Marketing Inbound Marketing Open Rate là gì? 7 bước cải thiện Open Rate hiệu quả...

Theo dữ liệu mới nhất từ Hubspot cho thấy có hơn 4 tỷ người dùng email trên toàn thế giới và 79% các nhà tiếp thị tin rằng Email Marketing là một công cụ lý tưởng để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, email vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong chiến dịch tiếp thị với tỷ lệ chuyển đổi cao (17,75%). 

Bài toán đặt ra cho các Marketer là làm sao khai thác tối ưu nhất kênh tiếp thị này. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý 7 bước cải thiện Open Rate – chìa khóa giúp bạn đạt hiệu quả cao và tạo ra những kết quả tốt hơn trong chiến dịch Marketing. 

1. Open Rate là gì? 

Open Rate (tỷ lệ mở) là phần trăm email được mở so với tổng số email được gửi đến người nhận trong một chiến dịch Email Marketing. Open Rate thường được tính theo công thức sau: 

Tỷ lệ mở email  = (Tổng số email được mở / Tổng số email được gửi đi trong chiến dịch) *100% 

Ví dụ: Với 1 chiến dịch Email Marketing có tổng số email được gửi đi là 1000 email, có 300 địa chỉ email đã mở thư thì tỷ lệ mở Email là : 300/1000*100%= 30%

Tỷ lệ mở Open Rate là một chỉ số quan trọng
Tỷ lệ mở Open Rate là một chỉ số quan trọng

Lưu ý rằng, lượt mở email được tính khi đáp ứng một trong những điều kiện sau đây: 

  • Hiển thị ở chế độ xem trước của email hoặc người nhận xem toàn bộ nội dung email. 
  • Người nhận nhấp vào một liên kết trong email.

2. Những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ mở Open Rate 

Tỷ lệ mở Open Rate là một chỉ số hữu ích giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ thành công của chiến dịch Email Marketing. Theo đó, một số yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ mở Open Rate mà người gửi cần lưu ý đó là: 

  • Địa chỉ email không tồn tại: Khi gửi email tới một địa chỉ không tồn tại, email này sẽ bị trả về làm “bounce email” (email hỏng) và không thể tiếp cận đến người nhận. Do đó, để duy trì tỷ lệ open rate cao, xác thực và cập nhật danh sách email thường xuyên là một việc làm rất quan trọng.
  • Từ khóa dính mác spam: Khi một email chứa từ khóa dính mác spam có thể bị hệ thống lọc spam nhận ra và tự động đưa vào thư mục rác của người nhận. Điều đó làm cho email có thể bị bỏ qua hoặc xóa mà không được đọc. 
  • Email chứa quá nhiều URL: Nếu một email chứa quá nhiều liên kết, người nhận có thể coi đó là một email không đáng tin cậy hoặc email lừa đảo, điều này có thể làm giảm tỷ lệ mở email. Bên cạnh đó, nhiều liên kết trong email có thể làm tăng kích thước email đồng nghĩa với việc tốc độ tải trang sẽ bị chậm đi và gây khó chịu cho người nhận, khiến họ có thể bỏ qua việc mở email. 
Cần tối ưu các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ mở Open Rate 
Cần tối ưu các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ mở Open Rate

Bằng cách tối ưu hóa các yếu tố trên, bạn có thể tăng tỷ lệ mở email và mang về những kết quả khả quan hơn cho chiến dịch tiếp thị.

3. Tầm quan trọng của Open Rate trong chiến dịch MKT

Tỷ lệ Open Rate cung cấp thông tin cho thấy sự tương tác của khách hàng với email, điều đó giúp cho doanh nghiệp đánh giá được: 

Thứ nhất, Open Rate giúp đánh giá hiệu quả của chiến dịch email. Một nghiên cứu của Experian chỉ ra rằng các dòng tiêu đề email có biểu tượng cảm xúc đã tăng tỷ lệ mở lên 56%, so với các dòng tiêu đề chỉ có văn bản. Điều đó cho thấy nếu email thu hút thì khả năng tỷ lệ mở email cao, ngược lại, nếu tỷ lệ mở email thấp có thể cho thấy nội dung, tiêu đề, hoặc lời mời gọi không đủ hấp dẫn để kích thích người nhận thực hiện hành động mở email. 

Thứ hai, Open Rate có thể giúp xác định được tệp khách hàng tiềm năng.Người mở email thường có mối quan tâm cao với thương hiệu hoặc sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Bằng cách phân tích thông tin về tệp khách hàng mở email, doanh nghiệp có thể xác định nhóm khách hàng tiềm năng để tăng cơ hội tương tác và chuyển đổi. Theo thống kê của Blacklinko, 01 giờ sau khi gửi email tiếp thị cho tệp khách hàng đã rời khỏi giỏ hàng trực tuyến, tỷ lệ chuyển đổi mua sắm là 6.33%.

Thứ ba, Open Rate cung cấp thông tin quan trọng để tối ưu hóa chiến dịch email. Bằng cách đối chiếu và theo dõi tỷ lệ mở email, bạn có thể thử nghiệm các yếu tố khác nhau như tiêu đề, thời gian gửi, nội dung và văn phong để cải thiện hiệu quả chiến dịch. Việc nắm bắt được những yếu tố này sẽ tối ưu tỷ lệ mở, giúp tăng khả năng tiếp cận và tương tác từ khách hàng.

Cuối cùng, Open Rate là một chỉ số để đo lường sự quan tâm của người nhận đối với thương hiệu hoặc sản phẩm dịch vụ của bạn. Nếu tỷ lệ mở email cao, nó cho thấy người nhận quan tâm và muốn biết thêm về sản phẩm, dịch vụ hay thông điệp của bạn. Điều này mở ra cơ hội để tăng tương tác, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hành động mua hàng của khách hàng.

Open Rate được coi là mục tiêu quan trọng của các chiến dịch Email Marketing. Chỉ số này có ảnh hưởng tới nhiều thông số khác như: tỷ lệ click, tỷ lệ chuyển đổi, quảng cáo và cả doanh thu nhận được khi kết thúc chiến dịch. Những chiến dịch có tỷ lệ mở Open Rate cao sẽ góp phần vào sự thành công của chiến dịch cao.

4. Gợi ý 7 bước cải thiện Open Rate đạt hiệu quả cao

4.1  Tiêu đề hấp dẫn

Thống kê của Finances Online (52 Email Subject Line Statistics: 2023 Trends & Effective Ideas, 2023) dẫn ra rằng có đến 64% người nhận mở email dựa trên dòng tiêu đề và 33% người nhận mở email dựa trên tiêu đề hấp dẫn. Tiêu đề được xem là một trong những yếu tố quyết định liệu email của bạn có được mở hay không.

Một báo cáo của Retention Science cho thấy các dòng tiêu đề có từ 6 đến 10 từ mang lại tỷ lệ mở cao nhất. Nếu một dòng tiêu đề quá dài, người đọc sẽ không biết nội dung email là gì và có thể bỏ qua. 

Ngoài độ dài ngắn của tiêu đề, để tăng tỷ lệ mở bằng một tiêu đề hấp dẫn, bạn có thể sử dụng các cách sau đây:

  • Sử dụng câu hỏi: Đặt một câu hỏi kích thích sự tò mò của người nhận. Ví dụ: “Làm sao để trị dứt điểm sẹo rỗ sau một liệu trình?”
  • Tạo sự khẩn cấp: Sử dụng từ ngữ liên quan đến thời gian hoặc giới hạn để thúc đẩy người nhận mở email. Ví dụ: “Chỉ còn 3 ngày để nhận khuyến mãi đặc biệt!”
  • Sử dụng từ khóa hấp dẫn: Sử dụng các từ khóa mạnh mẽ và hấp dẫn để thu hút sự chú ý. Ví dụ: “100 E-voucher trị giá 500k đang đợi bạn!”
  • Cung cấp lợi ích: Đưa ra sự hứa hẹn về lợi ích mà người nhận có thể nhận được từ việc mở email. Ví dụ: “Tăng thu nhập lên 3 lần chỉ bằng một bước đơn giản!”
Tiêu đề hấp dẫn giúp cải thiện chỉ số Open Rate
Tiêu đề hấp dẫn giúp cải thiện chỉ số Open Rate

Bên canh việc sáng tạo một tiêu đề thu hút thì cần đảm bảo tiêu đề phù hợp và liên quan đến nội dung của email.

Mời anh chị tham khảo thêm bài viết: Cách đặt tiêu đề email giới thiệu sản phẩm

4.2 Cá nhân hóa nội dung email

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới thông tin trên Internet, khách hàng dễ dàng tìm hiểu những thông tin về doanh nghiệp và có nhiều lựa chọn thay thế. Do đó, chìa khóa cho các thương hiệu là tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm khách hàng để trở nên khác biệt. Một vài khảo sát của Accenture đã chỉ ra trên 80% người tiêu dùng có nhiều khả năng mua hàng nếu chiến dịch Marketing chứa yếu tố cá nhân hóa (Personalize). 

Cá nhân hóa nội dung email là quá trình làm cho mỗi email phù hợp hơn với một đối tượng cụ thể dựa trên một số dữ liệu như họ tên, nơi ở, độ tuổi, giới tính, sở thích, hành vi,…Cá nhân hóa email giúp cho việc tiếp thị đến khách hàng trở nên chính xác, hiệu quả hơn. Quá trình này khiến họ cảm thấy như thương hiệu đang tương tác trực tiếp đồng thời quan tâm và giải quyết các nhu cầu cụ thể của họ. Điều này tăng khả năng thu hút người nhận mở email, theo đó, tỷ lệ Open Rate sẽ được cải thiện.  

Làm thế nào để nội dung email mang tính cá nhân hóa? Cùng xem một vài gợi ý sau đây: 

  • Bạn có thể sử dụng tên của người nhận trong tiêu đề hoặc trong phần chào hỏi. Ví dụ: “Chào [Tên người nhận],”. Theo Experian Marketing Services, nếu bạn cá nhân hóa email bằng việc thêm tên gọi vào dòng chủ đề, tỉ lệ mở có thể lên tới 29%. Doanh số nhờ vậy cũng có thể tăng tới 73%.
Sử dụng tên của người nhận trong phần chào hỏi là một cách giúp tăng tỷ lệ mở 
Sử dụng tên của người nhận trong phần chào hỏi là một cách giúp tăng tỷ lệ mở
  •  Gửi thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ liên quan đến lĩnh vực quan tâm của khách hàng.
  •  Nếu bạn có thông tin cá nhân về người nhận, hãy sử dụng những thông tin đó để cá nhân hóa nội dung email. Ví dụ: Gửi lời chúc sinh nhật cho khách hàng.
  •  Nếu bạn gửi email cho một khu vực cụ thể, hãy sử dụng ngôn ngữ hay hình ảnh về địa phương để tạo sự gần gũi và nhất quán.

Cá nhân hóa nội dung email chính là một trong những phương pháp để tương tác tốt hơn với khách hàng, để họ cảm thấy được thấu hiểu. Dù vậy, hãy chắc chắn rằng doanh nghiệp tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu và không xâm phạm sự riêng tư của người nhận.

4.3 Tối ưu hóa giao diện

Một điều quan trọng khác để tăng tỷ lệ mở email chính là tối ưu hóa giao diện, đảm bảo email của bạn có giao diện thân thiện với người dùng khi xem trên các thiết bị khác nhau, bao gồm cả điện thoại di động và máy tính bảng. Giao diện phải dễ đọc, dễ điều hướng, hiển thị rõ ràng và hấp dẫn. Khi đó, người nhận sẽ có cảm giác thoải mái hơn khi đọc email và có thể tìm kiếm thông tin hoặc thực hiện hành động một cách thuận tiện nhất.

Những email kèm hình ảnh thường có tỷ lệ click cao hơn 42% bởi nó giúp người đọc hình dung thông điệp một cách nhanh chóng và trực quan nhất (Activecampaign.com). Nhưng không nên vì thế mà bạn lạm dụng quá nhiều hình ảnh bởi vì hiện nay có nhiều ứng dụng chặn hoặc thiết bị đầy bộ nhớ không tải được hình ảnh dẫn đến việc email có khả năng dính Spam cao. 

Tỷ lệ cơ bản giữa hình ảnh và nội dung khi thiết kế email là 20:80 với 20% hình ảnh và 80% nội dung (Mailchimp: Text – Image Ratio in Email). Đặc biệt, đối với các thiết bị di động, bạn nên chọn đúng layout trình bày, kích thước hình ảnh và cải thiện tốc độ tải email để email của bạn trông thật chuyên nghiệp. 

Email trình bày bắt mắt với layout rõ ràng, đảm bảo được hình ảnh và nội dung 
Email trình bày bắt mắt với layout rõ ràng, đảm bảo được hình ảnh và nội dung

Đa số mọi người hay mở email trong khi di chuyển, thống kê cho thấy số lượt mở email trên thiết bị di động chiếm 46% tổng số lượt mở email (Litmus.com, 2018) và khoảng 35% các chuyên gia kinh doanh mở email trên điện thoại (convinceandconvert.com , 2018). Điều này cho thấy sự cần thiết của một email được tối ưu đa nền tảng, đa thiết bị. Việc tối ưu này giúp người nhận đọc mail một cách thuận tiện và thúc đẩy tỷ lệ Open Rate cũng như các thông số đo lường khác hiệu quả hơn. 

4.4 Thời gian gửi email

Theo nghiên cứu của Getresponse, việc gửi email đúng thời điểm giúp làm tăng 6 lần tỷ lệ Open Rate so với thời điểm gửi không phù hợp. Vậy nên gửi email marketing vào thời gian nào là lý tưởng? 

Không có thời điểm tốt nhất tuyệt đối để gửi email mà điều này phụ thuộc rất nhiều vào phân khúc khách hàng hay thói quen sử dụng Internet. 

Trong số 14 nghiên cứu của các nhà triển khai dịch vụ Email Marketing, tất cả đều có kết quả giống nhau rằng tỷ lệ mở email cao nhất vào các ngày giữa tuần: 18% email được gửi vào thứ Năm, 17% vào thứ Ba, 16% vào thứ Tư. (Theo Kinsta tổng hợp).

Thời gian gửi email lý tưởng  trong tuần giúp tăng tỷ lệ mở Open Rate  (Nguồn: Mosend.com)
Thời gian gửi email lý tưởng  trong tuần giúp tăng tỷ lệ mở Open Rate  (Nguồn: Mosend.com)

Thời gian gửi mail trong ngày cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc mở mail để đọc. Tỷ lệ tương tác tốt nhất vào các khoảng thời gian từ 8h đến 10h sáng và từ 3h đến 4h chiều (Customer.io). Đây là khoảng thời gian không quá sớm cũng không quá muộn. Tuy nhiên hãy cố gắng tránh gửi email trong giờ ăn trưa vì chúng có nhiều khả năng bị bỏ qua.

Thời gian gửi email lý tưởng trong ngày giúp tăng tỷ lệ mở Open Rate  (Nguồn: Mosend.com)
Thời gian gửi email lý tưởng trong ngày giúp tăng tỷ lệ mở Open Rate  (Nguồn: Mosend.com)

Đối với các email về sự kiện hội thảo hay các chương trình ưu đãi, bạn nên lên kế hoạch gửi mail sớm từ 5-7 ngày và có thể lặp lại để nhắc nhở khách hàng nắm thông tin tham gia. 

Bên cạnh đó, yếu tố múi giờ cũng cần được quan tâm trong chiến dịch Marketing. Múi giờ đóng vai trò quan trọng trong việc đồng bộ thời gian, xác định lịch làm việc và tránh nhầm lẫn khi gửi mail. Việc hiểu và chú ý đến múi giờ khi gửi mail giúp tăng tính chuyên nghiệp và đảm bảo rằng email đến đúng thời gian và không gây phiền toái cho người nhận.

Chẳng hạn, bạn muốn gửi một email cho tệp khách hàng của mình ở Mỹ thì gửi lúc nào là hợp lý ? Múi giờ tại Việt Nam (GMT +7) và Mỹ (GMT -5) chênh lệch nhau là 12 tiếng. Điều này có nghĩa là một email gửi từ Việt Nam vào lúc 8:00 AM ngày 15  theo múi giờ Việt Nam sẽ tương ứng với 8:00 PM ngày 14 theo múi giờ Mỹ (tùy tiểu bang). Tùy mục tiêu, bạn cân nhắc gửi vào thời điểm mà khách hàng của bạn trong giờ làm việc hoặc có thời gian rảnh để có thể xem email. 

4.5 Lọc và phân loại danh sách email

Theo Marketingprofs.com, tỷ lệ chuyển đổi của doanh nghiệp cao hơn 208% khi họ bắt đầu phân loại khách hàng rõ ràng trước khi gửi mail. 

Để thiết lập nội dung chăm sóc tương ứng với từng đối tượng, bạn có thể phân loại data khách hàng theo những tiêu chí khác nhau như: nhân khẩu học (giới tính/nơi ở/nghề nghiệp); hành vi (tính phí/miễn phí); chất lượng khách hàng (tiềm năng/không tiềm năng) hoặc nguồn đăng ký nhận tin (web/fanpage/Ads..)…Đối với các data có số lượng lớn thông tin thì bạn có thể sử dụng các phần mềm hỗ trợ để có thể phân loại chính xác nhất. 

Bạn có thể thu thập thông tin bằng cách yêu cầu khai báo trong quá trình ghi danh sự kiện hoặc các biểu mẫu liên hệ. Sau đó tạo các danh sách con và gửi email tương ứng cho từng nhóm. 

Ví dụ: Chị A kinh doanh mặt hàng thời trang trẻ em, muốn gửi một email khuyến mãi cho khách hàng của mình dịp hè đến để kích cầu mua sắm. Thay vì chị A gửi mail đồng loạt thì chị quyết định phân loại data có sẵn dựa trên 2 tiêu chí là những khách hàng mua hàng trong vòng 1 tháng trở lại và những khách hàng không mua hàng trong thời điểm đó. 

Với nhóm khách hàng đã mua gần đây, chị dự tính sẽ gửi một email cảm ơn và áp dụng một ưu đãi đặc biệt cho lần mua tiếp theo. Với nhóm khách hàng không mua hàng gần đây, chị sẽ gửi một email về các sản phẩm mới nhất của cửa hàng và khuyến khích họ quay lại mua sắm để nhận ưu đãi. 

Thiết kế email chuyển nghiệp và gửi Email Marketing hàng loạt dễ dàngDùng thử MISA AMIS aiMarketing miễn phí ngay

4.6 Sử dụng tính năng A/B test

Để tối ưu hóa tỷ lệ mở email cho chiến dịch tiếp thị mới, bạn có thể thực hiện một cuộc thử nghiệm A/B test và so sánh hai biến thể của email, xem cái nào tối ưu và cho ra hiệu suất cao. Bạn có thể thực hiện A/B testing theo các bước dưới đây:

Bước 1: Xác định yếu tố cần test 

GIả dụ, bạn muốn kiểm tra xem tác động của tiêu đề email đến tỷ lệ Open Rate. Bạn tạo hai biến thể của tiêu đề email – phiên bản A và phiên bản B.

  • Phiên bản A: “Giảm giá đến 50% cho sản phẩm yêu thích của bạn!”
  • Phiên bản B: “Khám phá bộ sưu tập mới nhất: Những sản phẩm hot mùa hè 2023!”

Bước 2: Phân chia ngẫu nhiên danh sách email

Bạn chia danh sách email của mình thành hai nhóm ngẫu nhiên và gửi phiên bản A cho một nhóm và phiên bản B cho nhóm còn lại. Đảm bảo rằng hai nhóm này có các đặc điểm tương tự và số lượng mail đủ lớn để đạt được kết quả tin cậy.

Bước 3: Gửi và theo dõi

Gửi email với tiêu đề tương ứng đến các nhóm và theo dõi tỷ lệ mở email của từng biến thể trong khoảng thời gian xác định. Sử dụng công cụ Email Marketing để thu thập dữ liệu tỷ lệ mở.

Bước 4: Phân tích và chọn ra phiên bản tốt nhất

Sau khi thu thập đủ dữ liệu, so sánh tỷ lệ mở giữa hai biến thể. Phiên bản nào có tỷ lệ mở cao hơn được coi là phiên bản tốt hơn. Dựa trên kết quả này, bạn có thể áp dụng phiên bản tốt hơn vào các chiến dịch tiếp theo để tăng tỷ lệ mở email.

Tựu chung, A/B testing giúp bạn đánh giá hiệu quả của các yếu tố trong email như tiêu đề, nội dung, hình ảnh, hoặc thậm chí là thời gian gửi. Bằng cách thực hiện cuộc thử nghiệm A/B và tìm ra những yếu tố tối ưu, bạn có thể cải thiện tỷ lệ mở email và tăng cơ hội tương tác với khách hàng của mình.

4.7  Đặt call-to-action (CTA) rõ ràng và thu hút

Một nút CTA hấp dẫn sẽ tăng tỷ lệ mở email bằng cách kích thích mong muốn và khuyến khích người nhận thực hiện hành động sau khi đọc email của bạn.

CTA được hiển thị dưới dạng HTML là lựa chọn tốt nhất trong hầu hết các chiến dịch sử dụng email để tiếp thị vì chúng giúp bạn dễ kiểm soát hơn khi hiển thị nội dung email trên các thiết bị di động và các trình duyệt khác nhau.

Để thiết kế và đặt nút CTA thu hút sự chú ý, bạn có thể áp dụng các gợi ý sau:

  •  Sử dụng từ khóa hành động: nên sử dụng các từ ngữ kích thích như “Tham gia ngay”, “Mua ngay”, “Tải về miễn phí”, “Thử ngay”, “Nhận ưu đãi hôm nay”, “Khám phá ngay”…
  •  Vị trí CTA nổi bật: Đặt CTA ở vị trí dễ thấy và dễ tiếp cận, thường thì việc đặt CTA ở cuối email hoặc sau phần nội dung chính là phổ biến. 
  •  Thiết kế hình ảnh và màu sắc hấp dẫn: nên sử dụng các màu sắc tương phản và hình ảnh hấp dẫn để nổi bật CTA.
CTA hấp dẫn sẽ tăng tỷ lệ mở email
CTA hấp dẫn sẽ tăng tỷ lệ mở email
  • Tối ưu hóa kích thước CTA: đảm bảo kích thước của CTA đủ lớn trên cả desktop và thiết bị di động. Kích thước từ 44px x 44px trở lên là lý tưởng để người nhận có thể nhấp vào một cách dễ dàng.
  • Tạo giá trị rõ ràng: mô tả rõ lợi ích hoặc kết quả mà khách hàng nhận được khi nhấp vào CTA  để tăng sự hấp dẫn.
  • Tạo áp lực thời gian: Sử dụng yếu tố thời gian để tạo áp lực và khuyến khích người nhận hành động ngay lập tức. Ví dụ như “Chỉ còn vài giờ”, “Giới hạn thời gian”, “Khuyến mãi hết hạn”.
  • Kiểm tra A/B: Thử nghiệm các biến thể khác nhau của CTA để xem cái nào hiệu quả nhất. Ví dụ, thử nghiệm màu sắc, văn bản hoặc vị trí của CTA để tìm ra sự kết hợp tốt nhất.

Tóm lại, việc thiết kế và đặt CTA trong email phải mang tính hấp dẫn, rõ ràng và tạo sự kích thích cho người nhận, từ đó giúp tăng tỉ lệ mở email cũng như hiệu quả bạn mong đợi. 

Tổng kết 

Email marketing đã, đang và sẽ là một giải pháp hiệu quả, tiết kiệm, giúp bạn tiếp cận nhiều khách hàng hơn cũng như gia tăng doanh số bán hàng. Trên đây là những thông tin tổng quan nhất về Open Rate và cách thức giúp gia tăng tỉ lệ mở email từ người nhận. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có cái nhìn cụ thể hơn và rút ra được những kiến thức hay, vận dụng tốt vào thực tế các chiến dịch Marketing. 

Tác giả: Đặng Huyền Diễm 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 3]