Mỗi kênh tuyển dụng lại có những đặc điểm, ưu nhược khác nhau, hướng đến đối tượng mục tiêu cụ thể. Bởi vậy, nếu không nắm rõ tính chất của từng kênh thì công ty không thể tìm kiếm ứng viên phù hợp. Đọc bài viết này sẽ giúp các nhà tuyển dụng trở nên “điêu luyện” trong việc phân tích các phương tiện cầu nối hiện tại.
1. Kênh tuyển dụng là gì?
Kênh tuyển dụng là nơi để để các nhà tuyển dụng thu hút hồ sơ ứng viên bằng cách đăng tin tuyển dụng việc làm. Đây cũng là bước quyết định đến sự thành bại của việc tuyển dụng. Chính vì vậy, Lựa chọn đúng kênh tuyển dụng hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm chi phí và thu hút được các ứng viên tiềm năng.
Trên thế giới, Các công ty đang áp dụng nhiều kênh tuyển dụng khác nhau chứ không chuyên biệt một hoặc 1 vài kênh tuyển dụng nào. Sự phối hợp đa kênh tuyển dụng như vậy giúp họ dễ dàng thu hút được những ứng viên chất lương chỉ trong thời gian rất ngắn.
2. Top 9 kênh tuyển dụng hiệu quả nhất
2.1 Trang web tuyển dụng
Tuyển dụng nhân sự trên các web việc làm có thể coi là công cụ hỗ trợ đắc lực và dường như được lòng hầu hết các doanh nghiệp, công ty hay tổ chức dù nhỏ đến lớn. Chính bởi tuyển dụng trên web mang lại một số thế mạnh như sau:
- Đa số người dân đều tìm kiếm việc làm thông qua các web tuyển dụng, thế nên việc đăng tin lên các web tuyển dụng uy tín sẽ giúp doanh nghiệp kết nối với các ứng cử viên từ khắp mọi miền tổ quốc.
- Web tuyển dụng uy tín kể đến như Topcv, Carrer, Vieclam24h,… có nhiều chức năng thuận tiện cho quy trình tuyển dụng cho các công ty.
Ví dụ: Hình thức trình bày bài đăng khoa học; hồ sơ của người nhắn quan tâm/ứng tuyển sẽ được chuyển tới người đăng tin mà không mất nhiều thời gian; ứng viên và nhà tuyển dụng có thể trao đổi thông qua nền tảng dễ dàng.
- Không chỉ để ứng viên tìm mình, mà nhà tuyển dụng cũng có thể tự đi tìm các ứng viên tiềm năng dựa vào chức năng “gợi ý nhu cầu việc làm”. Chức năng này đóng vai trò như một màng lọc, giúp nhà tuyển dụng thấy được có bao nhiêu người đang mong muốn làm ở vị trí mà mình yêu cầu. Từ đó, nhà tuyển dụng có thể chủ động xem xét CV của các đối tượng, nếu tìm được người tiềm năng thì có thể gửi yêu cầu đến họ.
Và tất nhiên, tìm kiếm việc làm trên web tuyển dụng đôi khi sẽ phản tác dụng nếu các nhà tuyển dụng không sáng suốt:
- Ứng cử viên hầu như chỉ rải đơn thật nhiều mà không quan tâm đến việc làm rõ yêu cầu của mình trong CV. Điều này có thể làm mất thời gian cho nhà tuyển dụng khi phải xem xét CV, rồi hẹn lịch phỏng vấn đối tượng sau này.
- Web tuyển dụng có nhiều “màng lọc” để nhà tuyển dụng có thể tìm kiếm đối tượng mục tiêu, tuy nhiên, trong chính nhóm công chúng của một khía cạnh công việc lại có mức độ kinh nghiệm biệt rất lớn. Nếu như công ty mong muốn tìm kiếm người ở trình độ cao, thì việc tìm kiếm những cá nhân này rất khó bởi vì họ thường “ẩn mình” hoặc chờ người đến mời mình làm việc. Còn tại các website tuyển dụng, hầu như người đi xin việc thường ở mức trung bình đến khá, ít có ai có CV thực sự nổi bật
- Một số web tuyển dụng lừa đảo có thể gây nguy hiểm đến công ty, thậm chí làm lộ mất thông tin không mong muốn của công ty.
Tuy vậy, bỏ qua một số rủi ro nói trên thì web tuyển dụng vẫn được xếp vào top các kênh tuyển dụng việc làm hiệu quả nhất hiện tại. Để phát huy hết tác dụng của kênh này, HR cần phải nghiên cứu kỹ để tìm được nền tảng phù hợp.
Tìm kiếm ứng viên vẫn gặp rất nhiều khó khăn như tốn thời gian check mail, kiểm tra hồ sơ qua email, đánh giá hiệu quả chiến dich, phân loại CV vào vị trí ứng tuyển,….
Để hỗ trợ giải quyết các việc này, các nhà quản trị nhân sự thường chọn phần mềm MISA AMIS Tuyển dụng để hỗ trợ. Phần mềm nhà tuyển dụng kết nối thành công với hàu hết các sàn tuyển dụng top đầu như JobStreet, Jobsgo, Vieclam24h, Careerbuilder,…
2.2 Mạng xã hội
Truyền thông trên mạng xã hội cũng là kênh tuyển dụng hiệu quả đang vô cùng “hot” trong thời đại 4.0. Nói về những mạng xã hội được ưa chuộng nhiều nhất có thể kể đến là Facebook, Zalo, Linkedin, Printerest, Youtube…. Và mỗi mạng xã hội lại có những tiềm năng khác nhau. Trong đó, Facebook và Linkedin là 2 mạng xã hội hỗ trợ tuyển dụng tốt nhẩt.
Một số ưu điểm có thể kể đến như:
- Khả năng tiếp cận đối tượng mục tiêu cao: Facebook có tập hợp nhiều hội nhóm hướng đến các nhóm ngành khác nhau, bởi vậy, nhà tuyển dụng chỉ cần tham gia nhóm liên quan đến vị trí cần tuyển để tìm ứng cử viên.
- Đăng bài miễn phí: Nhà tuyển dụng không cần tốn chút chi phí nào để đăng tải bài viết trên các hội, nhóm, đây là phương pháp tiết kiệm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ so với việc đăng tin mất phí trên các trang web tuyển dụng.
- Phát hiện cử viên tiềm năng: Hiện tại, mạng xã hội không còn được nhìn như một nền tảng vui chơi đơn thuần, mà con người đã thúc đẩy xây dựng thương hiệu cá nhân trên facebook hay linkedIn bằng việc cập nhật kinh nghiệm làm việc, chứng chỉ, khóa học, các hoạt động rèn luyện và quan điểm của bản thân trên đây. Chính vì thế, nhờ việc truy cập vào đường link gắn trên CV, nhà tuyển dụng có thể biết đối phương có điểm nổi trội ở đâu.
- Tối ưu chi phí lương: Đối tượng tham gia nhóm tìm việc trên facebook thường là các bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm. Bởi vậy, các bạn sẵn sàng làm các công việc với mức lương giá rẻ nhưng có cơ hội phát triển bản thân cao. Đây cũng là một nguồn để nhà tuyển dụng tìm kiếm nhân lực giá rẻ.
- Đo lường dễ dàng: So với việc đăng tin trên website doanh nghiệp thì tuyển dụng qua mạng xã hội mang tính thực tế và có tính đo lường cao hơn, phục vụ việc làm báo cáo kết quả tuyển dụng sau này dựa trên những bình luận, phản hồi qua mỗi bài viết.
2.3 Website công ty
Một kênh tuyển dụng khác có thể kể đến là chính website công ty. Tuy nhiên, kênh tuyển dụng này chỉ được coi là hiệu quả đối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn và nổi tiếng. Bởi lẽ, nếu như công ty không có nhiều danh tiếng hay những hoạt động nổi bật nào thì sẽ không có ứng cử viên nào chủ động tìm hiểu website của công ty đó.
Khi công ty có đủ tiềm năng thu hút hàng trăm, ngàn ứng viên thì mục “tuyển dụng” trên trang web chính thức sẽ có lượng truy cập lớn. Bởi vậy, những công ty lớn hầu như không phải phụ thuộc vào kênh tuyển dụng trực tuyến mà chỉ cần “tiết lộ” nhu cầu là đã có rất nhiều ứng cử viên tiềm năng tìm đến rồi.
2.4 Sự kiện tuyển dụng
Sự kiện tuyển dụng thuộc các kênh tuyển dụng hiệu quả hiện nay. Các sự kiện tuyển dụng thường sẽ được truyền thông trên các diễn đàn sinh viên và tổ chức tại khuôn viên các trường đại học. Các sự kiện này sẽ kết nối với những nhà tuyển dụng có nhu cầu tìm kiếm ứng cử viên sắp ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm để rèn luyện thêm. Lợi ích của tìm kiếm nhân lực qua các sự kiện tuyển dụng có thể kể đến như:
- Nhà tuyển dụng có thể dễ dàng xây dựng lòng tin trong mắt sinh viên khi tham gia vào một sự kiện tuyển dụng uy tín
- Nhà tuyển dụng không cần phải truyền thông về bản thân quá nhiều bởi ban tổ chức sẽ thay họ làm điều này để tăng khả năng thành công cho sự kiện tuyển dụng của mình. Chính vì vậy, các sinh viên sẽ tự động biết về nhu cầu của nhà tuyển dụng để tìm đến họ.
- Thông qua các buổi tư vấn hồ sơ và trò chuyện với sinh viên, nhà tuyển dụng có thể hiểu thêm về nhu cầu việc làm của thế hệ trẻ
2.5 Tuyển dụng nội bộ
Tuyển dụng nội bộ là một kênh khá phổ biến trong nhiều doanh nghiệp hiện nay. Ưu điểm của hình thức này đó là chất lượng ứng viên sẽ đảm bảo hơn, cũng như ứng viên đã có sự phù hợp sẵn với doanh nghiệp, nên sẽ hạn chế tình trạng nghỉ việc hơn.
Ngoài ra, hình thức tuyển dụng này cũng thường áp dụng với các vị trí quản lý cấp cao, khó tuyển được người.
2.6 Tuyển dụng trên báo, tờ rơi
Kênh tuyển dụng trên báo, tờ rơi là một kênh khá truyền thống, tuy nhiên nó cũng có hiệu quả nhất định. Tuyển dụng qua các kênh này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được một lượng ứng viên lớn, tuy nhiên nó thường chỉ áp dụng với các lao động phổ thông.
2.7 Liên kết với trường học
Các trường Cao Đẳng, Đại Học, Trường dạy nghề là nguồn ứng viên dồi dào và tiềm năng cho các nhà tuyển dụng.
Ngày nay, các nhà tuyển dụng thường tổ chức nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức như ngày hội hướng nghiệp, chương trình thực tập, tài trợ các cuộc thi,…nhằm tiếp cận được ứng viên tiềm năng.
- Ưu điểm: Tiếp cận đến nguồn ứng viên trẻ, năng động.
- Nhược điểm: Các ứng viên qua kênh này thường ít có kinh nghiệm nghề nghiệp.
2.8. Kho dữ liệu ứng viên
Kho dữ liệu ứng viên (talent pool) là một kênh tuyển dụng cực kỳ tiềm năng và đang trở thành xu hướng trong thời gian gần đây.
Talent Pool là khái niệm dùng để chỉ danh sách các nhân viên tiềm năng mà doanh nghiệp biết đến. Họ là tập hợp những người tương đối phù hợp với tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn có một vài thiếu sót nên chưa thể trở thành nhân sự chính thức.
Đơn cử như “những ứng viên bị động” (phù hợp về năng lực nhưng chưa có nhu cầu ứng tuyển tại vị trí mà doanh nghiệp cần), ứng cử viên đã đăng kí ứng tuyển nhưng bị loại, cựu nhân viên, ….
Với talent pool, HR không chỉ sử dụng để tiếp cận ứng viên, mà còn để nuôi dưỡng ứng viên của mình.
2.9 Dịch vụ tuyển dụng – Headhunter
Nếu tuyển dụng qua các website tuyển dụng giúp các doanh nghiệp tiếp cận với số đông công chúng trên mọi miền tổ quốc, thì headhunter lại giải quyết được bài toán săn tìm các quản lý cấp cao hoặc vị trí khó tuyển cho doanh nghiệp. Và đây cũng là một xu thế đang ngày được quan tâm trong thị trường lao động Việt Nam ngày nay.
Vậy headhunter cụ thể là gì? Họ chính là các chuyên viên tuyển dụng cấp cao, được rèn luyện các kỹ năng tập trung vào khía cạnh “tuyển dụng”. Sứ mệnh của họ là để tìm kiếm nhân sự cao cấp, các nhân tài, ứng cử viên tiềm năng cho mọi vị trí dù dễ hay quá đặc thù của mọi doanh nghiệp. Bởi vậy, các headhunter còn được gọi với cái tên đẳng cấp như “thợ săn đầu người”, hay “thợ săn chất xám”.
Tại Việt Nam, headhunter vẫn còn là kênh tuyển dụng khá mới mẻ, chỉ đang trên đà tăng trường. Nếu quan tâm đến các đơn vị này thì các công ty không nên bỏ qua một số cái tên như: HRchannels Headhunter, HeadhuntVietnam, Navigos Search, HR2B,…chính là những đơn vị chuyên gia trong tìm kiếm nhân lực tại thị trường lao động Việt Nam.
Một số ưu điểm của Headhunter có thể thấy như:
- Đáp ứng nhu cầu tuyển dụng gấp của các doanh nghiệp:
- Với các công ty chuyên làm dự án, thì không thể không tìm kiếm headhunter. Bởi tính chất của dự án là khá gấp rút và các công việc đôi khi không theo khung giờ khoa học nên các công ty thường phải tập trung nhân lực cho dự án.
- Trong khi đó, để đáp ứng cho dự án, thì công ty cũng phải tuyển dụng nhân sự. Chính vì thế, để không phải hi sinh một số nhân tố cho bài toán tìm kiếm ứng cử viên này, đảm bảo dự án đúng tiến độ thì dịch vụ headhunter được coi là đáp án cho bài toán hóc búa này.
- Tuyển dụng vị trí đặc thù:
- Bởi tính chất công việc kén người theo đuổi, hoặc vị trí yêu cầu chỉ yêu cầu các quản lý, lãnh đạo hay chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm nên không phải vị trí nào cũng dễ chiêu mộ nhân tài.
- Như đã đề cập, những người có đủ khả năng thường không công khai thông tin trên website tìm việc, bởi họ là đối tượng cần “được săn đón”. Nhưng các công tác viên được đào tạo bài bản về tuyển dụng có đủ năng lực, mạng lưới quen biết để hỗ trợ doanh nghiệp cho đến khi tìm kiếm người phù hợp
- Hữu dụng khi doanh nghiệp không có bộ phận tuyển dụng:
- Các SMEs hay Startup để tiết kiệm chi phí trong thời gian đầu khởi chạy thường không có HR tuyển dụng mà sẽ tận dụng mạng lưới nhân viên sẵn có để bổ sung nhân lực. Vì vậy, tìm kiếm headhunter là lựa chọn hoàn hảo.
Tìm hiểu thêm phần mềm quản lý nhân sự toàn diện
3. Kết luận
Như vậy, thông qua việc phân tích đặc điểm, ưu nhược của từng kênh tuyển dụng khác nhau, MISA AMIS hi vọng bạn có thể tự so sánh các kênh tuyển dụng và áp dụng vào doanh nghiệp mình sao cho hiệu quả nhất. MISA lưu ý thêm, một mùa tuyển dụng hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào việc tìm kênh, mà còn phải bao gồm cả xây dựng nội dung các vòng, quản lý hồ sơ và sự chuyên nghiệp của công ty….