Thị trường vật liệu xây dựng được dự báo là sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới do sự suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu. Đây là thời điểm các đại lý bán buôn nên nắm bắt thị trường để tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao và ổn định.
1. Sự vận động thị trường vật liệu xây dựng năm 2023
1.1 Tổng quan thị trường vật liệu xây dựng
The báo cáo của Research and Market, quy mô thị trường vật liệu xây dựng toàn cầu ước tính đạt 1.060,38 tỷ USD vào năm 2022, đạt 1.131,85 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến tăng lên 1.632,28 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng CAGR (Compound Annual Growth Rate – Tỷ lệ tăng trưởng hằng năm) là 5,53%. Đây là con số được dự báo dựa trên nhu cầu trước và sau đại dịch Covid-19 cùng với những ảnh hưởng từ tình hình chính trị phức tạp trên thế giới.
Có nhiều yếu tố tác động đến sự tăng trưởng giai đoạn 2022-2030. Chủ yếu đến từ sự gia tăng dân số và sự phát triển của thị trường bất động sản. Bởi khi dân số tăng nhanh thì nhu cầu về nhà ở các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng và thương mại sẽ tăng theo.
Trong khi đó, chi phí cho vật liệu xây dựng chiếm tới 60% đến 70% chi phí xây dựng của các công trình. Dẫn đến sự tăng nhu cầu vật liệu xây dựng khi thị trường xây dựng trở lên sôi động. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại sẽ làm cho chi phí sản xuất vật liệu xây dựng tăng cao. Điều này có thể là một rào cản cho sự phát triển của ngành.
Có 4 nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng chính bao gồm: vật liệu kết cấu, gạch, xi măng và sắt thép. Trong đó, vật liệu kết cấu và gạch có thị phần cao hơn hẳn các nhóm còn lại theo báo cáo của Business research insight năm 2021. Các chuyên gia dự báo đây vẫn là nhóm chiếm thị phần lớn cho tới năm 2028.
Do đặc thù ngành, hoạt động sản xuất và giá cả vật liệu xây dựng tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi thị trường toàn cầu. Dự báo năm 2023 quy mô thị trường vật liệu xây dựng của Việt Nam ước tính là 12,84 tỷ đô la với CAGR chỉ 2,6%.
Mặc dù tình hình lạm phát tăng cao và chính sách siết chặt tiền tệ dẫn đến sự ảm đạm của thị trường bất động sản nhưng sẽ có những điểm sáng thúc đẩy sự tăng trưởng trong năm nay, như Trung Quốc mở cửa trở lại; các dự án nhà ở, công trình giao thông, hạ tầng tiếp tục triển khai;…
1.2 Xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng
Sau đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành vật liệu xây dựng đang chuyển dịch theo các xu hướng để thích hợp với các nhu cầu mới.
Dưới đây là một số xu hướng nổi bật theo các tổ chức nghiên cứu toàn cầu.
1.2.1 Vật liệu xây dựng xanh
Con người ngày càng nhận thức cao về sự phát triển bền vững. Vì vậy, vật liệu tự nhiên và tái chế được, dự đoán sẽ trở nên phổ biến hơn vì tác động tới môi trường ít hơn so với vật liệu xây dựng truyền thống.
Một báo cáo Nghiên cứu thị trường của Allied dự đoán rằng thị trường vật liệu xây dựng “xanh” sẽ tăng lên 511,2 tỷ đô la vào năm 2030, và tốc độ tăng trưởng CAGR là 8,1% từ năm 2023.
Vật liệu xây dựng xanh là một vật liệu cải thiện sự bền vững và hiệu quả của cấu trúc xây dựng trong việc thiết kế, xây dựng, bảo trì và nâng cấp. Những vật liệu này rất hiệu quả về năng lượng và được làm từ nguồn chất thải tái tạo. Một số loại vật liệu xanh như Mycelium, hempcrete, nhựa tái chế, gỗ nổi, tre, đất tăng, timbercrete và grasscrete.
1.2.2 Vật liệu xây dựng thay thế
Thị trường vật liệu xây dựng thay thế toàn cầu được ước tính giá trị là 1.898.238.000 USD năm 2020, và dự kiến sẽ đạt 3.302.698.000 USD đến năm 2030 với mức độ tăng trưởng CAGR 5,8%. Vật liệu xây dựng thay thế là các vật liệu xây dựng bảo vệ môi trường được sử dụng thay thế cho xi măng, cát và các vật liệu truyền thống cho việc xây dựng công trình nhà ở và thương mại như tre, gỗ.
2. Nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng mà đại lý bán buôn không thể bỏ qua năm 2023
Mặc dù các vật liệu xây dựng thay thế trở thành xu hướng nhưng hiện tại các nhóm vật liệu xây dựng cơ bản vẫn chiếm phần lớn thị phần. Những gợi ý sản phẩm trong nội dung tiếp theo đây dựa trên tiềm năng và sự đổi mới sáng tạo của vật liệu (theo đề xuất của Plandar và một số nguồn khác).
Các đại lý bán buôn nên lựa chọn loại vật liệu dựa trên chiến lược kinh doanh và nguồn lực tài chính hiện tại của mình.
2.1 Xi măng
Xi măng là một vật liệu thiết yếu cho nhiều công trình xây dựng. Nó chiếm 15% trong chi phí vật liệu xây dựng của một công trình, đứng thứ 2 sau sắt thép. Vì thế, loại vật liệu này vẫn được xem là sản phẩm cốt lõi để các đại lý bán buôn đầu tư kinh doanh.
Theo dữ liệu của VNCA, sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước gần 63 triệu tấn năm 2022. Trong khi đó, nguồn cung sản xuất là hơn 100 triệu tấn. Tinh hình tiêu thụ được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2023 do xây dựng dân dụng phục hồi chậm, lạm phát có xu hướng tăng cao. Thị trường xuất khẩu có thể sẽ là hướng đi mới cho đại lý bán buôn với xi măng.
2.2 Đá thạch anh nhân tạo (Quartz stone)
Đá thạch anh nhân tạo là vật liệu có tốc độ tăng hàng năm CAGR khá cao, khoảng 11,76% trong giai đoạn 2022-2027 theo Business insight. Sự ưa chuộng đá thạch anh trong ngành xây dựng như ứng dụng cho sàn phòng tắm, nhà bếp là yếu tố thúc đẩy thị trường này.
Tại Việt Nam, dung lượng thị trường ước tính 750 tỷ đến 900 tỷ. Đây là một sản phẩm mới có nhiều tiềm năng phát triển do mẫu mã đa dạng và mang phong cách hiện đại, phù hợp với xu thế.
2.3 Gỗ trong suốt
Gỗ trong suốt được xem là vật liệu mới và thân thiện với môi trường. Gỗ trong suốt bền, nhẹ và chịu nhiệt tốt hơn kính. Chi phí sản xuất loại vật liệu này cũng thấp hơn kính tất nhiều do được tạo ra từ cây balsa. Nguyên liệu sản xuất có thể tái sinh và thân thiện với môi trường cũng là điểm cộng của gỗ trong suốt.
2.4 Sensitile
Sensitile là một loại gạch trang trí sang trọng do đặc tính trong suốt. Sensitile được sản xuất từ acrylic, một chất liệu mạnh mẽ và bền bỉ. Nó có thể sử dụng trong rất nhiều mục đích khác nhau, từ trang trí nội thất đến tường, từ bếp đến phòng tắm, và còn có thể dùng làm bảng quảng cáo hoặc tạo ra những hình ảnh độc đáo trên tường.
Vì có một bề mặt trong suốt và có thể in được bất kỳ hình ảnh hay màu sắc nào nên vật liệu này có giá trị thẩm mỹ và sáng tạo rất cao.
2.5 Richlite
Richlite là một loại vật liệu xây dựng có độ bền cực kỳ cao và linh hoạt. Nó được sản xuất từ gỗ tự nhiên được xử lý với resin và mài mòn cho đến khi trở nên cứng và bền.
Richlite được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng của nội thất gia đình và nội thất công trình công cộng, vì nó có độ bền cao và độ chống mài mòn tốt. Bên cạnh đó Richlite cũng có thể phun màu hoặc in hình và chữ trên bề mặt tạo nên các kiểu dáng độc đáo và bắt mắt.
3. Một số mẹo bán buôn vật liệu xây dựng thành công
3.1 Phân nhóm khách hàng
Phân nhóm khách hàng là một cách giúp đại lý bán buôn vật liệu xây dựng đạt hiệu quả kinh doanh và cải thiện chiến lược marketing. Bằng cách xác định nhu cầu và insight của từng nhóm khách hàng, đại lý có thể tập trung vào những hoạt động truyền thông marketing phù hợp với từng nhóm. Từ đó tăng hiệu quả tiếp cận và chuyển đổi khách hàng.
Cụ thể, phân nhóm khách hàng có vai trò quan trọng sau:
- Tối ưu hóa mục tiêu kinh doanh: Phân nhóm khách hàng giúp đại lý bán buôn xác định có những tập khách hàng nào, nên tập trung vào nhóm có nhu cầu cao hay nhóm tạo ra lợi nhuận tốt nhất.
- Tăng hiệu quả marketing và bán hàng: Khi biết được nhu cầu và thói quen mua hàng của từng nhóm khách hàng, có thể xây dựng các chính sách bán hàng dành riêng cho nhóm đó.
Ví dụ khách hàng nhà thầu có nhu cầu với số lượng lớn và nhiều loại sản phẩm với một hợp đồng dài hạn thì mức chiết khấu ưu đãi hoặc công nợ nhiều hơn các đại lý bán lẻ vật liệu xây dựng.
- Xây dựng chiến lược kinh doanh: Phân nhóm khách hàng giúp đại lý bán buôn xác định đối tượng khách hàng tiềm năng, khách hàng hiện tại theo tiêu chí cụ thể. Từ đó xây dựng lộ trình phát triển thích hợp.
Trong kinh doanh vật liệu xây dựng, các đại lý bán buôn có thể phân nhóm khách hàng theo nhiều tiêu chí khác nhau như:
- Loại hình khách hàng: nhà thầu xây dựng, đại lý bán lẻ vật liệu xây dựng, cơ quan tổ chức,…
- Loại công trình: xây dựng dân dụng, xây dựng thương mại, công trình giao thông,…
- Quy mô công trình: có thể phân nhóm theo giá trị công trình từ nhỏ, trung bình đến lớn. Các quy mô khác nhau thì nhu cầu về loại vật liệu và cách tiếp cận khách hàng khác nhau.
- Khu vực địa lý: có thể phân nhóm theo khu vực hoạt động của khách hàng, ví dụ theo tỉnh, khu công nghiệp,…
Khách hàng trong ngành vật liệu xây dựng có hành vi mua tương đối phức tạp. Vì vậy, trước khi xây dựng chiến lược bán hàng, chiến lược marketing các đại lý bán buôn nên phân nhóm và hiểu thật sâu sắc từng nhóm khách hàng của mình.
3.2 Trở thành chuyên gia về sản phẩm
Tại sao trở thành chuyên gia về sản phẩm là một mẹo giúp đại lý bán buôn thành công? Bởi hiểu biết về sản phẩm là cách tốt nhất để tăng niềm tin và uy tín với khách hàng. Vật liệu xây dựng là một sản phẩm đặc thù về đặc điểm kỹ thuật, công nghệ sản xuất và cách sử dụng.
Không nhiều khách hàng hiểu được sự khác biệt giữa các loại vật liệu hay sự khác biệt giữa các thương hiệu vật liệu xây dựng. Mà chính các yếu tố này ảnh hưởng đến mức giá. Vì vậy, việc am hiểu sản phẩm như chuyên gia có thể giúp doanh nghiệp bán vật liệu xây dựng tư vấn phương án sử dụng tối ưu chi phí nhất cho khách hàng.
Ngoài ra, khi thực sự hiểu rõ về sản phẩm các đại lý bán buôn có thể tìm ra những đối tượng khách hàng phù hợp và cung cấp những giải pháp tốt nhất cho họ. Đồng thời giúp đại lý bán buôn rút ngắn quá trình bán hàng do có thể tiết kiệm thời gian tìm kiếm sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Đặc biệt trong quá trình sau bán, việc hiểu sản phẩm có thể giải đáp mọi thắc mắc và tư vấn khách hàng về cách sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả nhất. Điều này sẽ giúp tăng niềm tin và hài lòng của khách hàng, tạo ra mối quan hệ bền vững giữa đại lý bán buôn và khách hàng.
Vậy, làm thế nào để trở thành chuyên gia về sản phẩm. Các đại lý bán buôn có thể tham khảo một số cách sau đây:
- Liên tục cập nhật cập nhật và tìm hiểu về xu hướng và yêu cầu của thị trường và đưa nó lên phương tiện truyền thông.
- Liên hệ với các nhà cung cấp, sản xuất vật liệu xây dựng để được training về sản phẩm
- Đào tạo đội ngũ bán hàng về tất cả các nhóm sản phẩm.
3.3 Xây dựng chính sách bán hàng hiệu quả
Nếu như việc hiểu đối tượng khách hàng và hiểu về sản phẩm là tiền đề mang lại hiệu quả kinh doanh thì chính sách bán hàng và cách trực tiếp tạo ra doanh thu cho đại lý bán buôn vật liệu xây dựng. Có nhiều cách xây dựng chính sách bán hàng như phân theo khách hàng, theo sản phẩm, theo khu vực,.. để tránh bán chồng lấn, phá giá thị trường và cạnh tranh không lành mạnh.
Ví dụ chính sách bán hàng theo khách hàng có thể thực hiện như sau:
- Đối với nhà thầu xây dựng: Chiết khấu thêm 1% cho mỗi đơn hàng, miễn phí vận chuyển, gia hạn bảo hành đối với vật tư nội thất,..
- Đối với đại lý bán lẻ vật liệu xây dựng: Chiết khấu thêm với đơn hàng trên 100 triệu, miễn phí vận chuyển trong phạm vi bán kính 10 km.
Mỗi loại vật liệu có đặc điểm tính năng, giá trị và nhu cầu sử dụng khác nhau. Do đó, đại lý bán buôn có thể áp dụng các chính sách bán hàng khác nhau.
Ví dụ:
- Vật liệu xây dựng cơ bản như xi măng, cát, gạch có đơn vị tính theo khối, tấn, giá trị đơn hàng thường cao. Do đó các chính sách chiết khấu trực tiếp, hỗ trợ vận chuyển sẽ mang lại hiệu quả cao
- Vật liệu xây dựng hoàn thiện như gạch ốp lát, trần mang tính thẩm mỹ cao và yêu cầu độ phù hợp với đặc điểm khí hậu thì sẽ cần nhiều sự tư vấn. Vì vậy đại lý bán buôn có thể cung cấp bảng gạch/đá mẫu hỗ trợ đại lý bán lẻ bán hàng hoặc chính sách bảo hành tốt.
3.4 Xây dựng mối quan hệ với nhà cung cấp
Đại lý bán buôn vật liệu xây dựng được xem như cầu nối giữa nhà cung cấp và thị trường. Họ bị phụ thuộc về sản phẩm và giá nhưng cũng có thể gây áp lực tới các nhà cung cấp vì là đối tượng chính tiếp cận khách hàng. Việc xây dựng mối quan hệ tốt với nhà cung cấp giúp cho đại lý bán buôn thuận lợi trong giải quyết vấn đề về sản phẩm, tăng quyền lực đàm phán về giá cả và các chính sách bán hàng từ nhà cung cấp.
Để xây dựng một mối quan hệ bền vững với nhà cung cấp, các đại lý bán buôn có thể tham khảo một số gợi ý sau:
- Giao tiếp: Duy trì giao tiếp cởi mở và thường xuyên trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ bền chặt với các nhà cung cấp.
- Hợp tác: Cùng nhà cung cấp phát triển sản phẩm, phản ánh những lỗi của sản phẩm, những đặc điểm cần cải tiến.
- Linh hoạt: Linh hoạt trong tiếp cận các sản phẩm mới và chương trình của nhà cung cấp. Điều này giúp các đại lý bán buôn tạo dựng niềm tin về năng lực kinh doanh của mình
- Nhất quán: Luôn tuân thủ các cam kết và các chính sách từ nhà cung cấp.
- Feedback: Cung cấp phản hồi thường xuyên cho nhà cung cấp về sản phẩm, hoặc bất kỳ vấn đề nào trong quá trình hợp tác.
Kết luận
Mặc dù 2023 là năm dự báo có nhiều thách thức với ngành vật liệu xây dựng nhưng thị tường đang dần hồi phục sau đại dịch và sự bất ổn chính trị. Hy vọng những gợi ý kinh doanh trên đây sẽ hữu ích với các đại lý bán buôn vật liệu xây dựng trong xây dựng chiến lược phát triển hiện tại và tương lai.
Tác giả: Trần Thị Như