Marketing Inbound Marketing 5 bước xây dựng thương hiệu cá nhân trên Youtube cho CEO...

Đối với các CEO, xây dựng thương hiệu cá nhân là yếu tố quan trọng để thu hút các cơ hội kinh doanh và định vị quyền lực trên thương trường. Với sự phát triển của mạng xã hội, ngày càng nhiều nhà lãnh đạo mở rộng tầm ảnh hưởng tới công chúng. Và Youtube với hơn 2 tỷ người dùng hàng tháng và hàng trăm triệu giờ xem video mỗi ngày, đang được xem là “mảnh đất vàng” để các CEO xây dựng thương hiệu cá nhân. 

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp 5 bước cơ bản giúp các nhà lãnh đạo thể hiện bản sắc cá nhân trên YouTube. 

1. Xây dựng thương hiệu cá nhân trên Youtube là gì? 

Thương hiệu cá nhân là một khái niệm được nhắc đến khá nhiều trong kinh doanh và marketing. Jeff Bezos, nhà sáng lập của Amazon có một câu nói nổi tiếng thế này: “Your personal brand is what people say about you when you’re not in the room.” Thương hiệu cá nhân là những gì người khác nói về bạn khi bạn không có mặt ở đó. Nói cách khác, đó là câu trả lời cho câu hỏi “Bạn là ai” trong nhận thức của người xung quanh. 

Như vậy, xây dựng thương hiệu cá nhân trên Youtube là cách một người khiến người khác nhìn nhận và đánh giá về mình theo cách người đó mong muốn thông qua nền tảng Youtube. 

Đối với CEO của các doanh nghiệp, khả năng cao họ đã có thương hiệu cá nhân ngay cả khi họ không chủ động tạo ra nó. Bởi hình ảnh của họ có thể gắn với hình ảnh doanh nghiệp và các bên liên quan. Tuy nhiên, việc chủ động xây dựng thương hiệu sẽ giúp CEO kiểm soát được hình ảnh, danh tiếng trong lĩnh vực của mình. Đồng thời định hướng các giá trị có tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

2. Tại sao Youtube là nền tảng lý tưởng để xây dựng thương hiệu cá nhân? 

Tại sao youtube là nền tảng lý tưởng xây dựng thương hiệu cá nhân
Tại sao youtube là nền tảng lý tưởng xây dựng thương hiệu cá nhân

2.1 Cộng đồng người dùng lớn nhất

YouTube là nền tảng mạng xã hội có cộng đồng người dùng khổng lồ, nơi tập trung của hàng tỷ người dùng trên toàn cầu. Với hơn 1 tỷ giờ video được xem mỗi ngày và hơn 500 giờ video mới được tải lên lên mỗi phút (theo thống kê của MMIC), YouTube mang đến cơ hội tiếp cận đối tượng mục tiêu rộng rãi và đa dạng. 

Lợi thế này giúp CEO vừa truyền thông được hình ảnh cá nhân của mình vừa đưa thương hiệu công ty tới đông đảo khách hàng tiềm năng. Thông qua thương hiệu cá nhân của CEO mà có thể người dùng mới chú ý tới doanh nghiệp hay những sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

2.2 Dễ dàng tiếp cận và tương tác với đối tượng mục tiêu

YouTube cung cấp một giao diện dễ sử dụng, cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm, xem và tương tác với nội dung. Với tính năng bình luận, thả tim, đăng ký kênh và chia sẻ, YouTube tạo ra một môi trường tương tác động, cho phép CEO và nhà quản lý cấp cao giao tiếp trực tiếp với khán giả. Quá trình này giúp xây dựng sự tương tác thường xuyên và trực tiếp, gần gũi từ đó, tạo lòng tin và sự ủng hộ từ đối tượng mục tiêu. Đây là tiền đề cho việc chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành người mua trung thành cho công ty. 

2.3 Không giới hạn việc sáng tạo nội dung 

Simon Sinek chia sẻ về người lãnh đạo trên TED
Simon Sinek chia sẻ về người lãnh đạo trên TED

YouTube không đặt ra giới hạn đối với việc sản xuất nội dung và cho phép chủ doanh nghiệp nói về bản thân theo nhiều cách độc đáo và sáng tạo.  CEO và nhà quản lý cấp cao hoàn toàn tự do để tạo ra các loại video phù hợp với mục tiêu và giá trị của thương hiệu cá nhân. Từ những bài diễn thuyết, hướng dẫn chuyên môn đến nội dung giải trí, CEO có thể thể hiện cá tính và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình một cách độc đáo, hấp dẫn.

Simon Sinek là một diễn giả, nhà tư vấn kinh doanh nổi tiếng thế giới với 1,67 triệu follow trên youtube. Ông nổi tiếng với các video chia sẻ về tư duy kinh doanh, tư duy lãnh đạo, tạo động lực làm việc trên TED và chính kênh youtube của Simon Sinek.

Những nội dung chia sẻ này thu hút người xem bởi những khái niệm phức tạp được giải thích bằng ví dụ thực tế và câu chuyện có sức thuyết phục cao. Nội dung của ông không chỉ tập trung vào các khía cạnh kinh doanh mà còn khám phá những yếu tố nhân văn và tâm lý học ảnh hưởng đến sự thành công của các doanh nhân và nhà lãnh đạo.

3. 5 Bước xây dựng thương hiệu cá nhân trên youtube

3.1 Xác định mục tiêu xây dựng thương hiệu cá nhân 

Với tư cách là người dẫn dắt doanh nghiệp đi đến thành công, danh tiếng, uy tín của CEO chắc chắn chắn rất quan trọng với khách hàng và đối tác. Theo nghiên cứu của Linkedin, 56% chuyên gia cho rằng sự hiện diện của CEO trên mạng xã hội có ảnh hưởng tích cực tới quyết định mua hàng và 66% sẽ giới thiệu cho bạn bè nếu họ theo dõi CEO công ty trên mạng xã hội. 

Chính vì thế, việc CEO xây dựng thương hiệu cá nhân trên youtube không chỉ là xây dựng lòng tin với công chúng về bản thân mà còn là niềm tin với thương hiệu doanh nghiệp. 

Một số mục tiêu xây dựng thương hiệu trên youtube bao gồm: 

  • Mục tiêu thương hiệu doanh nghiệp: Đó có thể là tăng nhận diện thương hiệu, tăng lượng truy cập vào website, thu hút khách hàng mới tăng doanh số bán hàng, xây dựng mối quan hệ với khách hàng, v.v.
  • Mục tiêu thương hiệu cá nhân: Trở thành người ảnh hưởng trong giới, định hướng dư luận, đem lại giá trị hữu ích cho cộng đồng…Từ đó, CEO cần xác định loại nội dung để phù hợp với mục tiêu trên. 

Ví dụ, nếu CEO là người làm kinh doanh trong lĩnh vực đào tạo, mục tiêu có thể là thu hút sự quan tâm, theo dõi của khách hàng tiềm năng. Từ đó khẳng định uy tín chất lượng dịch vụ đào tạo của công ty. 

5 bước xây dựng thương hiệu cá nhân trên youtube
5 bước xây dựng thương hiệu cá nhân trên youtube
? Tải hướng dẫn cách xây dựng thương hiệu cá nhân trên Youtube cho CEO

3.2 Xác định công chúng mục tiêu

Công chúng mục tiêu là đối tượng mà một người muốn chia sẻ thương hiệu cá nhân với họ. Đối với CEO, đối tượng này có thể bao gồm đối tác, nhà đầu tư, khách hàng tiềm năng và các bên liên quan khác. 

Khi quyết định tập trung vào đối tượng nào trên youtube, CEO nên dựa trên 2 vấn đề: 

Để hình thành chân dung công chúng mục tiêu, hãy trả lời các câu hỏi sau: 

  • Có những nhóm đối tượng mục tiêu nào? 
  • Đặc điểm của từng nhóm là gì? Ví dụ về độ tuổi, giới tính, sở thích, nhu cầu, và vị trí địa lý, ngành nghề
  • Mục tiêu tìm hiểu thông tin thuộc lĩnh vực này là gì? 

Youtube hỗ trợ người dùng tính năng phân đối tượng xem một cách chi tiết cụ thể, từ giới tính, độ tuổi, khu vực địa lý, cho đến hành vi xem và tương tác với nội dung. Các CEO có thể hiểu công chúng mục tiêu thông qua dữ liệu phân tích của Youtube.

Dữ liệu phân tích Người xem trên kênh của người dùng của Youtube
Dữ liệu phân tích Người xem trên kênh của người dùng của Youtube

Ví dụ, một CEO của công ty đầu tư công nghệ có thể xác định đối tượng mục tiêu bao gồm các nhà đầu tư tiềm năng, người khởi nghiệp, các nhà quản lý cấp cao và những người quan tâm đến lĩnh vực công nghệ và đầu tư với các đặc điểm như:

  • Độ tuổi: từ 30 đến 45 tuổi, đa số là các nhà đầu tư và doanh nhân trẻ tuổi.
  • Sở thích: quan tâm đến công nghệ, đầu tư, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
  • Nhu cầu: muốn tìm hiểu về các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, các chiến lược quản lý và các bước để thành công trong việc khởi nghiệp công nghệ.
  • Vị trí địa lý: có thể là quốc tế hoặc tập trung vào các thị trường công nghệ lớn như Mỹ, Trung Quốc, và châu Âu.
? Tải hướng dẫn cách xây dựng thương hiệu cá nhân trên Youtube cho CEO

3.3 Xác định giá trị độc đáo (Unique Value Proposition)

Theo thống kê của youtube năm 2022, có 51 triệu kênh youtube đã được tạo ra. Với số lượng người sáng tạo nội dung khổng lồ như vậy thì đâu là lý do người xem nhớ đến một người nào đó. Chính vì thế, thương hiệu cá nhân trên youtube nên phản ánh những điểm mạnh, kinh nghiệm và giá trị độc đáo của CEO. Đâu là giá trị khiến cho nhà quản lý trở nên nổi bật và khác biệt với các CEO của đối thủ cạnh tranh. 

Ở bước này, có có hai vấn đề cần CEO và nhà quản lý trả lời: 

  • Thứ nhất, những yếu tố nào làm CEO nổi bật trong lĩnh vực kinh doanh và đặc điểm khác biệt nào mà chỉ mình có?
  • Thứ hai, CEO của đối thủ cạnh tranh đang lựa chọn giá trị khác biệt nào để chia sẻ cho công chúng?
  • Thứ ba, các giá trị khác biệt của CEO có đáp ứng nhu cầu xem và tìm hiểu không? 
  • Thứ tư, giá trị này có phù hợp với giá trị mà doanh nghiệp đang theo đuổi không? 

Cách xây dựng thương hiệu cá nhân của doanh nhân người Mỹ Gary Vaynerchuk-“GaryVee” là một ví dụ điển hình. Ông được biết đến với câu chuyện vượt khó thành công. Từ một cậu bé nghèo thành ông trùm truyền thông kỹ thuật số. Hình ảnh nhận diện của GaryVee trên các video youtube rất giản dị với chiếc áo phông và mũ lưỡi trai. Cách ông chia sẻ cũng vô cùng trực tiếp và thẳng thắn. Gary không ngại chia sẻ những câu chuyện thành công và thất bại của mình, từ những thử thách trong kinh doanh đến cuộc sống cá nhân.

Đọc thêm: Cách xây dựng kênh YouTube cho doanh nghiệp từ con số 0

Hình ảnh quen thuộc của GaryVee trên Youtube
Hình ảnh quen thuộc của GaryVee trên Youtube
? Tải hướng dẫn cách xây dựng thương hiệu cá nhân trên Youtube cho CEO

3.4 Xây dựng chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân trên youtube

Sau khi xác định các yếu tố nền tảng như mục tiêu, công chúng mục tiêu và giá trị độc đáo, nhà quản lý cần lên một chiến lược cụ thể bao gồm các nội dung chính sau: 

  • Loại nội dung
  • Hình tượng và phong cách 
  • Kênh đăng tải và tần suất 
  • Truyền thông 
? Tải hướng dẫn cách xây dựng thương hiệu cá nhân trên Youtube cho CEO

3.4.1 Loại nội dung 

Nội dung là một yếu tố xây dựng thương hiệu cá nhân mạnh mẽ trên youtube. Bởi đó là thứ dễ dàng tiếp cận người dùng và cũng là căn cứ để youtube thúc đẩy các video có hình ảnh của CEO. Một lưu ý quan trọng khi lựa chọn loại nội dung là cần dựa trên các giá trị độc đáo đã xác định trước đó. Các nhóm nội dung nên tận dụng những hiểu biết sâu sắc về ngành nghề đang kinh doanh, kinh nghiệm chuyên môn của CEO và cũng thuộc lĩnh vực mà công chúng mục tiêu quan tâm. 

Youtube là nền tảng không giới hạn khả năng sáng tạo của người dùng. Do đó nhà CEO và nhà quản lý có thế áp dụng một số loại nội dung như sau: 

  • Chia sẻ kiến thức chuyên môn: CEO có thể tạo nội dung xoay quanh việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực đang kinh doanh. Nội dung này có thể thể hiện qua các hình thức như: podcast, video ngắn, video tips 
  • Câu chuyện thành công và thất bại: CEO có thể chia sẻ câu chuyện về hành trình tới thành công và những thử thách mà họ đã trải qua trong sự nghiệp. Việc chia sẻ câu chuyện thực tế giúp tạo lòng tin về những giá trị truyền tải về sau.
  • Phỏng vấn chuyên gia và đối tác: CEO có thể mời các chuyên gia trong ngành hoặc các đối tác kinh doanh để tham gia vào các buổi phỏng vấn trên kênh YouTube của mình. Điều này không chỉ mang lại giá trị cho người xem mà còn tăng thêm sự đa dạng và sâu sắc trong nội dung của kênh.
  • Tham gia show: Tham gia các show, diễn đàn trên youtube do đơn vị khác tổ chức để gia tăng danh tiếng của mình ví dụ như sharktank, Vietcetera podcast…
  • Youtube Live: CEO có thể tổ chức các live trên YouTube để chia sẻ kiến thức và tương tác trực tiếp với khán giả.

3.4.2 Định hình phong cách và hình tượng

Khi xây dựng thương hiệu cá nhân trên youtube, CEO nên lựa chọn một hình tượng và phong cách thể hiện nhất quán. Việc nhất quán này giúp nền tảng hiểu điều CEO mong muốn và giúp phân phối nội dung tới đúng đối tượng mục tiêu. 

Phong cách này thể hiện nét tính cách riêng của nhà quản lý và nên phù hợp với ngành kinh doanh và hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp. CEO có thể chọn phong cách chuyên nghiệp, thẳng thắn, thân thiện, hoặc hài hước tùy thuộc vào lĩnh vực và đối tượng mục tiêu. 

Một số hình tượng thương hiệu cá nhân mà CEO có thể tham khảo như: 

  • Chuyên gia: Hình tượng chuyên gia là người định hướng trong lĩnh vực của mình và thường là người có nhiều kinh nghiệm và thành tựu. Ví dụ: Mark Cuban, CEO của AXS TV và chương trình “Shark Tank,” được biết đến là một nhà đầu tư thành công và chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp. Trên kênh YouTube của mình, ông chia sẻ kiến thức về kinh doanh, đầu tư cho những người muốn khởi nghiệp.
  • Người truyền cảm hứng: Hình tượng này tập trung vào nội dung truyền cảm hứng cho người xem và thường được các doanh nhân tham gia viết sách áp dụng. Gary Vaynerchuk, CEO của VaynerMedia là một người điển hình với phong cách này. 
  • Người bạn: Hình tượng này tạo dựng một cảm giác gần gũi và thân thiện, giúp CEO tương tác và kết nối với người xem như một người bạn đồng hành. Casey Neistat, một nghệ sĩ đạo diễn và nhà sáng lập ứng dụng Beme, đã xây dựng một hình ảnh người bạn thân thiện và hài hước trên kênh YouTube của mình. Anh chia sẻ những trải nghiệm cá nhân, cuộc sống hàng ngày và hướng dẫn về nghệ thuật làm video, tạo nên một sự gần gũi và tương tác với người xem.

3.4.3 Kênh đăng tải và tần suất 

Về kênh đăng tải, tùy thuộc vào mục tiêu vào xây dựng thương hiệu cá nhân trên youtube của nhà quản lý mà có thể lựa chọn các kênh (channel) đăng tải khác nhau: 

  • Kênh sở hữu: Đây là kênh YouTube do CEO sở hữu và quản lý trực tiếp. Kênh này thường đặt chính tên của CEO và là nơi đăng tải nội dung liên quan đến thương hiệu cá nhân của riêng nhà quản lý. Kênh sở hữu cho phép nhà quản lý có toàn quyền kiểm soát nội dung, thiết kế và tạo dựng hình ảnh thương hiệu cá nhân một cách đặc trưng nhất.
  • Kênh YouTube của doanh nghiệp: Đây là kênh YouTube thuộc sở hữu của doanh nghiệp mà CEO đang làm việc. Nhà quản lý có thể xuất hiện trên kênh này để chia sẻ thông tin về tầm nhìn, câu chuyện thương hiệu, dự án của doanh nghiệp. Đồng thời tạo sự liên kết giữa thương hiệu cá nhân và thương hiệu của công ty. 
  • Kênh của bên thứ ba: Đây là kênh YouTube thuộc sở hữu của một bên thứ ba, chẳng hạn như đối tác liên kết, đối tác truyền thông. Nhà quản lý có thể được mời hoặc tham gia vào các kênh này để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và giá trị độc đáo của mình với một đối tượng mục tiêu rộng hơn trên kênh youtube hợp tác này. 

Đối với tần suất đăng tải, nó được xác định thông qua kế hoạch nội dung hàng tuần hoặc hàng tháng. Nhà quản lý cần lên lịch và quyết định về số lượng video và thời điểm đăng tải phù hợp để duy trì sự liên tục và tương tác với khán giả. Tần suất đăng tải có thể thay đổi tùy thuộc vào tính chất của nội dung, khả năng sản xuất và tài nguyên có sẵn. Tuy nhiên, quan trọng là duy trì một lịch đăng tải ổn định và đáp ứng sự mong đợi của khán giả.

3.4.4 Truyền thông về thương hiệu cá nhân trên youtube 

Truyền thông là hoạt động mấu chốt giúp thương hiệu cá nhân của CEO được lan tỏa trên YouTube. Sau đây là một số mẹo giúp các nội dung về thương hiệu cá nhân của nhà quản lý tiếp cận sâu rộng đến công chúng mục tiêu: 

  • Chia sẻ lên mạng xã hội khác: sử dụng các kênh truyền thông khác như website, blog, facebook, tikok để giới thiệu kênh và kêu gọi theo dõi. Đồng thời, cần tạo liên kết giữa các kênh truyền thông để tăng tương tác và tạo sự nhận diện thương hiệu. 
  • Chạy quảng cáo youtube, google: Sử dụng công cụ quảng cáo của YouTube và Google để tiếp cận một lượng người xem lớn hơn. Bằng cách định rõ mục tiêu và tối ưu hóa quảng cáo, bạn có thể thu hút sự chú ý của đúng đối tượng mà bạn muốn nhắm đến.
  • Hợp tác: Xem xét hợp tác với các YouTuber khác hoặc các nhân vật có sự nghiệp thành công trong lĩnh vực của bạn. Việc hợp tác có thể mang lại lợi ích lớn bằng cách chia sẻ nguồn lưu lượng và tạo sự tương tác giữa các kênh.
  • Tối ưu hóa SEO trên YouTube: Đảm bảo rằng tiêu đề, mô tả và từ khóa của video được tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm của YouTube. Nghiên cứu từ khóa phù hợp và sử dụng chúng một cách thông minh trong nội dung của bạn để thu hút sự quan tâm của khán giả.

Tải bộ Ebook hướng dẫn xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO & quản lý cấp cao

Cuốn ebook sẽ hướng dẫn chi tiết, cụ thể các bước lên kế hoạch và triển khai, phù hợp với đặc trưng từng kênh mạng xã hội trong xây dựng thương hiệu cá nhân cho các CEO. Qua đó, giúp CEO khẳng định vị thế, gắn kết một cách sâu rộng với cộng đồng mạng và tăng cường giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp mình đại diện.

xây dựng thương hiệu cá nhân cho ceo
Bấm vào ảnh để tải bộ ebook hướng dẫn xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO và quản lý cấp cao

4. Những kênh youtube xây dựng thương hiệu cá nhân đáng học hỏi

4.1 Tony Robbins 

Tony Robbins là một doanh nhân, huấn luyện viên cuộc sống (life coach) và diễn giả truyền động lực toàn cầu. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Đánh thức năng lực vô hạn” và “Đánh thức con người phi thường trong bạn”. Với thành công và sức ảnh hưởng của mình, Tony Robbins đã trở thành tác giả bán chạy nhất và là Phó Chủ Tịch HĐQT của năm tập đoàn. Ông cũng rất nổi tiếng với khả năng tạo động lực mạnh mẽ và khuyến khích người khác vượt qua giới hạn và đạt được thành công trong cuộc sống.

Kênh youtube của Tony Robbins sở hữu 1,67 triệu người theo dõi. Nội dung chủ yếu tập trung vào các video về phát triển cá nhân, tư duy tích cực, kỹ năng lãnh đạo, chìa khóa thành công. Các nội dung này cũng được chia sẻ trên tài khoản facebook 6,3 triệu follow của ông và nhận về lượt tương tác chóng mặt. Ví dụ như video phỏng vấn người AI- Sophia với 2,5 triệu lượt xem và gần 40 nghìn lượt tương tác. 

Kênh youtube của Tony Robbins
Kênh youtube của Tony Robbins

Đối tượng mục tiêu: Kênh hướng đến người làm kinh doanh, những người quan tâm đến việc phát triển bản thân, tìm kiếm sự thay đổi để đạt được thành công trong cuộc sống.

Điều gì làm kênh nổi bật và đáng học hỏi? 

Nội dung đa dạng và chân thực: Kênh có nhiều loại nội dung như podcast, show truyền hình, buổi live diễn thuyết, các chủ đề thảo luận có sự tham gia của các khách mời nổi tiếng khác. Đặc biệt, tại các buổi diễn thuyết trực tiếp, sự xuất hiện của Tony vô cùng sinh động và hấp dẫn.

Sự kiện phát trực tiếp: Tận dụng hình thức live của youtube, Tony mở các buổi diễn thuyết online với sự tham gia của hàng nghìn người trên khắp nơi trên thế giới. Hình thức này tạo ra sự tương tác trực tiếp và lan tỏa mạnh mẽ trên môi trường internet. Qua đó, lan rộng sức ảnh hưởng trên youtube. Đó cũng chính là lý do giúp ông bán được rất nhiều sách do mình xuất bản. 

Hình ảnh một buổi live trên youtube của Tony Robbins
Hình ảnh một buổi live trên youtube của Tony Robbins

4.2 Thái Vân Linh 

Thái Vân Linh hay còn được biết đến với cái tên Shark Linh, là một trong những nữ doanh nhân thành đạt hiện nay. Chị đã giữ nhiều vị trí quan trọng và đạt được thành công đáng kể kể từ khi trở về Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp khởi nghiệp.

Với sự xuất sắc của mình, Shark Linh từng đảm nhận vai trò CEO của Quỹ đầu tư Việt Nam (DFJ VinaCapital) và CEO của công ty cổ phần Vingroup Ventures. Ngoài ra, cô còn là người sáng lập của thương hiệu thời trang nữ thành công như Rita Phil. Với hơn 23 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, marketing và vận hành, Linh đã tích lũy được một sự am hiểu sâu sắc về các khía cạnh quản lý và phát triển doanh nghiệp. 

Shark Linh sở hữu kênh youtube với gần 26 nghìn subscribe. Chị xây dựng hình tượng “Doanh nhân – Nhà đầu tư – Cố vấn – Người mẹ”. Chính vì thế phong cách thể hiện nội dung hết sức chân thực, gần gũi và thân thiện. Các nội dung xoay quanh việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về quản lý tài chính cá nhân, đầu tư, và xây dựng một tương lai tài chính ổn định. Bên cạnh đó, chị đưa lời khuyên để các bạn trẻ phát triển thành công trong sự nghiệp và cuộc sống

Trang chủ kênh youtube “Thái Vân Linh”
Trang chủ kênh youtube “Thái Vân Linh”

Đối tượng mục tiêu: Kênh hướng đến những người trẻ, nhân viên văn phòng, những người quan tâm đến tài chính cá nhân, đầu tư. Họ muốn xây dựng sự nghiệp và có tài chính ổn định. 

Điều gì làm kênh nổi bật và đáng học hỏi? 

Phong cách gần gũi, thân thiện và cởi mở: Shark Thái Vân Linh tạo được ấn tượng với người xem bằng sự gần gũi, thân thiện và nụ cười tươi tắn. Chị tạo một cảm giác hết sức thoải mái dễ chịu cho người xem. 

Nội dung đa dạng và có tính hệ thống: Kênh của Shark Linh chia sẻ 3 nhóm nội dung chính bao gồm: đầu tư tài chính, phát triển sự nghiệp và kỹ năng cuộc sống. Các nội dung này dựa trên nhiều năm kinh nghiệm làm việc về đầu tư tài chính và cuộc sống của chị. Sự đa dạng và liên kết giữa các nội dung này giúp người xem tiếp cận và áp dụng kiến thức một cách có hệ thống. 

Đặc biệt, các nhóm nội dung này đều liên kết với khóa học mà chị Linh trực tiếp đào tạo như nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý hiệu suất. Thông qua youtube chị thu hút được lượng lớn khách hàng tiềm năng cho các khóa đào tạo này. 

Khóa học Skills Bride của Thái Vân Linh
Khóa học Skills Bride của Thái Vân Linh
Kênh youtube “Thái Vân Linh”
Kênh youtube “Thái Vân Linh”

Mời chuyên gia từ nhiều lĩnh vực: Shark Linh thường mời các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia chia sẻ kinh nghiệm trên kênh của mình. Một số chuyên gia nổi bật như chị Nguyễn Phi Vân – chuyên gia nhượng quyền và Chủ tịch của Hiệp hội đầu tư thiên thần Việt Nam, CEO Shopee Trần Tuấn Anh, Phoebe Trần – Giám đốc điều hành toàn quốc của Crimson Education Việt Nam.

Sự xuất hiện của những chuyên gia uy tín từ các lĩnh vực khác nhau làm tăng thêm độ tin cậy và hấp dẫn cho nội dung của kênh, đồng thời khẳng định tầm ảnh hưởng và uy tín của Shark Linh trong giới kinh doanh.

5. Lưu ý khi xây dựng thương hiệu cá nhân trên YouTube

5.1 Content có chất riêng

Để thu hút và giữ chân khán giả, CEO cần đảm bảo rằng nội dung trên kênh YouTube mang đậm dấu ấn cá nhân và phản ánh giá trị độc đáo mà họ đem lại. Đồng thời, các nhà quản lý nên tập trung vào những lĩnh vực mà họ có kiến thức sâu rộng. Kiến thức này không xa rời giá trị chung của doanh nghiệp và mang giá trị hữu ích cho người xem.

Một kênh YouTube về làm bánh có thể tạo nội dung với phong cách sáng tạo như hướng dẫn làm bánh với lời bình về một câu chuyện cuộc sống của chủ kênh hoặc làm thơ, câu đối.

5.2 Nội dung nhất quán

Duy trì sự nhất quán là yếu tố quan trọng để CEO xây dựng một trải nghiệm liên tục và có hệ thống cho người xem. Điều này giúp tạo dựng hệ thống nội dung liên quan và khẳng định bản quyền thương hiệu cá nhân của bạn. Từ lựa chọn âm nhạc, màu sắc, đến phong cách thể hiện, tất cả đều cần phù hợp và nhất quán. 

Bên cạnh đó, CEO nên đảm bảo rằng mọi video đều phản ánh giá trị và thông điệp cốt lõi của thương hiệu cá nhân. Đồng thời, tuân thủ lịch trình đăng tải đều đặn để khán giả luôn nhận được nội dung mới.

5.3 Liên kết với các nền tảng mạng xã hội khác

Khi xây dựng thương hiệu cá nhân trên YouTube, việc liên kết với các nền tảng mạng xã hội khác giúp nhà quản lý mở rộng phạm vi tương tác và tăng cường tầm ảnh hưởng của thương hiệu cá nhân trên mọi mặt trận truyền thông. 

CEO có thể chia sẻ các video từ kênh YouTube trên Facebook, Twitter và LinkedIn để thu hút đông đảo khán giả. Ngoài ra, hãy tích hợp các liên kết và biểu trưng mạng xã hội vào mô tả kênh và video của CEO trên Youtube. 

Quản lý chiến dịch Marketing hiệu quảDùng thử ngay miễn phí MISA AMIS aiMarketing

5.4 Liên hệ chặt chẽ với hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp

CEO cần đảm bảo rằng nội dung trên kênh YouTube phù hợp với hình ảnh và giá trị của doanh nghiệp mà họ làm việc. Các video và thông điệp truyền tải trên kênh YouTube nên phản ánh và gắn kết với giá trị cốt lõi, sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp. Sự liên hệ chặt chẽ này giúp xây dựng lòng tin và tạo dựng mối quan hệ mạnh mẽ giữa thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp. 

Kết luận

Xây dựng thương hiệu cá nhân trên YouTube là một cơ hội tuyệt vời để CEO và quản lý cấp cao thể hiện chuyên môn, kiến thức và tầm ảnh hưởng tích cực trong lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên đây sẽ là một công việc đòi hỏi sự chăm chỉ và kiên nhẫn. Hãy lên kế hoạch thật cụ thể và chi tiết để đảm bảo kênh đi đúng theo định hướng và mục tiêu ban đầu. 

Tác giả: Trần Thị Như

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]