Chiến dịch truyền thông Tết 2023: Insight & Big Idea bùng nổ?

23/12/2022
843

Tết là cơ hội để các thương hiệu Việt đẩy mạnh chiến dịch truyền thông. Bởi đây là thời điểm người tiêu dùng quan tâm và có nhu cầu mua sắm cao nhất. Tết chính là cơ hội để các thương hiệu Việt đẩy mạnh truyền thông nhằm chiếm giữ thị phần thảo luận (share of voice) và gia tăng doanh số. 

Vậy làm sao để thương hiệu tìm kiếm các big idea và phát triển thành chiến dịch truyền thông Tết mà không bị lãng phí ngân sách? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

I. Điểm lại các chiến dịch truyền thông Tết nổi bật 2022 

1. Xu hướng tiêu dùng Tết 2022

Tết cổ truyền 2022 ghi nhận 2 sự thay đổi lớn trong xu hướng tiêu dùng của người dân, đó là sắm Tết cơ bản và mua hàng online. Điều này thể hiện rõ ở việc mọi người chỉ mua những đồ thiết yếu như: bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, rau xanh và quà biếu trong dịp Tết 2022. Ngoài ra, người tiêu dùng có xu hướng mua chung với người thân, bạn bè để có thể nhận được mức giá tốt hơn.

Cùng với đó, VTV ghi nhận hầu hết các siêu thị có lượng khách hàng đến mua trực tiếp giảm đi, trong khi số lượng khách mua online có thể tăng đến 300%. Nghiên cứu của Nielsen cũng chỉ ra rằng có đến 30% người tiêu dùng lần đầu tiên mua sắm trực tuyến, và những người từng mua online lại tiếp tục mua nhiều hơn.

2. Insight platform nổi bật nhất trong mùa Tết 2022

Trong mùa Tết 2022, hai insight được các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất trong chiến dịch truyền thông Tết là:

  • Homing – Tết là về nhà, là sum vầy cùng gia đình
  • New Beginning – Tết là vui, an lành và tràn đầy hy vọng vào tương lai.

Insight platform 1: “Bình cũ rượu mới” – Tết đoàn viên theo cách riêng

Tết 2022 là mùa của “Homecoming” – trở về nhà. Đây là thông điệp “cũ” nhưng luôn được các thương hiệu tích cực khai thác, triển khai và biến tấu dưới những góc nhìn mới.

Samsung với MV “Cảm ơn nhà”

Một chiến dịch đầy ý nghĩa và nổi bật có thể kể đến của thương hiệu Samsung với MV ca nhạc “Cảm ơn nhà”, với sự góp mặt của ca sĩ Hoàng Dũng và Suni Hạ Linh. Thông qua MV, nhãn hàng đã truyền tải được thông điệp vô cùng ý nghĩa là hãy luôn trân trọng mái ấm của mình, bởi đây chính là nơi luôn bên cạnh bạn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

Xuyên suốt MV, người xem thường xuyên bắt gặp những hình ảnh thân thuộc như cha mẹ cùng nhau nấu ăn, tập thể dục, chăm sóc con cái, … Ngoài ra, đó còn là câu chuyện đôi vợ chồng trẻ bắt đầu chuyển sang nhà mới, từng bước dựng nên tổ ấm của riêng mình.

Khung cảnh trong MV được xây dựng từ những sản phẩm nổi bật của Samsung trong năm 2021 như TV Neo QLED, The Serif, The Frame, The Premiere. Sự xuất hiện của những chiếc TV này như khẳng định dù thời đại có thay đổi thì những giá trị tình thân vẫn sẽ luôn được in dấu theo thời gian cùng chiếc TV.

Hình ảnh đại gia đình quây quần bên chiếc TV trong MV “Cảm ơn nhà”
Hình ảnh đại gia đình quây quần bên chiếc TV trong MV “Cảm ơn nhà”

Phim ngắn “Về” của Biti’s

Ngoài ra, phim ngắn “Về” của Biti’s Hunter cũng ghi dấu ấn với nội dung hướng đến thế hệ trẻ hiện nay. Khác với những năm trước, trở về nhà trong mùa Tết 2021 là sự lựa chọn gian nan hơn bao giờ hết khi mọi người vừa trải qua một năm đại dịch bất định, với vô vàn khó khăn cản bước người con xa xứ trở về nhà.

Thấu hiểu điều đó, bộ phim “Về” dài gần 7 phút của Biti’s đã gửi thông điệp đến tất cả người con xa xứ để mưu sinh: Dù năm qua có thể có nhiều vất vả, có những lúc nặng lòng hay phải đi về tay trắng, nhưng bạn hãy cứ trở về khi vẫn còn một điểm tựa vững chãi. 

Bộ phim miêu tả một mùa Tết đặc biệt hơn so với mọi năm, song những chất liệu đặc trưng của quảng cáo Tết như: niềm hân hoan, hạnh phúc khi gia đình đoàn viên; những giá trị truyền thống của dân tộc,… vẫn được Biti’s lồng ghép trong những thước phim.

“Tết đủ là Tết vui” của Home Credit

Hay Home Credit với thông điệp ngắn gọn “Tết đủ là Tết vui” nhắn nhủ người xem rằng, chỉ cần gia đình đông đủ thành viên, cùng quây quần dịp năm mới đã là viên mãn và hạnh phúc. Ở chiến dịch này, Home Credit đã kết hợp với nhiều nghệ sĩ sáng tạo để tạo nên bộ quà Tết (bao gồm bao lì xì, sổ tay, bình nước, áo thun) và bộ ảnh chụp mô hình đất sét miêu tả lại Tết cổ truyền. 

Ngoài ra, “Tết vui là Tết đủ” diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn do dịch bệnh. Vì vậy, trong khuôn khổ chiến dịch, Home Credit đã đẩy mạnh thông điệp tích cực, chào xuân trong niềm an lành mới qua chương trình thiện nguyện “Home Love”. 

1000 phần quà đã được công ty trao đến các em nhỏ mồ côi và em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Home Credit cũng đã hỗ trợ 1 tỷ đồng cho quỹ vắc xin nước nhà, trao hàng chục nghìn suất ăn và các nhu yếu phẩm đến 10 bệnh viện dã chiến. 

Cùng với đó, Home Credit còn ra mắt MV Tết đủ là Tết vui có nghệ sĩ Minh Dự tham gia, sử dụng nền nhạc Tết quen thuộc để truyền tải trọn vẹn các khía cạnh của một cái “Tết đủ”: đủ tài chính để hoàn thành dự định sắp tới, đủ thời gian bên gia đình và đủ hy vọng cho một năm mới khởi sắc. MV đã thu hút hơn 5,3 triệu lượt xem và tiếp cận đến gần 4 triệu người trong suốt chiến dịch.

Insight Platform 2: Lạc quan, bình an và tràn đầy hy vọng

Trải qua một năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các thương hiệu đã sử dụng các thông điệp như “Tết khởi sắc”, “Tết lạc quan”, “Tết yêu đời”,… với insight “tạm gác lại những điều cũ để đón chào điều mới”. 

Theo đó, cảm xúc tích cực được các thương hiệu chú trọng trong nhiều chiến dịch truyền thông Tết 2022, với những thông điệp mang giá trị lan tỏa trong cuộc sống. Chẳng hạn như chiến dịch “Xuân mãnh hổ, năm bùng nổ” của hãng bia Tiger hay “Đón Tết yêu đời” của Larue. 

Mondelez Kinh Đô cũng triển khai chiến dịch mang tên “Tết hy vọng” với chương trình “Gian hàng hy vọng” hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh hay các shop hoạt động theo mô hình truyền thống và đang gặp khó khăn vừa qua tăng doanh số bán hàng mùa Tết. 

Mondelez Kinh Đô đã tạo một biểu mẫu trên Typeform cho các đơn vị đang kinh doanh bánh mứt, quà Tết, quần áo, giày dép, phụ kiện trang trí Tết… điền thông tin liên hệ cơ bản như: tên shop, một nội dung ngắn giới thiệu shop, link shop online… 

Tiếp đó, Mondelez Kinh Đô sẽ thực hiện những công việc còn lại từ hoàn thiện thông tin trên template cho đến quảng bá gian hàng cho shop. Thông qua chiến dịch này, Mondelez Kinh Đô muốn lan tỏa năng lượng tích cực, truyền cảm hứng luôn lạc quan, hướng về tương lai phía trước đến hàng triệu người Việt đón Tết, để khởi đầu một năm 2022 đầy hy vọng.

Những suy nghĩ, cảm xúc của người dân sau một năm đầy biến động đã được các thương hiệu truyền tải khéo léo trong mỗi chiến dịch. Thông qua đó, các thương hiệu tạo ra những nội dung mang thông điệp tích cực, xoa dịu những nỗi đau, mất mát của năm cũ và tạo niềm tin, tạo niềm tin và  hy vọng về một năm mới tươi sáng hơn.

Chiến dịch "Gian hàng hy vọng" của Kinh Đô đã mang Tết về cho rất nhiều tiểu thương (Nguồn: Dân trí)
Chiến dịch “Gian hàng hy vọng” của Kinh Đô đã mang Tết về cho rất nhiều tiểu thương (Nguồn: Dân trí)

>> Xem thêm: 7 công cụ truyền thông Marketing tích hợp mọi doanh nghiệp nên áp dụng

II. Xu hướng trải nghiệm và tiêu dùng mùa Tết 2023 có gì thay đổi?

1. Kỳ vọng trải nghiệm một mùa Tết bình thường hiện tại (New normal)

Theo báo điện tử Cafebiz.vn, sau hơn 2 năm trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Tết Quý Mão 2023 được kỳ vọng sẽ là một mùa Tết vui tươi, an lành và ý nghĩa hơn. Điều này thể hiện rõ nét ở thái độ tích cực của người Việt đối với dịp lễ hội lớn nhất trong năm này. 

Một khảo sát của Tiktok cũng cho thấy 73% người tham gia khảo sát mong muốn một mùa Tết bình thường trở lại như thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Trong đó 83% người tham gia mong chờ được sum họp cùng gia đình vào dịp Tết này. 

VTC News cũng cho biết, số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính đến tháng 11/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu cho dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong đó sức mua tại các hệ thống siêu thị khu vực Hà Nội, TP.HCM đã tăng lên 25% – 30% so với ngày thường. Đây là mức tăng trưởng rất lớn so với năm ngoái, cho thấy nhu cầu về hàng hóa gia tăng, hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người Việt gần như phục hồi hoàn toàn.

2. Có kế hoạch mua sắm sớm và chi tiêu phù hợp cho Tết

Không chỉ là đoàn tụ, Tết 2023 còn ghi nhận xu hướng mới trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong thời kỳ “bình thường hiện tại” – New normal. Đó là xu hướng lên kế hoạch mua sắm sớm và chi tiêu phù hợp cho mùa Tết 2023. 

Khảo sát trên Tiktok từ Cafebiz.vn cho thấy có hơn 3 trên 5 người tham gia cho biết họ sẽ mua sắm ít nhất 4 tuần trước Tết – sớm hơn 2 tuần so với thời điểm sắm Tết 2 năm qua. Đồng thời, người tiêu dùng cũng mong muốn chuẩn bị một cái Tết đầy đủ và tươm tất hơn, khi khảo sát từ Tiktok chỉ ra rằng có hơn 70% người tham gia sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho mùa Tết 2023.

Xu hướng trải nghiệm & tiêu dùng mùa Tết 2023
Xu hướng trải nghiệm & tiêu dùng mùa Tết 2023

3. Sản phẩm thân thiện với sức khỏe là điểm nhấn

Báo cáo từ các công ty nghiên cứu thị trường cho biết người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi tiêu cho những sản phẩm an toàn, được đánh giá “tốt nhất” về mặt chất lượng và dinh dưỡng để sử dụng hay làm quà biếu tặng. 

Nắm bắt được xu hướng này, một số thương hiệu chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng đã chủ động tăng sản lượng lên tới 40-50% trong tháng Tết 2023. Các doanh nghiệp bán lẻ như hệ thống MM Mega Marketing, Lotte Mart, Co.opmart tập trung nhập hàng dinh dưỡng như rau hữu cơ, rau an toàn, bánh dinh dưỡng, nước uống dinh dưỡng,… cả trong nước lẫn nhập khẩu. 

4. Cởi mở hơn mua sắm trực tuyến trên đa nền tảng: sàn TMĐT, Tiktok, Facebook

Trong bối cảnh người tiêu dùng đang rục rịch chuẩn bị cho Tết, TikTok dự đoán Shoppertainment (hình thức mua sắm kết hợp giải trí) vẫn sẽ là xu hướng nổi bật của Tết 2023. 

Theo đó, người tiêu dùng có mong muốn trải nghiệm mua sắm kết hợp giải trí để giải tỏa căng thẳng và tìm kiếm những điều tích cực sau hơn 2 năm dịch bệnh. Chính vì vậy, thời điểm Tết 2023 sẽ là dịp để các thương hiệu nâng cao trải nghiệm mua sắm và sự yêu thích của người tiêu dùng nhờ lan tỏa những giá trị tích cực, lạc quan. 

Nghiên cứu của Nielsen cũng chỉ ra rằng 83% người dùng thích xem quảng cáo dạng video hơn ảnh GIF hay văn bản, và 70% người dùng không bỏ qua các nội dung quảng cáo nếu chúng mang tính giải trí cao. Bởi vậy đây sẽ là cơ hội vàng để các marketer khai thác nội dung trên các kênh mạng xã hội chuyên về video, clip như Tiktok và Youtube.

Mặt khác, người tiêu dùng Việt đang dần có xu hướng chuyển sang mua sắm Tết trên sàn thương mại điện tử. Tạp chí Doanh nghiệp hội nhập, trong sự kiện Siêu sale 12/12 năm 2022 của Shopee, người dùng đã mua sắm và tiết kiệm tới 130 tỷ đồng thông qua các chương trình khuyến mãi từ các gian hàng trên sàn. 

Đồng thời số lượng người dùng mới đã tăng gấp 3 lần trên phạm vi cả nước, lượng người dùng mới liên kết ví điện tử Shopee Pay tăng gấp 2 lần so với ngày thường. Điều này đã cho thấy sự phổ biến và quen thuộc của phương thức thanh toán không tiền mặt của người dân. 

Ghi nhận chung, các mặt hàng mua sắm trong đợt 12/12 đều tập trung vào sắm sửa cho Tết như dụng cụ nhà bếp, quần áo thời trang,…; trong khi các mặt hàng xa xỉ có xu hướng giảm nhẹ. 

Nguồn Báo Thanh niên cũng cho biết Lazada vừa ghi nhận các xu hướng mua sắm nổi bật của người tiêu dùng vào dịp cuối năm 2022, thông qua sự kiện Lễ hội mua sắm ngày 12.12 mang tên “Tiệc sale bung xõa”. Lazada ghi nhận số lượng người dùng mua sản phẩm làm đẹp tăng gấp 8 lần ngày thường. 

Ngoài ra, người dùng Lazada cũng tập trung mua sắm các mặt hàng thời trang, các sản phẩm bách hóa (nổi bật là bia, thực phẩm tươi sống), dụng cụ nhà bếp, sản phẩm trang trí, lau dọn nhà cửa…

>> Xem thêm: Những điều cần biết và các ví dụ về hành vi mua của người tiêu dùng

III. Làm sao để đọc vị Insight khách hàng và bùng nổ Big Idea cho chiến dịch truyền thông Tết 2023?

Đọc vị Insight khách hàng và bùng nổ Big Idea cho chiến dịch truyền thông Tết
Đọc vị Insight khách hàng và bùng nổ Big Idea cho chiến dịch truyền thông Tết

1. Xác định KPI cho chiến dịch truyền thông Tết

Theo Younet Media – doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu mạng xã hội, cho biết, tùy vào từng mục tiêu chiến dịch Tết và thông điệp truyền thông mà các marketer sẽ ưu tiên cho các KPI: tạo ra sức hút truyền thông, mức độ lan tỏa thảo luận hay tăng sự yêu thích thương hiệu sau mỗi chiến dịch. 

Xác định KPI cho chiến dịch truyền thông
Xác định KPI cho chiến dịch truyền thông

Nói cách khác, Younet Media cho rằng 3 nhóm chiến dịch với các mục tiêu khác nhau dưới đây sẽ có những chỉ số KPI khác nhau: 

Nhóm 1: Booming Campaign – Nhóm “bùng nổ” nhất mạng xã hội

Là nhóm chiến dịch có lượng thảo luận lớn và tạo được tiếng vang trên mạng xã hội. Những chiến dịch truyền thông Tết không chỉ tiếp cận đến một lượng công chúng khổng lồ mà còn bảo đảm người xem có những hành động hưởng ứng tích cực về chiến dịch, họ nhận diện được thương hiệu và ghi nhớ thông điệp chiến dịch. 

Younet Media chỉ ra rằng, các chỉ số KPI và yêu cầu cụ thể cho chiến dịch Booming Campaign này sẽ là:

  • Tổng lượng thảo luận phải đạt trên 150,000 (buzz volume) 
  • Độ phủ chiến dịch: đạt trên 50,000 người dùng (audience scale)
  • Hệ số yêu thích chiến dịch từ 0.8 trở lên (sentiment score)
  • Các thảo luận liên quan tới thương hiệu và chiến dịch: từ 30% trở lên (object mention)

Cái tên sáng giá nhất của mùa Tết 2022 có thể kể đến là chiến dịch truyền thông Tết với thông điệp “Xuân mãnh hổ, Năm bùng nổ” của Tiger Beer. Đây là một chiến dịch bùng nổ điển hình khi đã ghi nhận hơn 630,000 thảo luận (buzz volume) với tỷ lệ thảo luận nhắc đến thương hiệu chiếm hơn 80% (object mention).

Nhóm 2: Viral Campaign – Nhóm lan tỏa trên mạng xã hội

Nhóm chiến dịch này không có độ phủ “khổng lồ” như Booming Campaign, song lại có số lượng thảo luận vô cùng sôi nổi và độ lan tỏa lớn trên mạng xã hội. Younet Media cho biết các chỉ số KPI đo “chất lượng” chiến dịch Viral Campaign cần yêu cầu cao hơn, bao gồm:

  • Tổng lượng thảo luận phải đạt hơn 40,000 (buzz volume) 
  • Hệ số yêu thích chiến dịch từ 0.9 trở lên (sentiment score)
  • Các thảo luận liên quan tới thương hiệu và chiến dịch: từ 60% trở lên (object mention).

G-Kitchen ghi dấu ấn với chiến dịch truyền thông Tết “Bớt mà chẳng vơi, sẻ chia thêm tuyệt vời!”. Điểm tổng hòa giữa độ yêu thích từ chiến dịch, độ nhận diện thương hiệu và thảo luận sôi nổi giúp thương hiệu này xuất hiện trong top 10 chiến dịch truyền thông Tết thành công nhất trong năm 2021. 

G-Kitchen xác định insight platform là “Tết là sẻ chia” và triển khai chương trình ý nghĩa “Chia sẻ 100.000 bữa ăn trọn vẹn” qua hình thức viral clip với mục tiêu 100.000 bữa ăn hạnh phúc gửi đến những hoàn cảnh khó khăn dịp Tết.

>> Xem thêm: Nghệ thuật sáng tạo viral content – các marketer đã biết?

Nhóm 3: Beloved Campaign – Nhóm được yêu thích trên mạng xã hội

Những beloved campaign không có lượng thảo luận lớn, tuy nhiên chúng lại nhận được phản hồi yêu thích rất cao. Đặc điểm KPI của nhóm chiến chiến dịch như sau:

  • Tổng lượng thảo luận phải đạt hơn 20,000 (buzz volume) 
  • Hệ số yêu thích chiến dịch từ 0.99 trở lên (sentiment score)
  • Các thảo luận liên quan tới thương hiệu và chiến dịch: từ 50% trở lên (object mention)

Chiến dịch “Tết đủ là Tết vui” của Home Credit vào Tết 2022 ghi nhận gần 200,000 thảo luận, hệ số yêu thích đạt 1.0 và mức độ nhận diện chiến dịch đạt 52% là ví dụ thành công điển hình cho nhóm Beloved Campaign này.

Trong năm 2021, Ensure Gold cũng thực hiện chiến dịch beloved mang tên “Trao sức khỏe vàng, Tết càng gắn kết” với thông điệp “Ensure Gold tin rằng chính cha mẹ là người làm nên Tết”. Thương hiệu lan tỏa đến mọi người câu chuyện về cha mẹ. Họ là những chỗ dựa vững chãi của con, cũng là gia đình mà người con mong chờ được đoàn tụ mỗi  khi Tết đến. 

2. Lựa chọn Insight Platforms

Insight Platform được xem là nền tảng truyền thông chủ đạo giúp doanh nghiệp lựa chọn và dựa vào đó để phát triển các ý tưởng cùng thông điệp cho chiến dịch truyền thông Tết của mình. Như đã đề cập ở trên, bốn insight platform lớn và chủ đạo được nhãn hàng khai thác đó là: Homing (Về nhà), New Beginning (Sự khởi đầu mới), Celebration (Ăn mừng) và Appreciations (Biết ơn).

  • Homing: “Tết là về nhà, là sum họp gia đình”   
  • New Beginning: “Tết là vui” “Tết hãy bỏ qua chuyện cũ” 
  • Appreciations: “Tết là sẻ chia, là yêu thương” 
  • Celebration: “Tết là như ý”

Ví dụ: Trong mùa Tết 2021 hai platform được các nhãn hàng đưa vào chiến dịch chủ yếu là insight Homing và Appreciations; được các thương hiệu ưu tiên sử dụng nhiều là “Tết là về nhà, là sum họp gia đình” và “Tết là sẻ chia”. 

Một chiến dịch tiêu biểu của Homing 2021 có thể kể đến là MV “Đi về nhà” của Honda, có sự góp mặt của ca sĩ Đen và Justatee. Chiến dịch Appreciations nổi bật từ OMO, Lifebuoy, G-Kitchen, Pepsi, Coca–Cola & Maggi trong năm 2021 cũng tạo ra nhiều cuộc thảo luận và có sức lan tỏa lớn trên mạng xã hội.

Nhìn lại các chiến dịch truyền thông Tết thành công của những năm trước, chúng ta có thể nhận thấy dù có rất nhiều nhãn hàng sử dụng chung insight platform cho chiến dịch, song họ đều để lại dấu ấn trong tâm trí người xem thông qua câu chuyện riêng của mình và khai thác đúng nỗi bận tâm của người xem. 

Vì vậy, điều quan trọng hơn cả trong mỗi chiến dịch truyền thông Tết là mỗi nhãn hàng cần thấu hiểu đối tượng mục tiêu của mình, và biết cách biến tấu để kể chuyện mà không bị đi vào lối mòn của những thương hiệu khác, kể cả của chính mình. 

>> Xem thêm: [Hướng dẫn] 5 bước xác định customer insight hiệu quả nhất

3. Lựa chọn hình thức truyền thông chủ đạo

MV/Ca nhạc

Rất nhiều nhãn hàng lựa chọn MV/Ca nhạc cho các chiến dịch truyền thông Tết của mình. Thông thường, việc sử dụng âm nhạc để truyền thông thương hiệu có 2 cách, một là sáng tác bài hát mới hoàn toàn, hai là viết lại lời cho các bài hát đã quen thuộc. 

Hầu hết các nhãn hàng thường chuộng cách làm thứ 2 hơn bởi những bài hát này đã được ghi nhớ trong tâm trí của khách hàng. Trong năm 2022, nếu như Mirinda với MV “Tết Hà Há Ha”, Lay’s với sản phẩm “Tết là đây chứ đâu” nhận được lượng thảo luận sôi nổi về lời và giai điệu bắt tai, thì thông điệp ý nghĩa của hãng Bia Saigon trong bài hát “Tết đi lên cùng nhau” 2022 đã mang đến cảm xúc ý nghĩa cho người xem khi nhận được 2,900 lượt thảo luận tích cực.

Lựa chọn hình thức truyền thông chủ đạo
Lựa chọn hình thức truyền thông chủ đạo

Phim ngắn

Một hình thức truyền thông khác cũng đang được nhiều nhãn hàng lựa chọn đó là phim ngắn. Với mạch chuyện xuyên suốt, những bộ phim ngắn sẽ giúp thương hiệu thể hiện đầy đủ thông điệp chiến dịch của mình. 

Tuy nhiên, đối với phim ngắn truyền thông, các thương hiệu cần lưu ý phải đảm bảo cân bằng được hai yếu tố quan trọng: cốt truyện lôi cuốn, lấy được sự đồng cảm của khán giả, đồng thời vẫn truyền tải được thông điệp của nhãn hàng.

Với insight platform “Homing”, Lifebuoy đã lựa chọn sản xuất bộ phim ngắn dài 7 phút mang tên “Tàu Về Nhà” cho chiến dịch truyền thông Tết 2022. Bộ phim sử dụng giai điệu quen thuộc, với những thước phim tái hiện hành trình trở về thăm nhà sau 1 năm dịch bệnh của những nhân vật rất đỗi bình thường. 

Họ là những người chồng, người cha đi làm ăn xa, là những bác sĩ không ngại vất vả, gian khổ nơi tuyến đầu chống dịch. Xuyên suốt bộ phim, nhãn hàng Lifebuoy đã truyền đi thông điệp của mình, đó là mang “Phúc Sạch Khuẩn – Lộc Sum Vầy”. Thông điệp đơn giản, ý nghĩa nhấn mạnh rằng có sức khỏe mới là phúc, gia đình sum vầy thì lộc mới đầy nhà.

KOL/Influencer

Để chọn được KOL hay influencer phù hợp với thương hiệu của mình, các doanh nghiệp cần nghiên cứu và tìm kiếm cẩn thận. Bạn đừng chỉ chọn những người có lượng theo dõi nhiều. 

Thay vào đó, bạn hãy cân nhắc lượng người theo dõi đó có mối liên hệ gì đến thương hiệu hay không, mức độ tương tác như thế nào. Bạn có thể tìm hiểu và lựa chọn người ảnh hưởng dựa trên một số câu hỏi gợi ý dưới đây:

  • Người đó thường hay chia sẻ những nội dung về chủ đề gì?
  • Những người theo dõi có tích cực tương tác với họ không?
  • Biểu hiện trên mạng xã hội của họ phù hợp với phong cách hay tiếng nói của thương hiệu? Cò phù hợp với chiến dịch truyền thông Tết không?

Hiện nay, việc những nhãn hàng nổi tiếng hợp tác với người ảnh hưởng đã không còn quá xa lạ. Trong Tết cổ truyền 2022, Mirinda đã đồng hành cùng ca sĩ Trúc Nhân và Ninh Dương Lan Ngọc để ra mắt MV Tết mang tên” Tết Hà Há Ha”. 

Sức hút cá nhân của hai cái tên này đã góp phần bảo chứng cho sự thành công của MV nhãn hàng. Bài hát được đăng tải trên kênh Youtube của nữ diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc đã nhận về 30 triệu lượt xem chỉ sau 4 tuần, và đạt 46 triệu lượt xem tính đến thời điểm cuối năm 2022. 

Hay Generali Vietnam sản xuất bộ phim ngắn “Để ngày mai luôn tới” với sự góp mặt của diễn viên gạo cội Quốc Tuấn. Thông qua diễn xuất của diễn viên gạo cội Quốc Tuấn, “Để Ngày Mai Luôn Tới” đã thể hiện trọn vẹn cung bậc cảm xúc, cùng những suy tư đầy trăn trở của nhân vật chính.

Bộ phim đã thành công trở thành một chiếc cầu nối giúp nhãn hàng bảo hiểm đến từ Italy này truyền tải trọn vẹn thông điệp đến công chúng: “Hãy luôn hy vọng vào điều tươi sáng, luôn sẵn sàng đương đầu trước mọi thử thách, gian nan”.

>> Có thể bạn quan tâm: [Tổng hợp] Mẫu email chúc Tết khách hàng hay nhất

IV. Một số gợi ý điều chỉnh chiến dịch truyền thông Tết 2023

1. Chú ý cộng hưởng các fad topic: Tết, bóng đá và xăng dầu

Để thực hiện thành công chiến dịch truyền thông cho các thương hiệu trong mùa Tết 2023, doanh nghiệp cần chú ý đến sự cộng hưởng của các fad topic.

“Fad topic: những chủ đề nóng, nổ ra một cách bất ngờ, thu hút sự quan tâm của đa số người tham gia mạng xã hội và tạo ra lượng thảo luận lớn trong một khoảng thời gian ngắn.”

Nếu như Tết 2022 có sự cộng hưởng của 3 fad topic là Tết, Covid-19 và bóng đá thì trong năm 2023, các fad topics được dự đoán là Tết, bóng đá và xăng dầu.  

Dự đoán fad topic về bóng đá được đưa ra khi VTV đã chính thức công bố bản quyền phát sóng toàn bộ 64 trận đấu của World Cup 2022. Theo đó, sự kiện thể thao này sẽ diễn ra tại Qatar, bắt đầu từ ngày 20/11 đến 18/12 – gần như trùng với thời điểm “vàng” để triển khai chiến dịch truyền thông Tết dương và Tết cổ truyền của các nhãn hàng (bởi xu hướng mua sắm của người dân 2023 được dự đoán là 4 tuần trước Tết). 

Đây sẽ là một cơ hội tốt để các thương hiệu gia tăng mức độ thảo luận và dẫn dắt đến thương hiệu trong chiến dịch truyền thông Tết của mình. Bởi theo đo lường của Buzzmetrics, vào tháng 6/2021, mỗi trận đấu tiếp theo của đội tuyển Việt Nam tại World Cup đều thu hút nhiều thảo luận hơn trận đấu trước, đỉnh điểm là hơn 3 triệu thảo luận ngay khi kết thúc trận đấu với UAE. Vì vậy bóng đá trong Tết, dù đội tuyển thắng hay thua thì cũng sẽ tạo ra một tác động lớn. 

Fad topic về xăng dầu cũng được đưa vào dự đoán khi giá bán của mặt hàng này đã có những biến động mạnh trong năm 2022, và gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. 

Chủ đề về giá bán xăng dầu cũng đã tạo ra nhiều cuộc thảo luận lớn trên mạng xã hội. Tuy nhiên đây là một fad topic khá nhạy cảm, do đó doanh nghiệp nên cân nhắc và lựa chọn nội dung phù hợp để truyền thông. 

Một lưu ý quan trọng là các doanh nghiệp nên chú ý tới sự cộng hưởng của các fad topic, tránh đổ dồn sự chú ý vào một fad topic nổi bật duy nhất mà bỏ qua ảnh hưởng của những fad topic khác.

Ví dụ như Tết cổ truyền năm 2018, chủ đề bóng đá đã bẻ gãy đường xu hướng thảo luận trên mạng xã hội, khiến công chúng không còn quan tâm nhiều đến Tết mà đổ dồn chú ý vào bóng đá. 

Ghi nhận từ Buzzmetrics cho biết tổng lượng thảo luận liên quan đến U23 Việt Nam gấp 20 lần so với lượng thảo luận về Tết 2018. Không dừng ở đó, sự quan tâm về chủ đề Tết đã giảm khoảng 3 lần so với trước khi AFC U23 châu Á diễn ra.

Thành công của U23 Việt Nam đã ảnh hưởng đến toàn bộ các cuộc thảo luận trên mạng xã hội (Nguồn: Buzzmetrics)
Thành công của U23 Việt Nam đã ảnh hưởng đến toàn bộ các cuộc thảo luận trên mạng xã hội (Nguồn: Buzzmetrics)

Gần đây nhất, Google đã công bố World Cup 2022 là từ khóa đứng đầu xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất trong năm, dù thời gian giải đấu lớn nhất hành tinh này chỉ diễn ra trong gần 1 tháng (từ 22/11 đến 18/12).  

Top 10 tìm kiếm nổi bật của người Việt trên Google trong năm 2022 (Nguồn: Brandsvietnam)
Top 10 tìm kiếm nổi bật của người Việt trên Google trong năm 2022 (Nguồn: Brandsvietnam)

4.2. Tiếp cận mọi người ngay khi họ xem TV

Truyền hình ngày nay không còn là cách duy nhất mà người Việt sử dụng để giải trí, nhất là trong dịp Tết.. Ngày càng có nhiều gia đình sở hữu Smart TV có chức năng kết nối Internet khiến việc phát sóng Youtube trên TV trở nên phổ biến. Số liệu ghi nhận từ YouTube cũng cho thấy có hơn 25 triệu người Việt Nam đã phát trực tuyến YouTube trên Smart TV. 

Do đó, các thương hiệu có thể lên kế hoạch truyền thông để tiếp cận nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng trên kênh mạng xã hội này. Để chiếm được thị phần tiếng nói (share of voice) trên thị trường, cũng như xây dựng kết nối đặc biệt với mọi người, các thương hiệu có thể cân nhắc đến hình thức cộng tác với người sáng tạo nội dung trên Youtube. Sự hợp tác này sẽ giúp thương hiệu tạo ra nội dung mà mọi người thích thú và dễ dàng tiếp cận đến hàng triệu người xem mới.

4.3. Sử dụng các chiến dịch truyền thông trên Tiktok để thúc đẩy doanh số Tết 

Hiện TikTok đang là nền tảng video đáng cân nhắc và tập trung khai thác cho các marketer với mục tiêu tăng độ nhận diện thương hiệu và doanh số bán hàng. Số liệu từ khảo sát nói trên cho thấy người dùng Tik Tok sẵn sàng chi mạnh tay khi mua sắm Tết. 

Mặc dù 74% số người tham gia khảo sát trả lời thích sắm Tết ở cửa hàng, nhưng hoạt động sắm Tết online cũng không hề kém cạnh khi có tới 55% người lựa chọn. Lý do chính đến từ những ưu đãi và tiện lợi khi không phải xếp hàng chờ đợi. Vì vậy, các marketer cần phải nắm bắt đúng insight của khách hàng để đưa ra chiến dịch truyền thông phù hợp trên nền tảng này trong dịp Tết 2023.

V. Tổng kết

Chiến dịch truyền thông Tết 2023 sẽ không còn là sân chơi “độc quyền” của những ông lớn. Tất cả thương hiệu đều có thể tìm kiếm, thậm chí là sáng tạo đường đi cho riêng mình nếu biết cách chọn đúng thông điệp, đối tượng và thời điểm.

Bằng cách xác định đúng mục tiêu, khai thác những insight thú vị và sáng tạo những nội dung bùng nổ, chắc chắn thương hiệu có thể tạo ra những chiến dịch truyền thông Tết 2023 thành công vượt ngoài mong đợi.

Tác giả: Hoàng Thu Thủy


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Tuyến Phạm
Tác giả
Giám đốc Kinh doanh tại MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả