Marketing Inbound Marketing Marketing cho chuỗi bán lẻ nội thất: Bài học từ các thương...

Thị trường bán lẻ nội thất ở Việt Nam đang diễn ra rất sôi động với sự tham gia của nhiều thương hiệu trong và ngoài nước. Để có thể cạnh tranh trong bối cảnh hiện tại, các thương hiệu không chỉ cần tạo ra sản phẩm nội thất chất lượng cao mà còn phải tìm cách đưa nó đến với khách hàng, khiến họ biết và lựa chọn mình . 

Một chiến lược marketing chi tiết là điều cần thiết để thu hút và xây dựng mối quan hệ lâu dài với người tiêu dùng.  

1. Chiến lược Marketing từ các thương hiệu bán lẻ nội thất nổi tiếng 

Theo báo cáo của Statista, thị trường nội thất toàn cầu năm 2023 có giá trị 770 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mỹ tạo ra 252,9 tỷ USD, chiếm gần 32% thị trường toàn cầu. Các tập đoàn bán lẻ nội thất hàng đầu như Ashley Furniture, Ikea, Williams-Sonoma và Wayfair đóng góp tỉ trọng cao tại thị trường Mỹ.

Và một trong những yếu tố đem lại thành công cho những thương hiệu này là chiến lược marketing hiệu quả. MISA sẽ điểm qua một số chiến lược marketing nổi bật của 3 thương hiệu Ashley, IKEA và Wayfair trong nội dung dưới đây.

Chiến lược marketing nổi bật của 3 thương hiệu
Chiến lược marketing nổi bật của 3 thương hiệu

1.1 IKEA “thay đổi cuộc chơi bán lẻ nội thất” với việc ứng dụng công nghệ trong marketing

IKEA hiện là chuỗi bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới với 458 cửa hàng tại 27 quốc gia và doanh thu hơn gần 42 tỷ EURO năm 2021.

Khi mà mua sắm trực tuyến trở thành xu hướng trong những năm gần đây thì IKEA vẫn duy trì một lượng lớn khách hàng đến các cửa hàng của thương hiệu với khoảng 775 triệu khách hàng ghé thăm năm 2021 theo báo cáo của Statista. 

Sự thành công của IKEA chính là kết quả của một chiến lược marketing thông minh và sáng tạo với việc đón đầu xu thế công nghệ trong chiến lược marketing.

Việc kết hợp giữa công nghệ và marketing giúp IKEA tiếp cận và tương tác với khách hàng trên toàn cầu nhanh chóng. Thông qua các kênh truyền thông trực tuyến như Website, mạng xã hội giúp cho sự tiếp cận này đạt hiệu quả cao hơn. Ví dụ, trên nền tảng Facebook, IKEA thiết lập các trang thông tin thương hiệu của từng quốc gia như IKEA USA, IKEA UK, IKEA Canada,…

Với khả năng thấu hiểu sâu sắc về người tiêu dùng, IKEA càng tận dụng tốt sức mạnh công nghệ để tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả. Thương hiệu nội thất này đi đầu trong việc tạo ra những thông điệp, nội dung có giá trị và dùng đòn bẩy của các nền tảng mạng xã hội để truyền thông rộng rãi trên thị trường toàn cầu. 

Một số chiến thuật các thương hiệu bán lẻ nội thất có thể học hỏi từ IKEA như sau: 

  •  Tạo trải nghiệm sống động và mới lạ với AR (thực tế ảo tăng cường)

IKEA là một trong những thương hiệu luôn nhanh nhạy với các xu hướng công nghệ mới nhất. Một trong số đó là thực tế ảo tăng cường (AR). Đây là một công nghệ mô phỏng hình ảnh thực tế bằng cách bổ sung chi tiết vào những vật trong thế giới thực. 

Hình ảnh sử dụng Ikea place trong mô phỏng sản phẩm – Nguồn Ikea Egypt
Hình ảnh sử dụng Ikea place trong mô phỏng sản phẩm – Nguồn Ikea Egypt

Năm 2017, IKEA đã ra mắt ứng dụng IKEA Place áp dụng thành công công nghệ AR. Khách hàng có thể thông qua ứng dụng để hình dung sự phù hợp của sản phẩm nội thất mình mong muốn trong không gian thực tế.

Nói cách khác, với sự hỗ trợ của AR, khách hàng có thể đặt các mặt hàng của IKEA vào bên trong ngôi nhà để xem trước kích cỡ, màu sắc, kiểu dáng trước khi mua hàng. Điều này mang đến một trải nghiệm sống động, trực quan và giúp họ dễ dàng ra quyết định.  

Giao diện ứng dụng IKEA Place trên Ipad – Nguồn sưu tầm
Giao diện ứng dụng IKEA Place trên Ipad – Nguồn sưu tầm
  • Mang trải nghiệm “tựa như thật” với VR (thực tế ảo)

Thực tế ảo là một công nghệ thường áp dụng trong bán lẻ nội thất bằng việc tạo ra trải nghiệm mô phỏng có thể giống hoặc khác hoàn toàn với thế giới thực. Khách hàng được đưa vào một cuộc hành trình đặc biệt bằng những trải nghiệm ảo độc đáo của IKEA. 

Mô phỏng showroom VR của IKEA – Nguồn sưu tầm
Mô phỏng showroom VR của IKEA – Nguồn sưu tầm

Khách hàng có thể sử dụng công nghệ VR để dùng thử nhà bếp và thậm chí thử nghiệm cả việc nấu ăn trước khi quyết định mua các sản phẩm! Ngoài ra, khách hàng còn có thể thay đổi, cập nhật các mẫu nội thất mới nhất từ thương hiệu. Loại trải nghiệm ảo này thu hút rất nhiều sự chú ý và tạo ra tiếng vang lớn trong ngành bán lẻ nội thất. 

IKEA VR experience – Nguồn sưu tầm
IKEA VR experience – Nguồn sưu tầm
  • Công nghệ “Quét và thanh toán di động” linh hoạt 

Bên cạnh các phương thức thanh toán đa dạng khi mua sắm trực tuyến và tại cửa hàng như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc PayPal, IKEA còn sáng tạo ra tính năng Mobile checkout trên di động.

Tính năng này cho phép khách hàng quét mã QR và thanh toán ngay khi đang đi mua sắm tại cửa hàng mà không cần phải xếp hàng thanh toán tại quầy. Hình thức này đã tiết kiệm rất nhiều thời gian cho khách hàng trong trải nghiệm mua hàng. 

Hình ảnh quét mã QR và thanh toán trên Mobile checkout – Nguồn sưu tầm
Hình ảnh quét mã QR và thanh toán trên Mobile checkout – Nguồn sưu tầm
  • Content marketing sáng tạo

Trong chiến lược marketing, công nghệ có vai trò định hình cách tiếp cận và truyền tải thông điệp còn content xây dựng nội dung thông điệp đó. Chính vì thế, content là một mắt xích quan trọng trong tổng thể chiến lược marketing của IKEA. 

Có thể thấy, IKEA là bậc thầy trong việc sáng tạo nội dung hữu ích mà mọi người muốn xem. Đó là các video cải tạo nhà thực tế của khách hàng bằng các sản phẩm nội thất của IKEA, từ đó nêu bật đặc điểm của nó. Điều quan trọng là toàn bộ thông điệp Ikea muốn truyền tải nằm ở giá trị bền vững và thân thiện với môi trường. Tất cả giá trị này được thể hiện ở nội dung của blog và các kênh truyền thông xã hội. 

Hình ảnh cải tạo nhà khách hàng bằng nội thất của IKEA – Nguồn convert squad
Hình ảnh cải tạo nhà khách hàng bằng nội thất của IKEA – Nguồn convert squad

>> Xem thêm: 6 Công thức viết content hiệu quả giúp bạn “chinh phục khách hàng”

  • Hình ảnh sản phẩm tinh tế 

IKEA là một trong những thương hiệu nổi bật trong việc dàn dựng cẩn thận từng sản phẩm để truyền cảm hứng cho người xem. Trên website sản phẩm được sắp xếp theo cách mà khách hàng dễ dàng nắm bắt nhất.

Nếu đã từng ghé thăm cửa hàng trực tuyến của IKEA, bạn sẽ thấy các tùy chọn như ‘sản phẩm tương tự’, ‘sản phẩm phù hợp’, ‘sản phẩm đã xem gần đây’… được đề xuất một cách chính xác.  

Website Ikea Canada – Nguồn: https://www.ikea.com/ca/en/
Website Ikea Canada – Nguồn: https://www.ikea.com/ca/en/

Nếu như IKEA luôn nhanh nhạy với các xu hướng công nghệ mới và áp dụng vào marketing thì Wayfair thực hiện chiến lược digital marketing dựa trên dữ liệu. 

1.2 Wayfair “Chiến lược Marketing dựa trên dữ liệu”

Wayfair là một công ty thương mại điện tử về nội thất và đồ gia dụng có trụ sở tại Hoa Kỳ. Trang web thương mại điện tử Wayfair có 14 triệu sản phẩm từ hơn 11.000 nhà cung cấp nội thất trên toàn cầu. Chính vì Wayfair bán lẻ nội thất theo mô hình thương mại điện tử nên thương hiệu này rất chú trọng đầu tư vào nền tảng website và hoạt động digital marketing.

  • Tối ưu SEO đỉnh cao

Sau khi Google cập nhật thuật toán năm 2015, Wayfair đã thống kê và phát hiện ra rằng lượt truy cập vào các trang có thứ hạng cao có tỷ lệ chuyển đổi cao hơn các trang có thứ hạng thấp.

Ngay sau đó, Wayfair đã tập trung SEO các từ khóa về trang trí và nội thất mà hãng tập trung trong nhiều năm qua để đưa lên vị trí đầu tiên. Kết quả là lượt truy cập website tăng lên đáng kể, đồn thời tỷ lệ chuyển đổi tăng 13,6%. Đó là bước nhảy ấn tượng của Wayfair. Cho đến nay, trang thương mại điện tử của Wayfair luôn duy trì top đầu tìm kiếm. 

Ngoài ra, năm 2016 Wayfair đã ra mắt Athena – một nền tảng marketing qua công cụ tìm kiếm độc quyền ở Châu Âu. Athena đã hỗ trợ rất tốt cho hoạt động tối ưu hóa công cụ tìm kiếm tại Mỹ của thương hiệu này. 

Tối ưu SEO đỉnh cao
Tối ưu SEO đỉnh cao

Mặc dù email marketing không phải là công cụ quảng cáo sản phẩm thú vị nhất nhưng có thể lại đem đến hiệu quả bất ngờ.

Trong một nghiên cứu gần đây của Coherent Path, một công ty tối ưu hóa chiến dịch email marketing, trong các email được gửi tới cả khách hàng và người không mua hàng từ 100 nhà bán lẻ hàng đầu trên Internet thì Wayfair có lượt click vượt trội hơn hẳn so với các công ty còn lại. Vậy làm thế nào mà Wayfair lại thành công với công cụ này? 

Thương hiệu này đã thu thập rất nhiều dữ liệu về khách hàng truy cập website và cá nhân hóa từng email và tùy chỉnh theo nhu cầu và hoạt động mua sắm của khách hàng. Đặc biệt tập trung vào tiêu đề kích thích tò mò và đúng nhu cầu tìm kiếm của người tiêu dùng. Ví dụ như: 

“SPOILER! Awesome KIDS BEDROOM SETS inside”

“INSIDE: The kids bed you were looking for”

“Did you hear? New KIDS BEDS are in!”

Mẫu email marketing của Wayfair - Nguồn sưu tầm
Mẫu email marketing của Wayfair – Nguồn sưu tầm
  • Chiến lược dựa trên dữ liệu

Theo Matt Zisow, giám đốc sản phẩm của Wayfair, dữ liệu có vai trò quan trọng đối với sự thành công của thương hiệu này. Mục tiêu của việc thu thập và phân tích dữ liệu là để cải thiện trải nghiệm khách hàng trên website của Wayfair. Họ đã khai thác một dữ liệu lớn để ram mắt tính năng tìm kiếm bằng hình ảnh. Điều này đã giúp cho tỷ lệ khách hàng quay lại đặt hàng tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. 

1.3 Ashley “Chiến lược Marketing căn bản”

Ashley Furniture là một công ty sản xuất đồ nội thất lâu đời của Mỹ gắn liền với câu chuyện chuyển mình ngoạn mục từ không được biết đến thành top 10 công ty nội thất lớn nhất thế giới. Vậy những chiến lược marketing nào có thể học hỏi từ thương hiệu này? 

Chiến lược marketing của Ashley
Chiến lược marketing của Ashley
  • Chiến lược giá 

Định giá sản phẩm là một yếu tố quan trọng trong các hoạt động marketing của Ashley Furniture bởi vì các sản phẩm của thương hiệu nhắm đến những người tiêu dùng có ngân sách hạn hẹp đang tìm kiếm đồ nội thất chất lượng tốt nhất với giá tốt nhất.

Ashley Furniture áp dụng chiến lược định giá kết hợp, tức là vừa cạnh tranh về giá vừa tìm cách giữ lợi nhuận bằng cách kiểm soát giá thành sản phẩm thông qua việc thành lập các nhà máy ở khắp nước Mỹ và một số nước châu Á- Thái Bình Dương. Ngoài ra, thương hiệu này còn định giá theo nhóm sản phẩm dựa trên cùng loại vật liệu để tiết kiệm chi phí cho khách hàng ví dụ “living room set” hay “dining set”

  • Chiến lược sản phẩm

Ashley Furniture theo đuổi chiến lược sản phẩm đa dạng, một dòng sản phẩm tích hợp đầy đủ cho tất cả các nhu cầu trang trí nội thất gia đình từ phòng ngủ, phòng khách và phòng ăn.

Chính vì thế, danh mục sản phẩm của Ashley Furniture được phân chia theo nhiều tiêu chí như loại phòng, phong cách, không gian lớn hay nhỏ, nhu cầu trang trí trong nhà hay ngoài trời. Việc phân loại này giúp cho khách hàng dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn phù hợp với nhu cầu. 

  • Gắn kết khách hàng và thương hiệu 

Ashley khuyến khích người tiêu dùng nói về các sản phẩm của thương hiệu. Ví dụ: trên trang Facebook của Ashley, khách hàng có thể chia sẻ ảnh về những món đồ nội thất yêu thích của họ và nhận xét về chúng.

Ngoài ra, Ashley tạo ra các nội dung mang tính chất giáo dục như “cách tốt nhất để làm sạch đồ đạc” và “cách chăm sóc đồ đạc của bạn” Điều này dẫn đến sự gắn kết giữa khách hàng với thương hiệu tốt hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí quảng cáo. 

Trên đây là cách các thương hiệu lớn trên thế giới thực hiện chiến lược Marketing. Bây giờ là lúc thương hiệu nội thất lựa chọn công cụ Marketing phù hợp để thực hiện chiến lược của mình. 

2. Một số công cụ marketing phổ biến cho thương hiệu bán lẻ nội thất 

Các công cụ marketing phổ biến cho thương hiệu bán lẻ nội thất
Các công cụ marketing phổ biến cho thương hiệu bán lẻ nội thất

2.1 Marketing qua công cụ tìm kiếm

Marketing qua công cụ tìm kiếm (SEM) là một trong những cách hiệu quả nhất để đưa sản phẩm và nội dung đến với khách hàng mục tiêu tiềm năng. Đây cũng cách tiết kiệm chi phí hơn so với các hình thức quảng cáo khác và là một lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp có ngân sách eo hẹp. SEM hoạt động bằng cách đưa một trang web xuất hiện ở đầu trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERP) khi người dùng tìm kiếm các từ khóa liên quan đến sản phẩm. 

#1 Website

Website là một kênh không thể thiếu của các nhà bán lẻ nội thất. Trang web tốt không chỉ có nhiều thông tin hấp dẫn mà còn phải dễ điều hướng và có giao diện thân thiện với người dùng.

Trên website nên có tất cả các tài nguyên để giúp khách hàng tìm thấy vị trí cửa hàng, nhận thông tin về thương hiệu và sản phẩm. Nhà bán lẻ đồ nội thất cũng cần đảm bảo có tùy chọn chatbot trên trang web để có thể giúp trả lời các câu hỏi thường gặp và hướng người dùng đến thông tin phù hợp.

Website nội thất nhà xinh
Website nội thất nhà xinh

#2 Gian hàng thương mại điện tử

Thương mại điện tử là một kênh marketing đã chứng minh được tính hiệu quả trong những năm gần đây. Các thương hiệu bán lẻ đồ nội thất hàng đầu đều vận hành các cửa hàng trực tuyến và ứng dụng mua sắm riêng để mở rộng phạm vi khách hàng.

Nhiều công ty dẫn đầu thị trường cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn bằng cách cho phép khách hàng tìm kiếm các sản phẩm bằng máy tính bảng, thiết bị di động và thậm chí xem sản phẩm đó tại nhà qua công nghệ AR. Bên cạnh đó là khả năng cung cấp các đề xuất sản phẩm tùy chỉnh, theo thời gian thực dựa trên các lần mua trước đó. 

Gian hàng thương mại điện tử có nhiều ưu điểm trong cung cấp nhiều loại sản phẩm để nâng cao trải nghiệm mua sắm tổng thể.

Ví dụ: khi khách hàng mua một chiếc ghế sofa thường muốn thêm gối ôm hay và thảm. Nếu không nhìn thấy chúng ngay lập tức trên trang web hoặc ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp rất có thể khách hàng sẽ không mua gì. 

>> Tìm hiểu thêm: Xây dựng kế hoạch kinh doanh nội thất hiệu quả mọi thời đại

#3 Tối ưu hóa Công cụ Tìm kiếm (SEO)

Với sự ra đời của tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), các nhà bán lẻ đồ nội thất được khuyến khích tập trung vào việc xây dựng sự hiện diện trên nền tảng online và thân thiện với các công cụ tìm kiếm.

SEO có thể được định nghĩa là tập hợp các kỹ thuật để cải thiện khả năng hiển thị của một trang web hoặc trong các công cụ tìm kiếm thông qua các kết quả tìm kiếm tự nhiên. Điều này rất quan trọng vì hơn một nửa số người dùng Internet dựa vào các công cụ tìm kiếm khi tìm kiếm các sản phẩm trực tuyến.

Để đảm bảo rằng cửa hàng nội thất của doanh nghiệp có mặt trong kết quả tìm kiếm cần tuân theo các nguyên tắc SEO nhất định. 

  • Sử dụng các từ khóa khi người dùng tìm kiếm đồ nội thất trên công cụ tìm kiếm. 
  • Tạo nội dung dễ đọc và hữu ích với đầy đủ các từ khóa và cụm từ được kết nối với việc tìm kiếm. 
  • Kết hợp các hình ảnh và video có liên quan, hấp dẫn và được tối ưu hóa.
  • Cập nhật nội dung thường xuyên trên các website và cửa hàng thương mại điện tử. Điều này sẽ giúp Google biết rằng đây là một trang web đang hoạt động và giữ thứ hạng cao.
Kết quả tìm kiếm trả phí và SEO
Kết quả tìm kiếm trả phí và SEO

#4 Sàn thương mại điện tử (bên thứ 3)

Ngày nay, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử là cách trực tiếp nhất để các nhà bán lẻ nội thất tiếp cận khách hàng. Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada và TikTok đều kết nối người tiêu dùng với thị trường của người bán để mua sản phẩm. Ngoài ra, những nền tảng này có thể là một cách tuyệt vời để xây dựng nhận thức về thương hiệu và tăng doanh số bán hàng.

>> Đọc thêm: Quy trình bán hàng trên sàn thương mại điện tử nâng cao doanh số

2.2 Email marketing

Như đã đề cập ở trên, Email marketing đã mang lại hiệu quả marketing tuyệt vời cho Wayfair. Điều quan trọng là đảm bảo rằng email không chỉ chứa thông tin sản phẩm.

Thay vào đó, hãy đặt khách hàng lên hàng đầu bằng cách gửi thông tin có liên quan để khuyến khích họ mua hàng. Các thương hiệu cũng có thể thu hút khách hàng bằng các chiến dịch email về chương trình giảm giá độc quyền hoặc các sự kiện sắp diễn ra tại cửa hàng.

Ngoài việc gửi email bán hàng được cá nhân hóa cho khách hàng dựa trên hành vi mua hàng trước đây của họ, doanh nghiệp có thể tận dụng các chiến dịch tiếp thị email tự động. Điều này sẽ cho phép gửi thông báo qua email hàng loạt tới tất cả những người đăng ký cùng một lúc thay vì phải tạo nhiều email tùy chỉnh cho từng khách hàng. 

Mẫu quảng cáo email marketing 
Mẫu quảng cáo email marketing

2.3 Quảng cáo trực tuyến

Cách tốt nhất để các thương hiệu tiếp cận chính xác đối tượng mục tiêu là quảng cáo trực tuyến. Người làm marketing có thể chạy một chiến dịch quảng cáo dựa trên nhân khẩu học, sở thích và hành vi cụ thể cũng như thiết lập theo dõi chuyển đổi để họ có thể xem quảng cáo nào đang thúc đẩy doanh số.

#1 Quảng cáo hiển thị 

Quảng cáo hiển thị là một hình thức hiệu quả khi các nhà bán lẻ nội thất muốn nâng cao nhận thức về thương hiệu và tạo khách hàng tiềm năng. Thông qua thuật toán của Google, các thương hiệu có thể tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu và tăng tần suất hiển thị khi khách hàng đang có mặt trên nhiều website và ứng dụng khác nhau như Gmail hay Youtube.

Để khai thác hiệu quả loại hình này, các thương hiệu bán lẻ nội thất nên cần nhắm mục tiêu theo vị trí, sở thích hoặc tệp có sẵn, thông điệp ngắn gọn, sáng tạo kèm CTA và hình ảnh bắt mắt.

#2 Remarketing

Remarketing là một loại quảng cáo hiển thị cho phép hiển thị quảng cáo cho người dùng đã truy cập trang web của thương hiệu. Mục tiêu là đưa những người dùng này trở lại trang web và hy vọng chuyển đổi họ thành khách hàng trả tiền.

Điều này có thể được thực hiện thông qua các chiến thuật khác nhau, chẳng hạn như hiển thị quảng cáo biểu ngữ trên các trang web khác trong cùng một lĩnh vực cũng như chạy các chiến dịch nhắm mục tiêu lại trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và LinkedIn.

Đặc biệt với ngành bán lẻ nội thất, khách hàng có sự tham khảo tìm hiểu kỹ lưỡng nên việc remarketing là điều cần thiết. 

#3 Referral Marketing

Referral Marketing là một hình thức tiếp thị truyền miệng. Đó là việc khiến mọi người giới thiệu sản phẩm họ thích cho bạn bè. Đây có thể là một cách rất hiệu quả để tạo khách hàng tiềm năng và thúc đẩy lượng truy cập website vì đã được chứng thực qua người quen. 

#4 Affiliate Marketing

Tiếp thị liên kết Affiliate Marketing là một hình thức marketing gián tiếp cho phép doanh nghiệp bán sản phẩm của mình bằng cách trả hoa hồng cho những người đã giới thiệu khách hàng tiềm năng.

Trong bán lẻ nội thất, thương hiệu có thể tận dụng sức ảnh hưởng của người nổi tiếng, kiến trúc sư, tiktoker/reviewer nhà đẹp để gắn link sản phẩm. Đây là một cách hiệu quả giúp thương hiệu tiếp cận nhiều đối tượng hơn mà tối ưu chi phí. 

2.4 Content Marketing 

Content marketing là một phương pháp marketing tập trung vào việc tạo và phân phối nội dung có giá trị, phù hợp và nhất quán để thu hút, giữ chân khách hàng mục tiêu. Marketing nội dung bao gồm tất cả các hình thức truyền thông truyền thống và các phương thức phân phối kỹ thuật số mới hơn như công cụ tương tác 3D\AR, podcast…

#1 Inbound marketing

Inbound marketing là một nhánh của content marketing sử dụng công cụ tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), email marketing, marketing truyền thông xã hội (SMM) và quảng cáo hiển thị hình ảnh để thu hút khách hàng từ các nguồn bên ngoài. Các chủ đề khi thực hiện inbound nên đa dạng và mang tính chất chuyên sâu. Một số ví dụ có thể tham khảo như:

  • Tip/ Mẹo lựa chọn nội thất phòng ngủ, phòng khách,…
  • Xu hướng nội thất 
  • Sáng tạo với nội thất 
  • Phong thủy,…
Bài viết xu hướng nội thất 2023 - Nguồn Home garden 
Bài viết xu hướng nội thất 2023 – Nguồn Home garden

#2 Viết blog

Mục đích của một blog chuyên nghiệp là thúc đẩy lượng truy cập website và xây dựng một cộng đồng xung quanh nội dung phù hợp với đối tượng mục tiêu. Các nhà bán lẻ nội thất có thể sử dụng blog cho nhiều mục đích, từ đánh giá hoặc hướng dẫn sản phẩm đến tin tức về ngành. 

Nội dung blog trên trang web hoặc gian hàng thương mại điện tử là cơ hội để:

  • Định vị công ty như một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh;
  • Thúc đẩy lượng truy cập miễn phí thông qua các công cụ tìm kiếm, phương tiện truyền thông xã hội và bản tin email;
  • Thu thập email cho các chiến dịch marketing;
  • Xây dựng một cộng đồng những người theo dõi trung thành;
  • Tạo khách hàng tiềm năng và tăng tỷ lệ chuyển đổi.
  • Bằng cách xuất bản nội dung chất lượng cao trên blog giúp các thương hiệu cải thiện khả năng hiển thị trực tuyến, tăng mức độ liên quan của trang web, tiếp cận khách hàng tiềm năng và tăng thứ hạng trên công cụ tìm kiếm.

#3 Content 3D

Hiện tại, hầu hết các nhà bán lẻ đồ nội thất đang sử dụng công nghệ 3D để giới thiệu sản phẩm trong các cửa hàng trực tuyến của họ. IKEA sử dụng công nghệ này trong danh mục trực tuyến và showroom cho phép khách hàng xem các mẫu mã và điều chỉnh tùy ý. 

Content 3D
Content 3D

Content 3D là một xu hướng tuyệt vời bởi vì: 

  • Tăng trải nghiệm khách hàng: Các mô hình 3D thể hiện giao diện và chức năng của sản phẩm tốt hơn so với hình ảnh 2D truyền thống.
  • Tăng chuyển đổi: Nội dung 3D hỗ trợ khách hàng bằng cách cho phép khách hàng cá nhân hóa sản phẩm và “thử trước khi mua” — vì các mô hình 3D tương thích với Thực tế ảo tăng cường nên họ có thể hình dung các sản phẩm trong môi trường thực tế.
  • Cải thiện SEO: Hiện nay, Google có thể “xem” một sản phẩm dưới dạng đối tượng 3D trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm, điều này đảm bảo tỷ lệ nhấp chuột cao hơn.
  • ROI cao hơn: Tạo nội dung 3D là một lựa chọn tiết kiệm chi phí hơn cho các thương hiệu so với chụp ảnh và quay video truyền thống. Việc cập nhật hoặc tạo sản phẩm mẫu ở chế độ 3D cũng dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn.

Kết luận

Bán lẻ nội thất là một ngành năng động và thú vị. Các thương hiệu có thể ứng dụng đa dạng và sáng tạo nhiều công cụ marketing để tăng doanh số. Dù vậy, điều  quan trọng là phải thực sự hiểu thương hiệu và hiểu khách hàng để có thể đưa ra chiến lược marketing phù hợp. 

Tác giả: Trần Thị Như

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]