Là thương hiệu cà phê hàng đầu trên thế giới, Starbucks đã thành công xây dựng thương hiệu thông qua logo của mình. Liệu bạn đã biết ý nghĩa đằng sau logo của Starbucks chưa? Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé!
Giới thiệu tổng quan về Starbucks Coffee
Câu chuyện của Starbucks được bắt đầu từ năm 1971, dọc theo con đường dẫn tới khu chợ lịch sử của Seattle – Pike Place. Chính tại nơi đây, Starbucks đã mở cửa hàng đầu tiên, cung cấp hạt cà phê rang, trà và gia vị từ khắp nơi trên thế giới cho khách hàng của mình mang về nhà.
Điều đặc biệt của Starbucks chắc có lẽ đến từ việc được thành lập bởi những người ngoại đạo trong ngành F&B. Điểm chung là họ đều xuất thân từ những nhà tri thức và có niềm đam mê về trà và cà phê, cụ thể Gordon Bowker là nhà văn, trong khi Jerry Baldwin và Zev Siegl lần lượt là giáo viên tiếng Anh và giáo viên lịch sử.
Sau khi vay mượn và nhận được tiền đầu tư để khai trương cửa hàng đầu tiên ở Seattle, các nhà sáng lập bắt đầu suy nghĩ tới tên gọi của mình. Được truyền cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết kinh điển – Moby Dick của Herman Melville, họ quyết định sử dụng “Starbucks” làm tên thương hiệu của mình.
Một sự thật ít ai biết đến đó là nếu không có Alfred Peet, một doanh nhân gốc Hà Lan thì có lẽ Starbucks đã không tồn tại ngày nay. Ông là nguồn cảm hứng lớn nhất cho các nhà sáng lập Starbucks. Ngay từ những năm 1950, Peet đã bắt đầu nhập khẩu cà phê Arabica hảo hạng tới Hoa Kỳ.
Sau 16 năm, ông mở một cửa tiệm nhỏ mang tên Peet’s Coffee and Tea, tại Berkeley, California, chuyên nhập khẩu các loại cà phê và trà thượng hạng. Với những bước thành công ban đầu của Peet đã làm trỗi dậy tinh thần khởi nghiệp của bộ ba đồng sáng lập Starbucks với mô hình kinh doanh là bán thiết bị và hạt cà phê chất lượng cao.
Với việc cung cấp các hạt cà phê hảo hạng, Starbucks đã cho thấy sự khác biệt của mình so với đối thủ. Chính vì vậy ngay từ đầu những năm 1980, Starbucks đã mở được bốn cửa hàng tại Seattle. Tuy nhiên, trong năm 1980, thương hiệu đã lần đầu chứng kiến sự tan rã của bộ ba sáng lập với sự ra đi của Siegl, ông đã quyết định theo đuổi với niềm đam mê riêng của bản thân.
Chỉ 2 năm sau, vào năm 1982, Howard Schultz gia nhập hãng với vai trò Giám đốc hoạt động bán lẻ và tiếp thị. Sau một chuyến đi đến Milan, Ý, ông đã rất ấn tượng với các quán cà phê tại đất nước này và phát hiện ra rằng chỉ riêng Milan đã có 1.500 quán cà phê. Chính vì vậy, Schultz đã đưa ra ý tưởng biến Starbucks từ một hoạt động nhỏ trong khu vực thành một chuỗi nhà hàng cà phê quốc gia.
Tuy nhiên, với định hướng ban đầu là kinh doanh mặt hàng cà phê, 2 nhà sáng lập còn lại không mấy hào hứng với sáng kiến của Schultz. Thất bại trong việc thuyết phục Baldwin và Bowker chấp nhận ý tưởng của mình, Schultz đành rời Starbucks vào năm 1985.
Sau đó ông tự xây dựng nên đế chế chuỗi cà phê riêng, với tên gọi Il Giornale. Bằng việc nghiên cứu thị trường nghiêm túc cùng với những nỗ lực ngày đêm, không phụ lòng mong đợi, thương hiệu đồ uống của Schult nhanh chóng mở rộng thêm nhiều chi nhánh trên phạm vi thành phố.
Cơ hội đến với Schultz vào năm 1987 khi mà các nhà sáng lập của Starbucks quyết định bán lại thương hiệu này. Không thể bỏ lỡ được cơ hội quý giá này, Schultz đã nhanh chân đứng ra mua lại công ty.
Kể từ lúc này, ý tưởng của Schultz mới được thực hiện, ông đã biến Starbucks trở thành quán cà phê cùng với đó là các nguyên vật liệu, cũng như thiết bị cà phê và các mặt hàng khác trong cửa hàng.
Dưới sự chỉ dẫn của Schultz, trong 4 năm, chuỗi cửa hàng cà phê đã phát triển từ ít hơn 20 cửa hàng lên hơn 100 cửa hàng. Sau khi niêm yết cổ phiếu của mình trên sàn chứng khoán vào năm 1992, kể từ đó đã đánh dấu thời kỳ phát triển huy hoàng của Starbucks.
Thành công nối tiếp thành công, chỉ sau 4 năm kể từ khi lên sàn chứng khoán, thương hiệu bắt đầu tiến hành chiến lược mở rộng bên ngoài phạm vi khu vực Bắc Mỹ, và nhanh chóng trở thành chuỗi cà phê lớn nhất thế giới. Vào cuối thập kỷ này, Starbucks đã có khoảng 2.500 địa điểm tại khoảng 12 quốc gia.
Trải qua 40 năm gây dựng và phát triển, thương hiệu cà phê Starbucks hiện có hơn 20.000 cửa hàng tại 61 quốc gia trên thế giới với 150.000 nhân viên, phục vụ hơn 40 triệu khách hàng mỗi tuần và bán ra 4 tỷ cốc cà phê mỗi năm.
>> Xem thêm: Phân tích chiến lược Marketing của Starbucks chi tiết nhất
Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển logo Starbucks
Nàng tiên cá hai đuôi Siren nổi tiếng trên logo của Starbucks được lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp. Theo truyền thuyết này, người ta cho rằng hình tượng Siren là những sinh vật thu hút các thủy thủ nhằm tấn công và nuốt chửng họ ngoài khơi bờ biển trên một hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương.
Do đó, có thể nói rằng hình tượng nàng tiên cá Siren của Starbucks tương tự tượng trưng cho mong muốn thu hút những người yêu cà phê đến cửa hàng của họ. Kể từ khi ra đời, logo của Starbucks đã trải qua nhiều lần thay đổi, với thiết kế ấn tượng nhất là logo được tạo ra vào năm 1987.
Vào thời điểm này, Howard Schultz được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành mới của Starbucks, và kể từ đó, Starbucks đã tự cách mạng hóa mình để trở thành một công ty tập trung vào việc tạo ra những thức uống espresso ngon nhất.
Quá trình phát triển logo của Starbucks
Starbucks Logo – 1971
Ban đầu, logo được thiết kế với hình ảnh chính là nàng tiên cá Siren ngực trần với đuôi cá kép và rốn lộ rõ. Bên ngoài được bao quanh bởi một vòng tròn có màu nâu cà phê. Bên trong vòng tròn này, dòng chữ có nội dung “Cà phê Starbucks, Trà và Gia vị”.
Starbucks Logo –1987
Với phiên bản mới này, logo của Starbucks được phối màu xanh lá cây, đen và trắng đại diện cho sự phát triển, tươi mới và thịnh vượng của Starbucks. So với tông màu nâu cà phê cũ, màu xanh lá cây và trắng có tác dụng giúp người tiêu dùng của thương hiệu cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
Khác với thiết kế ban đầu, toàn bộ cơ thể của nàng tiên cá đã không còn quá lộ liễu. Hình người được thiết kế to ra và tóc của Siren có vẻ như đã che gần hết cơ thể. Hơn nữa, nội dung trên logo cũng đã được thay đổi thành ‘Cà phê Starbucks’ để phù hợp với trọng tâm của thương hiệu là cà phê. Tên thương hiệu được hiển thị bên trong vòng tròn và thêm hai ngôi sao ở mỗi bên.
Starbucks Logo –1992
Phiên bản thứ ba của logo Starbucks cho thấy một cái nhìn cận cảnh hơn của tiên cá Siren. Phần thân của Siren đã hoàn toàn biến mất khỏi khung hình trong khi chiếc đuôi kép vẫn còn được nhìn thấy.
Tuy nhiên, thiết kế vòng tròn logo Starbucks đã trở thành vấn đề lớn đối với công ty bởi nó được cho là quá dễ dàng để sao chép. Nhiều thương hiệu khác trên các quốc gia trên thế giới vẫn đang sao chép và sử dụng cùng một kiểu thiết kế logo cho các phiên bản nhái của Starbucks, điều này khiến một số người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là logo thật và giả.
Starbucks Logo – 2011
Phiên bản thứ tư cũng như là phiên bản mới nhất của logo Starbucks được thiết kế lại nhằm mục đích kỷ niệm 40 năm thành lập công ty. Trong lần thiết kế này, chúng ta tiếp tục có thể thấy rõ hơn hình ảnh của nàng tiên cá Siren.
Thay đổi lớn nhất với thiết kế này là chữ và dấu sao không còn là một phần của logo. Điều này là do Starbucks bắt đầu bán nhiều thứ hơn là chỉ uống cà phê. Họ muốn mở rộng công ty của mình hơn nữa bằng cách cung cấp cho khách hàng nhiều chủng loại sản phẩm hơn. Như chúng ta đều có thể thấy ngày nay, Starbucks không chỉ bán cà phê. Họ cũng bán đồ ăn sáng và trà.
Điều thú vị là thiết kế đơn giản này đã khiến Starbucks bị người hâm mộ của họ cũng như các chuyên gia thiết kế khác chỉ trích. Tuy nhiên, ngay cả khi nhận nhiều phản ứng tiêu cực, thương hiệu vẫn quyết định giữ lại logo này.
Thông qua quá trình phát triển logo của Starbucks, có thể thấy một yếu tố quan trọng đã được giữ lại trong suốt quá trình hoàn thiện logo của mình là biểu tượng Siren. Và không quá khi nói rằng đây là hình tượng đã ở lại và sẽ mãi mãi là một phần quan trọng trong thiết kế nhận diện của các thương hiệu.
Ý nghĩa đằng sau thiết kế logo của Starbucks
Những cuốn tiểu thuyết về hàng hải với những bản khắc được miêu tả trong đó đã trở thành nguồn cảm hứng cho việc tạo ra logo. Nàng tiên cá là biểu tượng của Seattle và cảng tại nơi đây. Các ngôi sao được sử dụng trong logo thương hiệu với mục đích tương quan với tên của cửa hàng bán hạt cà phê lúc bấy giờ (STARbucks).
Hình ảnh nàng tiên cá hai đuôi Siren là một trong những biểu tượng có từ thế kỷ thứ 8 . Sau khi bắt đầu đổi thương hiệu, chủ sở hữu công ty không thay đổi hoàn toàn logo mà loại bỏ phần dưới của hình ảnh. Đây là một cách để mang lại một cuộc sống mới cho Siren đã từng truyền cảm hứng cho họ, bằng cách thu hút sự chú ý vào khuôn mặt của cô ấy.
Trải qua tất cả những lần thay đổi, chủ đề biển cả vẫn luôn là khái niệm chính trong thiết kế logo của Starbucks. Để hiểu hơn về ý nghĩa logo của Starbucks, hãy cùng xét đến những yếu tố dưới đây.
Hình dạng
Có thể dễ dàng nhận thấy logo của Starbucks luôn trung thành với kiểu dáng thiết kế tròn, dù có trải qua nhiều lần thay đổi biểu tượng của mình. Và tất nhiên không điều gì là xảy ra một cách ngẫu nhiên cả, trên thực tế hình tròn là hình dạng “thần thánh” trong thiết kế đồ hoạ.
Chúng đem lại cảm giác đầy đặn, cân bằng và hoàn thiện. Ngoài ra, hình ảnh của hình tròn khiến người ta liên tưởng đến sự tiếp nối khi mà chúng không hề có điểm bắt đầu cũng như kết thúc, điều này cũng được gợi nhắc trong hình ảnh chiếc nhẫn cầu hôn, tượng trưng cho một tình yêu vĩnh cửu.
Thêm nữa, ngay từ khi vũ trụ khai sinh, hình tròn trở nên quen thuộc hơn khi được kết nối với các vật thể vũ trụ như hình dạng các ngôi sao. Qua đó, việc gắn logo với hình dạng tròn của Starbucks muốn ngụ ý rằng thương hiệu sẽ luôn luôn chuyển động, phát triển không ngừng, để lại những di sản to lớn trong ngành cà phê.
Trong phiên bản năm 1987, tên thương hiệu được lồng ghép bên trong vòng tròn đồng thời biểu thị hình ảnh ngôi sao. Tuy nhiên, trong lần cập nhật logo gần đây nhất, thiết kế đã được tối giản hoá một cách tối đa khi loại bỏ tất cả nội dung cũng như ngôi sao bên trong vòng tròn.
Màu sắc
Gam màu chủ đạo được sử dụng trong logo của Starbucks bao gồm 2 màu: xanh lục đậm và trắng. Bao quanh logo là nền màu xanh, trong khi đó “cô nàng” Siren lại được thổi hồn bằng màu trắng.
Tương tự hình tròn mà Starbucks sử dụng cho logo của mình thì gam màu mà thương hiệu lựa chọn cũng không phải ngẫu nhiên. Màu xanh lá cây trong thiết kế đồ hoạ tượng trưng sự tái sinh và phát triển, vượt xa hơn thế là đem lại cảm giác an toàn. Chúng ta hoàn toàn có thể lấy ví dụ về màu sắc trên cột đèn giao thông. Bên cạnh đó, đây cũng là gam màu dễ liên tưởng tới sự giàu có, thịnh vượng.
Xuất phát điểm là một hãng cung cấp cà phê rang, chính vì vậy dù có mở rộng danh mục sản phẩm đến cỡ nào thì cà phê luôn là giá trị cốt lõi của Starbucks. Qua đó, màu trắng trên nàng Siren giúp Starbucks dễ dàng tái hiện lại nghệ thuật latte art, được vẽ trên những ly latte.
Cách mà Starbucks lựa chọn màu sắc cho logo của mình cũng dựa trên cách mà họ mong muốn người tiêu dùng cảm nhận. Những cảm nhận tốt từ phía khách hàng có thể nâng cao lòng trung thành của khách hàng với doanh nghiệp.
Các nhà thiết kế chọn màu xanh lá đại diện cho thái độ của thương hiệu, luôn đối xử tích cực với mọi khách hàng cũng như đối tác của mình. Với màu trắng, chúng đại diện cho sự tinh khiết, sạch sẽ, gọn gàng trong từng công đoạn làm ra mỗi tách cà phê đến tay khách hàng.
Với các tiêu chí đó, xuyên suốt quá trình phát triển thương hiệu, Starbucks luôn nỗ lực tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức nhất định, như việc tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu. Họ cần đảm bảo đối tác của mình là những bác nông dân mà họ làm việc cùng phải được đối xử một cách công tâm. Nói cách khác, Starbucks luôn hi vọng được nhìn nhận là một doanh nghiệp có trách nhiệm vì cộng đồng.
Phông chữ
Hầu hết tất cả phiên bản sửa đổi logo của Starbucks (ngoại trừ phiên bản đang được sử dụng), thương hiệu đều mang đến phông chữ rất đậm nét nhưng lại cực kỳ đơn giản. Đối với những ai hiểu về thiết kế thì không khó để nhận ra đây là kiểu chữ Sans-serif, nghĩa là kiểu chữ không có chân.
Đặc trưng của phông chữ này là làm nổi bật sự tinh tế, đơn giản và trẻ trung. Đây cũng là định hướng của Starbucks khi mà thương hiệu luôn muốn tập trung vào đối tượng trẻ. Với đặc điểm của Sans-serif, Starbucks dễ được nhìn nhận là một thương hiệu thân thiện, gần gũi để mang đến trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Tuy nhiên, với sự mở rộng mạnh mẽ trên toàn cầu, Starbucks là một thương hiệu có độ nhận diện cực cao ngay cả khi che một phần của logo. Chính vì vậy, hãng quyết định loại bỏ tên thương hiệu trên logo.
Quyết định này cho thấy sự đúng đắn của Starbucks khi mà xu hướng thiết kế hiện nay là đơn giản hoá hết mức có thể, đồng thời chứng minh brand awareness được phủ rộng tới mọi đối tượng.
Biểu tượng
Như chúng ta đều biết biểu tượng đặc trưng của Starbucks là tiên cá Siren hai đuôi trên logo thương hiệu. Có rất nhiều thắc mắc xung quanh biểu tượng mang tính toàn cầu này, những câu hỏi phổ biến như “Tại sao lại là Siren?”.
Để trả lời cho câu hỏi đó, ta cần nhìn lại lịch sử hình thành của Starbucks. Cửa hàng đầu tiên của Starbucks được mở tại một khu chợ ở Seattle, thành phố cảng của Hoa Kỳ. Và đó là vì sao hãng lựa chọn Siren làm biểu tượng liên tưởng đến biển cả, hơn thế nữa tóc của nàng cũng được thiết kế gợn sóng như những cơn sóng vỗ.
Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều giả thuyết liên quan tới sự thật ẩn sâu bên trong hình ảnh của Siren, tuy nhiên thay vì làm sáng tỏ nhằm tránh gây thiệt hại cho thương hiệu thì các nhà thiết kế quyết định giữ im lặng với lý do giữ sức hấp dẫn về sự bí ẩn của nó.
Trong số giả thuyết xoay quanh vấn đề này, câu chuyện phổ biến nhất vẫn là hình ảnh Siren tượng trưng cho sự ám ảnh, nghiện ngập và dụ dỗ. Theo thần thoại Hy Lạp, so với nàng tiên cá, Siren lại là sinh vật ít được biết đến và ưa chuộng hơn cả.
Lý do là bởi các đặc tính nguy hiểm được cho là của chúng, Sirens nổi tiếng với giọng ca cao vút, trong trẻo, đầy cảm xúc làm mê hoặc thuỷ thủ, cũng như là nguyên nhân cho hàng loạt vụ đắm tàu. Chính lẽ đó, các nhà thiết kế logo quyết định vẽ đường nét mềm mại hơn, giảm độ “đáng sợ” cho Siren của mình.
Trong thiết kế mới nhất, Lippincott muốn đường nét của Siren giống hơn với hình ảnh của con người, vậy nên nhà thiết kế đã bỏ đi tính đối xứng trên gương mặt của Siren. Nếu để ý kĩ thì có thể thấy mũi của Siren được cắm sâu hơn vào nửa mặt phải của cô ấy.
Nghe thì có vẻ không đúng lắm vì trong mỹ thuật tính đối xứng luôn là tiêu chuẩn của cái đẹp, nó là thước đo của sự hài hòa trên từng đường nét. Tuy nhiên trái với nỗi lo đó, chỉnh sửa này lại giúp Starbucks đón nhận được nhiều ý kiến tích cực từ khách hàng.
Và đó là hoàn toàn nằm trong tính toán của nhà thiết kế, họ cho rằng không có ai là hoàn hảo một cách tuyệt đối, vậy nên sự bất đối xứng này làm Siren trở nên “giống người” hơn. Đồng thời cũng giúp những người tự ti về ngoại hình của mình trở nên tự tin hơn.
Tổng kết
Trong những năm qua, Starbucks đã thành công khẳng định về thương hiệu cũng như biểu tượng của mình. Bản sắc trực quan của Starbucks luôn nổi bật so với các công ty khác. Nó phù hợp với những gì thương hiệu đại diện, và đây là điều đã góp phần vào sự thành công của thương hiệu cà phê toàn cầu này.
Hi vọng bạn đọc hiểu rõ hơn về ý nghĩa logo Starbucks qua những thông tin do MISA cung cấp ở trên. Hẹn gặp bạn ở những bài viết sau nhé!