Marketing Inbound Marketing 10 bước lập kế hoạch digital marketing & hướng dẫn chi tiết

Lập kế hoạch digital marketing đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh trên nền tảng số. Các marketer khi bắt đầu lập kế hoạch thường gặp nhiều khó khăn như không biết cách xác định mục tiêu rõ ràng, mức độ khả thi, phân bổ ngân sách giữa các kênh, phối hợp các đơn vị sao cho hiệu quả, tối ưu… 

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết các bước giúp marketer có thể tự lập kế hoạch digital marketing hiệu quả và phù hợp với nguồn lực sẵn có.

I. Kế hoạch digital marketing là gì?

Kế hoạch digital marketing (hay kế hoạch tiếp thị kỹ thuật số) là một tài liệu trong đó doanh nghiệp sẽ vạch ra các chiến lược mục tiêu trên các nền tảng số của mình, cũng như các bước cụ thể mà doanh nghiệp cần làm để đạt được mục tiêu đó.

Kế hoạch digital marketing là một phần quan trọng của kế hoạch kinh doanh. Qua việc lập kế hoạch với mục tiêu, công việc cụ thể  cần làm, doanh nghiệp có thể  đo lường các hoạt động marketing đang diễn ra, tránh việc lãng phí tiền bạc mà không tạo được những kết quả mong muốn.

Kế hoạch digital marketing là gì?
Kế hoạch digital marketing là gì?

>> Xem thêm: Top 8 digital marketing tool hữu ích mọi doanh nghiệp nên tham khảo

II. Vì sao doanh nghiệp cần lập kế hoạch digital marketing

Một doanh nghiệp lập kế hoạch digital marketing tốt sẽ có thể:

1. Nắm bắt thị trường và khách hàng mục tiêu

Khi bắt đầu xây dựng kế hoạch, việc nghiên cứu khách hàng và thị trường là bước bắt buộc của mọi doanh nghiệp. Với từng đối tượng khách hàng cụ thể qua nghiên cứu doanh nghiệp sẽ nắm được nhu cầu, hành vi của họ.

Từ đó, doanh nghiệp có thể sáng tạo thông điệp cũng như truyền tải các nội dung truyền thông cho phù hợp, cũng như lên các chiến lược quảng bá sản phẩm được cá nhân hóa cho từng tệp khách hàng.

2. Phân bổ ngân sách và khai thác nguồn lực hiệu quả

Một kế hoạch digital marketing được lập khả thi sẽ có thể nêu được chi tiết các đầu mục công việc cần làm, các khoản phí phải chi, số lượng nhân sự… từ đó doanh nghiệp có thể quản lý và sử dụng nguồn lực tối ưu nhất, sử dụng ngân sách và thời gian làm việc của nhân viên một cách hiệu quả nhất.

3. Phân công rõ ràng, giúp nhân sự bám sát công việc, mục tiêu

Kế hoạch digital marketing rõ ràng sẽ giúp các nhân viên, phòng ban trong doanh nghiệp nắm rõ được các hạng mục công việc cần làm, từ đó đảm bảo các hoạt động luôn có thể theo đúng tiến độ và tăng sự phối hợp giữa các nhân sự với nhau.

4. Quản lý hoạt động marketing hiệu quả

Kế hoạch digital marketing còn là công cụ đắc lực cho việc quản trị hoạt động marketing nói chung một cách hiệu quả. Ban lãnh đạo có thể qua kế hoạch theo dõi tiến độ công việc, các kết quả đã đạt được của phòng ban. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp là agency, việc xây dựng một kế hoạch digital marketing tối ưu cho khách hàng sẽ giúp khách hàng luôn tương tác với agency và quản lý được các hạng mục mà công ty đang triển khai.

III. Một số mẫu kế hoạch digital marketing

Doanh nghiệp có thể tham khảo thêm một số mẫu khi lập kế hoạch digital marketing được tổng hợp dưới đây:

IV. 10 bước lập kế hoạch digital marketing tối ưu từ A-Z

Bước 1: Phân tích sản phẩm và thương hiệu

Nghiên cứu và phân tích sản phẩm cũng như thương hiệu là một trong những bước quan trọng quyết định sự thành công của kế hoạch digital marketing.

Doanh nghiệp có thể sử dụng mô hình SWOT để phân tích sản phẩm và thương hiệu, nhằm tìm ra những điểm khác biệt và lợi thế so với đối thủ cạnh tranh, cụ thể như sau:

  • S – Strengths (Điểm mạnh): hãy liệt kê các điểm nổi bật mà doanh nghiệp của bạn làm tốt hơn đối thủ, ví dụ như sản phẩm có công nghệ độc quyền, dịch vụ bán hàng vượt trội, hệ thống phân phối lớn, đội ngũ tư vấn viên chuyên môn cao, hoặc thương hiệu uy tín được người tiêu dùng tin tưởng…
  • W – Weaknesses (Điểm yếu): phân tích những yếu tố khiến sản phẩm của bạn không thuyết phục được khách hàng, hoặc kém lợi thế hơn so với đối thủ, ví dụ như: doanh nghiệp chưa sử dụng các kênh truyền thông online để quảng bá sản phẩm, website quảng bá còn chưa nổi bật… 
  • O – Opportunities (Cơ hội): từ những điểm mạnh đã phân tích và xu hướng của thị trường, doanh nghiệp có thể nghiên cứu tận dụng các cơ hội nào, ví dụ như các sản phẩm đồ ăn dinh dưỡng, bao bì bảo vệ môi trường đang là xu hướng…
  • T – Threats (Thách thức): đi kèm với những điểm yếu đã phân tích cần khắc phục chính là những thách thức mà doanh nghiệp có thể gặp, ví dụ như đối thủ có thể giành thị phần, sản phẩm dễ sao chép, hoặc các trở ngại khác như nhân sự bán hàng chưa được đào tạo bài bản, có thể làm giảm tỷ lệ chốt mua hàng… Tất cả nên được doanh nghiệp nghiên cứu kỹ càng nhất để vạch ra kế hoạch phù hợp.
10 bước lập kế hoạch digital marketing tối ưu từ A-Z
10 bước lập kế hoạch digital marketing tối ưu từ A-Z

Bước 2: Phân tích các đối thủ cạnh tranh

Phân tích đối thủ cạnh tranh trong digital marketing chính là bước tiếp theo quan trọng trong việc lập kế hoạch. Lúc này, doanh nghiệp cần đánh giá, nghiên cứu các hoạt động marketing của các công ty đối thủ, từ đó tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của họ nhằm cải tiến hoạt động digital marketing cho tối ưu và đảm bảo lợi thế.

3 loại đối thủ cạnh tranh doanh nghiệp cần lưu tâm:

  • Đối thủ cạnh tranh trực tiếp: những đối thủ cung cấp sản phẩm tương đương, hướng tới cùng phân khúc khách hàng và có nguồn lực tương đồng với doanh nghiệp của bạn.
  • Đối thủ cạnh tranh gián tiếp: những doanh nghiệp này không cung cấp sản phẩm cùng loại nhưng họ lại kinh doanh các sản phẩm có thể thay thế và đảm bảo nhu cầu khách hàng tương đương với sản phẩm của bạn.
  • Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn: là những đối thủ chưa chính thức gia nhập thị trường nhưng có cùng phân khúc khách hàng với doanh nghiệp bạn và có khả năng cạnh tranh với bạn.

Để nghiên cứu các đối thủ, doanh nghiệp có thể sử dụng mô hình SWOT tương tự như ở bước 1. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo một số công cụ dưới đây để phân tích các hoạt động digital marketing của doanh nghiệp đối thủ:

Công cụ phân tích fanpage:

  • Facebook Insights: đây là công cụ cung cấp cho doanh nghiệp số liệu chi tiết của các bài viết trên Facebook, ví dụ như lượt tiếp cận, số lượng tương tác. Trong đó bao gồm cả các dữ liệu người dùng như nhân khẩu học và vị trí địa lý. Từ đó, doanh nghiệp có thể nghiên cứu xem fanpage này đang thu hút đối tượng nào, nội dung nào là chủ yếu. Ví dụ như fanpage có lượng người dùng chủ yếu ở phân khúc 18-24 và 25-34 tuổi, quan tâm đến các nội dung giải trí, tin tức thể thao…
  • Facebook Page Transparency: đây là tính năng được Facebook cung cấp, cho phép người dùng có thể xem các bài viết đang quảng cáo trên một fanpage bất kỳ. Doanh nghiệp có thể sử dụng mục này để xem các đối thủ đang quảng bá những nội dung nào, video, ảnh truyền thông có điểm gì nổi bật.
Facebook Page Transparency
Facebook Page Transparency
  • Ngoài những công cụ phổ biến trên, doanh nghiệp có thể tham khảo 1 số công cụ khác nổi tiếng như: Sociograph (xem thông tin tổng quan về fanpage); Klear (công cụ phân tích KOLs)…

Một số công cụ để nghiên cứu website:

  • Google Tag Assistant: đây là một tiện ích mở rộng của trình duyệt Google Chrome do Google phát triển. Công cụ này cho phép người dùng kiểm tra xem đối thủ đã cài các đoạn mã theo dõi nào của Google trên website, ví dụ như các mã: Google Analytics, Google Ads, Google Tag Manager…từ đó giúp doanh nghiệp có thể nghiên cứu kỹ càng hơn về chiến lược marketing trên Google như các hoạt động quảng cáo, SEM… của đối thủ.
Google Tag Assistant
Google Tag Assistant
  • Facebook Pixel Helper: tiện ích kiểm tra 1 website/landing có cài đặt pixel của Facebook hay không, dùng để tối ưu hóa các sự kiện trên trang. Nếu website của đối thủ đang cài đặt pixel này, rất có thể doanh nghiệp đó đang triển khai các chiến dịch quảng cáo trên Facebook với các mục tiêu trên web như tối ưu lượt mua hàng, lượt xem sản phẩm…
Facebook Pixel Helper
Facebook Pixel Helper
  • Similarweb: đây là công cụ nổi tiếng dùng để đo lường các chỉ số của 1 website bất kỳ. Chỉ cần nhập tên website, bạn có thể xem các thông tin như số lượng truy cập, mức độ tương tác, thông tin nhân khẩu học của người dùng truy cập…
Similarweb
Similarweb
  • Web Developer: Là công cụ giúp doanh nghiệp làm SEO có thể kiểm tra Heading, thẻ Alt ảnh… và một số yếu tố quan trọng khác của một website.

Bước 3: Thiết lập mục tiêu trong lập kế hoạch digital marketing

Mục tiêu digital marketing chính là những gì sử dụng để đo lường sự thành công hay thất bại của chiến dịch. Doanh nghiệp có thể sử dụng mô hình SMART để đặt mục tiêu, cụ thể như sau:

  • Specific (Cụ thể): các mục tiêu cần càng chi tiết, cụ thể càng tốt, trả lời các câu hỏi cơ bản như số liệu đạt được là gì, phân khúc khách hàng nào, làm như thế nào… Ví dụ mục tiêu tăng trưởng 3000 khách hàng mới trong một tháng từ kênh digital marketing là Facebook và Google.
  • Measurable (Có thể đo lường): kế hoạch digital marketing cần các mục tiêu có thể đo lường được, để xác định chiến dịch có đạt được mục tiêu đã đề ra hay không. Doanh nghiệp nên xác định những KPI có thể cần đặt cho hoạt động marketing, ví dụ như số lượng chuyển đổi trên website, traffic, lượt tương tác…
  • Achievable (Có thể đạt được): những mục tiêu doanh nghiệp vạch ra cần cân đối với thực tế, không nên đặt mục tiêu quá xa vời nhưng cũng không đặt mục tiêu quá dễ dàng, mục tiêu nên gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.
  • Realistic (Thực tế): mục tiêu mới nên tính đến các thành tích đã đạt được trước đây của doanh nghiệp, đảm bảo cho mục tiêu có tính khả thi. Ví dụ như đặt mục tiêu tăng 20% lượt chuyển đổi trên website so với quý trước…
  • Timely (Đúng thời hạn): mục tiêu cần được thiết lập khung thời gian hoàn thành, doanh nghiệp có thể chia nhỏ các mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ hơn để điều chỉnh lộ trình nếu cần. Ví dụ để đạt mục tiêu tăng 200% khách hàng trên website sau 3 tháng, doanh nghiệp có thể chia nhỏ thành sau 1 tháng tăng 50% khách hàng, số lượng cụ thể là bao nhiêu, chia nhỏ tiếp ra các tuần mỗi tuần cần đạt bao nhiêu chuyển đổi mua hàng…

>> Xem thêm: [Tổng hợp] 14 Marketing KPI quan trọng nhất nhà quản lý PHẢI BIẾT để theo dõi hiệu quả các chiến dịch

Bước 4: Xây dựng chân dung khách hàng mục tiêu

Khách hàng mục tiêu chính là những đối tượng mà doanh nghiệp phải hướng tới để triển khai các hoạt động marketing, truyền thông. Xác định được chân dung khách hàng mục tiêu (persona) càng chi tiết và cụ thể sẽ giúp cho doanh nghiệp tối ưu được chi phí digital marketing, đạt được kết quả kinh doanh tốt nhất.

Persona chính là hồ sơ ghi lại những đặc điểm, thói quen, nhu cầu, tính cách của khách hàng mục tiêu. Để tạo ra bản persona doanh nghiệp cần làm nghiên cứu thị trường tỉ mỉ, sau xây dựng dựa trên các thông tin sau:

  • Nhu cầu khách hàng: xác định được nhu cầu của khách hàng dựa trên các sản phẩm/dịch vụ doanh nghiệp đang cung cấp, hoặc dựa trên các kết quả khảo sát tệp khách hàng tiềm năng.
  • Thách thức: xác định được những thách thức mà khách hàng mục tiêu gặp phải để giúp họ giải quyết. Doanh nghiệp nên tìm những điểm nổi bật của sản phẩm đang cung cấp có thể giải quyết tốt nhất, vượt trội hơn đối thủ. Ví dụ khách hàng đang cần doanh nghiệp có hệ thống thanh toán online đa dạng hơn, dịch vụ vận chuyển chi phí rẻ và nhanh hơn.
  • Sở thích/mối quan tâm/hành vi của khách hàng: các thông tin này giúp doanh nghiệp hiểu sâu sắc các đặc điểm của khách hàng tiềm năng, từ đó có thể cải tiến sản phẩm, hoặc điều chỉnh chiến dịch digital marketing cho phù hợp. Ví dụ khách hàng có sở thích mua sắm trên các sàn thương mại điện tử hơn so với các kênh mua trực tiếp từ Facebook, Google… doanh nghiệp có thể đẩy mạnh quảng bá kênh trên sàn.
  • Thông tin nhân khẩu học của khách hàng: các thông tin cơ bản bao gồm độ tuổi, giới tính, địa điểm, thu nhập… sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể phân loại khách hàng theo từng tiêu chí và xây dựng nội dung truyền thông cá nhân hóa cho phù hợp.
Nguồn: SimilarWeb
Nguồn: SimilarWeb

Bước 5: Xác định hành trình khách hàng

Xây dựng hành trình khách hàng (customer journey) trong lập kế hoạch digital marketing sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ cách khách hàng tương tác với các kênh, các yếu tố thúc đẩy quá trình mua sắm của họ. 

Một số câu hỏi sau đây sẽ có thể được sử dụng:

  • Khách hàng lần đầu tiên tiếp xúc doanh nghiệp của bạn ở đâu trên các kênh online?
  • Điểm tiếp xúc nào là quan trọng nhất trong hành trình khiến người dùng quyết định mua sản phẩm của bạn?
  • Điều gì làm khách hàng rời đi hoặc điều gì khiến họ trở lại doanh nghiệp của bạn?

Việc xây dựng hành trình khách hàng cần dựa trên việc nghiên cứu dữ liệu khách hàng tỉ mỉ, dữ liệu này bao gồm các thông tin khách hàng đã có của doanh nghiệp, những dữ liệu trên các nền tảng online như các mạng xã hội, website…  Từ đó doanh nghiệp có thể vạch ra một hành trình khách hàng phù hợp nhất với mục tiêu và nguồn lực.

Ví dụ về hành trình khách hàng trong lập kế hoạch digital marketing cơ bản nên đủ các yếu tố sau:

  • Xây dựng mức độ nhận biết: khách hàng lúc này chưa hề biết về doanh nghiệp và sản phẩm của bạn trên các kênh online, doanh nghiệp cần triển khai các kênh truyền thông với mục đích tăng lượt tiếp cận sản phẩm đến người dùng tiềm năng.
  • Tăng tương tác/cân nhắc: sau khi đã tiếp cận được nội dung truyền thông đến khách hàng, doanh nghiệp cần lên các chiến lược cụ thể để gia tăng độ thiện cảm của khách hàng với sản phẩm, kích thích khách hàng quan tâm và tương tác với doanh nghiệp nhiều hơn trên nền tảng số.
  • Mua hàng: sau khi nuôi dưỡng tệp tiềm năng, doanh nghiệp tiếp tục đưa ra các nội dung bán hàng, có thể là các chương trình khuyến mãi, thu hút quyết định mua hàng để khách hàng mua sản phẩm của bạn
  • Trung thành: sau khi khách mua hàng, doanh nghiệp cần đẩy các kênh digital marketing với nội dung chăm sóc sau bán, nhằm xây dựng và khai thác tệp khách hàng trung thành.

Bước 6: Lên chiến lược cụ thể cho các kênh truyền thông

Sau khi đã xác định được mục tiêu, hành trình khách hàng, doanh nghiệp cần xác định rõ sẽ sử dụng các kênh truyền thông nào, những hình thức marketing nào để triển khai. Với mỗi mục tiêu khác nhau sẽ có những chiến lược thực thi khác nhau.

Một số hình thức digital marketing mà doanh nghiệp có thể sử dụng trong chiến dịch:

Sau khi chọn được chiến lược, hình thức digital marketing phù hợp, doanh nghiệp cần phân bổ nguồn lực để xây dựng nội dung quảng bá, phân phối nội dung đến khách hàng.

Lên chiến lược cụ thể cho các kênh truyền thông
Lên chiến lược cụ thể cho các kênh truyền thông

Nội dung được xây dựng cần đảm bảo dựa trên nhu cầu, thông tin khách hàng đã phân tích, đồng thời cũng cần phù hợp với từng điểm chạm khác nhau trên hành trình khách hàng đã lên. Doanh nghiệp cũng cần liên tục cải tiến nội dung bắt kịp xu thế chung của thị trường, đảm bảo vượt trội so với đối thủ cạnh tranh.

Bước 7: Thiết lập và phân bổ ngân sách

Thiết lập ngân sách là phần quan trọng trong kế hoạch digital marketing, doanh nghiệp cần xác định rõ chi phí dự kiến cùng ngân sách đang có. Đảm bảo cân đối ngân sách phù hợp với nguồn lực đang có và mục tiêu của doanh nghiệp.

Sau khi ngân sách digital marketing được duyệt, doanh nghiệp tiếp tục phân bổ hợp lý cho các kênh truyền thông, sao cho đảm bảo với chức năng nhiệm vụ của từng kênh, đồng thời có chế độ giám sát chi phí chặt chẽ.

Ví dụ

Sau khi lên kế hoạch, doanh nghiệp dự định sẽ chi cho 2 hoạt động quảng cáo và booking để đẩy mạnh hoạt động digital marketing, với 50% ngân sách được phân bổ vào các kênh quảng cáo, marketer cần dự toán quảng cáo Facebook, Google, Tiktok mỗi hạng mục sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm… 50% còn lại dùng để booking KOC trên các nền tảng online cũng cần được liệt kê chi tiết các thông tin như số lượng KOC dự định, sẽ chạy trên các kênh nào…

Bước 8: Thiết lập KPIs và đo lường chiến dịch

KPIs cần được thiết lập từ bước lập kế hoạch digital marketing, doanh nghiệp sẽ liệt kê ra các chỉ số đo lường quan trọng để đánh giá hoạt động chiến dịch. KPI sẽ quyết định xem một chiến dịch triển khai có hiệu quả hay không. Các KPIs cũng cần được lập phù hợp với mục tiêu ban đầu đã thống nhất, đảm bảo tính khả thi.

Bên cạnh đó, KPIs còn giúp đảm bảo nhân sự luôn tập trung vào mục tiêu của kế hoạch, nắm rõ được các hạng mục công việc mình làm, đồng thời kịp thời điều chỉnh cho đảm bảo tiến độ công việc.

Ví dụ khi triển khai 1 kế hoạch thúc đẩy bán hàng trên website thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể quan tâm đến các KPI về traffic, lượt thêm vào giỏ hàng, lượt mua hàng, tỷ lệ hoàn hàng…

Bước 9: Xây dựng kế hoạch dự phòng

Doanh nghiệp nên dự trù một số phương án khi kế hoạch digital marketing không thuận lợi, không đạt mục tiêu. Ví dụ doanh nghiệp bạn sẽ làm gì nếu không đạt KPI 75%, 50%, hoặc khi thị trường không thuận lợi bởi những yếu tố khách quan. 

Bạn có thể xây dựng một số kịch bản như đa dạng hóa các kênh truyền thông, đầu tư các nội dung mới hoặc cân nhắc tạm ngừng các hạng mục đang không tối ưu.

Bước 10: Triển khai, đo lường, đánh giá và tối ưu

Sau khi đã hoàn thiện đủ các yếu tố của một bản kế hoạch digital marketing, doanh nghiệp sẽ tiến hành triển khai các hoạt động và đo lường, giám sát chiến dịch dựa trên KPI đã thống nhất.

Doanh nghiệp có thể chia nhỏ các hoạt động đo lường, báo cáo. Ví dụ như một  tuần review lại chiến dịch quảng cáo Facebook, 1 tháng đánh giá lại tổng thể hoạt động digital marketing. Dựa trên các chỉ số, bạn có thể đánh giá xem kế hoạch đang hiệu quả hay không, có đúng với mục tiêu đặt ra hay không?

Việc liên tục giám sát chiến dịch và đưa ra cải tiến tức thời, tối ưu các đầu mục công việc sẽ giúp doanh nghiệp luôn đảm bảo được tiến độ và triển khai digital marketing hướng tới mục tiêu chung.

Tổng kết

Một kế hoạch digital marketing thành công không chỉ cần những bước xây dựng chắc chắn ban đầu, mà đòi hỏi doanh nghiệp cần liên tục cải tiến, đo lường, tối ưu để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, cạnh tranh với đối thủ trên thị trường, nhất là với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số đang vô cùng khốc liệt ngày nay.

Trên đây là 10 bước căn bản để lập kế hoạch digital marketing hoàn chỉnh. Tùy vào mỗi doanh nghiệp sẽ có những điều chỉnh, ứng dụng phù hợp để đảm bảo cho kế hoạch bám sát nhất với nguồn lực, mục tiêu của công ty.

Tác giả: Nguyễn Duy Khánh

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]