Brand activation & top 6 chiến dịch điển hình thương hiệu nổi tiếng!

06/12/2022
1935

Brand Activation là một chiến lược tuyệt vời giúp củng cố giá trị thương hiệu và hướng đến đúng khách hàng mục tiêu. Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu về Brand Activation trong bài viết này.

1. Brand Activation là gì?

Theo HubSpot, Brand Activation là các sự kiện, trải nghiệm và tương tác tạo ra các kết nối cảm xúc lâu dài giữa thương hiệu và đối tượng mục tiêu của họ. 

Những hoạt động này thường là một chiến dịch hoặc sự kiện cụ thể nhằm tạo ra nhận thức và mang đến sự kết nối giữa khách hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Brand Activation không phải chỉ là tổ chức một sự kiện, phát mẫu thử, tài trợ chương trình hay đặt POSM.

Các hoạt động Brand Activation cần phải được lên kế hoạch để thực thi theo một hướng thống nhất và dựa trên nền tảng kích hoạt chung (Activation Platform), xuất phát từ lời hứa của thương hiệu.

Ví dụ          

Thông điệp của Coca Cola là “Open Happiness” (tạm dịch: Hạnh phúc rộng mở) thay thế cho slogan cũ “The Coke Side of Life”. Để thực hiện lời hứa của mình, Coca-Cola đã tìm hiểu kỹ lưỡng những cách thức chung tạo ra cảm giác hạnh phúc ở mọi người.

Thông điệp mới của Coca Cola là “Open Happiness”
Thông điệp mới của Coca Cola là “Open Happiness”

Một trong những chiến dịch mang thông điệp “Open Happiness” nổi bật nhất là vào năm 2014, hãng nước giải khát này đã lắp đặt 5 buồng điện thoại công cộng ở khu vực sinh sống của những người lao động nhập cư tại Dubai. 

Thay vì trả cước phí bằng tiền xu, 5 buồng điện thoại hoạt động bằng nắp chai Coca-Cola. Với mỗi chiếc nắp, người dùng sẽ có 3 phút gọi điện thoại quốc tế. Hãng đã lắp máy quay trong buồng để ghi lại các khoảnh khắc xúc động tại đây. 

Những người lao động xếp hàng dài chờ đợi để gọi điện về cho gia đình. Trong một tháng triển khai chiến dịch, đã có hơn 40 ngàn người sử dụng những chiếc buồng điện thoại đặc biệt của Coca-Cola. Mọi khoảnh khắc được biên tập thành một video ngắn và nhanh chóng trở nên viral thu hút hơn 2 triệu lượt xem trên Youtube.

Đọc thêm: Chiến lược mở rộng thương hiệu Brand Extensions là gì?

2. Tầm quan trọng của Brand Activation

Các hoạt động Brand Activation có thể áp dụng cho mọi thương hiệu, thậm chí là những thương hiệu mới. Bởi khi thương hiệu mới gia nhập thị trường, sẽ không ai biết đến thương hiệu đó là gì, chúng mang đến giá trị gì cho xã hội, cộng đồng. 

Theo quan điểm về Brand Activism (Tạm dịch: Hoạt động cộng đồng của thương hiệu), thương hiệu chưa được ai biết tới có nghĩa là thương hiệu chết, không có sức sống. Do đó, doanh nghiệp cần phải “kích hoạt” thương hiệu trước khi đưa vào sử dụng. Ngoài ra, những doanh nghiệp muốn tái cấu trúc thương hiệu (rebrand) cũng có thể thực hiện chiến dịch kích hoạt. 

Trong trường hợp này, các marketer cần phải tạo ra được chiến dịch có tiếng vang lớn – nhất là với nhóm khách hàng thân thiết của thương hiệu – để khách hàng thay đổi suy nghĩ và nhận diện lại thương hiệu của mình.

Marketers cũng cần tạo ra sự tương tác và cho khách hàng lý do để họ hào hứng với thương hiệu. Nói tóm lại, doanh nghiệp cần kích hoạt thương hiệu của mình. Việc thực hiện Brand Activation sẽ giúp các thương hiệu trở nên sống động hơn, thu hút sự chú ý từ nhóm đối tượng mục tiêu mới và xác định lại cách người tiêu dùng đang nhìn nhận về thương hiệu. 

Thông qua những cách tiếp cận phù hợp, Brand Activation sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt. Theo số liệu thống kê từ Tạp chí Forbes, 98% mọi người cảm thấy họ muốn mua sản phẩm của thương hiệu hơn sau khi tham gia một hoạt động kích hoạt. 

Ngoài ra, các chiến dịch Brand Activation còn mang lại nhiều lợi ích cho thương hiệu như:

  • Khai thác thị trường mới: kích hoạt thương hiệu giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng tiềm năng, người theo dõi và tệp khách hàng mới bằng cách cung cấp những trải nghiệm thương hiệu độc đáo
  • Củng cố vị thế trên thị trường khi là một thương hiệu lâu đời. Các chiến dịch kích hoạt đã giúp người tiêu dùng gợi nhớ về thương hiệu. Đồng thời thông qua những trải nghiệm trong chiến dịch, Brand Activation đã góp phần khắc sâu thêm hình ảnh thương hiệu vào tâm trí người tiêu dùng. Đó là lý do vì sao những thương hiệu như Cocacola vẫn luôn thực hiện Brand Activation ngay cả khi đã ở vị thế dẫn đầu ngành trong nhiều năm.
  • Thu thập dữ liệu khách hàng tiềm năng
  • Thu thập phản hồi thực tế của khách hàng
  • Tăng giá trị cho thương hiệu

>> Xem thêm: Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và những điều cần biết

3. Các bước xây dựng chiến dịch Brand Activation

5 bước xây dựng chiến dịch Brand Activation

Bước 1: Xác định mục tiêu 

Trước khi bắt đầu lập kế hoạch các chiến dịch Brand Activation, bạn phải xác định được mục tiêu của từng chiến dịch. Mục tiêu này có thể là chuyển đổi khách hàng, khuyến khích người dùng đăng ký sản phẩm, dịch vụ, tương tác trên mạng xã hội, …

Cụ thể, các thương hiệu mới thực hiện Brand Activation thường có mục tiêu là giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến công chúng nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, đối với những thương hiệu đã thành lập lâu năm thì mục tiêu của chiến dịch Brand Activation thường là giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng hoặc định hình (reshape) lại hình ảnh thương hiệu. Dù vậy, đối với bất cứ mục tiêu nào thì các marketer cũng nên áp dụng theo mô hình SMART để đo lường và đạt được kết quả như mong muốn.

Lưu ý rằng, bạn có thể đặt ra một mục tiêu chính và chia thành nhiều mục tiêu nhỏ hơn để đo lường như:

  • Tăng số lần xuất hiện của thương hiệu
  • Thúc đẩy khách hàng mua lại sản phẩm
  • Tăng số người dùng đăng ký
  • Cải thiện tương tác trên mạng xã hội
  • Tăng tính lan truyền của thương hiệu
Các bước xây dựng chiến dịch Brand Activation
Các bước xây dựng chiến dịch Brand Activation

Bước 2: Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu

Xác định đúng đối tượng khách hàng mục tiêu và đặc điểm của những đối tượng này sẽ giúp marketers chọn đúng công cụ để truyền thông trên mạng xã hội. 

Có nhiều cách để marketers xác định đối tượng khách hàng, dưới đây là một số phương pháp phổ biến:

  • Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh: theo dõi sự tương tác với thương hiệu đối thủ, trao đổi trong nhóm cộng đồng, nội dung thương hiệu đó truyền tải đến khách hàng
  • Phân tích từ những chiến dịch Brand Activation thực tế của các thương hiệu
  • Dựa trên thông tin, dữ liệu có được từ các công cụ phân tích chuyên nghiệp như: Google Analytics, Google Adwords, Facebook Karma,…
  • Dựa trên thông tin, dữ liệu có được từ các công cụ quản lý khách hàng của doanh nghiệp như AMIS CRM.

aiMarketing

Bước 3: Thực hiện phân tích SWOT cho thương hiệu

Trước khi lên kế hoạch cho chiến dịch Brand Activation, bạn nên nắm rõ về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa đối với thương hiệu. 

Ví dụ dưới đây là một bảng phân tích SWOT của thương hiệu mỹ phẩm tóc Hàn Quốc đã được cấp phép phân phối chính thức tại Việt Nam, đối tượng mục tiêu mà thương hiệu này hướng đến là các chủ salon tóc. 

Từ mô hình SWOT, thương hiệu mỹ phẩm tóc Hàn Quốc này đã đề ra kế hoạch Brand Activation bắt đầu từ những hoạt động tài trợ cho sự kiện khai trương của các thương hiệu salon tóc nổi tiếng, đặt POSM và sản phẩm mẫu tại các sự kiện này.

Điểm mạnh Điểm yếu
– Là thương hiệu tóc nổi tiếng tại Hàn Quốc

– Được các chuyên gia tóc hàng đầu Hàn Quốc sử dụng

– Thành phần từ tự nhiên, có dòng sản phẩm chiết xuất từ thực vật hữu cơ lành tính

– Được chứng nhận organic của các tổ chức uy tín trên thế giới

– Có dòng sản phẩm ép side tóc cho nam hiện đang là sản phẩm ép side duy nhất được phân phối chính thức tại Việt Nam.

– Truyền thông kém, hầu như không có bất kỳ thông tin nào về thương hiệu trên nền tảng online

– Đội ngũ nhân sự mỏng

– Hạn chế về tài chính

Cơ hội Thách thức
– Đã được biết đến rộng rãi trong cộng đồng các chuyên gia tóc người Hàn đang kinh doanh salon tại Việt Nam 

– Chưa có bất kỳ thương hiệu mỹ phẩm tóc được chứng nhận Organic tại Việt Nam

– Xu hướng sử dụng mỹ phẩm organic đang ngày càng ưa chuộng tại Việt Nam

– Nhận thức người dùng được nâng cao, họ ưu tiên lựa chọn sản phẩm cao cấp, chất lượng, an toàn cho sức khỏe

– Nam giới rất chuộng kiểu tóc undercut, và họ thường gặp phiền toái khi tóc con mọc chỉa ra ngoài gây mất thẩm mỹ

– Nhận thức về mỹ phẩm organic vẫn chưa phổ biến tại các salon Việt Nam

– Chủ salon luôn có tâm lý tìm đồ rẻ để tối ưu chi phí đầu vào

Bước 4: Lên chiến lược tiếp cận đối tượng khách hàng

Sau khi xác định được mục tiêu cho Brand Activation, học hỏi từ các thương hiệu khác, cũng như tham khảo mô hình SWOT, bạn đã có những dữ liệu đầy đủ để lên chiến lược Brand Activation phù hợp cho doanh nghiệp của mình. 

Bạn có thể dựa trên những ý tưởng Brand Activation phổ biến nhất hiện nay để truyền tải thông điệp và thu hút khách hàng tiềm năng, chẳng hạn như: tổ chức sự kiện, marketing trải nghiệm, hợp tác với các thương hiệu khác, …

Những tiêu chí cần có trong một bản chiến lược Brand Activation bao gồm:

  • Thông điệp truyền tải
  • Mục tiêu
  • Ý tưởng kích hoạt thương hiệu
  • Danh sách các hoạt động cần triển khai dựa trên ý tưởng này. Ví dụ nếu bạn lựa chọn tổ chức sự kiện sẽ có thể bao gồm các hoạt động như: đặt POSM, phát tờ rơi, phát mẫu thử, roadshow, …
  • Thời gian triển khai
  • Dự kiến nhân sự tham gia
  • Dự toán ngân sách

Bước 5: Theo dõi và đo hiệu quả

Trong suốt quá trình thực hiện chiến dịch Brand Activation, bạn cần giám sát chặt chẽ và đo lường các chỉ số liên quan để đảm bảo đạt được kết quả như mong đợi. Tùy thuộc vào mục tiêu mỗi chiến lược mà thương hiệu sẽ có những chỉ số đo lường khác nhau. 

Các chỉ số thường gặp trong báo cáo hiệu quả chiến dịch Brand Activation bao gồm:

  • Tỷ lệ chuyển đổi khách hàng (customer acquisition): số khách hàng đăng ký, mua hàng, chuyển sang khách hàng thân thiết, … tùy theo mục đích của thương hiệu
  • Tương tác với mạng xã hội: lượt chia sẻ, lượng tương tác và chất lượng nội dung người dùng tương tác với thương hiệu
  • Tương tác trực tiếp trong sự kiện: số người tham dự, số người điền form, sự hưởng ứng của mọi người trước một hoạt động nào đó,…
  • Các chỉ số trong chạy quảng cáo đa kênh

Bộ giải pháp marketing hợp nhất trên một nền tảng MISA AMIS aiMarketing cung cấp công cụ theo dõi, đo lường và hiệu quả cho doanh nghiệp.

MISA AMIS aiMarketing giúp doanh nghiệp tự động hóa các hoạt động thu hút, nuôi dưỡng, chuyển đổi khách hàng. Toàn bộ dữ liệu khách hàng thu từ đa kênh, đa nguồn (Facebook, Zalo, Google, Form, Website,…) cũng được lưu trữ tập trung ngay trên MISA AMIS aiMarketing, tránh thất thoát dữ liệu và dễ dàng tra cứu, chăm sóc.

Bên cạnh đó, MISA AMIS aimarketing cung cấp bộ công cụ giúp marketers xây dựng các điểm chạm để thu hút khách hàng tiềm năng từ landing page, form, banner, CTA,… Ngoài ra, MISA AMIS aimarketing cũng cung cấp hệ thống báo cáo & phân tích hiệu quả từng chiến dịch triển khai để marketers đo lường hiệu quả chuyển đổi.

4. 5 ý tưởng Brand Activation thú vị

Ý tưởng 1: Marketing trải nghiệm

Marketing trải nghiệm là một chiến lược kích hoạt thương hiệu khá phổ biến hiện nay. Theo đó, thương hiệu tạo ra những trải nghiệm thực tế, sống động để có cơ hội tương tác với khách hàng của họ. 

Những chiến dịch trải nghiệm này không chỉ xoay quanh việc giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ đang được cung cấp, mà còn là những giá trị mà thương hiệu tin tưởng (Brand values), và cảm xúc mà thương hiệu muốn truyền tải đến khách hàng của mình. 

Ví dụ

Thương hiệu Lipton Iced Tea đã phát động chiến dịch “Be A Daybreaker” vào năm 2015 ở London. Chiến dịch sử dụng một chiếc phao trượt khổng lồ dài 100 mét và có màu vàng chanh (màu đặc trưng của thương hiệu) để thu hút những người qua đường vào buổi sáng thứ Sáu. 

Mục tiêu của “Be A Daybreaker” là nhằm ủng hộ những người dân London trong độ tuổi 18 – 34 tạm rời xa bận rộn để nghỉ giải lao và trải nghiệm thú vui của thành phố theo một cách độc đáo, khác biệt.

Khi đám đông tụ tập, các nhân viên của Lipton Iced Tea đã phát những sản phẩm mẫu miễn phí để quảng bá chiến dịch, với thông điệp gắn thương hiệu của họ với các hoạt động vui nhộn trong mùa hè. 

Kết quả, chỉ tính riêng hoạt động phao trượt nước, chiến dịch kích hoạt của Lipton Iced Tea đã lên trang nhất của 7 tờ báo trong khu vực, phát sóng trên 11 kênh truyền thông và nhận về nhiều lượt chia sẻ trên mạng xã hội. 

Chiến dịch kích hoạt thương hiệu vô cùng sáng tạo của Lipton Iced Tea
Chiến dịch kích hoạt thương hiệu vô cùng sáng tạo của Lipton Iced Tea

Ý tưởng 2: Tạo các event tương tác thương hiệu

Một trong những chiến thuật giúp sự kiện Brand Activation thành công là tổ chức các hoạt động thúc đẩy khách hàng mục tiêu chủ động tương tác với thương hiệu. Bên cạnh các sự kiện được tổ chức theo hình thức truyền thống thì những sự kiện online cũng có hiệu quả thu hút sự quan tâm tương tự. Bởi theo thống kê từ Visme, có đến 45% thương hiệu tổ chức các sự kiện online với mục đích là gia tăng tương tác với người dùng. 

Ví dụ 

Thương hiệu IKEA đã mở một cửa hàng DIY tại London, nơi mọi người có thể đến và tự nấu những bữa ăn cho mình. Tất nhiên vì an toàn và vệ sinh thực phẩm nên các thực khách sẽ không nấu ăn đơn độc trong suốt quá trình. Họ sẽ thực hiện theo hướng dẫn của một bếp trưởng. Ngoài ra, họ còn có thể điều động hai người phụ trách rửa nồi, bát và bưng bê. 

Ngoài việc tự nấu ăn, thực khách còn có thể tham gia lớp dạy nấu ăn do những đầu bếp nổi danh được nhà hàng mời tới. Họ sẽ hướng dẫn cách nướng bánh kiểu Thụy Điển, nói về tương lai của thực phẩm hay phong cách “ăn sạch”. 

Theo IKEA, những người dân ở Anh dành ít thời gian hơn cho hoạt động nấu ăn và dùng bữa cùng nhau. Vì vậy họ muốn khuyến khích người dân hãy dành thời gian bên nhau thông qua hoạt động này. 

Đây là hoạt động hoàn toàn miễn phí, nhưng người dân sẽ phải đăng ký online trước đó, và chỉ có 2 lượt đăng ký mỗi ngày. Chính sự giới hạn trong lượt đăng ký đã ngay lập tức khiến số lượng yêu cầu đặt chỗ của khách hàng tăng lên nhanh chóng. 

Chiến dịch của IKEA giúp kết nối mọi người với nhau
Chiến dịch của IKEA giúp kết nối mọi người với nhau

Ý tưởng 3: Phát triển tính năng mới cho sản phẩm

Nếu thương hiệu của bạn có sản phẩm mới, hoặc sản phẩm cũ nhưng có các tính năng mới thì hãy quảng bá chúng, đồng thời nêu bật những lợi ích mà chúng có thể mang lại cho khách hàng của bạn.

Ví dụ: Apple’s “One Night on iPhone 7” là một chiến lược kích hoạt thương hiệu tuyệt vời về ý tưởng giới thiệu tính năng mới của mình. Song song với việc quảng bá những ưu điểm của sản phẩm công nghệ này, Apple còn mời các nhiếp ảnh gia đến từ các nước khác nhau chụp ảnh trên thiết bị Apple của họ để giới thiệu các tính năng mới của máy ảnh.

Hình ảnh khi chụp ban đêm bằng thiết bị Apple
Hình ảnh khi chụp ban đêm bằng thiết bị Apple

Ý tưởng 4: Cộng tác với những thương hiệu khác

Thêm một ý tưởng tuyệt vời để thực hiện chiến dịch Brand Activation nữa là hãy tìm một thương hiệu không cạnh tranh với thương hiệu của mình, nhưng lại có cùng nhóm khách hàng mục tiêu. Bạn có thể hợp tác với họ và cùng nhau tạo nên một “kích hoạt” nào đó: một sản phẩm, chiến dịch, sự kiện, …

Ví dụ

Chiến dịch “Soundtrack for Your Ride” là kết quả của sự hợp tác giữa ứng dụng đặt xe Uber và ứng dụng âm nhạc Spotify, với thông điệp là “Your Ride, Your Music”. Sự hợp tác này cho phép các hành khách của Uber có thể vừa chọn địa điểm, vừa chọn bài hát hay tạo danh sách bài hát cho chuyến đi của mình. 

Âm nhạc sẽ vang lên ngay khi xe khởi hành nhờ kết nối Spotify hiển thị trên ứng dụng Uber. Với sự cộng tác này, Spotify có thể tiếp cận hiệu quả đến một lượng lớn khách hàng Uber và ngược lại. Hơn thế nữa, chúng còn tiết kiệm chi phí marketing cho cả hai bên.

Chiến dịch hợp tác nâng cao giá trị thương hiệu giữa Uber và Spotify
Chiến dịch hợp tác nâng cao giá trị thương hiệu giữa Uber và Spotify

Ý tưởng 5: Quảng bá giá trị thương hiệu

Hãy thử cân nhắc về việc giới thiệu các giá trị mà thương hiệu của bạn đang theo đuổi bằng những thông điệp ngắn gọn và nội dung hấp dẫn để tiếp cận đến nhiều người hơn, cũng như tạo ra tác động mạnh mẽ trong cộng đồng.

Ví dụ

Ben & Jerry’s theo đuổi giá trị bảo vệ môi trường, chúng được thể hiện qua các chiến dịch tổ chức liên hoan phim của hãng. Thương hiệu đã sử dụng công nghệ năng lượng lai (hybrid power technology) thân thiện với môi trường để trình chiếu 8 bộ phim trên màn hình lớn. 

Ngoài ra, Ben & Jerry’s còn tổ chức chiến dịch “Save Our Swirled” nhằm hưởng ứng Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại Pháp vào năm 2015. Mỗi hộp kem sẽ sử dụng các hình ảnh và thông điệp kêu gọi bảo vệ trái đất trước sự biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo Ben & Jerry’s, khí hậu thay đổi cũng giống như ly kem – đó là khi nhiệt độ tăng cao, chúng đều bị phá hủy. Những hành động của Ben & Jerry’s đã giúp khẳng định giá trị mà thương hiệu này đang theo đuổi, hãng không hoạt động chỉ vì lợi nhuận, mà trên hết là luôn có ý thức trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.

Thông điệp bảo vệ trái đất của hãng kem Ben & Jerry’s 
Thông điệp bảo vệ trái đất của hãng kem Ben & Jerry’s

>> Xem thêm: Brand Loyalty là gì? 7 bước xây dựng lòng trung thành với thương hiệu

5. 6 case study điển hình về chiến dịch brand activation của thương hiệu nổi tiếng

Starbucks: Sparkle Shop

Thương hiệu Starbucks ở Canada đã mở một cửa hàng pop-up (loại hình cửa hàng bán lẻ được mở ra nhân một sự kiện đặc biệt, có tính ngắn hạn) để giới thiệu một dòng đồ uống có ga mới, với cái tên là Sparkle. 

Các nhà thiết kế của Starbucks Canada đã lựa chọn một vị trí đẹp, sạch sẽ và bắt mắt để trưng bày loại đồ uống này và thuận tiện khi giới thiệu chúng với khách hàng ghé qua. Bên cạnh đó, Starbucks đã mời đến một youtuber nổi tiếng với gần 8 triệu người follow là Lauren Riihimaki để quảng bá cho Sparkle. 

Theo đó, Starbucks cùng Lauren Riihimaki đã tạo ra chiến dịch #AddSparkle với các content quảng bá không chỉ xuất hiện ở trên Youtube mà còn trên mạng xã hội Instagram và Twitter của cô. Lauren Riihimaki cũng là khách mời tham dự lễ ra mắt sự kiện giới thiệu chính thức dòng đồ uống này tại Starbucks, thu hút hơn 1000 người hâm mộ tham gia để nhận được chiếc cốc Starbucks có chữ ký của cô. 

Không chỉ vậy, những người hâm mộ Lauren Riihimaki còn được mời đến cửa hàng Sparkle tại Queen West sau khi gặp gỡ thần tượng của họ. Tại đây, họ có thể thỏa sức sáng tạo khi được trang trí trên những chiếc cốc của mình hoặc được thử trải nghiệm xăm mình với những hình xăm lấp lánh vô cùng độc đáo và dễ thương. 

Sự kiện gặp gỡ thần tượng khi đến tham dự lễ ra mắt đồ uống Sparkle của thương hiệu Starbucks
Sự kiện gặp gỡ thần tượng khi đến tham dự lễ ra mắt đồ uống Sparkle của thương hiệu Starbucks

Dunkin’ Donuts và chiến dịch trải nghiệm trên xe dã ngoại RV

Dunkin’ Donuts đã kích hoạt thương hiệu đồ uống có đá của mình với phần thưởng là một chuyến đi dã ngoại vào mùa hè năm 2020. Để tham gia, mỗi người chỉ cần điền form đăng ký và chia sẻ form này gắn với hashtag là #DunkinRefreshSweepstakes trên Instagram. 

Nhờ gắn thẻ nên chiến dịch dần trở thành xu hướng trên các trang mạng xã hội và mức độ nhận biết của thương hiệu qua đó cũng được tăng lên đáng kể.

Những người chiến thắng trong chiến dịch Brand Activation của Dunkin’ Donuts sẽ có một chuyến trải nghiệm bằng xe dã ngoại RV trong 1 tuần. Chiếc xe này sẽ đến mọi địa điểm mà họ thích, với đồ uống và thức ăn luôn được chuẩn bị đầy đủ. 

Đây là một chiến dịch Brand Activation thành công khi những người chiến thắng đã chia sẻ những khoảnh khắc thú vị trong suốt chuyến đi này với mọi người xung quanh và trên mạng xã hội.

Chiến dịch nhận được tương tác cao trên Instagram của thương hiệu
Chiến dịch nhận được tương tác cao trên Instagram của thương hiệu

Adidas: Jump Store

Adidas là một thương hiệu toàn cầu nổi tiếng với các sản phẩm giày và quần áo thể thao. Những đôi giày bóng rổ mới của Adidas đã được ra mắt thành công tại một sự kiện tổ chức tại cửa hàng Jump Store, London, Anh Quốc vào năm 2014. 

Trong sự kiện này, Adidas đã đưa ra một thử thách trong đó người tham gia có 24 giây nhảy bằng chân không để với lấy đôi giày mà mình yêu thích ở độ cao 10 foot (hơn 3 mét). Nếu chiến thắng, họ sẽ nhận được đôi giày miễn phí. 

Sự kiện đã thu hút rất nhiều người tham dự khi ngôi sao bóng rổ nổi tiếng Derrick Rose trở thành người quảng bá chính cho sự kiện này. Đôi giày Adidas mà Derrick Rose đang mang truyền đến thông điệp rằng, nếu bạn mang đôi giày thể thao đó, bạn sẽ có thể nhảy cao hơn và trở thành một cầu thủ bóng rổ giỏi hơn. 

Rose mang giày thể thao Adidas không phải để thể hiện rằng anh ấy hoàn thành thử thách là do bản thân đã là một vận động viện giỏi, mà những đôi giày ấy sẽ là trợ thủ đắc lực giúp cho những người bình thường nhất cũng có thể trở nên tuyệt vời như chính anh ấy.

Cookie Time’s

Là một thương hiệu bánh quy đến từ New Zealand, Cookie Time đã thành công kích hoạt thương hiệu của mình tại Nhật Bản như thế nào?

Đầu tiên, tông màu của Cookie Time rất đậm và mạnh mẽ, sử dụng màu đỏ bắt mắt nổi bật trên màu sơn đen của tòa nhà, khiến người tiêu dùng tập trung ánh mắt vào logo của Cookie Time . 

Ngoài ra, Cookie Time cũng sử dụng slogan vô cùng độc đáo “It’s always Cookies Time” với hình ảnh chiếc đồng hồ bằng bánh quy, giúp khách hàng nhận diện nhanh chóng và chính xác cửa hàng đang bán sản phẩm gì.

Bên cạnh đó, Cookie Time đã nhân cách hóa thương hiệu của mình qua linh vật “Cookie Muncher”. Bởi người dân Nhật Bản nổi tiếng là có tình yêu đối với các linh vật dễ thương, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Cookie Muncher lại trở nên đặc biệt và thu hút sự chú ý của mọi người.

Hơn nữa, chúng ta có thể nhận thấy rõ hình ảnh linh vật Cookies Time có nhiều nét tương đồng với nhân vật “Cookie Monster” trong Sesame Street, do đó chúng tăng thêm sự gần gũi và quen thuộc cho thương hiệu Cookie Time.

Mặt khác, Cookie Time cũng cho thiết kế những chiếc cờ chào khổ lớn (flag display) tương tự như những standee ở Việt Nam với màu đỏ nổi bật được đặt ngay trên lối đi vào cửa hàng.  Thay vì chỉ đặt 1 chiếc như một số cửa hàng khác, những chiếc cờ chào của Cookie Time xuất hiện với số lượng lớn khiến nhiều người đi đường bị thu hút và thôi thúc họ ghé vào dùng thử bánh quy. 

Cookie Time đã sử dụng Brand Activation nhằm đã gia tăng nhận diện thương hiệu thông qua 3 hình thức hiển thị chính là: logo, linh vật và cờ chào.  
Cookie Time đã sử dụng Brand Activation nhằm đã gia tăng nhận diện thương hiệu thông qua 3 hình thức hiển thị chính là: logo, linh vật và cờ chào.

>> Xem thêm: Cách đo lường mức độ nhận biết thương hiệu cho doanh nghiệp

Rượu Pimm’s

Pimm là thương hiệu rượu nổi danh ở vương quốc Anh, và được xem là đồ uống để pha chế ra những ly cocktail thơm ngon với mùi hương trái cây dễ chịu, giúp mọi người giải khát trong những ngày hè nắng nóng.

Mục tiêu của rượu Pimm’s cho chiến dịch mang tên “It’s Pimm’s o’clock!” đó là kết nối với khách hàng cũ và tìm kiếm những khách hàng mới. Thay vì kích hoạt sản phẩm cốt lõi là rượu gin, Pimm’s lựa chọn quảng bá những sản phẩm bổ sung bán kèm khi mua rượu, với chủ đề chính là dành cho mùa hè. 

Theo đó, các khách hàng có thể mua rượu Pimm’s kèm những sản phẩm cần thiết phục vụ cho các bữa tiệc nướng hay tiệc ngoài vườn như: buntings, chăn dã ngoại kiểu cờ Vương quốc Anh, túi giữ lạnh, khay đá, máy khuấy, cốc rượu táo, bình nhựa, ghế hai tầng, dù che nắng, tote túi xách và thậm chí cả ô, sổ tay, tạp dề mùa đông, ấm trà. 

Việc bán các sản phẩm đi kèm đa mang lại nhiều lợi ích doanh thu đáng kể cho thương hiệu, bởi giá bán của những mặt hàng này dao động từ 1,50 cho đến 200 bảng Anh. Hơn nữa, những mặt hàng bổ sung này giúp người dùng biết đến thương hiệu nhiều hơn, nhờ đó chúng gia tăng độ nhận diện thương hiệu trên thị trường. 

Song song với hoạt động offline, Pimm’s cũng đẩy mạnh marketing online cho chiến dịch Brand Activation này. Câu khẩu hiệu “It’s Pimm’s o’clock!” đã trở thành chủ đề được lan truyền rộng rãi trong suốt mùa hè, và được chia sẻ trên các nền tảng xã hội khác nhau. Nó trở nên phổ biến đến mức Pimm’s đã bắt đầu bán những tấm poster cá nhân hóa của mình theo chủ đề này. 

Một tấm poster theo chủ đề Pimm’s o’clock của thương hiệu
Một tấm poster theo chủ đề Pimm’s o’clock của thương hiệu

Bột giặt Persil của Đức

Một trong những thương hiệu bột giặt nổi tiếng của Đức là Persil đã thực hiện chiến dịch Brand Activation mang tên “Messy Adventure”. Mục tiêu chiến dịch nhằm quảng bá công dụng tẩy sạch mọi vết bẩn của sản phẩm bột giặt Persil. 

Ý tưởng của chiến dịch này đã được quảng bá dưới hình thức marketing Through The Line (TTL – loại hình quảng cáo 360 độ kết hợp ATL và BTL). Ba triệu gói bột giặt Persil mang thông điệp chiến dịch và được quảng bá trên mạng xã hội với hashtag #MessyAdventure. 

Đối với marketing offline, Persil sử dụng các biểu ngữ với những nội dung đa dạng, đồng thời gắn thông điệp trên ba triệu gói bột giặt để thu hút sự chú ý của khách hàng. Ngoài ra, nhân viên tại cửa hàng cũng thông báo cho các khách hàng về chương trình mới này để khách hàng hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra. 

Quảng cáo offline giúp khách dễ dàng phân biệt và nhận biết sản phẩm ngay lập tức, do đó mang lại lợi thế cạnh tranh lớn hơn với các sản phẩm của thương hiệu khác trên kệ.

Về marketing online, Persil sử dụng hình ảnh những gói bột giặt mang thông điệp để quảng bá trên mạng xã hội và gắn hashtag #MessyAdventure. Đồng thời Persil đã hợp tác với người đại diện văn chương Roald Dahl để viết cốt truyện cho một trò chơi mang tên “Messy Adventure” dành cho các em nhỏ. 

Trò chơi sử dụng công nghệ mobile để khuyến khích trẻ nhỏ ra ngoài và khám phá thế giới xung quanh. Mặc dù trò chơi dành cho trẻ em, nhưng nó đã giúp thương hiệu tiếp cận gián tiếp nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu cuối cùng – cha mẹ của họ.

Các em nhỏ khám phá cuộc phiêu lưu cùng Persil trên điện thoại
Các em nhỏ khám phá cuộc phiêu lưu cùng Persil trên điện thoại

6. Tổng kết

Hoạt động Brand Activation có thể xuất hiện dưới mọi hình thức, từ tổ chức roadshow, sự kiện tài trợ cho đến đến trò chơi điện tử thực tế ảo. Miễn chiến dịch giúp bạn thành công truyền tải thông điệp về thương hiệu của mình theo một cách độc đáo và ấn tượng thì đó chính là Brand Activation. 

Brand Activation cũng là công cụ cần thiết giúp mọi doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ thân thiết với khách hàng của mình, từ đó nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường và gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Tác giả: Hoàng Thu Thủy


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả