Tài chính - kế toán Kế toán cho giám đốc Lập BCTC của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động...

Theo số liệu thống kê đăng ký doanh nghiệp, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có 135.105 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2022; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 75.791 doanh nghiệp, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong những trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu giải thể, kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm, vai trò trách nhiệm của Ban giám đốc và bộ phận kế toán đối với Báo cáo tài chính (BCTC) của công ty như thế nào? 

Hình 1: Vai trò trách nhiệm của Ban giám đốc và bộ phận kế toán đối với BCTC của công ty trong trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu giải thể – nguồn: internet

1. Ban giám đốc có trách nhiệm trong việc đánh giá khả năng hoạt động liên tục của Công ty

Trách nhiệm trong việc xác định công ty có hay không đáp ứng giả định hoạt động liên tục của Ban giám đốc là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, hoạt động liên tục là một trong những nguyên tắc kế toán cơ bản được nêu tại Chuẩn mực kế toán số 01:

BCTC phải được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, nghĩa là doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô của mình. Trường hợp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục thì BCTC phải lập trên một cơ sở khác và phải giải thích cơ sở sử dụng để lập BCTC.

Theo quy định tại Điều 106 Thông tư 200/2014/TT-BTC, doanh nghiệp được coi là không đáp ứng giả định hoạt động liên tục nếu có một trong những dấu hiệu sau:

  • Hết thời hạn hoạt động mà không có hồ sơ xin gia hạn hoạt động
  • Ban giám đốc xác nhận sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm có dự kiến giải thể doanh nghiệp, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động trong vòng không quá 12 tháng kể từ ngày lập BCTC.

Theo quy định tại chuẩn mực kế toán số 23 – Sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cũng nêu rõ:

  • Nếu Ban giám đốc xác nhận sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm có dự kiến giải thể doanh nghiệp, ngừng sản xuất kinh doanh, thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động hoặc phá sản thì doanh nghiệp không được lập báo cáo tài chính trên cơ sở nguyên tắc hoạt động liên tục.
  • Nếu kết quả kinh doanh bị giảm sút và tình hình tài chính xấu đi sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm thì phải xem xét nguyên tắc hoạt động liên tục có còn phù hợp để lập báo cáo tài chính hay không. Nếu nguyên tắc hoạt động liên tục không còn phù hợp để lập báo cáo tài chính nữa thì doanh nghiệp phải thay đổi căn bản cơ sở kế toán chứ không phải chỉ điều chỉnh số liệu đã ghi nhận theo cơ sở kế toán ban đầu.

Dấu hiệu cụ thể của tình trạng doanh nghiệp không đáp ứng khả năng hoạt động liên tục có thể bao gồm:

  • Giảm đáng kể số lượng, quy mô đơn đặt hàng dẫn đến giảm phần lớn công suất, máy móc, người lao động.
  • Kết quả kinh doanh bị giảm sút và tình hình tài chính xấu đi sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Cụ thể như:
    • Tồn tại nhiều khoản nợ phải trả đến hạn nhưng không có khả năng thanh toán, 
    • Nợ phải lớn hơn tài sản hoặc nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản lưu động
    • Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh bị âm thể hiện trên BCTC của kỳ kế toán năm hoặc dự báo trong tương lai
    • Không thể tìm kiếm các nguồn tài trợ cho việc phát triển các sản phẩm thiết yếu hoặc dự án đầu tư thiết yếu
    • Lỗ hoạt động kinh doanh lớn hoặc có sự suy giảm lớn về giá trị của tài sản được dùng để tạo ra các luồng tiền.
  • Các dấu hiệu khác

>> Xem thêm: Tạm ngừng hay giải thể: Quyết định khó khăn của doanh nghiệp

2. Ghi nhận kế toán trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục

Điều 106 Thông tư 200/2014/TT-BTC có hướng dẫn cụ thể về việc ghi nhận đối với kế toán trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục, dưới đây là một số trích dẫn và làm rõ thêm hướng dẫn tại điều này:

  • Trường hợp giả định về sự hoạt động liên tục không còn phù hợp tại thời điểm báo cáo, doanh nghiệp phải đánh giá lại toàn bộ tài sản và nợ phải trả trừ trường hợp có một bên thứ ba kế thừa quyền đối với tài sản hoặc nghĩa vụ đối với nợ phải trả theo giá trị sổ sách. 
  • Doanh nghiệp phải ghi nhận vào sổ kế toán theo giá đánh giá lại trước khi lập Bảng Cân đối kế toán. Việc đánh giá lại được thực hiện đối với từng loại tài sản và nợ phải trả theo các nguyên tắc đối với từng nhóm khoản mục.
Hình 2: Việc đánh giá lại được thực hiện đối với từng loại tài sản và nợ phải trả theo các nguyên tắc đối với từng nhóm khoản mục – nguồn: freepik.com

>> Chi tiết cách kiểm tra đối với từng khoản mục, mời các bạn tham khảo bài viết: Cách kiểm tra sổ sách kế toán và hướng dẫn xử lý một số sai lệch cơ bản

2.1 Đối với tài sản

  • Hàng tồn kho, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn, thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn cần được ghi nhận là giá trị thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được tại thời điểm báo cáo. Sau khi thực hiện đánh giá lại, kế toán thực hiện bù trừ với số dự phòng đã trích lập (nếu có):

+ Nếu sau khi bù trừ ra số dương (tức số đánh giá lại nhỏ hơn giá trị hàng tồn kho trừ số đã trích lập dự phòng) thì kế toán ghi nhận bổ sung giá vốn hàng bán với bút toán:

Nợ TK 632

Có TK 152, 153, 154…. 

+ Nếu sau khi bù trừ ra số âm (tức số đánh giá lại lớn hơn giá trị hàng tồn kho trừ số đã trích lập dự phòng) thì kế toán ghi nhận giảm Giá vốn hàng bán với bút toán: 

Nợ TK 152, 153,154…

Có TK 632

So sánh với ghi nhận trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục:

  • Điểm chung giữa trường hợp công ty đáp ứng hay không đáp ứng giả định hoạt động liên tục đối với hàng tồn kho là tại ngày kết thúc thời điểm báo cáo, kế toán đều cần thực hiện xác định giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho, so sánh với giá gốc đang ghi nhận để xác định giá trị thấp hơn giữa hai giá trị trên, làm cơ sở ghi nhận giá trị hàng tồn kho. 
  • Tuy nhiên trong trường hợp giá trị thuần thấp hơn giá gốc đang ghi nhận, thì hình thức ghi nhận trên BCTC có sự khác biệt như sau:

Lập BCTC trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục

Lập BCTC trên cơ sở không đáp ứng giả định hoạt động liên tục

Kế toán xử lý chênh lệch giữa giá trị thuần có thể thực hiện được nhỏ hơn giá gốc bằng cách trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho mà không giảm trực tiếp vào giá trị của hàng hóa. 

Giá gốc của hàng tồn kho và giá trị dự phòng giảm giá hàng tồn kho được đồng thời trình bày trên Bảng cân đối kế toán.

Kế toán trừ trực tiếp phần giá trị suy giảm khỏi giá trị hàng hóa và phản ánh giá trị hàng tồn kho theo giá trị thấp hơn giữa giá trị thuần có thể thực hiện được và giá gốc và khi trình bày thông tin trên BCTC.

  • TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình, bất động sản đầu tư được đánh giá theo giá thấp hơn giữa giá trị còn lại và giá trị có thể thu hồi tại thời điểm báo cáo (là giá thanh lý trừ các chi phí thanh lý ước tính). Đối với TSCĐ thuê tài chính nếu có điều khoản bắt buộc phải mua lại thì đánh giá lại tương tự như TSCĐ của doanh nghiệp, nếu được trả lại cho bên cho thuê thì đánh giá lại theo số nợ thuê tài chính còn phải trả cho bên cho thuê.
    Trường hợp giá trị có thể thu hồi tại thời điểm báo cáo thấp hơn, về hình thức ghi nhận trên BCTC, thì TSCĐ và BĐS đầu tư được ghi nhận là giá trị có thể thu hồi; cách trình trình bày trên BCTC khác hoàn toàn với cách thức ghi nhận đồng thời nguyên giá và khấu hao lũy kế trong trường hợp báo cáo trong trường hợp đáp ứng giả định hoạt động liên tục. 

>> Xem chi tiết các trường hợp cần lưu ý và thay đổi nguyên giá TSCĐ hữu hình tại đây

  • Chi phí xây dựng cơ bản dở dang được đánh giá theo giá thấp hơn giữa giá trị ghi sổ và giá trị có thể thu hồi tại thời điểm báo cáo (là giá thanh lý trừ chi phí thanh lý ước tính). 
  • Đối với khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản lũy kế thuộc phần vốn chủ sở hữu, sau khi xử lý TSCĐ hữu hình, vô hình, BĐS đầu tư, phần còn lại:

+ Nếu lãi sẽ được ghi nhận vào thu nhập khác với bút toán:

Nợ TK 211, 213, 217, 241

Có TK 711 – Thu nhập khác

+ Nếu lỗ sẽ được ghi nhận vào chi phí khác với bút toán: 

Nợ TK 811 – Chi phí khác

Có TK 211, 213, 217, 241.

So sánh với ghi nhận trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục:

  • Xử lý kế toán đối với TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình, BĐS đầu tư, và chi phí xây dựng cơ bản dở dang đối với doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục là khác biệt với trường hợp doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục: 

Lập BCTC trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục

Lập BCTC trên cơ sở không đáp ứng giả định hoạt động liên tục

Các khoản mục này được ghi nhận theo giá gốc và giá trị hao mòn lũy kế, việc đánh giá lại chỉ thực hiện trong một số trường hợp như: theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp; Dùng tài sản để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Bắt buộc phải đánh giá lại giá trị tài sản theo giá thị trường tại thời điểm lập BCTC.

  • Chứng khoán kinh doanh được đánh giá theo giá trị hợp lý. Giá trị hợp lý của chứng khoán niêm yết hoặc chứng khoán trên sàn UPCOM được xác định là giá đóng cửa của phiên giao dịch tại ngày báo cáo (hoặc phiên trước liền kề nếu thị trường không giao dịch vào ngày báo cáo).
Hình 3: Chứng khoán kinh doanh được đánh giá theo giá trị hợp lý – nguồn: freepik.com

>>> Có thể bạn quan tâm: Phân biệt chứng khoán kinh doanh và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn

So sánh với ghi nhận trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục:

  • Sự khác biệt giữa việc ghi nhận giá trị chứng khoán kinh doanh trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng hoặc không đáp ứng giả định hoạt động liên tục thể hiện như sau:
Lập BCTC trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục Lập BCTC trên cơ sở không đáp ứng giả định hoạt động liên tục
So sánh giữa giá trị hợp lý với giá trị ghi sổ tại thời điểm cuối năm, nếu giá trị hợp lý của chứng khoán nhỏ hơn giá trị ghi sổ thì thực hiện trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư. Bắt buộc ghi nhận giá trị chứng khoán theo giá trị hợp lý xác định tại thời điểm lập BCTC.
  • Các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết và đơn vị khác được ghi nhận theo giá thấp hơn giữa giá trị ghi sổ và giá trị có thể thu hồi tại thời điểm báo cáo (giá có thể bán trừ chi phí bán ước tính). 
  • Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, các khoản phải thu được đánh giá theo số thực tế có thể thu hồi.

So sánh với ghi nhận trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục:

Lập BCTC trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục

Lập BCTC trên cơ sở không đáp ứng giả định hoạt động liên tục

– Xác định mức trích lập dự phòng khoản đầu tư nếu có dựa trên BCTC của các đơn vị được đầu tư

– Xác định mức trích lập dự phòng phải thu khó đòi dựa trên tỷ lệ phần trăm theo thời gian quá hạn thu hồi với khoản phải thu quá hạn thu hồi theo hợp đồng quy định

– Ghi nhận trên BCTC theo giá gốc và giá trị dự phòng

– Xác định giá trị có thể thu hồi tại thời điểm báo cáo và ghi nhận trên BCTC theo giá trị có thể thu hồi. 

– Sau khi đánh giá lại giá trị ghi nhận của các khoản mục này, thực hiện bù trừ với số dự phòng đã trích lập (nếu có). 

banner amis kế toán

2.2 Đối với nợ phải trả

Trường hợp có sự thỏa thuận bằng văn bản về số phải trả thì đánh giá lại theo số thỏa thuận. 

Trường hợp không có thỏa thuận thì thực hiện cụ thể như sau: 

  • Nợ phải trả bằng tiền được đánh giá lại theo giá cao hơn giữa giá trị ghi sổ khoản nợ phải trả và giá trị khoản nợ phải trả trước hạn theo quy định của hợp đồng. 
  • Nợ phải trả bằng tài sản tài chính được đánh giá lại theo giá cao hơn giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ phải trả và giá trị hợp lý của tài sản tài chính đó tại thời điểm báo cáo;
  • Nợ phải trả bằng hàng tồn kho được đánh giá lại theo giá cao hơn giữa giá trị ghi sổ khoản nợ phải trả và giá mua (cộng các chi phí liên quan trực tiếp) hoặc giá thành sản xuất hàng tồn kho tại thời điểm báo cáo;
  • Nợ phải trả bằng TSCĐ được đánh giá lại theo giá cao hơn giữa giá trị ghi sổ nợ phải trả và giá mua (cộng các chi phí liên quan trực tiếp) hoặc giá trị còn lại của TSCĐ tại thời điểm báo cáo.
  • Chênh lệch sau đánh giá lại của các khoản nợ phải trả được bù trừ với số dự phòng đã trích lập (nếu có)

+ Nếu số sau bù trừ cho giá trị dương (tức là giá trị đánh giá lại nợ phải trả lớn hơn so với số đã trích lập) thì kế toán ghi bổ sung vào chi phí quản lý với bút toán Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp/Có TK nợ phải trả liên quan. 

+ Nếu số sau bù trừ cho giá trị âm (tức là giá trị đánh giá lại nợ phải trả nhỏ hơn so với số đã trích lập) thì kế toán ghi nhận giảm chi phí quản lý với bút toán Nợ TK nợ phải trả liên quan/Có TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp. So sánh với ghi nhận trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục:

Công ty trong trường hợp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục thì thực hiện đánh giá lại với khoản mục nợ phải trả và ghi nhận trên BCTC theo giá trị đánh giá lại. Trong trường hợp công ty đáp ứng giả định hoạt động liên tục thì không thực hiện đánh giá lại các khoản mục này vào thời điểm báo cáo, mà chỉ thực hiện xử lý tài chính đối với các khoản công nợ phải trả do không còn đối tượng phải trả hay thực tế không phải chi trả khoản công nợ đó. 

>> Xem thêm: Nợ phải trả là gì? Phân loại các khoản nợ phải trả trong doanh nghiệp

2.3 Đối với các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ

Tại thời điểm lập BCTC cuối kỳ, các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được đánh giá theo tỷ giá thực tế tại thời điểm báo cáo như trong trường hợp đáp ứng giả định hoạt động liên tục. 

Hình 4: Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ – nguồn: freepik.com

2.4 Trích trước chi phí

Để xác định kết quả kinh doanh trong trường hợp có các khoản lãi lỗ dự kiến phát sinh trong tương lai, nếu khả năng phát sinh khoản lỗ là tương đối chắc chắn và giá trị khoản lỗ được ước tính một cách đáng tin cậy, doanh nghiệp cần ghi nhận nghĩa vụ hiện tại đối với các khoản phải trả kể cả trong trường hợp chưa có đầy đủ hồ sơ tài liệu như biên bản nghiệm thu khối lượng, hóa đơn… 

Nhìn chung, các chuẩn mực kế toán số 01 – Chuẩn mực chung; Chuẩn mực số 21 – Trình bày BCTC; Chuẩn mực số 23 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm và Thông tư 200/20214/TT/BTC đều nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Ban giám đốc (hoặc người đứng đầu) trong việc đánh giá khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp khi lập và trình bày BCTC.

Bộ phận kế toán cũng cần nhạy bén trong việc phát hiện các dấu hiệu làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục, trao đổi, hỗ trợ Ban giám đốc để đánh giá được chính xác khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp trong 12 tháng tiếp sau ngày kết thúc năm tài chính hiện tại. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu và trao đổi, hỗ trợ Ban giám đốc hoàn thành trách nhiệm đánh giá khả năng hoạt động liên tục giúp doanh nghiệp chủ động, có nhiều thời gian cho quá trình tìm hiểu và thực hiện đúng đắn các quy định lập BCTC trong trường hợp này.

Đối với kế toán, các công việc cần làm khi nhận được thông tin về việc doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục là rất nhiều và tương đối khác biệt, phức tạp hơn so với trường hợp thông thường đáp ứng giả định hoạt động liên tục. Vì vậy, kế toán cần lưu ý quy định ghi nhận với từng khoản mục, từng yếu tố trên BCTC để xử lý kế toán phù hợp với quy định của chế độ kế toán hiện hành. 

Bài viết hy vọng đã mang đến cho bạn đọc những hiểu biết cụ thể, toàn diện về các dấu hiệu ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, và quy định ghi nhận giá trị tài sản, nợ phải trả trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi phần 2 của bài viết về trình bày BCTC trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục và phân tích ví dụ minh họa thực tế.

Bên cạnh tổng hợp tri thức và các thông tin mới nhất về lĩnh vực Tài chính – Kế toán, MISA còn phát triển phần mềm kế toán online MISA AMIS trở thàn giải pháp tài chính thông minh hỗ trợ nhiều cho kế toán doanh nghiệp nói riêng và chủ doanh nghiệp nói chung. Phần mềm AMIS Kế Toán hỗ trợ tự động hóa việc lập báo cáo chỉ với một click; phần mềm còn có rất nhiều tính năng, tiện ích như sau: 

  • Hệ sinh thái kết nối:
    • Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
    • Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
    • Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo ….

Nhanh tay đăng ký dùng thử miễn phí 15 ngày bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS để trải nghiệm công cụ tài chính tối ưu nhất.

Tổng hợp: Phạm Thị Thu Hường

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]