[Mới nhất] Báo cáo ngành vật liệu xây dựng 2022 tại Việt Nam

23/12/2022
512

Theo báo cáo của Vietnam Report, phần lớn doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng đều lạc quan về triển vọng tăng trưởng của năm 2022.

Dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2021, số liệu của Tổng Cục Thống Kê cho biết tốc độ tăng trưởng toàn ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng 2021 chỉ đạt 0,63%, thấp hơn rất nhiều so với mức 10% của những năm trước. Nhưng nhiều chuyên gia nhận định thị trường vật liệu xây dựng 2022 bùng nổ mạnh bởi hàng loạt dự án được tái khởi động.

Tuy nhiên, trái với những dự báo lạc quan về sự phục hồi, ngành vật liệu xây dựng đã có một năm đầy khó khăn với những biến động không thể lường trước của thị trường, chứng kiến sự leo thang chi phí và biên độ lợi nhuận giảm sâu.

Vậy, tình hình thực tế của thị trường xây dựng – vật liệu xây dựng năm 2022 như thế nào? Xu hướng vật liệu xây dựng trong những năm tới có gì đặc biệt? Hãy cùng Misa điểm qua những vấn đề này trong “Báo cáo ngành vật liệu xây dựng 2022” ngay sau đây.

Ngành vật liệu xây dựng đã có một năm khó khăn hơn dự báo (Nguồn: unsplash.com)
Ngành vật liệu xây dựng đã có một năm khó khăn hơn dự báo (Nguồn: unsplash.com)

I. Báo cáo bối cảnh thị trường vật liệu xây dựng trong nước và thế giới 2022

Do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt công trình xây dựng đã bị đình trệ suốt 2 năm 2020 – 2021. 

Sang năm 2022, nhiều công trình đồng loạt được tái khởi động, các cơ hội kinh doanh xuất hiện tạo tiền đề cho triển vọng tươi sáng của ngành vật liệu xây dựng trong năm mới. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường vật liệu xây dựng trong nước và thế giới không thuận lợi cho sự phát triển của ngành.

1. Tình hình thế giới: đầu năm căng thẳng tăng giá, cuối năm lao dốc giảm sâu

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, giá kim loại cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh, thời điểm đạt đỉnh vào tháng 3/2022 đã gấp 2,2 lần so với năm 2019. 

Giá đồng – trụ cột của ngành vật liệu xây dựng thế giới – thậm chí đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 10.845 USD/tấn, giá nhôm cũng vượt 4.000 USD/tấn vào những ngày đầu tháng 3, kéo theo tất cả các mặt hàng vật liệu xây dựng đều tăng giá chóng mặt. 

Biểu đồ giá kim loại cơ bản giai đoạn 2021 đến tháng 5/2022 so với 2019 (Nguồn: world bank blogs)
Biểu đồ giá kim loại cơ bản giai đoạn 2021 đến tháng 5/2022 so với 2019 (Nguồn: world bank blogs)

Nguyên nhân châm ngòi cho sự bùng nổ này là những sự kiện chính trị lớn liên tiếp xảy ra trên toàn thế giới. Căng thẳng Trung Quốc – Australia, các lệnh cấm vận kinh tế và chính sách siết chặt khai thác than để bảo vệ môi trường của Trung Quốc đã đẩy giá than tăng đến 75% chỉ trong một năm. 

Đỉnh điểm là cuộc chiến Nga và Ukraine – Hai trong số những quốc gia xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất thế giới – đã ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung và khiến giá dầu mỏ, xăng, khí đốt toàn cầu bị đội giá chưa từng có.

Ngành vật liệu xây dựng vì thế cũng bị ảnh hưởng lớn, bởi quá trình luyện kim đòi hỏi tiêu tốn rất nhiều năng lượng, chi phí đầu vào tăng dẫn tới giá đầu ra bắt buộc phải tăng theo. 

Bên cạnh đó, giá xăng dầu cao, chi phí vận chuyển trở nên đắt đỏ, lợi nhuận từ xuất khẩu giảm, trực tiếp đe dọa tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại Châu Âu, chi phí năng lượng tháng 9 đang cao hơn cả năm cộng lại và gần như ngành luyện thép rơi vào trạng thái bất động để tiết kiệm cho mùa đông khắc nghiệt phía trước. Tờ Le Figaro của Pháp tóm gọn toàn bộ biến động này trong tiêu đề của một bài báo cáo tháng 7/2022 cho biết “Giá vật liệu xây dựng trong ngành đang tăng từng giờ”. 

Tuy nhiên, tình hình đã bất ngờ đảo chiều từ thời điểm giữa năm 2022. Những lo ngại về một thời kỳ suy thoái kinh tế mới đã tác động tiêu cực đến toàn bộ thị trường. 

Theo hãng tin Reuters, giá quặng sắt cuối năm 2022 đang trên đà về mốc thấp nhất trong 3 – 4 năm trở lại đây, khi Trung Quốc và Châu Âu giảm sản lượng thép, còn các nhà đầu tư phương Tây cũng đang chậm nhịp độ xây dựng để đánh giá tình hình.

Giá quặng sắt lao dốc từ đỉnh 160 USD/tấn (Nguồn: trading Economics)
Giá quặng sắt lao dốc từ đỉnh 160 USD/tấn (Nguồn: trading Economics)

Theo tạp chí năng lượng Oilprice, tính riêng ngành thép Trung Quốc, đầu năm 2022, 80% doanh nghiệp thép công bố lãi kỷ lục, thì đến Quý 3 chỉ còn 20% có lãi, thậm chí ⅓ số doanh nghiệp còn lại đang đứng trước nguy cơ phá sản. Không riêng quốc gia tỉ dân, giá thép toàn cầu cũng liên tục nhảy múa do sự can thiệp của các nhà đầu cơ và đã thật sự lao dốc vào quý 4.

Những biến động, “nhảy múa liên tục” của thị trường vật liệu xây dựng toàn cầu đã tạo nên một kịch bản khó đoán và căng thẳng suốt cả năm 2022 mà không nhà phân tích nào có thể dự đoán trước báo cáo. Điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến thị trường vật liệu xây dựng trong nước.

>> Có thể bạn quan tâm: Cách xây dựng quy trình bán hàng vật liệu xây dựng hiệu quả!

2. Tình hình trong nước: tăng trưởng trong sự thận trọng 

Giữa muôn vàn khó khăn, Việt Nam vẫn là một điểm sáng của ngành xây dựng – vật liệu xây dựng Châu Á. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 105% so với cùng kỳ, theo đó lượng tiêu thụ vật liệu xây dựng cũng tăng lên.

Có ba yếu tố thuận lợi đã tạo đà cho sự tăng trưởng của ngành vật liệu xây dựng năm 2022. 

Một là nhu cầu xây dựng sau Tết tăng cao, đặc biệt sau hai năm đình trệ vì dịch bệnh. Thống kê từ Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 31.055 công trình khởi công mới, tương đương 70,4% tổng số công trình khởi công mới của cả năm 2021. Số lượng công trình xây dựng mới có thể tiếp tục tăng đến cuối năm do nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn, đặc biệt là nhóm chung cư, nhà ở xã hội. 

Bên cạnh đó, ngày 17/11 vừa qua, Chính Phủ đã ban hành quyết định 1435/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng.

Tổ công tác cùng Bộ trưởng phụ trách rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là những điều kiện thuận lợi giúp thúc đẩy nhu cầu xây dựng và tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước.

Hai là nhiều đại công trình được khởi công trở lại sau dịch. Theo thống kê của VNDirect, riêng ngành giao thông đã có tổng mức đầu tư giai đoạn 2022 – 2030 lên tới 32,1 tỷ USD, trong đó có nhiều công trình siêu lớn như Cao tốc Bắc – Nam (10 tỷ USD), Sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (4,9 tỷ USD), đường vành đai 4 (3,7 tỷ USD) …

Thống kê tổng mức đầu tư các công trình xây dựng lớn trong giai đoạn 2022 - 2030 của ngành giao thông (nguồn: VNDirect)
Thống kê tổng mức đầu tư các công trình xây dựng lớn trong giai đoạn 2022 – 2030 của ngành giao thông (nguồn: VNDirect)

Ba là làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp FDI vào thị trường Việt Nam, bắt đầu từ việc đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở vật chất như Foxconn (đối tác Apple) đầu tư 300 triệu USD mở nhà máy tại Bắc Giang; Panasonic, Bosch, Xiaomi cũng đã có những cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong giai đoạn 2023 – 2025.

Các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu vật liệu xây dựng Việt Nam hành động rất thận trọng, tham gia cuộc chơi một cách khá an toàn khi không chủ động gia tăng sản lượng ồ ạt. Tuy nhiên, tình hình lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng khá rõ nét.

3. Báo cáo lợi nhuận của một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng đầu ngành trong năm 2022

Hòa Phát chứng kiến sự sụt giảm lợi nhuận rất nhanh trong Quý 3/2022 sau nửa năm ổn định. Theo báo cáo Tổng quan tình hình kinh doanh Quý 3/2022 của Ban tài chính tập đoàn, biên lợi nhuận gộp Quý 1/2022 đạt 23% thì Quý 3 chỉ còn 3%, biên lợi nhuận thuần Quý 1/2022 đạt 18% thì Quý 3 đã là -5%. 

Nguyên nhân chính là giá than tăng cao và chi phí vận chuyển nguyên liệu đường biển tăng do các lệnh cấm vận kinh tế đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng truyền thống của doanh nghiệp.

Nguồn: hoaphat.com.vn
Nguồn: hoaphat.com.vn

Theo báo cáo tài chính riêng của Viglacera, Quý 3/2022 doanh nghiệp đã thu về lợi nhuận sau thuế 221 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức lợi nhuận sau thuế của Quý 1/2022 (566 tỷ) và Quý 2/2022 (535 tỷ). 

Nguyên nhân chính của sự gia tăng lợi nhuận là Tổng công ty hợp nhất báo cáo tài chính của Công ty Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ do nâng tỷ lệ sở hữu từ 35% lên 65% từ 1/10/2021, đóng góp chung vào mức tổng lợi nhuận của công ty. (Trích theo Báo cáo tài chính của Viglacera)

Năm 2022 chứng kiến lợi nhuận của Vicostone giảm sâu. Theo báo cáo tài chính Quý 3/2022, lợi nhuận toàn doanh nghiệp đạt 164,3 tỷ đồng, chỉ bằng 36,8% cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận lũy kế từ đầu năm đạt 867 tỷ đồng tương đương 70,6% cùng kỳ năm 2021.

Nhựa Tiền Phong cũng đã có khởi đầu thuận lợi vào nửa đầu năm và chậm lại trong Quý 3. Theo báo cáo hợp nhất 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế luỹ kế đạt 374,6 tỷ đồng, doanh thu đạt 3,87 nghìn tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt doanh thu từ mảng xuất khẩu tăng 2,38 lần. 

Tuy nhiên, lợi nhuận  sau thuế trong Quý 3/2022 chỉ đạt 82 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 177 tỷ đồng ở Quý 2/2022.

Nhìn chung, các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng đều có báo cáo kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm nhưng lại giảm sâu trong Quý 3/2022. Dự đoán trong Quý 4, doanh thu sẽ tiếp tục trên đà giảm, các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ còn phải đối mặt với thách thức từ nhiều phía.

>> Xem thêm: 5 kỹ năng bán hàng vật liệu xây dựng giúp chốt sale tốt

II. Đánh giá chung về ngành vật liệu xây dựng Việt Nam năm 2022

1. Giảm sản xuất, tăng nhập khẩu

Nghị định 101/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 30/12/2021 quy định về tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu cho hàng loạt mặt hàng vật liệu xây dựng đã tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp. 

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, chỉ riêng 8 tháng đầu năm, mặt hàng thép đã nhập siêu 2,8 tỷ USD, chưa kể các mặt hàng khác. Nhất là thời điểm từ tháng 5/2022 trở đi, giá nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế lao dốc, nhu cầu xây dựng toàn cầu chững lại, trong khi cầu nội địa vẫn cao, việc nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội kinh doanh để gia tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, báo cáo của Vụ Vật liệu xây dựng cũng cho thấy sản lượng ngành xi măng xuất khẩu 2022 giảm tới 28% so với cùng kỳ năm 2021. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và chi phí vận chuyển đắt đỏ đã khiến hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phải điều chỉnh mục tiêu kinh doanh, giảm sản lượng xuất khẩu, từ đó giảm khối lượng sản xuất nói chung. Phạm vi kinh doanh cũng được chuyển dịch, đẩy trọng tâm phục vụ nhu cầu trong nước. 

Nguyên nhân chính của việc chuyển dịch từ xuất siêu sang nhập siêu vật liệu xây dựng là nhằm bảo vệ môi trường. Sản xuất vật liệu xây dựng cần nhiều năng lượng và tài nguyên hóa thạch.

Những năm qua, việc khai thác quá mức than đá, quặng kim loại, cát biển … đã gây nên vô số hệ luỵ như xói mòn, sạt lở, đất đai không thể trồng trọt, ô nhiễm nguồn nước. Hệ thống máy móc thiết bị cũ kỹ cho năng suất thấp, gây hại cho sức khỏe của công nhân vận hành và cộng đồng xung quanh. 

Vì vậy, để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, nhiều quốc gia đang khuyến khích nhập khẩu vật liệu xây dựng, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu hầu hết các mặt hàng. Những điều này đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng nhập khẩu một số nhóm ngành vật liệu xây dựng cơ bản.

Dù giảm về lượng, nhưng các doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam cũng rất nhanh nhạy tìm kiếm cơ hội thâm nhập và thăm dò các thị trường mới. Đây cũng là điểm nổi bật trong năm 2022.

2. Xuất khẩu không còn phụ thuộc vào một thị trường duy nhất

Trước đây, Việt Nam chỉ phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu truyền thống. Sau khi Philippine áp thuế chống bán phá giá 10% cho vật liệu xây dựng của Việt Nam, nước ta chỉ còn thị trường nhập khẩu chủ đạo là Trung Quốc. Hậu Covid, nền kinh tế Trung Quốc lại rơi vào thời kỳ suy thoái mới, các công trình tạm ngưng hoặc xây dựng cầm chừng, ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng xuất khẩu vật liệu xây dựng của Việt Nam.

Dự đoán trước tình hình khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm các thị trường mới. Điển hình như tập đoàn Hòa Phát, khi cầu tại Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc giảm, Hoà Phát đã chuyển hướng sang những thị trường ít bị ảnh hưởng hơn như Đông Nam Á và một số nước Châu Á, tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường này đã chiếm tới 68% tổng doanh thu xuất khẩu của Hoà Phát trong năm 2022.

Nguồn: hoaphat.com.vn
Nguồn: hoaphat.com.vn

3. Công nghệ 4.0 tạo nên đột phá

Sử dụng phần mềm CRM để quản lý mối quan hệ khách hàng trong ngành vật liệu xây dựng được xem là giải pháp công nghệ mới được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để giải quyết bài toán quản lý khách hàng, quản lý hàng hóa, quản lý tồn kho, báo giá, công nợ, hợp đồng,…

Xem thêm: Lợi ích của việc triển khai phần mềm CRM trong kinh doanh

4. Chuyển dịch từ mô hình kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử

Với xu thế áp dụng công nghệ tiên tiến như trên, có thể dễ dàng nhận thấy cơ hội kinh doanh không còn giới hạn trong một quốc gia nào. 

Thay vì chỉ hướng tới những đơn hàng lớn, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nghiên cứu và đưa vào triển khai kênh thương mại điện tử dành cho một số nhóm vật liệu xây dựng đặc thù.

Các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy xu hướng này, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần và tiếp cận thị trường thế giới dễ dàng hơn.

Một gian hàng chuyên bán các sản phẩm vật liệu xây dựng từ Việt Nam trên trang Alibaba.com (nguồn: Alibaba.com)
Một gian hàng chuyên bán các sản phẩm vật liệu xây dựng từ Việt Nam trên trang Alibaba.com (nguồn: Alibaba.com)

>> Xem thêm: Các bước lập kế hoạch kinh doanh vật liệu xây dựng cho người mới

5. Vai trò điều tiết cực kỳ quan trọng của nhà nước

Trong năm 2022, vai trò điều tiết cung – cầu của nhà nước đối với ngành vật liệu xây dựng được thể hiện rất rõ. 

Thời điểm tháng 4, khi giá vật liệu xây dựng đồng loạt tăng cao, tại Công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện xây dựng, công bố giá và báo cáo chỉ số giá các mặt hàng ngành vật liệu xây dựng, bình ổn và quản lý giá chặt chẽ. 

Sau đó một tháng, dưới áp lực giá tăng và nguồn cung giảm, Bộ Giao thông Vận tải đã cho tạm dừng một số dự án để tránh gia tăng sức nóng của thị trường.

Tuy nhiên, ngay sau khi thị trường có dấu hiệu đi xuống, Chính Phủ lập tức tái khởi động hàng loạt đại công trình xây dựng, đưa ra các chủ trương khuyến khích đầu tư, giúp thị trường xây dựng và vật liệu xây dựng nóng trở lại.

Có thể nói, chính nhờ sự điều tiết kịp thời, nhạy bén của các Bộ, Ban, Ngành, thị trường vật liệu xây dựng của Việt Nam không phải chịu quá nhiều ảnh hưởng và vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng nhẹ trong năm qua.

III. Dự báo ngành vật liệu xây dựng Việt Nam năm 2023

1. Triển vọng tăng trưởng: Chậm nhưng chắc

Trong buổi tọa đàm “Ngành Xây dựng và vật liệu xây dựng 2023 : Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển” diễn ra vào tháng 11 vừa qua, các chuyên gia đều chung góc nhìn về một thời kỳ phát triển lạc quan trong sự thận trọng. 

99% các quốc gia sẽ bước vào giai đoạn suy thoái kinh tế do thắt chặt chi tiêu để kiểm soát lạm phát, tình hình chính trị bất ổn trên thế giới ảnh hưởng đến giá nhiên liệu và nguyên liệu xây dựng thô trên toàn cầu. 

Cũng theo các chuyên gia, ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam năm 2023 sẽ tăng trưởng chậm nhưng chắc chắn nhờ tận dụng được những nguồn lực và cơ hội trên thị trường vật liệu xây dựng thế giới.

Xem thêm: DMS Software (Hệ thống quản lý kênh phân phối)

2. Tăng dần xuất khẩu, mở rộng thị trường 

Theo PGS.TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện vật liệu xây dựng, đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 20% tổng sản lượng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, tập trung vào các nhóm ngành xi măng, gạch ốp lát, gạch không nung … 

Để làm được điều đó, giai đoạn 2023 – 2025 là thời điểm cần hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm theo quốc tế để được thị trường thế giới công nhận. 

Nguồn: ximang.vn
Nguồn: ximang.vn

>> Xem thêm: Top 5 phần mềm quản lý bán hàng vật liệu xây dựng hiệu quả

3. Xu hướng vật liệu mới được chú trọng đầu tư

Theo thống kê của Vietnam Report, 69,2% các nhà thầu cho biết việc sử dụng vật liệu mới, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng thắng thầu của họ.

Trong đó 2 ưu tiên được phần lớn doanh nghiệp trong ngành lựa chọn là sử dụng công nghệ mới (75,9%) và đưa nguồn cung ứng bền vững vào chuỗi cung ứng (58,6%). Vì vậy, 2023 sẽ là thời điểm vàng để hàng loạt ý tưởng vật liệu mới được đưa vào thử nghiệm và áp dụng thực tế.

Tiêu biểu cho xu hướng vật liệu xanh tại Việt Nam hiện nay là các sản phẩm ứng dụng công nghệ mineral silicate, với các ưu điểm vượt trội như an toàn cho con người, không độc hại, không gây dị ứng, không chứa hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOC, các chất hoạt động bề mặt APEO, chất bảo quản, chất dễ gây cháy nổ … 

Công nghệ này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ từ các đại biểu tham dự hội thảo “Xu hướng công nghệ – vật liệu trong công trình xây dựng” do Vụ vật liệu xây dựng tổ chức cuối tháng 9/2022 tại Hà Nội. 

Nguồn: vnexpress.vn
Nguồn: vnexpress.vn

Một điểm đáng lưu ý là các loại vật liệu xây dựng mới không chỉ cải thiện từ nguyên liệu cấu thành mà còn được cải tiến trong công năng. 

Theo TS. Nguyễn Quang Hiệp, Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, các loại vật liệu mới phải đảm bảo tiêu tốn ít năng lượng để sản xuất hơn, đồng thời phải giúp tiết kiệm năng lượng cho công trình xây dựng khi đưa vào sử dụng. Nhiều sản phẩm do Việt Nam sản xuất với đang đi đầu trong xu hướng này như Kính tiết kiệm năng lượng, sơn hấp thụ nhiệt …

4. Ứng dụng công nghệ để quản lý bán hàng

Một trong những lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi việc quản lý khách hàng, quản lý hàng hóa, tồn kho và quản lý công nợ chi tiết nhất thường phải kể đến ngành kinh doanh vật liệu xây dựng. 

Lý do cho việc này là bởi:

  • Khách hàng mua nhiều sản phẩm với số lượng lớn, có vòng đời dài, đòi hỏi cần chăm sóc thường xuyên để không bỏ lỡ cơ hội.
  • Mỗi sản phẩm vật liệu xây dựng có đơn vị tính và cách quản lý khác nhau. Ví dụ, cát sỏi tính theo xe và theo khối; thép lại được tính theo kg… Do đó, nhà quản lý có thể rất khó để biết chính xác được tình trạng tồn kho của kho hàng.
  • Khách hàng thanh toán theo nhiều hình thức khác nhau: trả tiền ngay khi mua hàng, trả sau (công nợ), trả tiền trước lấy háng sau (công nợ ngược), hoặc mượn hàng, trả vào kỳ kế tiếp,…

Đứng trước vấn đề này, phần mềm quản lý bán hàng vật liệu xây dựng chính là công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp có thể quản lý khách hàng, tồn kho, công nợ,…. hiệu quả.

Phần mềm quản lý bán hàng MISA AMIS CRM giúp doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng có thể quản lý bán hàng vật liệu xây dựng hiệu quả với tính năng nổi bật:

  • Lưu trữ đầy đủ thông tin khách hàng, dễ dàng theo dõi thói quen nhập hàng, tình trạng chăm sóc, công nợ của đối tác.
  • Tự động kết nối dữ liệu với phần mềm Kế toán, nhân viên chủ động tra cứu hàng hóa tồn kho, giá cả và lên đơn hàng dễ dàng & tiết kiệm thời gian.
  • Quản lý danh mục hàng hóa, giá bán và các chương trình khuyến mại/chiết khấu cho từng nhóm khách hàng.
  • Theo dõi bằng bản đồ GPS để nắm được lộ trình đi tuyến của nhân viên kinh doanh, lịch sử check-in, check-out.
  • 30+ báo cáo hiệu quả bán hàng đa chiều như báo cáo doanh thu theo mặt hàng, đánh giá Năng lực nhân viên, đánh giá Hiệu quả đi tuyến của NVKD, phân tích khách hàng theo thị trường.

IV. Tổng kết

Có thể nói, 2022 là một năm đầy biến động, thách thức nhưng cũng ẩn chứa nhiều cơ hội để ngành vật liệu xây dựng bùng nổ trong thời gian tới. Hi vọng những thông tin trong Báo cáo ngành Vật liệu xây dựng 2022 đã đem lại cho Quý độc giả một góc nhìn toàn diện về ngành. Hẹn gặp lại Quý độc giả trong các báo cáo tiếp theo.

Tác giả: Lương Hà


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả