Vòng quay hàng tồn kho là gì? Ý nghĩa và cách tính chi tiết

14/05/2024
14923

Vòng quay hàng tồn kho là một trong những tỷ số tài chính thường dùng bởi đa số doanh nghiệp thương mại, sản xuất để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong bài viết dưới đây, MISA AMIS mang tới bạn đọc nội dung cụ thể về ý nghĩa, cách tính chỉ tiêu vòng quay hàng tồn kho, đồng thời tổng hợp một số kinh nghiệm để quản lý hàng tồn kho hiệu quả.

1. Vòng quay hàng tồn kho là gì?

Vòng quay hàng tồn kho (Inventory Turnover) là thước đo số lần hàng tồn kho của một cơ sở kinh doanh luân chuyển trong một khoảng thời gian nhất định để tạo ra doanh thu được ghi nhận trong khoảng thời gian đó.

Cũng có thể hiểu, vòng quay hàng tồn kho là chỉ tiêu đo lường tốc độ bán hàng của một doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp xác định được mức độ dự trữ hàng tồn kho hợp lý để chủ động trong sản xuất, tiêu thụ; đồng thời không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

2. Ý nghĩa chỉ số vòng quay hàng tồn kho

Hàng tồn kho là một bộ phận tài sản không thể thiếu trong doanh nghiệp sản xuất cũng như thương mại. Dự trữ hàng tồn kho ở mức hợp lý, đảm bảo cho quá trình sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp tiết kiệm được vốn mà vẫn đảm bảo được tiến hành liên tục, là mục tiêu của mọi doanh nghiệp.

Dự trữ quá nhiều hàng tồn kho sẽ gây ứ đọng vốn, gia tăng chi phí bảo quản và dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn thấp. Bên cạnh đó, thời gian lưu kho dài có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng một số loại hàng tồn kho (nhất là với hàng thực phẩm, tươi sống). Ngược lại mức dự trữ quá thấp sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận doanh nghiệp. Do vậy, việc phân tích hàng tồn kho cũng như vòng quay hàng tồn kho là vô cùng quan trọng để đánh giá tính hợp lý trong công tác dự trữ, tính liên tục của sản xuất kinh doanh, nhờ đó, doanh nghiệp cải thiện khả năng quản trị hàng tồn kho.

Nếu hệ số vòng quay hàng tồn kho càng cao càng cho thấy doanh nghiệp bán hàng nhanh và hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều. Tuy nhiên, chỉ số này quá cao cũng chưa chắc đã tốt vì đồng nghĩa với lượng hàng dự trữ trong kho không nhiều, nếu nhu cầu thị trường tăng đột ngột hoặc nguồn cung bị tắc nghẽn trong khi nhu cầu hàng lại có số lượng lớn thì rất có khả năng doanh nghiệp không có đủ lượng hàng tồn kho cần thiết, dẫn tới dễ bị mất khách hàng và bị đối thủ cạnh tranh chiếm mất thị phần. Vì vậy, chỉ số vòng quay hàng tồn kho cần phải đủ lớn để đảm bảo mức độ sản xuất, cung ứng đáp ứng được nhu cầu các đơn hàng hiện tại, các đơn hàng trong kế hoạch sắp tới và một phần dự phòng cho các đơn hàng có thể phát sinh.

Xem thêm: Phương pháp kiểm kê định kỳ hàng tồn kho và cách hạch toán

Nếu tốc độ quay vòng của hàng tồn kho càng thấp càng cho thấy doanh nghiệp bán hàng chậm và hàng tồn kho bị ứ đọng. Một số hàng tồn kho rất dễ bị quá hạn, dễ bị hư hỏng, kém phẩm chất, việc bị ứ đọng lâu sẽ dẫn đến giá trị hàng tồn kho bị giảm xuống. Hàng tồn kho luân chuyển chậm, ảnh hưởng trực tiếp, tức thì tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, hàng tồn kho cũng là một loại tài sản mà việc chuyển đổi thành tiền cần có một khoảng thời gian nhất định, do đó, nếu việc ứ đọng hàng tồn kho diễn ra trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh khoản.

Để quản trị tốt và nâng cao hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp cần theo dõi vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian, so sánh với đối thủ, với trung bình ngành để tìm ra mức giá trị tối ưu.

2. Cách tính vòng quay hàng tồn kho chuẩn

Hình 2: Cách tính vòng quay hàng tồn kho

Bước 1: Xác định trước khoảng thời gian mong muốn tính số vòng quay hàng tồn kho: Một năm, một quý hay một tháng? Nếu doanh nghiệp kinh doanh thương mại, bán lẻ, mức độ luân chuyển liên tục, bạn nên tính theo tháng. Nếu là doanh nghiệp sản xuất, bạn có thể tính theo quý hoặc năm. Nếu làm dự án dài hạn, có thể tính theo năm.

Xác định đối tượng hàng tồn kho cần tính vòng quay: theo từng mã, hay từng nhóm hàng hàng tồn kho. Để phục vụ tốt nhất cho việc quản trị hàng tồn kho, doanh nghiệp nên chia nhỏ theo nhóm hàng, mã hàng để tính toán; việc phân nhỏ nhóm, mã hàng tồn kho càng chi tiết, việc xác định vòng quay hàng tồn kho càng chuẩn xác.

Bước 2: Thu thập thông tin về giá vốn hàng bán, giá trị tồn kho cuối kỳ của từng đối tượng hàng tồn kho.

Bước 3: Tính vòng quay hàng tồn kho:

Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán
Giá trị hàng tồn kho bình quân

Trong đó:

  • Giá vốn hàng bán được xác định trong khoảng thời gian mà bạn cần tính: Tháng/quý/năm (sau đây gọi là kỳ)
  • Giá trị hàng tồn kho bình quân được xác định bằng công thức:
Giá trị hàng tồn kho bình quân = Giá trị tồn kho đầu kỳ + Giá trị tồn kho cuối kỳ
2

 

Số ngày của 1 vòng quay = Số ngày của kỳ kế toán
Số vòng quay hàng tồn kho

Trong đó: Nếu kỳ kế toán là năm, quý, tháng thì số ngày của kỳ kế toán được tính tương ứng là 365, 90, 30.

Ví dụ 1:

Trích xuất một phần Báo cáo kết quả kinh doanh và Bảng cân đối kế toán năm 2021 của Công ty FT (chuyên sản xuất cơ khí theo đơn đặt hàng)

BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Năm 2021
 Đvt: Triệu đồng
Chỉ tiêu Mã số Kỳ này
1. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 1 60,815
2. Các khoản giảm trừ doanh thu 2 172
3. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 10 60,643
4. Giá vốn hàng bán 11 54,742
BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN
Ngày 31/12/2021
                 Đvt: Triệu đồng
Chỉ tiêu Mã số Số cuối kỳ (CK) Số đầu kỳ (ĐK) Giá trị tồn kho bình quân (ĐK+CK)/2
140 9,215 7,248 8,232
Hàng tồn kho 141 9,215 7,248 8,232

(Nguồn: Trích BCTC năm 2021 – Công ty CP FT Việt Nam)

  • Số vòng quay hàng tồn kho năm 2021 = 54,742 / 8,232 = 6.6 (vòng)
  • Số ngày của mỗi vòng quay = 365 / 6.6 = 54,5 (ngày)

Như vậy: Trong năm 2021, hàng tồn kho của Công ty FT luân chuyển 6.6 vòng. Trung bình, cứ 54,5 ngày thì công ty hoàn thành 1 chu kỳ mua nguyên vật liệu và bán hàng.

Có thể bạn quan tâm: Các khoản giảm trừ doanh thu và cách hạch toán chi tiết

Ví dụ 2:

Trích xuất Báo cáo Nhập – Xuất – Tồn của một siêu thị điện máy:

Bảng nhập – xuất – tồn kho tháng 08/2022; từ đó xác định giá trị Vòng quay hàng tồn kho (tháng), Số ngày 1 vòng quay như bảng sau:

BẢNG NHẬP – XUẤT – TỒN KHO
Tháng 08/2022

Tên kho: HH; TK kho: 156

                                                                                            Đvt: Triệu đồng
TT Tên hàng Nhóm hàng GT tồn đầu tháng GT nhập trong tháng GT xuất bán trong tháng  (*) GT tồn cuối tháng GT tồn kho bình quân Số vòng quay HTK

(tháng)

Số ngày 1 vòng quay
1 2 3 4 5 = (1+4)/2 6 =

3/5

7 =

30 days/5

 I Cộng nhóm điện lạnh 1,130 1,187 1,264 1,053 1,091 1.2 25
001 Máy điều hòa Điện lạnh 600 630 650 580
002 Tủ lạnh Điện lạnh 425 446 489 382
003 Quạt hơi nước Điện lạnh 105 110 125 90
 II Cộng nhóm gia dụng 754 716 594 876 815 0.7 42.9
004 Máy giặt Gia dụng 560 532 350 742
005 Nồi cơm điện Gia dụng 125 119 150 94
006 Máy hút bụi Gia dụng 69 66 94 40
Tổng cộng 1,884 1,903 1,858 1,929 1,906 1.0 (=12vòng/năm) 30ngày

(Nguồn: Trích Báo cáo quản trị tháng 8/2022 – Siêu thị điện máy tại Bắc Ninh)

(*) Giá trị xuất kho của cơ sở kinh doanh chuyên kinh doanh thương mại có thể sử dụng như giá vốn hàng bán để tính toán

Quản lý kho dễ dàng hơn với phần mềm MISA AMIS KẾ TOÁN

3. Các đối tượng quan tâm đến chỉ số “vòng quay hàng tồn kho” của doanh nghiệp

– Ngân hàng tài trợ vốn: Họ muốn biết tình hình kinh doanh của doanh nghiệp có tăng trưởng ổn định không? Khả năng chuyển đổi tài sản từ dạng hàng hóa sang dạng tiền là bao lâu? Doanh nghiệp có nguồn tiền để trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng đúng hạn không?

– Cổ đông/Thành viên góp vốn/Hội đồng quản trị: Các đối tượng này quan tâm đến việc vốn họ đầu tư vào doanh nghiệp có được sử dụng hiệu quả không, có bị ứ đọng vốn ở hàng tồn kho không?

– Ban kiểm soát/Ban giám đốc/Phòng kinh doanh: Họ cần đánh giá thực trạng doanh nghiệp mình để có phương hướng kịp thời nâng cao hiệu quả hoạt động.

– Nhà đầu tư tương lai: Các đối tượng này muốn xác định giá trị của công ty thông qua các chỉ số tài chính trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Xem thêm: Kế toán kho là gì? Mô tả công việc kế toán kho

4. Vòng quay hàng tồn kho bao nhiêu là hợp lý?

Sẽ không có câu trả lời chung cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Mỗi doanh nghiệp xác định cho mình một con số mục tiêu để cải thiện. Để xác định được số vòng quay hàng tồn kho tối ưu, doanh nghiệp căn cứ vào các yếu tố sau:

  • Số liệu thống kê của chính doanh nghiệp trong quá khứ
  • Quy mô của doanh nghiệp về: Vốn đầu tư, điều kiện kho bãi, sức chứa, khả năng nhân sự…
  • Kế hoạch kinh doanh hay phương án kinh doanh khả thi: Dựa vào sự phân tích kỹ lưỡng thị trường đầu ra, đầu vào, nhu cầu khách hàng, thời điểm, xu thế …
  • Số liệu báo cáo của các đối thủ, các công ty cùng ngành có uy tín lâu năm, của trung bình ngành: Với mỗi ngành, vòng quay hàng tồn kho lại có các giá trị khác nhau. Do đó, để xác định số vòng quay hàng tồn kho bao nhiêu là tốt, cần so sánh với đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp trong cùng ngành có cùng quy mô, trung bình ngành để biết được số vòng quay tối ưu là bao nhiêu, từ đó biết được chính sách quản lý hàng tồn kho của doanh nghiệp có đang hiệu quả hay không.

Chúng ta quay lại phân tích hai ví dụ ở phần 2:

BẢNG SO SÁNH SỐ VÒNG QUAY HÀNG TỒN KHO

Ví dụ Loại hình kinh doanh Số vòng quay hàng tồn kho Số ngày/1 vòng quay
VD 1 Sản xuất theo đơn hàng 6.6 vòng/năm 54.5
VD 2 Kinh doanh thương mại, bán lẻ 12 vòng/năm 30

Bảng so sánh cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa hai loại hình kinh doanh về số vòng quay hàng tồn kho.

Nếu số vòng quay quá cao và tăng mạnh theo các kỳ thì doanh nghiệp rất dễ rơi vào tình trạng không đáp ứng đủ nhu cầu của khách, tuột mất cơ hội bán hàng vào tay đối thủ.

Nếu số vòng quay quá thấp, hàng lưu kho dài ngày sẽ dẫn tới phát sinh chi phí quản lý hàng tồn, nguy cơ hàng xuống cấp, hết hạn, lỗi thời… đồng thời cũng gây ra lãng phí nguồn lực về kho bãi, vốn, lao động; ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.

Để dễ dàng theo dõi hàng tồn kho, doanh nghiệp có thể sử dụng ngay phần mềm kế toán MISA AMIS. Phần mềm kế toán online MISA AMIS đáp ứng đầy đủ các tính năng kho, giúp cảnh báo hàng tồn kho thông minh.

  • Nó còn phù hợp với đặc thù quản lý kho của doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực như: Theo dõi hàng hóa có nhiều đặc tính( màu sắc, kích cỡ…), theo số lô hạn dùng, có nhiều đơn vị tính, lập biên bản kiểm kê, kiểm soát xuất kho theo định mức, thiết lập mức tồn kho tối thiểu cho từng vật tư, hàng hóa,…
  • Phần mềm giúp doanh nghiệp quản lý tình hình nhập – xuất – tồn kho theo chủng loại, chi tiết đến từng vật tư, hàng hóa trong nhiều kho và có thể tính giá xuất kho tự động theo tất cả các phương pháp.
  • MISA AMIS Kế toán còn có nhiều tính năng thông minh khác như tự động nhập liệu từ bảng excel, hóa đơn điện tử; tự động lập BCTC, tờ khai thuế, tự động phát hiện sai lệch và cảnh báo,…

Dùng ngay miễn phí

5. Những lưu ý để giải quyết hàng tồn kho doanh nghiệp

Quản lý hàng tồn kho hiệu quả là bài toán khó giải cho không ít các nhà quản trị bởi tất cả kế hoạch kinh doanh đều có thể khả thi trong điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ổn định. Nhưng thời gian vừa qua, xuất hiện các sự cố bất khả kháng như dịch Covid-19, chiến tranh Ukraine thì vô số bản kế hoạch bị phá sản. Cũng có không ít công ty rơi vào tình cảnh “lãi giả, lỗ thật” bởi ngộ nhận giá trị tồn kho. Sau đây một số kinh nghiệm giúp các doanh nghiệp quản lý hàng tồn kho một cách hiệu quả.

Hình 3: Kinh nghiệm quản lý hàng tồn kho hiệu quả cho doanh nghiệp

Thứ nhất: Xác định mức tồn kho tối đa và tối thiểu đối với mỗi loại vật tư/ hàng hóa. Đây là công việc vô cùng quan trọng để có thể quản lý hàng tồn kho hiệu quả. Việc xác định mức tồn kho tối đa và tối thiểu đối với mỗi vật tư/ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp tránh được việc mua hàng quá tay, nhập về nhiều hơn mức cần thiết hoặc thiếu hụt vật tư/ hàng hóa dẫn đến giảm doanh thu (đối với doanh nghiệp thương mại), việc sản xuất bị trì trệ (đối với doanh nghiệp sản xuất), đồng thời giảm thiểu và hạn chế tối đa các chi phí tồn kho của doanh nghiệp.

Mức tồn kho tối đa, tồn kho tối thiểu nên được thiết lập theo từng mặt hàng và được điều chỉnh trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, đặc biệt những mặt hàng sản xuất và kinh doanh có thời vụ hoặc hàng tươi sống.

Thứ hai: Kiểm kê hàng hóa định kỳ. Để xác định số liệu thực tế với trên sổ sách có giống nhau không, các doanh nghiệp phải tiến hành kiểm kê. Khi kiểm đếm lại số lượng các mặt hàng, doanh nghiệp cũng có thể phát hiện ra hàng hư hỏng, hàng lỗi hoặc hết hạn. Đây là hoạt động vô cùng cần thiết. Việc kiểm kê thường xuyên cũng sẽ giúp doanh nghiệp quản lý tồn kho dễ dàng và chính xác hơn, hạn chế sai sót và phát sinh chi phí liên quan đến hàng hỏng, hàng kém phẩm chất. Ít nhất doanh nghiệp nên thực hiện việc này 6 tháng một lần.

Thứ ba: Khi xuất hàng trong kho, luôn thực hiện theo đúng nguyên tắc “Nhập trước xuất trước” để đảm bảo hàng tồn kho luôn là hàng mới nhất, chất lượng đảm bảo, dễ bán nhất. Lưu ý đây là nguyên tắc trong việc nhập xuất hàng chứ không phải là nguyên tắc trong việc tính giá hàng xuất, việc tính giá hàng xuất theo phương pháp nhập trước xuất trước, nhập sau xuất trước hay bình quân là tùy thuộc vào sự lựa chọn của doanh nghiệp.

Thứ tư: Thiết lập thêm mô hình kinh doanh mới (online) song song kinh doanh truyền thống. Luôn thiết lập data khách hàng mới, đủ lớn, không lệ thuộc vào một số ít khách hàng quen thuộc.

Thứ năm: Tạo mối quan hệ với các nhà cung cấp cùng ngành để gửi hàng bán, để trao đổi chéo, cho vay, mượn hàng hóa một cách linh động để tăng thêm các kênh tiêu thụ.

Thứ sáu: Giảm giá sâu sau khi đạt điểm hòa vốn

Bài viết trên đây đã bao quát toàn diện các khía cạnh cần lưu ý của vòng quay hàng tồn kho, một trong những chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động quản trị hàng tồn kho – vấn đề quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Mong rằng bài viết có thể giúp ích cho bạn đọc trên con đường tìm kiếm kiến thức quản trị tài chính doanh nghiệp.  Để quản lý hoạt động quản lý kho và công tác kế toán kho, doanh nghiệp có thể tham khảo phần mềm kế toán online MISA AMIS – thế hệ phần mềm kế toán mới đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ kế toán.


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả