Ngày nay, để có thể tạo chỗ đứng trên thị trường giữa vô vàng thương hiệu, doanh nghiệp cần có các chiến lược marketing khác biệt và khéo léo. Theo Hubspot, ước tính mỗi ngày có khoảng 5,6 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày trên toàn cầu. Và tỷ lệ nhấp chuột (CTR) cho kết quả không phải trả tiền đầu tiên là 28,5% (theo Search Engine Land), trong khi tỷ lệ nhấp chuột của quảng cáo tìm kiếm có trả tiền chỉ có 3,17%, (theo WordStream). Do đó, Organic marketing được các chuyên gia đánh giá là một trong những chiến lược tiếp thị bền vững nhất, cũng như chiếm được thiện cảm nhiều nhất từ khách hàng.
Vậy hãy cùng MISA tìm hiểu phương pháp xây dựng sức mạnh tiếp thị bền vững cho thương hiệu của bạn qua bài viết dưới đây.
1. Organic marketing là gì?
Organic marketing là một chiến lược tiếp thị kỹ thuật số, giúp doanh nghiệp tạo lưu lượng truy cập vào trang web của mình một cách tự nhiên thay vì sử dụng các phương pháp tiếp thị phải trả phí. Chiến lược Organic marketing thường được triển khai thông qua các công cụ miễn phí như SEO, phương tiện truyền thông xã hội, nội dung do người dùng tạo (user generated content) hay marketing truyền miệng (word of mouth).
Chính bởi vì phương pháp tiếp thị này thu hút khách hàng một cách tự nhiên nhờ những giá trị mà doanh nghiệp mang lại, nên thường nhận được nhiều thiện cảm từ khách hàng hơn các phương pháp khác.
2. Mục tiêu của Organic marketing
Mục tiêu chính của Organic marketing là nâng cao nhận thức về thương hiệu và xây dựng mối quan hệ với khách hàng thông qua việc cung cấp các thông tin mang tính giáo dục hoặc giải trí. Phương pháp tiếp thị này hoạt động bằng cách thu hút khách hàng truy cập đến website hoặc landing page, từ đó nâng cao độ nhận diện thương hiệu và trở thành ưu tiên hàng đầu khi người tiêu dùng có nhu cầu mua hàng. Nhờ đó, tỷ lệ chuyển đổi khách hàng cũng được gia tăng và duy trì ổn định.
Để đo lường hiệu quả của chiến lược Organic marketing, doanh nghiệp cần đánh giá các khía cạnh như nội dung mang lại nhiều lưu lượng truy cập nhất cho website; khách hàng tiềm năng được tạo ra từ các chiến dịch đó; kênh mang lại lượng lưu lượng truy cập chuyển đổi cao nhất;…
3. Ưu và nhược điểm của Organic marketing
Ưu điểm
- Xây dựng lòng tin với khách hàng
Cốt lõi của chiến lược tiếp thị Organic là chia sẻ nội dung hữu ích, có giá trị cho khán giả mục tiêu. Bằng cách này, theo thời gian, doanh nghiệp sẽ xây dựng được mối quan hệ bền vững với khách hàng, khiến họ có thiện cảm và tin tưởng thương hiệu hơn.
Việc chiếm được lòng tin của khách hàng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tỷ lệ chuyển và lâu dài hơn nữa là tạo ra được lượng khách hàng trung thành, bền vững.
- Tiết kiệm chi phí
Nhờ sử dụng các công cụ miễn phí, Organic marketing hầu như không tiêu tốn ngân sách tiếp thị, ngoại trừ các khoản chi phí dành cho nhân sự. Từ đó, giúp doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ lợi nhuận (ROI) và có thêm ngân sách cho các hoạt động kinh doanh khác. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể tiết kiệm nguồn lực tài chính để phân bổ thêm cho các phương pháp tiếp thị trả tiền (paid marketing), nhằm nâng cao hiệu quả chiến lược marketing của doanh nghiệp.
- Xây dựng thương hiệu bền vững
“Mưa dầm thấm lâu” chính là câu thành ngữ dành để mô tả cách hoạt động của Organic marketing. Nhờ gắn bó với khách hàng trong thời gian dài, chiến lược tiếp thị này tạo ra nền tảng khách hàng vững chắc cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Những khách hàng này không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn hỗ trợ quảng bá thương hiệu thông qua hình thức tiếp thị truyền miệng. Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp thương hiệu hạn chế được các khủng hoảng truyền thông nhờ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng. Bởi khi đã có được thiện cảm và lòng tin với công chúng, họ sẽ thường lựa chọn tin tưởng và ủng hộ doanh nghiệp, ít có những phản ứng gay gắt hơn khi có sự cố xảy ra, giúp doanh nghiệp có thời gian đưa ra hướng giải quyết thích hợp.
Nhược điểm
- Không cung cấp kết quả ngay lập tức
Chiến lược tiếp thị Organic đòi hỏi cần có nhiều thời gian và nỗ lực để đạt được thành công trong vô số thông tin mà khách hàng tiếp nhận. Hoạt động trong thời gian dài để xây dựng khán giả và phát triển niềm tin với khách hàng là đặc trưng của phương pháp này.
Do đó, nếu doanh nghiệp hướng đến mục tiêu nhanh chóng tạo ra doanh thu thì chiến lược này sẽ không phù hợp. Thay vào đó, doanh nghiệp nên lựa chọn phương pháp tiếp thị trả phí để tiết kiệm thời gian đưa thông điệp đến với khách hàng và tăng tỷ lệ chuyển đổi nhanh hơn.
- Phạm vi tiếp cận hạn chế
Một nhược điểm nữa của Organic marketing là sự hạn chế về phạm vi tiếp cận khách hàng. Chủ yếu doanh nghiệp chỉ có thể tiếp cận với những khách hàng đã theo dõi thương hiệu trước đó hoặc những người tiêu dùng có nhu cầu tìm kiếm về nội dung doanh nghiệp đang khai thác.
Do các chiến lược tiếp thị organic có thể tiếp cận ít khách hàng tiềm năng hơn so với chiến dịch tiếp thị phải trả tiền nên phương pháp này thường được dùng làm nền tảng để triển khai các chiến dịch paid marketing.
- Đòi hỏi nhiều nỗ lực
Chính bởi hạn chế về khả năng tiếp cận khách hàng và không cho ra kết quả nhanh chóng, đã dẫn đến việc doanh nghiệp phải đầu tư nhiều nỗ lực hơn. Để tăng phạm vi tiếp cận khách hàng, doanh nghiệp phải tiếp thị nhiều nội dung trên nhiều kênh thông tin khác nhau như các bài viết trên blog, phương tiện truyền thông xã hội hay email marketing. Doanh nghiệp cũng cần duy trì sáng tạo nội dung chất lượng trong thời gian dài để chiến dịch thành công.
4. So sánh Organic marketing và Paid marketing
Doanh nghiệp cần phân biệt Organic marketing và Paid marketing để tận dụng tối đa lợi thế của hai phương pháp này. Cụ thể:
Tiêu chí | Organic marketing | Paid marketing |
Mục tiêu | Nâng cao nhận diện thương hiệu, tạo sự tin tưởng và xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng. | Thúc đẩy các hoạt động call to action như mua hàng, để lại thông tin để nhận tư vấn hay đăng ký tham gia hội thảo,… |
Hình thức | Bài đăng trên blog, bài viết của khách hàng, video trên YouTube, bài đăng không trả phí trên các nền tảng truyền thông xã hội, nội dung do người dùng tạo như đánh giá, lời chứng thực,… | Quảng cáo tìm kiếm có trả tiền (như google ads), quảng cáo trên mạng xã hội có trả tiền (như facebook ads), bài đăng được tài trợ, quảng cáo hiển thị hình ảnh, quảng cáo video trên YouTube,… |
Khả năng phân khúc khách hàng | Khả năng phân khúc khách hàng thấp, tập trung vào việc thu hút khán giả theo thời gian | Trực tiếp phân khúc khách hàng để nhắm mục tiêu, tiếp cận, thu hút và chuyển đổi khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng |
Khả năng đo lường | Khó đo lường, mức độ tương quan với ROI thực tế thấp | Số liệu quảng cáo được tự động hóa, dễ theo dõi, đo lường |
Khả năng tồn tại | Khả năng tồn tại lâu dài, bền vững, dễ dàng duy trì | Tùy thuộc vào ngân sách của chiến dịch, thường khi hết ngân sách thì chiến dịch cũng kết thúc |
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp muốn đạt được mục tiêu kinh doanh hiệu quả hơn thì việc kết hợp cả hai phương pháp tiếp thị organic và tiếp thị trả tiền là rất cần thiết. Doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng thông qua Organic marketing, xây dựng niềm tin và mối quan hệ với họ. Sau đó, sử dụng các công cụ Paid marketing để thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi khách hàng nhanh chóng hơn, cũng như hỗ trợ để đo lường hiệu quả các chiến dịch tốt hơn.
5. Một số công cụ theo dõi chỉ số Organic traffic
5.1 Google Analytic
Google Analytics là một dịch vụ miễn phí của Google, cho phép doanh nghiệp theo dõi lưu lượng truy cập trang web thông qua các bảng thống kê chi tiết và trực quan. Công cụ này mang lại kết quả chính xác, cập nhật liên tục theo ngày, có thể theo dõi thêm được các nguồn traffic khác như Social, Direct, Referral… và hỗ trợ theo dõi phân đoạn trên trang, theo dõi luồng hành vi, time on site, bounce rate,…
5.2 Google Search Console
Google Search Console cung cấp dữ liệu của từng trang trên website một cách chi tiết nhất như CTP, thứ hạng trung bình, các từ khóa truy cập vào trang,… Công cụ này còn cho phép doanh nghiệp đo lường lượng Organic traffic riêng của từng từ khóa như tổng số lần nhấp, số lần hiển thị, CTR trung bình, vị trí trung bình,…
5.3 Ahrefs
Ahrefs là công cụ nổi tiếng để phân tích các yếu tố SEO đối với một website. Với việc hoạt động tương tự như cách Google thu thập dữ liệu website, Ahrefs lưu trữ kho dữ liệu khổng lồ giúp người dùng có thể nghiên cứu, so sánh và đưa ra quyết định tiếp theo khi làm SEO.
>> Xem thêm: Top 13 công cụ content marketing đắc lực nhất cho “con sen”
5.4 Similarweb
Một trong những trang kiểm tra traffic website online free nổi tiếng nhất hiện nay là SimilarWeb. Dù là website miễn phí nhưng Similarweb vẫn cung cấp đầy đủ các tính năng cần thiết để doanh nghiệp theo dõi tình hình website của mình và đối thủ cạnh tranh.
6. Top 7 công cụ Organic marketing hiệu quả nhất
6.1 Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO)
Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (Search Engine Optimization) là công cụ giúp doanh nghiệp thu hút lưu lượng truy cập vào website bằng cách nâng cao khả năng hiển thị và thứ hạng website trên trên các công cụ tìm kiếm. Có thể nói, SEO là công cụ hiệu quả nhất của Organic marketing, bởi nó mang lại lưu lượng truy cập ổn định, điều hướng được khán giả đến những mục tiêu cụ thể như các bài đăng trên blog, landing page hay trang sản phẩm.
Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm được chia ra làm hai loại là SEO onpage và SEO offpage. SEO onpage là những kỹ thuật được thực hiện trực tiếp trên website như tối ưu hóa nội dung, hình ảnh, liên kết nội bộ, tốc độ tải trang,… Trong khi đó, SEO offpage là các kỹ thuật được thực hiện bên ngoài website như backlink, chia sẻ lên mạng xã hội hay brand mention.
Tìm hiểu về các kỹ thuật tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là điều thiết yếu để các doanh nghiệp áp dụng SEO thành công. Tuy nhiên, cần nhớ rằng nội dung là nền tảng bền vững để triển khai SEO. Nếu doanh nghiệp chỉ chú trọng đến những kỹ thuật SEO để đưa website lên đầu trang tìm kiếm, mà không quan tâm đến nội dung, sẽ dễ dẫn đến tình trạng khách hàng chỉ ghé thăm website một lần và có ấn tượng không tốt bởi những thông tin sáo rỗng mà thương hiệu cung cấp.
Do đó, để tối ưu hóa công cụ tìm kiếm bền vững, doanh nghiệp cần cung cấp cho khách hàng những thông tin thật sự hữu ích, có chiều sâu và tính chuyên môn cao. Doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ nghiên cứu cụm từ khóa (như Ahrefs) để có thể tối ưu việc kết hợp các keyword khác nhau dựa trên điểm số hay số lượng tìm kiếm ước tính, tránh tình trạng lặp đi lặp lại một từ khóa khiến nội dung nhàm chán.
Ngày nay, với sự phát triển của AI, mà gần đây nhất là Chat GPT, doanh nghiệp cũng cần biết cách tận dụng các nền tảng công nghệ này để hỗ trợ sáng tạo và gia tăng giá trị nội dung cung cấp cho khách hàng. Ngoài ra, cách dễ nhất để tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là tuân thủ theo những hướng dẫn công khai của Google, bởi đây chính là công cụ tìm kiếm mạnh mẽ nhất thời điểm hiện tại.
TẢI MIỄN PHÍ File mẫu kế hoạch SEO tổng thể cho mọi ngành [2023]
6.2 Tiếp thị truyền thông xã hội
Mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn hoạt động tiếp thị của nhiều doanh nghiệp bởi tầm ảnh hưởng mà nó mang lại. Theo thống kê của vào tháng 01/2023 của Smart Insight, có đến 59% dân số sử dụng mạng xã hội, tương đương với 4,7 tỷ người trên thế giới, và thời lượng sử dụng trung bình là 2 giờ 31 phút một ngày. Chính vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi đây là mảnh đất màu mỡ để triển khai hoạt động Organic marketing của doanh nghiệp.
Về cơ bản, mạng xã hội là nơi giúp gia tăng mức độ tương tác và nhận diện thương hiệu thông qua việc khuyến khích trò chuyện, xây dựng cộng đồng, thúc đẩy chia sẻ và truyền miệng. Nhưng trong Organic marketing, thì mục tiêu chính của công cụ này là thu hút lưu lượng truy cập đến website. Vì vậy, doanh nghiệp cần làm rõ mục tiêu hướng đến để lựa chọn được các hoạt động triển khai phù hợp.
Một trong những cách không tốn phí, để đưa nội dung của doanh nghiệp đến với đối tượng mục tiêu trên mạng xã hội hiệu quả nhất, là sử dụng thẻ hashtag. Giống như keyword, hashtag đòi hỏi các nhà tiếp thị cần nghiên cứu và đo lường để sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, hashtag chỉ hỗ trợ thương hiệu tiếp cận khách hàng. Để thu hút lưu lượng truy cập đến website doanh nghiệp cần kết hợp với các nội dung hữu ích như sách điện tử hay hội thảo trên website.
Các cuộc thi và quà tặng cũng là một cách để tăng lưu lượng truy cập vào website. Tuy nhiên, thay vì chỉ thưởng cho những người đã theo dõi doanh nghiệp, hãy khuyến khích họ giới thiệu đến người khác như chia sẻ hay tag tên để có thể tiếp cận với nhiều khán giả mới hơn cũng như thu thập thêm thông tin về khán giả cũ.
Aim Academy là một ví dụ điển hình cho chiến dịch Organic marketing từ công cụ truyền thông xã hội. Mỗi bài viết trên Fanpage của Aim Academy đều sẽ đính kèm link để người dùng tìm đọc nhiều nội dung hơn tại website. Nhờ lưu lượng truy cập lớn từ Fanpage, website của Aim Academy cũng được google đánh giá tốt hơn và cải thiện thứ hạng tìm kiếm.
6.3 Email marketing
Thông thường, tiếp thị qua email được sử dụng trong giai đoạn nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng để chuyển đổi thành khách hàng thất sự. Các nhà tiếp thị sẽ cung cấp các thông tin hữu ích như ebook, template mẫu, khóa học video,… nhằm khuyến khích khách hàng để lại địa chỉ email. Sau đó thực hiện các hoạt động nuôi dưỡng tệp khách hàng tiềm năng này thông qua việc cung cấp các bản tin cập nhật, khuyến mãi và thông báo về sản phẩm và các chương trình của công ty.
Chẳng hạn, The Present Writer – một blog về giáo dục, cuộc sống của tác giả Chi Nguyễn – cung cấp khóa học làm blog miễn phí cho khán giả của mình qua email. Chỉ cần để lại email đăng ký nhận khóa học, người dùng sẽ liên tục nhận được 7 bài học trong 7 ngày liên tiếp.
Ngoài thông tin khóa học, email còn đính kèm các liên kết có nội dung liên quan để dẫn người dùng truy cập vào website. Sau khi kết thúc khóa học, The Present Writer cũng thường xuyên kết nối với khán giả thông qua các nhắc nhở về khóa học blog hay các bản tin về cộng đồng blogger. Nhờ đó, tác giả Chi Nguyễn không chỉ xây dựng được một cộng đồng những người làm blog mà còn thu hút được lượng khán giả lâu dài cho website và kênh youtube của mình.
Ngoài cung cấp các tài liệu hữu ích, doanh nghiệp cũng có thể tạo các landing page, nơi thể hiện các đánh giá tích cực về bản tin email của doanh nghiệp để thúc đẩy người dùng chuyển đổi thành người đăng ký.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi một chiến dịch tiếp thị email hiệu quả giúp tăng kết nối với khách hàng và lưu lượng truy cập về website. Hơn nữa, nó còn có thể gia tăng tỷ lệ mua hàng trực tiếp qua thương mại điện tử bằng cách cung cấp các ưu đãi và khuyến mại để thúc đẩy sự tham gia của khách hàng.
6.4 Sự kiện, hội thảo trực tuyến
Các sự kiện, hội thảo trực tuyến đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn hẳn các công cụ khác, nhưng đây lại là công cụ thu hút được nhiều sự quan tâm của khán giả bởi nội dung chuyên sâu mà nó cung cấp. Đồng thời, lượng khán giả từ hội thảo trực tuyến là nhóm khách hàng tiềm năng chất lượng, có tỷ lệ chuyển đổi cao mà doanh nghiệp cần ưu tiên và nuôi dưỡng.
Doanh nghiệp có thể quảng bá các sự kiện này trên các phương tiện truyền thông khác như mạng xã hội, email,… sau đó cung cấp đường link tham dự đến website để thu hút lượng truy cập. Doanh nghiệp có thể nguồn lực để xây dựng một chuỗi sự kiện với nhiều diễn giả để duy trì mức độ quan tâm của khách hàng tới thương hiệu.
Và quan trọng nhất, nội dung của các sự kiện này phải được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp, đảm bảo giải quyết được các vấn đề thực sự cho khán giả. Nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của thương hiệu.
Sự kiện trực tuyến mang lại cảm giác cá nhân và độc quyền hơn các loại nội dung khác vì nó tạo cơ hội cho khán giả tương tác với doanh nghiệp trong thời gian thực, hình thành kết nối cảm xúc thực sự. Khán giả có thể được giải đáp các thắc mắc ngay lập tức nên doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát mức độ hài lòng của họ hơn.
Tuy nhiên, do chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định, nên sự kiện trực tuyến thường thu hút được ít lưu lượng truy cập hơn so với các công cụ khác. Nhưng chất lượng của lưu lượng truy cập lại rất cao, do đây đều là những người đang tìm hiểu hay tìm kiếm một giải pháp nào đó liên quan đến chủ đề của hội thảo.
MISA AMIS thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo trực tuyến nhằm cung cấp cho khách hàng những kiến thức hữu ích trong kinh doanh. Diễn giả tại các sự kiện này đều là những giám đốc, giáo sư hoặc chuyên gia trong ngành. Với những chủ đề bổ ích được tổ chức hoàn toàn miễn phí, mỗi sự kiện đều thu hút hàng trăm người dùng tham gia trên khắp cả nước.
6.5 Podcast
Podcast là một hình thức tiếp thị organic rất phát triển trong những năm gần đây khi mà tiếp thị qua âm thanh ngày càng chứng minh được tính hiệu quả của mình. Ngoài việc tự sản xuất podcast, doanh nghiệp có thể mời những khách hàng tiềm năng tham gia trong podcast của mình.
Phương pháp này không chỉ giúp thương hiệu kết nối trực tiếp và tạo mối quan hệ bền vững với khách hàng mục tiêu, mà còn tạo được lòng tin với những khán giả khác khi có sự tham gia, chia sẻ từ một người trong ngành về những vấn đề cấp thiết hiện tại. Doanh nghiệp cũng có thể mở rộng lượng khán giả tiếp cận khi những người được phỏng vấn chia sẻ podcast lên các kênh truyền thông của họ.
Ngoài ra, nội dung podcast chất lượng có thể sử dụng lại để đăng tải trên các nền tảng xã hội, blog hay tạo các quà tặng thông tin hữu ích cho khách hàng. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được nhiều nguồn lực và nỗ lực khi triển khai các hoạt động Organic marketing.
6.6 Digital PR
PR kỹ thuật số là các hoạt động quảng bá thương hiệu của công ty nói chung và xây dựng hình ảnh cá nhân cho các nhà lãnh đạo của công ty nói riêng trên các trang web hay nền tảng khác.
Một số hình thức PR kỹ thuật số phổ biến bao gồm làm khách mời trên podcast, phát biểu tại một sự kiện trực tuyến, xuất bản bài đăng của khách trên một website có liên quan trong lĩnh vực kinh doanh hoặc được giới thiệu trên các báo, tạp chí điện tử.
Về cơ bản, công cụ digital PR là những hoạt động hỗ trợ chiến lược Organic marketing của các công ty khác, nhưng đồng thời doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận với đối tượng khán giả của các công ty mà mình cộng tác, từ đó mở rộng tệp khách hàng tiềm năng của mình.
Ví dụ, anh Đinh Hiếu Nghĩa, Media Director tại Chin Media thường có những bài viết chia sẻ quan điểm về marketing và truyền thông tại Brands Vietnam – tạp chí marketing hàng đầu Việt Nam. Việc có những chia sẻ chuyên môn, thể hiện am hiểu sâu sắc trong lĩnh vực đã giúp những bài viết của anh trên tạp chí này nhận được nhiều sự quan tâm, từ đó kết nối thương hiệu cá nhân và cả Chin Media đến với khách hàng.
6.7 Tiếp thị liên kết
Tiếp thị liên kết hay affiliate marketing là một trong những công cụ hữu hiệu nhất của chiến lược Organic marketing. Các chương trình liên kết giống như các chiến dịch influencer marketing, nhưng doanh nghiệp không cần phải trả trước bất kỳ khoản nào để thu hút người quảng bá cho thương hiệu. Thay vào đó, những người tham gia chương trình liên kết sẽ kiếm được hoa hồng cho mỗi lần bán được sản phẩm của doanh nghiệp.
Hay nói một cách dễ hiểu, tiếp thị liên kết là tiếp thị truyền miệng, nhưng trên không gian kỹ thuật số. Đơn vị liên kết chỉ cần quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp một cách tự nhiên, sau đó kiếm được một phần lợi nhuận từ mỗi lần bán hàng mà họ thực hiện. Bên cạnh đó, affiliate marketing cũng cho phép doanh nghiệp dễ dàng theo dõi và đo lường được hiệu quả của chiến dịch thông qua lượng click vào đường liên kết.
Tiếp thị liên kết không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng lưu lượng truy cập và doanh số bán hàng một cách trực tiếp và nhanh chóng mà còn nâng cao cơ hội kết nối với những khách hàng mới từ đa dạng nguồn tiếp thị khác nhau.
7. 3 chiến thuật chủ chốt giúp xây dựng chiến lược Organic marketing thành công
7.1 Từ khóa đuôi dài (Long tail keywords)
Như đã nói, SEO là công cụ hiệu quả nhất của Organic marketing. Trong khi đó, keyword lại là mấu chốt quan trọng trong bất kỳ chiến dịch SEO nào của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần ưu tiên SEO khi lên content plan và xây dựng bài viết để thúc đẩy lưu lượng truy cập tự nhiên.
Một thực tế khi nghiên cứu từ khóa làm SEO là các từ ngắn thường có số lượng truy cập cao, nhưng các từ khóa đuôi dài lại mang lại hiệu quả SEO cao hơn. Từ khóa đuôi dài là cụm từ khóa dài hơn và cụ thể hơn. Theo một báo cáo của Backlinko, từ khóa đuôi dài chỉ chiếm 3,3% tổng khối lượng tìm kiếm nhưng lại có tới 91,8% tất cả các truy vấn tìm kiếm là từ khóa đuôi dài.
Chính vì vậy, từ khóa đuôi dài dễ được xếp hạng cao và có tỷ lệ nhấp chuột cao hơn so với các thuật ngữ ngắn và chung chung. Vì vậy, đối với một website chưa có nhiều lưu lượng truy cập và backlink, thì sử dụng các từ khóa đuôi dài là thủ thuật tuyệt vời giúp doanh nghiệp dễ dàng đạt được những thành công trong SEO hơn.
Bên cạnh từ khóa đuôi dài, hãy nhớ tối ưu hóa nội dung theo một số tiêu chí sau để đảm bảo thu hút lượng truy cập hiệu quả:
- Tiêu đề trang phù hợp với mục đích tìm kiếm của khán giả
- Meta description thú vị, gây sự tò mò để thu hút người đọc
- Sử dụng hệ thống phân cấp các thẻ tiêu đề để chia nhỏ nội dung
- Tối ưu hóa URL ngắn và tập trung vào từ khóa.
Ngoài ra, nội dung mang tính giáo dục sẽ mang lại tính bền vững lâu dài hơn cho doanh nghiệp so với các bài báo kiểu tin tức. Bởi những nội dung này cung cấp User Generated Content là gìnhiều giá trị cho người đọc và có khả năng tái sử dụng trong tương lai. Có thể nói, từ khóa đuôi dài là một chiến thuật SEO quan trọng, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần kết hợp tối ưu hóa các kỹ thuật SEO khác để đạt hiệu quả tiếp thị tối đa.
7.2 Cộng tác với các chuyên gia trong ngành
Tại các công cụ Organic marketing như podcast, digital PR có nhắc đến tầm quan trọng của các chuyên gia trong việc cung cấp các thông tin hữu ích, chuyên sâu để gây dựng lòng tin với khách hàng và mở rộng phạm vi tiếp cận cho chiến dịch tiếp thị organic.
Không nhất thiết lượng theo dõi, truy cập của doanh nghiệp cao thì mới có thể phỏng vấn các chuyên gia. Họ vẫn có thể đồng ý tiếp nhận cộng tác nếu chủ đề doanh nghiệp đưa ra phù hợp với hình ảnh của họ. Vì vậy, doanh nghiệp hãy chủ động liên hệ, đưa ra các đề xuất cụ thể, tiếp nhận phản hồi của các chuyên gia và thực hiện các điều chỉnh nếu cần thiết. Các chuyên gia cũng sẽ là những người mang lại cho doanh nghiệp những nội dung chất lượng hơn từ góc nhìn và kinh nghiệm của họ, thay vì chỉ nghiên cứu các bài viết khác.
Nếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các chuyên gia thì đây sẽ là một số gợi ý hữu ích:
- Nhân viên công ty: Các nhân viên cũng có thể coi là các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, bởi họ là những người tương tác với khách hàng hàng ngày, hiểu rõ về cả ngành nghề và khách hàng.
- Khách hàng: Phỏng vấn trực tiếp khách hàng để lấy ý kiến của họ về nội dung của doanh nghiệp là các hiệu quả nhất để đánh giá chất lượng nội dung hiện tại. Để triển khai phỏng vấn khách hàng, doanh nghiệp có thể đưa ra một ưu đãi, giảm giá để khuyến khích họ tham gia.
- Ngoài việc mời chuyên gia tham gia hội thảo, podcast của mình, doanh nghiệp cũng có thể theo dõi các podcast, video của các chuyên gia để đút kết các lời khuyên và cập nhật các xu hướng. Từ đó, có thêm các tư liệu để xây dựng nội dung hữu ích cho website của mình.
7.3 Nâng cấp nội dung
Việc chú trọng đầu tư vào nội dung là hoạt động không thể thiếu khi doanh nghiệp triển khai chiến lược Organic marketing. Phương pháp đơn giản nhất để nâng cấp nội dung là thử nghiệm với các định dạng mới để xem định dạng nào mang lại lượng tương tác hiệu quả nhất. Mỗi nền tảng và đặc trưng khán giả của mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau.
Vì vậy, doanh nghiệp cần thử từ 3 đến 6 định dạng nội dung cho mỗi kênh.
Một số định dạng doanh nghiệp có thể triển khai như:
- Văn bản viết: dạng văn bản viết phổ biến cho các nền tảng như Facebook, Twitter, LinkedIn và tất nhiên là các bài đăng trên blog website.
- Video: Video có thể giúp thương hiệu nổi bật trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, Instagram, Youtube và Tiktok. Chúng cũng có thể giúp nội dung blog của doanh nghiệp xếp hạng cao hơn và có thời gian dừng xem trang web lâu hơn.
- Hình ảnh: Hình ảnh rất cần thiết để làm nổi bật nội dung blog và để thu hút nhiều sự chú ý hơn trên các nền tảng chủ yếu là văn bản như LinkedIn và Twitter.
- Âm thanh: Nội dung âm thanh rất phù hợp để thu hút khán giả khi họ đang lái xe hoặc đi bộ. Podcast và đoạn trích podcast mang lại sự thuận tiện và kết nối sâu sắc hơn với khán giả so với bài viết thông thường.
- Infographic: Dạng nội dung này có xu hướng nhận được rất nhiều lượt tương tác và cũng là một cách tuyệt vời để thương hiệu nổi bật giữa các bài đăng tiêu chuẩn, chỉ có văn bản.
Ngoài triển khai các hình thức khác nhau, doanh nghiệp có thể nâng cấp nội dung bằng cách bổ sung thêm các tiện ích cho một nội dung. Chẳng hạn, khi tạo video, hãy cân nhắc đính kèm các nội dung có liên quan như các nghiên cứu điển hình, đồ họa thông tin, checklist, hội thảo trên web hay các template mẫu về chủ đề đó.
8. Chiến lược Organic marketing “đưa Việt Nam vươn ra thế giới” của Vietcetera
Vietcetera là một công ty công nghệ truyền thông, bắt đầu bằng một trang blog trực tuyến về phong cách sống vào năm 2016. Vietcetera có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và trở thành một trong những nền tảng hàng đầu Việt Nam cung cấp nội dung song ngữ.
Vietcetera chủ yếu cung cấp các podcast, video và tin tức song ngữ Anh-Việt trên phạm vi toàn cầu, thông qua website của công ty. Nội dung trên Vietcetera không chỉ dừng lại ở việc tường thuật, chia sẻ lại những câu chuyện hấp dẫn trong cuộc sống, mà còn cả những thông tin mang tính cấp thiết trong xã hội.
Chẳng hạn, vào giai đoạn dịch Covid, nhiều thông kê cho thấy người trẻ có nhu cầu tìm hiểu về tài chính cá nhân cao hơn bao giờ hết. Nhận thấy được tiềm năng đó, Vietcetera đã triển khai khai thác những nội dung về mảng tài chính nhằm phù hợp với thị hiếu người dùng. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, Vietcetera lại chuyển hướng sang các nội dung về du lịch, khám phá.
Vietcetera cũng triển khai đa dạng các hình thức nội dung để tránh gây nhàm chán cho khán giả mục tiêu (giới trẻ). Công ty đặc biệt đầu tư vào công cụ podcast và đã xây dựng được nhiều kênh podcast được đông đảo giới trẻ yêu thích. Mỗi chủ đề Vietcetera lựa chọn đều được khai thác có chiều sâu, đa chiều, thể hiện được chất lượng và chuyên môn cao nhờ kết hợp trò chuyện với các chuyên gia. Mỗi chuyên mục đều đi sâu vào truyền tải cảm hứng hoặc xử lý nhu cầu cụ thể của khán giả.
Ví dụ, podcast Cởi Mở là những cuộc trò chuyện vô cùng đời thường về những chủ đề mà mọi người luôn “tránh né” như tình dục, giới tính, sức khỏe sinh sản,… được dẫn dắt bởi Host Trang Nguyễn và Kỳ Nam. Podcast này đã bình thường hóa các vấn đề nhạy cảm nhưng lại là những kiến thức rất cần thiết trong cuộc sống thông qua những chia sẻ thú vị từ những khách mời chất lượng như Tiến sĩ tâm lý học Khuất Thu Hồng, Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, Siêu mẫu Minh Tú, Tùng BT,… Những thông tin sâu sắc và cách chia sẻ tế nhị đã giúp Cởi Mở trở thành một trong những podcast được mong chờ nhất mỗi tối thứ bảy.
Ngoài ra, Vietcetera cũng có nhiều kênh podcast nổi bật khác như Ổn App (chuyên mục review app), Vietnam Innovators (trang thông tin dành riêng cho những ai quan tâm đến kinh doanh), Tóm Lại Là (tin vắn, tóm tắt thông tin quan trọng), Bổ Não (các thông tin sâu sắc, mang tính chuyên môn cao)
Để đảm bảo trải nghiệm người dùng, Vietcetera còn đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đám mây điện toán AWS để có thể đáp ứng lượng người dùng truy cập website đang tăng mạnh. Nhờ áp dụng công nghệ thông tin, công ty có thể rút ngắn thời gian tạo landing page xuống một nửa và tăng 50% số lượng podcast hàng quý, cung cấp trải nghiệm nội dung xuyên suốt cho hơn 1,6 triệu thính giả.
Website của Vietcetera cũng tự động đề xuất các bài báo phù hợp với sở thích và hành vi truy cập trước đó của người dùng. Thuật toán cá nhân hoá này giúp trải nghiệm khách hàng trở nên thuận tiện hơn, nhờ đó tăng lượng người dùng truy cập website. Việc luôn tìm hiểu, cập nhật thói quen của khán giả để có thể cung cấp nội dung phù hợp đã giúp Vietcetera trở thành kênh truyền thông hàng đầu Việt Nam và góp phần mang hình ảnh đất nước vươn ra thế giới.
Kết luận
Organic marketing là cách trực tiếp để thu hút và xây dựng cơ sở khách hàng trung thành. Bởi nó giúp doanh nghiệp xây dựng nhận thức và củng cố hình ảnh thương hiệu của mình, cho phép chuyển đổi nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Qua bài viết, bạn đã có thể nắm rõ tất cả những khía cạnh về Organic marketing. Vì vậy, hãy sử dụng chiến lược này một cách khéo léo để biến nó thành sức mạnh cốt lõi của doanh nghiệp mình.
Tác giả: Nguyễn Thị Phương Thanh