Marketing Góc nhìn/Opinion Người trong ngành: Dữ liệu chỉ là bề nổi, quan trọng là...

Trong chuyên mục Góc nhìn/Option hôm nay, MISA AMIS cùng Quý độc giả gặp gỡ anh Minh Duy với hơn 10 năm kinh nghiệm về Digital Marketing với chủ đề “Data-Driven Marketing”.

MISA: Chào anh Minh Duy, MISA rất vui và vinh dự được mời anh chia sẻ về chủ đề “Data-Driven Marketing” hôm nay. Những chia sẻ của anh sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho cộng đồng độc giả. xin cảm ơn anh. Trước tiên, MISA rất mong muốn được nghe anh giới thiệu một số thông tin về bản thân để MISA cung cấp tới Quý độc giả. 

Chào các bạn, mình là Lê Minh Duy. Mình đã Tốt nghiệp MBA khoa Kinh doanh quốc tế (Marketing) tại Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH). Mình đã có gần 10 năm kinh nghiệm làm về Digital Marketing cho khá là đa dạng lĩnh vực ngành nghề tại các doanh nghiệp như Couple TX, Golden Gate, s6kLabs. Hiện mình đang đảm nhận vị trí Senior Digital Marketing cho một Startup về Game Blockchain tại Việt Nam. Công việc của mình là phát triển User thông qua các hoạt động Marketing trên các kênh Online.

Hy vọng những chia sẻ của mình hôm nay sẽ giúp ích cho các bạn trong việc sử dụng Data hiệu quả cho hoạt động Digital Marketing, giúp tiết kiệm chi phí cũng như đạt hiệu quả tốt nhất.

MISA: Cảm ơn anh Duy. Ngoài ra, MISA được biết anh cũng có sản xuất một số khóa học E-Learning về Marketing online. Vậy thưa anh, hiện nay có khá là nhiều cách định nghĩa khác nhau về Data-driven Marketing.  Dưới vai trò vừa là một người đào tạo, vừa là một người tham gia trực tiếp vào việc triển khai hoạt động marketing tại nhiều doanh nghiệp, theo anh Data driven marketing là gì và nó có tầm quan trọng như thế nào?

Theo mình, Có thể hiểu đơn giản Data-driven Marketing là việc sử dụng Data (dữ liệu) trong các hoạt động Marketing, giúp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng mục tiêu chứ không phải thông qua những suy đoán hoặc kinh nghiệm cá nhân. Bên cạnh đó, Data-driven Marketing thường được phân tích trên lượng mẫu lớn một cách tự động, chính xác và nhanh chóng, là căn cứ để  quá trình ra quyết định marketing diễn ra kịp thời và trúng đích hơn.

Về cơ bản, hoạt động Marketing Online sẽ bao gồm 4 giai đoạn tương ứng với các giai đoạn mà người dùng trải qua để đưa ra quyết định mua hàng, mà chúng ta hay được nghe đến với thuật ngữ A-I-D-A hay nói cụ thể là:

  • Attention (Thu hút)
  • Interest (Thích thú)
  • Desire (Khao khát)
  • Action (Hành động).

Do đó, doanh nghiệp cần xác định mỗi nhóm khách hàng mục tiêu của mình đang ở giai đoạn nào, để triển khai các hoạt động marketing phù hợp. Đây cũng chính là lúc mà Data phát huy tác dụng. Ví dụ, theo kinh nghiệm của mình, thì có 2 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu quả hoạt động Marketing trên kênh Online là nội dung truyền tải và đối tượng sẽ nhìn thấy quảng cáo.

Đối với Nội dung truyền tải, hiệu quả phụ thuộc vào cảm quan của đối tượng tiếp cận, do đó, điều Doanh nghiệp cần làm là chạy Testing nhiều nội dung, hình ảnh, định dạng quảng cáo để tìm ra content có tiếp cận, tương tác với chi phí tối ưu nhất và hiệu quả tốt nhất (hay còn gọi là A/B Testing).  

Về đối tượng nhìn thấy quảng cáo, doanh nghiệp có thể sử dụng Dữ liệu đối tượng trong nền tảng quảng cáo (ví dụ Google Ads, Facebook Ads, …) để đưa ra chọn lựa phù hợp. Ứng dụng Data-driven marketing giúp cho người chạy quảng cáo có căn cứ cụ thể để đưa ra các quyết định cho target quảng cáo, giúp giảm chi phí thử nghiệm, đồng thời có lưu vết để tra cứu lịch sử khi cần thiết.

Như vậy có thể thấy, việc ứng dụng Data giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhờ vào việc sử dụng dữ liệu phù hợp, có thể hiểu đơn giản là việc bạn tiếp cận lại khách hàng (Remarketing) hoặc tìm các tệp có hành vi tương tự (Lookalike) để mở rộng đối tượng cho chiến dịch quảng cáo của mình.

MISA: Anh đánh giá như thế nào về việc ứng dụng data-driven marketing của Việt Nam so với Thế Giới?

Data thì có mặt ở mọi nơi, mình có thể tạm chia thành 2 nguồn phổ biến đó là Online và Offline. Trong phạm vi chia sẻ này, mình chỉ tập trung nói về Data từ các kênh Online, hoặc sử dụng dữ liệu từ Offline (ví dụ: số điện thoại, địa chỉ, tên khách hàng, đơn hàng dưới cửa hàng thu thập được…) để áp dụng cho hoạt động Marketing trên các kênh Online.

Hầu hết các nền tảng đi tiên phong cho phép quảng cáo trên kênh Online đều có nguồn gốc nước ngoài, từ Google, Facebook (Meta) đến Linkedin, Twitter, …  Chưa kể, chính sách bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trên Thế giới có phần khắt khe hơn. Do đó cũng có thể dễ dàng nhận thấy việc ứng dụng Data-driven marketing ở Việt Nam có phần chậm hơn so với Thế giới. 

Dù vậy, mình nhận thấy các doanh nghiệp Việt thích nghi rất nhanh và có rất nhiều cơ hội màu mỡ  để ứng dụng data các các hoạt động kinh doanh. Một phần là như chúng ta biết, hàng triệu người Việt sử dụng internet mỗi ngày; bên cạnh đó tính đến thời điểm hiện tại việc khai thác thông tin người dùng Việt diễn ra khá dễ dàng và thuận tiện, chưa có nhiều rào cản. Hiện nay cuộc chạy đua trên nền tảng số đang diễn ra cực kỳ gay gắt, và để có thể bứt phá và tăng lợi thế cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng ứng dụng Data-driven Marketing. 

aimarketing

MISA: Có ý kiến cho rằng “Có dữ liệu chưa đủ, bạn còn cần phải biến nó thành thông tin chiến lược, đó mới là điều quan trọng”, quan điểm của anh như thế nào? Từ đó, với kinh nghiệm của mình, theo anh để việc áp dụng data-driven hiệu quả, doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì bên cạnh việc sẵn sàng đầu tư vào các công cụ? 

Đúng là như vậy, dữ liệu chỉ là phần nổi, điều quan trọng là việc bạn sử dụng chúng như thế nào vào các chiến dịch Marketing cho Doanh nghiệp để có được kết quả tốt nhất. 

Việc lựa chọn dữ liệu nào cho phù hợp với từng giai đoạn trong hành trình của khách hàng cũng là vấn đề mà Doanh nghiệp cần phải xem xét. Tùy thuộc vào quy mô, nguồn lực mà mỗi doanh nghiệp có chiến lược trong việc ứng dụng Data riêng. Chúng ta hay nghe rằng, phải hiểu số mới tăng được số. Để làm được điều này, thì con người chính là chìa khóa. Đầu tư cho đội ngũ nhân sự nói chung hay Marketing nói riêng theo mình cũng nên được đưa lên làm mục tiêu trong mỗi doanh nghiệp. 

MISA: Theo anh, data-driven marketing đến từ đâu, hay nói cách khác có những công cụ phổ biến nào có thể giúp doanh nghiệp thu thập được nguồn data cho marketing.

Nhìn chung, có rất nhiều nguồn để thu thập data, ví dụ như analytics platforms, testing platform, social media tool, CDP, CRM … Mỗi công cụ sẽ tương ứng với quy trình thu thập, đặc điểm data, output (đầu ra) của dữ liệu khác nhau, và người làm marketing cần kết hợp phân tích từ nhiều nền tảng để có cái nhìn đa chiều, đầy đủ, khái quát nhất giúp đưa ra các quyết định toàn diện và hiệu quả nhất.

Thông thường thì các công cụ này sẽ bao gồm công cụ có phí và công cụ miễn phí. 

Cụ thể, công cụ miễn phí như Google Analytics, Google Sheets … Với nhóm công cụ này, doanh nghiệp có thể tự upload(cập nhật) data khách hàng sẵn có hoặc phân tích dữ liệu lớn từ cộng đồng, ứng dụng vào hoạt động chạy quảng cáo, email marketing, phân tích hành vi, chu kỳ mua sắm … Có một điều cần lưu ý, đó là khi các bạn sử dụng công cụ miễn phí, cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc của công cụ, hạn chế sử dụng các website, phần mềm lạ, để tránh bị lộ thông tin khách hàng hoặc gặp phải các rắc rối không đáng có.

Còn đối với công cụ trả phí, bạn sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ, đồng thời được bảo mật data khách hàng và sử dụng những tính năng phân tích sâu hơn mà công cụ miễn phí không có. Như phần mềm quản lý bán hàng MISA AMIS CRM của các bạn chính là một ví dụ điển hình cho loại hình công cụ này. 

MISA: Anh có thể chia sẻ về cách mà data-driven marketing thường được áp dụng và triển khai trong thực tế?

Vấn đề này khá là rộng, việc áp dụng và triển khai tùy thuộc vào đặc thù, nguồn lực, mục tiêu,… của mỗi doanh nghiệp. Nên cá nhân mình cho rằng, không có một công thức chung nào cho việc này. Tuy nhiên, để các bạn dễ hình dung mình sẽ chia sẻ một ví dụ về việc sử dụng Data-driven Marketing.

Mình có thể sử dụng data thu được từ các kênh online (Facebook Ads, Google Ads, Website, …) hoặc Offline (khi khách đến mua hàng và điền thông tin) của doanh nghiệp. Sau đó, thực hiện bán chéo hoặc bán thêm các sản phẩm khác thông qua nền tảng thứ ba như email marketing hoặc App (Ứng dụng) đối với danh sách data mà bạn đã thu được. Đồng thời, triển khai thêm hoạt động làm tăng tỉ lệ khách hàng mua lặp lại bằng cách gửi các Ưu đãi hay Mã giảm giá cho khách hàng đặt hàng thành công, khuyến khích khách hàng đánh giá hoặc chụp hình feedback để nhận thêm quà tặng, giúp tăng uy tín của doanh nghiệp và tạo niềm tin cho khách hàng đến sau.

Có thể nói, Data là tiền, do vậy khi các bạn càng có nhiều Data thì việc phân loại khách hàng càng cần được tiến hành một cách cẩn trọng, chính xác và liên tục nhằm tăng hiệu quả hoạt động marketing và không bỏ sót hay lãng phí tài nguyên. 

MISA: Theo anh,  việc đầu tư cho data-driven nên phân bổ như thế nào và chiếm bao nhiêu % trong tổng ngân sách marketing của doanh nghiệp? 

Data-driven

Về ngân sách thì theo mình tùy thuộc vào quy mô và lĩnh vực hoạt động của Doanh nghiệp  cũng như mức độ sẵn sàng đầu tư, nên sẽ không có con số % cụ thể nào. Mỗi doanh nghiệp cần có sự cân đo, linh hoạt theo mỗi thời điểm để đưa ra quyết định này. 

MISA: Như anh đã chia sẻ ở trên, anh đã có kinh nghiệm làm việc tại khá nhiều doanh nghiệp, vậy anh có thể chia sẻ một ví dụ về việc ứng dụng Data-driven Marketing mà anh thấy ấn tượng không. 

Mình xin chia sẻ Case Study về Data-driven mình áp dụng cho chuỗi Doanh nghiệp F&B. Đầu năm 2021, sau một thời gian dịch bệnh căng thẳng, giãn cách xã hội kéo dài đã thanh lọc khá nhiều tên tuổi lớn nhỏ trong ngành. Các đối thủ cạnh tranh còn lại cũng đang thoi thóp cắt giảm chi phí, chờ được mở cửa trở lại, toàn bộ hoạt động marketing đóng băng. Khi đó, thông qua các công cụ lắng nghe dư luận xã hội (social listening), mình thấy rằng tệp khách hàng mục tiêu đang trong tâm trạng u uất, nặng nề, tin tức tiêu cực bủa vây khắp nơi và họ cần những thông điệp tích cực để giải tỏa. Doanh nghiệp của mình đã thử nghiệm dùng các KOLs giải trí để lan tỏa, quảng cáo sản phẩm và thương hiệu, nhờ đó, thu hút được một lượng lớn khách hàng theo dõi. 

Nhờ đó, thang điểm đánh giá về Social Listening của thương hiệu thời điểm đó đã tăng gấp rưỡi so với trước dịch bệnh và doanh nghiệp đồng thời có được lượng lớn Data “trúng đích” là những người yêu thích, quan tâm đến thương hiệu và lĩnh vực nhà hàng. Điều này không chỉ giúp mình phân tích được tệp khách hàng mục tiêu sẽ tương tác tích cực với dạng nội dung nào, mà còn có được thông tin về sở thích, hành vi của nhóm đó, trở thành căn cứ cho các hoạt động quảng cáo về sau.

Tận dụng hiệu ứng này, doanh nghiệp của mình đã đẩy mạnh phát triển hệ thống App để chăm sóc và duy trì kết nối hơn 1,500,000 (một triệu rưỡi) thành viên; góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu duy trì sự hiện diện trong tâm trí khách hàng.

MISA: Ngày nay, dòng chảy dữ liệu hay còn gọi là dữ liệu lớn, làm chúng ta khó có thể phân tích, tách biệt và tiếp cận thông tin mình thực sự cần. Vậy anh có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp trong vấn đề này không?

Điều quan trọng là doanh nghiệp cần xác định sẽ sử dụng data vào mục đích gì, từ đó phân loại ra nguồn cấp data, công cụ xử lý data để đạt được mục đích. Rất nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh và  rơi vào trạng thái bối rối, không biết sử dụng thế nào khi có quá nhiều data. Theo kinh nghiệm của mình, doanh nghiệp có thể tiến hành các bước sau.

  • Bước 1: Tập hợp tất cả data vào một nơi (google sheets, folder chung) và phân theo nguồn cấp data. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn khái quát về lượng data cần xử lý.
  • Bước 2: Vẽ chân dung khách hàng cụ thể dựa trên những yếu tố được thống kê nhiều nhất trong data theo nhân khẩu học, sở thích, hành vi, …
  • Bước 3: Phân tách giả định theo từng giai đoạn, sử dụng các hình thức quảng bá, quảng cáo để đánh giá xem tệp khách hàng nào là đúng và hiệu quả nhất, thay đổi dần các yếu tố đến khi có được chân dung phù hợp.
  • Bước 4: Thống kê lại từ hiệu quả và nguồn cấp data, cách thức phân tích để rút ra quy trình, từ đó nhân bản mô hình.

MISA: Theo anh, với SMEs, khi đang có nhiều hạn chế về nguồn lực liệu có cơ hội, cách thức nào để triển khai data-driven marketing hiệu quả, tối ưu chi phí?

Doanh nghiệp có thể ứng dụng Data-driven trong bất cứ giai đoạn nào của Marketing mà không nhất thiết phải có thật nhiều dữ liệu (Data). Nếu nguồn lực của SMEs còn hạn chế, bạn cần sử dụng hiệu quả các nguồn dữ liệu (Data) hiện có bằng cách xây dựng và tối ưu các kịch bản bán hàng, chăm sóc khách hàng, kế hoạch chạy ads, đo lường hiệu quả và lưu vết quảng cáo. Thực tế cho thấy, kể cả với quy mô nhỏ, bạn vẫn có thể sử dụng data driven để tìm thấy tệp khách hàng tiềm năng cũng như thị trường đại dương xanh của mình.

Như mình đã chia sẻ, việc ứng dụng Data trong hoạt động Marketing có thể giúp Doanh nghiệp SMEs thu thập được các Dữ liệu lớn (Big Data). Các hoạt động Marketing sau đó sẽ được triển khai dựa trên việc tổng hợp và phân tích dữ liệu. Việc hiểu các dữ liệu này giúp các Marketers trong Doanh nghiệp SMEs hiểu được các nhu cầu tiềm ẩn (Insights) của người dùng, cũng như hành vi của khách hàng trong tương lai, làm tăng trải nghiệm khách hàng và có các hoạt động truyền thông hiệu quả. Data giúp doanh nghiệp ra quyết định thông qua phân tích số liệu và dữ liệu một cách chính xác nhất.

MISA: Anh dự đoán như thế nào về tương lai của data-driven Marketing trong thời gian tới. 

Theo mình, có 4 xu hướng về Data-driven Marketing đang nổi trội ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Có thể kể đến như:

  • Thứ nhất, đồng nhất dữ liệu cả trên Offline và Online:
    Điều này sẽ giúp giảm sai số trong quá trình phân tích khi số liệu của một khách hàng không bị lặp lại nhiều lần và hạn chế lượng data không được nhận dạng, lọc data ảo.
  • Thứ hai, tiếp thị đa kênh – Omnichannel
    Hành vi của mỗi khách hàng trên các nền tảng khác nhau cũng rất khác nhau, do đó, khi doanh nghiệp thực hiện tiếp thị đa kênh, đa dạng điểm chạm cũng sẽ thu được chân dung đầy đủ, toàn diện của khách hàng, từ đó phân tích và đưa ra phương án quảng cáo, quảng bá phù hợp cho từng kênh.
  • Thứ ba, khắt khe hơn trong thu thập và quản lý dữ liệu
    Thay vì thu thập mọi dữ liệu có thể, các doanh nghiệp sẽ xây dựng đích đến, từ đó xác định mục tiêu cần đạt từ dữ liệu, loại dữ liệu cần thu thập và công cụ, quy trình phải có. Điều này giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng data, tập trung vào những chỉ số cốt lõi tạo nên khác biệt, tránh xao nhãng vào các dữ liệu gây rối, tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian xử lý dữ liệu mà vẫn đạt được hiệu quả cao nhất.
  • Thứ tư, triển khai inbound marketing
    Từ data đã có, các doanh nghiệp sẽ xây dựng lộ trình cung cấp thông tin hữu ích nhắm đích tới khách hàng mục tiêu, nhằm duy trì giá trị lâu dài và giảm chi phí vào quảng cáo hao phí (ví dụ như chạy facebook ads …). Đây là xu hướng marketing bền vững mà các doanh nghiệp đang hướng tới.

Nhìn chung, theo mình thời điểm phát triển nóng về lượng data đã qua, giờ là thời điểm lượng phải đi đôi với chất.

Khi các công cụ tìm kiếm và phân tích data ngày càng nhiều, khách hàng ngày càng thông minh và cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ thông tin thì hoạt động marketing càng cần tinh tế, bài bản và tự nhiên hơn. Mình nghĩ đây là thách thức và cũng là bài toán thú vị cho người làm marketing.

MISA: Cuối cùng, anh có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp, nhất là SMEs trong việc áp dụng data-driven marketing không? 

Khi áp dụng data-driven marketing, doanh nghiệp cần có bộ phận hoặc nhân sự chuyên trách về Digital để theo dõi, đánh giá, nhận định, đưa ra chiến lược và hành động cụ thể dựa trên các báo cáo phân tích đã có. Doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến giai đoạn thử nghiệm (A/B testing) để kiểm tra độ chính xác của target, chân dung khách hàng và dạng nội dung khách hàng quan tâm. Quan trọng nhất, mọi nhận định cần dựa trên căn cứ dữ liệu để có sự khách quan.

Một lần nữa cảm ơn anh Duy đã dành thời gian để trao đổi và mang tới nhiều thông tin giá trị, hữu ích cho độc giả.

Thực hiện: Ban biên tập MISA AMIS CRM


ĐÔI NÉT VỀ ANH LÊ MINH DUY

  • Thạc sĩ Marketing trường Đại học Kinh tế (UEH)
  • Senior Digital Marketing tại Starpunk Company – Launchpad NFT Games, với gần 10 năm kinh nghiệm về Digital Marketing
  • Giảng viên Marketing Online tại một số trung tâm. Trực tiếp giảng dạy và sản xuất các khóa đào tạo E-Learning về Facebook Ads, Google Ads: tối ưu và đo lường trên 2 nền tảng phổ biến và quan trọng nhất hiện nay.
  • Triển khai nhiều chiến dịch Marketing Online thành công cho các nhãn hàng thuộc các lĩnh vực: F&B, Bất động sản, Bán lẻ, Du lịch, Đào tạo, …
  • Contributor của Marketing Works, chia sẻ các bài viết về Digital Marketing 
  • Một số kênh chia sẻ về Digital Marketing của anh Lê Minh Duy mà bạn đọc có thể theo dõi: 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]