Theo báo cáo thị trường mỹ phẩm Việt Nam của Nielsen, mức chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam đối với mỹ phẩm không nhiều, nhưng đang tăng dần theo thời gian. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai với sự gia tăng đáng kể về nhu cầu và sự đa dạng hóa sản phẩm. Trong bài viết này, MISA AMIS sẽ chia sẻ chi tiết về thị trường mỹ phẩm Việt Nam và xu hướng tiêu dùng nổi bật 2025, nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về lĩnh vực.
1. Tổng quan thị trường mỹ phẩm Việt Nam 2025
Thị trường mỹ phẩm Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường năng động nhất trong khu vực ASEAN hiện nay. Theo Statista, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam dự kiến đạt 578.77 triệu đô trong năm 2025.
Một số điểm nổi bật về thị trường mỹ phẩm Việt Nam có thể kể đến là:
Sản phẩm ở phân khúc giá rẻ chiếm ưu thế
Tại thị trường mỹ phẩm Việt Nam, phân khúc giá dưới 500.000 đồng chiếm đến 80% thị phần doanh số của ngành hàng mỹ phẩm. Trong đó phân khúc trong tầm giá 100.000 – 200.000 đồng là phân khúc giá bán chạy nhất. Phân khúc có doanh số cao nhất là từ 200.000 – 500.000 đồng với gần 8 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% thị phần toàn ngành hàng.
Thương hiệu ngoại nhập dẫn đầu về doanh số
Trong phân khúc chăm sóc da, các thương hiệu ngoại đang chiếm ưu thế tuyệt đối. Những cái tên như La Roche-Posay, Anessa, Skin1004, Simple hay Laneige không chỉ dẫn đầu về doanh số, mà còn định hình xu hướng tiêu dùng của người Việt, đặc biệt là giới trẻ thành thị.
Thực tế, có tới 90% doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước hoạt động dưới hình thức đại lý phân phối cho các thương hiệu quốc tế. Điều này được phản ánh rõ nét thông qua sự thống lĩnh bởi các tên tuổi lớn như Lancôme, Shiseido, Estée Lauder… ở các trung tâm thương mại lớn. Đáng chú ý, sản phẩm đến từ Hàn Quốc hiện diện dày đặc, không chỉ bởi chiến lược marketing bài bản mà còn vì sự phù hợp với làn da và thói quen tiêu dùng của người Việt.
Thương hiệu nội địa cũng đang dần khẳng định vị thế
Tuy phần lớn vẫn chỉ tập trung ở phân khúc giá rẻ và chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thị phần tiêu dùng, một số thương hiệu nội địa cũng đã phần nào tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường mỹ phẩm, điển hình như Thái Dương, Thorakao, Miss Sài Gòn, The cocoon hay Lemonade,…
Sở dĩ, việc các thương hiệu Việt dần được yêu thích hơn nằm ở sự thấu hiểu thị trường nội địa và chất lượng phù hợp với nhu cầu người dùng. Lemonade là ví dụ điển hình khi không chọn chạy đua theo xu hướng chung của thị trường quốc tế mà tập trung phát triển các sản phẩm trang điểm phù hợp với đặc điểm làn da, thói quen và phong cách làm đẹp của phụ nữ Việt. Chính sự tinh chỉnh này đã giúp thương hiệu nhanh chóng chiếm được cảm tình của khách hàng trẻ và khẳng định vị thế trên các sàn thương mại điện tử.
2. Cơ hội – thách thức của thị trường mỹ phẩm Việt Nam
2.1. Cơ hội
Dân số trẻ và nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện đang trong thời kỳ vàng dân số, với nữ giới chiếm 50,1%. Đây là nhóm người tiêu dùng chủ lực, có xu hướng quan tâm nhiều đến ngoại hình và chăm sóc bản thân. Cùng với ảnh hưởng của mạng xã hội và xu hướng làm đẹp hiện đại, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm, từ trang điểm đến dưỡng da, ngày càng phổ biến và trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày.
Tăng trưởng kinh tế và thu nhập cá nhân tạo đà phát triển
Kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, kéo theo mức sống và thu nhập của người dân cải thiện đáng kể. Tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, góp phần thúc đẩy khả năng chi tiêu cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra ngân sách cao hơn để sở hữu mỹ phẩm chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng và phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Thương mại điện tử và mạng xã hội thúc đẩy tiêu dùng
Sự bùng nổ của các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, cùng với các kênh mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok đã thay đổi cách người tiêu dùng tiếp cận mỹ phẩm. Không cần đến cửa hàng, khách hàng có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin sản phẩm, xem đánh giá và mua hàng trực tuyến. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các thương hiệu mỹ phẩm tiếp cận nhanh hơn với khách hàng tiềm năng trên toàn quốc.
Các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực có thể tận dụng cơ hội tuyệt vời này để thúc đẩy doanh số bán hàng bằng cách đưa ra các chiến lược marketing cũng như xây dựng quy trình bán hàng chuyên nghiệp trên các kênh thương mại điện tử.
Phần mềm MISA AMIS CRM có thể giúp doanh nghiệp tự động hoá những hoạt động này và mang về chuyển đổi tốt hơn. Phần mềm kết nối với các sàn thương mại điện tử như: Shopee, TikTok, Lazada để đồng bộ thông tin đơn hàng và khách hàng về CRM giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả và tập trung toàn bộ đơn hàng tại một nơi duy nhất.
Bạn có thể tìm hiểu thêm chi tiết về cách kết nối tại đây:
Nguồn nguyên liệu nội địa dồi dào với giá thành rẻ
Việt Nam là một quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, với khả năng canh tác nhiều loại thảo dược và thực vật phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất mỹ phẩm như dừa, nghệ, trà xanh, lô hội…
Điều này giúp cung cấp nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào với giá thành rẻ, cho phép các doanh nghiệp có thể phát triển hệ thống dây chuyền sản xuất sản phẩm nguồn gốc tự nhiên và hữu cơ ngay trong nước, giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, việc đặt hệ thống dây chuyền sản xuất ngay tại Việt Nam cũng đem lại lợi thế cạnh tranh về mặt giá cả rất lớn cho các thương hiệu quốc tế, bởi sự chênh lệch đáng kể giữa thuế giá trị gia tăng (khoảng 10%) và thuế nhập khẩu đối với nhóm hàng mỹ phẩm (khoảng 10% – 27%).
2.2. Thách thức
Cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu ngoại nhập
Một trong những thách thức lớn nhất của thị trường mỹ phẩm Việt Nam là sự hiện diện mạnh mẽ của các thương hiệu nước ngoài. Các nhà đầu tư ngoại đang hướng về Việt Nam với nhiều dự án sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối mỹ phẩm. Các thương hiệu mỹ phẩm Việt, do đó đang rơi vào tình trạng bị thu hẹp đáng kể thị phần tiêu thụ.
Ngoài ra, nhiều thương hiệu nước ngoài đã xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, có hệ thống phân phối rộng khắp và chiến lược marketing bài bản, khiến doanh nghiệp nội gặp khó khăn trong việc giành thị phần.
Hàng giả, hàng nhái gây mất lòng tin người tiêu dùng
Hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường không chỉ gây thiệt hại cho các thương hiệu uy tín mà còn khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm mỹ phẩm nói chung. Việc quản lý lỏng lẻo và thiếu biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đang là điểm yếu lớn của ngành mỹ phẩm trong nước, cần được khắc phục kịp thời để bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu nội địa.
Thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D)
Đa số các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam vẫn còn yếu trong khâu nghiên cứu – phát triển sản phẩm (R&D) vì công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại. Điều này dẫn đến việc thiếu sáng tạo, chưa có nhiều dòng sản phẩm mới phù hợp với xu hướng thị trường. Đây là điểm yếu làm hạn chế khả năng cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế có công nghệ tiên tiến và đội ngũ R&D mạnh.
Để đối mặt với các thách thức này và tìm ra hướng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, doanh nghiệp có thể tham khảo ebook “Đi tìm đại dương xanh và sản phẩm WIN trong ngành hóa mỹ phẩm” miễn phí từ MISA:
3. Xu hướng tiêu dùng mỹ phẩm tại Việt Nam 2025
Cá nhân hóa sản phẩm – Đáp ứng nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng
Trong năm 2025, cá nhân hóa sản phẩm được xem là một trong những xu hướng nổi bật nhất của ngành mỹ phẩm Việt Nam. Người tiêu dùng không còn hài lòng với những sản phẩm đại trà, mà mong muốn có các sản phẩm được điều chỉnh phù hợp với loại da, giới tính, độ tuổi và lối sống cá nhân.
Theo báo cáo Vogue Business Beauty Index, có tới 76% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm được thiết kế riêng cho nhu cầu của mình. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh công nghệ phân tích dữ liệu, AI và tương tác cá nhân hóa trong sản phẩm cũng như chiến lược marketing.
Mỹ phẩm “xanh” và “sạch” – Sự lên ngôi của thị trường mỹ phẩm thuần chay Việt Nam
Xu hướng sử dụng mỹ phẩm “xanh” và “sạch” tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc chọn sản phẩm thiên nhiên, không độc hại mà còn mở rộng sang dòng mỹ phẩm thuần chay (vegan beauty) – không chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật và không thử nghiệm trên động vật.
Trong những năm gần đây, thị trường mỹ phẩm thuần chay tại Việt Nam đang dần hình thành và phát triển mạnh mẽ, nhờ vào sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ Gen Z và Millennials. Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện đại cũng ngày càng quan tâm đến các giá trị đạo đức, môi trường và tính bền vững trong sản phẩm họ lựa chọn. Theo báo cáo của Statista, xu hướng tiêu dùng thuần chay toàn cầu đang tăng trưởng trung bình gần 6%/năm, và Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng này.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, các thương hiệu mỹ phẩm thuần chay như Skinna, The Cocoon, Herbario, NauNau, BareSoul đang nhận được sự quan tâm tích cực từ người tiêu dùng với triết lý kinh doanh nhân đạo cũng như sự thấu hiểu hiểu làn da người Việt và nguyên liệu thiên nhiên bản địa.
Mua sắm trực tuyến – Mở rộng kênh phân phối và cá nhân hóa trải nghiệm số
Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam đang tạo ra cuộc cách mạng trong hành vi tiêu dùng mỹ phẩm. Người tiêu dùng ngày nay ưu tiên sự tiện lợi, nhanh chóng và trải nghiệm mua sắm online đa nền tảng, từ các trang thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, đến mạng xã hội như TikTok Shop, Instagram, Facebook Marketplace.
Ngoài việc mua hàng, người tiêu dùng còn tiếp cận thông tin sản phẩm thông qua livestream bán hàng, đánh giá từ KOLs/KOCs và trải nghiệm thực tế. Các thương hiệu cần đầu tư mạnh vào nội dung số, chatbot, AR thử sản phẩm ảo để tối ưu hóa hành trình khách hàng trực tuyến.
Chăm sóc da tối giản “Less is More” – Triết lý làm đẹp 4.0
Khác với xu hướng skincare phức tạp nhiều bước trước đây, người tiêu dùng hiện đại đang hướng đến chăm sóc da tối giản mà hiệu quả. “Less is More” trở thành triết lý làm đẹp phổ biến, nhấn mạnh vào việc sử dụng ít sản phẩm hơn nhưng tập trung vào chất lượng và hiệu quả rõ rệt.
Xu hướng này đặc biệt phổ biến với gen Z và millennial, những người yêu thích lối sống tối giản, nhanh gọn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả chăm sóc da. Các sản phẩm đa công dụng như kem dưỡng kết hợp chống nắng, serum tích hợp dưỡng ẩm và chống lão hóa… sẽ chiếm ưu thế lớn trên thị trường vào năm 2025.
4. Tổng kết
Thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Để thành công, các doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng, đầu tư vào chất lượng sản phẩm và xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả. Sự kết hợp giữa việc hiểu rõ nhu cầu thị trường và khả năng đổi mới sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.
