CEO là gì? Vai trò và mô tả công việc của CEO

09/09/2023
622

CEO là gì? CEO là vị trí đứng đầu của tổ chức và còn là người phải đối mặt với nhiều thách thức, trách nhiệm quan trọng. Các kỹ năng như lãnh đạo, xây dựng chiến lược, chuyên môn, ra quyết định, giao tiếp, truyền cảm hứng, quản trị rủi ro đóng vai trò quan trọng giúp họ đạt được thành công và phát triển tổ chức bền vững.

1. CEO là gì?

CEO (viết tắt của Chief Executive Officer) là giám đốc điều hành, chịu trách nhiệm quản lý và điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp. CEO cũng là người định hướng chiến lược, đưa ra những quyết định quan trọng để đạt mục tiêu kinh doanh và tạo ra các giá trị tăng trưởng cho công ty. Tại Việt Nam, CEO thường được gọi là tổng giám đốc, giám đốc công ty. 

ceo là gì
CEO là tổng giám đốc hoặc giám đốc của một tổ chức, doanh nghiệp

Để vận hành doanh nghiệp, CEO có nhiệm vụ phối hợp với các quản lý cấp C-level khác như CCO (Giám đốc kinh doanh), CFO (Giám đốc tài chính), CHRO (Giám đốc nhân sự), CMO (Giám đốc marketing) và các quản lý khác tùy theo cơ cấu tổ chức. Việc này nhằm triển khai các chiến lược của công ty một cách toàn diện, hiệu quả, để thực hiện mục tiêu chung và đạt được sự phát triển bền vững.

Dựa vào khoản 24, Điều 4, Luật Doanh Nghiệp 2020, người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm:

– Chủ doanh nghiệp tư nhân

– Thành viên hợp danh

– Chủ tịch Hội đồng thành viên

– Thành viên Hội đồng thành viên

– Chủ tịch công ty

– Chủ tịch Hội đồng quản trị

– Thành viên Hội đồng quản trị

– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

2. Vai trò của CEO trong doanh nghiệp

Vai trò của CEO (Chief Executive Officer) trong một doanh nghiệp là rất quan trọng và đa dạng. Dưới đây là một số vai trò chính của CEO trong một tổ chức:

  • CEO trực tiếp lãnh đạo, điều hành hoạt động trong doanh nghiệp để mọi công việc diễn ra suôn sẻ, đúng định hướng.
  • CEO phối hợp với các cấp quản lý khác như CCO, CMO, CHRO, CFO, CPO định hình và triển khai các chiến lược ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để kiến tạo hệ sinh thái bền vững cho tổ chức. Các chiến lược này bao gồm chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing, chiến lược tài chính, chiến lược sản phẩm, chiến lược phân phối chiến lược nhân sự… Từ đó tạo ra giá trị về doanh thu, thương hiệu, nâng cao uy tín cho doanh nghiệp.
  • CEO xác định các giá trị cốt lõi và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Họ tham gia vào các cuộc đàm phán, ký kết hợp đồng và xây dựng hình ảnh, mối quan hệ tốt đẹp với đối tác, khách hàng, công chúng.
  • CEO là người đưa ra các quyết định, hoặc phê duyệt các quyết định quan trọng trong doanh nghiệp.
  • CEO không trực tiếp tuyển dụng nhưng họ có trách nhiệm phát triển các nhà lãnh đạo cấp dưới và thu hút nhân tài. Họ cũng phải thúc đẩy một văn hóa làm việc tích cực và đảm bảo mọi người trong công ty đều đóng góp hết mình.
  • CEO tạo ra các giá trị cho cổ đông, chịu trách nhiệm trước cổ đông và báo cáo trước Hội đồng quản trị.
  • CEO là người chịu trách nhiệm về các vấn đề rủi ro của doanh nghiệp.

3. Mô tả công việc của CEO

Với các doanh nghiệp nhỏ, CEO có thể là người kiêm nhiệm nhiều công việc bao gồm điều hành chung và quản lý các mảng khác như tài chính, kinh doanh,  truyền thông… Tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, CEO sẽ điều hành tổng thể doanh nghiệp còn các mảng khác sẽ có lãnh đạo cấp C-level phụ trách. Dưới đây là bản mô tả công việc chính của CEO:

ceo là gì
Tìm hiểu các công việc chính của CEO
  • Xây dựng kế hoạch, chỉ rõ con đường cụ thể để động viên mỗi thành viên trong tổ chức thực hiện và đạt được mục tiêu chung.
  • Lãnh đạo đội ngũ cấp dưới để thực hiện các kế hoạch kinh doanh đã được Hội đồng quản trị thông qua.
  • Đưa ra đề xuất để cải thiện hoạt động kinh doanh của công ty và thảo luận với Hội đồng quản trị.
  • Chỉ đạo quản lý truyền thông và quảng bá hình ảnh thương hiệu để đạt được mục tiêu kinh doanh đã đề ra, đồng thời thể hiện đúng tinh thần, giá trị của doanh nghiệp.
  • Xây dựng và duy trì văn hóa tổ chức, đảm bảo sự chặt chẽ trong cơ cấu tổ chức.
  • Thẩm định và phê duyệt các dự án từ cấp dưới, đại diện cho tổ chức trong các cuộc đàm phán và ký kết các hợp đồng thương mại.
  • Kiểm soát và phê duyệt các chính sách tài chính, đồng thời đánh giá và điều chỉnh chi phí của doanh nghiệp để đảm bảo tính hợp lý.
  • Theo dõi, đo lường và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty.
  • Thiết lập cơ cấu quản lý, tổ chức và quản lý bộ máy nhân sự, đồng thời xác định nhiệm vụ và mục tiêu của từng bộ phận và phòng ban cụ thể.
  • Đề xuất các kế hoạch tuyển dụng nhân sự, phê duyệt chính sách về bổ nhiệm và miễn nhiễm, tiền lương, thưởng và trợ cấp. CEO cũng duyệt kết quả đánh giá nhân viên và phê duyệt các chính sách khen thưởng phù hợp.

Trên đây là một số công việc chủ yếu của CEO. Trên thực tế, CEO đảm nhận khối lượng công việc lớn hơn nhiều. Trong một số trường hợp, CEO còn phải xử lý nhiều vấn đề phức tạp cùng lúc. Vì thế để trở thành CEO, một người cần khả năng chịu áp lực cao và tư duy linh hoạt.

>>> Xem thêm: Top phần mềm chấm công miễn phí tốt nhất hiện nay

4. Yêu cầu và kỹ năng cần có của CEO

4.1 Yêu cầu cơ bản để trở thành một CEO

Để đảm nhiệm công việc có tầm vóc và trách nhiệm lớn, CEO thường là người có năng lực tốt, có học vị cao và tố chất phù hợp.

Kiến thức và kinh nghiệm

Một CEO cần kinh nghiệm thực tế trong việc xử lý thành công các vấn đề và công việc khác nhau. Đồng thời, họ cần có kiến thức đa dạng về kinh doanh, bao gồm tài chính, tiếp thị, sản xuất, quản lý dự án và quản lý nhân sự. Kết hợp kinh nghiệm và kiến thức, CEO có khả năng định hướng và dẫn dắt công ty đối mặt với thách thức và cơ hội trên thị trường, đưa ra quyết định đúng đắn và hạn chế sai lầm.

Tầm nhìn chiến lược 

Trở thành nhà lãnh đạo đồng nghĩa với việc phải có khả năng nhìn xa trông rộng, hay nói cách khác là tầm nhìn chiến lược. CEO phải là người nắm trong tay và hiểu rõ mọi hoạt động của các bộ phận trong tổ chức. Không chỉ kiểm soát về năng suất mà CEO còn phải hiểu về năng lực, cảm xúc của nhân sự. Từ đó CEO mới đưa ra được những bước đi thích hợp để tận dụng nguồn lực, đưa tổ chức đến gần hơn với mục tiêu.

Tư duy sáng tạo

Thị trường luôn có sự biến động, thay đổi không ngừng, nếu các công ty không làm mới mình thì sẽ sớm bị đánh bại bởi đối thủ, bị khách hàng quên lãng. CEO phải là người có tư duy sáng tạo, đổi mới để cải tiến tổ chức liên tục. Điều này không chỉ nâng cao sức cạnh tranh mà còn tạo ra những lối đi mang tính tiên phong, khác biệt giúp công ty phát triển theo hướng tích cực hơn.

Tố chất và tài năng

Tố chất lãnh đạo bao gồm sự tự tin, quyết đoán, nhanh nhạy, khả năng định hướng, dẫn dắt đội ngũ nhân viên. Chỉ số thông minh IQ và chỉ số thông minh cảm xúc EQ cao cũng là tố chất của một CEO. Bên cạnh đó người có tài năng phân tích, tư duy tốt cùng phong thái uy quyền sẽ thích hợp giữ vị trí CEO. 

Khả năng truyền cảm hứng

Nếu chỉ có CEO quyết tâm thì tổ chức rất khó để thành công. Điều quan trọng là vị CEO đó phải biết truyền động lực cho nhân viên, biết thu hút và giữ chân nhân tài để họ đồng hành cùng phát triển doanh nghiệp. Trước hết CEO phải là người gương mẫu và tiên phong, như vậy mới khuyến khích và cổ vũ nhân viên làm theo được. Ngoài ra CEO cần chú ý đến các chính sách phúc lợi, hình thức khen thưởng thích hợp để tạo động lực cho nhân viên một cách tốt nhất.

ceo là gì
Để trở thành CEO cần có tố chất, cần được đào tạo bài bản và cần có thời gian thực chiến trên thương trường

4.2 Những kỹ năng cần có của CEO

Kỹ năng lãnh đạo

Trong vai trò dẫn đầu của một tổ chức, CEO phải thể hiện khả năng lãnh đạo để định rõ hướng đi cho tổ chức của họ. Khả năng lãnh đạo giúp CEO xây dựng và duy trì một môi trường làm việc nơi mọi người tự nguyện cống hiến và thúc đẩy nhau để tạo ra các giải pháp hiệu quả nhất. Lãnh đạo có tâm và có tầm sẽ khiến cấp dưới nể phục, yêu mến và sẵn sàng cống hiến hơn.

Kỹ năng xây dựng chiến lược

Chiến lược của một doanh nghiệp ảnh hưởng mạnh mẽ đến định hướng phát triển và tình hình công ty trong một giai đoạn không hề ngắn. Chiến lược sai lầm có thể khiến công ty thất bại và tổn hại lớn. Vì vậy CEO cần phải có khả năng đưa ra xây dựng chiến lược dựa trên những thông tin hợp lý và sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Kỹ năng chuyên môn

CEO cần có hiểu biết sâu rộng về thị trường ngành và lĩnh vực hoạt động của công ty. Ngoài ra, họ cũng cần có kiến thức về các khía cạnh quản lý, tài chính, tiếp thị, sản xuất và quản lý dự án trong ngành. Nhiều CEO đi từ vị trí nhân viên, chuyên viên, chuyên gia lên tổng giám đốc, đây thường là những người hiểu rõ nghiệp vụ nhất và nhờ đó vận hành doanh nghiệp, sử dụng nguồn lực một cách hợp lý. 

Kỹ năng ra quyết định

Trong tư cách là người lãnh đạo của toàn bộ tổ chức, CEO thường phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn và có tác động sâu rộng lên hoạt động của doanh nghiệp. Khả năng xuất sắc giúp CEO thu thập, phân tích và đánh giá các tùy chọn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng một cách khách quan, đúng đắn và mang tính chiến lược, tránh đưa doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, hoặc tránh bỏ lỡ những thời cơ tốt.

Kỹ năng giao tiếp, đàm phán

CEO cần phải sở hữu kỹ năng đàm phán và thương lượng để đạt được các thỏa thuận quan trọng cho công ty. Kỹ năng đàm phán giúp CEO xử lý những tình huống phức tạp, tương tác với các bên liên quan và đạt được sự đồng thuận trong quá trình thương thảo. Ngoài ra có khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ tốt cũng dễ truyền động lực cho nhân viên, tạo dựng mối quan hệ tốt với cấp dưới.

ceo là gì
Thuyết phục tốt mang lại nhiều hợp đồng giá trị cho công ty

Kỹ năng kiểm soát cảm xúc

CEO thường gặp áp lực căng thẳng và không ít lần cảm thấy khó khăn khi đứng trước những khoảnh khắc quyết định. Làm thế nào để lựa chọn đúng đắn mà không bị cảm xúc cá nhân chi phối? CEO cần học kỹ năng quản lý cảm xúc của bản thân để sáng suốt và tự tin trong mọi trường hợp. Những CEO dày dặn kinh nghiệm không bao giờ để cảm xúc lấn át, họ giữ phong thái điềm đạm và thể hiện mình là một người lãnh đạo đáng tin cậy, công tư phân minh.

Kỹ năng quản trị rủi ro

CEO thường phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách và tình huống rủi ro không mong muốn. Kỹ năng quản trị rủi ro giúp CEO nhanh chóng nhận diện và đánh giá những vấn đề tiềm ẩn, từ đó phát triển các chiến lược ứng phó và giảm thiểu tác động của rủi ro. CEO cần có năng lực sắp xếp mức độ ưu tiên của các vấn đề và đưa ra những quyết định chính xác để đảm bảo sự phát triển bền vững của tổ chức trong môi trường kinh doanh đầy biến động.

Giải pháp quản trị nhân sự hỗ trợ đắc lực cho CEOTrải nghiệm ngay phần mềm MISA AMIS HRM

5. Vice CEO là gì? Deputy CEO là gì?

CEO là gì
Tìm hiểu về các chức danh vice và deputy

Bên cạnh CEO là gì thì nhiều người cũng có câu hỏi Vice CEO, Deputy CEO là gì. 

Từ “Vice” thường đề cập đến vị trí phó, Vice CEO có khả năng thay thế CEO trong trường hợp CEO vắng mặt.

Deputy CEO được coi như trợ thủ, cánh tay phải của giám đốc. Tuy nhiên họ thường bị giới hạn quyền lực và không có quyền ra quyết định hoặc ký văn bản nào thay mặt giám đốc, trừ khi có sự ủy quyền từ giám đốc.

CEO còn được gọi là Director, hai từ này có thể sử dụng thay thế cho nhau. “Vice Managing Director” hoặc “Deputy Managing Director” thường được sử dụng để chỉ chức vụ phó tổng giám đốc.

6. Mức lương CEO là bao nhiêu?

ceo là gì
Không có một mức cố định cho lương của CEO

Mức lương của một CEO có thể biến động rất lớn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm quy mô và loại hình của doanh nghiệp, ngành nghề, vị trí địa lý, kinh nghiệm, thành tích của CEO và nhiều yếu tố khác. Dưới đây là mức lương CEO tham khảo ở các mức độ khác nhau:

  • Doanh nghiệp nhỏ: Tại các công ty nhỏ hoặc các startup, mức lương của CEO thường thấp hơn so với các tập đoàn lớn. CEO của các công ty này có thể nhận được mức lương khoảng 70 triệu/thángvà thường nhận cổ phần của công ty như phần thưởng dựa trên hiệu suất trong tương lai.
  • Doanh nghiệp vừa: CEO của các doanh nghiệp vừa thường có mức lương trung bình vài trăm triệu đồng, có thể lên tới 500 triệu/tháng tùy thuộc vào ngành và vị trí địa lý. Tại Việt Nam con số này có thể từ vài chục triệu đến vài trăm triệu/tháng. Một số phần thưởng và cổ phần cũng có thể được thêm vào mức lương cơ bản.
  • Doanh nghiệp, tập đoàn lớn: CEO của các tập đoàn lớn có thể nhận được mức lương và phần thưởng khổng lồ. Các con số này có thể lên đến hàng triệu hoặc thậm chí hàng chục triệu đô la Mỹ mỗi năm. Tại Việt Nam không có một mức chung cho lương CEO doanh nghiệp lớn, con số có thể từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi tháng.

7. Học ngành gì để trở thành CEO?

Để trở thành CEO của một tổ chức, không có yêu cầu cụ thể về ngành học. Vai trò CEO đòi hỏi sự kết hợp đa dạng về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Những người đạt đến vị trí CEO có thể có xuất thân từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, có một số ngành học sau đây có thể giúp bạn phát triển những kỹ năng cần thiết cho vị trí CEO:

  • Quản trị kinh doanh (Business Administration): Ngành Quản trị kinh doanh cung cấp kiến thức toàn diện trong quản lý doanh nghiệp như kế hoạch kinh doanh, tài chính, tiếp thị, nhân sự và quản lý chiến lược.
  • Quản lý (Management): Học ngành Quản lý giúp nâng cao kỹ năng quản lý và lãnh đạo, tập trung vào cách đưa ra quyết định và xây dựng các chiến lược doanh nghiệp.
  • Kinh doanh Quốc tế (International Business): Ngành này tập trung vào quản lý kinh doanh toàn cầu, hiểu sâu về thị trường quốc tế và quan hệ quốc tế.
  • Quản trị Chiến lược (Strategic Management): Học ngành Quản lý Chiến lược giúp hiểu rõ cách định hướng và thực hiện chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp.
  • Quản lý Dự án (Project Management): Ngành Quản lý Dự án tập trung vào kỹ năng lập kế hoạch, triển khai và quản lý các dự án trong công ty.
  • Quản lý Khoa học Dữ liệu (Data Science Management): Trong thời đại số hóa, kỹ năng quản lý dữ liệu và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu là rất quan trọng đối với CEO.
  • Thương mại quốc tế: Ngành học về hoạch định chiến lược kinh doanh và phát triển thị trường quốc tế.
  • Nghiên cứu Kinh tế: Hiểu rõ về các yếu tố kinh tế, yếu tố thị trường cũng hỗ trợ việc CEO đưa ra quyết định đúng đắn.
ceo là gì
Các CEO thường xuất thân từ nhiều ngành học khác nhau.

8. Làm thế nào để đối mặt với thách thức và khủng hoảng trong vai trò CEO?

Trên thương trường, những thách thức và khủng hoảng là không thể né tránh. Vậy các CEO nên làm gì để tự tin vượt qua sóng gió? Câu trả lời nằm ở những hành động sau:

  • Đánh giá tình hình: CEO cần tỉnh táo và nhanh chóng đánh giá tình hình hiện tại vầ mức độ nghiêm trọng. Sau đó xác định nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng của vấn đề.
  • Xây dựng kế hoạch hành động: Dựa vào tình hình thực tế và các đánh giá trên, CEO là cần xây dựng kế hoạch hành động với các bước cụ thể, nguồn lực dự kiến và thời gian triển khai.
  • Giao tiếp rõ ràng: CEO cần thông báo kịp thời về khủng hoảng với các bên liên quan như nhân viên, khách hàng, đối tác. Hãy cho họ biết chi tiết về kế hoạch hành động và kỳ vọng về kết quả.
  • Lãnh đạo và hỗ trợ đội ngũ: CEO giữ vai trò lãnh đạo trong suốt quá trình giải quyết khủng hoảng, cần có sự hỗ trợ về mặt tinh thần cho nhân viên để tất cả cùng tập trung xử lý vấn đề, hoàn thành nhiệm vụ. 
  • Giám sát và điều chỉnh: Để kế hoạch thực sự có hiệu quả, CEO cần theo dõi sát sao việc triển khai, sau đó đánh giá kết quả và điều chỉnh nếu cần thiết.
  • Học hỏi và cải tiến: Khi đã giải quyết được vấn đề, CEO cần tổng kết lại những bài học kinh nghiệm để áp dụng vào công việc và ngăn chặn những vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai.
  • Chăm sóc khách hàng và đối tác: Để duy trì niềm tin với khách hàng, đối tác, CEO cũng phải chú ý đến các chính sách chăm sóc, hỗ trợ cho khách hàng, đối tác bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.

9. CEO top đầu thế giới hiện nay là ai? 

Nhắc đến các CEO tài năng, giàu có hàng đầu thế giới, không thể bỏ qua những cái tên này:

Bill Gates – CEO Microsoft

Mark Zuckerberg – CEO Facebook

Jack Ma – CEO Alibaba

Elon Musk – CEO Tesla, SpaceX và Neuralink

Sundar Pichai – CEO Google

Tim Cook – CEO Apple

Jeff Bezos – CEO Amazon

Shou Zi Chew – CEO Tik Tok

Robert Iger – CEO Walt Disney

Michael Dell – CEO Dell

Warren Buffett – CEO Berkshire Hathaway

Masayoshi Son – CEO Softbank

Reed Hastings – CEO Netflix

ceo là gì
Elon Musk là CEO và nhà sáng lập Tesla, SpaceX, đồng sáng lập OpenAI

10. Kết luận

Với những thông tin trên, chắc chắn bạn đọc đã hiểu rõ hơn CEO là gì và những tố chất của một CEO. CEO cần phải duy trì sự học hỏi và thích nghi môi trường kinh doanh luôn biến động. Sự bền bỉ liên tục và tính cam kết trong việc phát triển bản thân là yếu tố quan trọng để trở thành một CEO xuất sắc.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả