Marketing – bán hàng Bán hàng Khám phá 5 xu hướng bán buôn hoá mỹ phẩm mới nhất...

Theo thống kê của GMP năm 2020, thị trường hóa mỹ phẩm Việt Nam tăng trưởng trung bình từ 8 – 10% mỗi năm, trong đó thương hiệu nước ngoài chiếm 90%. Đây là mối lo ngại cho các nhà sản xuất trong nước, nhưng lại là cơ hội lớn với các nhà bán buôn hoá mỹ phẩm, bởi chỉ một số ít thương hiệu nước ngoài có thể tự tổ chức hệ thống phân phối tại Việt Nam, phần lớn còn lại phải phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà bán buôn. Có thể nói, các nhà bán buôn chính là lực lượng góp phần lớn nhất tạo nên sự tăng trưởng của thị trường hóa mỹ phẩm trong nước. 

Với sự biến đổi không ngừng trong cách thức hoạt động bán buôn, ngày nay, không khó để gia nhập ngành bán buôn hoá mỹ phẩm. Thị trường bán buôn hoá mỹ phẩm ngày càng “đỏ” với sự cạnh tranh cao, đòi hỏi các nhà bán buôn phải liên tục thích ứng với những sản phẩm, phương thức bán hàng và xu hướng mới. 

Vậy những xu hướng bán buôn hoá mỹ phẩm nào sẽ bùng nổ trong năm 2023? Hãy cùng MISA tham khảo ngay 5 xu hướng sau để đi trước đón đầu và tạo ra lợi thế trước đối thủ.

1. Bán buôn hoá mỹ phẩm xuyên biên giới

Nhắc đến bán buôn hoá mỹ phẩm thời kì đầu, chắc chắn không thể thiếu xà phòng, kem đánh răng và nước hoa. Đây là ba mặt hàng được coi như “biểu tượng” của lối sống tân thời, Tây phương, hiện đại, được giới trẻ thời đó đặc biệt yêu thích.

Trước năm 2000, nước hoa là mặt hàng xa xỉ với phần lớn dân số Việt Nam. Vào thời đó, nước hoa Miss Sài Gòn chính là biểu tượng của sự sang trọng. Với thiết kế chai mang hình ảnh người phụ nữ mặc trang phục 3 miền, nước hoa Miss Sài Gòn nổi bật, đẹp lạ mắt, là món quà tặng “quốc dân” dành cho phái nữ cực kì thời thượng. 

So với các thương hiệu nước hoa được quảng cáo rầm rộ hiện nay, tưởng chừng Miss Sài Gòn chỉ còn trong quá khứ. Chắc chắn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng nước hoa Miss Sài Gòn vẫn đang đạt mức tăng trưởng ổn định với chiến thuật 30% cho các đại lý, nhà bán buôn; 20% qua các điểm bán offline như hệ thống SCPerfume, siêu thị, nhà sách; và 50% dành cho xuất khẩu. Thị trường thế mạnh của Miss Sài Gòn là khu vực Đông Nam Á, Đông Âu, Úc, Đài Loan …

Không chỉ Miss Sài Gòn, rất nhiều thương hiệu Việt đang lựa chọn con đường xuất khẩu hoá mỹ phẩm để phát triển như Sao Thái Dương, Thorakao … và đều đạt được những thành công nhất định. Điều đó chứng tỏ hoá mỹ phẩm Việt Nam có rất nhiều cơ hội cạnh tranh và giành chiến thắng trên thị trường quốc tế. Và đây cũng là cơ hội cho các nhà bán buôn hoá mỹ phẩm Việt Nam với một hướng đi mới: Bán buôn hoá mỹ phẩm xuyên biên giới. 

Theo đó, có ba căn cứ để nhận định rằng hướng đi này hiệu quả.

Một là, mỹ phẩm Việt ngày càng được ưa chuộng trên thị trường quốc tế, bởi mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý, đặc biệt các loại hoá mỹ phẩm chứa thành phần từ thảo dược lại càng được ưa chuộng. Thống kê của TMO, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm nguồn gốc organic đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua, và Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này. 

Khi cầu thế giới về mặt hàng hoá mỹ phẩm Việt Nam tăng lên, chắc chắn những nhà bán buôn nắm bắt cơ hội nhanh nhất để gia nhập thị trường sẽ có nhiều lợi thế và dễ thu được lợi nhuận nhất. Do đó, đây chính là thời điểm thích hợp để triển khai bán buôn hoá mỹ phẩm xuyên biên giới.

Hai là, người Việt ngày nay đã có mặt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, có những cộng đồng riêng cực kỳ lớn mạnh, thậm chí có cả thành phố người Việt thu nhỏ nằm trong lòng các quốc gia ở khắp mọi nơi. Tại đây, sản phẩm được nhập trực tiếp từ Việt Nam rất được ưa chuộng. Nhu cầu của các cộng đồng khách hàng này ổn định và cần đa dạng nhiều mặt hàng. Các nhà bán buôn hoá mỹ phẩm hoàn toàn có thể tiếp cận sớm những chủ đại lý, siêu thị để được cung cấp hàng hoá và sở hữu những thị trường độc quyền đầy tiềm năng với doanh thu đều đặn. 

Thứ ba, quan trọng nhất, đó là rất nhiều rào cản về xuất khẩu hoá mỹ phẩm đã được loại bỏ nhờ các kênh bán buôn thương mại điện tử. Có thể nói, các nền tảng như Alibaba, Amazon, … đã tạo nên một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực bán buôn hoá mỹ phẩm xuyên biên giới.

Thống kê danh mục triển vọng Alibaba tháng 12/2021, ngành hàng chăm sóc da (Ảnh: Alibaba.com)
Thống kê danh mục triển vọng Alibaba tháng 12/2021, ngành hàng chăm sóc da (Ảnh: Alibaba.com)

Thống kê của Alibaba tháng 12/2021, Sản phẩm chăm sóc da và công cụ nằm trong top 2 Danh mục triển vọng nhất, chỉ sau Tóc nối – tóc giả và được đánh giá là thị trường siêu tăng trưởng và luôn trong trạng thái thiếu hàng. Ở thời điểm khảo sát, cầu đang vượt cung khoảng 400.000 sản phẩm. Điều đó có nghĩa là vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các nhà bán buôn hoá mỹ phẩm Việt Nam.

Khác với các sàn TMĐT như shopee hay lazada tập trung bán lẻ, Alibaba có luồng vận hành bán buôn rõ ràng, cho phép các nhà buôn liên hệ trực tiếp với nhau qua email, trao đổi giá cả, hình thức giao nhận, tham gia chào hàng, đấu giá … Vai trò của sàn là duy trì nền tảng, xác minh độ uy tín để tạo niềm tin cho hai bên cũng như hỗ trợ vận hành tại mỗi quốc gia. 

Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng nữa giúp thúc đẩy việc bán buôn hoá mỹ phẩm xuyên biên giới là sự xuất hiện của các nhà cung cấp dịch vụ fulfillment nước ngoài như Boxme. Theo đó, các nhà bán buôn chỉ cần chuyển hàng vào kho Boxme và trả phí, nền tảng sẽ vận hành từ khâu lưu trữ bảo quản, dán nhãn đóng gói, vận chuyển thu tiền … tại các quốc gia khác. 

Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ fulfillment còn nhận đăng bài trên sàn TMĐT tại quốc gia đó, thuê đội ngũ telesale bản địa, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Đây là hướng đi hiệu quả đối với các nhà bán buôn ít kinh nghiệm hoặc khi muốn thăm dò phản ứng của người tiêu dùng với sản phẩm mới.

Quy trình của Boxme – nguồn: internet
Quy trình của Boxme – nguồn: internet

Tóm lại, có thể khẳng định rằng, bán buôn hoá mỹ phẩm xuyên biên giới là cánh cửa sáng đầy tiềm năng và nhà bán buôn nên tận dụng cơ hội này để đi trước đón đầu, khai thác càng sớm càng tốt để tạo lợi thế khác biệt trước đối thủ.

2. Bán buôn hoá mỹ phẩm cho các nhà thuốc

Cách đây 2 thập kỷ, những thương hiệu nhạy bén nhất với thị trường đã bắt đầu ý tưởng bán mỹ phẩm tại các hệ thống nhà thuốc với son dưỡng lipice và bộ sản phẩm trị mụn Acnes. Khi đó, hoá mỹ phẩm vẫn nằm trong các giá kệ trưng bày ngăn cách với người mua và được tư vấn bởi dược sĩ.

Trong thời gian dịch bệnh, hầu hết các shop hóa mỹ phẩm phải đóng cửa, các nhà thuốc đã nhìn ra cơ hội tăng doanh thu khi bán kèm sản phẩm này cho người tiêu dùng. Một loạt các hệ thống nhà thuốc như Hà Phương, Pharmacity …đã thay đổi kết cấu, tạo ra các gian hàng mở để khách hàng có thể tự trải nghiệm như được đến với một siêu thị hoá mỹ phẩm thực thụ. 

Các nhà thuốc còn mở rộng bán hàng trên app, web, sàn TMĐT và hoá mỹ phẩm trở thành một trong những nguồn doanh thu chủ lực của các nhà thuốc. Số lượng nhà thuốc mở mới tại Việt Nam đang vào giai đoạn chững lại, không còn tăng trưởng nóng như thời điểm 2022 – 2023, tuy nhiên đây vẫn là thị trường vô cùng hấp dẫn với các nhà bán buôn hoá mỹ phẩm với sức mua đều, ổn định, uy tín cao với khách hàng.

Tuy nhiên, hướng đi này có 3 thách thức mà các nhà bán buôn hoá mỹ phẩm cần phải lưu tâm.

Một là, lý do chính để các nhà thuốc lựa chọn mua của nhà bán buôn thay vì mua của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp là vì giá cả. Để bình ổn thị trường, nhà cung cấp buộc phải có một mức giá chung cho các đại lý cấp 1 và các đối tác lớn. Trong khi đó, các nhà bán buôn không bị ràng buộc bởi quy định này, vì vậy hoàn toàn có thể áp dụng chính sách giá linh hoạt theo chiến lược ở từng thời điểm. Ví dụ với một số dòng hàng dẫn, dùng để thâm nhập vào các nhà thuốc, nhà bán buôn có thể bán lỗ, và sau đó bù lãi bằng các dòng sản phẩm khác.

Hai là, các nhà thuốc đòi hỏi rất cao về chất lượng, giấy tờ chứng minh, nguồn gốc xuất xứ. Ví dụ như hệ thống nhà thuốc Hà Phương có hẳn một đội ngũ để kiểm nghiệm, test sản phẩm. Do đó, các nhà bán buôn phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu và thu thập đủ giấy tờ trước khi bắt đầu chào hàng vào hệ thống nhà thuốc. Tránh trường hợp bị trượt thầu do thiếu giấy tờ theo quy định, đơn hàng rơi vào tay đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Ba là, hiện nay có xu hướng các nhà thuốc tự đặt hàng các xí nghiệp dược gia công sản phẩm mang thương hiệu của mình. Ví dụ như Pharmacity, sau một thời gian nhập thử các loại thuốc, thực phẩm chức năng , hoá mỹ phẩm, sản phẩm nào khách hàng đón nhận nhiều, Pharmacity sẽ liên hệ trực tiếp với nhà máy để đặt hàng gia công sản phẩm mang thương hiệu riêng. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà bán buôn không thể chắc chắn rằng mỗi nhà thuốc mình tiếp cận được sẽ trở thành khách hàng lâu dài vĩnh viễn, mà phải liên tục đi tìm những khách hàng mới bổ sung.

Với các công thức sẵn có của xí nghiệp dược, Pharmacity thường chỉ mất một vài tuần để sản phẩm có mặt trên kệ và cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá của các nhà bán buôn. Từ vị trí “người bán”, các nhà thuốc lại trở thành “đối thủ cạnh tranh” của nhà bán buôn. Đây là nguy cơ không nhỏ với nhà bán buôn trong tương lai.

Pharmacity đang mở rộng rất nhanh danh mục hàng hoá mỹ phẩm gia công, cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán buôn (Ảnh: pharmacity)
Pharmacity đang mở rộng rất nhanh danh mục hàng hoá mỹ phẩm gia công, cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán buôn (Ảnh: pharmacity)

Có thể thấy rõ, bán buôn hoá mỹ phẩm vào các nhà thuốc là hướng đi sáng để tăng doanh thu và mở rộng thị phần cho các nhà bán hàng. Từ hướng đi này, nhà bán buôn hoàn toàn có thể mở rộng thêm các mặt hàng như dược mỹ phẩm, dụng cụ hỗ trợ chăm sóc da, chăm sóc cơ thể … để tăng doanh thu và tối ưu kênh bán. 

3. Bán buôn hoá mỹ phẩm qua nhượng quyền spa, salon

Một cách làm mới khác mà các nhà bán buôn hoá mỹ phẩm đã áp dụng thành công vào thực tế đó là xây dựng thương hiệu spa, salon tóc, sau đó hợp tác nhượng quyền với chi phí rẻ. Đổi lại bên mua nhượng quyền sẽ phân phối độc quyền sản phẩm của nhà bán buôn. Đây là công thức kinh doanh mới, được học hỏi từ các chuỗi F&B.

Mô hình nhượng quyền spa kết hợp bán mỹ phẩm đang phát triển mạnh tại Việt Nam thời gian gần đây (Ảnh: Shynh beauty)
Mô hình nhượng quyền spa kết hợp bán mỹ phẩm đang phát triển mạnh tại Việt Nam thời gian gần đây (Ảnh: Shynh beauty)

Với mô hình này, về bản chất, các spa và salon tóc vừa là đối tác nhượng quyền, vừa là khách hàng của các nhà bán buôn. Nhà bán buôn sẽ hỗ trợ các loại chi phí ban đầu và cung cấp sản phẩm để spa và salon tóc hoạt động. Đây là mối quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng có lợi.

Spa, salon tóc là kênh phân phối hoá mỹ phẩm được nhiều thương hiệu lựa chọn để tiếp cận thị trường (Ảnh: unsplash.com)
Spa, salon tóc là kênh phân phối hoá mỹ phẩm được nhiều thương hiệu lựa chọn để tiếp cận thị trường (Ảnh: unsplash.com)

Xu hướng này rất phù hợp với các sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, chưa được phân phối rộng rãi, chưa nhiều khách hàng biết tới. Các spa và salon tóc vừa là nơi khách hàng trải nghiệm, vừa là người bán sản phẩm. Nhiều salon còn có dịch vụ miễn phí gội đầu cho khách hàng mua trọn bộ chăm sóc tóc để kích thích khách mua và quay lại nhiều lần.

Đặc biệt, điểm chung của các spa, salon tóc hiện nay là đều có hoạt động đào tạo nghề. Khi đó, spa, salon tóc có thể trở thành nhà bán buôn cấp 2, học viên là nhà bán lẻ hoặc nhà bán buôn cấp 3, giúp hệ thống mở rộng theo cấp số nhân và nhà bán buôn cũng có nhiều cơ hội thu lợi nhuận lớn hơn.

4. Bán buôn hoá mỹ phẩm qua mạng lưới phân phối

Một hình thức bán buôn nữa được dự đoán sẽ phát triển trong năm 2023 chính là bán buôn qua hệ thống phân phối. Trải qua nhiều năm khái niệm “đa cấp” bị làm sai và hiểu sai tại thị trường Việt Nam, các nhà bán buôn đang có cơ hội tái định nghĩa cách làm này và hiện thực hóa bằng thành công trên thị trường.

Laco là một trong những thương hiệu hoá mỹ phẩm áp dụng bán buôn qua mạng lưới phân phối tốt nhất hiện nay với hơn 7000 thành viên (Ảnh - số liệu: Laco.vn)
Laco là một trong những thương hiệu hoá mỹ phẩm áp dụng bán buôn qua mạng lưới phân phối tốt nhất hiện nay với hơn 7000 thành viên (Ảnh – số liệu: Laco.vn)

Nếu như mô hình đa cấp cũ chỉ tập trung vào việc mời những người mới tham gia, sau đó lấy tiền của người sau trả cho người trước, gần như không có hàng hoá lưu thông trong hệ thống, thì với mô hình bán hàng qua mạng lưới phân phối 2023, “con người” và “lưu thông hàng hoá” là hai yếu tố được quan tâm hàng đầu.

Khi đó, mỗi nhà bán buôn sẽ có những đại lý, chính là những nhà bán hàng tuyến dưới, và những nhà bán hàng này lại tiếp tục mở rộng để mời gọi các nhà bán buôn khác. Họ có thể là chủ cửa hàng tạp hoá, siêu thị mini, hoặc chỉ bán hàng online tại nhà, nhưng đều có điểm chung là có hoạt động bán hàng, có thu chi để dòng tiền luân chuyển trong hệ thống. Với mô hình này, nhà bán buôn không chỉ có vai trò bán hàng, mà còn là người xây dựng và đào tạo đội ngũ, giúp các đại lý của mình có nhiều đại lý cấp 2, từ đó hàng hoá bán được số lượng nhanh hơn, nhiều hơn, chiếm lĩnh thị trường tốt hơn.

Theo dự đoán của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2023 sẽ tăng mạnh so với 2022, nhất là thời điểm Quý I, Quý II. Số lượng người thất nghiệp tăng nhưng cơ hội việc làm không tăng tương ứng. Khi đó, những công việc kinh doanh online, bán hàng qua hệ thống, xu hướng làm việc tự do tại nhà sẽ ngày càng phát triển. Đây chính là cơ hội tốt để các nhà bán buôn hoá mỹ phẩm bắt đầu tìm hiểu và xây dựng mạng lưới bán hàng của riêng mình.

>> Có thể bạn quan tâm: Phân tích chi tiết chiến lược Marketing của Innisfree – Thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc nổi tiếng

5. Bán buôn hoá mỹ phẩm qua các nền tảng số

Dù đã được tạo đà để phát triển từ cuối năm 2020, nhưng phải đến đầu năm 2023, khi nguồn vốn từ các quỹ đầu tư trở lại với thị trường Việt Nam, các nền tảng hỗ trợ bán buôn hoá mỹ phẩm mới bùng nổ trở lại. Những nền tảng như KiotViet, Telio, thitruongsi, Aemi đang trở thành một chiến lược mới, giúp các nhà bán buôn mở rộng thị trường mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Nói cách khác, địa bàn của nhà bán buôn hoá mỹ phẩm giờ đây là không biên giới.

Telio sử dụng đội ngũ sale hùng hậu, giúp nhà bán buôn mở rộng địa bàn (Ảnh: telio.vn)
Telio sử dụng đội ngũ sale hùng hậu, giúp nhà bán buôn mở rộng địa bàn (Ảnh: telio.vn)

Ví dụ, với nền tảng Telio, thay vì nhà bán buôn phải đi chào hàng, tìm đến từng đại lý ở các vùng miền trên toàn quốc, đội ngũ sale của Telio sẽ nhận sản phẩm mẫu hoặc catalogue, sau đó thay nhà bán buôn đi chào hàng, chốt sale, làm hợp đồng, hỗ trợ giao hàng, xuất hoá đơn, chăm sóc sau bán. Telio trở thành cánh tay nối dài, giúp nhà bán buôn vươn đến cả những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa nhất. 

Bên cạnh các nền tảng bán buôn trong nước, nhà bán hàng cũng có thể tìm hiểu sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Alibaba và Amazon. Trên các sàn này đều có đội ngũ hỗ trợ, giúp nhà bán buôn xây dựng gian hàng, vận hành và quản trị chính xác, nhanh gọn.

Điển hình, trên sàn thương mại điện tử Alibaba, nhà bán buôn có thể dễ dàng đặt giá, chào giá bán, đăng tải sản phẩm, gửi email đến các khách hàng trên toàn thế giới. Nhà bán buôn cũng có thể trả phí để được hỗ trợ và chào giá với các đơn hàng ẩn, không công khai. Có được những lợi thế này, nhà bán buôn có thể tạo ra những bước nhảy vọt về doanh số và quy mô bán hàng trong năm 2023.

Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc quản lý bán hàngThử ngay miễn phí MISA AMIS CRM - Giải pháp quản lý bán hàng toàn diện

Kết luận

Sự cạnh tranh gay gắt của các hình thức mua bán mới, những đối thủ mới và tình hình kinh doanh khó khăn trong thời kỳ Covid đã thanh lọc khá nhiều những nhà bán buôn hoá mỹ phẩm lớn nhỏ. Do đó, những nhà bán buôn hiện hữu cần ngay lập tức thích nghi với các xu hướng mới để bắt kịp thị trường, tìm ra những hướng đi giúp tăng lợi nhuận và thậm chí bùng nổ doanh thu trong năm 2023.

Tác giả: Lương Thanh Hà

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]