Chiến lược marketing của Katinat và cách thấu hiểu insight khách hàng

29/11/2024
827

Chiến lược marketing của Katinat độc đáo như thế nào mà chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm phát triển, thương hiệu đã lọt top 12 thương hiệu trà và cà phê nổi tiếng Việt Nam.

Bước đi ngoạn mục nào đã giúp cho Katinat thu hút được lượng lớn khách hàng biết tới? Hãy cùng khám phá câu trả lời và tìm hiểu chi tiết chiến lược marketing của Katinat qua bài viết dưới đây nhé ! 

chien-luoc-marketing-cua-katinat
Katinat và hành trình chinh phục phong vị mới
Mục lục Hiện

I. Giới thiệu về thương hiệu Katinat

Tổng quan thị trường Cafe Việt và thương hiệu Katinat

Thị trường cafe Việt đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, đây là một thời cơ ngàn vàng để các thương hiệu cafe xác định vị thế trên thị trường đầy cạnh tranh.

Theo Mordor Intelligence, Quy mô Thị trường Cà phê Việt Nam ước tính đạt 511,03 triệu USD vào năm 2024 và dự kiến ​​sẽ đạt 763,46 triệu USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 8,13% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).  Theo dự  báo này, thị trường cafe Việt trong thời gian tới vẫn là một mảnh đất vô cùng màu mỡ, tuy nhiên cũng là thách thức to lớn cho các thương hiệu trong ngành.

Katinat, một thương hiệu cafe nổi tiếng của Sài Gòn cũng không nằm ngoài sự phát triển đó. Được biết đến là một trong những thương hiệu nổi bật trong ngành cà phê tại Việt Nam, Katinat chuyên cung cấp các sản phẩm cà phê rang xay chất lượng cao, trà, và các thức uống khác.

Nổi tiếng không chỉ bởi hương vị, Katinat còn được nhiều thế hệ người Việt yêu mến và coi đây là một phần trong văn hóa thưởng thức cà phê của người dân Việt Nam.

Katinat thuộc công ty nào? 

Katinat có tên đầy đủ là Katinat Saigon Kafe, thuộc sở hữu của công ty Cổ phần Café Katinat. Được thành lập từ đầu năm 2016, tự hào là thương hiệu cà phê đặc trưng tại Sài Gòn, Katinat mang trong mình những sản phẩm chất lượng, thiết kế độc đáo phù hợp với hầu hết các đối tượng khách hàng.

Katinat cũng nằm trong hệ thống cung ứng và hệ sinh thái ẩm thực F&B của công ty CP D1-Concepts. Đây là một đơn vị nổi bật trong lĩnh vực F&B Việt Nam, sở hữu nhiều chuỗi thương hiệu đình đám như Katinat, Phê La, San Fu Lou, Dì Mai và Sorae. D1 Concepts đã phát triển mạnh mẽ, mở rộng ra nhiều tỉnh thành và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Việt.

Katinat là gì?

Cái tên Katinat được lấy cảm hứng từ tên đường Catinat của Sài Gòn xưa. Chữ K cách điệu thể hiện nét hiện đại của thương hiệu. Katinat không chỉ đại diện cho phong cách sống và văn hóa thưởng thức cà phê đặc trưng của “Hòn ngọc Viễn Đông”, mà còn là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ điển và sự sáng tạo hiện đại.

logo-katinat
Logo cách điệu của Katinat

Hành trình của Katinat là hành trình chinh phục phong vị mới, không ngừng theo đuổi sứ mệnh mang phong vị mới từ những vùng đất trứ danh tại Việt Nam và trên thế giới đến khách hàng.

Katinat có bao nhiêu chi nhánh?

Hiện tại, Katinat đã có hơn 70 chi nhánh trên toàn quốc, với sự hiện diện mạnh mẽ tại các thành phố lớn đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh. Những năm trở lại đây, thương hiệu đã thay đổi chiến lược kinh doanh và tiến đến các tỉnh, thành phố lớn tại miền Bắc.

Mỗi chi nhánh của Katinat đều mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thưởng thức cà phê hoàn hảo, với thiết kế không gian linh hoạt, Katinat đã tạo nên đặc trưng riêng chỉ có ở thương hiệu này.

II. Phân tích thị trường mục tiêu và đối thủ cạnh tranh của Katinat

Khách hàng mục tiêu của Katinat 

Khách hàng mục tiêu của Katinat hướng đến là 3 nhóm chính sau:

Nhóm nhân viên văn phòng, người làm việc online, freelance

  • Đặc điểm: Đây là nhóm khách hàng mục tiêu của Katinat, họ thường xuyên làm việc trong các môi trường văn phòng hoặc làm việc từ xa. Nhóm này có nhu cầu cao về không gian thoải mái, tiện nghi và chất lượng dịch vụ.
  • Tâm lý: Họ coi cà phê như một phần không thể thiếu trong công việc hàng ngày, ưu tiên chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Họ sẵn sàng chi trả cho không gian và dịch vụ tốt, đồng thời dễ dàng trở thành khách hàng trung thành.

Nhóm học sinh, sinh viên, gen Z yêu thích cafe: 

  • Đặc điểm: Nhóm khách hàng này chủ yếu là học sinh, sinh viên hoặc giới trẻ với thu nhập không ổn định. Họ đến Katinat chủ yếu để gặp gỡ bạn bè, học tập hoặc thư giãn trong không gian quán.
  • Tâm lý: Dù thu nhập hạn chế, họ có nhu cầu cao về trải nghiệm, yêu thích các không gian năng động, hiện đại và có nhiều lựa chọn đồ uống phù hợp với sở thích cá nhân.
khach-hang-muc-tieu-cua-katinat
Khách hàng mục tiêu của Katinat có 3 nhóm chính

Nhóm khách hàng trải nghiệm: 

  • Đặc điểm: Đây là nhóm khách hàng tiềm năng, họ đến Katinat để trải nghiệm các sản phẩm và không gian mới lạ. Nhóm này có xu hướng khám phá các thương hiệu mới và tìm kiếm sự khác biệt trong trải nghiệm cà phê.
  • Tâm lý: Họ có sự tò mò, thích khám phá và sẵn sàng thử nghiệm các loại thức uống mới. Nếu hài lòng, nhóm này có khả năng trở thành khách hàng thường xuyên của Katinat.

Việc phân nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể cũng phần nào cho thấy chiến lược marketing của Katinat chú ý đến insight khách hàng như thế nào.

Đối thủ cạnh tranh của Katinat 

Trên thị trường cà phê Việt Nam, Katinat phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu lớn và phổ biến khác như Trung Nguyên, Highlands Coffee, The Coffee House và Phúc Long. Mỗi thương hiệu này đều có những chiến lược riêng biệt nhằm thu hút khách hàng, tạo ra những cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành cà phê.

Đối thủ cạnh tranh trực tiếp: Highlands Coffee, The Coffee House, Starbucks, Costa Coffee, Dunkin’ Donuts và các chuỗi cà phê quốc tế khác.

Đối thủ cạnh tranh gián tiếp: Chuỗi cà phê địa phương tại Việt Nam.

Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn: Quán cà phê độc lập.

doi-thu-canh-tranh-cua-katinat
Sự đối đầu căng thẳng trong ngành Cafe Việt

III. Ma trận SWOT của Katinat

Điểm mạnh (Strengths)

  • Sản phẩm đa dạng: Thực đơn phong phú với các loại đồ uống như cà phê, trà sữa, smoothies, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
  • USP khác biệt: Cà phê là sản phẩm chủ lực, mang đậm bản sắc Sài Gòn, tạo sự khác biệt.
  • Vị trí đắc địa: Các chi nhánh ở những khu vực trung tâm, thuận tiện cho khách hàng.
  • Chiến lược truyền thông sáng tạo: Không cần đầu tư lớn vào quảng cáo nhưng biết cách tạo xu hướng mạnh mẽ trên mạng xã hội.
  • Không gian linh hoạt: Thiết kế cửa hàng thoải mái, thu hút khách hàng đến trải nghiệm.

Điểm yếu (Weaknesses)

  • Giá cao hơn so với thị trường: Giá cả của Katinat cao hơn so với các thương hiệu cà phê phổ thông, điều này có thể là một rào cản đối với nhóm khách hàng có thu nhập trung bình hoặc những người tìm kiếm lựa chọn tiết kiệm hơn.
  • Mạng lưới phân phối hạn chế: Hiện tại, Katinat chủ yếu tập trung tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, khiến khả năng mở rộng ra các thị trường mới và tiếp cận khách hàng ở các khu vực khác còn gặp khó khăn.

Cơ hội (Opportunities)

  • Thị trường cà phê Việt Nam lớn: Tiềm năng phát triển cao khi cà phê là thức uống yêu thích của người Việt.
  • Nhu cầu ngày càng cao: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các thương hiệu cà phê chất lượng.
  • Mở rộng sang các thị trường quốc tế: Với sự phát triển của ngành cà phê tại các nước châu Á, Katinat có cơ hội lớn để mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia yêu thích cà phê.

Thách thức (Threats)

  • Cạnh tranh khốc liệt: Các thương hiệu lớn như Trung Nguyên, Highlands Coffee luôn có mạng lưới rộng, ngân sách marketing mạnh và những chiến lược mạnh mẽ để duy trì thị phần.
  • Thay đổi thói quen tiêu dùng: Việc người tiêu dùng chuyển sang các hình thức giao hàng trực tuyến cũng là một thách thức lớn đối với các chuỗi quán cà phê truyền thống như Katinat.
  • Khác biệt văn hóa cà phê: Sự khác biệt trong thói quen uống cà phê giữa các vùng miền có thể tạo rào cản trong việc mở rộng.

Chuyển nhanh sang: Ma trận SWOT của Coca Cola – Ông lớn ngành nước giải khát 

IV. Phân tích chiến lược kinh doanh của Katinat

Mục tiêu chiến lược

Katinat Saigon Kafe được xây dựng để mang đậm phong cách cà phê Sài Gòn, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Ban đầu, mục tiêu tập trung vào thị trường miền Nam, đặc biệt là TP.HCM, với các sản phẩm cà phê vỉa hè truyền thống.

Tuy nhiên, với sự thay đổi trong nhu cầu thị trường, Katinat đã mở rộng mục tiêu để phục vụ nhóm khách hàng trẻ và phát triển cả thị trường miền Bắc.

dinh-vi-khac-biet-cua-katinat
Katinat mang đậm phong cách cà phê Sài Gòn

Hành trình biến chuyển trong chiến lược kinh doanh của Katinat 

Bước đi sai lầm của Katinat trong giai đoạn khởi đầu 

Katinat khởi đầu với mục tiêu xây dựng một thương hiệu cà phê vỉa hè theo phong cách Sài Gòn truyền thống, với các sản phẩm như cà phê đen, cà phê sữa, bạc xỉu, trà oolong machiato…

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chiến lược kinh doanh của Katinat không thực sự tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường. Mặc dù sản phẩm được định hướng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng tại TP.HCM, nhưng Katinat lại chưa phát triển một sản phẩm “signature” để tạo sự khác biệt.

Katinat cũng thiếu các chiến dịch marketing mạnh mẽ để xây dựng nhận diện thương hiệu. Do đó, trong suốt giai đoạn từ 2016 đến 2020, Katinat chỉ sở hữu một vài cửa hàng nhỏ và chưa thực sự trở thành cái tên quen thuộc với người tiêu dùng.

Quyết định thay đổi định vị  

Sau đại dịch, khi thị trường F&B bước vào thời kỳ tái cơ cấu, Katinat đã nắm bắt cơ hội để chuyển mình mạnh mẽ. Thay vì tiếp tục giữ nguyên mô hình cũ, thương hiệu này đã tiến hành một cuộc “lột xác” về cả không gian cửa hàng lẫn sản phẩm.

Katinat không chỉ mở rộng số lượng chi nhánh mà còn thay đổi nhận diện thương hiệu, chọn các vị trí đắc địa tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Những cửa hàng mới không chỉ có không gian rộng rãi, mà còn được thiết kế theo phong cách hiện đại và sang trọng, thu hút nhóm khách hàng trẻ, năng động.

Bên cạnh đó, Katinat cũng đẩy mạnh các chiến dịch marketing độc đáo, chẳng hạn như chiến dịch “ly cầu vồng”, đã giúp thương hiệu thu hút sự chú ý và tạo thành một “hiện tượng” trong cộng đồng mạng.

chien-luoc-marketing-cua-katinat-ve-san-pham
Sự thay đổi ngoạn mục đã làm cho thương hiệu bùng nổ

Đẩy mạnh chiến lược kinh doanh 

Sau khi củng cố được vị thế tại thị trường phía Nam, Katinat đã quyết định mở rộng ra miền Bắc, bắt đầu với việc mở cửa hàng tại Hà Nội vào năm 2022.

Tuy nhiên, việc mở rộng ra thị trường mới không phải là một bước đi dễ dàng. Katinat đã phải đối mặt với những thách thức về thói quen tiêu dùng và sự khác biệt trong thị hiếu của người tiêu dùng Bắc và Nam.

Để vượt qua những thách thức này, Katinat đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược sản phẩm, không chỉ tiếp tục phát triển các món đồ uống đặc trưng mà còn tập trung vào các sản phẩm trà sữa, đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng trẻ, năng động.

Với sự sáng tạo không ngừng và chiến lược phân bổ sản phẩm hợp lý theo từng mùa, Katinat tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội và các khu vực khác.

Tải ngay: Mẫu lập kế hoạch kinh doanh quán cafe hút khách 

V. Chi tiết Chiến lược Marketing Katinat

1. Chiến lược marketing của Katinat về sản phẩm (Product)

Định vị khác biệt 

Katinat định vị mình là thương hiệu cà phê Sài Gòn với sự kết hợp giữa nét truyền thống và hiện đại, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm cà phê đặc sắc. Nhờ có USP này mà thương hiệu đã một phần chinh phục khách hàng mục tiêu của mình.

Katinat luôn chú trọng đến việc cung cấp các sản phẩm cà phê chất lượng, từ cà phê rang xay đến các loại thức uống bổ sung khác như trà và nước ép trái cây.

Menu đa dạng, update liên tục 

Menu của Katinat rất đa dạng, bao gồm 7 nhóm sản phẩm chính: cà phê (Latte, Cappuccino, Hạt phỉ…), smoothies, đá xay, sinh tố, trà sữa, trà trái cây, và bánh ngọt.

Đặc biệt, Katinat luôn cập nhật và sáng tạo sản phẩm mới, như “Oolong Tứ Quý Sữa” và “Oolong Hoàng Cúc Sữa”, thu hút sự quan tâm của khách hàng.

menu-katinat-da-dang
Menu Katinat đa dạng phù hợp với từng phân khúc

2. Chiến lược marketing của Katinat về giá (Price) 

Cạnh tranh bằng giá 

Katinat áp dụng chiến lược phân cấp giá để phục vụ các nhóm khách hàng khác nhau. Giá của các sản phẩm dao động từ 32.000đ đến 65.000đ, phù hợp với nhiều phân khúc thị trường.

Phân cấp giá đi kèm khuyến mại 

Katinat tận dụng các chương trình khuyến mãi (ví dụ: mua nước tặng bánh) và phân cấp giá qua các size đồ uống để tạo ra nhiều lựa chọn cho khách hàng. Mỗi dịp lễ tết, Katinat cũng có những khuyến mãi đặc biệt để thu hút khách hàng mới.

chien-luoc-marketing-cua-katinat-ve-gia
Chương trình ưu đãi được “tung” ra liên tục

3. Chiến lược marketing của Katinat về phân phối (Place)

Phân phối trực tiếp 

Xuất hiện tại các vị trí đắc địa: Katinat lựa chọn những vị trí cửa hàng ở các khu vực đông đúc như gần trường học, văn phòng, và các tuyến đường lớn để thu hút khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, Katinat cũng phát triển cả không gian indoor và outdoor để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng.

Thiết kế riêng ứng dụng Katinat App: Ngoài Website, hiện tại Katinat còn cung cấp thêm ứng dụng mobile riêng để khách hàng có thể đặt thức uống trực tiếp trên app và tham gia những chương trình khuyến mãi của thương hiệu.

Kết hợp với đối tác thứ 3 

Katinat cũng chú trọng đến việc phân phối qua các kênh giao hàng trực tuyến như Shopee Food, Grab Food, và Hotline riêng để tiện lợi cho khách hàng đặt hàng nhanh chóng.

chien-luoc-marketing-cua-katinat-ve-phan-phoi
Katinat hiện tại đã có mặt tại 3 thành phố lớn: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng

4. Chiến lược marketing của Katinat về xúc tiến hỗn hợp (Promotion)

Quảng cáo 

Katinat sử dụng mạng xã hội (đặc biệt là Facebook) để quảng bá thương hiệu, tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Katinat còn sở hữu kênh Tiktok với hơn 100k Follower để quảng bá những sản phẩm của mình.

Khuyến mại 

Chương trình khuyến mại và minigame cũng là một phần quan trọng trong chiến lược xúc tiến của Katinat.  Katinat còn áp dụng chương trình thành viên thân thiết để xây dựng lượng khách hàng trung thành.

Quan hệ công chúng 

Katinat còn chú trọng đến các hoạt động cộng đồng, như là chiến dịch ủng hộ đồng bào vùng lũ, nhằm nâng cao hình ảnh thương hiệu gắn liền với những giá trị nhân văn.

Quản lý chiến dịch marketing hiệu quả tránh rủi ro Sử dụng MISA AMIS aiMarketing thử ngay hơn 30 công cụ marketing

5. Chiến lược marketing của Katinat về con người (People)

Con người là yếu tố cốt lõi 

Katinat chú trọng đào tạo nhân viên để đảm bảo sự thân thiện, lịch sự và chuyên nghiệp. Khách hàng luôn cảm thấy được chào đón khi vào cửa hàng, và nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn để giúp khách chọn lựa đồ uống phù hợp.

Lấy khách hàng làm trọng tâm 

Mọi chiến lược marketing của Katinat đều hướng tới việc mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, từ sản phẩm đến dịch vụ và không gian.

chien-luoc-marketing-cua-katinat-ve-con-nguoi
Nhân viên tận tình, mến khách đúng chất của Katinat

6. Chiến lược marketing của Katinat về quy trình (Process)

Đảm bảo chuỗi cung ứng xuyên suốt 

Katinat chú trọng đến việc cải thiện quy trình phục vụ khách hàng nhanh chóng, hiệu quả. Các công đoạn từ pha chế cà phê đến phục vụ đều được chuẩn hóa để đảm bảo chất lượng ổn định.

Quy trình tối ưu hóa 

Quy trình phục vụ từ khâu đón tiếp đến phục vụ khách hàng được tối ưu hóa để mang lại trải nghiệm liền mạch và ấn tượng. Mỗi quy trình, từ vận hành cửa hàng đến đào tạo nhân viên, đều giúp tạo ra giá trị lâu dài cho thương hiệu.

Đọc thêm: 5 bước trong quy trình đào tạo nhân viên phục vụ hiệu quả

7. Chiến lược marketing của Katinat về bằng chứng hữu hình (Physical Evidence)

Thiết kế không gian độc đáo 

Katinat chú trọng vào việc thiết kế không gian cửa hàng với tông màu xanh cổ vịt, xám và be, tạo nên một không gian độc đáo và ấn tượng cho khách hàng. Không gian được phân chia thành khu vực indoor và outdoor để đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng.

Bộ nhận diện ấn tượng 

Tất cả các yếu tố từ logo, menu, đến trang phục nhân viên đều đồng nhất, tạo sự gắn kết trong tâm trí khách hàng mỗi khi nhắc đến Katinat Coffee & Tea House.

chien-luoc-marketing-cua-katinat-ve-bang-chung-huu-hinh
Không gian thiết kế linh hoạt bao gồm cả indoor và outdoor

VI. Chinh phục khách hàng qua chiến dịch quảng cáo Katinat  

Chiến dịch Ly cầu vồng 

Chiến dịch “Ly cầu vồng” của Katinat là một ví dụ điển hình của việc sử dụng bao bì để tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trên thị trường. Với mẫu ly neon màu hồng bắt mắt, chiến dịch này không chỉ thu hút sự chú ý từ khách hàng qua hình ảnh mà còn tạo ra một “hiện tượng” truyền thông trên mạng xã hội.

Chiến lược bao bì và cảm xúc người tiêu dùng

Mẫu ly cầu vồng màu hồng neon của Katinat trở thành một phần quan trọng của chiến lược marketing, vì nó dễ dàng bắt mắt và dễ dàng được chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ, đối tượng khách hàng mục tiêu của Katinat​.

chien-dich-ly-cau-vong-katinat
Chiến dịch Ly cầu vồng Katinat gây sốt mặc dù đối thủ cũng đã có chiến dịch tương tự

Tăng cường sự chú ý qua sự kiện mua sắm

Bên cạnh bao bì đẹp mắt, chiến dịch còn kết hợp với các sự kiện mua sắm lớn, như lễ hội mua sắm vào ngày 11 tháng 11, giúp đẩy mạnh lượng đơn hàng và kích cầu mạnh mẽ​.

Chiến dịch Ủng hộ Đồng bào vùng lũ

Một chiến dịch khác của Katinat là việc trích 1.000 đồng từ mỗi ly nước bán ra để ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Mặc dù chiến dịch này mang tính nhân văn và giúp gia tăng hình ảnh thương hiệu với cộng đồng, nhưng nó cũng đã gặp phải một số phản ứng trái chiều.

Quy mô và mục tiêu của chiến dịch

Katinat thông báo rằng sẽ trích 1.000 đồng từ mỗi ly nước bán ra từ ngày 12/9 đến hết tháng 9 để hỗ trợ đồng bào miền Bắc​

​Tuy nhiên, dù mục tiêu nhân văn là rõ ràng, chiến dịch nhận được không ít sự chỉ trích. Một số người cảm thấy rằng việc chỉ trích một khoản nhỏ như vậy từ doanh thu bán hàng không đủ lớn để chứng minh sự ủng hộ thật sự và có vẻ như chỉ nhằm kích cầu bán hàng​.

quang-cao-katinat
Chiến dịch gây tranh cãi nhất của Katinat

Phản hồi từ công chúng và điều chỉnh chiến lược truyền thông

Chiến dịch này gây ra làn sóng tranh cãi lớn trên mạng xã hội, với nhiều người cho rằng Katinat chỉ đang lợi dụng hoàn cảnh khó khăn để thu hút sự chú ý và kích thích mua sắm​. Sau đó, thương hiệu đã nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi và điều chỉnh lại cách thức truyền tải thông tin.

VII. 5 kinh nghiệm “đắt giá” từ chiến lược marketing của Katinat

Bạn đang kinh doanh F&B và muốn tìm kiếm bí quyết để thu hút khách hàng và tạo dựng thương hiệu vững chắc? Hãy cùng khám phá 5 kinh nghiệm đắt giá từ chiến lược marketing đã thành công của Katinat dưới đây:

1. Nắm chắc insight “độc” của khách hàng mục tiêu

Katinat ban đầu định vị là thương hiệu cà phê vỉa hè truyền thống, nhưng sau đó đã thay đổi để phù hợp với nhu cầu của thị trường và tập trung vào phân khúc khách hàng trẻ, năng động.

Để thành công chúng ta cần phải nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, xác định rõ phân khúc khách hàng mục tiêu để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Katinat đã chứng minh điều này khi họ thấu hiểu nhu cầu, tâm lý của nhóm khách hàng trẻ – những người coi trọng không gian thoải mái, tiện nghi, dịch vụ tốt và sẵn sàng chi trả cho trải nghiệm.

2. Tạo sự khác biệt giữa thị trường cạnh tranh

Katinat đã khéo léo kết hợp giữa nét truyền thống và hiện đại, mang đến trải nghiệm cà phê Sài Gòn đặc sắc. Tên thương hiệu được lấy cảm hứng từ con đường Catinat xưa, logo chữ K cách điệu, không gian quán với tông màu xanh cổ vịt, xám và be, tất cả đều góp phần tạo nên dấu ấn riêng.

Tạo ra điểm nhấn độc đáo cho thương hiệu, từ sản phẩm, dịch vụ, không gian đến hình ảnh, để thu hút khách hàng và cạnh tranh là chiến lược có hiệu quả. Chiến dịch “Ly cầu vồng” với ly neon màu hồng là một ví dụ điển hình cho sự sáng tạo trong việc sử dụng bao bì để tạo hiệu ứng lan truyền và thu hút sự chú ý.

tao-su-khac-biet-nhu-katinat
Sự khác biệt sẽ tạo ra điểm nhấn cho thương hiệu

3. Chiến lược linh hoạt với từng thời điểm

Katinat luôn cập nhật menu, giới thiệu sản phẩm mới như “Oolong Tứ Quý Sữa”, “Oolong Hoàng Cúc Sữa”. Họ cũng linh hoạt điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp thị hiếu từng vùng miền, ví dụ như tập trung vào trà sữa khi mở rộng ra miền Bắc.

Việc nắm bắt xu hướng, thử nghiệm và đổi mới sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong từng thời thời điểm sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng.

4. Khai thác sức mạnh của hiệu ứng “lan truyền mạng” 

Katinat khai tác tối đa hiệu quả của Facebook, Tiktok, các kênh giao hàng trực tuyến (Shopee Food, Grab Food) và ứng dụng di động riêng để quảng bá, tiếp cận khách hàng.

Chiến dịch “Ly cầu vồng” thành công rực rỡ một phần nhờ lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Trong thời đại số, cần khai thác tối đa các nền tảng online để kết nối với khách hàng, xây dựng thương hiệu và tăng doanh số.

5. Tập trung vào trải nghiệm khách hàng

Katinat rất chú trọng vào việc mang đến trải nghiệm tích cực cho khách hàng. Họ đầu tư vào đào tạo nhân viên, thiết kế không gian và tối ưu hóa quy trình phục vụ. Không gian quán được phân chia linh hoạt, quy trình pha chế, phục vụ được chuẩn hóa.

Trải nghiệm khách hàng là yếu tố then chốt quyết định sự thành công, các quán cafe có thể giống nhau về hương vị nhưng trải nghiệm khách hàng thì mỗi địa điểm là mỗi lần khác biệt. Hơn hết, chúng ta cần đầu tư vào dịch vụ, không gian, quy trình để tạo sự hài lòng và tăng tỷ lệ quay lại.

Xem ngay: Cách nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng bản đồ bản đồ hành trình trải nghiệm khách hàng

Tổng kết

Chiến lược marketing của Katinat đã chứng tỏ được sức mạnh của một thương hiệu cà phê Việt Nam trong việc tạo ra giá trị cho khách hàng. 

Tuy phải đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường và đối thủ cạnh tranh, Katinat vẫn giữ vững được chỗ đứng nhờ vào chất lượng sản phẩm, chiến lược phân phối và xúc tiến mạnh mẽ. Tương lai của Katinat hứa hẹn sẽ còn rộng mở nếu thương hiệu này tiếp tục duy trì sự đổi mới và sáng tạo trong chiến lược marketing của mình.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả