Hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho

13/04/2022
11815

Dự phòng giảm giá hàng tồn kho là gì? Tại sao doanh nghiệp cần phải lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho? Doanh nghiệp cần trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho những đối tượng nào với mức trích lập là bao nhiêu? Có sự khác nhau nào về các văn bản pháp luật giữa kế toán và thuế với dự phòng giảm giá hàng tồn kho không? Trong bài viết này, MISA AMIS sẽ cùng các bạn tìm hiểu những câu hỏi trên.

Qua bài viết, MISA AMIS hy vọng mang đến cho Quý bạn đọc cái nhìn tổng quan về Dự phòng giảm giá hàng tồn kho và hướng dẫn chi tiết cách trích lập dự phòng qua các ví dụ cụ thể. 

1. Hàng tồn kho và trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho

Hàng tồn kho và dự phòng giảm giá hàng tồn kho là nội dung quan trọng được quy định trong các văn bản pháp luật về kế toán và thuế. Theo đó, việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho nhằm mục đích lập báo cáo tài chính trung thực và đảm bảo các khoản chi phí liên quan được tính đúng theo pháp luật. 

Khi thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho kế toán phải tuân thủ theo các văn bản sau:

  • Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 02 (VAS 02) 
  • Thông tư số 200/2014/TT-BTC 
  • Thông tư 48/2019/TT-BTC – Hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp

1.1 Khái niệm Hàng tồn kho

Hình 1: Khái niệm Hàng tồn kho theo VAS 02
Hình 2: Phân loại Hàng tồn kho theo VAS 02

1.2 Tại sao cần lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho?

Để giải thích cơ sở của nghiệp vụ này, trước hết chúng ta cần hiểu về cách xác định giá trị hàng tồn kho.

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 02 (VAS 02): Hàng tồn kho được tính theo giá gốc (bao gồm giá mua và các loại chi phí phát sinh khác để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái sẵn sàng sử dụng).

Tuy nhiên, thực tế trong quá trình sử dụng hoặc lưu kho, giá trị của hàng tồn kho chưa chắc còn giữ nguyên như giá trị gốc ban đầu do một số nguyên nhân như: sự lỗi thời, cung vượt cầu, hàng lỗi, sự sụt giá lớn trên thị trường,…

Hình 3: Các trường hợp Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho thấp hơn giá gốc

Nghĩa là nếu thực hiện tiêu thụ hàng tồn kho này thì giá trị thu về (sau khi trừ đi các chi phí bán hoặc xử lý HTK liên quan) có thể sẽ thấp hơn giá gốc đang ghi nhận. Do đó, kế toán phải tiến hành trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

1.3 Xác định giá trị hàng tồn kho 

Căn cứ theo chuẩn mực kế toán số 02 (VÁ 02), hàng tồn kho được tính theo giá gốc. Trường hợp giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn giá gốc thì phải tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được. Trong đó:

  • Giá trị thuần có thể thực hiện được ( Net Realizable Value – NRV): Là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường trừ (-) chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc tiêu thụ chúng.

Như vậy, trong trường hợp giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho thấp hơn giá gốc thì ghi nhận theo giá trị thuần có thể thực hiện được (NRV). Kế toán phải dự phòng cho khoảng chênh lệch giảm giữa giá trị thuần có thể thực hiện được và giá gốc, và trích lập thành dự phòng giảm giá hàng tồn kho. 

Hình 4: Xác định giá trị hàng tồn kho theo VAS 02

>> Đọc thêm: Tổng hợp kiến thức Kế toán hàng tồn kho 

2. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho là gì? Đối tượng lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho

2.1 Khái niệm Dự phòng giảm giá hàng tồn kho

DỰ PHÒNG GIẢM GIÁ HÀNG TỒN KHO LÀ GÌ?
Văn bản pháp luật về kế toán Văn bản pháp luật về thuế
  • Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 02: 

Khi giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho nhỏ hơn giá gốc thì phải lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

  • Thông tư số 200/2014/TT-BTC:
  • Dự phòng giảm giá hàng tồn kho: Là khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho khi có sự suy giảm của giá trị thuần có thể thực hiện được so với giá gốc của hàng tồn kho

(Điều 45)

Thông tư số 48/2019/TT-BTC

Dự phòng giảm giá hàng tồn kho: Là dự phòng khi có sự suy giảm của giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn so với giá trị ghi sổ của hàng tồn kho.

Kết luận: 

  • Cả văn bản pháp luật hướng dẫn về kế toán và thuế liên quan đến dự phòng giảm giá hàng tồn kho đều đưa ra khái niệm: Dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập khi: 

Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho < Giá gốc của hàng tồn kho.

  • Việc ghi giảm giá gốc của hàng tồn kho cho bằng với giá trị thuần có thể thực hiện được là phù hợp với nguyên tắc thận trọng trong công tác kế toán – nguyên tắc bảo đảm giá trị tài sản không được ghi nhận lớn hơn giá trị thực hiện được từ việc bán hay sử dụng chúng.

2.2 Đối tượng lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho

Trong các văn bản pháp luật kế toán về dự phòng giảm giá hàng tồn kho: VAS 02 và Thông tư số 200/2014/TT-BTC không trình bày chi tiết về đối tượng lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Tuy nhiên văn bản pháp luật về thuế- Thông tư số 48/2019/TT-BTC tại khoản 1, điều 4 có nêu rõ yêu cầu như sau:

Đối tượng lập dự phòng bao gồm nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, hàng mua đang đi đường, hàng gửi đi bán, hàng hóa kho bảo thuế, thành phẩm (sau đây gọi tắt là hàng tồn kho) mà giá gốc ghi trên sổ kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được và đảm bảo điều kiện sau:

  • Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính hoặc các bằng chứng hợp lý khác chứng minh giá vốn hàng tồn kho.
  • Là hàng tồn kho thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm

Kế toán phải lưu ý 2 yêu cầu nêu trên là yêu cầu trong văn bản pháp luật về thuế liên quan đến đối tượng lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Hiện nay, các doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn sử dụng phần mềm kế toán để hỗ trợ công tác quản lý kho nói chung để vận hành quản lý kho một cách trơn tru, hiệu quả.

Phần mềm kế toán online MISA AMIS hỗ trợ kế toán giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý tài chính – kế toán đặc biệt là nghiệp vụ kho nói chung và nghiệp vụ trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, giúp kế toán tiết kiệm thời gian và công sức một cách hiệu quả.

3. Nguyên tắc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho

Cũng như các nội dung khác liên quan đến dự phòng giảm giá hàng tồn kho, kế toán cũng cần nắm rõ và phân biệt các văn bản pháp luật hướng dẫn kế toán và thuế để tránh nhầm lẫn 2 loại văn bản này với nhau. MISA AMIS đã tập hợp nguyên tắc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo kế toán và thuế như sau: 

3.1. Nguyên tắc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong các văn bản pháp luật kế toán

Căn cứ theo Điều 45, Thông tư số 200/2014/TT-BTC, việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải đảm bảo tuân thủ theo 5 nguyên tắc sau:

  • Doanh nghiệp trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập khi có những bằng chứng tin cậy về sự suy giảm của giá trị thuần có thể thực hiện được so với giá gốc của hàng tồn kho. Dự phòng là khoản dự tính trước để đưa vào chi phí sản xuất, kinh doanh phần giá trị bị giảm xuống thấp hơn giá trị đã ghi sổ kế toán của hàng tồn kho và nhằm bù đắp các khoản thiệt hại thực tế xảy ra do vật tư, sản phẩm, hàng hóa tồn kho bị giảm giá.
  • Dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập vào thời điểm lập Báo cáo tài chính. Việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải được thực hiện theo đúng các quy định của Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho” và quy định của chế độ tài chính hiện hành.
  • Việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải tính theo từng loại vật tư, hàng hóa, sản phẩm tồn kho. Đối với dịch vụ cung cấp dở dang, việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải được tính theo từng loại dịch vụ có mức giá riêng biệt.
  • Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường trừ (-) chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc bán chúng.
  • Khi lập Báo cáo tài chính, căn cứ vào số lượng, giá gốc, giá trị thuần có thể thực hiện được của từng loại vật tư, hàng hoá, từng loại dịch vụ cung cấp dở dang, xác định khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập:
    •  Trường hợp khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập ở cuối kỳ kế toán này lớn hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đang ghi trên sổ kế toán thì số chênh lệch lớn hơn được ghi tăng dự phòng và ghi tăng giá vốn hàng bán. Trường hợp khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đang ghi trên sổ kế toán thì số chênh lệch nhỏ hơn được hoàn nhập ghi giảm dự phòng và ghi giảm giá vốn hàng bán.

Lưu ý: 

Trong 5 nguyên tắc nêu trên theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC, kế toán phải lưu ý đến nguyên tắc về thời điểm lập dự phòng giảm giá hàng tồn khothời điểm lập Báo cáo tài chính, còn theo VAS 02 (đoạn 19) là cuối kỳ kế toán năm .

Do có sự khác nhau trong quy định về lập thời điểm phòng giảm giá hàng tồn kho giữa VAS 02 và Thông tư số 200/2014/TT-BTC  => Kế toán tuân thủ theo hướng dẫn của Chế độ kế toán hiện hành – Thông tư số 200/2014/TT-BTC là: Dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập vào thời điểm lập Báo cáo tài chính.

3.2. Nguyên tắc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong các văn bản pháp luật thuế

MISA AMIS đã tổng hợp các nguyên tắc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo Thông tư 48/2019/TT-BTC như sau

  • Các khoản dự phòng được trích lập được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ báo cáo năm để bù đắp những tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo sau; đảm bảo doanh nghiệp phản ánh giá trị hàng tồn kho không cao hơn giá trị thị trường;
  • Thời điểm trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm lập báo cáo tài chính năm;

Kết luận: Kế toán cần đặc biệt lưu ý đến nguyên tắc về thời điểm trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho giữa các văn bản pháp luật về thuế và kế toán hiện nay là khác nhau. 

Rất nhiều kế toán có sự nhầm lẫn giữa các văn bản pháp luật về thuế và kế toán, dẫn đến lẫn lộn thời điểm trích lập dự phòng giữa 2 loại văn bản này với nhau. MISA AMIS đã lập bảng so sánh để kế toán thuận tiện áp dụng như sau: 

NGUYÊN TẮC: THỜI ĐIỂM TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG GIẢM GIÁ HÀNG TỒN KHO
Văn bản pháp luật về kế toán Văn bản pháp luật về thuế
  • VAS 02 (Đoạn 19): Cuối kỳ kế toán năm 
  • Thông tư số 200/2014/TT-BTC (Điều 45): Thời điểm lập Báo cáo tài chính
Thông tư số 48/2019/TT-BTC (Khoản 2, điều 3):

Thời điểm lập Báo cáo tài chính năm 

  • Thời điểm trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho:
Thời điểm lập Báo cáo tài chính

Thời điểm lập Báo cáo tài chính năm

4. Xác định mức trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 

Xác định mức trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho: 

+ Trong các văn bản pháp luật về kế toán không đưa ra hướng dẫn chi tiết về mức trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tuy nhiên kế toán chỉ cần tuân thủ đúng nguyên tắc đã được đề cập để xác định ra mức trích lập cụ thể.

+ Trong văn bản bản pháp luật về thuế – Thông tư số 48/2019/TT-BTC có đưa ra hướng dẫn cụ thể về Mức trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại khoản 2, điều 4 như sau: 

Mức trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho = Lượng hàng tồn kho thực tế tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm x Giá gốc hàng tồn kho theo sổ kế toán Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho

Trong đó:

  • Giá gốc hàng tồn kho được xác định theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 02 – Hàng tồn kho ban hành kèm theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
  • Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho do doanh nghiệp tự xác định là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm trừ (-) chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc tiêu thụ chúng.

Lưu ý: Mức trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho ở các văn bản pháp luật về kế toán và thuế là hoàn toàn giống nhau, kế toán chỉ cần lưu ý đến thời điểm trích là khác nhau như đã lưu ý ở mục 3.

– Xác định giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho: 

Như vậy, mấu chốt để xác định mức dự phòng giảm giá hàng tồn kho là cần xác định đúng giá trị thuần có thể thực hiện được. Chúng ta tìm hiểu về cách xác định NRV – giá trị thuần có thể thực hiện được như sau:

Hình 5: Xác định giá trị thuần của hàng tồn kho

2 ví dụ tham khảo về xem xét mức trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong kế toán:

Ví dụ 01:

Tại ngày 30/06/2021, Công ty ABC có 5.000 đơn vị sản phẩm hàng tồn kho. Để phục vụ cho mục đích lập Báo cáo tài chính tại ngày 30/06/2021, Công ty ABC cần xác định giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho.

Giá bán dự tính của hàng tồn kho là 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, công ty ABC cần phải mất 80 nghìn đồng để hoàn thành các sản phẩm và thêm 20 nghìn đồng cho chi phí vận chuyển. Xem xét các thông tin có sẵn, giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho được xác định như sau:

NRV = 500 – (80 + 20) = 400

  • Khi xác định giá trị thuần có thể thực hiện được để lập dự phòng giảm giá, kế toán cần lưu ý:
  • Xác định NRV phải đặc biệt chú ý đến mục đích dự trữ hàng tồn kho: chúng ta chỉ xem xét với hàng tồn kho dùng để bán
  • NRV được tính theo từng loại hàng tồn kho: tức tổng NRV so với tổng giá gốc của 1 loại hàng tồn kho, không được bù trừ NRV các loại hàng tồn kho khác nhau.

Giả sử, công ty ABC có 3 chủng loại hàng hóa A, B, C. Kế toán cần xác định NRV của 3 nhóm hàng này riêng biệt và so sánh với giá gốc của từng loại. Kết quả có thể là hàng hóa A cần trích lập dự phòng giảm giá, hàng hóa B sẽ cần hoàn nhập dự phòng và số dự phòng của hàng hóa C không thay đổi. Khi đó, kế toán phải lập các bút toán trích lập hay hoàn nhập dự phòng theo dõi chi tiết cho từng chủng loại hàng hóa A, B, C.

Các trường hợp xác định NRV nhưng không dẫn đến việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho:

  • Hàng tồn kho giảm giá nhưng doanh nghiệp đã ký hợp đồng không hủy ngang bán một phần hàng tồn kho với mức giá cao hơn. Khi tính tổng NRV so với giá gốc theo từng mặt hàng cần loại số hàng này ra khỏi đối tượng lập dự phòng.
  • Nguyên vật liệu (NVL) bị giảm giá nhưng sản phẩm do NVL tạo nên có NRV cao hơn giá thành sản xuất.

>> Xem thêm: Hạch toán tài khoản 621 – Nguyên vật liệu trực tiếp

Ví dụ 02: Công ty ABC tại ngày 31/12/2x có số liệu như sau:

Hàng hóa A: Số lượng là 1.000 đơn vị, giá trị ghi sổ: 400 nghìn đồng/đơn vị

Nguyên vật liệu B (NVL B): số lượng là 2.000kg, giá trị ghi sổ: 150 nghìn đồng/đơn vị

Thành phẩm C: số lượng là 5.000 đơn vị, giá trị ghi sổ: 100 nghìn đồng/đơn vị

Số dư khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đầu kỳ như sau:

Hàng hóa A: 12.000 nghìn đồng

Nguyên vật liệu B: 8.000 nghìn đồng

Tại ngày lập báo cáo tài chính năm, doanh nghiệp có các thông tin sau:

1. Đơn giá bán ước tính hàng hóa A là 400 nghìn đồng. Ngày 26/12 doanh nghiệp đã kí hợp đồng bán 500 đơn vị hàng hóa A cho khách hàng, giá bán thoả thuận trong hợp đồng là 430 nghìn đồng (Hợp đồng không hủy ngang). Chi phí bán hàng (vận chuyển…) ước tính là 25 nghìn đồng/đơn vị.

NRV = 400 – 25 = 375 (nghìn đồng) < 400 nghìn đồng (giá trị ghi sổ)

Tuy nhiên, 500 đơn vị hàng hóa A đã chắc chắn được bán với giá là 430 nghìn đồng theo hợp đồng không hủy ngang đã ký: NRV (A) là 430 – 25 = 405 (nghìn đồng) > 400 nghìn đồng (giá trị ghi sổ)

Trường hợp này, doanh nghiệp chỉ lập dự phòng cho 500 đơn vị hàng hóa A chưa chắc chắn được bán ra. 

Tổng số trích lập dự phòng giảm giá cho hàng hóa A là 500 * (400 – 375) = 12.500 (nghìn đồng)

Do đầu kỳ đã trích lập dự phòng giảm giá cho hàng hóa A là 12.000, kế toán cần ghi nhận bổ sung khoản dự phòng chênh lệch là: 12.500 – 12.000 = 500 (nghìn đồng)

2. Đơn giá bán ước tính NVL B là 140, chi phí bán ước tính là 5. Theo kế hoạch, công ty chỉ sử dụng 1.500 kg NVL B để sản xuất sản phẩm C. Số NVL còn lại doanh nghiệp không sử dụng, dự kiến bán ra ngoài. 

Đơn giá bán ước tính của sản phẩm C là 150, chi phí bán ước tính là 10. 

NRV của NVL B: 140 – 5 = 135 < 150 (giá trị ghi sổ NVL B)

NRV của sản phẩm C: 150 – 10 = 140 (lớn hơn giá trị ghi sổ của sản phẩm C)

Trong trường hợp này, 1.500kg NVL B tuy có NRV thấp hơn giá trị ghi sổ nhưng do Công ty đã có kế hoạch để sản xuất sản phẩm C và NRV của sản phẩm C không thấp hơn giá gốc nên không lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho 1.500kg NVL B. 

Doanh nghiệp cần lập dự phòng giảm giá cho 500kg NVL B mà Công ty dự kiến bán ra bên ngoài. 

Tổng số trích lập dự phòng cho NVL B là 500 * (150 – 135) = 7.500 (nghìn đồng)

Do đầu kỳ đã trích lập dự phòng giảm giá cho NVL B là 8.000, kế toán cần hoàn nhập khoản dự phòng chênh lệch là: 8.000 – 7.500 = 500 (nghìn đồng)

Xem cách hạch toán hướng dẫn ở mục 5.

5. Phương pháp kế toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho

5.1 Phương pháp kế toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo Chế độ kế toán hiện hành

Việc hạch toán chênh lệch dự phòng giảm giá hàng tồn kho tuân thủ đúng theo hướng dẫn của Chế độ kế toán hiện hành – Thông tư số 200/2014/TT-BTC, MISA AMIS đã tổng hợp lại như sau: 

Khi lập báo cáo tài chính:

+ Nếu số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này lớn hơn số đã trích lập từ các kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 2294 – Dự phòng tổn thất tài sản

+ Nếu số dự phòng phải lập kỳ này nhỏ hơn số đã trích lập từ các kỳ trước, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch:

Nợ TK 2294 – Dự phòng tổn thất tài sản

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán

Xử lý hủy, thanh lý hàng tồn kho:

Hàng tồn kho đã được trích lập dự phòng nhưng do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, hư hỏng, lạc hậu, lỗi mốt, lỗi thời do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hết hạn sử dụng, không còn giá trị sử dụng phải được xử lý hủy bỏ, thanh lý. 

Giá trị tổn thất thực tế của hàng tồn kho không thu hồi được, sau khi bù đắp bằng nguồn dự phòng giảm giá hàng tồn kho, phần chênh lệch được hạch toán vào giá vốn hàng bán của doanh nghiệp. Kế toán ghi nhận:

Nợ TK 2294 – Dự phòng tổn thất tài sản

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu phần tồn thất lớn hơn số đã trích lập)

Có TK 152, 153, 155, 156

5.2. Bài tập hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho

Tiếp tục với ví dụ 2 ở trên:

  • Với sản phẩm A, do khoản dự phòng cần trích lập lớn hơn số đã trích đầu kỳ, kế toán cần hạch toán ghi nhận bổ sung khoản dự phòng chênh lệch: 

Nợ TK 632 – hàng hóa A: 12.500 – 12.000 = 500 nghìn đồng

Có TK 2294 – Dự phòng tổn thất tài sản (hàng hóa A): 500 nghìn đồng

  • Với NVL B, do khoản dự phòng cần trích lập nhỏ hơn số đã trích lập, kế toán lập bút toán hoàn nhập khoản dự phòng chênh lệch: 

Nợ TK 2294 – Dự phòng tổn thất tài sản (NVL B): 8000 – 7.500 = 500 nghìn đồng

Có TK 632 – NVL B: 500 nghìn đồng

  • Giả sử, đây là năm đầu tiên doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng. Tại ngày lập báo cáo tài chính, doanh nghiệp A ghi nhận khoản trích lập chi tiết cho từng loại hàng tồn kho như sau:

Nợ TK 632 – hàng hóa A: 12.500 nghìn đồng

Nợ TK 632 – NVL B: 7.500 nghìn đồng

Có TK 2294 – Dự phòng tổn thất tài sản (hàng hóa A): 12.500 đồng

Có TK 2294 – Dự phòng tổn thất tài sản (NVL B): 7.500 đồng

6. Hồ sơ trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo văn bản pháp luật về thuế

Để đảm bảo các chi phí liên quan đến trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN phải nộp, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ đầy đủ theo hướng dẫn tại Thông tư số 48/2019/TT-BTC. MISA AMIS đã tập hợp một số nội dung chính liên quan đến hồ sơ trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo yêu cầu của thông tư này như sau: 

trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, kế toán cần có đầy đủ hồ sơ chứng minh sự chắc chắn của giá gốc, sự hợp lý của giá trị thuần có thể thực hiện được. Cụ thể là: 

  • Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính hoặc các bằng chứng hợp lý khác chứng minh giá vốn hàng tồn kho.
  • Là hàng tồn kho thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm.
  •  Các tài liệu doanh nghiệp thu thập được chứng minh giá gốc của hàng tồn kho cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được. 
  • Doanh nghiệp thành lập Hội đồng xử lý hoặc thuê tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá để xác định giá trị hàng tồn kho hủy bỏ, thanh lý. Biên bản kiểm kê xác định giá trị hàng tồn kho xử lý do doanh nghiệp lập xác định rõ giá trị hàng tồn kho bị hư hỏng, nguyên nhân hư hỏng, chủng loại, số lượng, giá trị hàng tồn kho có thể thu hồi được (nếu có).

Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc, chủ doanh nghiệp tư nhân và chủ sở hữu của các tổ chức kinh tế khác căn cứ vào Biên bản của Hội đồng xử lý hoặc đề xuất của tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá, các bằng chứng liên quan đến hàng tồn kho để quyết định xử lý hủy bỏ, thanh lý; quyết định xử lý trách nhiệm của những người liên quan đến hàng tồn kho đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật.

Mẫu Quyết định thành lập HĐ thẩm địnhQuyết định trích lập DPGG HTK.

Bên cạnh tổng hợp các kiến thức hữu ích về kế toán để giúp kế toán doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu trong quá trình công tác, MISA đồng thời phát triển phần mềm kế toán mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Anh/Chị kế toán doanh nghiệp hãy đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:

  • Hệ sinh thái kết nối:
    • Hoá đơn điện tử – cho phép xuất hoá đơn ngay trên phần mềm
    • Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
    • Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
    • Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo ….

Tham khảo ngay bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS dùng thử miễn phí 15 ngày để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn! 

Dùng ngay miễn phí

Tác giả: Lý Thị Loan

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả