Marketing – bán hàng Bán hàng Xu hướng livestream bán hàng – “Vũ khí” mới của DN Việt...

Nếu như trước đây livestream (phát trực tiếp) chỉ được coi như một tính năng trên các trang mạng xã hội thì giờ đây, tính năng này đã trở thành công cụ bán hàng phổ biến cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. 

1. Sự bùng nổ và phát triển của xu hướng livestream trên thế giới

1.1 Livestream dẫn đầu về xu hướng trên mạng xã hội 

Theo báo Thanh Niên, App Annie Intelligence (công ty chuyên về phân tích dữ liệu) cung cấp số liệu cho thấy các ứng dụng livestream chiếm tới 75% chi tiêu trong danh sách 25 ứng dụng mạng xã hội hàng đầu trên thế giới. 

Mức chi tiêu cho Top 25 ứng dụng này cũng tăng từ 2,4 tỷ USD vào năm 2020 lên 3,8 tỷ USD năm 2021, tương đương với 57% so với cùng kỳ. Báo cáo của App Annie cũng dự đoán chi tiêu hàng năm cho các ứng dụng mạng xã hội sẽ lên đến 59 tỷ USD trên toàn cầu trong năm 2022 và đạt mốc 25 tỷ USD vào năm 2025.

Tính năng livestream được cài đặt trong hàng loạt mạng xã hội nhất toàn cầu  (Nguồn: App Annie Intelligence)
Tính năng livestream được cài đặt trong hàng loạt mạng xã hội nhất toàn cầu  (Nguồn: App Annie Intelligence)

Số liệu thống kê mới nhất trong Quý II/2022 của App Annie Intelligence cũng cho thấy sự bùng nổ của xu hướng livestream trên các ứng dụng mạng xã hội. Cụ thể, tổng thời gian xem livestream trên ứng dụng di động của người dùng tại các quốc gia trên thế giới (ngoại trừ Trung Quốc) đã vươn lên dẫn đầu, với con số ấn tượng lên tới 548 tỷ giờ trong năm 2021, vượt xa hai hình thức còn lại là chat và photo & video. 

Số giờ sử dụng livestream so với các hình thức khác của 5 ứng dụng mạng xã hội hàng đầu trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc (Nguồn: App Annie Intelligence)
Số giờ sử dụng livestream so với các hình thức khác của 5 ứng dụng mạng xã hội hàng đầu trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc (Nguồn: App Annie Intelligence)

1.2 Khởi nguồn và sự bùng nổ livestream bán hàng tại Trung Quốc

Livestream bán hàng khởi nguồn từ Trung Quốc vào năm 2016 và đã nhanh chóng trở thành kênh bán hàng hữu hiệu trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Khoảng thời gian dịch bệnh năm 2020, Trung Quốc có hơn 400 triệu người dùng đã mua sắm qua livestream. 

Doanh thu bán hàng qua livestream trong năm 2020 tại quốc gia này xấp xỉ hơn 170 tỷ Đô la Mỹ, tỷ trọng doanh số bán hàng qua livestream trên tổng tỷ trọng TMĐT dự kiến vào năm 2022 đạt 20%. 

Trọng tâm của cơn sốt mua sắm 2020 là khi những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội (với hàng triệu lượt theo dõi) bắt đầu quảng bá những sản phẩm trị giá lên tới hàng triệu USD thông qua livestream. 

Tận dụng nguồn hàng hóa dồi dào, họ đã kiếm được những “món lời” lớn từ những nhà bán lẻ đã thuê họ, đồng thời tạo ra sức ảnh hưởng và tăng doanh số bán hàng. Các nhà bán lẻ cũng chuyển sang live commerce như một giải pháp cứu vãn tình thế. 

Chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, số người bán hàng trên nền tảng Taobao Live tăng 720% so với 1 tháng trước đó, và trung bình cả năm tăng lên gần 300% so với năm 2019.

Ngày 16/08/2020, Lei Jun – CEO của hãng Xiaomi đã trực tiếp đứng ra livestream trong hơn 2 tiếng đồng hồ và thu về hơn 100 triệu nhân dân tệ (CNY), với các sản phẩm là điện thoại thông minh, bút bi, cân điện tử và TV. 

Jack Ma – nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba, cũng tham gia bán son qua livestream hồi tháng 04/2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ông đã thu về 145 triệu USD ngay sau khi khi kết thúc phiên livestream. 

Trước đó, Taobao – sàn TMĐT lớn nhất Trung Quốc cũng đã đã kiếm được hơn 15 tỷ USD tổng giá trị giao dịch vào năm 2018 nhờ Livestream. Và con số này đã tăng lên đến 38.4 tỷ USD vào ngày Lễ Độc Thân (11/11), tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, với sự tham gia của 17,000 shop bán hàng.

Lễ hội Global Shopping được Alibaba tổ chức vào tháng 11/2019 (Nguồn: Internet)
Lễ hội Global Shopping được Alibaba tổ chức vào tháng 11/2019 (Nguồn: Internet)

Bên cạnh những doanh nghiệp lớn, các cá nhân bán hàng nhỏ lẻ cũng hưởng lợi đáng kể khi nắm bắt xu hướng livestream này. Lý Giai Kỳ – “ông hoàng son môi Trung Quốc” đã từng bán được 15,000 thỏi son trong 5 phút nhờ livestream.

Với sức ảnh hưởng khổng lồ của mình, trong một buổi livestream lễ độc thân 11/11 trên Taobao Live năm 2020, Lý Giai Kỳ đã thu hút hơn 36 triệu người xem, và chỉ với 5 phút quảng cáo dành cho mỗi sản phẩm, anh đã thu về doanh thu hơn 1 tỷ CNY, tương đương với 145 triệu USD.

Như vậy, với sự phát triển phương tiện truyền thông xã hội và hệ thống thanh toán thông minh, việc mua sắm qua livestream ngày càng phổ biến tại Trung Quốc. Mặt khác trước sự ứng phó linh hoạt của Trung Quốc, không có gì ngạc nhiên khi các quốc gia cũng đã và đang nở rộ trào lưu livestream bán hàng trên các nền tảng xã hội, khi hầu hết hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ do dịch bệnh.

1.3 Các thương hiệu toàn cầu sử dụng livestream như một công cụ tiếp thị và bán hàng

Tuy chậm trễ hơn so với Trung Quốc, livestream cũng đã được nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng để quảng bá thương hiệu, “cá nhân hóa” việc mua sắm trên mạng và thúc đẩy bán hàng. 

Tại Hoa Kỳ, nền tảng TMĐT nội thất Wayfair đã sử dụng hình thức livestream lần đầu tiên tại sự kiện Way Day 2019. “Ông lớn” Amazon cũng tham gia vào ngành công nghiệp livestream trong buổi lễ ra mắt Amazon Live vào tháng 1 năm 2019. 

Tại Nhật Bản, ứng dụng chợ trời nổi tiếng Mercari và Rakuten đã bổ sung tính năng phát video trực tiếp để hỗ trợ cho việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn. Facebook bên cạnh tính năng livestream quen thuộc trên Newsfeed cũng đã phát triển một tính năng mới trong Marketplace. 

Tính năng này cho phép người bán bán những mặt hàng hiệu quả hơn trong một buổi livestream. Hay như ứng dụng Instagram cho phép người dùng phát trực tiếp bằng tính năng Instagram Live trên Instagram Stories và hiện cũng đang phát triển tính năng Checkout mới thuận tiện hơn với người dùng – cho phép xét duyệt, mua sắm và thanh toán sản phẩm ngay lập tức mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Tại khu vực Đông Nam Á, hai ông lớn TMĐT Lazada và Shopee cũng mang livestream lên nền tảng mua sắm của mình. Show diễn thời trang Livestream “See Now Buy Now” do Lazada tổ chức vào tháng 5/2019 tại Thái Lan, với sự tham gia của các thương hiệu thời trang nội địa và Philippines. 

Kết quả show diễn thu hút sự theo dõi của hơn 120.000 người nước này trên mạng Internet và đem lại doanh thu tăng trưởng ít nhất 20% so với bình thường, khi số hàng hóa được bán hết sạch trong nửa ngày.

Shopee cũng không hề kém cạnh khi hàng trăm nhãn hiệu mỹ phẩm như L’Oréal, Chope, Innisfree,… ghi nhận doanh thu tăng đến 75% qua hình thức Livestream khi thực hiện chiến dịch “Great Shopee Sale” 2019.

2. Lý giải nguyên nhân đằng sau sự thành công của xu hướng livestream bán hàng

2.1 Hành vi người tiêu dùng sau đại dịch có sự thay đổi

Ông Trần Chí Hiếu – Cựu Giám đốc truyền thông mạng xã hội tại Vingroup – từng chia sẻ trên báo Nhân dân về sự thay đổi của xu hướng bán hàng sau đại dịch Covid-19. Theo đó, xu hướng điển hình nhất sử dụng những nội dung cảm xúc có thể tác động đến đám đông để từ đó thúc đẩy hành vi mua sắm. Và ông cho rằng livestream bán hàng là xu hướng kinh doanh mới mà tại đây, kênh phân phối này có khả năng mang đến nhiều những cảm xúc có “tính người”. 

Ông giải thích, có thể những người theo dõi livestream không bắt nguồn từ mục đích mua sắm. Thay vào đó, người xem tiếp nhận thông tin về sản phẩm, dịch vụ bởi sự hâm mộ và lòng trung thành đối với các streamer. 

Thông qua livestream, người dùng sẽ nhận thông tin một cách tươi mới và chân thật với sự tương tác, phản hồi tốt hơn. Vì thế, họ sẽ đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng hơn. Đây chính là lý do mà hình thức livestream đang trở thành xu hướng thịnh hành trong ngành thương mại điện tử.

Quy trình mua hàng mới của người tiêu dùng được bổ sung thêm hành vi “Thích” theo quan điểm của Cựu Giám đốc Vingroup (Nguồn: Nhân dân)
Quy trình mua hàng mới của người tiêu dùng được bổ sung thêm hành vi “Thích” theo quan điểm của Cựu Giám đốc Vingroup (Nguồn: Nhân dân)

2.2 Livestream bán hàng mang lại nhiều lợi ích cho người bán 

Rút ngắn hành trình mua của khách hàng

Thông thường, hành trình của một khách hàng phải đi qua rất nhiều giai đoạn khác nhau và các điểm tiếp xúc khác nhau như tìm kiếm, đọc, xem nội dung, nhắn tin, gọi điện,… thì mới dẫn đến hành động cuối cùng là mua hàng. Trước đây, những điểm chạm thương hiệu được xây dựng dựa trên những liên kết này. Bản chất của chúng là tuyến tính, với các thói quen cố định của người dùng, và kênh mua hàng vẫn tương đối đơn giản. 

Hiện nay, những liên kết này vẫn còn tồn tại, song các điểm chạm trên mỗi liên kết đã thay đổi, trình tự diễn ra cũng khác so với trước đó. Chẳng hạn, với cách thức truyền thống, doanh nghiệp sẽ quay video giới thiệu sản phẩm, sau đó chạy quảng cáo trên nền tảng xã hội. Khi có sự xuất hiện của livestream bán hàng, người xem có thể dễ dàng tương tác với người bán, xem và đặt mua hàng ngay trong lúc phát trực tiếp. Vì vậy, từ khi biết tới thương hiệu cho đến khi đặt hàng đã được rút ngắn chỉ còn 1 bước, nhờ đó người bán có thể tối ưu hiệu quả các liên kết trung gian. 

Tăng tính chân thật và độ tin cậy

Livestream bán hàng mang lại cảm giác tin cậy cho người xem, vì vậy họ dễ dàng đưa ra các quyết định mua hàng. Nguyên nhân lý giải bởi đặc điểm chung của tất cả video livestream là sự đơn giản và thực tế, không được dàn dựng như quay phim, quay clip ngắn. Sản phẩm được xuất hiện một cách chân thật, không qua hậu kỳ chỉnh sửa hay photoshop.

Nỗi sợ chung của những người mua hàng online là việc bị “lừa” bởi những hình ảnh lung linh của sản phẩm, nhưng khi nhận thì khác “một trời một vực”. Do thực tế đã có rất nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” xảy ra xung quanh việc mua hàng online nên họ cảnh giác hơn khi mua hàng. Và livestream đã phần nào lấy lại được niềm tin của người mua nhờ độ chân thật của nó. Người mua có thể xem món đồ đó 360 độ, thậm chí đối với một số mặt hàng, người bán còn dùng thử sản phẩm cho mọi người xem để bảo đảm chất lượng. 

Tương tác trực tiếp và nhanh chóng với người xem

Livestream không cần mất thời gian chờ đợi khi nhắn tin với người bán. Hình thức này giúp người bán và người mua trực tiếp tương tác với nhau, từ đó rút ngắn thời gian tốt nhất cho cả hai bên. Việc mua hàng cũng vì thế mà được quyết định nhanh chóng hơn so với trước đây. 

Tương tác trực tiếp và nhanh chóng với người xem
Tương tác trực tiếp và nhanh chóng với người xem

Mặc dù đang là công cụ cực kì hiệu quả trong bán hàng, song livestream vẫn còn tồn tại một số nhược điểm dưới đây:

  • Dễ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp: Một số đơn vị sử dụng chiêu trò bán hàng giả kém chất lượng đã gây ảnh hưởng tới sự tin tưởng của người dùng với hình thức bán hàng trực tuyến này.
  • Sự đánh đổi giữa thời lượng livestream và sự đa dạng của sản phẩm: Nếu doanh nghiệp lớn có nhiều hàng hóa thì bạn sẽ không thể giới thiệu được tất cả sản phẩm đến khách hàng chỉ trong một buổi livestream vì thời gian không cho phép.
  • Khó khăn trong quản lý bán hàng: Các vấn đề như dễ bị trôi tin nhắn, bình luận, lỗi khi đặt hàng, sót đơn hàng, không quản lý được nguồn khách tương tác khi livestream cũng là một nhược điểm lớn. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng các phần mềm hỗ trợ quản lý livestream bán hàng để khắc phục vấn đề này và tăng tỷ lệ chốt đơn thành công.
Bạn đang gặp khó khăn trong việc theo dõi và quản lý đơn hàng?Dùng ngay miễn phí phần mềm MISA AMIS CRM - Theo dõi và quản lý đơn hàng tự động, dễ dàng

3. Livestream – ngành công nghiệp bán hàng tiềm năng tại Việt Nam 

Sự xuất hiện của xu hướng livestream bán hàng với những ví dụ sinh động từ thị trường Trung Quốc và các nước khác trên thế giới là một mô hình đáng học hỏi cho Việt Nam. Với hơn 76 triệu người dùng mạng xã hội trong năm 2022 (theo We are social và Kepios), Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để biến hình thức livestream trở thành một ngành công nghiệp bán hàng mũi nhọn trong nền kinh tế số.

Brands Việt Nam cho biết tổng chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến dưới hình thức livestream ước tính dao động từ 15-20%. Và trong năm 2020, thị trường livestream tại Việt Nam được nhận định trị giá xấp xỉ 80 triệu USD. Chính sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ này đã là minh chứng rõ ràng nhất về tiềm năng phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp livestream tại nước ta.

Theo đó, việc CEO của các brand lớn phát trực tiếp đang dần trở nên phổ biến. Điển hình là CEO của Thế giới Di động – Đoàn Văn Hiểu Em đã nhận về hơn 17.000 lượt xem và 367 đơn đặt hàng vào tháng 08/2020, với doanh số đạt 4,7 tỷ đồng chỉ sau 1 tiếng livestream trên fanpage của hãng.

Hay trường hợp gia đình của CEO hãng thời trang YODY đã cùng nhau tham gia chương trình livestream bán hàng “trợ giá mùa dịch”. Chương trình này đã tiếp cận đến 2 triệu người, thu về hơn 1000 đơn hàng với doanh số đạt trên 500 triệu đồng.

Có thể thấy, livestream bán hàng không còn là sân chơi dành riêng cho những cá nhân nhỏ lẻ, mà đã trở thành mảnh đất màu mỡ được các thương hiệu khai thác. Cùng với xu hướng đó, những ông lớn của sàn thương mại điện tử đã nhanh chóng sử dụng công cụ này để giúp các nhãn hàng tăng doanh thu.

Lazada – ông lớn ngành TMĐT cũng đã và đang nắm bắt trào lưu bán hàng mới này trong những năm gần đây. Sự đầu tư cho công cụ bán hàng mới đầy tiềm năng của Lazada được thể hiện qua chiến dịch “An tâm mua sắm tại nhà” trên kênh LaLive. Lịch livestream trải dài các ngày trong tuần với nhiều chủ đề đa dạng, được gắn hashtag giúp người dùng dễ dàng theo dõi và tìm kiếm nội dung ưa thích như: LazMusic, LazGetfit, LazLearn, LazCook, LazHome, LazPlay. 

Sau nửa năm triển khai chiến dịch, cho đến tháng 09/2020, kênh LazLive ghi nhận số lượt xem livestream đã tăng lên 21 lần, và lượt mua hàng qua kênh này cũng đã tăng lên 24 lần so với tháng 9 năm 2019. Thống kê tháng 05/2020 cũng cho thấy tỷ lệ thao tác “bỏ hàng vào giỏ” qua livestream đã tăng lên 128% so với tháng 2/2020 (thời điểm trước khi giãn cách xã hội).

LazLive phát sóng các ngày trong tuần với sự tham gia của người nổi tiếng
LazLive phát sóng các ngày trong tuần với sự tham gia của người nổi tiếng

Báo cáo Toàn cảnh ngành TMĐT do Lazada phát hành vào tháng 03/2021 đã dự đoán rằng livestream sẽ tiếp tục là xu hướng bán hàng đầy tiềm năng trong những năm tiếp theo. Dự đoán này được đưa ra dựa trên cơ sở số liệu thống kê thực tế từ các chiến dịch mua sắm của Lazada. 

Cụ thể, vào Lễ hội mua sắm 11/11 năm 2021 của Lazada, doanh thu bán hàng được tạo ra từ LazLive đã tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời số lượng nhà cung cấp tham gia bán hàng trên kênh LazLive cũng tăng gấp 1,6 lần so với năm ngoái. Trong Lễ hội mua sắm ngày 6/6 năm 2021, kênh LazLive cũng ghi nhận tổng doanh thu tăng gấp 6,5 lần, số lượt xem và số người mua sắm qua kênh livestream này cũng tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. 

Đại diện Shopee tại Việt Nam cho biết, ngay vừa khi ra mắt mô hình livestream Shopee Live trên ứng dụng điện thoại vào tháng 03/2019, tính năng mới này đã ghi nhận 200 triệu lượt xem trên toàn khu vực. Trong năm 2020, ngay từ những ngày đầu cách ly xã hội, nền tảng TMĐT lớn nhất Việt Nam này đã bắt đầu triển khai chiến dịch với khẩu hiệu “Ở nhà không khó – Có Shopee lo”. 

Đều đặn 2 ngày mỗi tuần, những buổi phát trực tiếp lại được triển khai với các hình thức đa dạng như: săn xu, săn sale, trò chuyện cùng người nổi tiếng,… Hàng trăm thương hiệu như Chope, Innisfree, L’Oréal, … nhận định tổng doanh thu của hãng đã tăng đến 75% sau khi tham gia phát trực tiếp trong chiến dịch hàng năm Great Shopee Sale kéo dài 1 tháng. Theo một báo cáo tổng quan năm 2021 do Shopee công bố tháng 3/2022 vừa qua, 400 triệu giờ xem trên kênh Shopee Live là con số ấn tượng đã được ghi nhận trong năm 2021 vừa qua. 

Tiki cũng không hề “kém cạnh” so với hai ông lớn Shopee và Lazada khi tổ chức các gameshow livestream, mời những streamer nổi tiếng trong giới game đến góp vui. TikiLive đã ghi nhận nhiều phản hồi tích cực khi bổ sung tính năng Livestream vào ứng dụng Tiki năm 2018. Các nhà bán hàng cho biết doanh thu livestream tăng cao gấp nhiều lần so với bình thường, doanh thu từ TikiLive cũng chiếm hơn 70% doanh thu trên sàn.

Đầu năm 2020, Tiki đã mở rộng tính năng livestream bán hàng cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau: nhóm nhà bán, nhóm thương hiệu nổi tiếng, nhóm cộng đồng người mua, nhóm người có ảnh hưởng trên cộng đồng mạng,… Ngoài ra Tiki đã ra mắt tính năng “theo dõi” và tương tác bằng cách thả tim, nhận xét, đặt câu hỏi trên kênh TikiLive. Ghi nhận từ Tiki cho thấy lượt người xem cùng thời điểm trong một buổi livestream tăng mạnh, có lúc lên tới 3.000 người xem cùng một thời điểm. 

Dù vậy, câu hỏi đặt ra là, livestream bán hàng ở Việt Nam đã được xem là ngành công nghiệp hay chưa? 

Trên thực tế, livestream bán hàng vẫn còn rất nhiều thách thức để trở thành một ngành công nghiệp chủ lực trong nền kinh tế số tại Việt Nam. Giới kinh doanh nền tảng và các phần mềm hỗ trợ kinh doanh trực tuyến đều khẳng định là chưa. Bởi hình thức này tại Việt Nam vẫn còn tự phát, chạy theo trào lưu và thiếu bài bản; những buổi livestream được chuẩn bị còn sơ sài và tùy hứng. Thậm chí rất nhiều người bán hàng còn sử dụng nhiều chiêu trò như khoe thân, tạo drama, ít tương tác và thiếu cam kết khi bán hàng. 

Để trở thành ngành công nghiệp bán hàng qua livestream, theo ông Phạm Ngọc Duy Liêm – nhà sáng lập Gostream (nền tảng livestream tại Việt Nam) cần có 3 yếu tố. Thứ nhất là nguồn hàng hóa dồi dào, chất lượng và có giá cả cạnh tranh. Thứ hai là các livestreamer phải biết cách nhuần nhuyễn giữa bán hàng và giải trí. Thứ ba là kỹ thuật triển khai: chọn nền tảng livestream và phần mềm livestream hiệu quả. 

Riêng yếu tố hai và ba, thị trường Việt Nam chưa thể đáp ứng đầy đủ, do đó rất sớm để nhận định rằng livestream bán hàng sẽ trở thành một ngành công nghiệp mới tại nước ta. Mặc dù vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận tiềm năng của công cụ bán hàng này tại Việt Nam.

4. Tổng kết

Như vậy, đối với việc mua sắm qua livestream, mặc dù vẫn còn tồn tại một số hạn chế so với trải nghiệm sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng, song dựa trên những lợi ích mà hình thức này đem lại, kết hợp với sự gia tăng lượng người dùng mạng xã hội, chúng ta có thể nhận định livestream chính là một công cụ bán hàng chủ lực của các doanh nghiệp trong tương lai.

Tác giả: Hoàng Thu Thủy

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]