Bí quyết thành công từ chiến lược kinh doanh quốc tế của Samsung

03/12/2021
18526

Để trở thành một trong những tập đoàn nổi tiếng trên toàn thế giới, Samsung đã xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh quốc tế một cách hiệu quả. Hãy cùng phân tích và tìm hiểu chiến lược kinh doanh quốc tế của Samsung trong bài viết dưới đây.

 

Giới thiệu tổng quan về tập đoàn Samsung

Theo Wikipedia, Samsung là một tập đoàn đa quốc gia khổng lồ của Hàn Quốc có trụ sở chính được đặt tại khu phức hợp Samsung Town, quận Seocho, thành phố Seoul. Tập đoàn này hiện sở hữu rất nhiều công ty con, chuỗi hệ thống bán hàng cùng các văn phòng đại diện trên phạm vi toàn cầu, hầu hết đều đang hoạt động dưới tên thương hiệu ‘Samsung’.

Samsung là tập đoàn tài phiệt đa ngành có quy mô và tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất tại Hàn Quốc nói riêng và đồng thời cũng là một trong những thương hiệu công nghệ đắt giá bậc nhất trên thế giới hiện nay.

Samsung được sáng lập bởi Lee Byung-chul – doanh nhân kiêm nhà tư bản công nghiệp người Hàn Quốc vào năm 1938, với sự khởi đầu là một công ty buôn bán nhỏ lẻ. Sau hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, tập đoàn Samsung dần đa dạng hóa các ngành nghề bao gồm: chế biến thực phẩm, dệt may, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản và bán lẻ.

Samsung mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu, tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển chiến lược nhiều nhất vào lĩnh vực công nghệ cao và điện tử tiêu dùng, cụ thể là các mảng điện thoại di động, TV, chip điện tử và chất bán dẫn. Kết quả là nhiều lĩnh vực trên dần trở thành mũi nhọn quan trọng bậc nhất, có sự đóng góp ngày càng lớn và chiếm một tỷ lệ cao, đến mức gần như không thể thay thế vào tổng doanh thu chung của cả tập đoàn.

Những công ty con đáng chú ý của Samsung bao gồm: Samsung Electronics (công ty điện tử – công nghệ cao lớn nhất trên thế giới tính theo doanh thu, và lớn thứ 4 thế giới theo giá trị thị trường vào năm 2012), Samsung Heavy Industries (công ty đóng tàu lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Hyundai Heavy Industry), Samsung Engineering và Samsung C&T (lần lượt là các công ty xây dựng lớn thứ 12 và 36 thế giới). 

Những công ty con quan trọng khác bao gồm Samsung Life Insurance (công ty bảo hiểm lớn thứ 14 thế giới), Samsung Everland (quản lý Everland Resort, công viên chủ đề lâu đời nhất ở Hàn Quốc), Samsung Techwin (công ty khám phá không gian vũ trụ, sản xuất thiết bị giám sát, bảo vệ, thiết bị quân sự,…) và Cheil Worldwide (công ty quảng cáo lớn thứ 15 thế giới theo doanh thu năm 2012).

Samsung đã và đang có tầm ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển kinh tế, chính trị, truyền thông, văn hóa, đời sống xã hội ở Hàn Quốc, là động lực, ‘hạt nhân’ chính thúc đẩy đằng sau sự thành công của ‘Kỳ tích sông Hàn’. Samsung đóng góp tới 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này, đồng thời, doanh thu của tập đoàn cũng đã từng chiếm tới 17% trong tổng quy mô GDP 1,100 tỷ USD của nền kinh tế Hàn Quốc năm 2013.

Phân tích mô hình SWOT của Samsung

Mô hình SWOT là một công cụ nổi tiếng được nhiều doanh nghiệp biết đến và áp dụng bởi tính hữu ích trong việc giúp các nhà quản lý phân tích các yếu tố quan trọng bên trong và ngoài doanh nghiệp để từ đó thiết lập nên các chiến lược cũng như kế hoạch kinh doanh phù hợp. 

SWOT là viết tắt của 4 từ: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) – là một mô hình nổi tiếng giúp doanh nghiệp có thể phân tích cũng như xây dựng được chiến lược kinh doanh của mình một cách hiệu quả.

Trong 4 yếu tố của mô hình SWOT, điểm mạnh và điểm yếu là 2 yếu tố để đánh giá nội bộ doanh nghiệp. Đối với 2 yếu tố này, doanh nghiệp có thể kiểm soát và thay đổi được. Thường các yếu tố này có liên quan tới hoạt động công ty, tài sản thuộc về doanh nghiệp, phát triển sản phẩm,…

Bên cạnh đó, 2 yếu tố còn lại là cơ hội và thách thức là các yếu tố tác động bên ngoài thường liên quan đến thị trường và mang tính vĩ mô. Doanh nghiệp có thể sẽ không thể kiểm soát được 2 yếu tố bên ngoài này. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội, nhưng cũng phải quan tâm và đề phòng tới những thách thức từ bên ngoài có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đọc chi tiết hơn về mô hình SWOT tại bài viết: Mô hình SWOT là gì & 7 bước phân tích SWOT

Đối với Samsung, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tập đoàn này có thể được phân tích như sau.

Điểm mạnh (Strengths)

Về điểm mạnh trong mô hình SWOT của Samsung, thương hiệu này có một số những điểm mạnh nổi bật dưới đây.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hiệu quả 

Samsung là doanh nghiệp luôn chú trọng đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển. Chi tiêu cho hoạt động R&D của Samsung là rất lớn, với 34 trung tâm R&D trên khắp thế giới để nghiên cứu và phát triển các danh mục sản phẩm của mình. Samsung đã đầu tư hơn 13 tỷ euro cho hoạt động R&D, xếp thứ 4/20 công ty đầu tư nhiều nhất vào R&D trên thế giới (Theo Global Innovation 1000).

Thương hiệu nổi tiếng 

Theo một cuộc khảo sát bởi Nielsen, Samsung là thương hiệu châu Á có giá trị nhất. Đồng thời, công ty đã lọt vào top 10 thương hiệu giá trị nhất (hãng nghiên cứu Interbrand công bố). 

Bên cạnh đó, Samsung có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực phát triển công nghệ là một trong những lợi thế so với đối thủ. 

Chiếm thị phần lớn trên thị trường smartphone 

Theo như số liệu thống kê của IDC, Samsung đã chiếm 29,3% so với tất cả những mẫu Android được bán ra. Ngoài ra, Samsung cũng bán ra thị trường được 81 triệu thiết bị trong năm 2020.

Điểm yếu (Weaknesses)

Bên cạnh những điểm mạnh, tập đoàn Samsung cũng có những điểm yếu cần phải khắc phục.

Một số những điểm yếu chính trong mô hình SWOT của Samsung có thể được kể đến như sau:

Phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ và Ấn Độ 

Một phần lớn doanh thu của Samsung đến từ thị trường Mỹ và Ấn Độ. Tuy Samsung đã có những vị thế vững chắc ở một số thị trường nhưng về mặt tài chính, thị trường Mỹ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với Samsung.

Tại Ấn Độ, Samsung vẫn là thương hiệu bán chạy thứ hai mặc cho có sự cạnh tranh từ các công ty Trung quốc. Tuy nhiên, sức ép từ các công ty Trung quốc sẽ mạnh lên khi các công ty này đang thúc đẩy việc chào bán các bộ điện thoại thông minh với giá rẻ, khiến doanh thu của Samsung bị ảnh hưởng mạnh.  

Sản phẩm chưa độc đáo 

Một điểm yếu của Samsung là sản phẩm chưa độc đáo. Phần mềm ứng dụng và danh mục sản phẩm của Samsung quá nhiều, khá giống nhau và dễ gây nhầm lẫn.

Cơ hội (Opportunities)

Để tận dụng điểm mạnh và khắc phục điểm yếu, Samsung có thể nắm bắt một số những cơ hội có lợi để phát triển thương hiệu và tăng doanh số bán hàng như sau:

Dịch vụ kỹ thuật số phát triển 

Cơ hội nổi bật nhất mà Samsung có thể nắm bắt đó là nhu cầu với dịch vụ kỹ thuật số ngày càng cao và phát triển.

Nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số đã không ngừng tăng lên trong vài năm qua. Và nhu cầu này đang được thúc đẩy lên một mức mới sau cơn sốt đại dịch Corona khi một số lượng lớn người phải ở nhà do lệnh phong tỏa. Khi đó, cuộc sống sẽ phải phụ thuộc vào các thiết bị số cho một số việc từ đặt hàng các sản phẩm thiết yếu cho tới giải trí. Và chắc chắn, điện thoại thông minh là một phương tiện không thể thiếu. 

Sự xuất hiện của công nghệ 5G 

Samsung đã và đang gặt hái những chiến lợi đầu tiên khi trở thành người dẫn đầu trong phân khúc điện thoại thông minh 5G. Tại Mỹ, Samsung là thương hiệu giành được thị phần lớn nhất trong phân khúc thị trường điện thoại thông minh 5G.

Thách thức (Threats)

Bên cạnh cơ hội thì Samsung cũng cần đối mặt với một số những thách thức. Các thách thức chính trong phân tích SWOT của Samsung có thể được liệt kê như sau:

Mức độ cạnh tranh cao 

Dù cố gắng mở rộng nhiều phân khúc thị trường nhắm tới nhiều phân khúc khách hàng nhưng Samsung đang phải đối mặt với nhiều cạnh tranh từ Trung Quốc, các nhà sản xuất điện thoại thông minh có trụ sở tại Mỹ. Và một trong những đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Samsung là Apple.

Đại dịch Covid-19 kéo dài 

Đại dịch kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của các nước trên thế giới. Các biến động kinh tế cũng có tác động khá lớn đến hoạt động kinh doanh của Samsung khi công ty đang cảm thấy sự bất ổn kinh tế khá lớn do dịch bệnh Corona gây ra.  

Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế, khiến nhu cầu việc làm giảm sút, mức độ chi tiêu của người tiêu dùng đối với điện thoại thông minh và điện tử cũng giảm tới mức tối đa và điều này đã làm ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh của Samsung rất nhiều trong hai quý đầu năm 2020. 

Bảng phân tích SWOT của Samsung

Điểm mạnh 

Điểm yếu

Cơ hội

Thách thức

  • Hoạt động nghiên cứu và phát triển hiệu quả 
  • Thương hiệu nổi tiếng 
  • Phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ và Ấn Độ 
  • Sản phẩm thiếu sự độc đáo 
  • Dịch vụ kỹ thuật số phát triển 
  • Sự xuất hiện của công nghệ 5G 
  • Mức độ cạnh tranh cao 
  • Đại dịch Covid-19 kéo dài 

Phân tích chi tiết chiến lược kinh doanh của Samsung

Samsung là một tập đoàn nổi tiếng trên toàn thế giới. Để trở nên thành công ở những thị trường nước ngoài, Samsung đã xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh quốc tế hiệu quả. Vậy chiến lược kinh doanh quốc tế của Samsung là gì? 

Chiến lược kinh doanh toàn cầu của Samsung (Global Strategy) 

Khi phân tích chiến lược kinh doanh quốc tế của Samsung, tập đoàn này đã áp dụng thành công chiến lược toàn cầu (Global Strategy). 

Chiến lược toàn cầu là chiến lược cạnh tranh nhằm gia tăng lợi nhuận trên cơ sở cắt giảm chi phí trên phạm vi toàn cầu. Đây là chiến lược phổ biến đối với các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm mang tính chuẩn hóa, cạnh tranh chủ yếu dựa trên chi phí – giá như linh kiện điện tử, bán dẫn, bán thành phẩm… Các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược toàn cầu thường tung ra các sản phẩm giống nhau và sử dụng cùng một chiến lược marketing trên tất cả các thị trường.

Chiến lược kinh doanh quốc tế của Samsung cho phép mỗi công ty con của Samsung có trách nhiệm cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm tới dây chuyền sản xuất của Khách hàng địa phương. Bằng chứng cho chiến lược toàn cầu này của Samsung nằm ở loại điện thoại thông minh hàng đầu, “Galaxy”. Galaxy có mặt ở hầu hết các quốc gia với thông số kỹ thuật và tính năng đồng nhất, bất kể nhu cầu của quốc gia đó như thế nào.

Với chiến lược toàn cầu, Samsung đã có thể tiết kiệm được chi phí do sản phẩm được tiêu chuẩn hoá và sử dụng cùng một chiến lược marketing

Đọc chi tiết về chiến lược marketing của Samsung tại bài viết: Phân tích chiến lược Marketing của Samsung tại Việt Nam

Chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia của Samsung (Transnational Strategy)

Một chiến lược kinh doanh quốc tế khác của Samsung hiện nay đó là chiến lược xuyên quốc gia (Transnational Strategy).

Chiến lược xuyên quốc gia là chiến lược cạnh tranh nhằm gia tăng lợi nhuận thông qua cắt giảm chi phí trên phạm vi toàn cầu, đồng thời gia tăng giá trị bằng cách thích ứng sản phẩm với từng thị trường. 

Các đơn vị kinh doanh có quyền tự chủ cao trong thực hiện các hoạt động kinh doanh cơ bản như sản xuất, marketing (để thích ứng tốt), đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với nhau (để giảm chi phí). 

Chiến lược xuyên quốc gia có thể được lựa chọn khi doanh nghiệp đối mặt với áp lực lớn cả về giảm chi phí và thích ứng với điều kiện địa phương.

Lý do mà Samsung lựa chọn chiến lược xuyên quốc gia cho chiến lược kinh doanh quốc tế của mình có thể được kể đến như:

  • Áp lực thích nghi địa phương cao: do thị hiếu ở mỗi quốc gia là khác nhau và sự khác biệt về chính sách của nước sở tại.
  • Áp lực giảm chi phí cao: xuất hiện nhiều hơn các nhà sản xuất trong nước với dây chuyền sản xuất đủ lớn, hiện đại để cạnh tranh

Đối với chiến lược kinh doanh quốc tế của Samsung ở giai đoạn này, Samsung đã mở rộng, xây dựng các nhà máy sản xuất ở khu vực mới như ở Ai Cập và Nam Phi. Trước đó, khi mở nhà máy ở Nigeria, Samsung đã có những điều chỉnh thích hợp về quy mô hoạt động, dây chuyền sản xuất do sự khác biệt về cơ sở hạ tầng và các khoản giảm thuế có sẵn ở trong khu vực. Vì vậy, với chiến lược xuyên quốc gia, Samsung đã quan tâm đến sự phát triển của kinh tế theo quy mô khu vực. 

Ngoài ra, một ví dụ khác cho thấy Samsung cũng chú ý đến nhu cầu của các quốc gia đang hoạt động là sự ra đời của dòng điện thoại thông minh giá rẻ, có tên là Galaxy A. Dòng điện thoại này không có sẵn ở Hoa Kỳ vì thu nhập bình quân cao cũng như các chính sách mua hàng chiết khấu của nhà mạng. Vậy nên, Galaxy A chỉ được bán ở các quốc gia ngoài Mỹ, với giá cả cực kỳ phải chăng.

Tổng kết 

Để trở thành một trong những tập đoàn nổi tiếng trên toàn thế giới, Samsung đã xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh quốc tế một cách hiệu quả. Các chiến lược chính trong chiến lược kinh doanh quốc tế của Samsung bao gồm

  • Chiến lược toàn cầu
  • Chiến lược xuyên quốc gia

Hy vọng qua bài viết này, anh/chị đã thêm về những chiến lược kinh doanh quốc tế của Samsung để từ đó tham khảo để triển khai những chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp của mình. Ghé thăm blog của chúng tôi để cập nhật kiến thức hay mỗi ngày nhé!

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 7 Trung bình: 3.3]
Tuyến Phạm
Tác giả
Giám đốc Kinh doanh tại MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả