Kiến thức 10 thủ thuật bán hàng hiệu quả trên Instagram

Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đang bùng nổ hơn bao giờ hết. Theo thống kê của Statista, 51 triệu người Việt đã tham gia mua sắm online trong năm 2022 với tổng chi tiêu đạt 12,42 tỷ USD. Khảo sát khác từ Ninja Van tháng 7/2022 cho biết, người Việt Nam đặt mua trung bình 104 đơn hàng mỗi năm, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. 

Sự bùng nổ này đến từ việc người Việt Nam khá cởi mở với nhiều nền tảng và cách thức mua hàng online khác nhau. Trong đó, Instagram là một nền tảng bán hàng online đầy tiềm năng với tiếp cận khác biệt, độc đáo và tệp khách hàng đặc thù. 

Vậy làm thế nào để bán hàng hiệu quả trên Instagram, hãy cùng tham khảo bài viết sau từ MISA.

1. Tìm hiểu về bán hàng trên Instagram

Instagram là mạng xã hội chuyên về chia sẻ hình ảnh và video ngắn. Ứng dụng Instagram được phát hành lần đầu trên App Store ngày 6/10/2010 và hướng đến các thiết bị điện thoại thông minh. Ngay trong năm đó, số người dùng Instagram đã đạt 1 triệu và tăng lên nhanh chóng. 

Năm 2012, Facebook mua lại Instagram với định giá 1 tỷ USD và cổ phiếu. Với sự hậu thuẫn từ một trong những mạng xã hội lớn nhất toàn cầu, Instagram bứt phá ngoạn mục, đạt mốc 300 triệu người dùng năm 2014. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 1 tỷ người dùng Instagram thường xuyên trong công việc và hoạt động kinh doanh.

Tính đến tháng 3/2023, Cristiano Ronaldo sở hữu tài khoản được theo dõi nhiều nhất Instagram với 559 triệu người (Ảnh : Instagram )
Tính đến tháng 3/2023, Cristiano Ronaldo sở hữu tài khoản được theo dõi nhiều nhất Instagram với 559 triệu người (Ảnh : Instagram )

Với số lượng người dùng khổng lồ, Instagram được xem  là mảnh đất màu mỡ để những người bán hàng khai thác. Theo thống kê từ chính nền tảng này, người dùng Instagram phổ biến trong độ tuổi từ 14 đến 35. Đó là những người trẻ trung, cởi mở, hướng ngoại, cuộc sống đầy màu sắc. Đây cũng là đối tượng mua sắm online nhiều nhất, dễ dàng chấp nhận những hình thức mua sắm mới, miễn là tiện lợi và đáp ứng được nhu cầu.

Hành vi mua trên Instagram cũng rất đặc biệt. Thay vì quan tâm đến mô tả sản phẩm, câu chuyện thương hiệu, những video giới thiệu chi tiết sản phẩm 5 – 10 phút như trên các nền tảng khác, người dùng Instagram xem ảnh và đặt mua nếu thấy hứng thú. 

Hình ảnh quyết định cảm xúc và là yếu tố quan trọng nhất tác động đến hành vi mua hàng. Do đó, các nhãn hàng đều chú trọng tới hình ảnh nhiều hơn khi lựa chọn bán hàng trên Instagram. Nền tảng cũng liên tục cho ra đời những bộ lọc và công cụ mạnh mẽ nhằm giúp quá trình xử lý ảnh trở nên đơn giản với tất cả mọi người. 

Đồng thời, tính năng mua hàng và hỗ trợ bán hàng được cải tiến thường xuyên, học hỏi từ “người anh em” Facebook đã đưa Instagram đến gần hơn với những nhà bán hàng. Tương tác đa chiều này giúp cho Instagram luôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường mua bán online.

Hầu hết các ngành hàng đều có thể kinh doanh trên Instagram, từ những mặt hàng giá trị cao như bất động sản, du lịch xa xỉ cho đến thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm…

Những bức ảnh đồ ăn bắt mắt giúp doanh số cửa hàng trên Instagram tăng nhanh chóng (Ảnh : Instagram foodysaigon)
Những bức ảnh đồ ăn bắt mắt giúp doanh số cửa hàng trên Instagram tăng nhanh chóng (Ảnh : Instagram foodysaigon)

Để bán hàng trên Instagram, định hướng bán là quan trọng nhất, vì mỗi ngành sẽ có sự phân hoá rất rõ rệt.Đối với các ngành hàng như thực phẩm, mỹ phẩm, thời trang, đồ gia dụng … nhà bán hàng có thể đăng ảnh và giá để chào bán trực tiếp sản phẩm. Với các sản phẩm xa xỉ và có giá trị cao hơn, doanh nghiệp thường dành nhiều thời gian làm thương hiệu, xác thực tài khoản bằng tích xanh, thu hút người dùng theo dõi và tương tác trên bài đăng để tăng sự kết nối, tạo vị thế “top-of-mind” và kích thích nhu cầu của khách hàng.

Những tấm ảnh view “triệu đô” trên Instagram làm nên tên tuổi Amanoi Resort, định vị thành công hình ảnh “siêu xa xỉ”, giúp tăng danh tiếng và thúc đẩy doanh số đặt phòng (Ảnh : instagram)
Những tấm ảnh view “triệu đô” trên Instagram làm nên tên tuổi Amanoi Resort, định vị thành công hình ảnh “siêu xa xỉ”, giúp tăng danh tiếng và thúc đẩy doanh số đặt phòng (Ảnh : instagram)

Cũng giống như trên Facebook, nhà bán hàng trên Instagram có thể đạt doanh thu thông qua tương tác tự nhiên hoặc sử dụng quảng cáo. Thực tế, dù cùng sử dụng một nền tảng và được cung cấp các công cụ như nhau, nhưng có những nhà bán hàng bùng nổ với doanh số rất cao và cũng có những doanh nghiệp đã phải rời bỏ cuộc chơi Instagram vì không hiệu quả. Khác biệt ở đây chính là những thủ thuật mà nhà bán hàng đã sử dụng để tối ưu hiệu quả tiếp cận, tương tác, thu hút người dùng và tăng doanh số. 

Hãy cùng khám phá 10 thủ thuật bán hàng hiệu quả trên Instagram cùng MISA ngay dưới đây. 

Đọc thêm: Xây dựng kênh Instagram bán hàng từ con số 0 cho doanh nghiệp

2.10 thủ thuật bán hàng hiệu quả trên Instagram

2.1 Lựa chọn giờ đăng bài

Nhiều người không biết rằng lựa chọn đúng giờ đăng bài trên Instagram cũng có thể giúp tăng doanh số. Instagram sử dụng một số thuật toán phân phối tương tự Facebook. Khi doanh nghiệp đăng bài trên trang Instagram, trong những phút đầu tiên, bài viết sẽ tiếp cận tới một lượng người dùng nhất định. Nếu bài viết có được lượt tương tác (thả tim, chia sẻ, bình luận) tốt, sẽ ưu tiên hiển thị bài viết đó tới nhiều người hơn. Thuật toán này khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung tạo ra các sản phẩm chất lượng, hấp dẫn, gây cảm xúc đặc biệt và tác động tới hành vi của người dùng. 

Do đặc điểm sinh hoạt của người dùng từng quốc gia và đối tượng theo dõi trang Instagram doanh nghiệp, sẽ có những khung giờ hiệu quả cho việc tăng theo dõi, tăng tương tác hay tăng doanh thu. Doanh nghiệp cần dựa vào mục tiêu và nội dung bài viết để lựa chọn giờ đăng bài tốt nhất. 

Khảo sát của Hubspot năm 2022 về thời gian đăng bài hiệu quả nhất trên các nền tảng (Ảnh : Cleverads)
Khảo sát của Hubspot năm 2022 về thời gian đăng bài hiệu quả nhất trên các nền tảng (Ảnh : Cleverads)

Theo khảo sát của Hubspot năm 2022, thời gian đăng bài hiệu quả nhất trên Instagram là từ 18h – 21h. Đây là thời điểm lượng người dùng đạt mức cao nhất. Ngày đăng bài có hiệu ứng tốt nhất là thứ bảy, còn ngày thứ hai lượt tiếp cận và tương tác sẽ ít hơn. Giờ mua hàng sẽ cao nhất ở khung giờ 20h đến 23h, đặc biệt ở lứa tuổi 22 – 35. Các bài đăng nhằm tăng theo dõi, thu hút sự chú ý có thể xuất hiện ở khung giờ sớm từ 5h – 7h30.

Từ đó, các doanh nghiệp có thể xây dựng một biểu đồ thời gian cho từng tuyến bài trên Instagram. Cụ thể, các bài đăng tạo cảm hứng ngày mới, chia sẻ câu chuyện lên vào buổi sáng. Giờ trưa sẽ là các bài viết gây tò mò, tạo hiệu ứng. Buổi tối là trọng điểm bán hàng với các hình ảnh tập trung vào sản phẩm. 

Ví dụ với dòng hàng thời trang : 

  • 6h – 7h30 : Gợi ý outfit đi làm cho ngày mới năng động
  • 12h – 13h : Bật mí chương trình sale đặc biệt, hẹn tung album lúc 20h, quà tặng cho 100 đơn đầu tiên
  • 19h : Bài viết kêu gọi bấm “Theo dõi” để nhận thông tin về album sale
  • 20h : Tung album đồng loạt trên nhiều nền tảng, trong đó có Instagram. Quảng cáo đổ về trang đích Instagram

Với lịch trình này có thể giúp doanh nghiệp thu hút sự chú ý của người dùng vào một thời điểm nhất định, nhờ đó tạo ra hiệu ứng để thuật toán của nền tảng đánh giá bài viết tốt, tăng hiển thị và độ phủ đến những người dùng có đặc điểm tương tự. Đây cũng chính là cơ hội gia tăng đơn hàng.

2.2 Tận dụng bộ lọc để có ảnh bán hàng đẹp như ý

Nhiều người thắc mắc tại sao hình ảnh đồ ăn trên Instagram luôn trông thật ngon mắt, thậm chí hấp dẫn hơn sản phẩm thật. Bí mật đến từ chính những bộ lọc “thần thánh”, thế mạnh của Instagram mà không nền tảng nào khác có được.

Một số phần mềm chỉnh sửa ảnh thông dụng khiến ảnh bị mờ, vỡ nét và thường mặc định gắn logo khiến khách hàng khó chịu. Instagram cung cấp những lựa chọn tuyệt vời để chụp ảnh bằng điện thoại cũng trở thành nghệ thuật. Các công cụ lọc giúp chỉnh sáng tối, tăng chiều sâu, độ tương phản, màu ấm hoặc lạnh tuỳ yêu cầu.

Do đó, các bức ảnh trên Instagram luôn có màu sắc và hình khối nổi bật, hấp dẫn hút mắt, khiến khách hàng muốn ngay lập tức đặt hàng. Đặc biệt hơn, Instagram cung cấp các bộ lọc này miễn phí, thao tác kéo thả dễ dàng, bất cứ ai cũng có thể làm được.

Những món đồ ăn được chỉnh sửa qua phần mềm Instagram trở nên hấp dẫn hơn (Ảnh : Instagram)
Những món đồ ăn được chỉnh sửa qua phần mềm Instagram trở nên hấp dẫn hơn (Ảnh : Instagram)

Điều quan trọng là, hãy đảm bảo rằng bạn đã hiểu thế mạnh của mạng xã hội này, tận dụng tốt các công cụ chỉnh sửa ảnh đang được cung cấp. Các video hướng dẫn chỉnh sửa ảnh luôn có sẵn trên Youtube, nhà bán hàng có thể dễ dàng tìm kiếm và thao tác theo. 

Lưu ý rằng, mỗi sản phẩm sẽ thích hợp với bộ lọc khác nhau. Vì vậy, hãy thử nghiệm nhiều lần và tìm ra công thức ưng ý nhất cho sản phẩm của mình. Đồng thời linh hoạt cập nhật những xu hướng chỉnh sửa ảnh mới nhất để tạo sự hứng thú, mới lạ cho người xem.

2.3 Đăng dạng album

Không nhiều người biết Instagram có tính năng đăng ảnh dạng album. Đây là một bí mật mà một số nhà bán hàng thời trang đang áp dụng rất thành công.

Instagram cho phép đăng ảnh dạng album (Ảnh: Instagram Adore Dress)
Instagram cho phép đăng ảnh dạng album (Ảnh: Instagram Adore Dress)

Trước đây, khi đăng nhiều góc về một sản phẩm, tất cả hình ảnh sẽ hiện ở giao diện chính, khiến trang bán hàng trở nên nhàm chán. Với tính năng đăng ảnh dạng album, khách hàng có thể xem trực tiếp nhiều góc về sản phẩm bằng cách bấm vào nút mũi tên bên cạnh hình ảnh. Giao diện trên trang bán hàng chỉ hiện 1 hình ảnh đại diện về sản phẩm, đảm bảo thẩm mỹ và giúp khách hàng có thể quan sát tổng thể, chạm tới nhiều sản phẩm hơn.

Ngoài ra, có thể gộp các ảnh trong một Bộ sưu tập thành album và đặt tại vị trí ưu tiên trên đầu trang. Khi khách hàng click vào hình ảnh đại diện của album sẽ chiêm ngưỡng được cả bộ sưu tập. Cách làm này rất hiệu quả với ngành hàng thời trang và mỹ phẩm. 

Những bộ sưu tập được ghim lên đầu trang tạo sự chú ý (Ảnh : Instagram Adore Dress)
Những bộ sưu tập được ghim lên đầu trang tạo sự chú ý (Ảnh : Instagram Adore Dress)

Một điểm khó khi chốt đơn thời trang là sở thích của khách hàng liên tục thay đổi. Khi được xem quá nhiều, khách hàng thậm chí có thể quên mất mục đích mua hàng ban đầu. Vì vậy, việc tập hợp các sản phẩm cùng loại vào cùng một album có thể giúp khách hàng giữ được sự tập trung, qua đó tăng tỉ lệ chốt đơn.

Đối với mỹ phẩm, tác dụng của việc tạo album trên Instagram còn lớn hơn. Doanh nghiệp có thể gộp các sản phẩm của cùng một bộ sản phẩm hoặc đáp ứng cùng một nhu cầu để bán chéo, gia tăng đơn hàng. Đây là thủ thuật bán hàng trên Instagram cực kỳ hiệu quả.

2.4 Mẹo ghép ảnh kích thước lớn tạo sự chú ý

Khác với Facebook, các bức ảnh trên Instagram có cùng một kích thước mặc định. Do đó, thật khó để làm bức ảnh nào đó trở nên nổi bật hơn hẳn và thu hút sự chú ý của khách hàng. Tuy nhiên, đó chỉ là cách suy nghĩ thông thường. Các nhà sáng tạo nội dung đã nghĩ ra một thủ thuật giúp bức ảnh trông lớn hơn từ 4 – 9 lần, từ đó thu hút sự chú ý và gây choáng ngợp khách hàng.

Để ý rằng, giao diện Instagram trên điện thoại và máy tính đều sắp xếp thành 3 hàng dọc, và một màn hình thường chứa được 3 đến 5 hàng ngang. Do đó, nếu cắt hình ảnh thành 4 – 6 – 9 phần bằng nhau và sắp xếp thứ tự hợp lý, bạn sẽ sở hữu bức ảnh lớn gấp nhiều lần. Thủ thuật này phù hợp với những ngành hàng như thời trang thể thao, ẩm thực và du lịch.

Bố cục hợp lý và sắp xếp thứ tự phù hợp giúp một bức ảnh tăng kích cỡ lên 9 lần, từ đó tăng thu hút và tăng đơn hàng (Ảnh : Instagram Adidas)
Bố cục hợp lý và sắp xếp thứ tự phù hợp giúp một bức ảnh tăng kích cỡ lên 9 lần, từ đó tăng thu hút và tăng đơn hàng (Ảnh : Instagram Adidas)

Để có được bức ảnh khổ lớn này, bạn có thể làm như sau:

  • Bước 1: cắt ảnh thành 4 hoặc 6 hoặc 9 hình vuông bằng nhau. Có thể sử dụng các phần mềm photoshop, canva, paint … để cắt ảnh được đều.
  • Bước 2: đăng ảnh theo thứ tự để có được khung hình như ý. Để tránh nhầm lẫn, sau khi cắt ảnh, hãy gán số cho từng ảnh theo hình dưới đây. Tuỳ thuộc số lượng ảnh bạn muốn đăng để lựa chọn khung phù hợp nhất.
Mẹo ghép ảnh kích thước lớn (Ảnh: internet)
Mẹo ghép ảnh kích thước lớn (Ảnh: internet)

Khi sử dụng phương pháp này cần lưu ý, tại bài post các ngày sau đó sẽ luôn đăng cùng lúc 3 ảnh để đảm bảo thứ tự hình ảnh của hình lớn không bị xô lệch. Đồng thời, giữa các hình ảnh trên Instagram có khoảng cách trắng, do đó trước khi đăng cần test thử trên tài khoản phụ để đảm bảo ảnh đã hợp lý về mặt thị giác. Khi đã hết chương trình hoặc thời gian truyền thông, có thể ẩn sản phẩm lớn, thay bằng hình ảnh sản phẩm trong một khung duy nhất để đảm bảo tính thẩm mỹ. 

Lỗi không kiểm tra trước khi đăng, ảnh không hợp lý về mặt thị giác của Silcot (Ảnh : Instagram Silcot Thái Lan)
Lỗi không kiểm tra trước khi đăng, ảnh không hợp lý về mặt thị giác của Silcot (Ảnh : Instagram Silcot Thái Lan)

2.5 Sử dụng hashtag

Hashtag là dạng thẻ bằng từ khoá ngắn, được bắt đầu bằng dấu “#” và các ký tự liền nhau, không chứa dấu cách. Khi người dùng tìm kiếm một từ khoá nào đó, các bài viết chứa hashtag cũng sẽ đồng thời hiện lên trên kết quả tìm kiếm. Hashtag có thể coi là một trong những công cụ mạnh nhất trên Instagram. Sử dụng hashtag đúng cách sẽ giúp thương hiệu và sản phẩm của bạn luôn nổi bật. 

Có nhiều cách để gắn hashtag, ví dụ:

  • Hashtag nhắc trực tiếp đến tên thương hiệu, sản phẩm: giúp thương hiệu xuất hiện đầu tiên khi khách hàng tìm kiếm. Đây là điều bắt buộc phải có trong bài đăng.
  • Hashtag nhắc trực tiếp đến đến đối thủ: giúp thu hút, lôi kéo sự chú ý của khách hàng đối thủ về mình.

Ví dụ khi tìm từ khoá “#bongtaytrangIpek (bông tẩy trang Ipek), sẽ có hình ảnh của sản phẩm Jomi, Miwoo xen kẽ. Đây là chiến lược khá thú vị mà người bán hàng trên Instagram có thể tham khảo.

Hashtag nhắc đến nhiều đối thủ nhằm lôi kéo khách hàng của đối thủ (Ảnh : Instagram)
Hashtag nhắc đến nhiều đối thủ nhằm lôi kéo khách hàng của đối thủ (Ảnh : Instagram)
  • Hashtag các từ khoá khách hàng mục tiêu quan tâm. Ví dụ đối với mỹ phẩm sẽ là các từ khoá liên quan đến chăm sóc da (#chamsocda, #chamsocdamat, #chamsocdamun).
  • Hashtag hot trend, bám vào các sự kiện. Ví dụ lễ trao giải Oscar diễn ra vào tháng 3 vừa qua là cơ hội tuyệt vời để nhiều nhãn hàng bắt trend, trong đó có Eveline.
Bài đăng hashtag Oscar của Eveline (Ảnh : Instagram)
Bài đăng hashtag Oscar của Eveline (Ảnh : Instagram)

Ngoài hashtag từ khóa, tag tên những người nổi tiếng cũng là cách thức tăng tiếp cận, tăng độ uy tín và từ đó tăng doanh số của sản phẩm. Tuy nhiên, cần lưu ý các điều khoản để sử dụng hình ảnh, danh tiếng của người nổi tiếng một cách hợp pháp, tránh những khủng hoảng không đáng có.

2.6 Tối ưu clip bán hàng

Trước sự “thống trị” của các nền tảng chia sẻ video ngắn như Tiktok, Instagram cũng đã chuyển đổi để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Một trong số đó là bổ sung dạng video ngắn. 

Các video có độ dài tối đa 15 giây, được mạng xã hội này cung cấp các công cụ chỉnh sửa ảnh, tạo hiệu ứng, làm nhạc … để tăng sự hấp dẫn với khách hàng. Giữa các hình ảnh tĩnh, dạng video động với nút Play hình tam giác ở góc luôn đem đến cho người dùng những cảm giác bất ngờ, thú vị.

Video ngắn là một hình thức rất thu hút trên Instagram (Ảnh: Techcrunch)
Video ngắn là một hình thức rất thu hút trên Instagram (Ảnh: Techcrunch)

Doanh nghiệp nên chú trong xây dựng dạng nội dung tương tác trực tiếp bằng hình ảnh thay vì text, nhấn vào con số, ngắn gọn và gây ấn tượng mạnh. Đồng thời, cần tạo sự liên kết giữa các tài khoản, trang đích của doanh nghiệp (Instagram, Facebook, website, landing page …) để điều hướng khách hàng về các trang đích đầy đủ thông tin hơn, tránh trường hợp khách rơi khỏi phễu bán hàng.

>> Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp 10 cách tối ưu landing page bán hàng hiệu quả nhất

2.7 Đăng bài viết giới thiệu sản phẩm, thương hiệu

Nhiều người lầm tưởng Instagram chỉ có hình ảnh. Thực tế, mạng xã hội này đang hướng đến việc mở rộng các hoạt động cho nhà sáng tạo nội dung và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương hiệu thông qua hình ảnh. 

Doanh nghiệp có thể tạo bài viết dạng blog để kể câu chuyện thương hiệu, tạo cảm hứng và sự gắn kết với khách hàng. Những nội dung này được đặt trong blog riêng, vẫn tận dụng được ưu thế hình ảnh, đồng thời được sắp xếp đầy nghệ thuật, tạo cảm hứng cho khách hàng. Đây là bí quyết giúp thương hiệu chiếm được lòng tin của người mua, từ đó thúc đẩy doanh số dễ dàng hơn.

Gucci có hẳn một blog đầy đủ thông tin về các bộ sưu tập như một tạp chí thu nhỏ. (Ảnh : Instagram Gucci)
Gucci có hẳn một blog đầy đủ thông tin về các bộ sưu tập như một tạp chí thu nhỏ. (Ảnh : Instagram Gucci)

2.8 Lựa chọn phím tắt

Rất ít người quan tâm đến cài đặt phím tắt trên trang mà không biết rằng đây cũng là thủ thuật giúp tăng doanh thu nhanh chóng.

Có rất nhiều phím tắt giúp điều hướng hành động khi khách hàng tiếp cận trang Instagram của doanh nghiệp lần đầu. Doanh nghiệp có thể lựa chọn hành động muốn khách hàng thực hiện nhất trên trang dựa trên định hướng bán hàng, tệp khách hàng và tài nguyên sẵn có về các trang đích có thể dẫn dắt khách hàng mua sắm.

Ví dụ với Nike, mục đích là khuyến khích khách hàng đến cửa hàng, vậy 3 phím tắt được lựa chọn là “Đến cửa hàng”, “Theo dõi”, “Nhắn tin”. Với Gucci, tệp khách hàng cao cấp và xa xỉ vốn quen với hình thức liên lạc qua thư điện tử, vậy 3 phím tắt được Gucci lựa chọn là “Gửi email”, “Theo dõi”, “Nhắn tin”. 

Với mục đích ra đơn hàng, doanh nghiệp có thể tập trung vào các phím tắt tạo ra hành động như “Mua Ngay”, “Theo dõi”, “Nhắn tin”. Đây là những hành động ngay lập tức có thể nhận được phản hồi, khiến khách hàng có cảm giác được phục vụ tốt hơn, tận dụng trạng thái tâm lý hứng phấn để chốt đơn thuận lợi hơn. 

2.9 Bật tính năng cửa hàng trên Instagram

Tính năng cửa hàng trên Facebook không được ưa chuộng, nhưng với Instagram thì ngược lại. Sự đổi mới này được các nhà bán hàng ủng hộ nhiệt liệt, tuy nhiên mới chỉ có mặt ở một vài quốc gia.

Truy cập tính năng gian hàng trên Instagram. (Ảnh: simpleshop)
Truy cập tính năng gian hàng trên Instagram. (Ảnh: simpleshop)

Với tính năng cửa hàng trên Instagram, khách hàng có được một không gian để thoải mái, tự do mua sắm. Với lợi thế về hình ảnh và tối giản text, khách hàng có cơ hội được tập trung vào thiết kế, công năng và vẻ đẹp của từng sản phẩm. Instagram cũng có những gợi ý, đề xuất sản phẩm tương tự theo kết quả tìm kiếm của khách hàng. Vì vậy, nếu tận dụng tính năng cửa hàng, doanh nghiệp có thể điều hướng nhu cầu của khách hàng, hướng đến sản phẩm doanh nghiệp muốn bán.

Một chiến lược khác cũng rất hiệu quả là gắn link gian hàng trong phần Bio (tiểu sử) trên Instagram. Đây là vị trí đắc địa, đạt tỉ lệ click cao và thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng. Doanh nghiệp không nên bỏ lỡ vị trí này mà nên chú trọng, tăng cường quảng bá để tận dụng vị trí, hướng khách hàng đến thẳng gian hàng để tạo cơ hội cho khách hàng trải nghiệm nhiều sản phẩm.

2. 10 Quảng cáo

Để có được một kênh Instagram hiệu quả, ra đơn thực tế thì không thể thiếu quảng cáo. Có rất nhiều cách quảng cáo trên Instagram. Phổ biến nhất là chạy quảng cáo của nền tảng. Tương tự Facebook, Instagram cung cấp các công cụ quảng cáo theo từng mục tiêu như tăng lượt theo dõi, tăng tỉ lệ chuyển đổi … Doanh nghiệp có thể sử dụng quảng cáo để luôn duy trì tần suất tương tác, tiếp cận trên trang, quảng bá sản phẩm HOT để thu hút người dùng.

Tuy nhiên, quảng cáo trên nền tảng khá đắt đỏ và chỉ có tác dụng tức thời. Do đó, các nhà bán hàng Instagram chuyên nghiệp thường có thủ thuật riêng giúp duy trì quảng cáo, thu hút khách hàng tiềm năng nhưng có giá trị lâu dài hơn, đó là quảng cáo trên các kênh như Affiliate.

Affiliate là hình thức bán hàng mới, theo đó người giới thiệu sẽ dẫn lại link sản phẩm từ gian hàng, chia sẻ lên các trang mạng xã hội và hưởng hoa hồng khi có đơn hàng. Để bán được hàng, người giới thiệu cần tư vấn, qua đó quảng cáo cho sản phẩm và doanh nghiệp. Kênh bán hàng truyền miệng này rất hiệu quả và được xem là 1 trong 5 hướng đi mới nổi bật nhất của kinh doanh Online trong một vài năm tới. 

Kênh bán hàng Affiliate đặc biệt phù hợp với Instagram bởi có thể sử dụng rất nhiều hình ảnh để hỗ trợ chốt đơn. Trang Instagram như một cuốn catalogue thu nhỏ, giúp người giới thiệu thuận tiện thuyết phục khách hàng bằng hình ảnh. Đây là gợi ý để các doanh nghiệp có thể thử nghiệm trên kênh Instagram của mình.

3. Lưu ý khi bán hàng trên instagram

Dù là một nền tảng thuật lợi cho việc kinh doanh, tuy nhiên doanh nghiệp cũng cần lưu ý những điểm sau để hoạt động được trơn tru.

Thứ nhất, do sử dụng các bộ lọc, màu sắc của ảnh đăng tải và sản phẩm thật có thể khác nhau do tính năng chỉnh sửa và hiển thị màu trên từng thiết bị. Nhà bán hàng cần cảnh báo trước với khách hàng, chủ động so sánh hình ảnh với thực tế để có những cảnh báo kịp thời.

Thứ hai, Instagram chỉ là 1 trong nhiều cách thức bán hàng, do đó cần trả lời và tương tác với khách hàng nhanh nhất, nếu không khách có thể đến mua tại các kênh khác hoặc hết nhu cầu. Vấn đề này rất hay gặp ở khách hàng độ tuổi 14 – 25, chính là tập khách hàng tiềm năng của Instagram.

Thứ ba, luôn đảm bảo kết cấu về mặt hình ảnh trên toàn trang. Instagram là nền tảng về chia sẻ ảnh, do đó, tính thẩm mỹ phải được đặt lên hàng đầu. Cần cân nhắc các yếu tố tổng thể như độ đồng màu, nhận diện thương hiệu, các lỗi đăng tải hình ảnh… để nhận biết và xử lý sớm nhất.

Quản lý chiến dịch bán hàng hiệu quảDùng thử MISA AMIS CRM miễn phí ngay

Kết luận

Trên đây là 10 thủ thuật bán hàng hiệu quả trên Instagram. Với sự gắn kết ngày càng sâu của con người với các trang mạng xã hội, xu hướng mua sắm Online bùng nổ và những phương án lan toả đa dạng, Instagram hoàn toàn có thể trở thành một trong những kênh bán hàng đem lại doanh số cao nhất cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Trên hành trình phát triển đó, hi vọng bài viết này và chuỗi các bài viết khác trong mục Kiến thức Sale – Marketing sẽ hỗ trợ Quý doanh nghiệp nhiều hơn để đạt được những cột mốc thành công lớn hơn. Trân trọng cảm ơn và hẹn Quý độc giả trong các bài viết tiếp theo.

Tác giả: Lương Thanh Hà

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]