Kiến thức Quản lý nhân sự Quan hệ lao động là gì? Tìm hiểu ý nghĩa của quan...

Quan hệ lao động là gì? Tìm hiểu ý nghĩa của quan hệ lao động 

Trên báo đài vẫn thường hay nhắc đến “quan hệ lao động” trong một doanh nghiệp, tổ chức. Vậy quan hệ lao động là gì, cùng tìm hiểu khái niệm và ý nghĩa của cụm từ này trong bài viết ngày hôm nay nhé.

1. Quan hệ lao động là gì?

Khái niệm về cụm từ “quan hệ lao động” đã thực sự được quan tâm và nghiên cứu từ đầu thế kỷ 20. Từ đó đến nay, mặc dù đã có nhiều trường phái nghiên cứu cụm từ này với những cách tiếp cận khác nhau nhưng ở Việt Nam, “quan hệ lao động” được biểu hiện theo những định nghĩa sau:

Khái niệm về cụm từ “quan hệ lao động” đã thực sự được quan tâm và nghiên cứu từ đầu thế kỷ 20
Khái niệm về cụm từ “quan hệ lao động” đã thực sự được quan tâm và nghiên cứu từ đầu thế kỷ 20

Theo Khoản 5, Điều 3 Bộ luật Lao động 2019, quan hệ lao động là một mối quan hệ xã hội được phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động hay trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc các tổ chức đại diện của các bên trong quan hệ lao động hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động được chia ra làm hai loại:

  • Quan hệ lao động cá nhân.
  • Quan hệ lao động tập thể.

Ngoài ra, cụm từ “quan hệ lao động” còn được định nghĩa theo hai cách phổ biến tương ứng với hai tư tưởng về kinh tế như sau:

  • Đối với kinh tế kế hoạch hóa tập trung:

Quan hệ lao động được hiểu là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất. Cách hiểu này được được hiểu phổ biến trong những năm giữa thế kỷ XX và là một trong những bộ phận cấu thành của hệ tư tưởng kế hoạch hóa tập trung của các nước thuộc phe Xã hội Chủ nghĩa.

Hệ tư tưởng kinh tế này đã không thừa nhận sự tồn tại của quan hệ mua bán sức lao động, nghĩa là không có quan hệ chủ – thợ. Vì vậy, mọi người đều bình đẳng và làm việc vì lợi ích chung của xã hội.

  • Đối với kinh tế thị trường:

Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra định nghĩa về quan hệ lao động (Industrial Relations) như sau: “Những mối quan hệ cá nhân hay tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động tại nơi làm việc, cũng tương tự như các mối quan hệ giữa những đại diện của họ với nhà nước. Những mối quan hệ tương tự như thế xoay quanh các khía cạnh về luật pháp, kinh tế, xã hội và tâm lý học và bao gồm cả các vấn đề như tuyển dụng, thuê mướn, đào tạo, sắp xếp công việc, làm ngoài giờ, thăng chức, kỷ luật, buộc thôi việc, kết thúc hợp đồng, tiền thưởng, lợi nhuận, giáo dục, y tế, giải trí, vệ sinh, chỗ ở, giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, nghỉ phép và các vấn đề phúc lợi cho người thất nghiệp, người đau ốm, tai nạn, tàn tật và tuổi cao”.

Cụm từ này cũng có sự khác biệt giữa 2 tư tưởng kinh tế
Cụm từ này cũng có sự khác biệt giữa 2 tư tưởng kinh tế

2. Đặc điểm quan hệ lao động

Với khái niệm nêu trên thì có thể nhận thấy được quan hệ lao động có những đặc điểm như sau:

  • Thứ nhất, chủ thể của quan hệ lao động phải là người lao động và người sử dụng lao động.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động sẽ là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận hoặc hợp đồng, họ được trả lương cũng như chịu sự quản lý, giám sát và điều hành của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là từ đủ 15 tuổi và trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật Lao động này.

Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 3 của Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định người sử dụng lao động là doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn và sử dụng người lao động làm việc theo thỏa thuận; trường hợp khi người sử dụng lao động là cá nhân thì buộc họ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

  • Thứ hai, trong quan hệ lao động, người lao động luôn luôn phụ thuộc vào người sử dụng lao động.

Về mặt pháp lý, người sử dụng lao động có quyền tổ chức và quản lý quá trình lao động của người lao động và buộc người lao động phải tuân thủ. Bởi người sử dụng lao động sẽ là người có quyền sở hữu tài sản mà các yếu tố cấu thành nên quan hệ sản xuất sẽ luôn chịu sự chi phối của quan hệ sở hữu.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải bỏ tiền ra để mua sức lao động của người lao động, muốn việc sử dụng sức lao động đó đạt hiệu quả cao đòi hỏi người sử dụng lao động phải quản lý nó một cách phù hợp và khoa học.

Về lợi ích kinh tế, giữa người sử dụng lao động và người lao động vừa có sự mâu thuẫn cũng như vừa có sự thống nhất phụ thuộc lẫn nhau. Ở khía cạnh nhất định, người sử dụng lao động sẽ luôn muốn giảm tới mức thấp nhất các chi phí sử dụng trong đó có các vấn đề về tiền lương của người lao động để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Trong quan hệ lao động, người lao động luôn luôn phụ thuộc vào người sử dụng lao động
Trong quan hệ lao động, người lao động luôn luôn phụ thuộc vào người sử dụng lao động

Tuy nhiên, tiền lương và thu nhập trong quan hệ lao động lại chính là nguồn sống chủ yếu của người lao động.

Có thể thấy, sự phụ thuộc của người lao động là một trong những đặc điểm quan trọng để phân biệt quan hệ lao động với những quan hệ tương đồng khác và đồng thời là căn cứ xác định đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động.

  • Thứ ba, quan hệ lao động chứa đồng thời các yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội.

Biểu hiện của đặc điểm này nằm ở việc quan hệ lao động không chỉ liên quan đến việc làm, giải quyết việc làm nhằm hạn chế thất nghiệp và bảo đảm đời sống của người lao động hay giảm thiểu các tình trạng tệ nạn xã hội…mà nó còn liên quan đến nguồn nhân lực, việc thu hút đầu tư hay tăng trưởng và phát triển kinh tế.

3. Các hình thức của quan hệ lao động

Hình thức biểu hiện của quan hệ lao động sẽ giúp người nghiên cứu có thể quan sát để phân tích mức độ hài hòa của quan hệ lao động.

Khi quan sát một hệ thống quan hệ lao động, người quan sát sẽ chú ý vào các biểu hiện chủ yếu như sau:

  • Hình thức đại diện: Hình thức này sẽ bao gồm hình thức của các thiết chế đại diện cho người lao động cũng như hình thức của các thiết chế đại điện cho người sử dụng lao động ở nhiều cấp bậc khác nhau hay hình thức của các thiết chế đại diện cho nhà nước.
  • Hình thức đối thoại: Là cách thức tổ chức của các kênh đối thoại giữa các chủ thể trong quan hệ lao động. Các kênh đối thoại này có thể diễn ra ở các cấp độ khác nhau như: tham vấn, chia sẻ thông tin lẫn nhau hay thương lượng.
  • Hình thức tiêu chuẩn lao động: Tiêu chuẩn lao động cũng là một trong những biểu hiện của quan hệ lao động. Các tiêu chuẩn lao động tại nơi là việc gồm: pháp luật lao động, thỏa ước lao động, hợp đồng lao động, nội quy lao động hay biên bản ghi nhớ hoặc cam kết của lãnh đạo và cũng có thể là các bộ quy tắc ứng xử (COC).
  • Hình thức xung đột và giải quyết xung đột: Thực tế. tại mỗi nơi làm việc luôn tồn tại xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động. Việc quan sát biểu hiện của các xung đột này có thể giúp đánh giá được tình trạng quan hệ lao động của doanh nghiệp. Xung đột trong doanh nghiệp có thể biểu hiện và phát triển đến các cấp độ khác nhau như: mâu thuẫn, khiếu nại, hòa giải, tranh chấp, trọng tài, xét xử, đình công, bế xưởng.
Có nhiều hình thức quan hệ lao động khác nhau
Có nhiều hình thức quan hệ lao động khác nhau

Xây dựng quan hệ lao động 

Tại Điều 7. Xây dựng quan hệ lao động Bộ Luật lao động 2019 quy định như sau:

  1. Quan hệ lao động thường được xác lập qua đối thoại, thương lượng và thỏa thuận dựa theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.
  2. Người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức đại diện người lao động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  3. Công đoàn tham gia cùng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; giám sát việc thi hành quy định của pháp luật về lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
  4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác được thành lập theo quy định của pháp luật có vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Như vậy, việc xây dựng quan hệ lao động được quy định dựa trên Bộ Luật lao động, cụ thể là quan hệ lao động được xác lập thông qua đối thoại, thương lượng hoặc thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, vì các quan hệ lao động đều thông qua những hợp đồng lao động để xác lập về quyền và nghĩa vụ và theo nguyên tắc tiến bộ, ổn định và hài hòa dưới sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phát triển hơn nữa các mối quan hệ lao động.

Việc xây dựng được quy định dựa trên Bộ Luật lao động
Việc xây dựng quan hệ lao động được quy định dựa trên Bộ Luật lao động

Ngoài ra, các công đoàn tham gia cùng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của Bộ Luật Lao động cũng cần có vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi cũng như lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và tham gia xây dựng quan hệ lao động theo quy định của Nhà nước.

Kết luận

Trên đây là những thông tin về Quan hệ lao động là gì cũng như ý nghĩa của cụm từ này trong doanh nghiệp. Mong rằng những chia sẻ của MISA CukCuk trong bài viết trên sẽ trở nên hữu ích với bạn đọc! 

 1,136 

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]