Quản lý - điều hành Kỹ năng lãnh đạo Kỹ năng tự học – đòn bẩy phát triển sự nghiệp cho...

Kỹ năng tự học là yếu tố quyết định đến sự thành công của nhà quản trị trong thời đại nền kinh tế số và môi trường kinh doanh biến đổi liên tục. Tự học không chỉ giúp nhà quản trị nắm bắt xu hướng và công nghệ mới nhanh chóng, mà còn tăng cường khả năng quản lý và đưa ra quyết định linh hoạt.

1. Kỹ năng tự học là gì? Tầm quan trọng của kỹ năng tự học đối với nhà quản trị

Kỹ năng tự học (self-directed learning) là một quá trình trong đó một cá nhân chủ động, có hoặc không có sự giúp đỡ của người khác, trong việc xác định nhu cầu học tập của mình, xây dựng mục tiêu học tập, xác định các nguồn lực cho việc học, lựa chọn và thực hiện các chiến lược học tập phù hợp và đánh giá kết quả học tập (theo betterup.com).

Một số báo cáo và nghiên cứu đề cập đến tầm quan trọng của kỹ năng tự học đối với nhà quản trị, nhất là trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng của thế giới.

Future of Jobs Report” của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) nêu rõ rằng kỹ năng tự học và khả năng tự động cập nhật kiến thức là một trong những kỹ năng mềm quan trọng nhất trong thập kỷ này.

Theo nghiên cứu “The Lifelong Learning Imperative” đã chỉ ra rằng 90% những kỹ năng bạn học sẽ trở nên lỗi thời trong vòng 5-7 năm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và quản lý. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho kỹ năng tự học và tự cập nhật kiến thức.

Theo McKinsey, các nhà quản trị cấp cao (C-level) dành khoảng 20% thời gian của họ cho việc học và cập nhật kiến thức, đặc biệt là thông qua các nguồn trực tuyến.

Kỹ năng tự học được đánh giá là vua của các kỹ năng

Hình 1: Kỹ năng tự học được đánh giá là vua của các kỹ năng

Kỹ năng tự học được đánh giá là “vua” của các kỹ năng. Khi bạn có kỹ năng tự học, bạn có khả năng dễ dàng học được nhiều những kiến thức và kỹ năng khác nhờ việc áp dụng kỹ năng tự học của bản thân mình. Cũng chính vì vậy, tự học một trong những kỹ năng quan trọng và cần thiết để các nhà quản trị có thể đối mặt, thích ứng với những thách thức trong công việc và sự nghiệp của mình.

So sánh việc tự học và học tập thông thường:

Yếu tố Tự học Học tập thông thường
Chủ động Cá nhân tự đặt mục tiêu và lựa chọn phương pháp học. Mục tiêu và phương pháp học thường do giáo viên hoặc hệ thống giáo dục đặt ra.
Động lực Chủ yếu là động lực nội tại từ người học (động lực > áp lực). Thường phụ thuộc vào động lực ngoại tại như điểm số, kỳ vọng của người khác (có thiên hướng áp lực > động lực).
Thời gian và địa điểm Linh hoạt, có thể học mọi lúc, mọi nơi, theo sự sắp xếp của người học Thời gian thường cố định.

Địa điểm có thể cố định hoặc online.

Tài liệu và nguồn Thông tin Tự chọn từ nguồn đa dạng như sách, video, internet… Do giáo viên hoặc hệ thống giáo dục cung cấp và Kiểm duyệt là chính
Đánh giá Tự đánh giá thông qua việc áp dụng kiến thức và kỹ năng. Thường được đánh giá bởi giáo viên thông qua bài kiểm tra, dự án, hoặc các phương pháp đánh giá khác.

2. Bốn yếu tố chính của việc tự học

Để hiểu và phát triển kỹ năng tự học, chúng ta cần quan tâm đến bốn yếu tố chính trong việc tự học: Động lực (Motivation), Lựa chọn nguồn tài nguyên (Resource Selection), Kế hoạch (Planning) và Thực hiện (Execution).

4 yếu tố chính để xây dựng kỹ năng tự học hiệu quả

Hình 2: 4 yếu tố chính để xây dựng kỹ năng tự học hiệu quả

Động lực (Motivation): Mọi quá trình tự học bắt đầu từ động lực cá nhân.

Lựa chọn nguồn tài nguyên (Resource Selection): Những nhà quản trị thành công thường rất khéo léo trong việc lựa chọn nguồn thông tin và tài nguyên để học hỏi.

Ví dụ, CEO của Tesla, Elon Musk, đã nghiên cứu hàng trăm sách về lĩnh vực công nghệ không gian trước khi thành lập SpaceX.

Kế hoạch (Planning): Để tự học hiệu quả, việc lên lịch trình và đặt ra các bước đi là không thể thiếu.

Theo một báo cáo từ Harvard Business Review cho thấy những người có kế hoạch học tập có tỷ lệ thành công cao hơn 2,5 lần so với những người không có kế hoạch (HBR, “Learning to Learn”, 2016).

Thực hiện (Execution): Thậm chí đã có kế hoạch tốt nhất, nếu không có việc thực hiện thì tất cả đều vô ích.

Điều này được thể hiện qua câu chuyện thành công của Indra Nooyi, cựu CEO của PepsiCo, khi cô không chỉ đọc về cách quản lý mà còn áp dụng vào thực tiễn, giúp công ty tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua.

3. Bốn bước quan trọng trong quá trình tự học

Học độc lập có thể là thách thức, ngay cả với những học sinh có động lực cao. Để hiểu rõ hơn về quá trình tự học, bài viết đề cập đến bốn giai đoạn quan trọng trong quá trình tự học:

4 bước quan trọng trong quá trình tự học

Hình 3: 4 bước quan trọng trong quá trình tự học

Bước 1: Xác định nhu cầu học tập (xác định điều bạn muốn học)

Đây là bước đầu tiên nhưng là một trong những bước quan trọng nhất của quá trình tự học. Đặc biệt, với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý khi quỹ thời gian khá hạn hẹp thì việc xác định chính xác nhu cầu học tập của mình lại càng quan trọng. Luôn đặt câu hỏi tại sao (why) khi bắt đầu. Tại sao chúng ta lại làm điều chúng ta làm (why we do what we do).

Tùy vào mục tiêu của từng cá nhân ở mỗi thời điểm, nhu cầu học tập sẽ khác nhau. Tuy nhiên, với các nhà lãnh đạo nói chung, theo Ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch Hội DNT Việt Nam khóa IV, Chủ tịch HĐQT U&I Group chia sẻ tại diễn đàn lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam 2023 thì việc học của nhà lãnh đạo, nhà quản trị xoay quanh những vấn đề cốt lõi, quan trọng và xuyên suốt đối người làm công tác quản trị đó là việc tăng năng suất, hiệu suất; chuẩn đối sánh; khuynh hướng các cơ hội, rủi ro; những bài học từ thành công, thất bại của mình và những người khác và ngoại ngữ.

Những vấn đề cốt lõi, quan trọng và xuyên suốt đối với người lãnh đạo, làm công tác quản trị

Hình 4: Những vấn đề cốt lõi, quan trọng và xuyên suốt đối với người lãnh đạo, làm công tác quản trị

Mời bạn xem chi tiết phần chia sẻ của Ông Mai Hữu Tín tại đây.

Bước 2: Đặt mục tiêu học tập

Ví dụ, việc học ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh và tiếng Trung là một trong những việc quan trọng đối với nhà quản trị trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới. Đặc biệt khi Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ mở ra nhiều cơ hội giao thương.

Mục tiêu học tập có thể là:

  • Sử dụng thành thạo tiếng Anh giao tiếp, nói viết, đọc tài liệu ở trình độ intermediate trong vòng 12 tháng
  • Giao tiếp được tiếng Trung trong vòng 2 năm tới .v.v..

Các bạn có thể sử dụng mô hình SMART để thiết lập mục tiêu hiệu quả.

Mời bạn tham khảo chi tiết bài viết: Thiết lập mục tiêu theo SMART: 5 bước hiệu quả tại đây.

Bước 3: Tham gia vào quá trình học

Bắt đầu

Việc học có thể sẽ khá khó khăn ở giai đoạn đầu. Khi bắt đầu bạn có thể nhờ sự giúp đỡ và hướng dẫn thêm từ phía chuyên gia. Có thể từ chính sếp, đồng nghiệp, bạn bè, từ những chuyên gia chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội…

Lựa chọn và sử dụng các nguồn tài nguyên hiệu quả

Bạn cần lựa chọn và sử dụng các nguồn tài nguyên/tài liệu hiệu quả, chất lượng và đáng tin cậy để đảm bảo chất lượng và tiết kiệm thời gian.

Các nguồn đáng tin cậy có thể từ sách, tạp chí chuyên ngành, người huấn luyện (coach, mentor…), các nguồn trực tuyến…

Kiên trì

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình học đó là việc quản lý thời gian và duy trì động lực của bản thân. Sự kiên trì là yếu tố then chốt trong việc duy trì và tăng cường việc học. Sự kiên trì giúp người học vượt qua các thách thức một cách tích cực, thay vì dừng lại hoặc chọn những cách tiếp cận ít đòi hỏi sự tập trung và sự hiểu biết.

Tham gia các cộng đồng tự học, học qua trải nghiệm, thực hành, nghiên cứu, dạy học…

Bạn có thể tham gia vào các cộng đồng học tập để duy trì động lực học lâu dài và kết nối với những người bạn có cùng mục tiêu, ý tưởng hoặc tham gia vào các dự án mà công việc yêu cầu kiến thức, kỹ năng bạn đang học…

Bước 4: Đánh giá và điều chỉnh

Đánh giá quá trình tự học qua các bài test, qua ứng dụng trực tiếp vào công việc, ý kiến phản hồi (feedback) từ các bên liên quan… để điều chỉnh và tối ưu hóa.

4. Cách phát triển kỹ năng tự học hiệu quả dành cho nhà quản trị (cá nhân hóa quá trình tự học)

Bên cạnh những yếu tố và phương thức chung, việc tự học với mỗi cá nhân có những điểm khác nhau mà mỗi người cần tự tìm tòi trong quá trình học tập của mình.

Cá nhân hóa kỹ năng tự học là một trong những yếu tố quan trọng để tối ưu hóa hiệu suất và đạt được các mục tiêu cá nhân. Các nhà quản trị thường xuyên phải nắm bắt và phân tích các loại thông tin và dữ liệu khác nhau, đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng tự định hình quá trình học tập.

Một số gợi ý về phương pháp học cho nhà quản trị

Phương pháp học qua hình ảnh:

Phương pháp học qua hình ảnh

Hình 5: Phương pháp học qua hình ảnh

Những người thuộc kiểu học tập “visual” thường dễ dàng tiếp thu thông tin thông qua các đồ thị, biểu đồ, hình ảnh…

HubSpot chỉ ra 65% thông tin được nhớ lại khi kết hợp văn bản và hình ảnh, so với 10% thông tin khi chỉ sử dụng văn bản (The Power of Visual Communication, HubSpot 2020). Trong quản trị, việc này có thể được áp dụng thông qua việc sử dụng các công cụ quản lý dự án như AMIS Công việc, với các hình ảnh và biểu đồ, giúp nắm bắt thông tin nhanh chóng.

Phương pháp học qua âm thanh:

Phương pháp học qua âm thanh

Hình 6: Phương pháp học qua âm thanh

Những người có xu hướng học thông qua “audio” có thể tìm đến các podcast, audiobook hoặc ghi âm lại các cuộc họp, các thông tin cần ghi nhớ để có thể dễ dàng nghe lại.

Trên thực tế người nghe podcast thực hiện cùng lúc các nhiệm vụ khác, chứng minh tính linh hoạt và khả năng đa nhiệm của phương pháp này.

Phương pháp học thực hành:

Gắn việc học áp dụng trực tiếp vào thực tế công việc có thể khiến bạn có động lực học tập nhanh chóng và tiến bộ hơn nhờ việc vừa học lý thuyết song song với thực hành.

Để tìm ra phương pháp tự học phù hợp, việc thử nghiệm và tự đánh giá là không thể thiếu. Hãy áp dụng các phương pháp học tập trong môi trường thực tế và theo dõi kết quả để điều chỉnh. Sử dụng các công cụ như khảo sát cá nhân, ý kiến phản hồi (feedback) từ người khác và dữ liệu tự đánh giá để xác định phương pháp học tập hiệu quả nhất cho bản thân.

Giới thiệu một số mô hình học tập phổ biến

Mô hình Bloom’s Taxonomy (mô hình học tập 6 cấp độ)

Mô hình Bloom's Taxonomy (mô hình học tập 6 cấp độ)

Hình 7: Mô hình Bloom’s Taxonomy (mô hình học tập 6 cấp độ)

ADDIE Model

Mô hình này mô tả một quy trình phát triển học tập và đào tạo bao gồm năm giai đoạn: Phân tích, Thiết kế, Phát triển, Thực hiện, và Đánh giá.

ADDIE Model

Hình 8: ADDIE Model

Kolb’s Experiential Learning Cycle

Kolb đề xuất một chu trình học tập từ kinh nghiệm, bao gồm bốn giai đoạn: Trải nghiệm, Quan sát, Tổng hợp, và Thực hành.

Kolb's Experiential Learning Cycle

Hình 9: Kolb’s Experiential Learning Cycle

Kỹ năng tự học đối với nhà quản trị không chỉ là việc tích lũy kiến thức qua sách vở hay các khóa học trực tuyến. Nó là một quá trình tự quản lý và điều chỉnh, giúp các nhà lãnh đạo, nhà quản trị không chỉ học nhanh hơn mà còn học hiệu quả hơn.

Tùy vào mục tiêu, nguồn lực… nhà quản trị lựa chọn, kết hợp giữa các phương pháp, mô hình đã được chứng minh và những kinh nghiệm đúc kết từ quá trình học của cá nhân, tổ chức để đạt được hiệu quả tốt nhất. MISA AMIS chúc các bạn thành công!

Tham khảo: betterup.com, uwaterloo.ca – Tổng hợp: MIBI

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]