Giàu cảm xúc là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên thành công của nhiều viral content. Nhưng đằng sau các bài viết lan truyền nhanh chóng trên mạng đó còn có bí quyết gì? Liệu có một công thức chung giúp nội dung của bạn cũng trở nên viral hay không?
Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng, tại sao video của bà Tân Vlog hay nhưng trào lưu trên tiktok như “Ét ô ét” lại thu hút hàng triệu view, hàng triệu like và share; trong khi chiếc ảnh bạn chụp chiếc bánh kỳ công tự nướng trên Facebook chỉ nhận lại được sự hướng ứng của tụi bạn và người thân?
Sự khác biệt đó một phần có thể lý giải bởi độ lớn của cộng đồng người quan tâm, nhưng phần nhiều nó lại nằm ở chính xác cái gọi là hiệu ứng viral. Với trợ giúp của mạng xã hội, “viral content” càng có điều kiện thuận lợi để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình với cộng đồng người dùng internet. Hiểu cặn kẽ và vận dụng viral content hợp lý sẽ là mấu chốt để các marketer xây dựng được một chiến dịch truyền thông ấn tượng, hiệu quả.
1 Viral Content là gì?
1.1 Định nghĩa
Ra đời cùng với sự xuất hiện các nền tảng mạng xã hội, cho tới nay thuật ngữ “viral content” có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Nhưng tựu chung lại viral content được nhìn nhận là những nội dung được lan truyền từ người này sang người khác một cách tự nguyện, trong một khoảng thời gian rất ngắn ngay sau khi xuất hiện và nhận được sự chú ý rất lớn từ công chúng.
Quá trình lan truyền với mức độ nhanh chóng của dạng nội dung này thường bắt đầu thông qua phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok v.v. Nội dung càng nóng càng có sức lan truyền mạnh mẽ. Khi đã đạt đủ độ chín các phương tiện truyền thông cổ điển như báo giấy, truyền hình cũng sẽ sử dụng và khai thác viral content.
Ví dụ như, trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, bài hát “Ghen Cô Vy” cùng vũ điệu rửa tay đã trở nên viral và gây sốt trên toàn thế giới. Cùng về chủ đề “virus” nhưng nội dung mang thông điệp tích cực vì sức khỏe cộng đồng này đã lan tỏa nhanh chóng, được đón nhận rộng khắp các sóng truyền thông.
Trên mạng xã hội hashtag #vudieuruatay hay #handwashingdance đã thu hút về 11 tỷ lượt xem trên toàn thế giới; #ghencovychallenge cũng mang về 41 triệu lượt xem cho viral video này.
Dự án truyền thông sức khỏe cộng đồng được khởi xướng từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường trực thuộc Bộ Y Tế đã thành công vượt mức mong đợi; sức mạnh niềm lạc quan của dân tộc Việt Nam theo đó cũng được cộng đồng thế giới biết đến.
Viral content có thể hiển thị ở nhiều định dạng khác nhau. Hầu như mọi dạng nội dung trên Internet đều có khả năng để trở nên “nổi tiếng”. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, từng nền tảng mạng xã hội sẽ sở hữu một bảng xếp hạng nội dung “hot” riêng.
Nếu Youtube có Top 10 Trending xếp hạng theo quốc gia, thì Instagram hoặc Tiktok lại có trending hashtag. Cho dù là hình ảnh, video hay dạng văn bản dài thì việc sản xuất nội dung và khiến nó trở nên viral là điều không hề dễ dàng, đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.
Bài toán của các nhà sáng tạo nội dung là nghĩ ra một ý tưởng nào đó đủ đặc biệt, đủ mới lạ để biến nó thành “virut” mang thông điệp của nhãn hàng len lỏi vào từng newsfeed của khách hàng.
Với sự phát triển mạnh mẽ không ngừng của công nghệ, nhiều hoạt động của con người như học tập, giải trí, mua sắm,… dần chuyển dịch lên không gian số. Dòng chảy thông tin cũng dần được số hóa.
Việc này tạo ra một sân chơi truyền thông lý tưởng cho các doanh nghiệp. Hoạt động này ít tốn kém nhưng hiệu quả nhanh chóng, không chỉ phủ sóng rộng khắp mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp tới từng cá nhân.
Viral content xuất hiện với sự cộng hưởng của “mạng xã hội” trở thành phương án truyền thông lý tưởng giúp các thương hiệu gây ấn tượng, mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng tiềm năng, tăng mức độ nhận diện với chi phí nhỏ.
Viral content cũng được coi là hình thức tiếp thị mang lại hiệu quả cao, do khả năng lan truyền thông điệp từ người này sang người khác trên nền tảng số không phức tạp. Chỉ cần một lượt “share” đơn giản trên Facebook cũng có thể khiến một bài đăng được lan truyền tới hàng nghìn thậm chí hàng trăm nghìn lượt tiếp cận.
Trong một chiến dịch Viral Marketing nhiệm vụ chính của Marketer là sáng tạo ra “viral content” phù hợp, khéo léo lồng ghép thông điệp mà nhãn hàng mong muốn truyền tải và đưa nó tới đại chúng.
Thành công sau đó phần lớn phụ thuộc vào sự đóng góp của người dùng mạng xã hội. Chính vì lý do đó mà chi phí cho Viral Marketing thường thấp hơn so với các phương pháp truyền thông khác.
>> Xem thêm: 6 Công thức viết content hiệu quả giúp bạn “chinh phục khách hàng”
Có thể thấy, với những ưu điểm vượt trội kể trên, tiềm năng của Viral Content là rất lớn. Nhằm mục đích giúp đội ngũ Marketer bớt phần khó khăn trong hành trình xây dựng chiến lược Viral Marketing nói chung và viral content nói riêng, trong phần 2 của bài viết hôm nay, các công thức để sản xuất nội dung viral sẽ dần được bật mí.
Thời gian của tất cả chúng ta là có hạn trong khi hàng tá kênh truyền thông mong muốn có được sự quan tâm và chú ý của người dùng. Chính thách thức của bối cảnh cạnh tranh này đã tạo ra ưu thế vượt trội cho viral marketing.
Để một nội dung có thể trở nên “nổi tiếng”, trước hết, yêu cầu cơ bản là đó phải là một nội dung độc đáo. Nội dung như vậy được đặc trưng bởi sự ấn tượng, khác biệt, giàu giá trị hoặc mang ý nghĩa nhân văn đối với người dùng mạng xã hội.
Như đã đề cập ở phần 1, mọi định dạng content đều có khả năng trở nên viral tuy nhiên sẽ luôn tồn tại những định dạng nội dung được người xem ưu ái hơn cả. Chúng bao gồm nội dung mang tính trực quan cao và định dạng văn bản dài, có hình ảnh minh họa.
Nội dung mang tính trực quan cao
Hình ảnh, video, infographic v.v. là những nội dung có nhiều khả năng thu hút sự ý hơn các văn bản thuần túy. Điều này có thể lý giải là cách chúng ta tiêu thụ nội dung dạng này sẽ cần tới nhiều giác quan hơn.
Sự cộng hưởng của âm thanh hình ảnh câu chuyện trong một viral video sẽ gây ấn tượng hơn nhiều cho người xem. Bằng cách đó, nhà quảng cáo có thể chuyển tải thông điệp cũng như cảm xúc tới cộng đồng một cách hiệu quả hơn.
Phân tích một ví dụ ta có thể thấy tính hiệu quả của dạng nội dung này.Trong mùa trung thu năm 2020, thương hiệu The coffee house đã tạo dấu ấn trong sân chơi đầy cạnh tranh ngành hàng F&B, với chiến dịch truyền thông mang tên “The Tale of Cuoi”.
Với mong muốn kết hợp lăng kính hiện đại với nét giá trị truyền thống của Tết Trung Thu; đội ngũ sáng tạo nội dung đã kể lại câu chuyện dân gian quen thuộc chú Cuội chị Hằng một cách rất mới lạ thông qua phim ngắn hoạt hình “The Tale of Cuoi”.
Kết hợp với kỹ xảo 3D ấn tượng và bản phối mới mẻ của bài hát “Thằng Cuội”, viral video này đã thu hút được sự quan tâm lớn của người dùng mạng xã hội, mang về tổng số 9 triệu lượt xem trên 2 nền tảng Facebook và Youtube.
Cùng với các hoạt động thực thi khác, phim ngắn “The Tale of Cuoi” đã góp phần giúp tổng doanh số của The coffee house năm 2020 tăng 250% so với năm 2019.
Văn bản dài có kèm hình ảnh
Trong thời đại các nền tảng mạng xã hội càng ngày càng ưu tiên các nội dung ngắn thì những đoạn text dường như bị cho là kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của công cụ tìm kiếm nội dung trending trên khắp các mạng xã hội – BuzzSumo.
Các văn bản dài với nội dung hữu ích hoặc mang lại giá trị cao thường được chia sẻ nhiều hơn so với dạng văn bản ngắn. Đi kèm với lối kể chuyện (storytelling) hấp dẫn nhiều nội dung mang tính nhân văn cũng được lan truyền thành công dưới định dạng này.
Một bài viết chia sẻ về kinh nghiệm du lịch của bạn trẻ Trần Lê Ngọc Thắng trên cộng đồng Check-in Việt Nam với hơn 1,5 triệu người follow đã minh chứng cho việc: các văn bản dạng dài mang lại giá trị cho người đọc đã được đón nhận nhiệt tình.
>> Xem thêm: Hướng dẫn viết content chuẩn SEO cho người mới bắt đầu
Cảm xúc được coi là yếu tố quyết định tới thành công của viral content. Theo cuộc khảo sát được thực hiện tại trường Kinh doanh Wharton về thói quen chia sẻ Email và lượt like trên mạng xã hội, các nhà nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới khả năng lan truyền của một nội dung là mức độ cảm xúc mà nội dung đó mang lại cho người đọc.
Vì lý do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều viral content hiện nay chọn hướng khai thác nội dung tự nhiên, gần gũi hoặc khơi dậy cảm xúc trong lòng độc giả, người xem. Tuy nhiên, ở góc độ tâm lý học hành vi, không phải loại cảm xúc nào cũng có tác dụng như nhau.
Cảm xúc mạnh sẽ thôi thúc chúng ta phải hành động. Đó là lý do vì sao vui vẻ, xúc động hay tức giận, lo sợ có nhiều khả năng được lan truyền hơn và thường được giới truyền thông ưu ái khai thác cho các chiến dịch viral content.
Cảm xúc tích cực, vui vẻ giải trí
Trong xã hội hiện đại với nhiều áp lực thường trực hơn, sự vui vẻ và tích cực là cảm xúc mà hầu hết các thương hiệu mong muốn được gắn kết. Nghiên cứu của Fractl năm 2018 cũng kết luận rằng những nội dung mang cảm xúc vui vẻ và tích cực có thể tạo ra lượt chia sẻ với tần suất cao hơn.
Đặc biệt với những nhãn hàng có phân khúc khách hàng thuộc thế hệ Gen Z, các content vui vẻ càng được ưa chuộng. Tại Việt Nam, có thể kể tới việc các thương hiệu kết hợp với các chuyên trang giải trí dành cho giới trẻ với phong cách trẻ trung hài hước.
Như chiến dịch “Tết dễ dàng với Viettel Pay” kết hợp với Welax năm 2019 đã thu về hơn 400.000 lượt xem, hơn 200.000 bình luận 16 ngàn lượt like cho viral clip “Làm gì phải hốt – Trên Mạng với đời thực”.
Với kế hoạch Marketing toàn diện, content video “Làm gì phải hốt” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ mà giới trẻ quan tâm như Hoàng Thùy Linh, Justatee, Đen Vâu và NSƯT Công Lý: đã đạt top 1 trending Youtube chỉ sau 4 ngày ra mắt cùng 50 triệu lượt xem trong 3 tháng.
Ra mắt đúng thời điểm kèm một thông điệp vui vẻ tích cực, “ Tết dễ dàng với Viettel Pay” đã dành được sự quan tâm của cộng đồng mạng; và mang về cho thương hiệu top 2 chiến dịch được thảo luận nhiều nhất đợt Tết năm 2020 theo thống kê đơn vị nghiên cứu và phân tích Social Media – Buzzmetrics.
Một ví dụ khác có thể kể tới khi nhắc tới viral content mang tính tích cực là hình ảnh bộ sưu tập Lavie 100 kỳ quan thiên nhiên được lên sóng vào thời điểm hè 2021.
Trong mùa cao điểm của ngành du lịch cũng như ngành hàng đồ uống, các thành phố lớn tại Việt Nam đều đang tuân thủ lệnh giãn xã hội cách và bị hạn chế đi lại vì dịch Covid-19. Sở thích du lịch và tình yêu thiên nhiên của nhiều bạn trẻ đành phải tạm gác lại trong nuối tiếc.
Nắm bắt insight này, La vie đã triển khai chiến dịch “Du lịch không xê dịch – Thiên nhiên đến nhà”. 100 kỳ quan thiên nhiên Việt Nam từ Hà Giang tới Phú Yên đã được thiết kế trở thành chiếc áo mới cho chai nước khoáng La vie.
Được đăng tải trên các trang mạng xã hội của cộng đồng yêu du lịch như Chuyện của Hà Nội, Beat.vn, chiến dịch đã ghi nhận kết quả hơn 50 triệu lượt Impression, hơn 140 nghìn lượt tương tác trên các nền tảng truyền thông online.
Cảm xúc xúc động, thương cảm sâu lắng
Đầu năm 2020 đánh dấu một cột mốc chuyển mình quan trọng của thương hiệu Generali Việt Nam. Chiến dịch truyền thông “Sống Như Ý” lên sóng với viral clip là phim âm nhạc mùa Tết đã chạm tới cảm xúc của thế hệ trẻ khi đối diện những áp lực vô hình ngày đầu năm.
Đi kèm với kịch bản có lối storytelling hiện đại, các nhà sản xuất nội dung đã chọn cách gửi thông điểm khéo léo qua các bài hát trong phim: Turkisch March đại diện cho lối nghĩ truyền thống, nhạc Rap phá cách của Đen Vâu thể hiển tinh thần đổi mới của giới trẻ và bài dân ca Ý Bella Ciao thể hiện đúng tinh thần “Sống cuộc đời như ý mình”.
Nhận được sự đồng cảm từ người trẻ, phim ngắn này của Generali đã đạt 30 triệu lượt xem trên Youtube và tự hào là ấn phẩm quảng cáo duy nhất của Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng APAC Youtube Ads Leaderboard tháng 1 năm 2020.
Không chỉ Generali, lối xây dựng viral content dựa trên sự cảm động còn được rất nhiều nhãn hàng khác tận dụng. Có thể nhắc tới chiến dịch “Đi để trở về” của Biti’s kết hợp Soobin Hoàng sơn mỗi mùa Tết đến, hay chiến dịch “Giáng Sinh là lúc về nhà” của nhãn hàng Edeka năm 2015.
Qua những dẫn chứng kể trên có thể thấy tính phổ biến của các viral content đánh vào sự đồng cảm. Chính cảm xúc chân thực mà người xem có thể cảm nhận qua các viral content đã giúp nhà tiếp thị kết nối được tình yêu giữa người tiêu dùng và nhãn hàng, đồng thời gián tiếp tác động được vào hành động của họ. Qua đó nâng tầm phủ sóng của nhãn hàng và sự ảnh hưởng của viral content tới nhiều người tiêu dùng khác trong cùng phân khúc.
>> Xem thêm: 8 chỉ số KPI chất lượng giúp đo lường hiệu quả content marketing
Cảm xúc tức giận, lo sợ
Thông thường khi nghĩ tới cảm xúc như tức giận lo sợ, mọi người thường nghĩ ngay tới những hành động tiêu cực mà cảm xúc này gây ra. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần tạo cảm xúc mạnh mẽ và thúc đẩy hành động, thì những cảm xúc rất nguyên thủy này của con người được các nhà sáng tạo viral content tận dụng triệt để.
“The Autocomplete Truth” chiến dịch của Hội Liên Hiệp Phụ nữ Thế giới do Agency Memac Ogilvy và Mather Dubai thực hiện năm 2013; là một chiến dịch như thế. Đây được coi là một trong những chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới thành công và gây được tiếng vang trên toàn thế giới.
Với mục tiêu thay đổi nhận thức cũng như kêu gọi hành động của mọi người trong vấn đề thực thi bình đẳng giới trên phạm vi toàn cầu, viral clip cùng tên đã được thực hiện góp phần tăng độ nhận biết thông qua hiệu ứng lan tỏa.
Các nhà sáng tạo nội dung thông qua thanh công cụ tìm kiếm của Google, đã nêu trực tiếp thực trạng: những từ khóa mặc dù vô cùng tiêu cực về phụ nữ như “ Women shouldn’t…” “Women cannot…”, “Women need to…”, nhưng lại được tìm kiếm thường xuyên bởi người dùng internet như thế nào. Nó cho thấy chủ đề “bình đẳng giới” với phần đông mọi người vẫn là một khái niệm xa vời của các nước phương tây.
Mặc dù chỉ thu về hơn 116000 lượt chia sẻ trên Facebook, nhưng chiến dịch truyền thông xã hội này đã trở thành đề tài được chia sẻ nhiều nhất trong năm trên Adweek.com. Một phần thành công của “The Autocomplete Truth” chắc chắn nằm ở việc đã tận dụng tốt chiến lược viral marketing nói chung và viral content nói riêng.
Tại Việt Nam, chiến dịch “Đi về nhà” của Honda với sự xuất hiện của Đen Vâu vào mùa Tết 2022 đã khai thác thành công nỗi trăn trở lo lắng về định nghĩa thành công, thất bại của thế hệ Gen Z. Hình ảnh Đen Vâu ôm chú cá trên tay trong ca khúc “Mang tiền về cho mẹ”, đạt top 1 trending Youtube chỉ sau 6 tiếng kể từ thời điểm ra mắt, với hơn 5,5 triệu tổng lượt tương tác đã đồng thời mang hashtag #HondaVietnam và #WinnerX phủ sóng rộng khắp mạng xã hội.
Trên thực tế, viral content không chỉ được khai thác ở bề mặt với nhiệm vụ khơi gợi cảm xúc, các nhà quảng cáo con mong muốn mang tới một “bữa tiệc cảm xúc” bao gồm cả tiêu cực lẫn tích cực cho người xem.
Sự “bùng nổ về cảm xúc” này sẽ đọng lại trong ký ức của chúng ta lâu hơn qua đó tác động sâu sắc hơn tới hành vi của người tiêu dùng. Tùy vào mục tiêu chiến định, định vị thương hiệu mà mỗi nhãn hàng sẽ chọn lựa và khai thác yếu tố cảm xúc một cách khác nhau nhằm mang về hiệu quả tối ưu nhất.
2.3 Tận dụng các yếu tố hỗ trợ
Viral Content nói riêng và viral Marketing nói chung là phương án tiếp thị được mọi doanh nghiệp từ công ty startup cho tới tập đoàn lớn ưu ái lựa chọn. Bởi chi phí bỏ ra đầu tư thường nhỏ nhưng tiềm năng mạng lại thì vô cùng lớn.
Nhưng là những người làm sáng tạo, chúng ta đều hiểu, để một nội dung trở nên “nổi tiếng” trên mạng thường cần có tác động và hội tụ của nhiều yếu tố. Chính vì vậy nhưng biện pháp hỗ trợ khác được phân tích dưới đây sẽ góp phần bước đầu đưa con viral content tiếp cận nhanh hơn với người dùng mạng xã hội.
Seeding đúng cách
Là người trong ngành Marketing ai cũng hiểu việc tạo nội dung hay không thôi là chưa đủ. Để viral content có thể lan truyền nhanh chóng hơn, việc seeding cũng đóng một vai trò quan trọng không kém.
Các thương hiệu lớn có tên tuổi trên thị trường thường có lợi thế trong quá trình này; bởi họ có thể dễ dàng truyền tải thông điệp mong muốn tới đông đảo cộng đồng khách hàng thân thiết.
Nhưng với các doanh nghiệp nhỏ, để seeding được hiệu quả bắt buộc phải phụ thuộc vào dịch vụ có trả phí. Nếu một chiến dịch viral Marketing hay viral content chưa phát huy được sức mạnh thì seeding là một phương án hỗ trợ mà các thương hiệu có thể cân nhắc
>> Xem thêm: Seeding là gì? 5 bước để khởi tạo một chiến dịch seeding
Kết hợp với KOC hoặc KOL
Một cách thức khác để chọn “điểm rơi” giúp nội dung viral được lan tỏa nhanh hơn là tận dụng sức mạnh ảnh hưởng của các KOC (Key Opinion Consumer) hoặc KOL (Key Opinion Leader). Đây thường là những người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực hoặc cộng đồng khách hàng mà thương hiệu nhắm tới.
Tùy thuộc vào ngân sách đầu tư của các doanh nghiệp, chiến dịch truyền thông có thể hợp tác với các KOC/KOL với số lượng Follower lên tới hàng trăm ngàn thậm chí hàng triệu. Một viral content được chia sẻ trên fanpage của những người được mệnh danh là tạo ra xu hướng cũng có giá trị hơn rất nhiều đối với việc gia tăng phạm vi phủ sóng và nhận diện cho thương hiệu.
Chọn đúng thời điểm
Bắt đúng trend, đi theo sóng truyền thông là một hướng đi thông minh tiết kiệm thời gian mà nhiều công ty đang theo đuổi. Phương án này giúp content có cơ hội cao hơn để được lan truyền trên mạng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu trend đó có liên quan đến ngành hàng của bạn.
Ví dụ nếu clip viral “Đi để trở về” của Soobin Hoàng Sơn hay “Đi về nhà” của Đen Vâu và Justatee không được tung ra vào đúng đợt Tết – mùa của sự đoàn viên thì hai nhãn hàng Honda và Biti’s đã không thể thu về thành công vang dội như thế. Để làm được điều này, các nhà truyền thông cần phải biết nắm bắt thời cơ và có sự nhạy cảm nhất định với xu hướng thị trường.
>> Xem thêm: Top 13 công cụ content marketing đắc lực nhất cho “con sen”
Kênh phân phối nội dung
Cuối cùng, chọn lựa nền tảng mạng xã hội nào để phân phối viral content cũng đóng góp không nhỏ vào sự thành công của chiến dịch “viral content”. Nếu viral content là dạng video dài thì Youtube luôn là nền tảng tối ưu nhất, trong khi nếu là các ảnh meme vui vẻ thì Facebook lại có lợi thế hơn hẳn.
Ngoài ra, đội ngũ Marketer có thể tận dụng việc đăng chéo “viral content” trên nhiều kênh phân phối. Việc đăng chéo viral content lên các nền tảng mạng xã hội không chỉ gia tăng điểm tiếp xúc của thương hiệu với khách hàng trên internet mà còn hỗ trợ cho nội dung được lan truyền tốt hơn.
Tóm lại, các yếu tố kể trên sẽ hỗ trợ giúp cho chiến dịch Viral Marketing nói chung và viral content nói riêng diễn ra được thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận với khách hàng mục tiêu tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường tiếp thị đầy sôi động hiện nay.
Nội dung trở nên viral chỉ sau một đêm chính là ước mơ của các nhà sáng tạo. Tuy nhiên, điều gì xảy ra khi nội dung đó đi ngoài tầm kiểm soát của đội ngũ truyền thông? Càng được chia sẻ rộng khắp bao nhiêu, mức độ ảnh hưởng của viral content càng lớn bấy nhiêu.
Khi lượng tương tác tăng đột biến hay xuất hiện những bình luận trái chiều, người làm truyền thông cần chuẩn bị những gì để ứng phó?
Nguy cơ tiềm ẩn từ phản hồi tiêu cực
Như đã phân tích ở phần 2, thành công của viral content nằm ở việc khơi gợi cảm xúc của người xem một cách mạnh mẽ nhất, cho dù chúng tích cực như vui vẻ lạc quan hay tiêu cực.
Càng chạm tới nhiều phân khúc khách hàng, càng thu hút sự chú ý, các luồng ý kiến về viral content càng đa dạng. Sẽ luôn tiềm ẩn những“ngòi nổ” khủng hoảng, nếu đội ngũ truyền thông không xử lý tốt những phản hồi tiêu cực hoặc trái chiều.
Nguy cơ tiềm ẩn của viral content nằm ở việc nó chân thật và thuần chất. Đã là cảm xúc thì mỗi cá nhân hay một cộng đồng khách hàng đều có những cảm nhận riêng khi tiếp cận với loại nội dung này.
Cái khó nằm ở việc nhãn hàng không thể bác bỏ một trải nghiệm hay một quan điểm mang tính cá nhân được. Bên cạnh đó, với sức mạnh “lan truyền tốc độ” của mạng xã hội thì việc lan tỏa và chia sẻ những thông tin tiêu cực sẽ khiến khủng hoảng được leo thang khủng khiếp.
Một ví dụ có thể kể tới gần đây là chiến dịch quảng bá cho bộ sưu tập “Bloomin’ central” năm 2021 của nhãn hàng Biti’s Hunter. Bắt nguồn từ mong muốn tôn vinh văn hóa, con người, quảng bá nghệ thuật khơi dậy cảm hứng của mảnh đất Miền Trung đầy nắng và gió, nhãn hàng này đã công chiếu viral video với cái tên “Tự hào miền Trung: Hoa trong đá” rộng rãi trên các kênh truyền thông của mình.
Tuy nhiên, vài ngày sau với một bài phân tích trên Facebook của tài khoản “La Quốc Hùng” đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng với nghi vấn nhãn hàng Biti’s Hunter đã sử dụng chất liệu có nguồn gốc Trung Hoa để đại diện cho bản sắc miền Trung.
Thay vì khơi dậy cảm xúc tự hào về mảnh đất chịu thương chịu khó miền Trung, viral video của Biti’s lại châm ngòi cho ý kiến trái chiều của khách hàng cũng như giới truyền thông về dòng sản phẩm mới.
Theo dòng sự kiện, tờ báo thời trang L’officiel Việt Nam với bài viết “Biti’s Bloomin Central: Một tổng thể gồng gánh và lai tạp“ tác giả Hiếu Y và Vương An Nguyên đã nhận định rằng; chiến dịch truyền thông lần này của thương hiệu Biti’s đã cho thấy sự “thiếu chiều sâu và dễ rơi vào tình trạng chiếm dụng văn hóa”. Sự phản đối này không chỉ khiến chiến dịch truyền thông bị ảnh hưởng, mà chắc chắn cũng gây ra hậu quả không nhỏ cho thương hiệu.
>> Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp 11 xu hướng Marketing 2022 nổi bật nhất
Bĩnh tĩnh xử lý
Trước làn sóng khủng hoảng này, cách các thương hiệu chỉ có thể chọn lựa tiếp nhận thông tin và bình tĩnh xử lý. Trong trường hợp của Biti’s, nhãn hàng đã ngay lập tức phản hồi, lên tiếng xin lỗi, và quan trọng hơn hết là cung cấp cái nhìn toàn cảnh để đưa ra góc nhìn khác cho sự cố truyền thông này. Không đối chất, tôn trọng ý kiến trái chiều và tinh thần cầu thị của Biti’s đã giúp hãng tìm được sự đồng cảm ở khách hàng và truyền thông đại chúng.
Theo các chuyên gia truyền thông, cơn bão khủng hoảng sẽ suy giảm khi xuất hiện những ý kiến tích cực, thông tin có lợi cho doanh nghiệp và những cái nhìn khách quan thiện chí về vấn đề. Tuỳ vào tình huống, mà các Marketer có thể tìm ra những hành động xử lý khủng hoảng phù hợp; điều quan trọng là hãy luôn bình tĩnh và tỉnh táo.
Lên kế hoạch quản trị rủi ro từ sớm
Cách xử lý khủng hoảng tốt nhất là quản trị chúng từ sớm. Trước hết là lường trước những vấn đề trong quá trình sản xuất nội dung và quản lý chúng. Để xây dựng lên một viral content, chắc chắn các nhà sáng tạo nội dung sẽ luôn cần “cùng ăn cùng ngủ” những ý tưởng hay ho, để tìm ra những điều thú vị mới mẻ.
Tuy nhiên, chỉ một chút bất cẩn của câu chữ, ý tứ thông điệp cũng có thể tạo nên những khủng hoảng không đáng có. Vì vậy để tránh những tai nạn đó, phòng sáng tạo luôn cần kiểm tra, rà soát sản phẩm thật xác đáng, dưới nhiều lăng kính khác nhau để chúng không trở thành “cái gai” trong mắt cộng đồng mạng và người tiêu dùng.
Thực chất trong quá trình sáng tạo cho dù là “nhìn trước ngó sau” rất kỹ càng, các thương hiệu dù to hay nhỏ cũng khó có thể nói không 100% với khủng hoảng. Nhưng rủi ro là luôn có, khi mà đội ngũ sáng tạo hầu như không còn kiểm soát với viral content ngay khi nó được lan truyền trên mạng.
Vì vậy, với sự nhạy cảm, tinh tế và vững vàng, những người làm Marketing và truyền thông hãy luôn sẵn sàng và lên kế hoạch từ sớm để ứng phó kịp thời nếu có bão khủng hoảng ập tới.
4. Kết
Vai trò và hiệu quả của viral content mang lại cho thương hiệu là điều không cần bàn cãi. Bài viết trên đây đã phần nào bóc tách rõ ràng hơn về hiệu ứng viral cũng như cách thức giúp một nội dung có tiềm năng để trở nên “nổi tiếng”.
Từng bước khám phá, tận dụng lợi thế và lên kế hoạch cho những rủi ro có thể xảy tới là cách mà các Marketer nên làm để tìm ra công thức viral content thành công riêng trong quá trình sáng tạo nội dung viral.
Tác giả: Lê Minh Hồng