm năng đã đăng ký một trong những sự kiện miễn phí trên website của họ.
7 bước để xác định thị trường mục tiêu hiệu quả
Trong các chiến dịch marketing, việc xác định được thị trường mục tiêu là điều cần thiết đối với doanh nghiệp. Khi hiểu được thị trường mục tiêu, nội dung quảng cáo của doanh nghiệp sẽ hướng đúng tới những khách hàng tiềm năng quan tâm và có nhu cầu sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, việc xác định được chính xác thị trường mục tiêu vẫn là vấn đề khá đau đầu đối với chủ doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để xác định được thị trường mục tiêu hiệu quả?
Bước 1: Tìm hiểu thị trường ngách
Dù sản phẩm mà doanh nghiệp đang bán là gì thì sản phẩm đó cũng có những giá trị nhất định đối với một nhóm người rất cụ thể. Đó được gọi là một thị trường ngách.
Thị trường ngách (Niche market) được hiểu là một phân đoạn nhỏ của thị trường với mục tiêu gồm một nhóm khách hàng riêng biệt. Doanh nghiệp lựa chọn thị trường ngách tức là tập trung nỗ lực cho phần lớn thị trường nhỏ chứ không cạnh tranh để giành thị phần trong thị trường lớn mà sẽ đi theo hướng kinh doanh theo nhu cầu của thị trường.
Để có thể lựa chọn được thị trường ngách, hãy tìm hiểu kỹ về sản phẩm của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp anh/chị chủ doanh nghiệp hiểu lý do tại sao khách hàng tiềm năng của mình sẽ muốn mua sản phẩm đó.
Hãy trả lời những câu hỏi sau:
- Sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp đáp ứng những nhu cầu gì của khách hàng mục tiêu?
- Sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp có giải quyết được vấn đề gì trong cuộc sống của khách hàng mục tiêu không?
- Lợi ích của việc mua sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp là gì? Những sản phẩm và dịch vụ đó cải thiện cuộc sống của khách hàng tiềm năng như thế nào?
Bất cứ khi nào anh/chị chủ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định thị trường mục tiêu, hãy trả lời những câu hỏi này. Anh/chị sẽ nắm bắt được những thông tin quan trọng để có thể xác định được thị trường mục tiêu hiệu quả hơn.
Bước 2: Tìm hiểu về khách hàng hiện tại của bạn
Nếu doanh nghiệp đang thu được lợi nhuận trong việc kinh doanh, thì điều đó có nghĩa là doanh nghiệp đã xác định được khách hàng mục tiêu của mình. Vì vậy, khi hiểu được những khách hàng hiện tại đang mua sản phẩm, doanh nghiệp có thể dựa vào thông tin từ những khách hàng hiện tại đó để cải tiến, nâng cấp chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh những tính năng của sản phẩm mà khách hàng cảm thấy hài lòng.
Khi chủ doanh nghiệp có thể hiểu được khách hàng hiện tại của mình, anh/chị có thể nhắm mục tiêu đến nhiều người hơn giống như họ bằng các kế hoạch marketing và bán hàng của mình.
Hãy phân tích kỹ các đối tượng khách hàng hiện tại của doanh nghiệp và tìm hiểu xem họ có những đặc điểm chung nào không, chẳng hạn như các đặc điểm nhân khẩu học hoặc tâm lý học. Ví dụ về chân dung khách hàng như:
- Độ tuổi: Độ tuổi chung của khách hàng hiện tại của doanh nghiệp là bao nhiêu? Biết được thông tin này sẽ giúp doanh nghiệp có thể chọn phân khúc thị trường và khách hàng mục tiêu của mình khi chạy những chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội.
- Giới tính: Khách hàng hiện tại của doanh nghiệp chủ yếu là nam hay nữ? Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn đặc trưng của khách hàng tiềm năng theo giới tính của họ.
- Thu nhập: Khách hàng hiện tại đang phải chi bao nhiêu tiền cho sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp? Họ có thể thoải mái mua hàng nhiều lần hay họ cần tiết kiệm để có thể mua sản phẩm? Có bất kỳ rào cản tài chính nào cần giải quyết không?
- Vị trí: Khách hàng hiện tại của doanh nghiệp đang sống ở đâu và họ ở múi giờ nào? Có những rào cản văn hóa nào mà doanh nghiệp cần lưu ý không?
- Hành vi: Khách hàng hiện tại thường làm gì trên mạng xã hội? Họ theo dõi những trang hoặc thương hiệu nào và nền tảng mạng xã hội ưa thích của họ là gì? Họ thích những loại nội dung nào và liệu doanh nghiệp có thể kết hợp loại nội dung đó vào chiến lược marketing của mình không?
- Phong cách sống: Khách hàng của doanh nghiệp sử dụng thời gian rảnh của họ như thế nào? Họ cần những loại sản phẩm hoặc dịch vụ nào để hỗ trợ những sở thích đó?
- Giá trị : Niềm tin và giá trị chung của họ là gì? Điều này có ảnh hưởng đến lòng trung thành của họ đối với sản phẩm. Liệu sản phẩm của doanh nghiệp có cung cấp được giá trị mà khách hàng mong muốn không?
Anh / chị chủ doanh nghiệp có thể tìm hiểu những thông tin này bằng cách nghiên cứu Google Analytics hoặc phân tích các số liệu trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, để tìm hiểu về khách hàng hiện tại, doanh nghiệp có thể sử dụng phần mềm chăm sóc khách hàng – phần mềm giúp anh/chị chủ doanh nghiệp có thể quản lý khách hàng một cách hiệu quả. Dựa vào những thông tin của khách hàng, lịch sử tương tác với khách hàng, số liệu về những giao dịch thành công / thất bại thông qua những loại báo cáo đa dạng cũng như phản hồi của khách hàng đối với sản phẩm, doanh nghiệp có thể thấu hiểu khách hàng và tối ưu trải nghiệm khách hàng trong tương lai.
Với AMIS CRM, anh / chị chủ doanh nghiệp sẽ có cái nhìn toàn diện về khách hàng giúp doanh nghiệp cung cấp đúng sản phẩm khách hàng cần tại đúng thời điểm, nhờ đó tăng sự hài lòng của khách hàng và tăng tỷ lệ mua hàng. Anh / chị có thể đăng ký dùng thử trải nghiệm miễn phí tại đây:
Bước 3: Phân tích số liệu
Khi doanh nghiệp tạo chiến lược marketing trên nền tảng số, điều quan trọng là phải biết chính xác loại nội dung cần chia sẻ và kênh chia sẻ nội dung đó. Doanh nghiệp có thể dễ dàng biết được thông tin này bằng cách xem loại nội dung nào hiện đang đem lại kết quả tốt, thu hút khách hàng biết đến sản phẩm và nội dung nào giúp chuyển đổi thành bán hàng.
Doanh nghiệp có thể phân tích số liệu qua các công cụ như Google Analytics, Facebook Business, Google Tag Manager,… Thêm vào đó, doanh nghiệp có thể khai thác dữ liệu CRM để hiểu khách hàng hơn, từ đó đưa ra những chiến dịch marketing phù hợp với những khách hàng mục tiêu của mình. Tuy nhiên, việc quản lý khách han và tận dụng dữ liệu trên phần mềm CRM có thể vẫn là điều không dễ thực hiện đối với doanh nghiệp. Nếu gặp khó khăn về việc sử dụng phần mềm CRM, anh / chị có thể đăng ký nhận tư vấn tại đây:
Khi tìm hiểu kỹ dữ liệu, doanh nghiệp có thể hiểu đối tượng khách hàng của mình dựa trên 4 cách phân loại thị trường mục tiêu như đã đề cập:
- Phân loại thị trường mục tiêu dựa vào nhân khẩu học
- Phân loại thị trường mục tiêu dựa vào địa lý
- Phân loại thị trường mục tiêu dựa vào hành vi khách hàng
- Phân loại thị trường dựa vào tâm lý khách hàng
Anh/chị chủ doanh nghiệp sẽ cảm thấy có rất nhiều bước phải làm khi xác định thị trường mục tiêu, nhưng đó là phương pháp giúp anh/chị chủ doanh nghiệp có thể lên được những chiến dịch marketing và bán hàng hiệu quả. Bằng cách này, nỗ lực quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp sẽ không bị lãng phí cho bất kỳ ai không hứng thú hoặc không có khả năng mua sản phẩm.
Bước 4: Tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh
Nếu doanh nghiệp chưa có khách hàng, hoặc đã có khách hàng tiềm năng, thì việc tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp xác định được thị trường mục tiêu của mình một cách hiệu quả.
Hãy vào trang website, blog, các trang mạng xã hội và đọc bài viết của họ để xem liệu bạn có thể hiểu chiến lược marketing cũng như thị trường mục tiêu của họ hay không. Khi tìm hiểu về đối thủ, hãy tự hỏi những câu hỏi sau:
- Đối thủ đã phân loại thị trường mục tiêu bằng cách nào?
- Khách hàng mục tiêu của họ là ai?
- Họ có một thị trường mục tiêu cụ thể hay nhiều thị trường mục tiêu? Đó là gì? Tại sao họ lại chọn thị trường mục tiêu đó?
- Họ quảng cáo sản phẩm của mình như thế nào? Họ sử dụng loại ngôn ngữ nào? Họ làm nổi bật những tính năng nào của sản phẩm?
- Tần suất cập nhật bài viết mới của họ hàng tuần là gì?
Hãy tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh với tư cách là một khách hàng của họ. Đăng ký nhận bản tin và theo dõi các trang truyền thông xã hội của họ để doanh nghiệp có thể trải nghiệm dịch vụ chăm sóc khách hàng của họ. Sau đó ghi chú lại những điểm cần lưu ý.
Bước 5: Hiểu tính năng và lợi ích sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp
Khi thực hiện phân tích để xác định thị trường và khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp thực sự cần dành thời gian để hiểu chính xác điều gì đã thúc đẩy khách hàng tiềm năng mua sản phẩm của doanh nghiệp.
Cách để làm điều đó là cho khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp thấy sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp có thể trực tiếp mang lại lợi ích cho họ và cải thiện cuộc sống hàng ngày của họ như thế nào.
Hãy kết hợp nội dung được sáng tạo dưới góc độ tính năng của sản phẩm và lợi ích của sản phẩm. Tính năng sản phẩm là những gì mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng. Lợi ích của sản phẩm là cách để hiểu xem sản phẩm đó ảnh hưởng đến khách hàng tiềm năng của bạn như thế nào.
Trên thực tế, đây cũng là một bước quan trọng để viết mô tả sản phẩm có khả năng chuyển đổi tốt. Bên cạnh đó, việc hiểu tính năng sản phẩm và lợi ích của tính năng đó đối với khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp có thể xác định được thị trường mục tiêu một cách hiệu quả.
Bước 7: Đánh giá hiệu quả của thị trường mục tiêu
Khi doanh nghiệp đã xác định được thị trường mục tiêu, đã đến bước đánh giá hiệu quả của thị trường mục tiêu của mình bằng những câu hỏi sau:
- Khách hàng trong thị trường mục tiêu có thực sự được hưởng lợi từ sản phẩm / dịch vụ của tôi không? Liệu họ có thấy cần thiết không?
- Khách hàng có thể chi trả để mua sản phẩm / dịch vụ của tôi không?
- Khách hàng có thể hiểu được thông điệp marketing của tôi không? Những thông điệp đó có dễ dàng được tiếp cận không?
Nếu khách hàng trong thị trường mục tiêu của doanh nghiệp phản hồi tốt về sản phẩm, cũng như họ thật sự cảm thấy sản phẩm có thể giúp ích được cho họ và có nhu cầu tiếp tục sử dụng sản phẩm trong tương lai thì có nghĩa là bạn đã xác định thị trường mục tiêu của mình một cách hiệu quả. Mặt khác, nếu họ có bất cứ nhận xét nào về sản phẩm, hãy khắc phục những điểm còn thiếu sót và đẩy mạnh những tính năng mà khách hàng hài lòng.
Tổng kết
Việc xác định thị trường mục tiêu là rất quan trọng nhưng cũng khá khó khăn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đã xác định được thị trường và khách hàng mục tiêu, việc đưa ra các chiến dịch và thông điệp marketing hiệu quả sẽ trở nên dễ dàng hơn. Doanh nghiệp sẽ không phải tốn nhân lực vào sai đối tượng và sai thị trường. Bằng cách xác định thị trường mục tiêu, anh / chị chủ doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí và tăng doanh số bán hàng một cách hiệu quả.
Tham khảo thêm một số bài viết hay khác:
- Quy trình bán hàng 7 bước chuẩn cho công ty thương mại
- Cách tính chiếu khấu phần trăm
- 4 kiểu tâm lý khách hàng và cách nắm bắt nâng cao hiệu quả chốt SALE