Theo một khảo sát trên LinkedIn của Harvard Business Publishing, yếu tố có tác động lớn nhất đến việc giữ chân nhân viên là “Cơ hội học hỏi và phát triển” (cao gấp 2.5 lần yếu tố “Lương thưởng cạnh tranh”).
Trước thực trạng đó, mô hình sự nghiệp dạng lưới (Career Lattice) đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng như một chiến lược linh hoạt để giữ chân nhân viên, thông qua việc “phá vỡ” rào cản của con đường thăng tiến truyền thống, tạo nhiều cơ hội phát triển cho nhân viên ngay trong tổ chức, để từ đó, chính doanh nghiệp cũng được lợi khi giữ chân được đội ngũ nhân sự chất lượng cao.
Trong bài viết này, hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu tổng quan sự nghiệp dạng lưới là gì, chiến lược triển khai mô hình này trong doanh nghiệp và những rào cản lãnh đạo cần vượt qua.
1. Sự nghiệp dạng lưới (Career Lattice) là gì?
Sự nghiệp dạng lưới (Career Lattice) là mô hình phát triển nghề nghiệp linh hoạt, trong đó nhân viên không chỉ thăng tiến theo chiều dọc (lên vị trí cao hơn) mà còn có thể di chuyển theo chiều ngang (sang bộ phận khác) hoặc chéo (kết hợp nhiều kỹ năng khác nhau).
Mô hình này phù hợp với bối cảnh kinh doanh hiện đại, khi các tổ chức ngày càng chú trọng vào sự phát triển đa năng của nhân viên để tối ưu hóa nguồn lực, tăng tính linh hoạt và đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.
2. Ví dụ về sự nghiệp dạng lưới
Minh là Chuyên viên Marketing tại một công ty thương mại điện tử. Theo mô hình sự nghiệp bậc thang, con đường thăng tiến của anh khá cố định: từ Trưởng nhóm Marketing lên Trưởng phòng Marketing, rồi có thể tiến đến vị trí Giám đốc Marketing (CMO). Tuy nhiên, nếu không có cơ hội thăng chức, Minh có thể cảm thấy bế tắc.
Với mô hình sự nghiệp dạng lưới, Minh có nhiều hướng phát triển linh hoạt hơn:
- Phát triển sâu trong vai trò hiện tại: Nhận thêm dự án lớn, mở rộng kỹ năng về quản lý chiến dịch hoặc marketing số. Minh cũng có thể hợp tác với bộ phận Kinh doanh để hiểu hơn về hành vi khách hàng.
- Chuyển sang vị trí ngang trong công ty: Lựa chọn trở thành chuyên viên Content Marketing, Performance Marketing hoặc Brand Marketing tùy theo nguyện vọng
- Nhận nhiệm vụ tạm thời hoặc dự án ngắn hạn: Tham gia dự án quốc tế hoặc liên phòng ban để học hỏi thêm.
- Tái định hướng sự nghiệp: Tạm dừng công việc để học chuyên sâu về Data Analytics hoặc Product Management, sau đó quay lại với hướng đi mới.
- Chuyển sang bộ phận khác nhưng vẫn trong công ty: Nếu quan tâm đến chiến lược, anh có thể chuyển sang Business Development để làm việc với lãnh đạo về mở rộng thị trường.
3. Sự khác biệt giữa sự nghiệp dạng lưới và sự nghiệp dạng bậc thang
Ví dụ phía trên của Minh đã mô phỏng khác biệt lớn nhất của mô hình sự nghiệp bậc thang (career ladder) và sự nghiệp dạng lưới (career lattice). Tuy nhiên, số lượng cơ hội phát triển không phải là khác biệt duy nhất.
Để hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa hai mô hình sự nghiệp này, mời bạn đọc nhìn vào bảng so sánh dưới đây:
Tiêu chí | Sự nghiệp bậc thang (career ladder) | Sự nghiệp dạng lưới (career lattice) |
Định hướng phát triển | Chỉ theo chiều dọc | Đa hướng (ngang, dọc, chéo) |
Mức độ linh hoạt | Hạn chế | Cao |
Phù hợp với ngành nghề | Công việc cố định, ít thay đổi | Công việc đa dạng, yêu cầu nhiều kỹ năng |
Cơ hội học hỏi | Hạn chế ngoài lĩnh vực chuyên môn | Phát triển kỹ năng đa dạng |
Tốc độ thăng tiến | Phụ thuộc vào số lượng vị trí cấp cao có sẵn | Tăng cường phát triển cá nhân, không phụ thuộc vào thăng tiến chức danh |
Mức độ giữ chân nhân viên | Dễ gây cảm giác bế tắc | Giữ chân nhân viên nhờ cơ hội phát triển phong phú |
Mức độ phù hợp với doanh nghiệp | Các tổ chức truyền thống, cơ cấu cứng nhắc | Các doanh nghiệp hiện đại, sáng tạo và linh hoạt |
Việc lựa chọn mô hình sự nghiệp phù hợp phụ thuộc vào đặc thù của doanh nghiệp và ngành nghề. Trong khi mô hình bậc thang phù hợp với các tổ chức có cấu trúc cứng nhắc và quy trình chặt chẽ, thì mô hình dạng lưới lại là lựa chọn tối ưu cho các doanh nghiệp cần sự linh hoạt, đổi mới và phát triển nguồn nhân lực bền vững.
4. Vì sao doanh nghiệp nên áp dụng mô hình sự nghiệp dạng lưới?
Việc áp dụng mô hình sự nghiệp dạng lưới không chỉ mang lại lợi ích cho tổ chức, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho người lao động. Nhờ vào những lợi ích vượt trội này, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng việc “phá bỏ” nấc thang thăng tiến truyền thống không chỉ giúp giữ chân nhân tài mà còn giúp tổ chức vận hành hiệu quả hơn.
Khi áp dụng mô hình sự nghiệp dạng lưới, doanh nghiệp có thể đạt được những lợi ích rõ rệt về chi phí, hiệu suất và năng lực nội tại, cụ thể như sau:
4.1. Tăng cường sự linh hoạt và thích ứng với thay đổi
Khả năng điều chỉnh nhanh chóng về chiến lược nhân sự là yếu tố sống còn với mọi tổ chức. Mô hình sự nghiệp dạng lưới giúp tổ chức dễ dàng tái phân bổ nguồn lực, cho phép nhân viên luân chuyển giữa các bộ phận để đáp ứng nhu cầu thực tế mà không bị bó buộc vào một con đường thăng tiến cố định.
4.2. Giữ chân nhân tài thông qua cơ hội phát triển đa dạng
Một trong những lý do khiến nhân viên rời bỏ doanh nghiệp là cảm giác bị mắc kẹt trong một vị trí cố định, không có cơ hội học hỏi và phát triển. Mô hình sự nghiệp dạng lưới giúp giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra nhiều lộ trình phát triển linh hoạt, nơi nhân viên có thể thử sức với những vai trò khác nhau mà vẫn nằm trong hệ thống của tổ chức.
4.3. Thúc đẩy văn hóa học tập và chia sẻ kiến thức
Khi nhân viên được khuyến khích phát triển đa dạng kỹ năng, họ sẽ có cơ hội làm việc với nhiều phòng ban khác nhau, từ đó tạo ra sự trao đổi kiến thức liên ngành. Việc chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ đồng nghiệp giúp tổ chức xây dựng một lực lượng lao động linh hoạt, sáng tạo và có tư duy mở.
4.4. Tối ưu nguồn lực và giảm chi phí tuyển dụng
Việc đào tạo và phát triển nhân viên nội bộ sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc vào tuyển dụng bên ngoài. Khi nhân viên có thể đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong tổ chức, doanh nghiệp sẽ hạn chế tình trạng thiếu hụt nhân sự và tiết kiệm chi phí tuyển dụng, đào tạo nhân viên mới.
5. Thách thức khi triển khai mô hình sự nghiệp dạng lưới
Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích kể trên, doanh nghiệp cần có một chiến lược chuyển đổi bài bản. Việc này không đơn giản, bởi nó đồng nghĩa với việc thay đổi cấu trúc và cách thức phát triển nhân sự trong tổ chức. Đây là một bước đi lớn, đòi hỏi lãnh đạo không chỉ phải nhận thức được những thách thức mà còn phải vượt qua các rào cản trong quá trình chuyển đổi.
Trong phần này, hãy cùng MISA AMIS điểm qua 3 thách thức chính mà doanh nghiệp cần vượt qua khi triển khai mô hình sự nghiệp dạng lưới:
- Kháng cự từ nhân viên và quản lý: Nhân viên có thể cảm thấy không chắc chắn về việc thay đổi vai trò, trong khi quản lý có thể lo lắng về việc mất đi những nhân viên giỏi trong bộ phận của họ. Do đó, doanh nghiệp cần có chiến lược truyền thông nội bộ hiệu quả để giúp các bên hiểu rõ lợi ích của mô hình này.
- Yêu cầu về đào tạo và phát triển: Để triển khai mô hình sự nghiệp dạng lưới thành công, doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo nội bộ, cung cấp các khóa học phát triển kỹ năng và tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi liên tục. Việc đào tạo phải được thực hiện thường xuyên để đảm bảo nhân viên có đủ kỹ năng cần thiết khi chuyển đổi công việc trong tổ chức.
- Điều chỉnh cấu trúc tổ chức: Mô hình sự nghiệp dạng lưới yêu cầu một hệ thống quản lý nhân sự linh hoạt hơn, trong đó các chính sách thăng tiến không chỉ giới hạn trong một con đường cố định. Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh trong cấu trúc tổ chức để hỗ trợ nhân viên phát triển theo nhiều hướng khác nhau.
6. Chiến lược triển khai mô hình sự nghiệp dạng lưới trong tổ chức
Để triển khai mô hình sự nghiệp dạng lưới một cách hiệu quả, doanh nghiệp không thể đơn giản “xóa bỏ” các ranh giới giữa các vị trí và cấp bậc. Việc chuyển đổi này cần được thực hiện theo một chiến lược rõ ràng, thu hút sự đồng thuận từ tất cả các bên và đảm bảo có đầy đủ sự hỗ trợ cho nhân viên trong quá trình thay đổi.
Dưới đây là một số gợi ý từ MISA AMIS giúp doanh nghiệp thúc đẩy tinh thần khai phá sự nghiệp ngay trong chính tổ chức của mình:
6.1. Đánh giá hiện trạng và nhu cầu
Để triển khai mô hình sự nghiệp dạng lưới một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần thực hiện một cuộc đánh giá toàn diện về hiện trạng nguồn nhân lực. Điều này bao gồm việc xác định điểm mạnh, điểm yếu của tổ chức, những khoảng trống về kỹ năng và nhu cầu phát triển trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc thu thập phản hồi từ nhân viên là yếu tố quan trọng để hiểu được mong muốn phát triển của họ. Một số phương pháp có thể áp dụng như khảo sát nhân sự, phỏng vấn cá nhân, hoặc tổ chức các buổi thảo luận mở. Những thông tin thu được sẽ giúp doanh nghiệp thiết kế các lộ trình sự nghiệp đáp ứng cả nhu cầu của tổ chức lẫn nhân viên, từ đó tăng mức độ hài lòng và cam kết của họ với công ty.
6.2. Thiết kế lộ trình phát triển linh hoạt
Một trong những khác biệt quan trọng của mô hình sự nghiệp dạng lưới so với mô hình truyền thống là khả năng phát triển đa chiều, không bị giới hạn trong một con đường thăng tiến cố định. Doanh nghiệp cần xây dựng các lộ trình sự nghiệp linh hoạt, cho phép nhân viên phát triển theo nhiều hướng khác nhau như:
- Phát triển theo chiều ngang: Nhân viên có thể luân chuyển giữa các phòng ban để mở rộng kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Ví dụ, một chuyên viên nhân sự có thể làm việc ở bộ phận đào tạo, sau đó chuyển sang quản lý nhân sự tổng hợp để có cái nhìn toàn diện hơn.
- Phát triển theo chiều chéo: Kết hợp nhiều kỹ năng từ các lĩnh vực khác nhau, giúp nhân viên có thể đảm nhận các vai trò đa năng. Chẳng hạn, một nhân viên marketing có thể học thêm về phân tích dữ liệu để làm việc hiệu quả hơn trong các chiến dịch tiếp thị dựa trên dữ liệu.
- Phát triển theo chiều dọc: Những nhân viên có năng lực có thể thăng tiến lên các vị trí cao hơn thông qua các chương trình lãnh đạo và đào tạo chuyên sâu.
Việc tạo điều kiện cho nhân viên chuyển đổi công việc nội bộ thay vì tuyển dụng bên ngoài không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giữ chân những nhân sự giỏi, đảm bảo sự phát triển ổn định của tổ chức.
6.3. Xây dựng văn hóa học tập liên tục
Một yếu tố quan trọng để mô hình sự nghiệp dạng lưới hoạt động hiệu quả là doanh nghiệp cần thúc đẩy văn hóa học tập liên tục, giúp nhân viên không ngừng nâng cao kỹ năng và kiến thức mới. Một số cách để thực hiện điều này bao gồm:
- Khuyến khích chia sẻ tri thức nội bộ: Tổ chức các buổi hội thảo nội bộ, nhóm làm việc chuyên đề, nơi nhân viên có thể học hỏi lẫn nhau từ kinh nghiệm thực tế.
- Xây dựng chương trình cố vấn (mentoring): Kết nối nhân viên có kinh nghiệm với những người mới hoặc nhân viên muốn mở rộng kỹ năng sang lĩnh vực khác. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự gắn kết mà còn tạo ra một hệ sinh thái học tập bền vững.
- Đào tạo liên ngành: Cung cấp các khóa học chuyên môn mở rộng, giúp nhân viên có thể tiếp cận với những kiến thức từ các lĩnh vực khác nhau, từ đó có thể linh hoạt chuyển đổi công việc trong tổ chức.
Việc xây dựng một môi trường học tập liên tục sẽ giúp nhân viên cảm thấy có động lực phát triển bản thân, đồng thời tạo ra một lực lượng lao động có khả năng thích ứng cao với những thay đổi của tổ chức và thị trường.
6.4. Sử dụng công nghệ hỗ trợ
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai mô hình sự nghiệp dạng lưới, giúp doanh nghiệp theo dõi, quản lý và cá nhân hóa lộ trình phát triển cho từng nhân viên. Một số giải pháp có thể áp dụng bao gồm:
- Nền tảng quản lý nhân sự (HRM – Human Resource Management): Các phần mềm này giúp lưu trữ và phân tích dữ liệu về kỹ năng, thành tích của nhân viên, từ đó đề xuất các vị trí phù hợp dựa trên năng lực và nguyện vọng của họ.
- Hệ thống quản lý học tập (LMS – Learning Management System): Hỗ trợ cung cấp các khóa đào tạo trực tuyến, giúp nhân viên dễ dàng tiếp cận kiến thức mới và nâng cao chuyên môn một cách linh hoạt.
- Ứng dụng AI trong quản lý nhân sự: AI có thể được sử dụng để cá nhân hóa lộ trình phát triển nghề nghiệp, phân tích dữ liệu về kỹ năng và đề xuất các cơ hội đào tạo phù hợp với từng nhân viên. Điều này giúp họ tối ưu hóa quá trình học tập và nhanh chóng đạt được các mục tiêu sự nghiệp.
7. Kết luận
Sự nghiệp dạng lưới mang lại nhiều lợi ích cả cho doanh nghiệp và nhân viên, giúp tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra một môi trường làm việc linh hoạt, bền vững. Để triển khai thành công, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược rõ ràng, đầu tư vào đào tạo và sử dụng công nghệ hỗ trợ. Bằng cách này, tổ chức có thể giữ chân nhân tài và nâng cao hiệu suất hoạt động trong bối cảnh kinh doanh hiện đại.