Marketing Case Study Phân tích chiến lược kinh doanh quốc tế của Unilever

Để trở thành một trong những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng, Unilever đã xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh quốc tế một cách hiệu quả. Hãy cùng phân tích và tìm hiểu về chiến lược kinh doanh quốc tế của Unilever trong bài viết dưới đây.

Ngoài ra, ở cuối bài viết này, MISA có đính kèm bộ file excel mẫu kế hoạch kinh doanh, các nhà quản lý có thể tham khảo để xây dựng kế hoạch kinh doanh chi tiết và hiệu quả.

l. Giới thiệu tổng quan về tập đoàn đa quốc gia Unilever

Theo Wikipedia, Unilever là một tập đoàn toàn cầu nổi tiếng thế giới trên lĩnh vực sản xuất và các sản phẩm tiêu dùng nhanh bao gồm các sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân và gia đình, thức ăn, trà và đồ uống từ trà. 

Hiện nay Unilever đang kinh doanh 3 dòng sản phẩm chính là:   

  • Dòng thực phẩm dùng cho chế biến và ăn uống
  • Dòng sản phẩm vệ sinh và chăm sóc cá nhân
  • Dòng sản phẩm giặt tẩy cho quần áo và đồ dùng trong nhà.   

Với 3 dòng sản phẩm hiện nay Unilever đang sở hữu hơn 400 nhãn hiệu, trong đó có rất nhiều  nhãn hiệu nổi  tiếng nhất có  thể  kể đến OMO,  Surf,  Lux, Dove,  Knorr, Comfort,  Vaseline, Hazeline, Ponds,  P/S,  Signal, Close Up,  AXE,  Rexona, Vim, Cif (Jif), Sunsilk, Sunlight…

Các nhãn hiệu tiêu biểu của Unilever được tiêu dùng và chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu như Lipton, Knorr, Cornetto, Omo, Lux, Vim, Lifebuoy, Dove, Close-Up, Sunsilk, Clear, Pond’s, Hazeline, Vaseline, … với doanh thu trên hàng triệu đô cho mỗi nhãn hiệu đã và đang chứng tỏ Unilever là một trong những công ty thành công nhất thế giới trong lĩnh vực kinh doanh chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng(Personal Care). Cùng với Procter & Gamble ( P&G), Unilever hiện đang thống trị khắp thế giới về các sản phẩm này.

chiến lược kinh doanh quốc tế của unilever

Là một công ty đa quốc gia việc mở rộng kinh doanh và đặt nhiều chi nhánh trên thế giới để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu là một trong những mục tiêu của Unilever. Unilever Việt Nam được thành lập năm 1995 cũng là một bước đi trong chiến lược tổng thể của Unilever. Unilever Việt Nam thực chất là tập hợp của ba công ty riêng biệt: Liên doanh Lever Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội, Elida P/S tại Thành phố Hồ chí Minh và Công ty Best Food cũng đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Unilever Việt Nam hiện nay có 5 nhà máy tại Hà Nội, Củ Chi, Thủ Đức và khu công nghiệp Biên Hoà. Công ty hiện tại có hệ thống phân phối bán hàng trên toàn quốc thông qua hơn 350 nhà phân phối lớn và hơn 150.000 cửa hàng bán lẻ. Hiện nay công ty đạt mức tăng trưởng khoảng 35-40% và tuyển dụng hơn 2000 nhân viên. Ngoài ra công ty còn hợp tác với nhiều nhà máy xí nghiệp nội địa trong các hoạt động sản xuất gia công, cung ứng nguyên vật liệu sản xuất và bao bì thành phẩm. 

Các hoạt động hợp  tác kinh doanh này đã giúp Unilever Việt Nam tiết kiệm chi phí nhập khẩu hạ giá thành sản phẩm, để tăng cường sức cạnh tranh của các sản phẩm của công ty tại thị trường Việt Nam, đồng thời công ty cũng giúp đỡ các đối tác Việt Nam phát triển sản xuất, đảm bảo thu nhập cho các nhân viên và tạo thêm khoảng 5500 việc làm.

Ngay sau khi đi vào hoạt động năm 1995, các sản phẩm nổi tiếng của Unilever như Omo, Sunsilk, Clear, Dove, Pond’s, Close-up, Cornetto, Paddle Pop, Lipton, Knorr.. cùng các nhãn hàng truyền thống của Việt Nam là Viso, và P/S đã được giới thiệu rộng rãi và với ưu thế về chất lượng hoàn hảo và giá cả hợp lý phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng Việt Nam cho nên các nhãn hàng này đã nhanh chóng trở thành những hàng hóa được tiêu dùng nhiều nhất tại thị trường Việt Nam.

Unilever đã nhanh chóng có lãi và thu được lợi nhuận không nhỏ trên thị trường Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng như vậy Unilever Việt Nam đã và đang chứng tỏ rằng mình là công ty nước ngoài thành công nhất ở Việt Nam hiện nay.

Ngoài các hoạt động kinh doanh Unilever Việt Nam cũng tích cực đóng góp vào các hoạt động xã hội, nhân đạo và phát triển cộng đồng. 

Hàng năm công ty đóng góp khoảng 2 triệu đô la vào hoạt động phát triển cộng đồng tại Việt Nam và công ty đã vinh dự được nhận bằng khen của thủ tướng chính phủ nước ta vì đã có thành tích trong sản xuất kinh doanh và các hoạt động xã  hội, nhân đạo, giáo dục, giáo dục sức khỏe cộng đồng.

giới thiệu về unilever

ll. Phân tích mô hình SWOT của Unilever

Mô hình SWOT là một công cụ nổi tiếng được nhiều doanh nghiệp biết đến và áp dụng bởi tính hữu ích trong việc giúp các nhà quản lý phân tích các yếu tố quan trọng bên trong và ngoài doanh nghiệp để từ đó thiết lập nên các chiến lược cũng như kế hoạch kinh doanh phù hợp. 

SWOT là viết tắt của 4 từ: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) – là một mô hình nổi tiếng giúp doanh nghiệp có thể phân tích cũng như xây dựng được chiến lược kinh doanh của mình một cách hiệu quả.

Trong 4 yếu tố của mô hình SWOT, điểm mạnh và điểm yếu là 2 yếu tố để đánh giá nội bộ doanh nghiệp. Đối với 2 yếu tố này, doanh nghiệp có thể kiểm soát và thay đổi được. Thường các yếu tố này có liên quan tới hoạt động công ty, tài sản thuộc về doanh nghiệp, phát triển sản phẩm,…

Bên cạnh đó, 2 yếu tố còn lại là cơ hội và thách thức là các yếu tố tác động bên ngoài thường liên quan đến thị trường và mang tính vĩ mô. Doanh nghiệp có thể sẽ không thể kiểm soát được 2 yếu tố bên ngoài này. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội, nhưng cũng phải quan tâm và đề phòng tới những thách thức từ bên ngoài có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đọc chi tiết hơn về mô hình SWOT tại bài viết: Mô hình SWOT là gì & 7 bước phân tích SWOT

mô hình SWOT là gì

Đối với Unilever, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tập đoàn này có thể được phân tích như sau.

1. Điểm mạnh (Strengths)

Về điểm mạnh trong mô hình SWOT của Unilever, thương hiệu này có một số những điểm mạnh nổi bật dưới đây.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển hiệu quả 

Hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ của Unilever luôn được chú trọng và đầu tư thỏa đáng. Unilever luôn nỗ lực để nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm mang tính sáng tạo, phù hợp với những yêu cầu thay đổi của Khách hàng, giúp thương hiệu này trở thành một trong những công ty được người tiêu dùng yêu thích nhất trên toàn thế giới. 

Thương hiệu lớn mạnh 

Unilever có mặt trên hơn 190 quốc gia và có lẽ sẽ không thể tìm thấy bất kỳ một người tiêu dùng nào không sử dụng sản phẩm của thương hiệu này. Theo báo cáo tài chính năm 2020, Unilever tự hào là một trong những công ty lớn nhất trên toàn cầu với điểm mạnh về kiến thức chuyên môn và năng lực sản xuất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.

thương hiệu unilever

Chiến lược định giá sản phẩm linh động 

Chiến lược định giá sản phẩm là một mô hình hoặc phương pháp được sử dụng để thiết lập mức giá tốt nhất cho một sản phẩm hoặc dịch vụ. Chiến lược đó giúp doanh nghiệp chọn lựa được giá bán tốt nhất để tối đa hóa lợi nhuận và giá trị của cổ đông trong khi xem xét nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường.

Định giá linh động có thể được hiểu là định giá theo yêu cầu hoặc định giá dựa trên thời gian. Đây là một chiến lược giá linh hoạt trong đó giá bán dao động dựa trên thị trường và nhu cầu của khách hàng.

Đọc thêm: Định giá sản phẩm là gì? 10 chiến lược định giá sản phẩm phổ biến trong marketing

Với danh mục sản phẩm lớn, Unilever có quyền áp dụng các chính sách về giá một cách linh hoạt, tùy vào từng thời điểm, tùy theo mức độ sẵn sàng chi trả chi phí của sản phẩm của mọi tầng lớp Khách hàng.

2. Điểm yếu (Weaknesses)

Bên cạnh những điểm mạnh, tập đoàn Unilever cũng có những điểm yếu cần phải khắc phục.

Một số những điểm yếu chính trong mô hình SWOT của Unilever có thể được kể đến như sau: 

Phụ thuộc vào các nhà bán lẻ 

Một điểm yếu của Unilever là phụ thuộc vào các nhà bán lẻ.Unilever cần mạng lưới các nhà bán lẻ để phân phối sản phẩm của mình. Vậy nên hành vi của người mua, quyết định của người mua đang bị chi phối rất nhiều bởi tư vấn của các nhà bán lẻ. 

Sản phẩm dễ bị bắt chước

Sản phẩm của Unilever thường dễ bị bắt chước. Các sản phẩm tiêu dùng của Unilever rất dễ bị bắt chước, copy hoặc bị thay thế bởi các nhãn hàng tiêu dùng tương tự. 

3. Cơ hội (Opportunities)

Để tận dụng điểm mạnh và khắc phục điểm yếu, Unilever có thể nắm bắt một số những cơ hội có lợi để phát triển thương hiệu và tăng doanh số bán hàng như sau:

Thị trường toàn cầu hóa 

Quá trình toàn cầu hoá, sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông toàn cầu đã dẫn đến việc thúc đẩy lối sống phương tây ở châu Á. Điều này giúp Unilever có thể lợi dụng địa vị của mình để trở thành một thương hiệu thành công nhờ chiến lược kinh doanh quốc tế của Unilever, giúp người dân địa phương tiếp cận với các mặt hàng mang thương hiệu quốc tế.

Xu hướng với các sản phẩm lành mạnh và bền vững 

Người tiêu dùng ở các nước phát triển đang ngày càng có ý thức mạnh mẽ hơn bao giờ hết về tình hình sức khoẻ của bản thân, cũng như xu hướng của các sản phẩm lành mạnh, bền vững với môi trường

Cơ hội này giúp Unilever có thể tiếp cận đến phân khúc thị trường mới nổi này, đặc biệt là thị trường dành cho người tiêu dùng có ý thức về sức khoẻ và sản phẩm xanh. 

4. Thách thức (Threats)

Bên cạnh cơ hội thì Unilever cũng cần đối mặt với một số những thách thức. Các thách thức chính trong phân tích SWOT của Unilever có thể được liệt kê như sau:

Thị trường cạnh tranh khốc liệt 

Unilever phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh lớn như Nestle hoặc P&G – những thương hiệu vẫn đang liên tục nghiên cứu và tung ra thị trường các sản phẩm mới với giá cả cạnh tranh. Chính điều này khiến cho Unilever liên tục phải chạy đua trên con đường chinh phục thị trường thế giới.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra và trở nên tồi tệ hơn nữa với sự góp mặt của đại dịch COVID-19. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều công ty, kể cả các tập đoàn lớn như Unilever. 

Bảng phân tích SWOT của Unilever

Điểm mạnh  Điểm yếu Cơ hội Thách thức 
  • Hoạt động nghiên cứu và phát triển hiệu quả 
  • Thương hiệu lớn mạnh 
  • Chiến lược định giá sản phẩm linh động 
  • Phụ thuộc vào các nhà bán lẻ 
  • Sản phẩm dễ bị bắt chước
  • Thị trường toàn cầu hóa 
  • Xu hướng với các sản phẩm lành mạnh và bền vững 
  • Thị trường cạnh tranh khốc liệt 
  • Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 

lll. Phân tích chi tiết chiến lược kinh doanh quốc tế của Unilever

Unilever là một tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng. Để trở nên thành công ở những thị trường nước ngoài, Unilever đã xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh quốc tế hiệu quả. Vậy chiến lược kinh doanh quốc tế của Unilever là gì? 

1. Chiến lược quốc tế của Unilever

Khi phân tích chiến lược kinh doanh quốc tế của Unilever, tập đoàn này đã áp dụng hiệu quả chiến lược quốc tế (International Strategy).

Chiến lược quốc tế là chiến lược cạnh tranh nhằm gia tăng lợi nhuận bằng cách chuyển giao và khai thác các sản phẩm và kĩ năng vượt trội của doanh nghiệp trên thị trường nước ngoài. 

Sản phẩm được thiết kế, phát triển, sản xuất và tiêu thụ ở thị trường nội địa rồi được ra nước ngoài với những thích ứng không đáng kể; hoặc sản phẩm được thiết kế hoàn toàn trong nước, còn việc sản xuất và tiêu thụ giao cho các chi nhánh nước ngoài thực hiện.

Trong giai đoạn trước năm 1990, Unilever đã sử dụng chiến lược quốc tế để tiết kiệm chi phí, đồng thời thống nhất hình ảnh thương hiệu đồng đều giữa các quốc gia.

Đối với giai đoạn đầu này, Unilever đã triển khai chiến lược quốc tế của mình như sau:

  • Sử dụng cách tiếp cận thị trường về cơ bản là giống nhau ở mọi quốc gia mà tập đoàn này đang hiện diện (chỉ đáp ứng tối thiểu các yêu cầu của địa phương)
  • Bán nhiều sản phẩm giống nhau ở mọi nơi (thực hiện các điều chỉnh nhỏ cần thiết để phù hợp với sở thích, nhu cầu của các quốc gia địa phương)
  • Xây dựng thương hiệu toàn cầu và điều phối tập trung các hoạt động kinh doanh của mình trên toàn thế giới 

Đối với chiến lược kinh doanh quốc tế này của Unilever, công ty đã chuyển giao được lợi thế của mình ra nước ngoài, tận dụng được kinh nghiệm sản xuất cũng như ưu thế về sản phẩm và kỹ năng để cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, với chiến lược quốc tế, Unilever chưa thể đáp ứng được nhu cầu riêng biệt của từng địa phương và quốc gia khác nhau. 

chiến lược kinh doanh quốc tế unilever

2. Chiến lược đa quốc gia của Unilever

Từ giai đoạn 1990-2000, chiến lược kinh doanh quốc tế của Unilever là sử dụng chiến lược đa quốc gia (Multinational Strategy).

Chiến lược đa quốc gia là chiến lược cạnh tranh nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm (từ đó gia tăng lợi nhuận) của doanh nghiệp bằng cách thích ứng sản phẩm với từng thị trường nước ngoài. 

Để đáp lại áp lực thích ứng, mỗi một chi nhánh ở nước ngoài thực hiện hầu hết tất cả hoạt động tạo giá trị quan trọng như sản xuất, marketing, phát triển sản phẩm… 

Sau khi không đáp ứng được những nhu cầu riêng biệt của từng địa phương, Unilever đã chuyển sang áp dụng chiến lược đa quốc gia trong chiến lược kinh doanh quốc tế của mình. Tập đoàn này muốn có thể tận dụng tốt các lợi thế theo vùng, quan hệ tốt với các đại diện của địa phương và tiết kiệm thời gian đi lại của nhân viên.

Unilever cũng mong muốn cắt giảm chi phí vận hành, tăng tốc độ phát triển và giới thiệu sản phẩm mới bởi hoạt động tinh giảm.

Chiến lược kinh doanh quốc tế của Unilever ở giai đoạn này cho phép mỗi công ty con ở nước ngoài đảm nhận luôn việc sản xuất, kinh doanh, tiếp thị và phân phối sản phẩm tại thị trường đó. Mỗi công ty sẽ là một trung tâm lợi nhuận riêng biệt và tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình.

Chiến lược đa quốc gia cho phép nhà quản lý ở mỗi công ty có thể phát triển sản phẩm và triển khai các chiến lược tiếp thị phù hợp sở thích và thị hiếu của từng địa phương, điều chỉnh chiến lược bán hàng và hệ thống phân phối phù hợp với hệ thống bán lẻ ở mỗi thị trường. 

Tuy nhiên, chiến lược này cũng có những hạn chế nhất định như: khó chuyên sâu, hay trùng lặp giữa các bộ phận, nguồn lực. Khả năng trùng công việc trong mỗi khu vực do các công ty con có những hoạt động tạo giá trị giống nhau ở những địa điểm khác nhau, chứ không tập trung vào địa điểm hiệu quả nhất.

Đọc thêm: Phần mềm DMS là gì? Top 8 hệ thống DMS tốt nhất

chiến lược đa quốc gia của unilever

3. Chiến lược xuyên quốc gia của Unilever

Hiện nay, chiến lược kinh doanh của Unilever là chiến lược xuyên quốc gia (Transnational Strategy).

Chiến lược xuyên quốc gia là chiến lược cạnh tranh nhằm gia tăng lợi nhuận thông qua cắt giảm chi phí trên phạm vi toàn cầu, đồng thời gia tăng giá trị bằng cách thích ứng sản phẩm với từng thị trường. 

Các đơn vị kinh doanh có quyền tự chủ cao trong thực hiện các hoạt động kinh doanh cơ bản như sản xuất, marketing (để thích ứng tốt), đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với nhau (để giảm chi phí). 

Chiến lược xuyên quốc gia có thể được lựa chọn khi doanh nghiệp đối mặt với áp lực lớn cả về giảm chi phí và thích ứng với điều kiện địa phương.

Lý do mà Unilever lựa chọn chiến lược xuyên quốc gia cho chiến lược kinh doanh quốc tế của mình có thể được kể đến như:

  • Áp lực thích nghi địa phương cao: do thị hiếu ở mỗi quốc gia là khác nhau và sự khác biệt về chính sách của nước sở tại.
  • Áp lực giảm chi phí cao: xuất hiện nhiều hơn các nhà sản xuất trong nước với dây chuyền sản xuất đủ lớn, hiện đại để cạnh tranh

Một số hoạt động chính của chiến lược xuyên quốc gia trong chiến lược kinh doanh quốc tế của Unilever bao gồm:

Nghiên cứu & phát triển 

Để khác biệt hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của địa phương, Unilever đã theo dõi sự thay đổi tâm lý của người tiêu dùng thông qua việc thành lập và phát triển các Trung tâm Dữ liệu về con người trên khắp thế giới.

Từ năm 2017, Unilever đã mở rộng và phát triển từ 25 đến 30 trung tâm dữ liệu. Doanh nghiệp đã sử dụng những thông tin thu thập được để nghiên cứu và phát triển sản phẩm để phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của từng địa phương. 

trung tâm nghiên cứu của unilever

Sản xuất

Tại mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ, Unilever sẽ đánh giá, điều chỉnh mục tiêu sản xuất trên những yếu tố chính như: môi trường dân cư, kinh tế, chính trị xã hội, môi trường vi mô và vĩ mô để từ đó quyết định chiến lược sản xuất.

Unilever cũng thực hiện khác biệt hóa sản phẩm để đảm bảo rằng mọi tầng lớp trong xã hội đều được phục vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như tối đa hóa doanh thu nhận được. Ví dụ, khi sản xuất bột giặt ở Ấn Độ, “Surf Excel” được tạo ra cho đối tượng khách hàng claf người khá giả, “Rin” cho tầng lớp trung lưu và “Wheel” cho người có thu nhập thấp. 

Hoạt động logistics và chuỗi cung ứng

Logistics đóng vai trò chủ lực trong việc triển khai thực hiện thành công chiến lược kinh doanh quốc tế của Unilever.

Một trung tâm toàn cầu của công ty được đặt tại Singapore để quản lý các nguồn cung ứng chiến lược cho các hoạt động của Unilever tại châu Á, Phi, Trung và Đông Âu bao gồm việc lựa chọn các nhà cung ứng và ký hợp đồng.

Các văn phòng đa quốc gia sẽ chịu trách nhiệm trong việc thực hiện hoạt động mua bán. Các văn phòng này sẽ không được quyền lựa chọn nhà cung ứng trừ khi được trung tâm gia quyền. 

Bên cạnh đó, Unilever cũng thực hiện vi tính hóa toàn bộ hoạt động giao, nhận hàng của mình. Với việc ứng dụng thành công mô hình VMI và e-Order cho các key account, giúp giảm lượng tồn kho đáng kể của đối tác và giải bài toán nan giải về tồn kho của các nhà bán buôn hiện nay.

Tại hầu hết các thị trường, Unilever lựa chọn hướng đi outsourcing cho hệ thống phân phối, logistics của mình bằng việc hợp tác với các tập đoàn, công ty thứ 3.

Hoạt động Marketing 

Về hoạt động Marketing trong chiến lược kinh doanh quốc tế của Unilever, thương hiệu này đã triển khai các chiến lược Marketing của mình theo mô hình Marketing Mix 4P.

Sản phẩm (Product)

Unilever chú trọng đến từng cá nhân trên thị trường và tập trung mục tiêu của mình vào việc phát hiện những kỳ vọng mới của khách hàng để thực hiện nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp.

Giá (Price)

Trước khi gia nhập thị trường, Unilever luôn nghiên cứu kỹ chiến lược giá của đối thủ, phát triển chiến lược giá phù hợp nhất với thị trường đồng thời duy trì lợi nhuận của công ty. Nhìn chung, Unilever giữ một mức giá biên cho tất cả các sản phẩm của mình.

Hệ thống phân phối (Place)

Khi phân tích chiến lược Marketing của Unilever về hệ thống phân phối (Place), thương hiệu này đã tập trung mở rộng hệ thống phân phối của mình để có thể tiếp cận được đến nhiều khách hàng.

Unilever Việt Nam hiện đang có khoảng 350 nhà phân phối và hơn 150.000 các cửa hàng bán buôn và bán lẻ các sản phẩm của công ty trên toàn quốc. Những con số này thể hiện việc các sản phẩm của công ty đang tràn ngập khắp thị trường Việt Nam từ vùng xa xôi hẻo lánh, cho tới những nơi tấp nập nhất của thành thị Việt Nam. 

Xúc tiến hỗn hợp (Promotion)

Đối với chiến lược Marketing của Unilever về xúc tiến hỗn hợp (Promotion), Unilever đã tập trung triển khai các chiến dịch quảng cáo sản phẩm của mình trên các phương tiện truyền thông như báo đài, TV,… và các phương tiện kỹ thuật số.

Đọc chi tiết hơn về chiến lược Marketing Mix của Unilever tại bài viết: Phân tích chiến lược Marketing Mix của Unilever

lV. Tải trọn bộ miễn phí mẫu kế hoạch kinh doanh

Bộ mẫu kế hoạch kinh doanh giúp nhà quản lý đưa ra mục tiêu (doanh số, chi phí,…) cũng như định hướng, cách thức để tổ chức hoạt động kinh doanh thông qua trọn bộ biểu mẫu về thị trường, khách hàng, đối thủ. Từ đó, nhà quản lý có thể đánh giá cơ hội và đưa ra các phương án phù hợp.

Mời anh/chị click vào ảnh để tải trọn bộ mẫu kế hoạch kinh doanh

Mời anh/chị click vào ảnh để tải trọn bộ mẫu kế hoạch kinh doanh

Tổng kết

Để trở thành một trong những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng, Unilever đã xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh quốc tế một cách hiệu quả. Các chiến lược chính trong chiến lược kinh doanh quốc tế của Unilever bao gồm

  • Chiến lược quốc tế
  • Chiến lược đa quốc gia
  • Chiến lược xuyên quốc gia

Hy vọng qua bài viết này, anh/chị đã thêm về những chiến lược kinh doanh quốc tế của Unilever từ đó tham khảo để triển khai những chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp của mình. 

Ghé thăm blog của chúng tôi để cập nhật kiến thức hay mỗi ngày nhé!

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]