Kiến thức nhân sự Tuyển dụng nhân sự Headhunter là gì? Tổng quan về nghề headhunter làm những gì

Trong những năm gần đây tại thị trường lao động Việt Nam, “headhunter” đã trở nên vô cùng phổ biến, đặc biệt đó là trong giới nhân sự cấp quản lý. Nhiều người vẫn chưa hiểu rõ headhunter là gì và công việc thực sự của headhunter ra sao. Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn về nghề headhunter và cách để trở thành một headhunter xuất sắc.

1. Headhunter là gì?

Headhunter là những người làm trong ngành dịch vụ chuyên về tư vấn, tuyển dụng nhân sự theo đơn đặt hàng của tổ chức doanh nghiệp. Headhunter còn được gọi bằng những cái tên khác như: chuyên viên tuyển dụng cấp cao, những người săn chất xám hay thợ săn đầu người – “đầu người” ở đây được hiểu là các ứng viên trình độ cao, tài năng.

Thay vì phải chi nhiều tiền cho việc quảng cáo tuyển dụng mà không đảm bảo kết quả, doanh nghiệp sẽ thuê Headhunter như một lựa chọn tối ưu. Headhunter sẽ tìm kiếm ứng viên giỏi, hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Họ thường làm cho các công ty tuyển dụng chuyên nghiệp (headhunting agency) để cung cấp giải pháp nhân sự.

headhunter là gì
Khái niệm headhunter

Mỗi doanh nghiệp đều có bộ phận Nhân sự chuyên phụ trách việc tìm người, tuyển dụng, vậy tại sao cần phải tìm đến headhunter? Lý do là bởi:

  • Nguồn lực doanh nghiệp hạn hẹp hoặc muốn sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng ứng viên. 
  • Phòng nhân sự – tuyển dụng bị quá tải, không đáp ứng đủ yêu cầu từ công ty.
  • Doanh nghiệp nước ngoài chưa hiểu rõ thị trường lao động bản địa, thiếu chuyên viên nhân sự, chuyên viên tuyển dụng
  • Các headhunter giữ mối quan hệ với công ty và thường xuyên cung cấp thông tin về nhân sự chất lượng cao, phù hợp với công ty.

>>> Xem thêm: Top phần mềm chấm công miễn phí hiện nay

2. Mô tả công việc nghề headhunter

2.1 Tiếp nhận và tổng hợp yêu cầu tuyển dụng

Đầu tiên, công việc của headhunter là tổng hợp các yêu cầu tuyển dụng của khách hàng và doanh nghiệp. Cụ thể là tuyển cho vị trí nào, mô tả công việc, yêu cầu công việc, số lượng ứng viên và những khu vực đang cần tuyển, thời hạn đăng tin tuyển dụng và thời gian đặt lịch để phỏng vấn ứng viên…

Một số khách hàng có yêu cầu đặc biệt với các vị trí cấp quản lý, chuyên gia, vì thế headhunter cần lưu ý trong quá trình trao đổi để đảm bảo sự đầy đủ của thông tin. Headhunter cũng phải trang bị kiến thức sâu rộng về nhiều ngành nghề để hiểu rõ mô tả công việc, triển khai tuyển dụng đúng hướng.

2.2 Tìm kiếm và gửi thư mời ứng viên

Dựa vào mạng lưới thông tin và mối quan hệ của mình, headhunter sẽ chủ động tìm kiếm ứng viên nhiều hơn, thay vì chỉ đăng tin tuyển dụng thông thường. Họ sẽ vào các nền tảng tuyển dụng hoặc nhóm tuyển dụng tiềm năng để chọn lọc được những người tiềm năng nhất. Bên cạnh đó headhunter cũng tiếp nhận các hồ sơ từ ứng viên.

Sau đó headhunter sẽ gửi thư mời ứng tuyển cho các ứng viên tiềm năng vào những vị trí phù hợp. Điểm khác biệt ở đây là headhunter có thể sẽ phải thuyết phục ứng viên gửi hồ sơ cho mình, hoặc cân nhắc đến vị trí đang tuyển. Bởi nhiều ứng viên cấp cao thường đang đảm nhận công việc ở các doanh nghiệp lớn và chưa có ý định tìm kiếm cơ hội khác.

2.3 Sàng lọc hồ sơ ứng viên

Tiếp theo, khi đã nhận được hồ sơ, headhunter cần chọn lọc một lần nữa để xem các tiêu chí đã phù hợp chưa, có đáp ứng đúng theo yêu cầu từ doanh nghiệp không.. Các ứng viên cao cấp thường sở hữu bằng cấp, kinh nghiệm rất đa dạng. Vì thế việc lọc thông tin không chỉ là phân loại mà còn là so sánh, đánh giá, cân nhắc, đòi hỏi headhunter phải đầu tư thời gian để đảm bảo không bỏ lỡ điều gì. 

2.4 Đặt lịch và phỏng vấn ứng viên

Với ứng viên qua vòng hồ sơ, headhunter sẽ đặt lịch phỏng vấn để hiểu ứng viên kỹ lưỡng hơn nữa. Tiếp theo, nếu ứng viên thỏa mãn yêu cầu, headhunter sắp xếp lịch hẹn phỏng vấn giữa ứng viên cùng với các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp. Tại cuộc phỏng vấn này các bên sẽ trao đổi chi tiết hơn về công việc và là căn cứ để đưa ra quyết định.

2.5 Theo dõi, cải thiện chất lượng và sự hài lòng của khách hàng

Khi hoàn thành đơn hàng tuyển dụng cho khách hàng, công việc của headhunter vẫn chưa kết thúc tại đây. Họ cần theo dõi xem ứng viên thử việc có ổn không, có ý định gắn bó lâu dài không, có đáp ứng được yêu cầu từ phía doanh nghiệp trên thực tế không. Việc này cũng giúp headhunter củng cố mối quan hệ trong thị trường nhân sự – một yếu tố rất quan trọng trong nghề.

Bên cạnh đó, khảo sát về mức độ hài lòng của mỗi ứng viên và công ty khách hàng sẽ giúp headhunter có cải thiện chất lượng dịch vụ hơn nữa. Công việc này thường được triển khai tại các công ty chuyên về tư vấn tuyển dụng.

3. Phân biệt headhunter và recruiter (HR tuyển dụng)

Sự khác biệt giữa nhà tuyển dụng nội bộ và headhunter

Về tính chất công việc và nhiệm vụ

Recruiter làm công việc liên quan đến nội bộ, họ sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm tuyển dụng cho công ty nơi mà họ đang làm việc. 

Headhunter thường thuộc một đơn vị bên ngoài doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tìm kiếm các ứng viên phù hợp. Có nhiều lý do để doanh nghiệp dụng dịch vụ headhunter: recruiter nội bộ chưa đáp ứng được, vị trí đặc biệt khó tuyển, mong muốn nâng cao chất lượng ứng viên…

Về số lượng, chất lượng

Khi recruiter đăng tin tuyển dụng, các ứng viên ở trình độ cơ bản sẽ gửi đơn ứng tuyển khá nhiều để tìm việc. Các ứng viên này thường phải cạnh tranh để vào được công ty, họ thường ở vị trí nhân viên, chuyên viên thông thường.

Ngược lại, headhunter phải đi tìm ứng viên, thậm chí là thuyết phục những người này ứng tuyển. Số lượng các ứng viên này ít ỏi hơn nhiều và thường là nhân sự cao cấp, trình độ cao được nhiều bên mời gọi. 

Về chi phí doanh nghiệp cần bỏ ra

Khi thuê headhunter đa phần các doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản khá lớn gọi là chi phí dịch vụ. Tuy nhiên họ thường được cam kết về số lượng, chất lượng ứng viên và thời gian tuyển dụng.

Còn recruiter là nhân viên công ty, nhận lương thưởng theo các chính sách công ty, tùy thuộc vào điều kiện cũng như quy mô của công ty đó. Trong trường hợp dùng recruiter, doanh nghiệp cần bỏ ra chi phí trả lương và chi phí triển khai các hoạt động tuyển dụng.

Số hóa và tối ưu mọi nghiệp vụ tuyển dụng trong công tyDùng thử miễn phí phần mềm AMIS Tuyển Dụng ngay hôm nay

4. Kỹ năng cần có của một headhunter giỏi

Headhunter không yêu cầu bằng cấp chuyên ngành cụ thể nào. Các headhunter thường xuất phát từ nhiều ngành học khác nhau như quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh, kinh tế… Với headhunter thì kỹ năng mềm quan trọng hơn.

4.1 Kỹ năng giao tiếp và xây dựng network rộng

Headhunter phải làm việc cùng với cả ứng viên lẫn khách hàng. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp được xem là một nền tảng khá căn bản giúp bạn theo đuổi nghề này.

Người giỏi giao tiếp thường là do bẩm sinh, nhưng bạn vẫn có thể rèn luyện kỹ năng này mỗi ngày để thành thục và cải thiện hơn. Chỉ cần bạn kiên trì rèn luyện cách nói chuyện thông qua điện thoại, email, các buổi gặp trực tiếp hoặc trong những sự kiện, bạn sẽ dần làm chủ được kỹ năng và có thể ứng xử một cách thật chuyên nghiệp.

headhunter là gì
Mạng lưới giao thiệp càng lớn, headhunter càng có lợi thế trong nghề

Bên cạnh đó, bạn cũng cần duy trì thêm nhiều mối quan hệ cùng với ứng viên và khách hàng ngay cả khi đã hoàn thành các giao dịch. Những mối liên hệ thường xuyên này cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong công việc. Tìm kiếm và mở rộng mạng lưới ứng viên (networking) cũng là điều headhunter phải thực hiện thường xuyên.

4.2 Kỹ năng tìm kiếm ứng viên

Một số ứng viên không thể tự mình xác định được những ưu điểm cũng như thế mạnh của họ. Những ứng viên này đa phần sẽ có xu hướng nộp hồ sơ mà không có định hướng rõ ràng và cụ thể, hoặc không có ý định thay đổi công việc. Vì vậy, trong vai trò của một headhunter bạn cần có giúp cho các ứng viên định vị bản thân một cách tốt nhất.

Thông qua những lần tiếp cận, các buổi trò chuyện, phỏng vấn sơ bộ, bạn cũng có thể xác định được những kỹ năng nổi bật và giá trị của ứng viên mang lại mà CV không thể hiện được. Chính khả năng đánh giá, phân biệt ứng viên tài năng và ứng viên bình thường sẽ quyết định được bạn có thể trở thành một headhunter giỏi hay không.

4.3 Kỹ năng thuyết phục, thương lượng

Là một headhunter, bạn cần phải thuyết phục được các ứng viên, cho họ thấy đây là công việc có thể giúp có cơ hội thăng tiến. Đồng thời, bạn cũng cần thuyết phục được khách hàng doanh nghiệp của mình, rằng đó là những ứng viên phù hợp với yêu cầu của họ.

Bằng khả năng thuyết phục đỉnh cao, headhunter mới tạo ra được những ảnh hưởng đối với quyết định của doanh nghiệp và ứng viên, từ đó sẽ đi đến chốt được giao dịch. Kỹ năng này được đánh giá là rất quan trọng khi bạn theo nghề headhunter. Bởi bạn sẽ phải đàm phán cùng những người ở cấp độ quản lý, giám đốc.

4.4 Am hiểu về nhiều ngành nghề

Am hiểu nhiều ngành nghề có thể giúp cho các headhunter hiểu rõ tính chất của mỗi công việc và từ đó lựa chọn được ứng viên sáng giá cho những doanh nghiệp đang cần nguồn nhân lực chất lượng. Việc am hiểu chuyên môn về nhân sự có thể được đào tạo tại các trường đại học và khóa học nâng cao. Tuy nhiên nếu muốn hiểu rõ hơn về các lĩnh vực khác như thương mại, công nghệ, xây dựng hoặc bất cứ ngành nào mà headhunter tham gia thì bạn phải có đủ thời gian trong ngành đó, tích lũy kinh nghiệm dần dần.

5. Mức lương headhunter là bao nhiêu?

Mức lương cứng cơ bản của headhunter 1 năm kinh nghiệm là 7-10 triệu đồng. 1-3 năm kinh nghiệm là 10-20 triệu đồng và có thể cao hơn nữa khi thêm hoa hồng.

headhunter là gì
Headhunter có thu nhập khá cao nếu duy trì được nguồn ứng viên tốt

Thu nhập của những thợ săn đầu người thường sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ hoa hồng sau mỗi khi tuyển dụng thành công cho công ty khách hàng. Mức hoa hồng headhunter được nhận đa phần sẽ tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của mức lương năm đầu tiên của ứng viên nhận được. Tỷ lệ hoa hồng này có thể lên tới mức 30%, nhưng với một điều kiện là ứng viên do các headhunter giới thiệu được chọn và đồng ý đi làm trong một khoảng thời gian nhất định.

Các headhunter thường có mức lương cao hơn nhiều so với các nhân viên tuyển dụng bình thường bởi vì công việc của họ yêu cầu kỹ năng đặc biệt, cần nhiều kinh nghiệm và mạng lưới liên kết rộng. Trên thị trường Việt Nam, các công ty headhunt đang thu các mức phí (hoa hồng tuyển dụng thành công) với doanh nghiệp nằm ở khoảng 1.8 – 3.0 lần mức lương tháng đầu tiên của ứng viên.

6. Kết luận

Với những thông tin trên từ MISA AMIS HRM, hy vọng bạn đọc đã hiểu chính xác headhunter là gì. Nghề headhunter đóng vai trò quan trọng trong việc là cầu nối giữa nhân tài và doanh nghiệp. Headhunter nhận được sự quan tâm lớn bởi mức lương thưởng đáng mơ ước, mở ra vô số cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]