Marketing Góc nhìn/Opinion Người trong ngành: Làm truyền thông trong thời đại số

Sự bùng nổ của công nghệ đã làm thay đổi cuộc chơi của truyền thông như thế nào? Từ góc nhìn của một người trong ngành đã thành công, khách mời của chúng ta hôm nay sẽ mang tới những chia sẻ hết sức thực tế và thú vị về hoạt động truyền thông, nhất là trong ngành xuất bản.

MISA xin tổng hợp lại nội dung buổi trao đổi và gửi tới Quý độc giả cùng theo dõi.

MISA: Chào chị Phương Thu, MISA rất vui và vinh dự được mời chị phỏng vấn với chủ đề “Làm truyền thông trong thời đại số” hôm nay. Những chia sẻ của chị sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho cộng đồng độc giả. Xin cảm ơn chị! Trước tiên, MISA rất mong muốn được nghe chị giới thiệu một số thông tin về bản thân để MISA cung cấp tới Quý độc giả.

Nhã Nam là một đơn vị xuất bản tư nhân có định hướng toàn diện và tổng hợp, bao gồm nhiều dòng sách đa dạng và mỗi dòng lại có một định hướng truyền thông khác nhau, nên phụ trách truyền thông cho Nhã Nam có thể nói là một thách thức không nhỏ đối với mình trong thời gian qua. Nhưng đồng thời cũng mang tới cho mình nhiều cơ hội học hỏi, trải nghiệm. 

MISA: Mọi người thường có một số nhầm lẫn giữa chức năng, nhiệm vụ chính của marketing và truyền thông. Là một người làm truyền thông lâu năm, theo chị có yếu tố rõ nét nào giúp phân biệt hai hoạt động này không?

Câu hỏi này có lẽ là thắc mắc của rất nhiều bạn và thực tế là hiện nay mình quan sát thấy có nhiều bạn đọc thông báo tuyển dụng của bộ phận marketing nhưng lại tưởng nhầm đó là tuyển dụng của bộ phận truyền thông và ngược lại. 

Phân biệt hai mảng này, nếu chỉ nói lý thuyết thì khá là khó hình dung, nhưng khi triển khai thì sẽ thấy khác nhau khá nhiều. Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản, marketing và truyền thông có cùng một mục đích nhưng khác nhau về mục tiêu. Với marketing, mọi hoạt động đều trực tiếp nhắm đến doanh thu. Trong khi đó, truyền thông lại tập trung vào việc truyền tải thông tin, tăng cường sự giao tiếp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng hoặc khách hàng tiềm năng.

Các công cụ truyền thông được ví như cầu nối giữa khách hàng với doanh nghiệp, khiến khách hàng trở nên tin tưởng, ủng hộ thương hiệu hơn. Từ sự yêu thích đó mà đi đến hành vi mua hàng, sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Nói đến truyền thông ta thường sẽ nói đến content, social media. Ví dụ: mạng xã hội (Facebook, Instagram, Tumblr, Twitter, Youtube…), báo chí, truyền hình, sự kiện, cuộc thi, chiến dịch cộng đồng, xử lý khủng hoảng… 

Chính vì thế, trong khi hiệu quả của marketing thường có thể nhìn thấy ngay qua nhiều chỉ số thì hiệu quả của truyền thông thường có tính gián tiếp và khó đo lường bằng con số được ngay lập tức. Chẳng hạn, bạn có thể không bán được 1000 cuốn sách ngay khi tổ chức sự kiện ra mắt, nhưng qua đó độc giả sẽ có cơ hội gặp gỡ tác giả, dịch giả, hiểu thêm về tác phẩm, từ đó tò mò tìm đến cuốn sách. Bên cạnh đó, nếu như marketing thường nhắm ngay vào đối tượng mục tiêu, thì truyền thông lại hướng tới đa dạng đối tượng hơn: báo chí, các đối tác tiềm năng trong ngành và thậm chí ngoài ngành. 

Lấy ví dụ, bộ phận truyền thông trong một đơn vị xuất bản có thể kết nối với:

  • Các KOL trong nhiều lĩnh vực (mẹ và bé, mỹ phẩm, đầu tư, phim ảnh…), 
  • Các trường học, tổ chức, cơ quan,,,,
  • Các công ty cung cấp thiết bị đồ họa, máy ảnh, máy tính, văn phòng phẩm
  • Các fandom của phim ảnh, các hội nhóm cosplay,…
  • Thậm chí là các công ty cung cấp hàng tiêu dùng, chuyên gia của các khóa học phát triển bản thân… tùy thuộc vào các dòng sách họ xuất bản.

Như vậy, có thể nói, marketing sẽ “lộ ra” mục đích bán hàng hơn, trong khi truyền thông thì đi đường dài hơi, giống như mưa dầm thấm lâu. Các hoạt động truyền thông đảm bảo cho sự lành mạnh và uy tín của thương hiệu trong mắt độc giả, khiến thương hiệu trở nên thân quen, gần gũi và ăn sâu vào suy nghĩ của đối tượng tiếp cận thông tin.

Tuy phân biệt như vậy nhưng cả truyền thông và marketing suy cho cùng đều nhằm một mục đích chung, là đưa sản phẩm đến với khách hàng, làm tăng doanh thu, và cả hai gắn bó với nhau như tay với chân trong hoạt động của doanh nghiệp.

Tuỳ từng doanh nghiệp sẽ có cơ cấu phòng ban truyền thông và marketing khác nhau, ví dụ như ở Nhã Nam thì đây là hai phòng riêng biệt và có cách hoạt động cũng như quản lý, đo lường hiệu quả khác nhau.

Ngoài ra, mình muốn chia sẻ thêm một chút cho các bạn trẻ, về thiên hướng chọn ngành thì truyền thông liên quan đến viết lách, giao tiếp, tương tác, nên những người làm báo chí, truyền hình hay sư phạm có liên đới đến mảng này nhiều hơn. Trong khi marketing thì thường phù hợp với những bạn thích bán hàng, kinh doanh, do thiên về các con số hơn. Nói sao nhỉ, truyền thông có tính ”văn nghệ” hơn một chút, trong khi marketing thì “trực diện” hơn.

>> Xem thêm: Sự khác nhau giữa Truyền thông và Marketing nằm ở đâu?

MISA: Chị cho rằng thời điểm nào là thích hợp để một doanh nghiệp tiến hành các hoạt động truyền thông?

Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần phải làm truyền thông ngay khi chính thức đi vào hoạt động rồi, thậm chí là trước đó nữa. Nhưng từ góc nhìn của mình, làm như vậy cũng giống như nhảy lên một chuyến xe bus mà không biết đích đến. Doanh nghiệp chỉ nên bắt đầu truyền thông khi họ đã xác định được khách hàng mục tiêu, xác lập được thông điệp cần truyền tải. 

Ví dụ, sản phẩm/ dịch vụ của mình nhắm đến phân khúc nào? Nếu sản phẩm có tính bình dân thì thông điệp phải thân thiện, gần gũi, dễ hiểu, cách truyền tải đơn giản, nhưng nếu sản phẩm/ dịch vụ nhắm đến khách hàng trung tuổi, thành đạt, thì câu chuyện lại khác, mình không thể nhấn mạnh những yếu tố như ‘’rẻ’, ‘’dễ mua’’ được. 

Chỉ khi doanh nghiệp đã bắt đầu xác định được “hình tượng” mình muốn gây dựng và có một thông điệp rõ ràng, vẽ được chân dung khách hàng mục tiêu cụ thể thì mới lên kế hoạch truyền thông mạch lạc được.

MISA: Ngày nay, nhiều người cho rằng “một đồng bỏ ra phải mang về được hai ba đồng”, dưới góc nhìn của một người làm truyền thông, ý kiến của chị như thế nào?

Trong bất kỳ một ngành nào thì mục đích sâu xa cuối cùng của truyền thông cũng vẫn là bán hàng, tăng doanh thu. Tuy nhiên, truyền thông cho mỗi mặt hàng sẽ có sự khác nhau, hàng tiêu dùng khác, phần mềm công nghệ khác và văn hóa phẩm lại khác. 

Ví dụ, một trong số các hoạt động truyền thông trong ngành xuất bản là tổ chức các buổi đọc sách và giới thiệu sách tại các trường học, hiệu sách, đồng thời tổ chức các hoạt động tương tác, trò chơi triển khai từ sách. Hoạt động này nhằm nâng cao tình yêu với sách vở, giúp các bé thấy thích thú hơn, cảm thấy việc đọc sách rất vui vẻ chứ không phải gánh nặng, và phụ huynh cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách đối với con cái mình. 

Những buổi đọc sách đó không đem lại doanh thu ngay lập tức, và có thể chi phí bỏ ra cho một buổi cũng không nhỏ, nhưng mình sẽ có được cảm tình của phụ huynh, của trường, tăng sự nhận diện thương hiệu, và quan trọng là càng có nhiều người thích đọc sách, thị trường của mình càng mở rộng. 

Tóm lại trong truyền thông, nói một cách vui vui thì nhiều khi mình bỏ ra một đồng mà chỉ thu về 4, 5 xu thôi, trong ngắn hạn có thể chịu lỗ, nhưng đó là đầu tư cho sau này, đầu tư đường dài. 

MISA: Cá nhân chị có đánh giá gì về sự thay đổi cách làm truyền thông trước đây và ngày nay – trong thời đại số? 

Truyền thông theo lối truyền thống và truyền thông thời đại số khác nhau khá nhiều. Điều đầu tiên có thể nhìn thấy là vị thế của các nền tảng truyền thông đã thay đổi rõ rệt. Cách đây khoảng hơn chục năm thì blog 360 Yahoo! rất là mạnh, mọi người lên đó để đọc mọi thứ và những blogger có lượt view cao thì sức ảnh hưởng cũng rất lớn. Tuy nhiên sau đó như ta đã biết, là thời đại của Facebook, với các KOL nghìn like, influencers

Hoặc có thời kỳ báo chí rất quyền lực, để xử lý một khủng hoảng truyền thông thì người ta sẽ thường lên một vài bài báo nhằm phân tích, giải trình, phỏng vấn rất dài và có sức nặng, nhưng bây giờ lại là thời đại của seeding, của điều hướng thông qua mạng xã hội. 

Ví dụ khoảng năm 2005, Nhã Nam cho ra mắt cuốn sách đầu tiên là Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm. Đây nhanh chóng trở thành “cuốn sách quốc dân” tiêu thụ 500.000 bản, các trường học đều mua về và khuyến khích học sinh đọc. Hiệu ứng này phần lớn là nhờ một loạt bài trích đăng trên báo Tuổi Trẻ và một số chương trình giới thiệu trên truyền hình. Nhưng ngày nay, một cuốn sách trở nên viral thường không phải do nó được trích đăng hay được giới thiệu trên báo đài, mà chủ yếu là do nó được các độc giả nhắc đến nhiều trên Facebook, Instagram, các group, Tik Tok…

Như vậy, mình có thể thấy rõ sự chuyển dịch trong sức mạnh và tầm ảnh hưởng của các nền tảng xã hội. Những xu hướng này sẽ liên tục biến đổi không ngừng, đòi hỏi người làm truyền thông phải cập nhật, nắm bắt được để điều chỉnh và thích nghi.

Với mình, mình cho rằng dù trước đây, bây giờ hay sau này thì trong truyền thông, tư duy về “nội dung” vẫn luôn là điều cốt lõi, và người làm truyền thông luôn là người làm nội dung, nó chỉ chuyển dịch từ mặt trận này sang mặt trận khác, hình thức này sang hình thức khác mà thôi.

MISA: Theo chị, để thực hiện một chiến dịch truyền thông trước hết doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì, bắt đầu ra sao? Hay nói cách khác những yếu tố nào quyết định đến sự thành công của một chiến dịch truyền thông.

Theo kinh nghiệm của mình, mỗi một ngành nghề thực hiện chiến dịch truyền thông sẽ có những yêu cầu khác nhau, tuy nhiên có một số yếu tố cốt lõi, bao gồm:

Đầu tiên phải xác định được khách hàng mục tiêu hay chiến dịch này nhằm đến ai. 

Điều này sẽ quyết định đến hình thức và nội dung của chiến dịch. Nếu khách hàng mục tiêu nằm trong độ tuổi từ 16-25 mà truyền thông lại tập trung vào kênh báo chí hay nếu khách hàng mục tiêu là các doanh nhân thành đạt mà ta lại tập trung trên kênh Tik Tok thì chắc chắn là không phù hợp, không có hiệu quả. 

Tiếp theo là ngân sách. 

Không phải cứ ngân sách cao thì chiến dịch sẽ thành công, quan trọng vẫn là phân bổ ngân sách phù hợp cho các kênh truyền thông. Doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ, có ngân sách dành cho truyền thông chưa cao thì phải xác định đi theo những kênh tiết kiệm chi phí hơn hoặc tận dụng các kênh miễn phí, chứ không nên ngay lập tức chọn các kênh có chi phí cao như book bài KOL, quảng cáo trên Frame thang máy hay chạy TVC truyền hình.

Cuối cùng, cũng là yếu tố quan trọng nhất mà như mình đã đề cập ở trên đó chính là nội dung, tức là lượng chất xám bỏ ra. 

Trong truyền thông thì tư duy về nội dung (content) luôn chiếm vị trí hàng đầu. Nội dung mà nhàm chán thì mình có phủ đến 10 kênh, chạy quảng cáo chục triệu, trăm triệu thì hiệu quả đem lại cũng chưa chắc bằng một clip Tik Tok 15 giây mà lên được xu hướng. Những chiến dịch quảng cáo nổi tiếng nhất của Nike hay Coca Cola thành công không đơn thuần vì họ có ngân sách lớn mà còn bởi vì concept của họ rất thông minh và tính cộng đồng của các chiến dịch đó rất cao.

MISA: Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề xuất bản, chị nhận thấy đặc thù của truyền thông trong ngành này ở Việt Nam như thế nào, có những lợi thế gì?

Thực ra ai hoạt động trong ngành xuất bản cũng sẽ nhận thấy ngay là làm truyền thông cho xuất bản rất bất lợi vì tỉ lệ người đọc sách ở Việt Nam vô cùng thấp. Ở các nước như Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách /năm, các nước trong khu vực như Malaysia là 10 cuốn/năm. 

Còn ở Việt Nam, trung bình 1 người chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác. Không cần nhìn vào con số, bạn cứ thử hỏi xung quanh xem có bao nhiêu người đọc sách, là thấy rõ ngay. Nhưng đó cũng là một lợi thế, vì như vậy nghĩa là tiềm năng của thị trường còn rất lớn. Còn rất nhiều người chưa bao giờ đọc một cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa, và đó chính là đối tượng mà mình có thể tiếp cận, thuyết phục họ thay đổi nhận thức. 

Trên thực tế, Nhã Nam đã có những cuốn sách viral đến mức mà rất nhiều bạn chưa bao giờ đọc sách cũng tìm đến vì tò mò khi được thấy bàn luận quá nhiều, cả trên mạng xã hội lẫn truyền miệng, đơn cử gần đây nhất là cuốn Cây cam ngọt của tôi đã trở thành bestseller suốt 3 năm liên tục 2020, 2021, 2022.

Truyền thông trong ngành xuất bản có rất nhiều điểm khác với truyền thông cho những ngành hàng tiêu dùng hay công nghệ vì tính cách, khuynh hướng, hành vi của người đọc sách không giống người tiêu dùng các sản phẩm gia dụng, điện tử, hay các tín đồ công nghệ. Nhìn chung, thường thì họ “văn nghệ” hơn, “chữ nghĩa” hơn, tất nhiên là còn tùy đối tượng của từng dòng sách nữa. 

Ví dụ độc giả của sách văn học thì không giống độc giả của sách nghiên cứu, hay sách kinh tế; độc giả của sách lãng mạn cũng không giống độc giả của sách thiếu nhi. Và bởi vì sách là văn hóa phẩm, nên mình cũng không thể truyền thông cho nó như truyền thông cho thuốc tẩy, bột giặt… được.

Đặc biệt, so với khách hàng tiềm năng của những ngành khác, thì người đọc sách thường có một số đặc điểm mà mình thấy là ưu thế cho truyền thông. 

Thứ nhất là họ không quá để ý đến chuyện giá tiền hay không quá quan tâm chuyện được giảm giá bao nhiêu mà họ coi trọng giá trị của cuốn sách như giá trị về cảm xúc, giá trị sưu tầm. Nhiều khi có những cuốn sách tương đối đắt nhưng độc giả cảm thấy giá trị mang lại cho mình là xứng đáng thì họ cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua. 

Và một lợi thế nữa khi làm truyền thông cho ngành xuất bản đó là khách hàng kiên nhẫn hơn, họ sẵn sàng đọc các nội dung dài, chi tiết, nhờ đó mình cũng dễ dàng truyền tải các thông tin, thông điệp tới độc giả hơn. Bên cạnh đó, họ cũng là những người sẵn sàng chia sẻ và nhiệt tình viết lách, lan tỏa hơn.

Ví dụ Nhã Nam mất 5 năm xây dựng để có được cộng đồng cùng nhau đọc sách là “Nhã Nam reading Club”, trong group này các độc giả có thể chia sẻ trải nghiệm với sách vở, từ review cuốn sách mình đọc, trao đổi cách bảo quản sách đến cách ghi nhớ nội dung hiệu quả, thậm chí có rất nhiều fanart (những bức vẽ, tác phẩm của fan dành tặng cho thứ mà họ hâm mộ) hay các clip các bạn đọc trích sách… 

Từ group này còn có một số bạn gợi ý đầu sách hay cho Nhã Nam mua bản quyền nữa. Tất nhiên để gây dựng một cộng đồng như vậy thì mình cũng phải có chiến lược từ đầu và có cách quản trị bài bản. Khi đã có được cộng đồng này rồi thì bản thân nó có tính lan tỏa tự nhiên, các thông tin về sách vở được chia sẻ giữa độc giả với nhau tạo ra môi cho cảm giác tin cậy hơn, thu hút hơn.

MISA: Chị có thể chia sẻ cách/tiêu chí để đo lường hiệu quả một chiến dịch truyền thông mà chị thường áp dụng không?

Như mình đã nói ở trên thì hiệu quả của một chiến dịch truyền thông không phải lúc nào cũng đo đếm được ngay bằng con số. Trong thời đại số hiện nay có nhiều công cụ lắng nghe phản hồi từ khách hàng giúp việc đo lường hiệu quả truyền thông cũng trở nên dễ dàng hơn.

Ví dụ, để giới thiệu một tác giả mới, mình tổ chức một chuỗi sự kiện gặp gỡ, giao lưu với tác giả. Hiệu quả của chuỗi sự kiện đó có thể nhìn thấy qua:

  • Số lượng độc giả tham dự
  • Feedback trên các kênh (inbox, comment trên fanpage, các bài đăng trong các group đọc sách, sự quan tâm của báo, đài)
  • Số lượng sách tiêu thụ sau khi chuỗi sự kiện kết thúc
  • Độ nhận diện của nhà văn tăng lên với công chúng

Cần nhấn mạnh rằng, hiệu quả của một chiến dịch truyền thông không phải bao giờ cũng hiển thị ngay lập tức, đôi khi mình phải mất một thời gian dài để thay đổi nhận thức của khách hàng tiềm năng. 

Năm 2009 Nhã Nam giới thiệu một cuốn tiểu thuyết trinh thám tên là Phía sau nghi can X của tác giả Higashino Keigo. Thời điểm đó, cuốn sách không được chú ý nhiều vì thị trường vẫn chưa quan tâm đến dòng trinh thám, đó vẫn là thời kỳ của sách lãng mạn, nhẹ nhàng. Cho đến khoảng năm 2015 thì dòng sách trinh thám mới bắt đầu bùng nổ, và cuốn sách trở nên viral trên mọi nền tảng, Higashino Keigo cũng trở thành cái tên mà đến thời điểm hiện tại thì không một fan trinh thám nào lại không biết. 

Tức là cũng đã mất tầm 6 năm để ý tưởng về sách trinh thám ngấm dần và có thể đạt đến hiệu quả mong muốn, nhưng khi nó đã thành công thì sẽ mở đường cho hàng loạt những cuốn sách trinh thám kế tiếp và việc truyền thông cho những cuốn trinh thám của Keigo sau đó trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

MISA: “Một câu chuyện PR hấp dẫn sẽ mang lại hiệu quả gấp nhiều lần một quảng cáo ở ngay trang nhất”. Chị có đồng ý với ý kiến này không, và có chiến dịch truyền thông tại Nhã Nam khiến chị ấn tượng và tự hào nhất muốn chia sẻ với độc giả không?

Quan điểm này chắc chắn là bất kỳ người làm truyền thông nào cũng biết. Xét về mặt tâm sinh lý thì con người không giỏi ghi nhớ số liệu, thông tin khô khan, nhưng lại rất nhớ những câu chuyện đánh vào cảm xúc.

Những người làm truyền thông giỏi thường là những người kể chuyện giỏi, biết khơi gợi cảm xúc của độc giả.

Đối với việc làm truyền thông cho sách cũng thế, độc giả muốn nghe những câu chuyện xung quanh cuốn sách hơn là đọc những quảng cáo giới thiệu nội dung, nên Nhã Nam cũng khai thác tối đa những câu chuyện đằng sau mỗi cuốn sách: câu chuyện về quá trình sáng tác của tác giả, tâm huyết của biên tập viên, họa sĩ vẽ bìa… Và nhìn chung những câu chuyện như vậy rất hiệu quả.

Nhã Nam có rất nhiều chiến dịch truyền thông cả ngắn và dài hạn. Để nói về chiến dịch mình tự hào nhất thì có lẽ là một cuộc thi mà Nhã Nam đã tổ chức trong giai đoạn dịch Covid-19, tên là “Mùa cách ly, làm gì với sách?”. Thời điểm đó mình quan sát thấy tinh thần của mọi người đều đang đi xuống và việc quảng cáo trực diện hay các hình thức truyền thông bình thường lúc này hầu như là không có tác dụng. 

Mọi người cần một cái gì đó tích cực, vui vẻ, giải tỏa khỏi sự bí bách của thời kỳ lockdown. Thể lệ cuộc thi là mọi người chụp ảnh, vẽ, hoặc quay clip, làm bất kỳ điều gì cũng được, miễn liên quan đến sách. Có những bài thi sáng tạo vô cùng, ví dụ như dựng bìa sách bằng bột nghệ. 

Và cuộc thi đó rất thành công. Thành công ở đây không phải là bán được sách, mà là nó tạo được một dấu ấn lớn trong giai đoạn dịch, tạo ra một niềm vui lành mạnh để vực dậy tinh thần mọi người. Các độc giả ghi nhận sự quan tâm Nhã Nam dành cho họ, và họ cũng có cơ hội để thoải mái chia sẻ về cuốn sách yêu thích của mình. Đây gần như là cuộc thi thành công nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của Nhã Nam.

MISA: Cuối cùng, chị có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp trong hoạt động truyền thông không?

Thực sự thì mỗi một ngành nghề khác nhau sẽ có định hướng truyền thông khác nhau và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực xuất bản có thể không hoàn toàn đúng đối với những lĩnh vực khác. Tuy nhiên truyền thông luôn có những mẫu số chung, và theo mình thì có 3 điểm quan trọng.

Thứ nhất, là người làm truyền thông hãy cố gắng hiểu và yêu sản phẩm/dịch vụ của mình. 

Một người không đọc sách rất khó làm truyền thông cho sách. Một người không yêu thích công nghệ rất khó làm truyền thông cho các sản phẩm công nghệ. Nếu mình không hiểu sản phẩm/ dịch vụ thì cũng rất khó để nắm bắt tâm lý của khách hàng mục tiêu, khó ‘’nhập vai’’ để định hướng nội dung, hình thức truyền thông sao phù hợp và thuyết phục được họ.

Thứ hai, đừng thể hiện tính “thực dụng”, đừng khiến cho khách hàng cảm thấy họ đang bị quảng cáo trực diện. 

Nên có những chiến dịch, hoạt động vì cộng đồng và hướng đến lợi ích của họ. Ví dụ như trong xuất bản thì luôn có những hoạt động tuyên truyền đọc sách, cung cấp thông tin, kiến thức cần cho cuộc sống, tạo môi trường cởi mở để độc giả được chia sẻ tình yêu với sách, từ đó tạo nên cộng đồng gắn kết và bền vững.

Thứ ba, hãy lắng nghe, thiết lập sự tin tưởng với khách hàng, đừng sợ phản hồi xấu và đừng xử lý khủng hoảng bằng cách lờ nó đi. 

Trên thực tế có rất nhiều khủng hoảng truyền thông xuất phát từ những chuyện nhỏ, đáng lẽ đôi bên có thể trao đổi thẳng thắn với nhau, nhưng doanh nghiệp muốn ‘’cả vú lấp miệng em’’, tìm cách xóa bài, làm mất uy tín của người phản hồi… Cách xử lý như vậy có thể khiến sự việc tạm thời lắng xuống, nhưng về lâu dài thì không tốt cho hình ảnh của thương hiệu. Theo mình, với ba yếu tố trên sẽ giúp một doanh nghiệp nói chung và một người nói riêng có thể theo đuổi con đường truyền thông hiệu quả và bền vững. 

Một lần nữa cảm ơn chị Phương Thu đã dành thời gian để trao đổi và mang tới nhiều thông tin giá trị, hữu ích cho độc giả. Chúc chị luôn thành công trong các chiến dịch truyền thông sắp tới cùng Nhã Nam!

*Một số chú thích trong bài do Ban biên tập MISA AMIS bổ sung

Ban biên tập MISA AMIS

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]