Xây dựng hình ảnh thương hiệu ấn tượng với Event Marketing

17/06/2023
536

Theo báo cáo của Gitnux 2020, có 80% nhà tiếp thị Hoa Kỳ sử dụng các sự kiện để tăng doanh số bán hàng. Trong đó, 31% coi đây là kênh hiệu quả nhất và 52% tin rằng nó mang lại ROI tốt nhất.

Điều này đã chứng minh được hiệu quả của Event Marketing trong xây dựng mối quan hệ khách hàng và thúc đẩy doanh thu. Vậy hãy cùng MISA tìm hiểu cách thức triển khai các chiến lược Event Marketing mang lại hiệu quả tối ưu cho doanh nghiệp của bạn trong bài viết sau đây.

1. Event Marketing là gì?

Event Marketing là việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu hoặc dịch vụ với khách hàng thông qua các tương tác trực tiếp hoặc tương tác ảo, từ đó biến những khách hàng tiềm năng thành khách hàng và khách hàng trung thành.

Event Marketing mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
Event Marketing mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Những giá trị mà Event Marketing mang lại thường được khái quát bằng chính cái tên của chiến lược tiếp thị này:

  • E (Explosion): Bùng nổ, gây tiếng vang lớn
  • V (Value for Client Best): Mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng
  • E (Engagement): Khả năng tiếp cận nhóm công chúng mục tiêu tối đa
  • N (New idea – New stories): Những ý tưởng sáng tạo và câu chuyện truyền thông hấp dẫn
  • T (Touchpoint): Tạo ra những điểm tương tác trực tiếp giữa thương hiệu và khách hàng

Có thể nói, Event Marketing là cách trực tiếp giúp mở rộng mối quan hệ, tương tác, trao đổi và tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ cho khách hàng tiềm năng. Với những lợi ích mà chiến lược tiếp thị này mang lại, có 95% các nhà tiếp thị coi Event Marketing là phương pháp tốt nhất để đạt được các mục tiêu kinh doanh (Theo The 2019 Event Marketing Report của Bizzabo). Báo cáo này đã phần nào chứng minh được tầm quan trọng của Event Marketing mà chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu dưới đây.

2. Tầm quan trọng của Event Marketing

Mục tiêu của Event Marketing là tập trung vào việc tăng nhận thức về thương hiệu. Việc tổ chức hoặc tham dự các sự kiện mang lại cho doanh nghiệp cơ hội quảng bá thương hiệu với công chúng nói chung và khách hàng tham gia các sự kiện đó nói riêng. Từ đó, thu hút được một lượng lớn khách hàng tiềm năng một cách tự nhiên và đẩy mạnh doanh số bán hàng.

Event Marketing còn có thể thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng. Vì các sự kiện thường mang lại cho người tham dự cơ hội làm quen, tiếp thu kiến thức hoặc tham gia các hoạt động mang tính giải trí. Chính những trải nghiệm tích cực như vậy tạo ra sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ giữa thương hiệu với khách hàng. Việc gắn kết đó sẽ thúc đẩy người tham dự dễ dàng chuyển đổi thành khách hàng cũng như trở thành khách hàng trung thành. 

Đối tác và khách hàng có cơ hội tương tác trực tiếp với thương hiệu và sản phẩm cũng sẽ cảm thấy thương hiệu đáng tin hơn, từ đó, nâng cao uy tín cho doanh nghiệp. Ngoài ra, với sự phát triển của Internet, Event Marketing cũng giúp tăng sự hiện diện của thương hiệu trên môi trường kỹ thuật số. Do những người tham gia sự kiện ngày càng có xu hướng chia sẻ trải nghiệm của họ lên nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó, khả năng lan truyền thương hiệu càng được mở rộng, không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian như trước.

Sân khấu sự kiện với bảng quảng cáo lớn thu hút nhiều người đi đường quan tâm - Nguồn: Internet
Sân khấu sự kiện với bảng quảng cáo lớn thu hút nhiều người đi đường quan tâm – Nguồn: Internet

Chẳng hạn, event “Chạm vào bàn tay mẹ” do AFamily tổ chức với sự đồng hành của tập đoàn VinGroup và nhãn hàng TH True MILK Organic là một trong những chiến dịch marketing dựa trên cảm xúc thành công nhất năm 2017. Sự kiện chính diễn ra trong 2 ngày tại Phố đi bộ Hồ Gươm Hà Nội, trong đó bao gồm màn hình quảng cáo lớn ngoài trời với các tương tác thông minh, những clip ý nghĩa về mẹ và màn trình diễn âm nhạc đến từ ca sĩ Min và Đức Phúc. 

Tất cả nhằm nhằm tôn vinh những người phụ nữ và nâng cao giá trị tình cảm gia đình, đặc biệt là tình mẫu tử, mang tới cho không ít khán giả những cảm xúc lắng đọng về mẹ, thậm chí là những giọt nước mắt. VinGroup và TH True Milk không chỉ có cơ hội quảng bá thương hiệu, mà qua đó còn gắn liền hình ảnh thương hiệu với các giá trị về mặt tinh thần, góp phần xây dựng thương hiệu quốc dân trong lòng khách hàng và công chúng.

Đọc thêm: Cách xây dựng kế hoạch sự kiện kèm 12+ biểu mẫu kế hoạch sự kiện chi tiết (kèm file tải)

3. Các loại Event Marketing

Tư tưởng Event Marketing thường phải đầu tư nguồn chi phí cao và chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn đã lỗi thời. Với sự phát triển của công nghệ và các thiết bị hỗ trợ hiện đại, tiên tiến, ngày càng có nhiều loại hình Event Marketing, phù hợp với nhiều doanh nghiệp khác nhau, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều quan trọng hơn cả là doanh nghiệp cần phải lựa chọn đúng loại hình sự kiện phù hợp với quy mô và nguồn lực của mình. 

Sau đây là 4 loại Event Marketing phổ biến và có thể áp dụng với phần lớn các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Các loại Event Marketing phổ biến
Các loại Event Marketing phổ biến
  • Hội chợ và triển lãm thương mại

Hội chợ, triển lãm thương mại là loại hình sự kiện được tổ chức tập trung nhiều doanh nghiệp (thường là trong cùng một lĩnh vực kinh doanh) tại một thời gian và địa điểm nhất định để quảng bá sản phẩm, dịch vụ và tìm kiếm thêm khách hàng hoặc đối tác kinh doanh mới. 

Có rất nhiều hội chợ và triển lãm thương mại để các doanh nghiệp có thể lựa chọn tùy theo lĩnh vực kinh doanh hay mục tiêu của mình như Hawa Expo (Hội chợ Xuất Khẩu Đồ Gỗ & Nội thất) hay Vietnam Textile & Garment Industry Expo (Triển lãm ngành dệt may).

Hawa Expo - Hội chợ Xuất Khẩu Đồ Gỗ & Nội Thất lớn nhất Việt Nam - Nguồn: Internet
Hawa Expo – Hội chợ Xuất Khẩu Đồ Gỗ & Nội Thất lớn nhất Việt Nam – Nguồn: Internet

Các sự kiện này là nơi doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng tiềm năng hiệu quả nhất, nhờ khả năng phân khúc khách hàng cao do đặc thù của các triển lãm. Ngoài ra, đây còn là nơi để doanh nghiệp kết nối với các đối tác, nhà cung cấp hay các chuyên gia nhằm phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh.

  • Sự kiện VIP

Sự kiện VIP là một hình thức sự kiện đặc biệt, chỉ dành cho khách mời danh dự (thường là đối tác hoặc các khách hàng trung thành) gặp gỡ các nhà lãnh đạo hay đại sứ của thương hiệu. Điều quan trọng khi tổ chức sự kiện VIP là khách mời phải được lựa chọn cẩn thận và hạn chế để đảm bảo tính riêng tư của sự kiện cũng như khiến khách mời cảm nhận được sự quan trọng, từ đó, giúp doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với khách hàng. 

Một số sự kiện VIP doanh nghiệp có thể triển khai như tiệc tối, buổi hướng dẫn về các sản phẩm hiện tại hoặc sự kiện trải nghiệm trước sản phẩm sắp ra mắt,… 

Sự kiện giới thiệu và trải nghiệm trước sản phẩm mới dành cho khách VIP của Apple - Nguồn: Internet
Sự kiện giới thiệu và trải nghiệm trước sản phẩm mới dành cho khách VIP của Apple – Nguồn: Internet
  • Hội thảo

Hội thảo là các sự kiện mang tính giáo dục, được doanh nghiệp tổ chức để cung cấp kiến thức hữu ích nhằm thu hút khách hàng tiềm năng tham gia. Không giống như các sự kiện VIP, hội thảo được tổ chức mọi đối tượng và thường tạo điều kiện tham gia miễn phí. Nhờ sự phát triển của Internet, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được nhiều chi phí tổ chức và mở rộng quy mô sự kiện nhờ triển khai các hội thảo trực tuyến trên website, nền tảng mạng xã hội hoặc qua các công cụ hỗ trợ như Zoom, Google meet,… 

MISA tổ chức hội thảo miễn phí cung cấp kiến thức hữu ích cho khách hàng - Nguồn: misa.vn
MISA tổ chức hội thảo miễn phí cung cấp kiến thức hữu ích cho khách hàng – Nguồn: misa.vn

Lưu ý, hội thảo, dù được tổ chức online hay offline, đều cần phải đảm bảo có sự tương tác trực tiếp giữa khách hàng với doanh nghiệp. Sự tương tác này có thể được thể hiện thông qua phần hỏi đáp với diễn giả ở cuối hội thảo hoặc trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.

  • Ra mắt sản phẩm

Sự kiện ra mắt sản phẩm là sự kiện được tổ chức để thu hút khách hàng quan tâm và tương tác với sản phẩm mới của doanh nghiệp. Những sự kiện này sẽ được tổ chức trong một khoảng thời gian được ấn định cụ thể, có thể kéo dài một ngày (chẳng hạn như một bữa tiệc ra mắt) hoặc nhiều ngày (sự kiện ra mắt bộ sưu tập mới đi kèm với khuyến mãi). 

Các buổi ra mắt sản phẩm thường được kết hợp với các công cụ khác để thu hút sự chú ý và gia tăng trải nghiệm khách hàng như màn hình led lớn chiếu hình ảnh sản phẩm, ánh sáng, âm thanh, hiệu ứng và các yếu tố trải nghiệm khác.

Lễ ra mắt sản phẩm mới của Honda với nhiều hiệu ứng sân khấu ấn tượng - Nguồn: Internet
Lễ ra mắt sản phẩm mới của Honda với nhiều hiệu ứng sân khấu ấn tượng – Nguồn: Internet

4. 5 chiến lược Event Marketing

4.1 Quảng bá sự kiện trên phương tiện truyền thông xã hội

Mạng xã hội là phương tiện truyền thông mạnh mẽ nhất cho các chiến lược Event Marketing. Ngoài những bài viết cung cấp thông tin về nội dung, thời gian diễn ra chương trình, doanh nghiệp cũng nên triển khai thêm các bài viết với mục đích kích thích sự hào hứng của khán giả. Đó có thể là bài viết thông báo danh sách khách mời đặc biệt hay bài đăng đếm ngược thời gian đến sự kiện. Chia sẻ những hình ảnh hậu trường chuẩn bị và câu chuyện đi kèm cũng là phương pháp tốt để thúc đẩy khán giả tương tác nhiều hơn với sự kiện. 

Ngoài ra, để tăng phạm vi tiếp cận đối tượng mục tiêu, doanh nghiệp có thể triển khai các hình thức quảng cáo chéo. Đối tác quảng cáo của bạn có thể là những doanh nghiệp đồng tổ chức sự kiện, nhà tài trợ hoặc các diễn giả, khách mời của sự kiện. Những đối tượng này đều có một lượng người theo dõi nhất định, giúp sự kiện có thể tiếp cận nhiều khán giả mới hơn. Mặt khác, các KOL, KOC cũng đã và đang chứng minh được tầm ảnh hưởng của mình trong việc giúp các doanh nghiệp quảng bá sự kiện và hình ảnh thương hiệu. 

Nhà thiết kế trẻ Phan Đăng Hoàng chia sẻ hình ảnh về sự kiện Cine Gucci - Nguồn: Facebook Phan Dang Hoang
Nhà thiết kế trẻ Phan Đăng Hoàng chia sẻ hình ảnh về sự kiện Cine Gucci – Nguồn: Facebook Phan Dang Hoang

Chatbot cũng là công cụ hữu ích giúp quảng bá sự kiện trên các phương tiện truyền thông xã hội. Sau khi người dùng bắt đầu liên lạc với fanpage, doanh nghiệp có thể lên lịch gửi tin nhắn cho khách hàng về thông tin sự kiện sắp diễn ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên có kế hoạch triển khai tin nhắn tự động với tần suất phù hợp, cũng như khoanh vùng đối tượng mục tiêu cụ thể chứ không nên gửi hàng loạt để tránh làm phiền khách hàng và gây ra cảm xúc tiêu cực.

4.2 Khuyến khích nội dung do người dùng tạo

Khuyến khích nội dung do người dùng tạo (User Generated Content) là chiến lược Event Marketing dựa trên tiếp thị truyền miệng, nghĩa là doanh nghiệp sẽ khuyến khích cộng đồng chia sẻ về sự kiện của mình. Nội dung do người dùng tạo có thể giúp giảm tải công việc và áp lực cho bộ phận marketing, đặc biệt là team content. Quan trọng hơn, chiến lược này cho phép sự kiện tiếp cận được nhiều người hơn và thông tin truyền đi cũng tự nhiên và được tin cậy hơn.

Cách đơn giản nhất để khuyến khích người dùng tạo ra các nội dung liên quan đến sự kiện là tạo thẻ hashtag về sự kiện trong các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội. Các thẻ hashtag cụ thể giúp định hướng cho nội dung của cộng đồng, để sự kiện dễ trở nên viral hơn, cũng dễ theo dõi và đo lường hơn. 

Hashtag chính thường là tên sự kiện và tên doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý ngay từ khâu quyết định tên và chủ đề sự kiện. Nếu tên sự kiện quá dài, cần phải thiết kế hashtag sao cho phù hợp, dễ hiểu, ngắn gọn và có tính gợi nhớ. Ngoài hashtag chính là tên sự kiện và tên công ty, doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu triển khai thêm một số hashtag mà đối tượng tham dự mục tiêu thường bị thu hút, nhưng lưu ý vẫn phải đảm bảo phù hợp với khuôn khổ sự kiện.

Người hâm mộ chia sẻ nội dung về sự kiện Tiger Remix 2023 - Nguồn: Facebook
Người hâm mộ chia sẻ nội dung về sự kiện Tiger Remix 2023 – Nguồn: Facebook

Một phương thức khác để thúc đẩy cộng đồng chia sẻ thông tin về sự kiện là triển khai một cuộc thi hay trò chơi có thưởng. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể trao giải thưởng cho người dùng có bài viết được nhiều lượt like hoặc chia sẻ nhất. Doanh nghiệp cũng có thể kết hợp cả hai cách là tổ chức cuộc thi có sử dụng thẻ hashtag để tăng mức độ lan tỏa của cuộc thi nói riêng và sự kiện nói chung.

4.3 Tận dụng FOMO

FOMO (fear of missing out) là cảm giác sợ bỏ lỡ một điều gì đó. Theo Audience Report 2018 của GlobalWebIndex, có 56% người dùng mạng xã hội sợ bỏ lỡ một sự kiện hay một tin tức quan trọng trên mạng xã hội. Điều này làm cho FOMO trở thành một chiến lược quan trọng trong việc triển khai Event Marketing.

Doanh nghiệp có thể tận dụng FOMO để thúc đẩy khán giả mong muốn tham dự sự kiện bằng các thông tin hấp dẫn như hình ảnh, video từ sự kiện năm ngoái hay các thông báo kích thích sự quan tâm. Trong đó, thường xuyên thông báo về thời hạn kết thúc đăng ký là một trong những cách tận dụng FOMO hiệu quả nhất. Phương pháp này khi kết hợp song song với những bài viết của những khán giả đã mua vé và chia sẻ lên mạng xã hội sẽ làm tăng tính cấp thiết của của những khán giả đang lo sợ bỏ lỡ sự kiện.

Vì vậy, hãy post thông tin về vé early bird hoặc ngày kết thúc đăng ký ở bất cứ nền tảng nào, từ fanpage đến group hoặc seeding trong các hội nhóm liên quan để tạo động lực cho người tham dự tiềm năng.

VietnamWorks InTECH kích thích người tham gia sự kiện Tech Talks bằng bài đăng tạo cảm giác FOMO - Nguồn: Fanpage VietnamWorks InTECH
VietnamWorks InTECH kích thích người tham gia sự kiện Tech Talks bằng bài đăng tạo cảm giác FOMO – Nguồn: Fanpage VietnamWorks InTECH

Ngoài ra, những người FOMO đa số là những người hâm mộ thật sự muốn tham gia sự kiện. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tạo cơ hội để những khán giả tiềm năng này trở thành người tham dự thật sự. Việc cung cấp vé early bird giá rẻ hay các phần thưởng đặc biệt cho những người đăng ký sớm sẽ thúc đẩy đối tượng này chuyển đổi đăng ký tốt hơn.

Doanh nghiệp cũng có thể đưa ra các mã giảm giá cho những người theo dõi hay khách hàng của công ty, hoặc triển khai cuộc thi có phần thưởng là vé tham dự sự kiện, để những người hâm mộ này có cơ hội tham gia. Đây sẽ là những đối tượng tích cực hỗ trợ truyền thông và quảng bá hình ảnh thương hiệu ngay cả khi sự kiện đã kết thúc.

4.4 Tăng tỷ lệ chuyển đổi bằng landing page

Mặc dù có nhiều cách để thúc đẩy khách hàng đăng ký tham gia sự kiện, nhưng một landing page ấn tượng, hấp dẫn sẽ giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tốt hơn khi triển khai Event Marketing. Bởi những người tham dự sự kiện tiềm năng thường gặp phải khó khăn khi tìm kiếm thông tin chi tiết về sự kiện trên mạng xã hội hay email, vì fanpage của doanh nghiệp không chỉ đăng một bài về sự kiện.

Do đó, một  trang đích chuyên dụng, cung cấp thông tin đầy đủ về thời gian, địa điểm diễn ra sự kiện, lợi ích khi tham dự sự kiện,… sẽ giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng hiệu quả.

Landing page trong Event Marketing được chia làm 2 loại chính là trang web đăng ký và trang web tiếp thị. Cụ thể, trang web đăng ký sẽ thích hợp với các sự kiện ngắn hạn, đơn giản, được tổ chức ở một địa điểm cụ thể hoặc trực tuyến và có ít thông tin cần cung cấp. Lúc này, landing page đăng ký sẽ đóng vai trò như một lời kêu gọi hành động để thúc đẩy và tạo điều kiện cho người dùng đăng ký dễ dàng hơn.

Trong khi đó, một trang web tiếp thị sẽ cực kỳ hiệu quả đối với các sự kiện phức tạp. Đây là những sự kiện thường phức tạp, diễn ra trong nhiều ngày, tại nhiều địa điểm, có nhiều thông tin, giá vé và cách thức đăng ký khác nhau,… do đó, thường đòi hỏi ban tổ chức phải cung cấp thông tin giải thích cụ thể. Lúc này, landing page tiếp thị sẽ được thiết kế cho phép người dùng có thể chuyển đến nhiều trang web khác để có thể tìm kiếm tất cả thông tin về sự kiện.

Landing page của sự kiện Tech Talks được thiết kế ấn tượng với đầy đủ thông tin về chương trình - Nguồn: https://techtalks2022.vietnamworks.com/
Landing page của sự kiện Tech Talks được thiết kế ấn tượng với đầy đủ thông tin về chương trình – Nguồn: https://techtalks2022.vietnamworks.com/

Thế nhưng, dù là trang web đăng ký hay trang web tiếp thị thì landing page trong các chiến lược Event Marketing phải đảm bảo cung cấp các thông tin cơ bản như người dẫn chương trình, diễn giả, khách mời, thông tin sự kiện, chương trình nghị sự, ý nghĩa/lợi ích của sự kiện, giá vé, đánh giá của khách hàng, bản tóm tắt sự kiện trước đó, lời kêu gọi hành động (chia sẻ, đăng ký,…),… để đảm bảo tỷ lệ chuyển đổi đăng ký thành công.

4.5 Thu hút người tham dự sự kiện bằng email cá nhân hóa

Các chiến dịch email không chỉ hiệu quả trong việc giới thiệu sản phẩm, kích thích bán hàng mà còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Event Marketing. Gần 66% người quản lý sự kiện cho biết email là công cụ hiệu quả nhất để quảng bá sự kiện (Theo báo cáo của Skift Meetings 2019). Bởi email cho phép doanh nghiệp khoanh vùng đối tượng truyền thông mục tiêu cụ thể, từ đó, đảm bảo lượng khán giả lớn nhất và phù hợp nhất cho sự kiện. 

Ví dụ, nếu doanh nghiệp tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm thì nên tiếp cận những khách hàng đã mua nhiều lần một sản phẩm có liên quan tới sản phẩm mới. Hoặc khi tổ chức một hội thảo giáo dục, doanh nghiệp nên gửi email cho những khách hàng đang quan tâm đến sản phẩm để cung cấp thêm các giá trị gia tăng thúc đẩy khách hàng mua hàng. 

Tất nhiên, doanh nghiệp có thể gửi email quảng bá sự kiện hàng loạt cho toàn bộ danh sách khách hàng, nhưng việc tùy chỉnh email cá nhân hóa cho từng phân khúc cụ thể sẽ gia tăng cơ hội chuyển đổi khách hàng thành người tham dự sự kiện.

Do đó, để triển khai Event Marketing thông qua email, doanh nghiệp có thể sử dụng các phần mềm tiếp thị qua email như AMIS aiMarketing, Mailchimp, Bizfly, Sendy,… để dễ dàng theo dõi, quản lý và cập nhật danh sách khách hàng trong chiến dịch. Ngoài việc cá nhân hóa theo từng phân khúc khách hàng, nội dung email cũng cần nhất quán và liên kết với landing page của sự kiện nhằm đảm bảo sự gắn kết thương hiệu và cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho khách hàng đăng ký tham gia.

Nền tảng Amis aiMarketing của MISA cung cấp nhiều template và tính năng cho email marketing - Nguồn: amis.misa.vn
Nền tảng Amis aiMarketing của MISA cung cấp nhiều template và tính năng cho email marketing – Nguồn: amis.misa.vn

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tối đa hóa việc tương tác với khán giả bằng cách lên lịch gửi email tự động về việc cập nhật thông tin sự kiện, email xác nhận đăng ký hay email cảm ơn sau sự kiện. Việc phân tích tỷ lệ mở mail và tỷ lệ nhấp chuột nhằm đánh giá hiệu quả chiến dịch email marketing cũng rất cần thiết để kịp thời điều chỉnh cũng như đưa ra các biện pháp cải thiện cho các chiến dịch sau.

Cuối cùng, việc tuân thủ các quy định về quyền riêng tư như cho phép người nhận hủy đăng ký nhận thông tin qua email sẽ giúp hạn chế những phản ứng tiêu cực cho thương hiệu, đồng thời doanh nghiệp cũng loại bỏ được những đối tượng ít tiềm năng.

5. Cách thức đo lường hiệu quả Event Marketing

Để đo lường hiệu quả chiến lược tiếp thị sự kiện, doanh nghiệp cần xem xét hai yếu tố là chi phí và lợi ích mà sự kiện mang lại.

Cụ thể, chi phí sự kiện cần xem xét ba yếu tố là:

  • Chi phí trực tiếp: Là những chi phí dùng để tổ chức một sự kiện như chi phí địa điểm, thực phẩm, đồ uống, chi phí đi lại, chi phí thuê thiết bị,… 
  • Chi phí gián tiếp: Như tiền lương, sản phẩm tài trợ, chi phí chung của các nhóm tham gia tổ chức một sự kiện,… Tùy thuộc vào đặc thù mỗi sự kiện mà sẽ phát sinh chi phí gián tiếp khác nhau.
  • Chi phí cơ hội: Việc lựa chọn tổ chức sự kiện thay vì các hoạt động tiếp thị khác đòi hỏi doanh nghiệp phải đánh đổi một số chi phí cơ hội nhất định. Do đó, đo lường chi phí cơ hội giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định tiếp thị phù hợp trong tương lai.

Về lợi ích sự kiện, cần đo lường các chỉ số sau:

  • Số lượng đăng ký: Bao gồm các yếu tố số người đăng ký, các nguồn đăng ký chính, thời gian đăng ký cao điểm và loại vé phổ biến nhất.
  • Đề cập xã hội: Số lần sự kiện hiển thị trên mạng xã hội, số lượng thẻ hashtag sự kiện được sử dụng, số lần nhắc đến thương hiệu, thái độ khán giả tích cực hay tiêu cực,…
  • Sự hài lòng của người tham gia: Sự hài lòng của người tham gia được xác định tùy theo mục tiêu của từng sự kiện như sự kiện chỉ mang tính giải trí hay mang tính giáo dục về một sản phẩm, vấn đề cụ thể. Từ mục tiêu, doanh nghiệp có thể đưa ra các câu hỏi khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng phù hợp, từ đó, có thể đo lường được chỉ số này.
  • Doanh thu trực tiếp: Doanh thu trực tiếp là số tiền kiếm được từ sự kiện. Đó có thể là doanh thu từ hoạt động bán vé, phí đăng ký, bán sản phẩm tại chỗ, doanh thu nhận quảng cáo từ các nhãn hàng khác,…
  • Doanh thu phân bổ: Sự kiện có thể thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp trong tương lai. Vì vậy, doanh nghiệp có thể so sánh kết quả doanh thu bán hàng một thời gian sau khi tổ chức sự kiện với cùng kỳ năm trước và xem đây là nguồn doanh thu đến từ chiến lược Event Marketing.

Bạn đang gặp khó khăn trong việc quản lý chiến dịch MarketingDùng thử ngay miễn phí MISA AMIS aiMarketing

6. Xu hướng sự kiện 2023

4 xu hướng Event Marketing hàng đầu 2023
4 xu hướng Event Marketing hàng đầu 2023

6.1 Xu hướng sự kiện dựa trên công nghệ di động

Hiện nay, khán giả không chỉ dùng thiết bị di động để truy cập thông tin về các sự kiện trước khi tham gia mà còn sử dụng cả trong sự kiện. Những năm gần đây cũng chứng kiến sự phổ biến của các ứng dụng di động được thiết kế dành riêng cho lĩnh vực sự kiện như tìm kiếm, xem lịch sự kiện, đặt chỗ và mua vé. Vì vậy, nếu bỏ qua các công nghệ di động thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang bỏ qua cơ hội tiếp cận phần lớn khách hàng tiềm năng một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Ứng dụng công nghệ di động trong triển khai Event Marketing sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình tổ chức sự kiện. Chẳng hạn, các phần mềm sự kiện có thể hỗ trợ lên kế hoạch, theo dõi và quản lý các khâu chuẩn bị và tổ chức. Doanh nghiệp cũng có thể chia sẻ các sự kiện lên các ứng dụng mạng xã hội để nâng cao nhận thức và mức độ phổ biến của sự kiện.

Ứng dụng MISA Golf là mạng xã hội dành cho Golfer kết bạn và hỗ trợ tổ chức các giải đấu golf giao hữu - Nguồn: Internet
Ứng dụng MISA Golf là mạng xã hội dành cho Golfer kết bạn và hỗ trợ tổ chức các giải đấu golf giao hữu – Nguồn: Internet

Ngoài ra, thế hệ Millennials và Gen Z có số lượng tham dự các sự kiện và tương tác với các thương hiệu nhiều hơn so với các thế hệ cũ. Họ cũng có xu hướng cởi mở hơn với những trải nghiệm và ý tưởng mới. Vì vậy mà những hình thức quảng bá hoặc tham dự sự kiện có sử dụng yếu tố kỹ thuật số có thể thu hút nhóm khán giả này tốt hơn. Trong đó, phát trực tiếp sự kiện để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ được đánh giá là một trong những xu hướng sự kiện chính dựa trên công nghệ di động mà doanh nghiệp nên cân nhắc tận dụng.

6.2 Xu hướng tăng cường thực tế ảo

VR (Virtual Reality) hay thực tế ảo đang dần trở thành một hình thức giải trí phổ biến, cho phép người dùng tương tác với môi trường ảo thông qua các thiết bị chuyên dụng. Công nghệ mới này đang được nhiều doanh nghiệp triển khai trong Event Marketing vì khả năng cung cấp cho người tham dự sự kiện các trải nghiệm thực tế, theo những cách mới lạ mà trước đây không thể thực hiện được.

Lĩnh vực phổ biến nhất ứng dụng VR hiện tại là các sự kiện về game và công nghệ. Nhiều sự kiện công nghệ nổi tiếng trên thế giới sử dụng VR để giới thiệu sản phẩm như E3 và BlizzCon. Một số doanh nghiệp còn sử dụng VR để gia tăng thái độ tích cực về ngành công nghiệp trò chơi khi tăng cường thói quen sức khỏe và giúp người dùng vận động trong thời gian rảnh.

Triển lãm AR TRICK ART tại TPHCM tận dụng công nghệ AR để mang đến những tác phẩm nghệ thuật 3D độc đáo thông qua màn hình điện thoại - Nguồn: Internet
Triển lãm AR TRICK ART tại TPHCM tận dụng công nghệ AR để mang đến những tác phẩm nghệ thuật 3D độc đáo thông qua màn hình điện thoại – Nguồn: Internet

Không chỉ game hay công nghệ, VR còn được ứng dụng trong các chiến lược Event Marketing ở nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn như các triển lãm tranh có thể được tổ chức trong không gian vũ trụ hay các hội thảo giáo dục về lịch sử cho phép người dùng nhìn thấy các di tích trong quá khứ. Mặc dù ứng dụng VR vào tổ chức sự kiện khá tốn kém và phức tạp, nhưng chắc chắn một điều, sự kiện có sử dụng VR sẽ đem lại trải nghiệm khó quên cho khách hàng.

6.3 Xu hướng Event Marketing bền vững

Những lo ngại về vấn đề môi trường toàn cầu tác động đến nhiều lĩnh vực từ sản xuất đến thương mại và thậm chí là các hoạt động tiếp thị sự kiện. Đặc biệt, các sự kiện lớn có ảnh hưởng rất nhiều đến ý thức của người dân và tác động trực tiếp đến môi trường.

Đơn cử như việc người hâm mộ xả rác khi tham gia sự kiện hay tình trạng ô nhiễm âm thanh, ánh sáng mà sự kiện gây ra cho người dân địa phương cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thương hiệu. Vì vậy, việc quan tâm đến những tác động của sự kiện đối với môi trường và cộng đồng là điều thiết yếu của mỗi doanh nghiệp khi triển khai Event Marketing.

Tổ chức sự kiện cần quan tâm đến các vấn đề về môi trường - Nguồn: Internet
Tổ chức sự kiện cần quan tâm đến các vấn đề về môi trường – Nguồn: Internet

Báo cáo về tính bền vững COP26 năm 2021 (COP26 Sustainability Report) đã nêu rõ tầm quan trọng của tính bền vững trong tổ chức sự kiện và cách quảng bá những sự kiện này. Theo đó, nhu cầu về các sự kiện về kinh tế và khí hậu, quan hệ đối tác, thúc đẩy hành vi bền vững, khuyến khích lối sống lành mạnh và để lại những giá trị bền vững tăng mạnh. 

Các sự kiện cũng có xu hướng sử dụng công nghệ và nguồn năng lượng sạch, ít tác động đến môi trường. Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích thúc đẩy nền kinh tế địa phương khi triển khai Event Marketing bằng cách quan tâm đến tình hình giao thông hay thuê nguồn nhân lực tại địa phương nơi tổ chức sự kiện. 

6.4 Quyền riêng tư và bảo mật trong sự kiện

Các quy định về quyền riêng tư và mối bận tâm của khách hàng đến dữ liệu cá nhân ngày càng nhiều. Thậm chí, ở nhiều nơi trên thế giới, dữ liệu cá nhân còn được coi là nhạy cảm ngang ngửa như thông tin tài chính. Vì vậy, doanh nghiệp cần thận trọng trong việc thu thập các thông tin của người tham dự sự kiện cũng như xử lý các dữ liệu đó như thế nào cho hợp lý, để tránh làm khách hàng lo ngại và mất thiện cảm với thương hiệu.

Một số vấn đề về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của khách hàng mà doanh nghiệp cần làm rõ là loại thông tin các nhân nào có thể được thu thập từ những người đăng ký tham gia sự kiện, cách lưu trữ và bảo quản dữ liệu đó, thời gian lưu trữ dữ liệu, nên sử dụng dữ liệu đó vào những mục đích gì,….

Ngoài ra, môi trường kỹ thuật số mở ra cho doanh nghiệp cơ hội thu thập và lưu trữ dữ liệu khách hàng thuận tiện và hiệu quả hơn. Nhưng đồng thời nó cũng gây ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu khách hàng trước các mối lo ngại đánh cắp thông tin từ các đối tượng xấu. Vì vậy, việc tăng cường các quy định về bảo mật và quyền riêng tư cũng như các hoạt động đào tạo sẽ là xu hướng mới của tổ chức sự kiện trong năm 2023.

Các vấn đề như dữ liệu nhạy cảm, dữ liệu tài chính và việc ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong công tác quản lý sự kiện cũng sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp khi muốn triển khai chiến dịch Event Marketing thành công.

7. Case Study: Sự kiện Tiger Remix 2023 – thể hiện bản lĩnh người dẫn đầu

Tiger Remix là một trong những sự kiện âm nhạc nổi tiếng nhất tại Việt Nam vào dịp cuối năm. Sau 2 năm phải tổ chức  sự kiện countdown theo hình thức thực tế ảo do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự kiện Tiger Remix 2023 đã có một màn trở lại ấn tượng, được tổ chức tại 4 tỉnh thành lớn là Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP.HCM và Cần Thơ nhằm quảng bá thương hiệu bia Tiger và kích thích tiêu thụ dịp cuối năm.

Cụ thể, hòa mình với không khí tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới, Tiger gây bất ngờ khi mời nhóm trưởng nhóm nhạc hàng đầu Kpop – CL của 2NE1 – tới đêm đại nhạc hội cuối năm tại TP. HCM. Ngoài ra, sự kiện còn có sự góp mặt của dàn sao Việt đình đám như Đen, Hoàng Thuỳ Linh, Tóc Tiên, Hà Anh Tuấn,… Với sự đầu tư về quy mô và chất lượng sự kiện, Tiger Remix trở thành sân chơi thu hút giới trẻ, từ đó, dễ dàng tạo được nhận thức về thương hiệu cho công chúng và đối tượng khách hàng mục tiêu (nam, nữ trong độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi).

Bên cạnh dàn khách mời khủng, Tiger Beer còn đầu tư vào trang thiết bị và công nghệ như Mocap 3D, Motion Capture 3D,… cùng bộ ba siêu nhân vật Tigerist Mocap nhằm mang lại một đêm đại nhạc hội hoành tráng và khó quên với người dân Việt Nam. Sự kiện được truyền thông rộng rãi trên Facebook, từ fanpage chính thức của Tiger cho tới các bài viết thảo luận trong các hội nhóm. Đặc biệt, sự kiện còn được phát trực tiếp trên kênh youtube Tiger Beer Vietnam, riêng chương trình countdown tại TP.HCM còn được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình HTV7.

Tiger Remix là một trong những sự kiện bùng nổ nhất cuối năm 2022 - Nguồn: Internet
Tiger Remix là một trong những sự kiện bùng nổ nhất cuối năm 2022 – Nguồn: Internet

Kết quả, Tiger Remix 2023 ghi nhận lượng khán giả tham dự kỷ lục lên tới hơn 100.000 người (riêng tại TP.HCM) và được đưa tin trên hàng trăm bài báo. Với dàn khách mời khủng và độ hoành tráng của show diễn, Tiger Remix 2023 còn trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của giới trẻ Việt Nam suốt cuối năm 2022, đầu năm 2023. Sự kiện này đã giúp Tiger vượt mặt cả Heineken, trở thành hãng bia dẫn đầu bảng xếp hạng thương hiệu ngành bia trên mạng xã hội tháng 12/2022 (theo YouNet Media Index).

Kết luận

Giữa hàng ngàn thông tin quảng cáo mà khách hàng tiếp xúc hằng ngày thì một sự kiện nổi bật, tập trung vào một chủ đề và hướng tới một đối tượng cụ thể sẽ thu hút được sự quan tâm và chú ý hơn cả. Đó chính là lý do event marketing được nhiều doanh nghiệp tin tưởng và đầu tư triển khai. Với những kinh nghiệm và kiến thức được chia sẻ trong bài viết này, hy vọng các doanh nghiệp sẽ có thể áp dụng event marketing một cách hiệu quả và mang lại nhiều thành công trong hoạt động kinh doanh của mình.

Tác giả: Nguyễn Thị Phương Thanh

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả