Marketing Inbound Marketing Chiến lược thâm nhập thị trường của Vinamilk – hành trình vươn...

Không chỉ duy trì vị thế dẫn dầu trên thị trường nội địa, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường quốc tế. Chiến lược mở rộng và thâm nhập thị trường quốc tế của Vinamilk đã mang đến những hiệu quả thiết thực cho sự phát triển của công ty. Cùng với đó, việc mở rộng và thâm nhập thị trường quốc tế còn giúp Vinamilk thăng hạng thương hiệu tại thị trường nội địa và quốc tế. Cùng Misa phân tích chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế của Vinamilk qua bài viết dưới đây.

1. Vinamilk và hành trình thâm nhập thị trường quốc tế 

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, hay có tên gọi khác là công ty Vinamilk là một trong những thương hiệu về những sản phẩm được làm từ sữa hàng đầu Việt Nam. Cụ thể hơn, đây là doanh nghiệp có chuyên môn về sản xuất, kinh doanh những sản phẩm được làm từ sữa, cùng với các thiết bị máy móc liên quan tại Việt Nam. Vinamilk là công ty lớn thứ 15 của Việt Nam, theo số liệu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc năm 2007.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Vinamilk đã vươn lên trở thành một trong số những doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực, sản xuất những sản phẩm được làm từ sữa chất lượng cao tại Việt Nam. Vinamilk là thương hiệu chiếm thị phần lớn trên cả nước:

  • Sản phẩm sữa nói chung: 54,5%
  • Sản phẩm sữa bột: 40,6%
  • Sản phẩm sữa chua uống: 33,9%
  • Sản phẩm sữa chua ăn: 84,5%
  • Sản phẩm về sữa đặc: 79,7%

Bên cạnh việc chiếm thị phần lớn, các sản phẩm của Vinamilk cũng được phân phối rộng khắp cả nước. Tính tới thời điểm hiện tại, sản phẩm của Vinamilk đã được phân phối trên khắp 63 tỉnh thành với hơn 200,000 cửa hàng độc quyền và đại lý bán hàng. Không chỉ thành công trong nước, Vinamilk cũng đã thâm nhập thành công sang 43 quốc gia phát triển trên thế giới như: Mỹ, Canada, Nhật, Trung, Hàn,… với chiến lược thâm nhập thị trường hiệu quả của mình.

Theo đó, hành trình vươn ra biển lớn của Vinamilk được ban lãnh đạo công ty xác định và thực hiện từ năm 1997 với sản phẩm chủ đạo là sữa bột Dielac. Từ một doanh nghiệp ít người biết đến, trong suốt 25 năm kiên trì và bền bỉ, Vinamilk đã chứng minh chất lượng và thương hiệu Việt Nam tại 57 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 1988, với 300 tấn sản phẩm sữa bột Dielac và 2.000 tấn sữa béo nguyên kem vận chuyển thành công sang Iraq đã giúp mở đường cho hàng loạt các sản phẩm khác của Vinamilk vươn ra biển lớn như sữa đặc Ông Thọ, sữa đậu nành, sữa hạt cao cấp, sữa chua, sữa tươi..  Không dừng ở đó, quá trình phát triển đã giúp Vinamilk lọt top thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới và tiềm năng nhất toàn cầu với định giá 2,8 tỷ USD (Brand Finance). Theo Forbes Việt Nam, Vinamilk cũng là thương hiệu giá trị cao nhất trong ngành đồ ăn và thức uống (F&B).

Thành công nhờ chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế hiệu quả của Vinamilk đã trở thành những bài học lớn cho các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế.

2. Chiến lược thâm nhập thị trường là gì? 

Chiến lược thâm nhập thị trường (Market Penetration Strategy) là chiến lược gia tăng thị phần cho các danh mục sản phẩm hiện tại của doanh nghiệp thông qua chiến lược Marketing hoặc chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Được phát triển từ ma trận của Ansoff vào năm 1952, chiến lược thâm nhập thị trường giúp các doanh nghiệp khai thác các thị trường sẵn có, mang đến hiệu quả kinh doanh cao đồng thời hạn chế rủi ro từ việc chưa nắm rõ thị trường.

Bên cạnh định nghĩa là một hành động hay chiến lược, thâm nhập thị trường còn được hiểu là một phép đo giúp doanh nghiệp đánh giá số lượng sản phẩm đang bán so với tổng thị trường ước tính cho sản phẩm đó. Được biểu thị bằng phần trăm, lúc này thâm nhập thị trường được hiểu là tỷ lệ thâm nhập thị trường của một sản phẩm trên phân khúc thị trường mục tiêu nhất định.

Ma trận Ansoff để thâm nhập thị trường
Ma trận Ansoff để thâm nhập thị trường

Tỷ lệ thâm nhập thị trường và cách tính tỷ lệ thâm nhập thị trường

Để tính được tỷ lệ thâm nhập thị trường, các doanh nghiệp cần xác định được tổng nhu cầu của thị trường. Dựa vào con số đó, các doanh nghiệp có thể tính tỷ lệ thâm nhập thị trường dựa vào công thức

Tỷ lệ thâm nhập thị trường = (số lượng khách hàng ÷ quy mô thị trường mục tiêu) x 100

Đối với công thức trên, tỷ lệ thâm nhập thị trường phụ thuộc nhiều vào biến số quy mô thị trường mục tiêu. Biến số này đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các doanh nghiệp về các thông tin nhân khẩu học của đối tượng khách hàng mục tiêu. Việc xác định kỹ lưỡng và chi tiết về biến số còn giúp cho doanh nghiệp trong việc xác định thông điệp cũng như chiến lược Marketing truyền thông hiệu quả.

Vậy tỷ lệ thâm nhập thị trường, bao nhiêu là hiệu quả? Tuỳ theo dung lượng của thị trường, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp tiêu dùng cần nắm từ 2-6% tỷ lệ thâm nhập thị trường. Theo nhiều ý kiến khác, tỷ lệ thâm nhập thị trường cần dao động trong khoảng từ 10 – 40% dựa vào quy mô thị trường. Bên cạnh đó, từng ngành hàng tại từng thị trường sẽ có tỷ lệ thâm nhập thị trường trung bình. Dựa vào đây doanh nghiệp có thể đánh giá hiệu quả của chiến lược thâm nhập thị trường.

Cùng xem xét ví dụ dưới đây đối với tỷ lệ thâm nhập thị trường của ngành ngành hàng di động thông minh. Apple hiện đang dẫn đầu toàn cầu có tỷ lệ thâm nhập thị trường là 19,2%, Samsung đứng thứ hai với 18,4%, Huawei với 10,2%. Các công ty điện thoại thông minh nhỏ hơn như Oppo và Xiaomi, hiện chiếm khoảng 7%.

Các doanh nghiệp này có nhiều cơ hội để gia tăng tỷ lệ thâm nhập thị trường bằng cách cải thiện chiến lược về giá cả, cải tiến sản phẩm, các chương trình Marketing, gia tăng lòng trung thành của khách hàng… để chiếm được thị phần lớn hơn từ các đối thủ trong ngành hoặc mở rộng tệp khách hàng của mình.

Với ví dụ trên, đối với các doanh nghiệp việc thực hiện thâm nhập thị trường không chỉ cải thiện chiến lược về giá, ngoài ra nó còn được biểu hiện qua các hoạt động của công ty như:

  • Phát triển đội ngũ nhân viên bán hàng
  • Đầu tư thêm cho ngân sách quảng cáo
  • Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến hỗn hợp
  • Nỗ lực hơn trong các hoạt động quan hệ công chúng

Các trường hợp doanh nghiệp nên sử dụng chiến lược thâm nhập thị trường bao gồm:

  • Thâm nhập vào thị trường chưa bão hoà đối với loại sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đang kinh doanh
  • Tỷ lệ khách hàng trong lĩnh vực mà doanh nghiệp kinh doanh có thể gia tăng 1 cách đáng kể
  • Khi thị phần của đối thủ cạnh tranh đang suy giảm
  • Lượng tiêu thụ của khách hàng đang phát triển hoặc có khả năng tăng cao trong tương lai

3. Phân tích chiến lược thâm nhập thị trường của Vinamilk chi tiết nhất

3.1 Chiến lược thâm nhập thị trường Trung Quốc của Vinamilk

Trung Quốc – thị trường đầy tiềm năng với 1.4 tỷ dân cùng với vị trí vô cùng thuận tiện cho việc vận chuyển là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với Vinamilk. Theo nghiên cứu của Statista, trung bình một người tiêu dùng tại Trung Quốc tiêu thụ 14.4kg/ năm đối với các sản phẩm từ sữa. Mức tiêu thụ bình quân tại Trung Quốc thấp hơn nhiều các quốc gia có cùng thói quen tiêu dùng như Nhật Bản cho thấy đây là thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển.

Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến Vinamilk quyết tâm chinh phục thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 thế giới đó là dựa trên sự yêu thích của du khách Trung Quốc. Mỗi khi đến Việt Nam, du khách Trung Quốc luôn tỏ ra hào hứng và thích thú với sản phẩm “sữa chua kiểu Việt Nam”. Nhạy bén với nhu cầu của người tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc, Vinamilk đã nghiên cứu và dành riêng cho thị trường tỷ dân này với những sản phẩm sữa chua kết hợp với hoa quả nhiệt đới hay nếp cẩm – sản vật độc đáo chỉ có tại Việt Nam.

Bên cạnh sản phẩm, một trong những yếu tố quan trọng nhất của thị trường Trung Quốc đó là kênh phân phối. Sự rộng lớn của thị trường Trung Quốc đặt ra bài toán về việc thiết lập kênh phân phối hiệu quả của Vinamilk. Thành công của Vinamilk tại thị trường Trung Quốc đó là việc thâm nhập thành công hệ thống thương mại điện tử. Từ đây Vinamilk mượn sức các ông lớn trong ngành thương mại điện tử đưa mặt hàng của mình đến khắp nơi trên lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn.

Không dừng ở đó, Vinamilk liên tục củng cố mức độ nhận diện thương hiệu của mình bằng việc chuyển ngữ thương hiệu, tiếp cận với người tiêu dùng Trung Quốc qua các nền tảng truyền thông phổ biến của thị trường này như Weibo hay Youku.

Chiến lược thâm nhập thị trường Trung Quốc của Vinamilk đạt được những thành công nhất định dựa trên hai yếu tố: Đối với kênh phân phối – Vinamilk đã tích hợp mô hình bán hàng truyền thống và bán hàng trực tuyến trên các kênh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, đối với sản phẩm và thương hiệu – Vinamilk không ngừng gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu, giúp nâng tầm thương hiệu tại thị trường tỷ dân.

Cụ thể, chiến lược thâm nhập thị trường của Vinamilk tại Trung Quốc diễn ra thông qua  hoạt động chính như:

  • Tích hợp mô hình bán hàng truyền thống và bán hàng trực tuyến trên các kênh thương mại điện tử

Các sản phẩm, mặt hàng sữa chua của Vinamilk đã bắt đầu được bày bán tại siêu thị Hợp Mã (thuộc Alibaba) tại Hồ Nam, Trung Quốc. Sau một khoảng thời gian được trưng bày tại siêu thị này, sản phẩm của Vinamilk đã lọt top 3 mặt hàng bán chạy nhất. Ngoài ra, Vinamilk cũng nằm trong top 3 sản phẩm bán chạy nhất tại siêu thị Thiên Hồng, Trung Quốc.

Bắt kịp xu hướng sử dụng Internet và các thiệt bị máy tính, di động tăng cao, Vinamilk đã tận dụng các kênh thương mại điện tử như Alibaba để bày bán sản phẩm, đồng thời hợp tác với nhiều trang thương mại điện tử như Daily Fresh và Lucky tại Hồ Bắc, Trung Quốc,

Ngoài các kênh bán hàng truyền thống, đại diện của Vinamilk đã nói rằng công ty sẽ tiếp tụng tận dung các kênh trực tuyến, làm bệ phóng để phát triển ra nhiều tỉnh thành khác tại thành phố lớn như thành phố triệu dân và ngày càng mở rộng phạm vi hơn nữa tại thành phố tỷ dân này. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ lớn cũng đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh sẽ tăng cao hơn.

  • Nâng cao giá trị thương hiệu

Khi nhắc tới thị trường coi trọng văn hoá nước nhà, ta không thể không nhắc tới Trung Quốc. Ông Châu Lập Cường – Chủ tịch Công ty YiYiYuan – Nhà phân phối lớn tại Hồ Nam cho biết: “Nhiều công ty lớn trên thế giới đã thất bại và phải rời khỏi thị trường Trung Quốc vì không có chiến lược phù hợp và thích nghi tốt với văn hoá người Trung”.

Về phía Vinamilk, đại diện công ty, cho biết: “Tại bất cứ quốc gia nào, thương hiệu chính sẽ là cầu nối giữa công ty và người tiêu dùng. Muốn thương hiệu của mình được người tiêu dùng trên thế giới nhìn nhận, trân trọng thì buộc phải có chiến lược xây dựng và đầu tư bài bản”.

Chiến lược của Vinamilk đó là định vị và nâng cao giá trị thương hiệu tại thị trường Trung Quốc bằng tiếng Trung, giúp đưa thương hiệu tiếp cận được tới nhiều người dân Trung Quốc hơn. Bên cạnh logo mới bằng tiếng trung, Vinamilk cũng đã tận dụng các kênh mạng xã hội chỉ người dân Trung mới sử dụng như Weibo và Youku thay cho Youtube và Facebook.

3.2 Chiến lược thâm nhập thị trường Nhật Bản của Vinamilk

Nhật Bản – thị trường Đông Á cùng nhiều tiêu chuẩn khắt khe là một thị trường quan trọng đối với Vinamilk. Bởi lẽ, chỉ khi chinh phục được xứ sở Mặt trời mọc này, Vinamilk mới đủ tự tin bước đến những thị trường phát triển và khó tính như Châu Âu hay Châu Mỹ.

Ngay từ những ngày đầu tiên khi xác định Nhật Bản là một trong những thị trường quốc tế chiến lược, Vinamilk đã không ngừng đầu tư vào khâu nghiên cứu và phát triển nhằm đảm bảo sản phẩm của mình đạt được những tiêu chuẩn quốc tế. Những tiêu chuẩn quốc tế này đóng vai trò là những tấm vé thông hành giúp Vinamilk chinh phục thị trường Nhật Bản với chất lượng cùng giá thành hợp lý.

Với việc nắm chắc 2Ps/4Ps cơ bản của Marketing về sản phẩm và chương trình khuyến mại đã giúp cho Vinamilk thành công trong chiến lược thâm nhập thị trường Nhật Bản. Trong đó, đối với sản phẩm, Vinamilk đề cao sự uy tín và chất lượng của sản phẩm. Cùng với đó, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hội chợ đã mang đến cơ hội quảng bá thương hiệu của Vinamilk đến với khách hàng tại xứ sở Mặt trời mọc.

  • Đề cao uy tín và sự cam kết

Đối với Nhật Bản – thị trường coi trọng uy tín và cam kết về chất lượng sản phẩm, Vinamilk đã luôn đảm bảo được chất lượng cao của mình. Ông Hamada – Đối tác của Vinamilk đánh giá: “Vinamilk là một công ty xuất sắc trong lĩnh vực xuất khẩu. Trách nhiệm cũng như sự cam kết đối với sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của họ chính là điểm nổi bật nhất khiến chúng tôi hợp tác lâu dài với công ty”.

  • Tiếp cận khách hàng và kênh phân phối tiềm năng qua các hoạt động hội chợ tại Nhật Bản

Bằng cách tham gia nhiều hội chợ quốc tế lớn, Vinamilk đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình tới nhiều khách hàng hơn. Cụ thể, ở Nhật, Vinamilk đã tham gia Hội chợ Foodex Japan với mục tiêu mở rộng các phân khúc khách hàng tại thị trường xuất khẩu tiềm năng – Nhật Bản nói riêng và từ đó tiến ra khu vực châu Á nói chung.

Ở Nhật, các sản phẩm đang được xuất khẩu của Vinamilk là sản phẩm sữa đặc, sữa hạt và sữa dừa đều đang được đón nhận rất tốt.

3.3 Chiến lược thâm nhập thị trường Hàn Quốc của Vinamilk

Hàn Quốc – thị trường mới nổi (emerging market) là một trong những thị trường Đông Á không thể bỏ qua đối với Vinamilk. Theo nghiên cứu của Statista, Năm 2021, sản phẩm sữa được tiêu thụ nhiều nhất tại Hàn Quốc là sữa tươi với khối lượng tiêu thụ khoảng 1,37 triệu tấn, tiếp theo là sản phẩm làm từ sữa lên men như sữa chua với khoảng 571,7 nghìn tấn được tiêu thụ. Những con số trên cho thấy mức độ tiềm năng của xứ sở Kim chi đối với Vinamilk trên con đường vươn ra biển lớn.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Vinamilk đã xuất khẩu 85 container sữa hạt trị giá 1.2 tỷ USD đánh dấu những tiến đầu tiên tại xứ sở Kim chi. Thành tựu đáng tự hào này của Vinamilk đến từ việc xác định rõ dòng sản phẩm chủ lực tại đây – sản phẩm sữa hạt đạt tiêu chuẩn quốc tế về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất liệu của nguyên vật liệu đầu vào. Không chỉ có vậy, Vinamilk còn từng bước chinh phục người tiêu dùng tại xứ sở Kim chi với việc nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu thông qua việc chuyển ngữ bao bì, giúp người tiêu dùng Hàn Quốc phân biệt sản phẩm của Vinamilk với các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành. Cụ thể:

  • Lựa chọn sản phẩm sữa hạt để quảng bá tại Hàn Quốc

Vinamilk đã chính thức đưa sản phẩm sữa hạt đúng chuẩn “Made in Vietnam” gồm sữa đậu nành óc chó, hạnh nhân và đậu đỏ vào Hàn Quốc trong khoảng thời gian đầu tháng 6/2020. Bằng cách tận dụng tiêu chuẩn quốc tế, Vinamilk đã sở hữu được tấm giấy thông thành quan trọng nhất để đưa sản phẩm tới xử sở kim chi.

Các sản phẩm sữa hạt của Vinamilk đều được đầu tư vào khâu sản xuất. Cụ thể, Vinamilk sử dụng công nghệ chuẩn Châu Âu, nguyên liệu hoàn toàn organic với 100% không biến đổi gen cùng các loại hạt vô cùng tốt cho sức khoẻ như hạt óc chó, hạt hạnh nhân đều có nguồn gốc từ Mỹ. Các loại hạt của Vinamilk đều được nghiên cứu và phát triển để đem lại vị hạt “chuẩn vị” đồng thời đáp ứng được nhu cầu về chất lượng và dinh dưỡng của khách hàng.

  • Đáp ứng được thị hiếu của người dùng

Cũng giống như thị trường Trung Quốc, khi thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc, Vinamilk cũng đã nghiên cứu thị trường rất kỹ và cố gắng gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu thông qua bao bì sản phẩm.

>> Xem thêm: Phân tích sự thành công khi áp dụng mô hình PEST của Vinamilk

4. Học được gì từ chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế của Vinamilk?

Từ những chiến dịch thâm nhập thị trường của Vinamilk cho thấy, bên cạnh nỗ lực trong việc cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam còn có thể học tập Vinamilk trong việc xác định tiềm năng thị trường, xây dựng kênh phân phối cũng như gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu tại các thị trường nước ngoài. Những bài học thực tiễn này giúp củng cố sự tự tin cho doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế.

Bài học kinh nghiệm về chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế của Vinamilk
Bài học kinh nghiệm về chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế của Vinamilk

4.1 Cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm

Chất lượng sản phẩm luôn nằm ở cốt lõi của các doanh nghiệp trong mọi hoạt động và chiến lược cạnh tranh. Việc cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm giúp doanh nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, đây cũng là vũ khí quan trọng nhất trên đường vươn ra biển lớn của các doanh nghiệp.

Không dừng ở đó, việc phát triển riêng các sản phẩm dành riêng cho từng thị trường cũng là “con át chủ bài” giúp doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế. Với ví dụ được phân tích ở trên, các sản phẩm sữa hạt chất lượng cao hay sữa chua hoa quả nhiệt đới là những sản phẩm chiến lược, góp những viên gạch tiến đến trái tim người tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc của Vinamilk.

Sản phẩm sữa hạt chất lượng cao dành cho thị trường Trung Quốc của Vinamilk
Sản phẩm sữa hạt chất lượng cao dành cho thị trường Trung Quốc của Vinamilk

4.2 Xác định thị trường tiềm năng và kênh phân phối hiệu quả

Mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ đều có những nhu cầu tiềm ẩn. Việc xác định vấn đề của từng quốc gia/vùng lãnh thổ sẽ giúp cho doanh nghiệp xác định được thị trường tiềm năng mà mình có thể khai thác. Từ đó, cùng với thông tin chi tiết về nhân khẩu học sẽ giúp cho doanh nghiệp có được kênh phân phối hiệu quả.

Đối với Vinamilk, trong những ví dụ trên đã cho thấy những nỗ lực đáng kinh ngạc của doanh nghiệp Việt trong việc chinh phục thị trường Trung Quốc tỷ dân với kênh thương mại điện tử. Giúp cho doanh nghiệp mượn sức lớn của các doanh nghiệp địa phương để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Gian hàng Vinamilk trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba - Trung Quốc
Gian hàng Vinamilk trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba – Trung Quốc

4.3 Gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu 

Trong thời đại truyền thông số, việc tiếp cận thông tin về thương hiệu/ sản phẩm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp cần tận dụng các kênh truyền thông này để đưa thương hiệu đến gần hơn người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sau khi thiết lập được chỗ đứng trên những nền tảng này, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc các chiến lược truyền thông tổng thể. Từ đó, giúp doanh nghiệp gia tăng tài sản thương hiệu tại các thị trường mới.

Đối với thị trường Hàn Quốc – nơi có đến 40 doanh nghiệp tham gia cạnh tranh trong lĩnh vực sữa hạt, đòi hỏi Vinamilk phải có chiến lược tiếp cận khách hàng phù hợp. Từ việc chuyển ngữ bao bì, Vinamilk cũng không ngừng tiếp cận khách hàng qua các kênh truyền thông số. Tại đây, Vinamilk đã tự vận hành hệ thống website tiếng Hàn để khách hàng tại Hàn Quốc có thể tìm hiểu thông tin về sản phẩm. Từ đó góp phần gia tăng niềm tin của người tiêu dùng xứ sở Kim chi vào sản phẩm mang chất lượng Việt Nam.

Trang Web Vinamilk dành cho thị trường Hàn Quốc
Trang Web Vinamilk dành cho thị trường Hàn Quốc

Bạn gặp khó khăn trong việc quản lý hiệu quả chiến dịch marketing?Dùng thử miễn phí MISA AMIS aiMarketing ngay!

Tổng kết

Các chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế của Vinamilk đã phần nào khẳng định vị thế của các doanh nghiệp Việt trong thời kỳ kinh tế toàn cầu. Với những sản phẩm chất lượng, chiến lược thâm nhập thị trường bài bản, được nghiên cứu và may đo cho từng quốc gia là những điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể có thêm cho mình những góc nhìn đa dạng về chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế của Vinamilk.

Bài viết được tổng hợp và biên soạn bởi Viện Đổi mới doanh nghiệp MISA (MIBI), để cập nhật các thông tin hữu ích mời anh/chị truy cập kho tài nguyên miễn phí về Khóa học/Video/Ebook tại Viện đổi mới doanh nghiệp MISA.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]