Trade marketing là gì? 4 chiến lược làm Trade marketing hiệu quả cho doanh nghiệp

24/09/2021
4254

Trade marketing là một lĩnh vực quan trọng trong marketing, giúp doanh nghiệp có thể tổ chức, xây dựng chiến lược ngành hàng và chiến lược thương hiệu trong hệ thống kênh phân phối một cách hiệu quả.

trade marketing

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, việc thiết lập mối quan hệ tích cực, lâu dài với đại lý, nhà bán lẻ để có thể phân phối sản phẩm tại các cửa hàng, siêu thị, các địa điểm bán lẻ và cuối cùng là đến tay người tiêu dùng là điều cực kỳ quan trọng.

Để có thể thực hiện được những nhiệm vụ trên, doanh nghiệp cần triển khai các hoạt động trade marketing nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của người mua hàng (Buyer) và nhà bán lẻ (Retailer) để đạt được lợi nhuận và doanh số.

Vậy trade marketing là gì? Những công việc chính trong trade marketing là gì?

Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về trade marketing tại bài viết dưới đây. 

>> Đọc thêm: Key visual là gì? Làm thế nào để tạo một key visual hiệu quả?

Mục lục Hiện

Tổng quan về trade marketing

Trade marketing là gì?

Trade marketing là một lĩnh vực trong ngành marketing nói chung. Trade marketing – Tiếp thị tại điểm bán, là một trong những phương pháp tiếp thị lâu đời nhất, được cả doanh nghiệp nhỏ và lớn sử dụng để quảng cáo về sản phẩm / dịch vụ của mình. 

Trade marketing cũng là bộ phận trung gian giữa Sales và Marketing. Bộ phận này đảm nhận triển khai mọi hoạt động tổ chức, chiến lược ngành hàng và thương hiệu trong kênh phân phối tại điểm bán. Trong đó, thông qua tối ưu hóa trải nghiệm người mua hàng (Buyer) và nhà bán lẻ (Retailer) để đạt được lợi nhuận và doanh số.

Công việc của Trade marketing là tập trung nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nhằm cho khách hàng tiếp cận và cảm nhận tốt nhất về sản phẩm của doanh nghiệp tại mọi điểm bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng đại lý,.. xung quanh.

Để có thể áp dụng hình thức Trade Marketing một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần tận dụng kênh phân phối và điểm bán sản phẩm của mình để sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp có thể tới tay khách hàng một cách thuận tiện nhất.

Khác với chiến lược marketing thông thường hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu là người tiêu dùng (B2C) hoặc doanh nghiệp (B2B), trọng tâm của các hoạt động trade marketing là các nhà bán lẻ, nhà phân phối hoặc đại lý.

Tóm lại, hiểu một cách đơn giản, trade marketing là việc thực hiện các hoạt động, chiến dịch marketing để nhà bán lẻ hoặc các đại lý phân phối lựa chọn nhập hàng của doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy sản phẩm của doanh nghiệp mỗi khi mua sắm.

trade marketing là gì

Sự khác biệt giữa brand marketing và trade marketing là gì?

Thông thường, 2 khái niệm brand marketing và trade marketing vẫn hay bị nhầm lẫn với nhau. Vậy sự khác biệt giữa brand marketing và trade marketing là gì?

Nhìn chung, brand marketing và trade marketing có những khác biệt chính như sau.

BẢNG SO SÁNH SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BRAND MARKETING VS TRADE MARKETING 

Brand marketing Trade marketing 
Khái niệm Brand marketing là những hoạt động, chiến dịch marketing quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp nhằm thu hút khách hàng và khuyến khích họ mua sản phẩm / dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp Trade marketing là việc thực hiện các hoạt động, chiến dịch marketing để nhà bán lẻ hoặc các đại lý phân phối lựa chọn nhập hàng của doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy sản phẩm của doanh nghiệp mỗi khi mua sắm.
Đối tượng khách hàng mục tiêu Người tiêu dùng, khách hàng cuối cùng (Consumers) Khách hàng (Customers) – Những nhà phân phối, nhà bán lẻ (Retailers)
Các hoạt động chính  Quảng cáo, TVC, sự kiện, PR, Báo, OHH, Digital Marketing,… Phát triển nhà phân phối, phát triển ngành hàng, đưa ra những chiết khấu bán hàng đa dạng,… tập trung nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nhằm cho khách hàng tiếp cận và cảm nhận tốt nhất về sản phẩm của doanh nghiệp tại mọi điểm bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng đại lý  xung quanh.

Các đối tượng của trade marketing

Các hoạt động trade marketing thông qua 3 đối tượng chính bao gồm:

  • Consumers (Người tiêu dùng): Người tiêu dùng là đối tượng khách hàng tiêu thụ hoặc sử dụng sản phẩm cuối cùng
  • Shoppers (Người mua hàng): Người mua hàng là những khách hàng xác định và đưa ra quyết định mua sản phẩm từ một nhà bán lẻ tại điểm bán (siêu thị, cửa hàng, tạp hóa, đại lý,…)
  • Customers (Khách hàng): Khách hàng trong trade marketing là những đối tác trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Những đối tác này có thể bao gồm nhà phân phối sản phẩm và nhà bán lẻ

Nói một cách cụ thể hơn, sự tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng được gọi là Customer Marketing (chỉ hoạt động thúc đẩy mua hàng, khuyến mãi, giảm giá, phân phối,…), các hoạt động giữa khách hàng và người tiêu dùng là Shopper Marketing (chỉ việc thúc đẩy người mua hàng trong cửa hàng như trưng bày, hoạt náo viên,…).

Chính vì vậy, Trade Marketing sẽ có 2 nhiệm vụ chính là Consumer Marketing và Shopper Marketing. Và tất cả các hoạt động tổng thể marketing dẫn tới quyết định mua hàng sẽ được thực hiện tại Point Of Purchase (Điểm bán).

Chức năng chính của trade marketing trong doanh nghiệp

Trade marketing có những chức năng chính gì trong doanh nghiệp?

Về cơ bản, các chức năng chính của trade marketing trong doanh nghiệp bao gồm:

  • Quảng bá sản phẩm tại điểm bán lẻ: Việc quảng bá sản phẩm tại điểm bán lẻ với mục đích thu hút người tiêu dùng mua sản phẩm chính là chức năng chính đầu tiên của trade marketing 
  • Nhận biết được xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng: Khi thực hiện các hoạt động trade marketing, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường và khách hàng mục tiêu, từ đó nhận biết được xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng 
  • Tối ưu hóa quy trình mua hàng của doanh nghiệp: Việc giúp người tiêu dùng tiếp cận đến sản phẩm ở các địa điểm bán lẻ / đại lý một cách dễ dàng sẽ giúp tối ưu hóa quy trình bán hàng 
  • Sản phẩm của doanh nghiệp dễ dàng đến tay người tiêu dùng: Khi triển khai trade marketing hiệu quả, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được đặt ở một vị trí nổi bật với số lượng nhiều, từ đó, các sản phẩm của doanh nghiệp cũng sẽ đến tay người tiêu dùng dễ dàng hơn

Các yếu tố quyết định “thành – bại” của người làm Trade Marketing 

Khi triển khai trade marketing, những yếu tố nào sẽ quyết định liệu người làm trade marketing có thành công hay không?

Về cơ bản, 3 yếu tố quyết định sự “thành-bại” của người làm trade marketing bao gồm:

Tập trung vào khu vực mua hàng (Point of Purchase)

Các hoạt động trade marketing diễn ra chủ yếu tại khu vực mua hàng, vì vậy, yếu tố đầu tiên làm nên sự thành công dành cho trade marketers đó là tập trung vào khu vực mua hàng.

Trong quá trình mua sắm của Shoppers, việc đặt đúng sản phẩm, đúng bao bì, mức giá thích hợp tại đúng cửa hiệu, ở đúng tầm nhìn của người mua hàng giúp đảm bảo rằng thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được biết tới trước đối thủ cạnh tranh, từ đó tăng khả năng người mua hàng sẽ lựa chọn mua sản phẩm của doanh nghiệp tại điểm bán.

Tạo nên ấn tượng tốt đẹp đầu tiên với người mua hàng (Shoppers)

Ấn tượng đầu tiên là một lợi thế lớn khi người mua hàng tiếp cận sản phẩm tại điểm bán. Do vậy, doanh nghiệp vừa phải đặt sản phẩm ở vị trí trưng bày tốt, vừa phải sử dụng các phương tiện trưng bày và tận dụng sự sáng tạo của mình để quảng bá cho sản phẩm hoặc thương hiệu.

Thấu hiểu thói quen của người tiêu dùng (Consumers)

Người tiêu dùng là người sử dụng hoặc tiêu thụ sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, người tiêu dùng cũng có những ảnh hưởng nhất định đến người mua hàng.

Thói quen tiêu dùng tập hợp rất nhiều yếu tố liên quan tới quyết định mua hàng bao gồm: trình tự lựa chọn sản phẩm, nhu cầu, địa điểm mua sắm, tần suất, sản phẩm cần mua,… Việc thấu hiểu nhu cầu của người tiêu dùng sẽ giúp cho bộ phận trade marketing thiết kế các chương trình trưng bày hay khuyến mãi – tặng quà cũng như vị trí trưng bày sản phẩm như thế nào.

4 chiến lược trade marketing hiệu quả nhất dành cho doanh nghiệp

Khi đã hiểu được tầm quan trọng của trade marketing, vậy doanh nghiệp có thể áp dụng chiến lược gì trong khi triển khai trade marketing để đem lại hiệu quả cao?

Chiến lược trade marketing hiệu quả bao gồm:

Tổ chức các buổi triển lãm thương mại (Trade shows) 

Chiến lược đầu tiên của trade marketing đó chính là tổ chức các buổi triển lãm thương mại (Trade shows)

Thông qua các triển lãm hoặc hội chợ thương mại, doanh nghiệp sẽ có cơ hội gặp được các khách hàng của mình và chia sẻ các kiến thức về sản phẩm của mình đối với họ. Bên cạnh đó, ở các triển lãm thương mại, doanh nghiệp cũng có thể gặp được các nhà bán lẻ, chủ cửa hàng, bán sỉ và có thể thuyết phục họ bán các sản phẩm của mình.

trade shows

Xúc tiến thương mại (Trade promotion)

Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại.

Mục đích của hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ.

Cải thiện độ nhận diện thương hiệu (Branding) 

Việc cải thiện độ nhận diện thương hiệu cũng là một chiến lược quan trọng trong trade marketing mà doanh nghiệp cần chú trọng.

Chỉ khi cải thiện độ nhận diện thương hiệu, nhiều nhà phân phối / nhà bán lẻ mới có thể biết đến doanh nghiệp nhiều hơn và sẵn lòng hợp tác với doanh nghiệp để trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp ở đại lý, siêu thị, cửa hàng của họ,…

Triển khai các hoạt động digital marketing 

Digital marketing là các hoạt động tiếp thị, trao đổi thông tin và quảng bá thương hiệu để kết nối với khách hàng tiềm năng bằng cách sử dụng các nền tảng Internet và kỹ thuật số. Hiểu đơn giản thì Digital marketing là chiến lược dùng Internet và kỹ thuật số làm phương tiện cho các hoạt động marketing và trao đổi thông tin.

Digital marketing hiện đang là xu thế hiện nay với sự phát triển của Internet và mạng xã hội. Vì vậy, khi thực hiện trade marketing, việc tận dụng các kênh Marketing Online cũng là chiến lược cần thiết. 

4 công việc quan trọng nhất khi làm trade marketing

Trong trade marketing cần triển khai các công việc chính gì?

Những công việc quan trọng nhất trong trade marketing bao gồm 4 công việc dưới đây.

#1. Phát triển và xây dựng hệ thống phân phối 

Phát triển và xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa (Customer Development) là công việc chính đầu tiên trong trade marketing. Công việc phát triển và xây dựng hệ thống phân phối gồm những hoạt động chính như sau:

  • Phát triển kênh phân phối (Channel Development): Là những hoạt động nhằm mở rộng mạng lưới bán hàng của doanh nghiệp, thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối ở những khu vực mới như thành thị, nông thôn, xuất khẩu ra nước ngoài hoặc các kênh tiêu thụ mới như kênh online, kênh cửa hàng tiện lợi (Convenience Store), kênh trung tâm thương mại.
  • Chiết khấu thương mại (Trade Discount): Thực hiện các chính sách chiết khấu thương mại dành cho khách hàng là những đại lý, nhà bán lẻ nhằm kích thích, thúc đẩy họ mua hàng và phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhiều hơn.
  • Chương trình khách hàng trung thành (Loyalty Program): Là những chương trình khuyến mãi dành khách hàng trung thành (khuyến mãi quà tặng, khuyến mãi cộng dồn, tích lũy điểm để đổi quà, giảm giá) với các hóa đơn nhập hàng số lượng lớn với mục đích khuyến khích đại lý, nhà bán lẻ nhập hàng và phân phối sản phẩm
  • Sự kiện dành cho khách hàng (Customer Events): Doanh nghiệp cần tổ chức những sự kiện tri ân, khen thưởng dành cho khách hàng, tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên kinh doanh xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và bền vững với các đối tác phân phối bán hàng của mình.

#2. Phát triển ngành hàng

Phát triển ngành hàng (Category Development) là những hoạt động giúp tối ưu sự hiện diện của sản phẩm trong kênh phân phối và khuyến khích người tiêu dùng mua hàng. Đối với công việc này, doanh nghiệp có thể sử dụng một số chiến lược như: Chiến lược xâm nhập thị trường (Penetration), Chiến lược Danh mục sản phẩm (Portfolio), Chiến lược kích cỡ của bao bì (Pack-sizes), Chiến lược định giá sản phẩm (Pricing strategy).

Ví dụ, đối với chiến lược đính giá sản phẩm, trên thực tế, có rất nhiều chiến lược định giá sản phẩm đang được áp dụng trên thế giới và cho nhiều ngành nghề khác nhau. Vậy có những chiến lược định giá sản phẩm hiệu quả nào?

Một số các chiến lược định giá sản phẩm phổ biến có thể được kể đến như:

  • Định giá sản phẩm theo đối thủ cạnh tranh (Competition-Based Pricing Strategy)
  • Định giá sản phẩm theo chi phí (Cost-Based Pricing)
  • Định giá sản phẩm theo khả năng xâm nhập thị trường (Penetration Pricing Strategy)
  • Định giá sản phẩm để tiết kiệm chi phí (Economy Pricing Strategy)
  • Định giá sản phẩm Premium (Premium Pricing Strategy)
  • Định giá sản phẩm Freemium (Freemium Pricing Strategy)
  • Định giá sản phẩm theo tâm lý khách hàng (Psychology Pricing Strategy)
  • Định giá sản phẩm theo gói sản phẩm (Bundle Pricing Strategy)
  • Định giá sản phẩm theo giá trị (Value-Based Pricing Strategy)
  • Định giá sản phẩm linh động (Dynamic Pricing Strategy)

Đọc chi tiết hơn về các chiến lược định giá sản phẩm tại bài viết: Định giá sản phẩm là gì? 10 chiến lược định giá sản phẩm phổ biến trong marketing

Những chiến lược trên sẽ giúp doanh nghiệp tăng độ bao phủ, tăng thâm nhập tại cửa hiệu cũng như đại lý để từ đó thu hút thêm nhiều người mua, nhiều người dùng thử. Các hoạt động này được gọi là “Trade In”. Sau đó khuyến khích họ mua nhiều hơn, sử dụng nhiều chủng loại sản phẩm hơn gọi là “Trade Across”. Và cuối cùng là đề xuất họ sử dụng những sản phẩm cao cấp hơn, đánh vào các nhu cầu cao hơn, gọi là “Trade up.” 

#3. Khuyến khích hành động mua hàng của người tiêu dùng

khuyến khích hành động của người tiêu dùng

Khuyến khích hành động mua hàng của người tiêu dùng (Consumer Development) là các hoạt động kích hoạt bên trong cửa hàng nhằm thúc đẩy và khuyến khích quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Một số hoạt động để khuyến khích hành động mua hàng của người tiêu dùng có thể được kể đến như:

  • Trưng bày hàng hóa (Merchandising)

Sắp xếp trưng bày danh mục sản phẩm với các nhãn hàng một cách hợp lý và logic nhất. Ví dụ như sắp xếp các mặt hàng mới, được khách hàng quan tâm nhiều hơn lên phía trước, hay sử dụng cross-selling, như trưng bày dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt theo bộ, việc này sẽ giúp phát triển toàn bộ ngành hàng

  • Trưng bày Point of Sales Materials (POSM)

Point Of Sales Material là tổng hợp tất cả vật dụng hỗ trợ cho việc bán hàng tại địa điểm bán lẻ tại siêu thị hay tạp hóa, hội chợ, triển lãm để góp phần nhận diện thương hiệu. 

POSM có rất nhiều loại, từ POSM tầm xa như Billboard bên ngoài cửa hàng, siêu thị, bảng hiệu tiệm tạp hóa, poster treo trên tường, cho đến POSM nằm trong tầm tay tầm mắt người tiêu dùng như bảng giá, kệ trưng bày, ụ trưng bày tại siêu thị.

  • Thực hiện các chương trình chiết khấu bán hàng cho người tiêu dùng (Consumer Discounts) 

Chiết khấu bán hàng là một trong những phương pháp kích thích mua sắm, được sử dụng phổ biến trong marketing.

Chiết khấu bán hàng là phần tỷ lệ giảm giá mà người bán dành cho người mua thường được áp dụng để thúc đẩy nhu cầu mua hàng của khách hàng tiềm năng.

Chiết khấu bán hàng thường được đi kèm với các điều kiện như: thanh toán bằng tiền mặt, mua với số lượng bao nhiêu thì được chiết khấu hay thanh toán trước hạn… được thỏa thuận trên hợp đồng kinh tế hoặc cam kết mua, bán hàng.

Ví dụ như đối với việc giảm giá theo gói sản phẩm, thay vì việc áp dụng chiết khấu đối với một loại sản phẩm hoặc dịch vụ, doanh nghiệp có thể chiết khấu đối với một gói sản phẩm hoặc các sản phẩm đi kèm với nhau. 

Việc áp dụng giảm giá theo gói sản phẩm có thể giúp làm tăng số lượng sản phẩm mà doanh nghiệp bán được.

Khi doanh nghiệp bán một vài sản phẩm chỉ trong một đơn hàng, doanh nghiệp sẽ bán được nhiều sản phẩm hơn và gia tăng doanh số bán hàng.

Bên cạnh đó, loại chiết khấu này cũng giúp doanh nghiệp bán kèm những sản phẩm nổi bật và ít nổi bật hơn với nhau. Bằng cách đó, doanh nghiệp có thể “giải phóng” những sản phẩm ít nổi bật và không thu hút được nhiều khách hàng mua khi bán chúng riêng lẻ.

#4. Thúc đẩy việc bán hàng bằng cách tương tác với các đội nhóm khác trong doanh nghiệp

phối hợp với đội nhóm

Thúc đẩy việc bán hàng bằng cách tương tác với các đội nhóm khác trong doanh nghiệp (Company Engagement) là các hoạt động tương tác với đội ngũ nhân viên kinh doanh và Marketing để thúc đẩy việc bán hàng.

Một số hoạt động chính của việc thúc đẩy bán hàng có thể được kể đến như:

  • Dự đoán doanh số (Sales Forecast): Cùng đội ngũ nhân viên kinh doanh dự đoán doanh số sao cho phù hợp và khả thi nhất 
  • Tạo động lực cho đội ngũ nhân viên kinh doanh (Sales Brief): Là các hoạt động giới thiệu sản phẩm mới, truyền lửa và tạo động lực cho đội ngũ Sales làm việc năng suất và hiệu quả hơn
  • Cuộc thi về trưng bày (Display Contest): Tổ chức những cuộc thi trưng bày để khuyến khích đội ngũ nhân viên kinh doanh làm việc sáng tạo và triển khai thêm được nhiều sáng kiến mới tại điểm bán hàng. 

Những vị trí công việc trong ngành trade marketing là gì? 

Những vị trí công việc của một Trade Marketer là gì?

Thực tập sinh Trade Marketing (Trade Marketing Intern / Admin)

Bước đầu tiên khi muốn làm việc trong lĩnh vực trade marketing đó là thử sức với vị trí Thực tập sinh trade marketing (Trade Marketing Intern / Admin).

Đối với vị trí này, công việc chủ yếu của một Trade Marketing Intern sẽ là hỗ trợ xây dựng, tổ chức và phối hợp thực hiện chính sách bán hàng, hoạt động Trade Marketing trong từng giai đoạn cũng như tham gia lập phương pháp nghiên cứu khảo sát thị trường, thăm dò ý kiến khách hàng phù hợp với yêu cầu công ty, tổng hợp các dữ liệu nghiên cứu thị trường.

Chuyên viên Trade Marketing (Trade Marketing Executive)

Khi đã hoàn thành xong kỳ thực tập, Trade Marketers có thể tiến lên vị trí chuyên viên Trade Marketing (Trade Marketing Executive).

Khi trở thành chuyên viên Trade Marketing, Trade Marketers sẽ chủ yếu thực thi các công việc như phân tích đánh giá hiệu quả bán hàng, hiệu quả truyền thông của các chương trình truyền thông/khuyến mãi trong năm, thực hiện các khảo sát liên quan đến đo lường các chương trình truyền thông/khuyến mãi cũng như đưa ra các đề xuất cho các chương trình xây dựng thương hiệu, marketing và hệ thống bán hàng.

Trợ lý Trade Marketing (Trade Marketing Assistant)

Nếu làm tốt công việc này thì chỉ trong 1 hoặc 2 năm, Trade Marketers sẽ có khả năng trở thành trợ lý trưởng phòng thương mại hay còn gọi là Trade Marketing Assistant. Đây là bước đệm để một Trade Marketer có thể lên được vị trí Quản lý tiếp thị thương mại (Trade Marketing Manager). 

Trade Marketing Assistant sẽ có cơ hội quản lý, lập kế hoạch trade marketing ở cấp độ cao hơn, tiếp xúc với nhiều khách hàng hơn, tổ chức hội nghị đưa ra ý tưởng giúp sales team bán hàng tốt hơn.

Quản lý Trade Marketing (Trade Marketing Manager)

Cuối cùng là vị trí Quản lý trade marketing (Trade Marketing Manager). Đối với vị trí này, các nhà quản lý trade marketing sẽ đưa ra các chiến lược ngành hàng cho các sản phẩm mới, tham gia và đóng góp vào phát triển các danh mục sản phẩm chủ lực, chiến lược định giá, phân phối bán hàng cũng như quản lý toàn bộ các vị trí nói trên.

Những kỹ năng quan trọng mà Trade Marketers cần có

Để có thể triển khai các chiến dịch trade marketing hiệu quả, trade marketers cần rèn luyện những kỹ năng gì?

Kỹ năng phối hợp, làm việc nhóm

Do Trade Marketers thường xuyên làm việc với đội nhóm khác trong doanh nghiệp như đội ngũ nhân viên kinh doanh hay chuyên viên vận hành để có thể triển khai được các hoạt động trade marketing hiệu quả nên kỹ năng phối hợp, làm việc nhóm là rất quan trọng.

Khả năng lên kế hoạch và dự đoán doanh số

Đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng mà Trade Marketer cần có/ Trade Marketer cần biết dự đoán các cơ hội kinh doanh và chứng minh tính khả thi của chương trình khuyến mãi. Kỹ năng này bao gồm khả năng đọc hiểu vấn đề, phân tích số liệu theo khu vực, ngành hàng, kênh, thời gian,… từ đó phát hiện các cơ hội tăng trưởng để đưa ra chương trình phù hợp.

Kỹ năng phân tích

Người làm Trade Marketing cần có khả năng phân tích tốt để hiểu được thói quen, mong muốn của khách hàng cũng như xu hướng của ngành nghề nhằm xác định các chiến lược tiếp thị hiệu quả nhất cho doanh nghiệp của mình.

Kỹ năng quản lý dự án

Người làm Trade Marketing cũng nên có khả năng quản lý dự án để giám sát hiệu quả các chiến lược tiếp thị hoặc các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp, bao gồm các tài liệu tiếp thị và các bước để có thể tổ chức được một sự kiện.

Tổng kết 

Trade marketing là một lĩnh vực quan trọng trong marketing, giúp doanh nghiệp có thể tổ chức, xây dựng chiến lược ngành hàng và chiến lược thương hiệu trong hệ thống kênh phân phối một cách hiệu quả.

Hiểu được tầm quan trọng của trade marketing, trong bài viết này, chúng tôi đã giới thiệu những thông tin chi tiết tới anh/chị như:

  • Trade marketing là gì
  • Chức năng và lợi ích của trade marketing
  • 4 công việc chính trong trade marketing
  • Các kỹ năng quan trọng mà Trade Marketers cần có

Cảm ơn anh/chị!

Tham khảo thêm một số bài viết hay khác:

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả