Greenwashing là gì? Phát hiện và tránh những chiêu trò “xanh hóa” sản phẩm

05/11/2024
20

Người tiêu dùng có xu hướng quan tâm đến các sản phẩm bảo vệ môi trường và các thương hiệu có trách nhiệm với xã hội. Do đó, các doanh nghiệp đã bắt đầu tìm cách tạo dựng hình ảnh thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nỗ lực xanh hóa đều là thật. Một số công ty đã sử dụng những chiến lược tinh vi để tạo ra vẻ bề ngoài “xanh” nhưng thực chất là đánh lừa khách hàng – và hành vi này được gọi là Greenwashing.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Greenwashing từ định nghĩa đến các chiêu trò phổ biến mà doanh nghiệp sử dụng. Ta sẽ biết cách nhận biết và tránh xa những sản phẩm “tẩy xanh” không bền vững!

Greenwashing là gì?

Minh họa khái niệm Greenwashing
Greenwashing là tiếp thị phóng đại và lừa dối người dùng

Greenwashing là một chiến thuật marketing mà các doanh nghiệp sử dụng để phóng đại hoặc xuyên tạc mức độ thân thiện với môi trường của sản phẩm, dịch vụ hoặc chính công ty đó.

Thực chất, đây là sự lợi dụng xu hướng tiêu dùng xanh để xây dựng hình ảnh “bền vững” nhằm thu hút khách hàng mà không có cam kết thực sự.

Ví dụ điển hình là các sản phẩm quảng cáo “hoàn toàn tự nhiên” nhưng chỉ chứa một lượng nhỏ thành phần tự nhiên, trong khi phần còn lại vẫn sử dụng hóa chất gây hại.

Tại sao Greenwashing lại phổ biến?

Nếu Greenwashing là một hành động tiếp thị không trung thực thì tại sao nó lại được sử dụng phổ biến như vậy? Chắc chắn là bởi vì lợi ích mà nó mang lại “đủ lớn”.

1. Lợi ích về kinh tế

Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tăng nhanh khiến các doanh nghiệp “xanh hóa” sản phẩm để thu lợi nhuận. Theo Nielsen, hơn 70% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm được quảng cáo là thân thiện với môi trường.

Greenwashing phổ biến là vì lợi ích
Lợi ích chính là động cơ lớn nhất đề doanh nghiệp sử dụng Greenwashing

2. Tăng khả năng cạnh tranh

Các thương hiệu đang đẩy doanh nghiệp vào cuộc đua hình ảnh “xanh”. Thay vì cam kết dài hạn vào phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội (CSR) thì họ lựa chọn cách thức dễ dàng hơn: tạo ra vẻ ngoài xanh hóa để có sự khác biệt.

3. Thiếu kiểm soát về pháp lý

Hiện nay có rất ít tiêu chuẩn pháp lý chặt chẽ cho phép các doanh nghiệp dễ dàng công bố thông tin sai lệch mà không bị xử phạt.

Tác động của Greenwashing

Việc các doanh nghiệp thực hiện tiếp thị “tẩy xanh” bản thân gây lại khá nhiều hệ lụy và tác động:

  1. Đầu tiên chắc chắn là mất lòng tin người tiêu dùng. Khi bị lừa dối, người tiêu dùng sẽ trở nên hoài nghi và ít tin tưởng vào những tuyên bố bền vững thực sự.
  2. Các doanh nghiệp chỉ chú trọng xây dựng hình ảnh mà không thực hiện cam kết khiến các vấn đề môi trường không được giải quyết.
  3. Tạo lợi thế giả tạo khiến cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Greenwashing gây ra rất nhiều hệ lụy liên quan đến môi trường

Các số liệu gần đây từ báo cáo của TerraChoice chỉ ra rằng, trong số hàng ngàn sản phẩm được quảng bá là “xanh“, chỉ có khoảng 5% thực sự tuân thủ đúng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, làm rõ mức độ lan rộng và tác động tiêu cực của Greenwashing trong ngành kinh doanh hiện đại.

Các hình thức Greenwashing phổ biến

Dưới đây là các hình thức tẩy xanh mà các doanh nghiệp thường dùng nhất để vẽ nên vẻ ngoài “Xanh” trong mắt khách hàng của mình:

1. Sử dụng từ ngữ mơ hồ

Một trong những chiêu thức phổ biến nhất trong greenwashing là sử dụng những từ ngữ mơ hồ như “eco-friendly“,”natural” hoặc “organic” mà không có chứng minh hoặc chứng nhận cụ thể để hỗ trợ cho tuyên bố đó.

Các thuật ngữ này thường không được định nghĩa rõ ràng và dễ bị lạm dụng để đánh lừa người tiêu dùng.

Ví dụ: một sản phẩm được gắn nhãn “100% natural” có thể chỉ chứa một thành phần tự nhiên và phần lớn thành phần còn lại là hóa chất tổng hợp. Việc không có tiêu chuẩn chung để định nghĩa những thuật ngữ này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác lỗ hổng nhằm tối ưu lợi nhuận mà không chịu trách nhiệm thực sự về tính bền vững.

2. Tập trung vào một khía cạnh nhỏ

Doanh nghiệp thường tập trung vào một yếu tố “xanh” cụ thể để tạo ấn tượng sản phẩm thân thiện với môi trường, trong khi các yếu tố khác lại bị bỏ qua hoặc gây hại lớn.

Ví dụ: một công ty có thể quảng bá bao bì tái chế của sản phẩm như một điểm nổi bật về tính bền vững, nhưng lại không đề cập đến quy trình sản xuất thải ra lượng khí thải lớn hoặc sử dụng năng lượng từ nguồn không tái tạo. Điều này khiến người tiêu dùng hiểu sai về mức độ thân thiện với môi trường của sản phẩm.

biểu hiện của Greenwashing
Sử dụng màu sắc trên sản phẩm để đánh lừa cảm nhận của người tiêu dùng

3. So sánh với sản phẩm kém hơn

Một chiêu thức khác là so sánh sản phẩm với những sản phẩm khác kém bền vững hơn để tạo ra ấn tượng rằng sản phẩm của họ vượt trội về mặt môi trường.

Ví dụ: một nhãn hàng có thể tuyên bố sản phẩm của họ “sử dụng ít nhựa hơn” so với các sản phẩm khác, nhưng thực tế là họ vẫn sử dụng vật liệu không thể tái chế hoặc có những khía cạnh khác gây hại cho môi trường.

Điều này dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng bằng cách làm nổi bật một cải tiến nhỏ trong khi tổng thể sản phẩm vẫn không thực sự thân thiện với môi trường.

4. Sử dụng chứng nhận giả mạo

Một số doanh nghiệp sử dụng các chứng nhận không đáng tin cậy hoặc tự tạo ra chứng nhận riêng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Những chứng nhận này thường không đến từ các tổ chức độc lập uy tín hoặc có tiêu chuẩn rõ ràng. Người tiêu dùng cần cảnh giác với các nhãn chứng nhận chưa được biết đến hoặc không có nguồn gốc kiểm chứng.

Một ví dụ điển hình là các logo hoặc nhãn dán có vẻ chuyên nghiệp nhưng thực chất không có quy trình kiểm tra độc lập nào đi kèm.

5. Marketing xanh gây hiểu nhầm

Các chiến dịch quảng cáo có thể sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ ám chỉ sự bền vững mà không nêu rõ chi tiết cụ thể về cam kết của công ty.

Ví dụ: một thương hiệu xe hơi có thể sử dụng hình ảnh phong cảnh xanh mướt trong quảng cáo của mình, gợi lên cảm giác về tính bền vững, nhưng thực tế là họ chỉ sản xuất một dòng xe điện nhỏ trong khi các dòng xe khác vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Một trường hợp nổi bật là chiến dịch của một số công ty dầu khí bị cáo buộc greenwashing khi quảng bá các dự án năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng doanh thu, phần lớn vẫn đến từ dầu mỏ và khí đốt.

Cách nhận biết Greenwashing

Để nhận biết các sản phẩm Greenwashing, người tiêu dùng cần phải:

  1. Đọc kỹ nhãn mác sản phẩm bao gồm việc xác định và hiểu rõ các chứng nhận môi trường được gắn trên sản phẩm.
  2. Tìm hiểu về công ty sản xuất sản phẩm để hiểu được mức độ cam kết thực sự của họ đối với tính bền vững.
  3. So sánh với các sản phẩm tương tự để nhận diện liệu một sản phẩm có thực sự “xanh” hơn hay không?
  4. Cảnh giác với những lời quảng cáo quá hoàn hảo chẳng hạn như “sản phẩm xanh 100%”, “bảo vệ môi trường tuyệt đối”, hoặc “hoàn toàn không gây hại”.

Vì sao chúng ta cần quan tâm đến Greenwashing?

Ta đã biết Greenwashing là gì? Hệ lụy mà nó mang lại. Nhưng về bản chất thì Greenwashing chỉ là phóng đại tính “Xanh” của sản phẩm chứ thực chất sản phẩm vẫn như vậy.

biểu tình phản đối Greenwashing

Do đó, nhiều người tiêu dùng chưa hiểu rõ được tầm quan trọng tại sao chúng ta cần quan tâm đến “tẩy xanh”? Dưới đây là lý do:

  1. Loại bỏ Greenwashing là hành vi gián tiếp bảo vệ môi trường.
  2. Ủng hộ các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội thật sự và đúng cam kết.
  3. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tổng kết:

Ngày càng có nhiều sản phẩm quảng cáo “xanh” và “bền vững” thì khái niệm Greenwashing đã trở thành một vấn đề cấp bách mà người tiêu dùng cần phải nhận thức.

Mong rằng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ greenwashing là gì, đến việc nhận biết các hình thức phổ biến và tác động của nó, bài viết đã chỉ ra rằng người tiêu dùng không chỉ đơn thuần là những người tiêu thụ mà còn là những người có trách nhiệm.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả