[Mới nhất] Báo cáo ngành thủy sản 2022 tại Việt Nam 

23/12/2022
474

Ngành thủy sản được đánh giá là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Trong năm 2022, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành thủy sản tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng tích cực khi các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội xuất khẩu đến các thị trường có nhu cầu lớn. 

Qua bài viết này, hãy cùng MISA tìm hiểu về báo cáo ngành thủy sản tại Việt Nam năm 2022 nhé. 

I. Đánh giá chung về ngành thủy sản tại Việt Nam năm 2022

1. Báo cáo kinh doanh của ngành thủy sản 2022: tăng trưởng tích cực

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đưa ra dự đoán xuất khẩu thủy sản sẽ lần đầu tiên chinh phục cột mốc kỷ lục 11 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt mức 4,3 tỷ USD, ghi nhận sự tăng trưởng tích cực lên đến 30%. 

Xuất khẩu cá tra chính thức vượt mốc 2 tỷ USD, đánh dấu mức tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, xuất khẩu cá ngừ cũng có mức tăng mạnh khi ghi nhận vượt qua con số ấn tượng 1 tỷ USD… 

Có thể nói, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. 74% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam được ghi nhận đến từ bốn thị trường trọng điểm là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và liên minh châu Âu – EU. Đặc biệt, Việt Nam lần đầu tiên vượt cột mốc ấn tượng 2 tỷ USD khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, báo cáo xuất khẩu ngành thủy sản của Việt Nam vào tất cả thị trường đều ghi nhận mức tăng trong năm 2022. Đây chính là dấu hiệu khả quan cho thấy các doanh nghiệp trong ngành thủy sản tại Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt và tìm được con đường xuất khẩu đến những thị trường mục tiêu có nhu cầu lớn.

Ngành thủy sản chứng kiến sự tăng trưởng tích cực trong năm 2022 (Nguồn: vneconomy.vn)
Ngành thủy sản chứng kiến sự tăng trưởng tích cực trong năm 2022
(Nguồn: vneconomy.vn)

Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận tổng sản lượng thủy sản bao gồm thủy sản nuôi trồng và thủy sản khai thác dự kiến đạt mức 6.602,8 nghìn tấn, đánh dấu mức tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tổng sản lượng cá ước đạt mức 4.751,2 nghìn tấn, tăng trưởng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực, tổng sản lượng ước đạt 886,6 nghìn tấn, đánh dấu mức tăng mạnh lên đến 8,8%. Các loại thủy sản khác ước đạt sản lượng 965 nghìn tấn, ghi nhận mức tăng 1,1%. 

Ngành thủy sản ghi nhận báo cáo tăng trưởng tích cực về tổng sản lượng thủy sản so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu sự phục hồi và bứt phá của ngành trong năm 2022

2. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng tích cực

Nuôi trồng thủy sản chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ 9 tháng đầu năm 2022. Tín hiệu tích cực này đến từ việc tăng sản lượng các sản phẩm trọng điểm như tôm thẻ chân trắng và cá tra. 

Tổng cục Thống kê ghi nhận sản lượng thủy sản nuôi trồng trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3611,2 nghìn tấn. Con số này đánh dấu mức tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021. 

Nuôi trồng thủy sản đang dần phát triển thành một trong những ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, đóng góp vai trò quan trọng trong cơ cấu toàn ngành, hướng đến xây dựng vùng sản xuất tập trung. Trong đó, việc nuôi trồng tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra đang được chú trọng phát triển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Từ nhiều năm nay, tôm và cá tra được biết đến là những sản phẩm thủy sản xuất khẩu có giá trị cao. Đây cũng là là một trong những mặt hàng chủ lực, đem đến hiệu quả cao về mặt kinh tế trong ngành thủy sản. 

Tính trong 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng nuôi trồng cá tra dự kiến đạt mức 1.139,5 nghìn tấn. Con số này đánh dấu mức tăng trưởng hai chữ số ấn tượng 10,9% so cùng kỳ năm 2022. 

Hiện nay, cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản phổ biến nhất. Cá tra là sản phẩm được ưu ái lựa chọn và tiêu thụ nhiều bởi người tiêu dùng tại các thị trường lớn trên thế giới nhờ giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, các sản phẩm cá tra tuân thủ theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng quốc tế. 

Bên cạnh cá tra, tôm cũng là sản phẩm góp phần đem đến hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi trồng thủy sản. Trong đó nổi bật là việc nuôi trồng tôm thẻ chân trắng bằng việc ứng dụng công nghệ cao. 

Tổng cục Thống kê ghi nhận sản lượng nuôi trồng tôm thẻ chân trắng ước đạt 533,0 nghìn tấn trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong khi đó sản lượng nuôi trồng tôm sú ghi nhận tổng sản lượng đạt 202,1 nghìn tấn, đánh dấu mức tăng 2,8%.

(Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn)
(Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn)

3. Sản lượng thủy sản khai thác có sự sụt giảm nhẹ 

Trong khi nuôi trồng thủy sản chứng kiến sự tăng trưởng tích cực, bức tranh thủy sản khai thác lại có gam màu đối lập khi ghi nhận sự giảm nhẹ. 

VASEP ghi nhận sản lượng thủy sản khai thác trong quý III ước đạt 1.062,5 nghìn tấn. Con số này đánh dấu mức giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tính trong 9 tháng đầu năm 2022, ngành thủy sản khai thác báo cáo tổng sản lượng ước đạt 2.991,6 nghìn tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nguyên nhân của sự sụt giảm trong sản lượng thủy sản khai thác đến từ việc giá nhiên liệu tăng cao. Ngoài ra, tình hình thời tiết ngư trường không thuận lợi do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão. Do đó, các ngư dân hạn chế ra khơi để đánh bắt thủy sản hoặc cho tàu nằm bờ. 

4. Nắm bắt cơ hội xuất khẩu đến những thị trường có nhu cầu lớn

Hiện nay, trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (International Trade Center) năm 2020, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3, chỉ đứng sau hai nước là Trung Quốc và Na Uy. 

Theo VASEP báo cáo, tính trong 9 tháng đầu năm 2022, Mỹ giữ vững vị trí là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất đối với xuất khẩu ngành thủy sản Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản đến thị trường Mỹ ghi nhận con số ấn tượng gần 1,8 tỷ USD, đánh dấu mức tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường ngành thủy sản có mức tăng trưởng cao nhất, với con số báo cáo tăng vượt bậc lên đến 76%, đạt cột mốc 1,35 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022

Xuất khẩu thủy sản sang khối các nước thuộc hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 41%. Đặc biệt, lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang liên minh châu Âu (EU) chinh phục mốc 1 tỷ USD.

5. Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực trong năm 2022

5.1. Xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh

Năm 2022 đánh dấu sự tăng trưởng trong sản lượng xuất khẩu của các sản phẩm thủy sản so với cùng kỳ năm 2021, trong đó nổi bật là mặt hàng cá tra và tôm. 

Sản phẩm cá tra chứng kiến sự tăng trưởng bứt phá trong năm 2022. VASEP ước tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu mặt hàng cá tra đã thu về gần 2,2 tỷ USD, đánh dấu mức tăng vượt bậc 80% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2021. Trong đó, thị trường Trung Quốc đóng góp tới 30% doanh thu xuất khẩu cá tra với khoảng 654 triệu USD trong 10 tháng, tăng mạnh 110% so với cùng kỳ năm 2021. Trong vòng 2 năm trở lại đây, Trung Quốc đã trở thành thị trường dẫn đầu trong việc nhập khẩu cá tra từ Việt Nam, chính thức vượt qua thị trường Mỹ. 

Điều này đến từ việc ảnh hưởng từ dịch bệnh và lạm phát, cũng như cước vận tải biển tăng đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang hoạt động tại Trung Quốc. “Do vậy, với vị trí địa lý gần sát Trung Quốc, thuỷ sản Việt Nam sẽ là lựa chọn ưu tiên của các nhà nhập khẩu đại lục này, đặc biệt là mặt hàng cá tra.”, theo chia sẻ của Bà Lê Hằng, phó giám đốc trung tâm VASEP.PRO – trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại VASEP.

Trong đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đóng góp 16% kim ngạch cá tra sang thị trường Trung Quốc, Công ty TNHH Biển Đông đóng góp gần 6% kim ngạch cá tra… Đây là những doanh nghiệp tiêu biểu hàng đầu và đóng góp lớn trong việc xuất khẩu mặt hàng cá tra sang thị trường tỷ dân đầy tiềm năng này. 

Xuất khẩu cá tra ghi nhận mức tăng trưởng mạnh (nguồn: vasep.com.vn)
Xuất khẩu cá tra ghi nhận mức tăng trưởng mạnh
(nguồn: vasep.com.vn)

5.2. Xuất khẩu tôm đóng góp giá trị cao nhất

Bên cạnh sự bứt phá của xuất khẩu cá tra, xuất khẩu tôm cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. 

Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, mặt hàng tôm đóng góp lên tới khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành và giữ vị trí đứng đầu về giá trị năm 2022. Tính chung 10 tháng từ đầu năm 2022, xuất khẩu tôm đạt doanh thu gần 3,8 tỷ USD, đánh dấu mức tăng ấn tượng hai con số 19% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm dự kiến đạt trên 4,4 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 14% so với năm trước. Về cơ cấu, tôm chân trắng được ghi nhận là mặt hàng xuất khẩu, đóng góp lên tới 75% với khoảng trên 3,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, sản phẩm tôm sú đóng góp khoảng 13% với gần 0,5 tỷ USD.

Xuất khẩu tôm đóng góp giá trị cao (Nguồn: vasep.com.vn)
Xuất khẩu tôm đóng góp giá trị cao
(Nguồn: vasep.com.vn)

II. Triển vọng ngành thủy sản năm 2023: Cơ hội và thách thức 

Sau khi vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid 19, cùng với sự nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội của các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu thành công đến các thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn, ngành thủy sản Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng so với năm 2021. 

Tuy nhiên, sự phát triển ấn tượng này chủ yếu đến từ sự tăng trưởng tích cực trong xuất khẩu thủy sản ở những tháng đầu năm 2022. Đến những tháng cuối năm, cụ thể, trong tháng 10 năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng chậm dần, dưới con số 1 tỷ USD, chỉ nhỉnh hơn 2% so với cùng kỳ. Con số này là tốc độ tăng trưởng thấp nhất được ghi nhận so với cùng kỳ năm 2021, kể từ đầu năm 2022. 

Bước sang năm 2023, ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội song đi cùng với đó là không ít thách thức.

(Nguồn ảnh: vietnambiz.vn)
(Nguồn ảnh: vietnambiz.vn)

1. Cơ hội

Hiện nay, Việt Nam được biết đến là một trong những nước sở hữu công nghệ chế biến thủy sản hiện đại nhất. Tính đến năm 2022, Việt Nam có hơn 700 cơ sở chế biến thủy sản đạt được chứng nhận bắt buộc của Trung Quốc và EU.

Từ năm 2019, Cục thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) đã công nhận tương đương cho ngành cá da trơn (cá thuộc bộ Siluriformes) của Việt Nam, trong đó chủ yếu là cá tra, đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ. 

FSIS chính thức quyết định rằng hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá Siluriformes của Việt Nam tương đương với hệ thống của Mỹ xác lập theo Luật Thanh tra Liên bang sản phẩm thịt và các quy định thực thi có liên quan. 

Mặt khác, số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam đạt được chứng nhận bền vững quốc tế cũng gia tăng. Điều này tạo cơ hội thuận lợi để ngành thủy sản Việt Nam tự tin chinh phục các thị trường có tiềm năng lớn khi các doanh nghiệp Việt có thể vượt qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cá tra khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản VASEP chia sẻ: “Dù muốn dù không thì Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại, khi đó có thể tăng trưởng được xuất khẩu.” 

Theo BSC (Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam), sự tăng trưởng của ngành cá tra sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc quyết định mở cửa sau một thời gian dài đóng cửa theo đuổi chiến dịch Zero Covid. 

Việc thị trường tỷ dân này quyết định mở cửa sẽ khuyến khích nhu cầu tiêu thụ mặt hàng cá tra tăng cao sau một khoảng thời gian dài bị hạn chế vì ảnh hưởng của dịch. Điều này sẽ tạo tiền đề tích cực khi đem đến sự tăng trưởng cho cả ngành cá tra. BSC cũng kỳ vọng ở thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu sẽ ghi nhận bức tranh khả quan trở lại khi hàng tồn kho tại cảng được tiêu thụ hết.

Một thông tin tích cực khác cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành thủy sản là giá cước vận tải quốc tế đang chứng kiến sự giảm mạnh, tiệm cận dần với giá cước trước thời điểm dịch. 

Trong tháng 9 năm 2022, bình quân giá cước từ khu vực Đông Nam Á đến thị trường Mỹ ở quanh mức 3.417 USD, ghi nhận mức giảm mạnh lên đến 83% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, giá cước từ Đông Nam Á đến châu Âu dao động ở mức 7.241 USD, đánh dấu mức giảm 49%. 

Điển hình tại Việt Nam, trong quý III năm 2022, chi phí vận chuyển của doanh nghiệp cá tra Vĩnh Hoàn và Nam Việt đều ghi nhận đi xuống so với quý II trước đó. Đây là một yếu tố quan trọng đem đến cho các doanh nghiệp trong ngành thủy sản cơ hội cải thiện biên lợi nhuận.

2. Thách thức

Bên cạnh những cơ hội phát triển, ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023.

Khó khăn đầu tiên đến từ việc nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, lạm phát tăng mạnh, làm ảnh hưởng đến mức chi tiêu của người dân, khiến nhu cầu khách hàng tại các thị trường tiêu thụ thủy sản chính của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm hoặc chững lại. Điều này cũng dẫn đến việc tăng lượng tồn kho tại các nước nhập khẩu. 

Ở trong nước, lượng tồn kho của các doanh nghiệp thủy sản cũng đang tăng. Việc này tạo ra thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản trong quá trình thực hiện khâu bảo quản, lưu kho và hậu cần nói chung.

Một thách thức khác đó là việc biến động tỷ giá, lãi suất tăng. Đồng nội tệ của các thị trường như Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục mất giá so với đồng USD đã làm giảm sức mua của các thị trường trọng điểm này, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp Việt, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2022. Mặt khác, các doanh nghiệp thủy sản cũng đối mặt với không ít khó khăn khi lãi suất tăng, khiến chi phí đi vay cao hơn, ảnh hưởng đến chi phí vốn và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng gặp thách thức lớn khi phải cạnh tranh với những đối thủ như Ecuador hay Ấn Độ – Những thị trường cung cấp thủy sản với giá thành rẻ hơn. Ecuador và Ấn Độ có chi phí sản xuất thấp, nên các mặt hàng thủy sản đến từ hai quốc gia này thường có giá bán rẻ. Cụ thể, giá tôm trung bình xuất khẩu sẽ khó có thể tăng mạnh được vì áp lực cạnh tranh rất lớn từ hai nước này. 

III. Tổng kết

Với sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, ngành thủy sản giữ vững vị thế là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. 

Hướng đến năm 2023, mặc dù trước mắt vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn nhưng với sự linh hoạt, thích ứng nhanh của các doanh nghiệp Việt trong việc nắm bắt cơ hội xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng có nhu cầu lớn, ngành thủy sản vẫn còn nhiều cơ hội bứt phá và đạt được những cột mốc ấn tượng mới. 

Với những đánh giá về ngành thủy sản trong năm 2022 và những cơ hội, thách thức của ngành trong năm 2023, hy vọng báo cáo ngành thủy sản 2022 sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho quý độc giả. 

Tổng hợp: Ngọc Lê

>> Xem thêm: Báo cáo thị trường Việt Nam 2022 các ngành:


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả