Podcast marketing – nghệ thuật chinh phục khách hàng qua “thính giác”

31/01/2023
1858

Doanh thu marketing podcast ở Mỹ được dự đoán vượt mức 2 tỷ đô trong năm 2022, đến năm 2024 dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng hai chữ số và đạt mức tăng hơn 200% theo nghiên cứu của TechCrunch. Thị trường podcast marketing có thể đạt mức 4,2 tỷ USD trong hai năm kể từ bây giờ. Còn tại Việt Nam, có đến 30% – 35% người sử dụng internet có nghe Podcast. Chính vì vậy, podcast marketing sẽ giúp thương hiệu thu hút thêm khách hàng, nâng cao được nhận thức về thương hiệu.

Podcast là một mảnh đất đầy tiềm năng, nó là một kênh truyền thông mới dành cho các thương hiệu. Với sự phát triển nhanh chóng và đa dạng đến từ loại hình nội dung này, việc sử dụng podcast làm công cụ marketing chắc chắn là lựa chọn thông minh cho các marketer.

Podcast là gì – Lịch sử hình thành podcast

Podcast lần đầu được nhắc đến trong bài viết của Ben Hammersley – một nhà công nghệ, nhà tư vấn tầm nhìn chiến lược, nhà báo người Anh trên tờ The Guardian vào năm 2004 như một thuật ngữ được ghép giữa “Ipod” và “Broadcast”. Cụ thể hơn, Podcast được hiểu là một tệp âm thanh bao gồm âm nhạc, lời nói… được phát hành trên Internet. 

Đến năm 2005, “podcast” chính thức được từ điển Oxford công nhận là từ khóa của năm. Từ đó cho đến nay, podcast phát triển và lan rộng nhanh chóng trở thành kênh thu hút khán giả, điển hình là việc Spotify đã quyết định mua lại Gimlet Media – một công ty chuyên sản xuất podcast – với giá 230 triệu đô vào năm 2020.

Podcast ra đời dựa trên nền tảng từ radio
Podcast ra đời dựa trên nền tảng từ radio

Podcast là một sự “tiến bộ mới” so với radio – nơi các chương trình chỉ được phát sóng một lần theo lịch trình có sẵn. Dựa theo nhu cầu của thính giả (on-demand), podcast cung cấp nội dung đa dạng, có thể lựa chọn nghe tùy thích bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu và có thể tua đi tua lại theo ý muốn.

Podcast kết thừa radio ở đặc điểm truyền tải thông tin, thông điệp thông qua hình thức âm thanh. Tuy nhiên, so với thông tin mang tính đại chúng trên radio đến với podcast, nội dung mang tính cá nhân hóa cao hơn bởi ai cũng có thể tự tạo ra những kênh podcast riêng thoải mái thể hiện cá tính của bản thân.

Đọc thêm: Cách xây dựng kịch bản podcast mẫu hoàn chỉnh

Podcast marketing – xu hướng mới của tương lai

Podcast marketing là việc lồng ghép các yếu tố thương hiệu vào nội dung podcast một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong thời lượng nhất định nhằm gây ấn tượng, tò mò đến với đối tượng khán giả mục tiêu. Podcast Marketing thường sử dụng các nội dung theo kiểu PR hơn là quảng cáo, tức là thương hiệu truyền tải những nội dung một cách gần gũi và đáng tin cậy nhất thay vì “nói quá” về những gì thương hiệu đang có.

Theo thống kê, tính đến năm 2022, đa số người Mỹ đều đã từng 1 lần nghe podcast. Thống kê cuối năm của Spotify cũng cho biết có hơn 1 triệu 2 podcast được đăng tải trên nền tảng chỉ trong vòng 1 năm 2021, với 80% là những nhà sáng tạo độc lập. 

Thị trường podcast ở Việt Nam cũng rất sôi động, đặc biệt là sau năm 2020 với khoảng 50 kênh podcast Việt được phát hành mỗi tháng. Con số này tăng gấp 5 lần trong năm 2021 với 100-250 kênh podcast được mở mới trong một tháng.

Một số kênh podcast phổ biến
Một số kênh podcast phổ biến

Theo Edition Research cho đến tháng 4/2021, có đến hơn 2 triệu kênh podcast với 48 triệu tập và mỗi ngày có khoảng vài nghìn podcast xuất bản trên khắp thế giới. Con số này sẽ còn tăng trưởng tích cực trong tương lai, khi có tới hơn 20% người người dùng Internet nghe podcast. 

Theo Nielsen, có đến 80% người nghe trong độ tuổi từ 18-49 không cảm thấy quảng cáo phiền phức trong suốt quá trình họ nghe podcast. 54% trong số đó sẽ quan tâm đến những thương hiệu được đề cập đến trong podcast yêu thích. Với sự phát triển thần tốc của podcast, có thể nói, trong tương lai, đây sẽ là một trong các nền tảng chủ chốt của truyền thông số.

Sự đa dạng trong nội dung của podcast tạo nên nhiều thị trường ngách, làm cho podcast marketing ngày càng trở nên “có đất dụng võ”. Với các chủ đề từ sách nói, talkshow với người nổi tiếng đến các vấn đề kinh tế xã hội, cập nhật kiến thức đa ngành nghề hay thậm chí chỉ là những mẩu chuyện nhỏ nhặt thường nhật khiến podcast trở nên đa dạng và thu hút nhiều đối tượng thính giả. 

Ta bắt gặp những chênh vênh cảm xúc ở “Tri kỷ cảm xúc”, ta nhìn thấy những góc nhìn đa chiều về mọi lĩnh vực dưới con mắt người nổi tiếng qua “Have a Sip” hay bắt gặp bài học từ hành trình trưởng thành tự thân với “Giang ơi Radio”…

Podcast marketing - chinh phục khách hàng qua “thính giác”
Podcast marketing – chinh phục khách hàng qua “thính giác”

Nói tóm lại, Podcast đã và đang được các chuyên gia đánh giá là một miền đất hứa “màu mỡ” dành cho các marketer để mở rộng các kênh marketing mix (marketing hỗn hợp) trong chiến lược kinh doanh của mình.

Marketing trên podcast – thương hiệu được gì?

Khi thị trường podcast tiếp tục lớn mạnh, những thương hiệu tận dụng được cơ hội này sẽ nắm được lợi thế, tiến xa hơn trên con đường chinh phục khách hàng:

Nhắm đúng đối tượng khách hàng mục tiêu

Một trong những cái “được” mà podcast marketing đem lại đó là khả năng định hình tệp khách hàng mục tiêu. Các thống kê về nhân khẩu học, hành vi người dùng (sở thích, thói quen…) người dùng giúp bổ sung thêm mảnh ghép vào bức tranh chân dung người dùng.

Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 4 năm 2008 của The Podcast Consumer Revealed, những người nghe podcast thường là những người được giáo dục tốt, có thu nhập bình quân cao. Bên cạnh đó, một số thống kê nhân khẩu học từ podcast rất hiệu quả cho doanh nghiệp trong quá trình định hướng chiến lược marketing:

  • 90% người dùng lựa chọn nghe Podcast ở nhà, 64% người nghe Podcast ở trong xe hoặc trên tàu, 49% nghe khi đang đi bộ và 37% nghe tại công sở (Theo Edison Research)
  • Khoảng 40% người nghe Podcast là những người trong các nhóm tuổi 12 – 24 và 25 – 54 (Theo Marketing Land)
  • Podcast đang dần trở thành kênh nội dung được thế hệ Millennials ưa chuộng khi chiếm đến 10% tổng khối lượng nội dung tương tác trên mạng xã hội (Theo Billboard)
  • 80% người nghe Podcast đều sở hữu học vấn cao (từ bằng cử nhân trở lên) (Theo Edison Research)

Với đối tượng người nghe được phân chia rõ ràng theo từng chủ đề, doanh nghiệp có thể lựa chọn kênh podcast phù hợp đối tượng công chúng mục tiêu, với các nội dung mà họ đang thực sự quan tâm. Trong lĩnh vực lifestyle không thể không kể đến các kênh như: Have a sip, Giang ơi Radio, Bít Tất, Sexedu by Trang – Chăn Chuối show,… 

Nếu quan tâm lĩnh vực kinh doanh thì không thể không kể đến các podcast: Tâm sự kinh doanh, Hiếu TV, The Quoc Khanh Show… Hay lĩnh vực phát triển bản thân thì phải kể đến Spiderum Channel, Ted Talk Daily,… Tùy theo sản phẩm của doanh nghiệp hướng đến tệp khách hàng nào và họ đang quan tâm điều gì để thương hiệu lựa chọn kênh podcast quảng bá cho phù hợp.

Mang đến cơ hội kinh doanh mới

Một nghiên cứu trên người nghe Podcast của Edison Research mới đây chỉ ra rằng, 54% trong số họ sẽ xem và kiểm tra về những thương hiệu mà họ thấy được đề cập trên những show Podcast yêu thích. Chính vì vậy, đầu tư vào những nội dung Podcast phù hợp sẽ giúp thương hiệu thu hút thêm khách hàng, cũng như nâng cao được nhận thức về thương hiệu. 

Xây dựng hình ảnh thương hiệu

Tương tự như các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram, Podcast là kênh để kết nối giữa thương hiệu với khách hàng. Một thống kê của Music Oomph đã chỉ ra rằng, người nghe Podcast có tần suất hoạt động trên mạng xã hội năng nổ hơn những người khác. 

Cụ thể là 94% người nghe Podcast hoạt động mạnh trên mạng xã hội. Việc kết hợp và đồng nhất thông điệp truyền thông giữa các kênh mạng xã hội và podcast sẽ mang thương hiệu đến gần hơn với khách hàng. 

Bí kíp podcast marketing hiệu quả

Thị trường podcast đang phát triển nhanh chóng và lớn mạnh. Thông thường, thương hiệu có 2 sự lựa chọn làm podcast marketing đó là owner media – tự mình làm chủ kênh của thương hiệu và paid media – trả tiền cho các kênh podcast để quảng cáo cho thương hiệu như một hình thức PR.

Xây dựng kênh podcast cho chính thương hiệu của bạn

Có thể nói, Podcast giống như một sân chơi giúp thương hiệu tự do xây dựng cá tính riêng, là nơi xây dựng độ nhận diện thương hiệu thông qua chuỗi nội dung chất lượng, hữu ích và mang tính tương tác cao. Xây dựng podcast cho thương hiệu không phải là một bài toán dễ dàng, việc đó đòi hỏi chiến lược cụ thể, rõ ràng.

Định hướng nội dung: 

Nội dung, thông điệp truyền thông mà podcast muốn truyền tải phải tương đồng, trùng khớp với định vị, sứ mệnh mà thương hiệu đang hướng đến. Một thương hiệu mỹ phẩm sẽ tìm đến các kênh về chăm sóc sắc đẹp, một nơi hỗ trợ du học hãy tìm đến các kênh chia sẻ kiến thức về du học như “Ta đi đây”, “Du và học”… 

Điều quan trọng nhất là nội dung – giá trị cốt lõi mà kênh mang đến cho độc giả “chạm đúng vào nỗi đau/chỗ sướng” – đem lại ý nghĩa và giải quyết đúng nhu cầu của khách hàng.

Nhận diện: 

Đây là điểm đặc biệt của bạn khiến người nghe nhớ lâu – nhớ sâu – yêu bền. Âm thanh đặc trưng, giọng nói ấn tượng hay phong cách dẫn chuyện cuốn hút sẽ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong tâm trí khách hàng.

Kết nối với các chuyên gia: 

Có thể coi là hình thức influencer marketing trong podcast marketing. Việc kết nối với những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực giúp thương hiệu trở nên uy tín và đáng thử hơn trong mắt khách hàng mục tiêu. 

Phân phối đa nền tảng: 

Spotify, Soundcloud, Apple podcast… bất cứ nơi đâu có thể đưa podcast đến với thính giả, hãy tận dụng tất các các kênh khán giả có thể tiếp cận được

Marketing cho chính kênh podcast: 

Kết nối và chia sẻ đa nền tảng chính là chìa khóa phân phối nội dung trong thế giới số hiện nay. Sử dụng tốt các kênh social media giúp cho thương hiệu tiến xa trên con đường chinh phục trái tim khách hàng.

Xây dựng podcast marketing cho thương hiệu cần chiến lược và sự đầu tư
Xây dựng podcast marketing cho thương hiệu cần chiến lược và sự đầu tưXây dựng podcast marketing cho thương hiệu cần chiến lược và sự đầu tư

Làm sao để xác định kênh podcast quảng bá cho thương hiệu

Xác định điểm giao thoa thị trường: 

Đối tượng người nghe của kênh podcast phải chứa đựng tệp khách hàng mục tiêu của thương hiệu. Chân dung khách hàng mục tiêu giữa thương hiệu và kênh phải có điểm chung ở một khía cạnh nào đó. 

Nếu khách hàng mục tiêu của thương hiệu và thính giả đều có chung một điều điểm giao thoa đó là hướng đến phát triển bản thân thì không thể không tìm đến các kênh như Spiderum channel, The present writer hay Unlock FM.

“Chung” lĩnh vực sẽ tăng tỷ lệ “win”

Sự đồng điệu giữa người quảng bá và thương hiệu chính là chìa khóa, những người làm podcast thu hút đông đảo lượt nghe thường là những người có cách truyền tải thú vị, có “gu”. Đúng người, đúng kênh sẽ mang đến hiệu ứng marketing lan tỏa cực kỳ tuyệt vời. 

Sáng tạo hòa hợp trong truyền tải thông điệp: 

Thương hiệu cần kết hợp chặt chẽ với người sáng tạo nội dung để có được podcast marketing hiệu quả. Hiểu phong cách truyền tải, cảm xúc mang lại của từng kênh để lựa chọn mang đến phương thức thể hiện thông điệp đồng điệu, không bị phản cảm hay lạc quẻ với không khí chung của kênh. 

Quản lý hiệu quả chiến dịch marketing ngayTrải nghiệm miễn phí phần mềm MISA AMIS aiMarketing

Các kênh podcast “gối đầu giường” cho dân kinh doanh, marketing

Những câu chuyện làm ngành

Một kênh podcast về marketing cực kỳ thú vị dưới sự dẫn dắt của MC Kim. Người nghe có thể thu lượm được nhiều kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, những xu hướng mới nhất hay các case study độc đáo trong ngành marketing. Ngoài ra, kênh còn có rất nhiều khách mời nổi tiếng chia sẻ về công việc chuyên môn của họ.

Podcast Marketing: “Những Câu Chuyện Làm “Ngành” – Nguồn: Podvine
Podcast Marketing: “Những Câu Chuyện Làm “Ngành” – Nguồn: Podvine

Have a sip – Vietcetera

Have a sip là hình thức gọi một loại đồ uống bất kỳ, để tạo ra không gian giúp bạn và người khác có thể kết nối dễ dàng với nhau. Mỗi món đồ sẽ đại diện cho những tính cách khác nhau của khách mời. Để từ đó host Thùy Minh sẽ đưa ra những câu chuyện chia sẻ quan điểm cùng các khách mời.

Podcast này không giới hạn trong lĩnh vực marketing mà còn đa dạng mọi chủ đề. Một số cái tên nổi bật đã từng tham gia chương trình như: Giang ơi, Việt Trần (JVevermind), Tóc Tiên…

Podcast Marketing: “HAVE A SHIP” – Nguồn: Vietcetera
Podcast Marketing: “HAVE A SHIP” – Nguồn: Vietcetera

M.A.D

M.A.D là podcast với sự kết hợp của 3 lĩnh vực: Marketing, Art và Design. Với sự dẫn dắt của Tuân Lê – Giám đốc Sáng tạo kiêm Đồng sáng lập The Lab Saigon, với 30 phút mỗi tập bạn sẽ được lắng nghe những chuyện trong nghề của các khách mời tên tuổi thuộc 3 lĩnh vực trên. Nhiều góc nhìn mới mẻ, những kinh nghiệm và bài học giá trị sẽ được chia sẻ trong mỗi tập podcast. 

Chương Trình Podcast : “M.A.D” – Nguồn: Vietcetera
Chương Trình Podcast : “M.A.D” – Nguồn: Vietcetera

Advertising Vietnam

Podcast của Advertising Vietnam thực sự là một “mỏ vàng” về ngành quảng cáo vì ở đó cập nhật những xu hướng marketing mới nhất, “nóng hổi” nhất và các campaign nổi bật nhất nhất từ khâu lên ý tưởng cho đến các hoạt động triển khai thực tế tại Việt Nam.

Podcast Advertising Vietnam
Podcast Advertising Vietnam

Brand Talks

Brand Talks là chương trình podcast quen thuộc với dân trong nghề. Brand Talk hội tụ đầy đủ các yếu tố như cập nhật, đa dạng, chuyên sâu về marketing, truyền thông và quảng cáo. 

Podcast Brand Talks - nguồn Brands Vietnam
Podcast Brand Talks – nguồn Brands Vietnam

Với kênh podcast này, bạn được lắng nghe những nhà sáng lập các doanh nghiệp của Việt Nam kể những câu chuyện liên quan đến thương hiệu hay chia sẻ những kiến thức chuyên môn hữu ích, cùng các case study thú vị. Cùng với đó, nhiều đầu sách hay, giá trị cũng được Brand Talk giới thiệu tới thính giả.

Tổng kết

Có thể nói, với sự phát triển mạnh mẽ, podcast marketing đang dần trở thành xu hướng của tương lai. Đây sẽ là “mảnh đất màu mỡ”, hiệu quả cho các doanh nghiệp. Nắm bắt xu hướng và đa dạng nội dung, đổi mới cách tiếp cận và truyền tải thông điệp chính là chìa khóa cho mỗi thương hiệu để chiến thắng với podcast marketing.

Tác giả: Trần Thị Hồng

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả