Chiến lược kinh doanh của Kinh Đô: Bán mình và trở lại mạnh mẽ

18/05/2021
13743

Kinh Đô là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu về sản xuất bánh kẹo tại Việt Nam. Để đạt được những thành công như hiện nay, Kinh Đô đã triển khai và xây dựng những chiến lược kinh doanh hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu và phân tích chiến lược kinh doanh của Kinh Đô qua bài viết dưới đây.

Giới thiệu về công ty cổ phần Kinh Đô

Lịch sử hình thành và phát triển

Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô được thành lập vào năm 1993, bắt đầu với một phân xưởng sản xuất bánh snack nhỏ tại Phú Lâm, Quận 6, TP.HCM, với vốn đầu tư 1,4 tỷ VNĐ và khoảng 70 công nhân viên.

Sau khi mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư vào các dây chuyền hiện đại và giới thiệu nhiều sản phẩm mới như kẹo cứng, bánh cookies, bánh cracker, kẹo chocolate, thương hiệu Kinh Đô phát triển ngày càng mạnh mẽ và trở thành đơn vị sản xuất và chế biến bánh kẹo hàng đầu tại thị trường với 7 năm liên tục được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao.

chiến lược kinh doanh của kinh đô
Logo trước đây của thương hiệu Kinh Đô.

Sau 20 năm phát triển, đến năm 2013, hệ thống kênh phân phối của Kinh Đô đã vươn rộng khắp mọi miền đất nước, cùng 4 nhà máy và 5 công ty về thực phẩm tại Việt Nam. Sản phẩm của Kinh Đô đã được xuất khẩu sang thị trường trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Đông, Singapore, Đài Loan, với kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 10 triệu USD vào năm 2003.

Hai năm sau, thương hiệu Kinh Đô bất ngờ bán lại mảng bánh kẹo cho Mondelēz International với giá khoảng 370 triệu USD (gần 8.000 tỷ đồng) và đổi tên thành KIDO. Đến năm 2020, ngay sau khi hợp đồng nguyên tắc hết hiệu lực, Kinh Đô với cái tên mới KIDO đã ngay lập tức trở lại đường đua một cách mạnh mẽ, thậm chí cạnh tranh trực tiếp với Mondelēz (trong bài viết sẽ tiếp tục sử dụng tên Kinh Đô để chỉ tập đoàn KIDO hiện nay). 

Văn hoá doanh nghiệp của công ty Kinh Đô

Văn hóa doanh nghiệp của công ty Kinh Đô được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa năng lực toàn cầu và tài năng con người tại địa phương. Doanh nghiệp Kinh Đô chú trọng phát triển bền vững, coi đây là một phần không thể tách rời của văn hóa doanh nghiệp. Cam kết của Kinh Đô về phát triển bền vững bao gồm ba trọng tâm: nguyên liệu bền vững, bao bì bền vững và các sáng kiến môi trường bền vững.

Kết quả kinh doanh của công ty Kinh Đô

Tình hình kinh doanh của công ty Kinh Đô đạt được những kết quả đáng kể trong những năm qua. Theo báo cáo tài chính quý II/2023, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 651 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính và mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm.

Tuy nhiên, trong năm 2023, kết quả kinh doanh của công ty Kinh Đô có sự thụt giảm. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Kinh Đô là 74,87 tỷ đồng, giảm 310,29 tỷ đồng so với năm 2022, tương ứng giảm 80,56%.

Mặc dù tình hình kinh doanh của công ty Kinh Đô có những biến động, thương hiệu này vẫn duy trì vị thế là một trong những nhà sản xuất bánh kẹo hàng đầu tại Việt Nam, với thị phần đáng kể và sự đa dạng trong sản phẩm.

Phân tích bối cảnh kinh doanh của Kinh Đô

Trước khi phân tích về chiến lược kinh doanh của Kinh Đô, hãy cùng tìm hiểu về những yếu tố ngoại cảnh như môi trường vĩ mô của công ty Kinh Đô và đối thủ cạnh tranh của Kinh Đô:

Môi trường vĩ mô của công ty Kinh Đô

Môi trường vĩ mô của công ty Kinh Đô chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, công nghệ, và xã hội. Dưới đây là phân tích theo mô hình PESTLE:

Political (Chính trị):

  • Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: Chính phủ Việt Nam khuyến khích phát triển ngành thực phẩm, đặc biệt trong việc tăng cường sản xuất và xuất khẩu thực phẩm chế biến.
  • Quy định về an toàn thực phẩm: Doanh nghiệp Kinh Đô phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất và phân phối.
  • Thuế nhập khẩu: Hiệp định thương mại tự do (FTA) làm giảm thuế nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm quốc tế. Điều này tạo áp lực cạnh tranh cho Kinh Đô khi phải đối mặt với các thương hiệu ngoại nhập.

Economic (Kinh tế):

  • Tăng trưởng kinh tế: Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định với thu nhập bình quân đầu người tăng lên, tạo cơ hội cho Kinh Đô tiếp cận các phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và khá.
  • Lạm phát: Biến động giá nguyên vật liệu (như bột mì, đường, dầu ăn) có thể làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.
  • Xu hướng tiêu dùng thực phẩm: Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho thực phẩm chất lượng cao, an toàn và tiện lợi, phù hợp với chiến lược của Kinh Đô.

Social (Xã hội):

  • Sự thay đổi lối sống: Xu hướng tiêu dùng tiện lợi và nhanh chóng (snack, bánh đóng gói) tăng mạnh. Điều này phù hợp với danh mục sản phẩm của Kinh Đô.
  • Văn hóa lễ hội: Các dịp lễ như Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán là thời điểm quan trọng cho doanh thu của Kinh Đô, đặc biệt với các sản phẩm như bánh trung thu và giỏ quà Tết.
  • Ý thức sức khỏe: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm ít đường, ít chất béo và có giá trị dinh dưỡng cao. Đây là thách thức buộc Kinh Đô phải điều chỉnh công thức sản phẩm.

Technological (Công nghệ):

  • Đổi mới công nghệ sản xuất: Doanh nghiệp Kinh Đô đã đầu tư mạnh vào công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng và tính năng của sản phẩm. Các dây chuyền sản xuất được nâng cấp để đạt tiêu chuẩn quốc tế.
  • Thương mại điện tử: Sự bùng nổ của các nền tảng mua sắm trực tuyến tạo cơ hội cho Kinh Đô mở rộng kênh phân phối và tiếp cận khách hàng nhanh hơn.

Legal (Pháp lý):

  • Quy định an toàn thực phẩm: Doanh nghiệp Kinh Đô phải đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng nghiêm ngặt từ Bộ Y tế và các cơ quan kiểm tra.
  • Sở hữu trí tuệ: Công ty cần bảo vệ thương hiệu và công thức sản phẩm để tránh rủi ro sao chép, đặc biệt là các sản phẩm bán chạy như bánh trung thu.

Environmental (Môi trường):

  • Bền vững: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến yếu tố môi trường. Doanh nghiệp Kinh Đô đã có những bước đi trong việc cải tiến bao bì bền vững và giảm thiểu tác động môi trường từ sản xuất.
  • Biến đổi khí hậu: Các yếu tố thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt là các nguyên liệu nông sản.

Đối thủ cạnh tranh của Kinh Đô

Lĩnh vực bánh kẹo là một ngành hàng có nhu cầu cao và độ cạnh tranh khá gay gắt. Đối thủ cạnh tranh của Kinh Đô được chia thành 3 nhóm và gồm có những thương hiệu sau:

Đối thủ trực tiếp: Bibica

  • Là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Kinh Đô trong mảng bánh kẹo và nhất là vào thời điểm các dịp lễ như Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán.
  • Thương hiệu này cũng có sản phẩm đa dạng từ bánh kẹo truyền thống đến hiện đại.
  • Giá cả cạnh tranh, mạng lưới phân phối rộng, và sản phẩm mang tính địa phương hóa cao.

Đối thủ trực tiếp: Hữu Nghị Food

  • Tập trung vào bánh kẹo truyền thống và các sản phẩm phục vụ dịp lễ, Tết.
  • Giá thành rẻ, có sự nhận diện tốt ở khu vực miền Bắc.
  • Có lợi thế về mặt giá cả và khả năng cạnh tranh tại các thị trường cấp hai và nông thôn.

Đối thủ gián tiếp: Mondelēz International (thương hiệu quốc tế sở hữu Mondelēz Kinh Đô)

  • Sở hữu các thương hiệu như Oreo, Ritz, và Cadbury, tập trung vào phân khúc bánh kẹo cao cấp.
  • Đội ngũ R&D mạnh mẽ, khả năng tiếp thị toàn cầu, và sức mạnh thương hiệu quốc tế.
  • Mondelēz Kinh Đô là một đối thủ mạnh mẽ trong cả phân khúc cao cấp và trung cấp, khiến Kinh Đô phải duy trì sự khác biệt để cạnh tranh.

Đối thủ gián tiếp: Nestlé và Ferrero

  • Hai thương hiệu quốc tế này nhắm đến phân khúc bánh kẹo cao cấp.
  • Sản phẩm chất lượng cao, nhận diện thương hiệu mạnh, và tập trung vào trải nghiệm cao cấp.
  • Khách hàng trẻ và trung lưu bắt đầu chuyển sang các thương hiệu quốc tế, đặc biệt trong phân khúc quà tặng và sản phẩm cao cấp.

Đối thủ thay thế: Các thương hiệu bánh handmade và nội địa nhỏ lẻ

  • Xu hướng khách hàng chuyển sang các sản phẩm bánh handmade hoặc thương hiệu nội địa nhỏ vì tính độc đáo và cảm giác “nhà làm”.
  • Khách hàng ngày càng ưu tiên sản phẩm sáng tạo và mới lạ, đòi hỏi Kinh Đô phải đầu tư nhiều hơn vào đổi mới.

AMIS CRM – Bộ công cụ tối ưu hoạt động kinh doanh

AMIS CRM là giải pháp phần mềm hỗ trợ các nghiệp vụ bán hàng, giúp doanh nghiệp chăm sóc khách hàng tốt hơn, nâng cao năng suất cho sale, tối ưu hoạt động kinh doanh và bứt phá doanh thu.

Nhứng tính năng nổi bật của AMIS CRM bao gồm:

  • Lưu trữ, quản lý mọi thông tin khách hàng
  • Quản lý nhân viên sale
  • Quản lý nhân viên đi thị trường
  • Tối ưu quy trình bán hàng, phê duyệt
  • Liên thông dữ liệu về tồn kho, công nợ, đơn hàng… với Kế toán
  • Báo cáo doanh số, hiệu suất nhân viên…

Phân tích chi tiết chiến lược kinh doanh của Kinh Đô

Để đạt được vị thế và những thành công như hiện nay, Kinh Đô đã triển khai, xây dựng những chiến lược kinh doanh hiệu quả và thậm chí có những nước đi táo bạo không ai ngờ tới. Vậy chiến lược kinh doanh của công ty Kinh Đô là gì và điểm gì đặc biệt? 

Triết lý kinh doanh của Kinh Đô

Triết lý kinh doanh của Kinh Đô tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm thực phẩm thiết yếu, an toàn, thơm ngon và dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Với nhiệt huyết, óc sáng tạo và tầm nhìn xa, Kinh Đô không chỉ tạo ra mà còn gửi gắm niềm tự hào vào những sản phẩm và dịch vụ của mình, nhằm mang lại cuộc sống trọn vẹn cho khách hàng.

Mục tiêu chiến lược kinh doanh của Kinh Đô

Đối với mục tiêu trong chiến lược kinh doanh của công ty Kinh Đô, thương hiệu này đặt ra những mục tiêu chính như:

  • Với cổ đông: Mang lại mức lợi nhuận tối đa trong dài hạn và thực hiện tốt việc quản lý rủi ro từ đó làm cho cổ đông an tâm với những khoản đầu tư.
  • Với đối tác: Tạo ra những giá trị bền vững cho tất cả các thành viên trong chuỗi cung ứng bằng cách đảm bảo một mức lợi nhuận hợp lý thông qua các sản phẩm, dịch vụ đầy tính sáng tạo. Chúng tôi không chỉ đáp ứng đúng xu hướng tiêu dùng mà còn thỏa mãn được mong ước của khách hàng.
  • Với người tiêu dùng: Ttạo ra những sản phẩm phù hợp, tiện dụng bao gồm các loại thực phẩm thông dụng, thiết yếu, các sản phẩm bổ sung và đồ uống. Kinh Đô cung cấp các thực phẩm an toàn, thơm ngon, dinh dưỡng, tiện lợi và độc đáo cho tất cả mọi người để luôn giữ vị trí tiên phong trên thị trường thực phẩm.

Phạm vi chiến lược kinh doanh của Kinh Đô

Phạm vi chiến lược kinh doanh của công ty Kinh Đô là tập trung vào các đối tượng khách hàng và khu vực, địa lý sẽ cung cấp sản phẩm. Khách hàng mục tiêu của Kinh Đô được phân chia thành hai tệp là khách hàng tiêu dùng cuối cùng và khách hàng trung gian phân phối sản phẩm.

Với tập khách hàng tiêu dùng cuối cùng, công ty chia thành 3 khu vực thị trường chính:

  • Khu vực thị trường thành thị nơi có thu nhập cao tiêu dùng các loại sản phẩm đa dạng với các yêu cầu về chất lượng cao, mẫu mã, kiểu dáng đẹp.
  • Khu vực thị trường nông thôn nơi có nhu cầu thu nhập vừa và thấp, đòi hỏi của khách hàng là chất lượng tốt, kiểu dáng không cần đẹp, giá cả phải chăng.
  • Khu vực thị trường miền núi nơi có thu nhập rất thấp, yêu cầu về chất lượng vừa phải, mẫu mã không cần đẹp nhưng nặng về khối lượng và giá phải thấp.
chiến lược kinh doanh của kinh đô
Khách hàng mục tiêu của Kinh Đô được phân chia thành hai tệp chính.

Tệp khách hàng trung gian là các công ty, siêu thị, đại lý bán buôn, cửa hàng bán lẻ. Nhóm khách hàng mục tiêu của Kinh Đô này có vai trò quan trọng trong việc phân phối, thúc đẩy nhận diện thương hiệu Kinh Đô và có nhu cầu cần được đáp ứng là:

  • Chiết khấu và lợi nhuận: Đại lý và nhà bán lẻ cần chính sách giá cạnh tranh và mức chiết khấu hấp dẫn từ Kinh Đô để đảm bảo lợi nhuận.
  • Sản phẩm chất lượng, đa dạng: Nhóm khách hàng trung gian mong muốn cung cấp các sản phẩm dễ bán, đa dạng, đặc biệt là các mặt hàng “hot” trong mùa lễ hội.
  • Hỗ trợ quảng bá: Các đại lý cần Kinh Đô hỗ trợ chiến dịch marketing tại điểm bán, bao gồm trưng bày, khuyến mãi, và các chương trình kích cầu.
  • Giao hàng và hậu cần: Khách hàng trung gian yêu cầu Kinh Đô cung cấp dịch vụ logistics hiệu quả, giao hàng đúng hẹn và đảm bảo hàng hóa luôn có sẵn trong kho.

Đọc thêm về các phân khúc thị trường của những thương hiệu nổi tiếng khác tại bài viết: Phân khúc thị trường là gì? 4 loại phân khúc thị trường phổ biến

Chiến lược bán cổ phần đầy táo bạo của Kinh Đô

Việc Kinh Đô bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelēz International khi đang ở đỉnh cao, đã gây nhiều bất ngờ trong ngành thực phẩm. Tuy nhiên, đây là một quyết định chiến lược có căn cứ rõ ràng. Dưới đây là các lý do chính:

1. Tối ưu hóa giá trị tài sản và vốn hóa doanh nghiệp

  • Thời điểm vàng để tối đa hóa giá trị: Năm 2014, Kinh Đô đạt doanh thu và thị phần cao nhất trong mảng bánh kẹo. Việc bán cổ phần khi đang ở thời kỳ hoàng kim giúp Kinh Đô tối ưu hóa giá trị tài sản và thương hiệu, thu về mức giá bán cao nhất có thể.
  • Thương vụ trị giá lớn: Thỏa thuận với Mondelēz trị giá khoảng 7.846 tỷ đồng (~370 triệu USD) giúp Kinh Đô tăng cường nguồn lực tài chính đáng kể. Đây là nguồn vốn cần thiết để thực hiện các chiến lược mở rộng và tái cấu trúc.

2. Chuyển đổi chiến lược kinh doanh

  • Định hướng phát triển đa ngành: Sau thương vụ, Kinh Đô chuyển đổi thành KIDO Group và tập trung vào các lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là dầu ăn, mì ăn liền, và kem lạnh. Thị trường này có quy mô lớn hơn và khả năng tăng trưởng dài hạn cao hơn so với ngành bánh kẹo, vốn đã bước vào giai đoạn bão hòa.
  • Giảm sự phụ thuộc vào mảng bánh kẹo: Ngành bánh kẹo tại thời điểm đó chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, đặc biệt từ các thương hiệu quốc tế. Việc chuyển hướng sang thực phẩm thiết yếu giúp Kinh Đô giảm rủi ro phụ thuộc vào một ngành hàng.

3. Cạnh tranh khốc liệt và xu hướng hội nhập quốc tế

  • Thị trường bánh kẹo bão hòa: Dù chiếm thị phần lớn trong nước, Kinh Đô phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thương hiệu quốc tế như Ferrero Rocher, KitKat (Nestlé), và các nhà sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này làm tăng chi phí cạnh tranh và giảm biên lợi nhuận.
  • Áp lực hội nhập: Hiệp định TPP và AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) thời điểm đó mở cửa thị trường Việt Nam, dẫn đến sự đổ bộ của các thương hiệu quốc tế. Kinh Đô nhận thấy thách thức trong việc bảo vệ thị phần trước các đối thủ mạnh và nguồn lực lớn như Mondelēz.

4. Học hỏi và tận dụng thế mạnh toàn cầu của Mondelēz

  • Tăng cường năng lực cạnh tranh: Bán cổ phần cho Mondelēz đồng nghĩa với việc Kinh Đô có thể hợp tác với một tập đoàn toàn cầu giàu kinh nghiệm trong ngành bánh kẹo. Điều này giúp nâng cao năng lực sản xuất, quản lý, và marketing của thương hiệu.
  • Tiếp cận thị trường quốc tế: Mondelēz, với mạng lưới toàn cầu, giúp thương hiệu Kinh Đô (sau này là Mondelēz Kinh Đô) thâm nhập thị trường quốc tế một cách nhanh chóng và hiệu quả.

5. Xu hướng tăng trưởng trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu

  • Tiềm năng của ngành thực phẩm thiết yếu: Kinh Đô nhận thấy cơ hội lớn trong các ngành hàng có nhu cầu tiêu thụ ổn định như dầu ăn, kem lạnh và thực phẩm đóng gói. Các lĩnh vực này có biên lợi nhuận cao và ít cạnh tranh hơn ngành bánh kẹo.
  • Đầu tư vào mảng dầu ăn và kem lạnh: Sau thương vụ, KIDO đầu tư mạnh vào các thương hiệu dầu ăn như Tường An, Vocarimex, và kem lạnh như Merino, Celano. Điều này cho thấy định hướng chiến lược mới của công ty.

6. Tầm nhìn dài hạn của ban lãnh đạo

  • Chuyển đổi để dẫn đầu trong ngành thực phẩm: Ban lãnh đạo Kinh Đô nhận thấy rằng sự thay đổi chiến lược kinh doanh là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững. Bán cổ phần mảng bánh kẹo là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết để tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực tiềm năng hơn.
  • Cơ hội tái đầu tư: Số tiền thu được từ thương vụ được Kinh Đô sử dụng để mở rộng sang các ngành hàng mới và củng cố vị thế tài chính, tạo điều kiện cho sự phát triển lâu dài.

Hoạt động chiến lược kinh doanh của công ty Kinh Đô

Đối với các hoạt động chiến lược kinh doanh của công ty Kinh Đô, thương hiệu này đã chú trọng vào việc phát triển và cải thiện những hoạt động như sau.

Nghiên cứu và phát triển

Công ty Kinh Đô đặc biệt chú trọng đến công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, xem đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng bộ phận Nghiên cứu Phát triển (R&D) mà còn là trách nhiệm của Hội đồng quản trị và Ban Tổng Giám đốc. Hoạt động nghiên cứu phát triển của Kinh Đô được tiến hành khá đa dạng, bao gồm: 

  • Nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới, từ khâu sơ chế nguyên vật liệu, chế biến, định hình đến khâu đóng gói, bảo quản sản phẩm. 
  • Nghiên cứu biện pháp cải tiến các sản phẩm hiện có về chất lượng, kiểu dáng, bao bì. 
  • Nghiên cứu việc sản xuất sản phẩm trên các dây chuyền Công ty mới đầu tư hoặc dự kiến đầu tư.

Đối với hoạt động nghiên cứu phát triển, yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay bộ phận R&D của Công ty có hơn 20 chuyên gia về lĩnh vực chế biến thực phẩm được đào tạo cơ bản từ các trường Đại học trong và ngoài nước, có nhiều kinh nghiệm thực tế. Công ty luôn tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên R&D tiếp cận với những thông tin mới nhất về sản phẩm mới, công nghệ mới, xu hướng mới của thị trường,…

Kỹ thuật công nghệ

Với hoạt động kỹ thuật công nghệ trong chiến lược kinh doanh của công ty Kinh Đô, nhận xét rằng trình độ kỹ thuật, công nghệ của Kinh Đô là tương đương với những nhà máy hiện đại của thế giới. Những thiết bị mới nhất trong ngành chế biến bánh kẹo tại châu Âu, châu Mỹ đều đã được công ty nhập và đưa vào sử dụng để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao.

Bước ngoặt trong hoạt động đầu tư, ứng dụng công nghệ tại Kinh Đô là khi Công ty khởi động dự án ứng dụng hệ thống SAP ERP – một giải pháp phần mềm quản trị tổng thể doanh nghiệp. Anh Nguyễn Xuân Luân – Phó TGĐ kiêm GĐ Dự Án cho biết, ngay từ những ngày đầu triển khai, song song với việc lựa chọn phần mềm và công ty triển khai phần mềm, Kinh Đô đã chuẩn bị lực lượng để phối hợp triển khai.

Đội dự án của Kinh Đô được tập hợp với gần 100 thành viên cho giai đoạn 1 và gần 200 thành viên cho giai đoạn 2. Thành viên dự án là người giỏi nhất trong các lĩnh vực chuyên môn có liên quan, toàn bộ các cán bộ quản lý và gần 20 chuyên viên CNTT có nhiều kinh nghiệm về ERP đã được tuyển về để tham gia triển khai dự án cùng với đơn vị tư vấn.

Việc ứng dụng ERP thể hiện sự nhanh nhạy và quan điểm tiên phong của Kinh Đô trong việc áp dụng công nghệ mới vào hoạt động của tập đoàn. Kinh Đô đã và đang tiếp tục triển khai các ứng dụng tiên tiến nhất thế giới áp dụng vào phục vụ hoạt động kinh doanh của mình. Đưa Kinh Đô từng bước tiến lên ngang tầm với các Tập đoàn đa quốc gia.

Quản trị Marketing

Kinh Đô là một trong những thương hiệu sản xuất bánh kẹo nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm bánh trung thu Kinh Đô thường xuyên đứng đầu thị trường và luôn được đầu tư cải tiến hàng năm cả về chất lượng và mẫu mã bao bì.

chiến lược kinh doanh của kinh đô

Để đạt được thành công này, Kinh Đô đã xây dựng và triển khai những chiến lược Marketing theo mô hình Marketing Mix 4P hiệu quả đối với sản phẩm bánh trung thu của mình. 

Sản phẩm (Product)

Khi nói đến chiến lược Marketing của Kinh Đô về sản phẩm, Kinh Đô không chỉ chú trọng đến sản phẩm, mà họ còn quan tâm đến hầu hết các yếu tố làm nên bản sắc thương hiệu. 

Bánh Trung Thu Kinh Đô lấy yếu tố truyền thống làm giá trị cốt lõi và làm nên sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đặc biệt, những dòng sản phẩm truyền thống như: Vi cá, gà quay jambon, thập cẩm lạp xưởng, đậu xanh, khoai môn, đậu đỏ, sữa dừa, hạt sen trà xanh… được khách hàng Việt Nam ưa chuộng với thành phần là những sản vật của Thủ Đô ngàn năm văn hiến như: sen Quảng Bá, quất Nghi Tàm, hoa bưởi Diễn… 

Bên cạnh đó, một điểm khác biệt (Unique Selling Proposition) trong chiến lược Marketing của Kinh Đô về sản phẩm so với các doanh nghiệp khác nữa là ngoài công nghệ hiện đại, Kinh Đô rất chú trọng vào kỹ thuật chế biến sản phẩm, nhất là công thức pha chế phụ gia, nhờ đó mà các loại bánh trung thu của Kinh Đô có mùi vị hấp dẫn và riêng biệt.

Giá (Price)

Chiến lược Marketing chính của Kinh Đô về giá cho sản phẩm bánh trung thu Kinh Đô đó là chiến lược định giá sản phẩm và các chương trình chiết khấu. 

Kinh Đô đưa ra nhiều mức giá phù hợp với khả năng tài chính của các đối tượng khách hàng khác nhau.,Bên cạnh các dòng bánh phổ thông phù hợp túi tiền, Kinh Đô còn có các dòng sản phẩm cao cấp với giá có thể lên đến hàng triệu đồng. Đặc biệt, bánh trung thu Kinh Đô không giảm giá bán sau mùa Tết Trung Thu, việc giảm giá này sẽ được khoán cho đại lý. 

Song song với chiến lược định giá sản phẩm trong nhiều phân khúc khác nhau, Kinh Đô triển khai nhiều chương trình chiết khấu bán hàng hấp dẫn dành cho khách hàng và các đại lý. Tỷ lệ chiết khấu dành cho nhà phân phối của Kinh Đô khá cao so với đối thủ cạnh tranh nên việc mở rộng mạng lưới phân phối của Kinh Đô khá tốt. Có thể nói, định giá chiết khấu là một trong những chiến lược định giá đã giúp Kinh Đô thành công trong việc sở hữu được lợi thế cạnh tranh và thu hút khách hàng. 

Hệ thống phân phối (Place)

Kênh phân phối của Kinh Đô được coi là hoàn hảo nhất trong số các công ty sản xuất bánh kẹo tại thị trường Việt Nam. Kinh Đô có mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước chủ yếu qua 3 kênh chính: hệ thống các nhà phân phối và đại lý, hệ thống các cửa hàng Kinh Đô Bakery (thuộc công ty Cổ Phần Kinh Đô Sài Gòn), siêu thị và công ty Cổ Phần Kinh Đô Miền Bắc (phân phối cho các tỉnh phía Bắc) cũng như thông qua các đối tác đồng minh chiến lược.

Hệ thống kênh phân phối của Kinh Đô đã mang đến niềm tin lớn bằng việc tạo được bước chuyển mình rõ rệt với hơn 200 nhà phân phối mạnh, chuỗi 30 cửa hàng Kinh Đô Bakery, gần 120.000 điểm bán, 30.000 điểm bán kem và sản phẩm từ sữa,… trên toàn lãnh thổ Việt Nam với sự phục vụ của hơn 1.800 nhân sự bán hàng tính đến cuối năm 2010.

Xúc tiến hỗn hợp (Promotion)

Khi nói đến chiến lược Marketing của Kinh Đô về xúc tiến hỗn hợp, Kinh Đô đã triển khai nhiều chiến dịch Marketing đa dạng để thu hút khách hàng và tăng doanh thu bán hàng cho sản phẩm bánh trung thu.

Do dòng bánh trung thu Kinh Đô vốn nổi tiếng kiểu dáng bắt mắt, thơm ngon và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng nên giá các dòng bánh trung thu Kinh Đô thường cao hơn các sản phẩm cùng loại thông thường khác. 

Tuy nhiên, Kinh Đô vẫn thành công trong việc thu hút khách hàng nhờ vào các chương trình khuyến mãi hấp dẫn của mình. Kinh Đô không áp dụng các chiến lược khuyến mãi “khủng” chẳng hạn “Mua 1 tặng 1”, “Giảm giá 50%”…Thay vào đó Kinh Đô hỗ trợ khách hàng mua số lượng lớn với các mức chiết khấu khác nhau cho cả 2 loại bánh cao cấp và bánh thường khi mua từ 5 hộp trở lên. 

Đọc chi tiết hơn về chiến lược Marketing Mix của công ty Kinh Đô tại bài viết: Chiến lược Marketing của Kinh Đô trong thị trường bánh trung thu

Tổng kết về chiến lược kinh doanh của Kinh Đô

Để đạt được vị thế như hiện nay, chiến lược kinh doanh của Kinh Đô đã được xây dựng, triển khai một cách bài bản, đưa thương hiệu phát triển từ một phân xưởng nhỏ thành đế chế bánh kẹo và thực phẩm hàng đầu của Việt Nam.

Việc bán cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelēz International cũng là một nước đi táo bạo nhưng đầy tham vọng trong chiến lược kinh doanh của Kinh Đô giúp doanh nghiệp tái cơ cấu, tập trung vào các lĩnh vực thực phẩm thiết yếu có tiềm năng lớn hơn. Đây không chỉ là quyết định tận dụng giá trị thương hiệu ở thời kỳ đỉnh cao mà còn là tầm nhìn dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường bánh kẹo ngày càng cạnh tranh. 

Hy vọng qua bài viết này, anh/chị đã thêm về những chiến lược kinh doanh hiệu quả của Kinh Đô từ đó tham khảo để triển khai những chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp của mình. 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 3]
Tuyến Phạm
Tác giả
Giám đốc Kinh doanh tại MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả