Instagram Marketing – Chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu nổi bật

28/06/2023
1655

Instagram là nền tảng mở đầu cho xu hướng tiếp thị truyền thông xã hội và định hình cách các thương hiệu sử dụng mạng xã hội trong hơn mười năm qua. Theo dữ liệu của Meta, tính đến đầu năm 2023, có khoảng 10,35 triệu người dùng Instagram tại Việt Nam và khoảng 10,5% tổng dân số có khả năng tiếp cận quảng cáo của nền tảng này.

Mặc dù không phổ biến như Facebook tại thị trường Việt Nam, nhưng với lượng người dùng có “chất” riêng, mang nét cá tính độc đáo, Instagram mang đến cho doanh nghiệp lượng khách hàng tiềm năng chất lượng, cải thiện tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn.

Vậy hãy cùng MISA khám phá những chiến lược Instagram Marketing hiệu quả mà doanh nghiệp của bạn có thể áp dụng khi quyết định triển khai nền tảng mạng xã hội này nhé.

Đọc thêm: Xây dựng kênh Instagram bán hàng từ con số 0 cho doanh nghiệp

1. Instagram Marketing là gì?

Instagram Marketing là một chiến lược marketing tận dụng sức mạnh của nền tảng mạng xã hội Instagram nhằm tiếp cận đối tượng mục tiêu để quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành và gia tăng doanh số bán hàng.

Tương tự như các nền tảng mạng xã hội khác, doanh nghiệp khi tham gia marketing trên Instagram cần  xây dựng chiến lược tiếp thị cụ thể, sáng tạo nội dung và duy trì tương tác với khán giả mục tiêu để đạt được thành công.

Chiến lược marketing xây dựng hình ảnh thương hiệu nổi bật bằng Instagram - Nguồn: Internet
Chiến lược marketing xây dựng hình ảnh thương hiệu nổi bật bằng Instagram – Nguồn: Internet

Tuy nhiên, điểm nổi bật của Instagram là các tính năng của nền tảng này chuyên hỗ trợ cho việc chia sẻ thông tin thông qua hình ảnh và video, đồng thời đây cũng là nền tảng truyền thông xã hội yêu thích của những người trong độ tuổi từ 16 đến 34 tuổi (theo báo cáo Digital 2022 của Hootsuite). Nhóm đối tượng này cũng chính là nhóm khách hàng và người dùng tiềm năng của nhiều doanh nghiệp ở đa dạng lĩnh vực. Do đó, Instagram được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để đầu tư xây dựng và định hình hình ảnh thương hiệu trên thị trường.

2. Tại sao doanh nghiệp triển khai Instagram Marketing?

Hiện nay, có rất nhiều nền tảng mạng xã hội để doanh nghiệp lựa chọn khi muốn chiến khai một chiến dịch marketing online. Nếu như Facebook cho phép doanh nghiệp tiếp cận với hầu hết mọi đối tượng, thì Instagram lại là cái tên nổi bật hàng đầu khi doanh nghiệp muốn xây dựng hình ảnh thương hiệu với đối tượng mục tiêu là những khách hàng có “gu”.

Những con số sau sẽ cho doanh nghiệp lý do thuyết phục để đầu tư nguồn lực marketing trên nền tảng này:

  • Hơn 1 tỷ người dùng Instagram hàng tháng trên toàn cầu, riêng tại Việt Nam có 10,35 triệu người dùng. (Theo dữ liệu Meta công bố đầu năm 2023).
  • Nền tảng truyền thông số 1 trong việc xây dựng mối quan hệ với những thương hiệu. (Nghiên cứu truyền thông toàn cầu của Ipsos 01/2022)
  • 90% người dùng theo dõi ít nhất một doanh nghiệp trên Instagram. (Theo dữ liệu nội bộ của Instagram vào 05/2021)
  • 77,7% người dùng từ 18 tuổi đến 44 tuổi, đây là thị trường mục tiêu của đa số doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. (Theo báo các Instagram Demographics 2023 của Hootsuite)
  • Doanh nghiệp có thể tăng tới 300% doanh số bán hàng (khi kết hợp các tính năng mua sắm và quảng cáo) nhờ 44% người dùng mua sắm hàng tuần trên nền tảng này. (Theo công bố của Instagram 2021)
  • Người dùng Instagram dành 30 phút mỗi ngày trên ứng dụng (theo Statistic tháng 04/2022), đây là khoảng thời gian sử dụng trung bình khá trong số các nền tảng xã hội lớn.
  • Người dùng cũng dành khoảng 18 phút cho một phiên làm việc (session), vượt trội so với mỗi phiên mua sắm trên Amazon (trung bình 13 phút), Twitter (trung bình 14 phút) và YouTube (trung bình 7 phút). (Theo báo cáo digital trends 2022 của Hootsuite)
  • Quảng cáo trên Instagram có thể tiếp cận 1/3 người dùng Internet, tương đương với 1,48 tỷ người. (Theo báo cáo digital trends 2022 của Hootsuite).
  • 70%số người tham gia khảo sát thích hoặc không bận tâm đến quảng cáo khi xem video trên Instagram. (Nghiên cứu truyền thông toàn cầu của Ipsos 01/2022)

3. Các tính năng nổi bật của Instagram

3.1 Carousel posts

Carousel posts là bài đăng chứa nhiều ảnh hoặc video mà người dùng có thể xem thêm thông tin khác bằng cách cách vuốt sang trái (điện thoại, tablet) hoặc nhấp vào mũi tên bên phải bài đăng (laptop hay PC). Nói cách khác, carousel posts trên Instagram như một bản trình chiếu các bài đăng mà người dùng có thể kiểm soát theo cách thủ công.

Carousel posts thường có lượt tương tác cao hơn (1,65% đến 5,40%) so với các bài đăng thông thường (1,22%, theo Social insider) nếu hình ảnh đầu tiên đủ hấp dẫn. Đây được xem là định dạng phù hợp với phần lớn nội dung như giáo dục, câu chuyện thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, hay hậu trường,…

Có 3 tỷ lệ kích thước carousel posts mà doanh nghiệp nên lưu ý để có thể thiết kế các bài đăng cho phù hợp là ảnh vuông (tỉ lệ 1:1), ảnh ngang (tỉ lệ 1,91:1) và ảnh dọc (tỉ lệ 4:5). Đối với hình ảnh, Instagram khuyến nghị độ phân giải 1080 x 1080 pixel. Video có thể có độ phân giải tối thiểu là 600 x 600 pixel và độ phân giải tối đa là 1080 x 1080 pixel.

Carousel posts như một bản trình chiếu với nhiều slide, giúp thương hiệu truyền tải nhiều thông tin - Nguồn: Internet
Carousel posts như một bản trình chiếu với nhiều slide, giúp thương hiệu truyền tải nhiều thông tin – Nguồn: Internet

3.2 Instagram stories

Instagram stories (tin ngắn) là nơi người dùng chia sẻ thông tin, tuy nhiên, khác với các bài đăng thông thường, tính năng này chỉ tồn tại trong vòng 24 giờ. Tính năng này hoạt động như một loại trình chiếu, theo quy định, hình ảnh có thể hiển thị trong tối đa 7 giây và video có thể dài tối đa 15 giây.

Mặc dù các stories sẽ biến mất sau một ngày, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể lưu trữ các mẫu tin đạt hiệu quả cao dưới dạng Tin nổi bật để kéo dài thời gian đăng.

Instagram stories cũng cho phép người dùng tùy chỉnh hình ảnh, video và âm nhạc như các bài đăng thông thường khác. Người theo dõi doanh nghiệp có thể tương tác với các stories bằng cách trả lời trực tiếp (direct massage) hoặc thông qua các yếu tố tương tác như thăm dò ý kiến ​​hay nhãn dán. 

Doanh nghiệp có thể tận dụng triệt để tính năng này để tiếp cận thêm các nhóm khách hàng tiềm năng mới. Bởi theo dữ liệu của Instagram 2023, 50% người dùng Instagram đã truy cập trang web để mua hàng sau khi xem story trên trang đó.

Instagram stories xuất hiện ở vị trí đầu tiên trên màn hình chính của ứng dụng và chỉ xuất hiện trong 24h - Nguồn: Internet
Instagram stories xuất hiện ở vị trí đầu tiên trên màn hình chính của ứng dụng và chỉ xuất hiện trong 24h – Nguồn: Internet

Vị trí của tính năng story chính là lợi thế lớn nhất mà nó mang lại. Bởi khi một tài khoản đăng story, nó sẽ được xuất hiện ở vị trí trên cùng của màn hình chính của ứng dụng Instagram. Vì vậy, nếu doanh nghiệp liên tục xuất bản các stories thì đồng thời sẽ nâng cao khả năng thương hiệu xuất hiện trong tâm trí khách hàng.

Hơn nữa, các thuật toán của Instagram thay đổi liên tục, gây ảnh hưởng ít nhiều đến các bài đăng thông thường. Trong khi đó, story giúp doanh nghiệp thu hút nhiều người xem nội dung hơn mà không phải lo lắng về phạm vi tiếp cận. Ngoài ra, story cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp thử nghiệm nhiều loại nội dung khác nhau như ảnh, video ngắn, tua lại video, video trực tiếp, boomerang,… mà không phải bận tâm quá về brand guide hay chất lượng nội dung. Bởi Instagram stories sẽ biến mất trong 24h, nhưng đây cũng có thể là cơ hội để doanh nghiệp khám phá các insign khách hàng mới. 

3.3 Story highlights

Story highlights (tin nổi bật) trên Instagram là những stories đã được lưu vào hồ sơ người dùng của doanh nghiệp để chúng vẫn có thể tồn tại sau 24 giờ kể từ khi đăng. Tin nổi bật xuất hiện ở ngay phía dưới phần giới thiệu và phía trên nội dung trang người dùng. Với vị trí “đắc địa”, doanh nghiệp có thể tận dụng tính năng này trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu nổi bật trên thị trường. 

Một số nội dung doanh nghiệp có thể thiết lập như:

  • Trưng bày các sản phẩm hoặc bộ sưu tập khác nhau: Giới thiệu các sản phẩm hoặc bộ sưu tập của thương hiệu trên Tin nổi bật là một trong những cách hiệu quả nhất để thúc đẩy khách hàng tiềm năng mua sắm. Thay vì để khách hàng tự tìm kiếm sản phẩm trong vô số sản phẩm trên trang nội dung, doanh nghiệp nên chủ động đề xuất những sản phẩm best seller, hay sản phẩm signature để giữ chân khách hàng tiếp tục tìm hiểu thêm. Trên các tin nổi bật giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp nên liên kết sản phẩm đó bằng tính năng Shopping trên Instagram hoặc link sản phẩm ở website để khách hàng có thể dễ dàng mua sản phẩm ngay khi có nhu cầu.
Story highlights của Maybeline chia sẻ thông tin về bộ sưu tập và dẫn link về Instagram Shopping của thương hiệu
Story highlights của Maybeline chia sẻ thông tin về bộ sưu tập và dẫn link về Instagram Shopping của thương hiệu
  • Chia sẻ thông báo của công ty: Hãy biến phần tin nổi bật của doanh nghiệp thành một bản tin tức bằng cách thông báo về những sự thay đổi trong chính sách, thông tin sản phẩm, sự kiện hay các cột mốc quan trọng mà công ty đạt được. Nếu các thông tin này được đăng trên trang nội dung, những người theo dõi doanh nghiệp sau này sẽ khó tiếp cận. Vì vậy, mục tin nổi bật sẽ là nơi hữu ích cung cấp tập trung các tin tức quan trọng mà doanh nghiệp muốn khách hàng của mình nắm bắt được..
Story highlights của Puma chuyên chia sẻ thông tin về bộ sưu tập, trong khi CocaCola chia sẻ thông tin về các sự kiện
Story highlights của Puma chuyên chia sẻ thông tin về bộ sưu tập, trong khi CocaCola chia sẻ thông tin về các sự kiện
  • Cung cấp tài nguyên và nội dung giáo dục: Việc chia sẻ các tài nguyên giáo dục khác như sách điện tử, podcast, video,… liên quan đến ngành nghề hoạt động kinh doanh sẽ giúp đa dạng nội dung truyền thông của doanh nghiệp và thu hút thêm khách hàng mới. Doanh nghiệp cần nghiên cứu insight khách hàng và cung cấp những loại tài nguyên hữu ích với nhóm đối tượng mục tiêu của mình. Chẳng hạn, một doanh nghiệp kinh doanh SaaS có thể chia sẻ các hướng dẫn sử dụng phần mềm của mình; hay các phòng tập gym có thể chia sẻ thói quen tập luyện hoặc công thức nấu ăn lành mạnh,…
  • Trả lời câu hỏi của người theo dõi: Việc chia sẻ các câu hỏi thường gặp trên tin nổi bật thay vì bài đăng thông thường cho phép doanh nghiệp dễ dàng giải đáp các thắc mắc của khách hàng mới, tiết kiệm thời gian, nguồn lực và tinh giản hành trình mua hàng của khách hàng. 
Story highlights của thương hiệu thời trang La Musine feedback của khách hàng để chứng minh chất lượng sản phẩm của mình
Story highlights của thương hiệu thời trang La Musine feedback của khách hàng để chứng minh chất lượng sản phẩm của mình
  • Làm nổi bật các feedback của khách hàng: những feedback hài lòng sẽ giúp thúc đẩy quyết định mua hàng của các khách hàng khác diễn ra nhanh chóng hơn. Tổng hợp một tin nổi bật gồm nhiều feedback sẽ là bằng chứng thuyết phục để doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng. 

3.4 Instagram Reels

Instagram Reels là tính năng mới của ứng dụng Instagram, nhằm thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và giải trí bằng video ngắn. Tính năng này cho phép người dùng chia sẻ các video ngắn có thời lượng tối đa 90 giây và sẽ được lưu lại trên hồ sơ Instagram của thương hiệu như các post hình ảnh thông thường. 

Instagram Reels cung cấp nhiều tùy chọn cho người dùng như gắn thẻ các tài khoản khác, camera kép (cho phép sử dụng đồng thời camera trước và sau), bộ lọc khuôn mặt, văn bản, nhãn dán giúp sáng tạo những hình ảnh vui nhộn, bắt mắt. 

Các bài đăng dưới dạng reel vẫn xuất hiện trên feed của người dùng. Tuy nhiên, Instagram còn cung cấp nút Reel riêng, kế bên nút feed thông thường, để người dùng có thể lựa chọn chỉ xem Instagram reel. Điều này đủ để chứng minh mức độ ưu ái của ứng dụng dành cho tính năng này. Vì vậy, doanh nghiệp nên tận dụng tính năng này để xây dựng hình ảnh thương trong tâm trí khách hàng.

  • Tạo nội dung giải trí trên Instagram Reel: Ngoài các nội dung có mục tiêu bán hàng và thúc đẩy khách hàng chuyển đổi, doanh nghiệp cũng nên cung cấp thêm các nội dung giải trí hấp dẫn để thu hút khách hàng. Song song đó, việc áp dụng phương pháp marketing dựa trên cảm xúc sẽ thu hút khách hàng tương tác nhiều hơn với thương hiệu và có thiện cảm hơn. Doanh nghiệp có thể lồng ghép yếu tố sản phẩm, dịch vụ vào các video giải trí, nhưng phải thật khéo léo để khách hàng không cảm thấy như đang xem quảng cáo và khiến họ khó chịu.
  • Tạo hướng dẫn bằng reels: Instagram Reels là công cụ lý tưởng để tạo các clip hướng dẫn mọi thứ về sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Bởi đặc điểm của Reel là dạng video ngắn, đòi hỏi các nội dung phải ngắn gọn và đơn giản. Vì vậy, việc hướng dẫn bằng reel giúp khách hàng nhanh chóng nắm bắt được vấn đề và tiết kiệm thời gian.
Adidas chia sẻ các thông tin giải trí và hình ảnh hậu trường trên Instagram Reel
Adidas chia sẻ các thông tin giải trí và hình ảnh hậu trường trên Instagram Reel
  • Chia sẻ video hậu trường: Việc chia sẻ các video hậu trường không chỉ giúp khách hàng hiểu rõ các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm mà còn giúp gia tăng mức độ tin tưởng của khách hàng, từ đó tăng tỷ lệ chuyển đổi. Chưa kể, các clip hậu trường thú vị còn là một hình thức giải trí được nhiều khán giả ưa thích, nhờ vậy mà doanh nghiệp có thể thu hút thêm nhiều đối tượng tiềm năng nhờ hình thức này. 
  • Tái sử dụng video TikTok: Nếu doanh nghiệp đã hoặc có ý định triển khai TikTok thì đây sẽ là cách hoàn hảo để tận dụng tối đa nội dung và tiết kiệm nguồn lực cho doanh nghiệp. Bởi video TikTok và Instagram Reels có cùng định dạng. Việc tái sử dụng video giúp đồng bộ hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, doanh nghiệp có thể triển khai tương tác giữa hai nền tảng để lôi kéo thêm khán giả từ nền tảng này sang nền tảng khác. Ví dụ, doanh nghiệp có thể đặt câu hỏi về một vấn đề trên video ngắn của TikTok và dẫn link câu trả lời về Instagram. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể thu hút thêm người theo dõi cho Instagram của mình từ các khán giả trên TikTok.

>> Có thể bạn quan tâm: Điểm chạm thương hiệu – hiểu đúng, tối ưu cho doanh nghiệp

3.5 Instagram shopping

Instagram Shopping là công cụ bắt buộc phải có đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử. Theo dữ liệu của Instagram 2023, 44% người dùng Instagram mua sắm hàng tuần và cứ 2 người thì có 1 người sử dụng Instagram để tìm thương hiệu mới.

Tính năng này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ những người theo dõi thành khách hàng. Nó sẽ biến Instagram trở thành một cửa hàng online của thương hiệu, giúp trải nghiệm mua sắm của khách hàng diễn ra liền mạch hơn. Có thể nói, Instagram Shopping giúp doanh nghiệp tạo ra các trải nghiệm mua sắm hấp dẫn hơn. Việc mua sắm trên mạng xã hội sẽ mang đến cho khách hàng của doanh nghiệp một trải nghiệm hoàn toàn khác so với thương mại điện tử truyền thống.

Adidas cài đặt tính năng Shopping để khách hàng có thể mua sắm ngay trên Instagram
Adidas cài đặt tính năng Shopping để khách hàng có thể mua sắm ngay trên Instagram

Theo đó, doanh nghiệp có thể xây dựng các nội dung do người dùng tạo và những người có ảnh hưởng, để mang đến cho khách hàng mục tiêu những bằng chứng xác thực về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, từ đó, thúc đẩy họ đưa ra quyết định mua hàng nhanh hơn.

Tính năng mua sắm trên Instagram cũng giúp khai thác cảm giác FOMO (sợ bỏ lỡ) của những người theo dõi bằng cách cập nhật doanh số hoặc lượng hàng trong kho theo thời gian thực thông qua các tính năng phát trực tiếp (livestream bán hàng và dẫn link về shop trên Instagram).

Việc tương tác trên nền tảng mạng xã hội cũng đa dạng hơn so với các trang thương mại điện tử. Doanh nghiệp có thể tùy chỉnh tương tác với người tiêu dùng và cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm cho họ bằng direct message, gắn thẻ hay trả lời comment của họ.

4. 5 cách xây dựng chiến lược marketing thành công trên Instagram

5 cách xây dựng chiến lược marketing thành công trên Instagram
5 cách xây dựng chiến lược marketing thành công trên Instagram

4.1 Thiết lập mục tiêu truyền thông SMART

Mục tiêu truyền thông sẽ là kim chỉ nam của hoạt động Instagram Marketing, giúp quản lý ngân sách, thiết lập và tối ưu hóa quy trình làm việc và hỗ trợ đạt được các mục tiêu chung của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần làm rõ mục tiêu theo phương pháp SMART để có thể tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch.

Một số mục tiêu Instagram Marketing phổ biến như sau:

  • Nâng cao nhận thức về thương hiệu

Xây dựng nhận thức về thương hiệu hiểu đơn giản là gia tăng số lượng người biết đến thương hiệu. Mục tiêu này phù hợp với các doanh nghiệp mới xuất hiện trên thị trường, khi doanh nghiệp ra mắt một sản phẩm mới hay khi doanh nghiệp thâm nhập vào một thị trường mới. Nhận thức thương hiệu là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất trong hành trình xây dựng lượng khách hàng trung thành cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có thể đo lường mức độ nhận biết thương hiệu trên Instagram thông qua các chỉ số sau:

  • Phạm vi tiếp cận của bài đăng
  • Tốc độ tăng trưởng lượng follower
  • Phạm vi tiếp cận tiềm năng
  • Số người đề cập đến thương hiệu trên Instagram
  • Xây dựng danh tiếng thương hiệu

Instagram Marketing là một trong những chiến dịch marketing hàng đầu trong việc xây dựng niềm tin thương hiệu trên thị trường. Mục tiêu truyền thông này gắn liền với các đo lường về thái độ của công chúng đối với thương hiệu.

Các số liệu để đo lường danh tiếng giống như các số liệu về nhận thức thương hiệu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể theo dõi các đề cập đến thương hiệu trên nền tảng Instagram, các lượt gắn thẻ hay theo dõi các thẻ hashtag liên quan đến doanh nghiệp. Việc đo lường các chỉ số này sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn khi doanh nghiệp sử dụng các phần mềm công nghệ hỗ trợ.

Thương hiệu Starbucks được gắn thẻ trên các bài đăng của người dùng Instagram - Nguồn: Internet
Thương hiệu Starbucks được gắn thẻ trên các bài đăng của người dùng Instagram – Nguồn: Internet
  • Tăng lượng truy cập cho website

Mục tiêu Instagram Marketing không bị giới hạn ở các hoạt động trên nền tảng này mà có thể mở rộng ra các mục tiêu khác, như website hay trang thương mại điện tử của doanh nghiệp. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng vì liên quan trực tiếp đến tỷ lệ chuyển đổi và doanh số bán hàng. 

Một số chỉ tiêu doanh nghiệp cần đề ra trong việc đo lường lưu lượng truy cập website là:

  • Lưu lượng truy cập và so sánh lưu lượng này với đối thủ, hoặc với bản thân doanh nghiệp thời gian trước đó. 
  • Nguồn gốc lưu lượng
  • Số lượng người đăng ký email nhận thông tin
  • Tỷ lệ chuyển đổi mua hàng
  • Tỷ lệ thoát trang
  • Cải thiện mức độ tương tác với khán giả

Mức độ tương tác là một trong những yếu tố quan trọng cho thấy sự gắn bó giữa khách hàng với doanh nghiệp. Nếu như những người theo dõi doanh nghiệp trên Instagram được xem là người quen thì những người thường xuyên tương tác được xem là người thân, người ủng hộ.

Mức độ tương tác dễ nhận thấy nhất là các lượt thích, bình luận và chia sẻ của bài đăng trên Instagram. Những tín hiệu này cho thấy nội dung của thương hiệu đang đáp ứng nhu cầu của đối tượng mục tiêu. Vì vậy, mục tiêu cải thiện mức độ tương tác đồng nghĩa với việc cải thiện số lượng hoặc chất lượng tương tác của khán giả với thương hiệu.

Một số chỉ số để đo lường mức độ tương tác trên mạng xã hội như:

  • Tỷ lệ tương tác theo phạm vi tiếp cận (ERR): tỷ lệ phần trăm những người tương tác với nội dung sau khi xem.
  • Tỷ lệ tương tác theo bài viết (ER Post): tương tự như ERR, nhưng đo lường tỷ lệ  người theo dõi tương tác theo từng nội dung.
  • Tỷ lệ tương tác hàng ngày (Daily ER): tần suất những người theo dõi tương tác với thương hiệu hàng ngày. 

Quản lý chiến dịch Marketing hiệu quảDùng thử ngay miễn phí MISA AMIS aiMarketing

4.2 Khuyến khích nội dung do người dùng tạo

Nội dung do người dùng tạo chính là những quảng cáo miễn phí cho doanh nghiệp. Không chỉ riêng Instagram, mà các nền tảng mạng xã hội đều là nơi để người dùng chia sẻ cảm xúc và các câu chuyện thú vị của mình. Mặc dù nội dung do người dùng tạo có thể không quá xuất sắc về mặt hình ảnh, cũng không thể tiếp cận quá nhiều người dùng nhưng chính sự chân thực này lại mang đến những hiệu quả rất tốt cho việc kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi đây chính là những feedback đáng tin cậy, khiến những người theo dõi người dùng đó có thiện cảm hơn về thương hiệu.

McDonald's được người dùng Instagram chia sẻ về các sản phẩm của thương hiệu - Nguồn: Internet
McDonald’s được người dùng Instagram chia sẻ về các sản phẩm của thương hiệu – Nguồn: Internet

Để khuyến khích người dùng tạo những bài đăng nói về thương hiệu, doanh nghiệp cần đảm bảo xây dựng hình ảnh thương hiệu có cá tính riêng (Brand Personality) và khơi gọi được cảm xúc của khách hàng khi tiếp cận với thương hiệu (tự hào, tích cực,…). 

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần bật tính năng phê duyệt thủ công cho các bài đăng được gắn thẻ để dễ dàng quản lý các nội dung nói về thương hiệu. Doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo nếu có ai đó gắn thẻ và lựa chọn những bài đăng được phép xuất hiện trên feed cũng như loại bỏ những bài đăng tiêu cực.

Quan trọng hơn cả, doanh nghiệp cần đảm bảo thể hiện cho khách hàng thấy thiện chí của mình, rằng họ luôn được lắng nghe và đánh giá cao thông qua việc tương tác với bài đăng của họ (like, comment,…). Hành động này sẽ khiến khách hàng cảm thấy được tôn trọng và khuyến khích họ tạo thêm nhiều nội dung về thương hiệu.

4.3 Sử dụng thẻ hashtag

Có thể nói, Instagram là nền tảng mạng xã hội đi đầu trong việc phát triển các thẻ hashtag. Thậm chí, nhiều người dùng Instagram còn có thói quen sử dụng hashtag như một công cụ tìm kiếm. Chính vì vậy, hashtag chính là một trong những yếu tố xây dựng thương hiệu quan trọng mà doanh nghiệp không nên bỏ lỡ khi triển khai chiến dịch Instagram Marketing. 

Doanh nghiệp có thể tận dụng những thẻ hashtag nổi tiếng khác để thu hút tương tác. Việc này sử cực kỳ hữu ích cho các thương hiệu vừa và nhỏ. Chẳng hạn, #givesyouwings là một hashtag nổi tiếng của Red Bull với hơn 500.000 bài đăng. Doanh nghiệp có thể sử dụng hashtag này trong các bài đăng liên quan đến tạo động lực hay khích lệ để thu hút lượng fan của Red Bull.

Hay hashtag #shareacoke của CocaCola đạt 619 nghìn bài viết trên Instagram
Hay hashtag #shareacoke của CocaCola đạt 619 nghìn bài viết trên Instagram

Tuy nhiên, cũng chính vì thẻ hashtag rất phổ biến trên Instagram, nên doanh nghiệp cần tránh các hashtag quá chung chung để bị lẫn vào các bài đăng khác. Một mẹo khi sử dụng hashtag là thương hiệu nên lựa chọn từ 3 đến 5 thẻ hashtag có liên quan hoặc do thương hiệu tự sáng tạo. Sau đó, sử dụng nó xuyên suốt để phản ánh bản sắc riêng của thương hiệu và xây dựng một cộng đồng cho riêng mình.

Hashtag cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc khuyến khích nội dung do người dùng tạo. Nếu doanh nghiệp có thể thúc đẩy người theo dõi mình sử dụng các hashtag của thương hiệu khi chia sẻ nội dung, thì đây sẽ chính là các quảng cáo miễn phí cho doanh nghiệp. Hashtag #ShareACoke của Coca Cola chính là minh chứng tiêu biểu cho một chiến dịch Instagram Marketing sử dụng thẻ hashtag thành công.

4.4 Hợp tác với những người có sức ảnh hưởng

Một trong những cách nhanh nhất để tiếp cận khách hàng tiềm năng trên Instagram là thông qua những người có sức ảnh hưởng, thông qua đó, tiếp cận lượng fan trung thành của họ.

Và việc triển khai marketing thông qua KOLs trong chiến lược Instagram Marketing sẽ có khả năng thành công cao, vì đây là nền tảng phổ biến nhất được nhiều người ảnh hưởng sử dụng (theo Statitas 2021). Hợp tác với KOLs cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu các nỗ lực marketing. Bởi việc gia tăng số lượng người theo dõi của thương hiệu không thể xảy ra trong ngày một ngày hai, nhưng làm việc với người có sức ảnh hưởng sẽ giúp thương hiệu ngay lập tức tiếp cận với lượng lớn khán giả.

Fashionista Châu Bùi chia sẻ nội dung và gắn thẻ thương hiệu LV Cruise, giúp thương hiệu tiếp cận hàng ngàn người follow của KOLs này
Fashionista Châu Bùi chia sẻ nội dung và gắn thẻ thương hiệu LV Cruise, giúp thương hiệu tiếp cận hàng ngàn người follow của KOLs này

Quan trọng là doanh nghiệp phải lựa chọn đúng KOLs để hợp tác. Việc lựa chọn đối tượng không nên quá chú trọng vào số lượng người theo dõi của đối tượng đó, mà nên quan tâm đến chất lượng. Người theo dõi của KOLs phải là đối tượng khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp thì khả năng chuyển đổi sẽ cao hơn.

Doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ tốt với những người có sức ảnh hưởng đồng nghĩa với việc xây dựng được nhận thức về thương hiệu lâu dài với nhóm đối tượng mới. Thậm chí, nếu hình ảnh thương hiệu tốt, doanh nghiệp còn có thể được các KOLs quảng bá miễn phí. Đây có thể được coi là phiên bản cao cấp của nội dung do người dùng tạo.

4.5 Tận dụng sự ủng hộ của nhân viên

Tận dụng sự ủng hộ của nhân viên để xây dựng các nội dung do người dùng tạo sẽ dễ dàng hơn so với việc khuyến khích người theo dõi thương hiệu. Nhân viên công ty là những người làm việc trong cùng lĩnh vực với doanh nghiệp, nên khi họ chia sẻ các nội dung từ công ty như kiến thức chuyên ngành, hướng dẫn sản phẩm hay tin tuyển dụng thì cũng sẽ trông rất tự nhiên. Người theo dõi của các nhân viên sẽ không cảm thấy họ đang quảng cáo cho công ty mà chỉ đơn giản là họ đang chia sẻ về công việc của mình.

Sự ủng hộ của nhân viên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các công ty như tác động tích cực đến doanh số bán hàng do họ góp phần nâng cao nhận thức về thương hiệu cho những người theo dõi họ; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tuyển dụng, giữ chân và gắn kết nhân viên; hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại từ các khủng hoảng PR truyền thông. 

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng và duy trì sự gắn kết với nhân viên để luôn nhận được sự ủng hộ từ họ. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến sự gắn kết giữa nhân viên với công ty là mục tiêu phát triển, cơ hội phát triển nghề nghiệp, cấp quản lý và mức độ hỗ trợ của công ty. Do đó, một chiến lược truyền thông nội bộ bài bản sẽ giúp doanh nghiệp liên tục đánh giá được mong muốn của nhân viên, từ đó, gia tăng mức độ hài lòng và ủng hộ từ họ.

Tuy nhiên, việc nhân viên chia sẻ các thông tin về công ty sẽ đi kèm với những rủi ro về bảo mật. Do đó, doanh nghiệp cần thiết lập các nguyên tắc truyền thông xã hội dành cho nhân viên. Nhân viên không chỉ cần hiểu rõ thông điệp truyền thông mà còn cần biết cách tốt nhất để truyền tải thông điệp đó cũng như cách tương tác phù hợp với khán giả của họ.

Thương hiệu tận dụng sự ủng hộ của nhân viên trên nền tảng mạng xã hội nhưng cũng cần có những chính sách truyền thông cụ thể - Nguồn: Internet
Thương hiệu tận dụng sự ủng hộ của nhân viên trên nền tảng mạng xã hội nhưng cũng cần có những chính sách truyền thông cụ thể – Nguồn: Internet

Nguyên tắc truyền thông dành cho nhân viên sẽ tùy thuộc vào chính sách của mỗi doanh nghiệp, tuy nhiên, doanh nghiệp nào cũng nên có chính sách truyền thông xã hội và các quy định về phong cách thương hiệu. Trong đó, chính sách truyền thông xã hội bao gồm những điều được phép và không được phép chia sẻ lên mạng xã hội, những chủ đề cần tránh (như chính trị, tôn giáo,…), giải đáp cho các câu hỏi thường gặp,…. Và quy định về phong cách thương hiệu cần có logo, tên thương hiệu, các thuật ngữ riêng về công ty, các thẻ hashtag của thương hiệu,…

Các nguyên tắc truyền thông nên ngắn gọn, bởi nếu quá khó khăn sẽ khó khuyến khích nhân viên chia sẻ các nội dung về thương hiệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nên làm rõ các quy định này ngay từ đầu với nhân viên để tránh các rủi ro tiềm ẩn về bảo mật thông tin và khủng hoảng truyền thông. Bởi có không ít nhân viên của các thương hiệu lớn bị sa thải vì không nắm rõ các nguyên tắc này như trường hợp nhân viên Gucci tại Los Angeles bị cho thôi việc vì quay clip TikTok về các món đồ mình nhận được vào ngày đầu tiên đi làm.

5. Kết luận

Mặc dù, việc tiếp thị trên các nền tảng mạng xã hội nói chung và Instagram nói riêng hiện nay khá khốc liệt, nhưng nếu hiểu rõ tính năng, thuật toán, doanh nghiệp có thể biến nền tảng này thành “mảnh đất kinh doanh màu mỡ” cho riêng mình. Việc quan trọng nhất khi triển khai các chiến dịch Instagram Marketing là doanh nghiệp phải luôn cập nhật sự thay đổi của nền tảng và người dùng để có thể điều chỉnh chiến dịch phù hợp và hiệu quả hơn.

Hy vọng bài viết có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về nền tảng này và có những ý tưởng marketing mới cho doanh nghiệp của mình.

Tác giả: Nguyễn Thị Phương Thanh

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả