Nghiên cứu thị trường là gì? Phương pháp, quy trình triển khai kèm ví dụ

05/08/2021
10246

Nghiên cứu thị trường là một phần không thể thiếu trong các chiến lược kinh doanh. Thấu hiểu khách hàng và nắm bắt xu hướng thị trường là lợi thế và điều kiện sống còn với doanh nghiệp.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ và sâu nhất về nghiên cứu thị trường qua: khái niệm, mục đích, thời điểm cần thực hiện, các phương pháp, quy trình triển khai và ví dụ thực tế.

Qua đó bạn sẽ có một cái nhìn vừa toàn diện và vừa sâu sắc về nghiên cứu thị trường!

Nghiên cứu thị trường là gì?

1. Khái niệm

nghiên cứu thị trường là gì

Nghiên cứu thị trường (market research) là quá trình thu thập, phân tích và giải thích thông tin về thị trường mục tiêu, khách hàng hướng đến, đối thủ cạnh tranh và những yếu tố tác động đến sản phẩm hoặc dịch vụ.

Theo hiệp hội Marketing Hoa Kỳ (AMA), nghiên cứu thị trường là “quá trình xác định, thu thập, phân tích và diễn giải thông tin một cách có hệ thống nhằm hỗ trợ ra quyết định trong kinh doanh”.

2. Vai trò

Nghiên cứu thị trường giúp hiểu được thị hiếu khách hàng, hiểu được đối thủ và thấy được xu hướng của thị trường từ đó doanh nghiệp có căn cứ để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp nhất. Cụ thể, nghiên cứu thị trường giúp:

  • Xác định nhu cầu, sở thích và hành vi của khách hàng.
  • Biết điểm mạnh yếu và chiến lược của đối thủ cạnh tranh.
  • Phát hiện xu hướng thị trường mới, khoảng trống trong thị trường và cơ hội tiềm năng để phát triển.
  • Nghiên cứu thị trường quan trọng đến mức xuất hiện các công ty nghiên cứu thị trường cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường cho các doanh nghiệp khác.

3. Phân loại

các phương pháp nghiên cứu thị trường

Nghiên cứu thị trường được chia thành 4 loại khác nhau dựa trên nguồn dữ liệu, và phương pháp nghiên cứu, cụ thể bao gồm:

  • Nghiên cứu thị trường sơ cấp: Đây là hình thức thu thập dữ liệu mới trực tiếp từ khách hàng hoặc thị trường mục tiêu. Ví dụ: Phỏng vấn trực tiếp, khảo sát, nhóm thảo luận (focus group).
  • Nghiên cứu thị trường thứ cấp: Sử dụng các dữ liệu đã có sẵn từ các nguồn như báo cáo ngành, nghiên cứu của chính phủ hoặc dữ liệu từ internet. Ví dụ: Báo cáo từ Nielsen, dữ liệu từ tổ tổng cục thống kê.
  • Nghiên định tính: Tập trung vào việc hiểu sâu sắc cảm nhận, ý kiến và hành vi của khách hàng thông qua các dữ liệu phi số liệu. Ví dụ: Phỏng vấn sâu, nhóm thảo luận.
  • Nghiên cứu định lượng: Tập trung vào việc đo lường và phân tích dữ liệu bằng các con số cụ thể. Ví dụ: Khảo sát online với 1.000 người, phân tích dữ liệu bán hàng.

Mục đích thực hiện nghiên cứu thị trường

1. Với doanh nghiệp

Theo báo cáo của McKinsey & Company, các doanh nghiệp dựa trên dữ liệu từ nghiên cứu thị trường để ra quyết định kinh doanh thường có lợi nhuận tăng cao hơn 20%.

Các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu thị trường nhằm mục đích:

  • Hiểu rõ khách hàng từ nhu cầu, sở thích và hành vi để phát triển sản phẩm/dịch vụ đáp ứng mong muốn của thị trường.
  • Hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ để doanh nghiệp định vị sản phẩm, dịch vụ khác biệt.
  • Tìm kiếm các phân khúc thị trường chưa được khai thác, thị trường đại dương xanh để mở rộng thị trường hoặc tạo ra sản phẩm đột phá.

2. Với Marketing

Nghiên cứu thị trường là nền tảng để xây dựng và triển khai các chiến lược Marketing:

Khi nào cần nghiên cứu thị trường?

Nghiên cứu thị trường không phải là một việc đơn giản? Vậy khi nào doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu thị trường?

  • Khi muốn phát triển sản phẩm/dịch vụ mới.
  • Khi muốn mở rộng thị trường.
  • Khi doanh thu sụt giảm hoặc hiệu quả kinh doanh không như kỳ vọng.
  • Khi điều chỉnh chiến lược kinh doanh hoặc Marketing dài hạn.
  • Khi muốn đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng.

Các phương pháp nghiên cứu thị trường

5 phương pháp nghiên cứu thị trường

Để nghiên cứu thị trường ta có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Dưới đây là 5 phương pháp phổ biến nhất:

1. Phỏng vấn (Interviews)

Phỏng vấn là phương pháp thu thập thông tin trực tiếp từ khách hàng hoặc đối tượng mục tiêu thông qua trò chuyện, có thể thực hiện trực tiếp, qua điện thoại hoặc video call.

Ưu điểm:

  • Thông tin chi tiết và chuyên sâu về cảm xúc, ý kiến và quan điểm của người trả lời.
  • Có thể giải thích thêm hoặc điều chỉnh câu hỏi tùy thuộc vào phản hồi của người tham gia.

Nhược điểm:

  • Tốn nhiều thời gian và công sức và không phù hợp trên quy mô lớn.
  • Phụ thuộc vào kỹ năng phỏng vấn của người thực hiện, dễ bị thiên vị hoặc sai lệch.

2. Khảo sát (Survey)

Khảo sát sử dụng các bảng khảo sát thị trường để thu thập dữ liệu từ một nhóm người tham gia, thường được thực hiện qua email, mạng xã hội, hoặc trực tiếp. Các công cụ khảo sát thường được sử dụng hiện nay gồm Google Forms hoặc SurveyMonkey.

Ưu điểm:

  • Có thể thu thập dữ liệu từ số lượng lớn người tham gia trong thời gian ngắn.
  • Phân tích dữ liệu dễ dàng và có thể sử dụng các công cụ trực tuyến.

Nhược điểm:

  • Chất lượng dữ liệu phụ thuộc vào câu hỏi; câu hỏi không rõ ràng có thể gây hiểu sai.
  • Tỷ lệ phản hồi thấp, đặc biệt với khảo sát trực tuyến.

3. Quan sát

Quan sát là phương pháp nghiên cứu trong đó nhà nghiên cứu theo dõi hành vi và tương tác của khách hàng mà không tác động trực tiếp.

Ưu điểm:

  • Thu thập dữ liệu khách quan và trung thực.
  • Hiệu quả để phân tích hành vi thực tế thay vì chỉ dựa trên ý kiến.

Nhược điểm:

  • Không thể hiểu được động cơ hoặc lý do đằng sau hành vi.
  • Cần nhiều thời gian và khó triển khai trên quy mô lớn.

4. Phân tích dữ liệu

Phân tích dữ liệu sử dụng thông tin từ các nguồn có sẵn, chẳng hạn như báo cáo thị trường, dữ liệu bán hàng, hoặc thông tin từ các nền tảng kỹ thuật số như Google Analytics, phần mềm CRM.

Ưu điểm:

  • Tiết kiệm chi phí vì sử dụng dữ liệu đã có sẵn.
  • Hiệu quả trong việc phát hiện xu hướng và mô hình hành vi.

Nhược điểm:

  • Dữ liệu có thể không đủ chi tiết hoặc không phù hợp với nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp.
  • Phụ thuộc vào khả năng xử lý và phân tích của doanh nghiệp.

5. Nghiên cứu nhóm

Nghiên cứu nhóm là phương pháp thu thập ý kiến từ một nhóm nhỏ khách hàng (thường từ 6-12 người), được dẫn dắt bởi một người điều phối.

Ưu điểm:

  • Hiểu sâu sắc hơn về ý kiến, cảm xúc, và kỳ vọng của khách hàng.
  • Các ý tưởng hoặc vấn đề mới có thể xuất hiện từ cuộc thảo luận.

Nhược điểm:

  • Kết quả không thể áp dụng rộng rãi vì chỉ đại diện cho nhóm nhỏ.
  • Dễ bị chi phối bởi một vài cá nhân trong nhóm hoặc người điều phối thiếu kinh nghiệm.

Những thách thức khi nghiên cứu thị trường

thách thức khi nghiên cứu thị trường

Dù biết rằng nghiên cứu thị trường mang lại rất nhiều lợi. Tuy nhiên có nhiều doanh nghiệp bỏ qua hoặc xem nhẹ việc này bởi vì những thách thức gặp phải khi tiến hành nghiên cứu thị trường như:

1. Chi phí cao

Để tiến hành nghiên cứu thị trường ta sẽ tốn chi phí rất nhiều từ phí thuê chuyên gia, công cụ và phần mềm phân tích dữ liệu, hay chi phí mời đối tượng tham gia khảo sát.

Do đó, các doanh nghiệp nhỏ hoặc Startup thường nghiên cứu thị trường bằng cách quan sát, đánh giá định tính và thứ cấp dựa trên các nghiên cứu, dữ liệu có sẵn.

2. Khó tiếp cận đối tượng mục tiêu

Tìm kiếm và thuyết phục đúng nhóm đối tượng tham gia nghiên cứu là một thách thức lớn.

Bởi vì, khách hàng tiềm năng thường không muốn để lộ thông tin cá nhân và không quan tâm đến nghiên cứu.

Một số ngành hàng có đối tượng rất hẹp và khó tiếp cận chẳng hạn như nhóm C-Level hoặc chuyên gia ngành.

Để giải quyết khó khăn này, nhiều doanh nghiệp thường sử dụng các biện pháp như tặng quà, phiếu giảm giá hoặc tài liệu có giá trị để tạo động lực cho đối tượng tham gia khảo sát.

3. Việc xử lý và phân tích dữ liệu phức tạp

Dữ liệu từ nghiên cứu thị trường có khối lượng lớn, đa dạng và không đồng nhất nên đòi hỏi các công cụ và cá nhân có kỹ năng xử lý chuyên môn cao.

Theo đó, các doanh nghiệp lớn thường xây dựng một đội ngũ chuyên môn để nghiên cứu thị trường hoặc thuê dịch vụ nghiên cứu thị trường từ các công ty khác.

Lập kế hoạch nghiên cứu thị trường

Việc lập kế hoạch nghiên cứu thị trường là bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng để đảm bảo quá trình nghiên cứu diễn ra hiệu qủa và đạt được mục tiêu.

Các yêu tố cần có trong kế hoạch nghiên cứu thị trường:

  • Xác định mục tiêu rõ ràng.
  • Dự trù được ngân sách hợp lý.
  • Thời gian thực hiện phải cụ thể.
  • Nhân lực đủ số lượng và chuyên môn.

Khi lập kế hoạch nghiên cứu thị trường cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Phải hiểu rõ đối tượng nghiên cứu để chuẩn bị các câu hỏi, phạm vi, cách tiếp cận.
  • Xác định rõ phương pháp nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu cụ thể.
  • Cân nhắc sử dụng các công cụ hỗ trợ.
  • Phải kiểm tra và đánh giá tiến độ thực hiện để đảm bảo kế hoạch triển khai hiệu quả.

Tải File Mẫu Kế Hoạch Nghiên Cứu Thị Trường Tại Đây!

Các bước thực hiện nghiên cứu thị trường

các bước nghiên cứu thị trường

Việc tiến hành nghiên cứu thị trường diễn ra theo các bước sau:

1. Xác định mục tiêu nghiên cứu

Phải xác định rõ việc nghiên cứu thị trường nhắm thực hiện mục đích gì? Hiểu rõ khách hàng, phân tích sự cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội tiềm năng trong thị trường hay các xu hướng tiêu dùng?

2. Lựa chọn phương pháp nghiên cứu

Khi lựa chọn phương pháp nghiên cứu phải xem xét liệu rằng phương pháp đấy có phù hợp với:

  • Nguồn lực của doanh nghiệp (bao gồm tài chính và nhân lực) không?
  • Có khả thi để thực hiện không?
  • Phương pháp đó cho kết quả dữ liệu có giải quyết được mục tiêu đề ra hay không?

3. Thu thập dữ liệu

Khi thu thập dữ liệu, ta cần phải tìm cách để triển khai phương pháp nghiên cứu thị trường hiệu quả. Chẳng hạn như sử dụng quà tặng, phiếu giảm giá, hay tài liệu giá trị để thu hút người tham gia.

4. Xử lý và phân tích dữ liệu

Khi phân tích dữ liệu, tức là ta phải xử lý các dữ liệu thu được thành các dữ liệu đồng nhất dạng với nhau. Từ đó tiến hành đo lường, đánh giá và phân tích để biết được các thông tin quan trọng chẳng hạn như:

  • Hiểu được khách hàng.
  • Biết được điểm mạnh yếu của đối thủ cạnh tranh.
  • Thấy được các vấn đề ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của sản phẩm/dịch vụ của khách hàng.
  • Thấy xu hướng hành vi tiêu dùng, xu hướng thị trường hoặc cơ hội tiềm năng để phát triển sản phẩm.

5. Tổng hợp kết quả và báo cáo

Sau cùng ta phải tổng hợp kết quả thu được để tiến hành báo cáo kết quả nhằm làm sáng tỏ mục đích. Các bao cáo này có thể bao gồm: báo cáo khảo sát thị trường, dung lượng thị trường, xu hướng thị trường tiêu dùng, các cơ hội thị trường,…

4 Tips nghiên cứu thị trường hiệu quả dành cho doanh nghiệp

Tip 1: Xác định mục tiêu nghiên cứu 

Trước khi bắt đầu các hoạt động nghiên cứu thị trường, hãy nghĩ về những gì mà doanh nghiệp đang cố gắng đạt được tiếp theo.

Ví dụ như doanh nghiệp đang muốn tăng lưu lượng truy cập vào website, hay tăng doanh số bán hàng? Hay chuyển đổi khách hàng từ những người mua hàng một lần thành những khách hàng trung thành? Xác định mục tiêu rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp xác định loại dữ liệu cần thu thập.

Hãy đảm bảo rằng mục tiêu của doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí như tính cụ thể, rõ ràng, có thể đo lường được và có giới hạn thời gian nhất định. Nói cách khác, hãy đặt mục tiêu nghiên cứu thị trường theo mô hình SMART.

Tip 2: Hiểu rõ khách hàng 

Điều quan trọng nhất cần nhớ là doanh nghiệp đang phục vụ một loại khách hàng cụ thể.

Việc hiểu rõ khách hàng mục tiêu có thể đem lại lợi thế như cho phép doanh nghiệp hiểu rõ cách tiếp cận khách hàng phù hợp và những thông tin mà mình cần thu thập đối với từng loại khách hàng cụ thể là gì khi nghiên cứu thị trường.

Khi doanh nghiệp dành thời gian để xác định khách hàng mục tiêu của mình, bạn cũng có thể tìm thấy những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất để bán cho họ.

Để biết càng nhiều càng tốt về khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp có thể thu thập thông tin thông qua quan sát và nghiên cứu loại khách hàng thường xuyên sử dụng sản phẩm / dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, từ đó tìm ra những vấn đề hay nhu cầu của khách hàng để từ đó lên được chiến dịch marketing phù hợp hơn.

Tip 3: Hiểu rõ đối thủ

Việc xác định đối thủ cạnh tranh là ai và biết họ đang làm gì để giữ cho doanh nghiệp của họ đi đúng hướng là điều cần thiết mà doanh nghiệp cần làm khi thực hiện nghiên cứu thị trường.

Hãy đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể hiểu đối thủ, biết những chiến lược mà họ đang sử dụng hiện tại và những chiến lược mà họ có khả năng sẽ sử dụng trong tương lai để bắt kịp với bối cảnh và thị trường luôn thay đổi.

Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh có thể giúp doanh nghiệp có được ý tưởng chính xác về các xu hướng đang diễn ra trên thị trường. Khả năng xác định xu hướng hiện tại và dự đoán các xu hướng trong tương lai có thể là một lợi thế quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.

Tip 4: Tạo một bảng câu hỏi chất lượng 

Một bảng câu hỏi để khảo sát khách hàng tốt là một trong những công cụ nghiên cứu thị trường có giá trị nhất vì nó mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận với khách hàng của mình.

Để tạo một bảng câu hỏi chất lượng, doanh nghiệp cần biết cách đặt câu hỏi phù hợp để nắm bắt được những thông tin có giá trị từ khách hàng. Hãy tập trung hỏi khách hàng về những vấn đề mà họ gặp phải, nhu cầu của họ cũng như phản hồi của khách hàng về sản phẩm / dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.

Với một bảng hỏi tốt, doanh nghiệp sẽ đạt được mục tiêu nghiên cứu thị trường của mình bằng cách sở hữu những thông tin quan trọng mà khách hàng cung cấp. Để cảm ơn khách hàng, doanh nghiệp có thể tặng cho những khách hàng đã tham gia làm khảo sát một món quà như một phiếu giảm giá đặc biệt cho lần mua hàng tiếp theo của họ.

Ví dụ nghiên cứu thị trường

Để hiểu rõ hơn nữa về việc nghiên cứu thị trường phát sinh và tiến hành như thế nào? Thì ta sẽ đi vào một ví dụ đơn giản như sau:

Bối cảnh:

Công ty muốn ra mắt một dòng nước giải khát mới hướng đến giới trẻ từ 18-25 tuổi. Để đảm bảo sản phẩm phù hợp và thu hút đối tượng mục tiêu, công ty tiến hành một nghiên cứu thị trường toàn diện.

Các bước thực hiện:

1. Xác định mục tiêu nghiên cứu:

Công ty muốn tìm hiểu:

  • Hương vị mà giới trẻ yêu thích.
  • Bao bì nào thu hút nhất.
  • Giá cả mà khách hàng sẵn sàng chi trả.
  • Kênh phân phối mà khách hàng ưa chuộng.

2. Thu thập dữ liệu:

Kết hợp phân tích dữ liệu thứ cấp và sơ cấp:

  • Thu thập dữ liệu từ các báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và nghiên cứu thói quen tiêu dùng của giới trẻ từ các tổ chức nghiên cứu như Nielsen hoặc Kantar.
  • Tiến hành phỏng vấn nhóm 10 người từ 18-25 tuổi tham gia thảo luận. Nhóm này đưa ra phản hồi về mẫu thiết kế bao bì và các hương vị thử nghiệm.
  • Khảo sát trực tuyến đến 1.000 người trong độ tuổi mục tiêu để đo lường mức độ yêu thích các yếu tố: hương vị, giá cả, kênh mua hàng.

Kết quả thu được:

  • Giới trẻ yêu thích các hương vị trái cây tự nhiên như chanh, dâu, và xoài.
  • Xu hướng hiện nay là sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.
  • Họ thích bao bì có màu sắc tươi sáng, bắt mắt và cảm giác “xanh”.
  • 60% sẵn sàng mua sản phẩm nếu giá dưới 15.000 VNĐ.
  • 70% cho biết sẽ mua qua siêu thị hoặc các cửa hàng tiện lợi.

3. Phân tích đối thủ cạnh tranh:

Công ty nghiên cứu các thương hiệu nước giải khát khác như Pepsi, Coca-Cola, và La Vie để hiểu chiến lược định giá, phân phối và quảng cáo của họ.

Đánh giá cho thấy:

  • Đối thủ chủ yếu quảng bá qua mạng xã hội và các sự kiện âm nhạc.
  • Các sản phẩm có giá từ 10.000-20.000 VNĐ được tiêu thụ mạnh.

4. Các Insight khách hàng thu được:

Giới trẻ không chỉ tìm kiếm hương vị ngon mà còn quan tâm đến sức khỏe và môi trường.

Bao bì phải “đẹp” để dễ dàng chia sẻ trên mạng xã hội, giúp tăng mức độ nhận diện thương hiệu.

5. Ứng dụng kết quả nghiên cứu thị trường:

Dựa trên kết quả thu được, công ty quyết định sản phẩm sẽ có các đặc điểm sau:

  • Chọn hương vị xoài cho dòng sản phẩm mới.
  • Thiết kế bao bì với nguyên liệu tái chế và phong cách hiện đại.
  • Định giá sản phẩm ở mức 14.000 VNĐ.
  • Tập trung phân phối qua siêu thị và cửa hàng tiện lợi, đồng thời triển khai chiến dịch quảng bá trên TikTok và Instagram.

Trên đây chỉ là một ví dụ đơn giản, thực tế để tiến hành nghiên cứu thị trường ta cần phải đầu tư rất nhiều nguồn lực, thời gian và cực kỳ chi tiết để thu được kết quả mong muốn.

Một số thuật ngữ cần biết khi nghiên cứu thị trường

Dưới đây là một số thuật ngữ, khái niệm liên quan khi bạn nghiên cứu thị trường:

Thuật ngữ Giải thích
Big data Dữ liệu khổng lồ từ nhiều nguồn, giúp phân tích hành vi và xu hướng để đưa ra quyết định.
Insight Những hiểu biết sâu sắc về tâm lý và hành vi khách hàng, giúp doanh nghiệp cải thiện chiến lược.
Target Audience Nhóm người cụ thể được chọn để khảo sát hoặc nghiên cứu, thường là khách hàng mục tiêu.
Focus Group Nhóm nhỏ khách hàng tham gia thảo luận để cung cấp ý kiến về sản phẩm hoặc dịch vụ.
Market Share (Thị phần) Phần trăm doanh số của doanh nghiệp so với tổng doanh số của toàn thị trường.
Market Size (Dung lượng thị trường) Tổng giá trị hoặc số lượng sản phẩm/dịch vụ tiêu thụ trong một thị trường.
Brand Awareness (Nhận thức thương hiệu) Mức độ khách hàng biết đến và nhớ về thương hiệu.
SWOT Analysis Phân tích Điểm mạnh (Strengths), Điểm yếu (Weaknesses), Cơ hội (Opportunities), Thách thức (Threats) để đánh giá tình hình kinh doanh.
PESTEL Analysis Phân tích các yếu tố vĩ mô: Chính trị (Political), Kinh tế (Economic), Xã hội (Social), Công nghệ (Technological), Môi trường (Environmental), Pháp lý (Legal), ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ và sâu về nghiên cứu thị trường, biết cách thực hiện nghiên cứu thị trường một cách hiệu quả.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Tuyến Phạm
Tác giả
Giám đốc Kinh doanh tại MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả