Kiến thức nhân sự Bảo hiểm và Thuế Hướng dẫn quy trình, thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp nhanh...

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người lao động hiện nay do thiếu kiến thức về BHTN, nên đã đánh mất nhiều quyền lợi của bản thân, hoặc là sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm hồ sơ nhận BHTN. 

Để giúp người lao động hiểu đúng, và nắm rõ quyền lợi của bản thân, trong bài viết dưới đây, Misa Amis sẽ hướng dẫn các bạn chi tiết về quy trình và thủ tục nhận BHTN dễ dàng và nhanh chóng nhất. Và để nắm và thực hiện quy trình đó một cách tốt nhất, người lao động cần phải hiểu được những kiến thức quan trọng liên quan tới BHTN. 

>> Xem thêm: BHXH và các kiến thức cần biết dành cho cả người lao động và doanh nghiệp

Các kiến thức cần biết về BHTN
Các kiến thức cần biết về BHTN

Các đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định tại Điều 43, Luật Việc làm 2013, có 2 đối tượng bắt buộc phải tham gia BHTN đó là người lao động và người sử dụng lao động thỏa mãn các điều kiện sau đây: 

Người lao động:

  • Đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với doanh nghiệp
  • Đã ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 03 tháng trở lên với doanh nghiệp

Người sử dụng lao động 

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân
  • Các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp
  • Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam 
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác,…
  • Cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn (hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 03 tháng trở lên)

Lưu ý: Người lao động đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

>> Xem thêm: Các loại bảo hiểm bắt buộc trong doanh nghiệp và mức phí mới nhất

Các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động

Khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, một trong những thông tin quan trọng nhất mà người lao động cần nắm rõ để không bỏ lỡ các quyền lợi được hưởng đó chính là các chế độ của BHTN.

Theo căn cứ tại Điều 42, Luật việc làm 2014, 04 quyền lợi cơ bản mà người lao động được hưởng khi tham gia BHTN bao gồm:

  • Trợ cấp thất nghiệp
  • Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
  • Hỗ trợ học nghề
  • Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong những năm gần đây, chế độ BHTN đã có thêm một số bổ sung để hỗ trợ người lao động cũng như người sử dụng lao động. Ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP, quy định về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó quy định giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động từ 1% xuống còn 0% từ 01/10/2021 đến 30/9/2022. 

Các mức đóng và mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Mức đóng BHTN

Theo quy định tại Điều 57 Luật Việc làm 2013, mức đóng hàng tháng của người lao động và người sử dụng lao động như sau:

  • Người lao động: đóng 1% tiền lương tháng
  • Người sử dụng lao động: đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia.

Tiền lương tính để đóng bảo hiểm thất nghiệp được chia theo các vùng, cụ thể như trong bảng sau:

Vùng  NLĐ chưa qua học nghề  NLĐ đã qua học nghề 
Vùng I 4.420.000 4.729.400
vùng II 3.920.000 4.194.400
Vùng III 3.430.000 3.670.100
Vùng IV 3.070.000 3.284.900

Tiền lương tính đóng BHTN theo từng vùng

Mức hưởng BHTN

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo quy định tại Điều 50, Luật việc làm 2013: 

Mức hưởng hằng tháng = 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Trong đó:

  • Đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: mức hưởng hàng tháng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng.
  • Đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định (ngoài nhà nước):mức hưởng hàng tháng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

Số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động được quy định như sau: 

  • Người lao động đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp: Được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.
  • Người lao động cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Mức hưởng về hỗ trợ đào tạo nghề 

Theo Quyết định 17/2021/QĐ-TTg: từ ngày 31/03/2021, mức hỗ trợ đào tạo nghề đã chính thức tăng, cụ thể như sau:

  • Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề và thời gian học nghề thực tế, tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.
  • Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

Điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp 

Khi nào thì người lao động được hưởng các quyền lợi và chế độ liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp? Và điều kiện để nhận trợ cấp thất nghiệp bao gồm những gì? Chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu trong phần nội dung này nhé!

Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thỏa mãn đủ các điều kiện sau đây:

  • Chấm dứt hợp đồng lao động tại đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp,…trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc người lao động chấm dứt hợp đồng và được nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng. 
  • Đã tham gia BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động
  •  Đã tham gia BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
  • Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động..
  • Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ, trừ các trường hợp:

+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.

+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

+ Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

+ Ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.

+ Qua đời.

Quy trình nhận bảo hiểm thất nghiệp nhanh chóng dành cho người lao động

Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ theo Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp gồm có: 

  • Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu do Bộ LĐTBXH quy định);
  • Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động đã hết hạn; Quyết định thôi việc hoặc Quyết định sa thải hoặc Quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động
  • Sổ BHXH
  • 02 ảnh kích thước 3 x 4
  • CMND/CCCD, sổ hộ khẩu/sổ tạm trú nếu nộp hồ sơ hưởng tại nơi cư trú và kèm theo bản gốc để đối chiếu

Quy trình, thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp 

thu-tuc-ho-so-bao-hiem-that-nghiep
Hướng dẫn thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp cho người lao động

Bước 1: Nộp hồ sơ

Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ cho Trung tâm Giới thiệu việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Bước 2: Chờ giải quyết hồ sơ

Thời hạn giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp như sau:

  • Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
  • Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, trung tâm giới thiệu việc làm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ BHXH có xác nhận trả cho người lao động.

Trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm giới thiệu việc làm phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thời điểm tính hưởng trợ cấp thất nghiệp: Ngày thứ 16 tính từ ngày nộp hồ sơ.

Bước 3: Nhận tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ thời điểm có quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan BHXH tại địa phương sẽ thực hiện chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho người lao động kèm theo thẻ BHYT. 

Hàng tháng, cơ quan BHXH thực hiện chi trả trợ cấp TN trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó nếu không  nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động

Bước 4: Thông báo tìm việc hàng tháng của người lao động 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 19, Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hàng tháng người lao động phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp chưa tìm được việc làm (theo đúng lịch hẹn kèm theo Quyết định trợ cấp thất nghiệp).

Trong tháng nếu người lao động không đến thông báo theo quy định, sẽ bị cắt hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó. Nếu người lao động không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm về tình hình tìm kiếm việc làm quá thời hạn quy định, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ đồng thời gửi thông báo lên cơ quan BHXH và gửi thông báo đến người lao động về việc ngừng hưởng trợ cấp của người lao động đó.

Trên đây là những thông tin quan trọng về bảo hiểm thất nghiệp, cũng như hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp nhanh chóng cho người lao động. Một lời khuyên dành cho các bạn đó là nên tìm hiểu thật kỹ các vấn đề liên quan tới luật lao động, đặc biệt là BHTN, BHXH, BHYT,…để đảm bảo không bỏ lỡ quyền lợi cũng như luôn thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi tham gia thị trường lao động. 

Dành cho các doanh nghiệp: Nhằm giải quyết những khó khăn của bộ phận nhân sự trong công tác liên quan tới hồ sơ, bảo hiểm, các thủ tục BHXH và các khoản mà doanh nghiệp phải đóng cho cơ quan Nhà nước, Misa Amis đã phát triển thành công phần mềm Amis BHXH với nhiều tính năng hữu ích. Đây là công cụ được kết nối trực tiếp với cơ quan BHXH Nhà nước, giúp tự động hóa 19 thủ tục kê khai BHXH, cũng như tự động tính toán các khoản hàng tháng mà doanh nghiệp và người lao động phải nộp, cực kỳ nhanh chóng và thuận tiện.

Hãy đăng ký để để được tư vấn hoàn toàn miễn phí!!!

CTA nhận tư vấn

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]