Trong hệ thống phân phối điển hình, nhà bán buôn thực phẩm giúp đưa hàng hóa lan tỏa nhanh hơn, nhiều hơn đến các nhà bán lẻ, góp phần quan trọng thúc đẩy dòng chảy của sản phẩm ra thị trường. Vậy bán buôn thực phẩm là gì? Mô hình bán buôn thực phẩm nào giàu tiềm năng khai thác nhất hiện nay? Hãy cùng MISA tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
I. Hiểu về bán buôn thực phẩm là gì?
1. Khái niệm bán buôn thực phẩm là gì?
Bán buôn thực phẩm là hình thức bán các mặt hàng lương thực – thực phẩm với khối lượng lớn cho nhà phân phối, đại lý, nhà bán lẻ, người dùng công nghiệp, thương nghiệp hoặc các nhà bán buôn khác.
Các sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm được quy định bao gồm: thịt, các sản phẩm từ thịt, trứng, sữa, gạo, các loại hạt, rau củ quả, chè, cà phê, bánh kẹo, đồ uống, gia vị,…
Hiểu như vậy, nhà bán buôn thực phẩm là doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc một cá nhân đứng lên tiến hành hoạt động kinh doanh các mặt hàng thực phẩm với số lượng lớn. Nhà bán buôn thực phẩm có thể vừa đóng vai trò sản xuất ra sản phẩm và cung cấp sản phẩm đến nhà phân phối, đại lý. Trong mô hình chuỗi cung ứng truyền thống, khách hàng trực tiếp của nhà sản xuất/bán buôn thực phẩm không phải người tiêu dùng cuối mà là nhà phân phối, đại lý, điểm bán lẻ.
Nhà sản xuất/bán buôn thực phẩm có thể xuất hàng cho nhà phân phối hoặc đại lý cấp 1 (với thị trường không có nhà phân phối). Đôi khi các nhà phân phối hoặc đại lý cấp cao sẽ không tham gia vào hoạt động quảng bá hay chịu trách nghiệm về doanh số với nhà sản xuất. Điều họ cần quan tâm duy nhất là lợi nhuận từ sự chênh lệch giá giữa nhập hàng vào và bán hàng ra.
Ví dụ: Nhà phân phối A nhập số lượng lớn thực phẩm đông lạnh từ một nhà sản xuất và sau đó bán lại cho doanh nghiệp B hiện đang sở hữu các chuỗi siêu thị để B bán lại cho người tiêu dùng thông qua các chuỗi siêu thị đó. Hoạt động của nhà phân phối A sẽ được gọi là là hoạt động bán buôn thực phẩm.
2. Đặc điểm của bán buôn thực phẩm
Thực phẩm là mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của mỗi người. Vì tính chất đặc biệt đó nên ngành bán buôn thực phẩm cũng mang một số đặc điểm riêng so với các ngành kinh doanh khác, cụ thể:
- Là ngành hàng duy nhất có kênh tiêu dùng tại chỗ:
Kênh tiêu dùng tại chỗ là những điểm bán cho khách hàng trực tiếp sử dụng sản phẩm ngay như quán ăn, nhà hàng, canteen, rạp chiếu phim,… Đây là đặc trưng chỉ có ở ngành hàng thực phẩm – đồ uống nói chung.
- Tiêu chuẩn phân phối và hậu cầu phân phối khắt khe:
Vì tính chất đặc thù liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên không chỉ trong khâu sản xuất mà còn trong khâu phân phối, bảo quản, lưu kho, vệ sinh, vận chuyển, giao hàng,…ngành hàng thực phẩm đều có những tiêu chuẩn khắt khe.
- Sở hữu hệ thống phân phối điển hình:
Bán buôn thực phẩm là hoạt động chỉ diễn ra ở mô hình phân phối 3 cấp trở lên (Ví dụ: Sản phẩm sẽ đi từ nhà sản xuất => nhà phân phối => nhà bán buôn thực phẩm => nhà bán lẻ => người tiêu dùng cuối). Đây cũng là mô hình phân phối tiêu chuẩn điển hình.
- Phân vùng bán hàng rõ ràng:
Thực phẩm là mặt hàng gắn với thói quen tiêu dùng và khẩu vị riêng của từng địa phương. Vì vậy, bán buôn thực phẩm cần có kế hoạch phân chia khu vực bán hàng rõ ràng. Ví dụ: Các sản phẩm có vị thiên cay và mặn sẽ bán chạy hơn ở Miền Trung do khẩu vị đậm đà là thói ăn uống của người dân khu vực này.
- Vòng đời sản phẩm ngắn và tỉ lệ mua lại cao:
So với các ngành hàng kinh doanh khác như thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng, may mặc,…thì thực phẩm là mặt hàng có vòng đời sản phẩm ngắn, biên lợi nhuận trên một đơn vị hàng tương đối nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp bán buôn thực phẩm rất quan tâm đến chỉ số Sales volume ( Doanh số sản lượng) và Repurchase rate (Tỷ lệ mua lại).
>> Xem thêm: Phần mềm CRM và ứng dụng cho ngành sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm
3. Kênh phân phối của ngành hàng bán buôn thực phẩm
Xét theo mục đích sử dụng, bán buôn thực phẩm có 2 kênh phân phối chính là On – Trade (Kênh tiêu dùng tại chỗ) và Off – Trade (Kênh mua mang về).
- Với kênh On – Trade (Kênh tiêu dùng tại chỗ), nhà bán buôn sẽ bán thực phẩm cho nhà hàng, quán ăn, canteen trường học/ công ty, rạp chiếu phim, khu vui chơi,… Những địa điểm này sẽ chế biến hoặc chia nhỏ số lượng thực phẩm để bán lại cho người tiêu dùng cuối sử dụng ngay tại chỗ.
- Với kênh Off – Trade (Kênh mua mang về), nhà bán buôn sẽ bán thực phẩm cho các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… Các điểm bán lẻ này sẽ bán cho khách hàng phục vụ mục đích mua mang về. Ngoài ra, bán buôn thực phẩm online trên một số nền tảng thương mại điện tử B2B cũng được coi là một kiểu phân phối nằm trong kênh Off – Trade.
Như vậy, ta có thể hiểu nhà bán buôn thực phẩm là đơn vị trung gian nằm giữa nhà cung ứng (mối nhập hàng) và nhà bán lẻ ( mối bán hàng). Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữ các đối tác này chính là chìa khóa giúp nhà bán buôn thực phẩm đạt được thành công.
Để xây dựng được mối quan hệ hợp tác bền vững đó, nhà bán buôn cần biết cách xây dựng mô hình chuỗi cung ứng hiệu quả với dịch vụ khách hàng tốt. Mô hình O2O2O là mô hình bán buôn thực phẩm giàu tiềm năng đang được ứng dụng nhiều nhất hiện nay.
II. O2O2O – Mô hình bán buôn thực phẩm giàu tiềm năng
1. Mô hình bán buôn thực phẩm O2O2O là gì?
O2O2O (online to offline to online) là một mô hình kinh doanh nhằm thu hút khách hàng từ kênh online đến mua hàng trực tiếp (kênh offline) sau đó tiếp tục chăm sóc khách hàng qua kênh online để giữa mối liên hệ và thúc đẩy khách hàng mua sản phẩm nhiều lần tiếp theo.
Mô hình O2O2O không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng cho các nhà bán lẻ để phục vụ người tiêu dùng cuối mà hiện nay đang phát triển ra cả hình thức bán buôn.
Ví dụ, bạn là một nhà bán buôn thực phẩm mới, làm thế nào để tiếp cận các nhà bán lẻ nhiều nhất? Bạn có thể dùng một số cách truyền thống như tận dụng các mối quan hệ quen biết hay thuê đội sales thị trường đi “chào hàng” nhưng sẽ khá tốn kém chi phí. Kênh tiếp thị online là giải pháp trong thời đại mới được nhiều nhà bán buôn tìm đến lúc này.
Một số kênh online có thể kể đến là: sàn thương mại điện tử B2B; chợ sỉ online như các website bán hàng giá sỉ hay hội nhóm bán buôn thực phẩm trên Facebook, Zalo. Với kênh tiếp thị online này, bạn có thể làm cho doanh nghiệp mình xuất hiện trên không gian mạng với tốc độ lan tỏa nhanh chóng. Khách hàng của bạn là những chủ đại lý/ điểm bán dù ở bất cứ đâu cũng có thể biết đến và liên hệ đặt hàng trực tiếp. Từ những đơn hàng đầu tiên đó, bạn tiếp tục sử dụng kênh online để chăm sóc đại lý/ điểm bán, biến họ trở thành khách hàng thân thiết.
Hoạt động trên được gọi là bán buôn thực phẩm theo mô hình O2O2O. Đây là 1 xu hướng chuyển dịch phổ biến trong hoạt động kinh doanh – phân phối gần đây.
Ưu điểm nổi bật nhất của mô hình bán buôn thực phẩm O2O2O là khả năng bổ trợ linh hoạt giữa kênh bán hàng online và offline. Nếu như chỉ có kênh bán trực tuyến, đặt hàng qua mạng sẽ khó gây dựng được lòng tin của khách nhập sỉ. Nhưng nếu chỉ có cửa hàng/ kho bãi bán hàng trực tiếp thì sẽ bị giới bạn về diện tích và mức độ tiếp cận khách hàng. Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kênh online và offline, doanh nghiệp bán buôn thực phẩm sẽ khắc phục được những khó khăn trên.
Bên cạnh ưu điểm, thực tế mô hình O2O2O trong bán buôn thực phẩm cũng còn tồn tại điểm hạn chế đó là khá “kén chọn” đối tượng áp dụng. Hay nói cách khác, không phải doanh nghiệp bán buôn thực phẩm nào cũng có thể áp dụng mô hình kinh doanh này.
Khác với mô hình “Online to Offline” (O2O) một chiều, bạn có thể bắt đầu từ việc bán hàng qua mạng, khi tích đủ vốn sẽ mở cửa hàng/ thuê kho bãi. Với O2O2O, nhà bán buôn thực phẩm cần có cơ sở cửa hàng/ kho bãi thực tế trước rồi mới triển khai được kênh bán online, sau đó tiếp tục chăm sóc khách sỉ để họ đủ tin tưởng tiếp tục nhập hàng.
2. Tại sao bán buôn thực phẩm theo mô hình O2O2O lại là xu hướng giàu tiềm năng?
Mô hình O2O2O giúp nhà bán buôn thực phẩm hướng đến sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kênh online và offline, mở ra cánh cửa cơ hội mới cho việc tăng trưởng doanh thu. Có nhiều lý do để O2O2O là mô hình bán buôn thực phẩm giàu tiềm năng trong thời đại mới, cụ thể như sau:
2.1 Xu thế phát triển của Internet và Thương mại điện tử
Chúng ta có thể đã từng được nghe rất nhiều đến những cụm từ như “bùng nổ công nghệ 4.0”, “chuyển đổi số” hay “thương mại điện tử”,… Tất cả những khái niệm này đã tạo tiền đề thuận lợi cho sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh từ trực tiếp (Offline) sang trực tuyến (Online) và hoạt động bán buôn thực phẩm cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Theo báo cáo của Google năm 2021, hơn 75% người dùng internet sẽ có thói quen tìm kiếm thông tin nhà bán hàng/ sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Chủ đại lý/ chủ điểm bán lẻ cũng nằm trong số người dùng đó. Việc tự tay tìm kiếm và liên hệ tìm hiểu nhiều nhà bán buôn cùng lúc để có cơ sở so sánh, lựa chọn đã trở thành thói quen của nhiều chủ điểm bán. Ngay cả khi được sales đến chào hàng, họ cũng sẽ lên mạng để tra cứu thông tin về nhà bán buôn đó, nếu có nhiều nhận xét tích cực mới tin tưởng nhập hàng.
Vậy nên, việc đảm bảo tên doanh nghiệp bán buôn thực phẩm của mình xuất hiện trên các kênh online sẽ tạo ưu thế lớn so với đối thủ cạnh tranh để “lôi kéo” các nhà bán lẻ.
Có hai kiểu nền tảng bán buôn thực phẩm online bạn có thể sử dụng: (1) Nền tảng có sẵn; (2) Nền tảng do doanh nghiệp tự xây. Nền tảng bán buôn thực phẩm có sẵn có thể kể đến như các trang website bán hàng giá sỉ như “chợ sỉ”, “thị trường sỉ” hoặc các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Còn nền tảng bán buôn thực phẩm tự xây chính là website hoặc app bán hàng của chính doanh nghiệp. Muốn sở hữu nền tảng website hoặc app bán hàng này, đòi hỏi doanh nghiệp bán buôn thực phẩm cần đầu tư ngân sách khá lớn, bao gồm chi phí xây dựng ban đầu, chi phí SEO, chạy quảng cáo,…Tuy nhiên, đổi lại, doanh nghiệp sẽ tạo được độ uy tín cao hơn và cũng dễ dàng tiếp cận các nhà bán lẻ hơn.
2.2 Lợi ích đem lại cho cả nhà bán buôn thực phẩm và đại lý/ điểm bán lẻ.
Mô hình O2O2O tạo nên mối quan hệ hợp tác win – win gần như hoàn hảo giữa nhà bán buôn và nhà bán lẻ theo cách đôi bên cùng có lợi.
– Lợi ích đem lại cho nhà bán buôn thực phẩm:
- O2O2O tạo nên vòng tròn chăm sóc khách hàng khép kín từ kênh online đến offline và ngược lại. Đó là lợi thế cạnh tranh lớn, giúp nhà bán buôn thực phẩm duy trì lượng khách hàng trung thành, ổn định.
- O2O2O còn giúp doanh nghiệp bán buôn thực phẩm tăng độ phủ thương hiệu, mở rộng hệ thống phân phối nhờ việc gia tăng tương tác với các điểm bán lẻ.
- Đa dạng hóa kênh phân phối cũng như các hình thức tiếp thị, chăm chóc điểm bán, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
– Lợi ích đem lại cho đại lý/ điểm bán lẻ:
- Cùng lúc kết nối và so sánh được nhiều nhà bán buôn thực phẩm để chọn ra đơn vị cung ứng có dịch vụ, giá bán tốt nhất.
- Nắm bắt được nhiều thông tin hơn nữa về sản phẩm, giá nhập, các chương trình khuyến mãi khi mua số lượng lớn.
Như vậy, mô hình O2O2O ứng dụng trong hoạt động bán buôn thực phẩm đã giúp chuỗi cung ứng vượt ra ngoài khuôn khổ của những giao dịch giao hàng và nhận hàng đơn giản. Từ đó càng khẳng định tại sao bán buôn thực phẩm theo mô hình O2O2O lại là xu hướng giàu tiềm năng hiện nay.
III. Kết luận
Mời anh chị bấm vào ảnh để tải miễn phí Ebook Tổ chức bán hàng cho doanh nghiệp phân phối thực phẩm. Bộ tài liệu bao gồm các phần:
- I. Sơ lược thị trường ngành thực phẩm
- II. Các mô hình kinh doanh phổ biến ngành thực phẩm
- III. Chiến lược bán hàng cho doanh nghiệp phân phối thực phẩm
- IV. Chăm sóc khách hàng tại doanh nghiệp phân phối thực phẩm
- V. Ứng dụng công nghệ vào quản lý bán hàng
Qua bài viết này, mong rằng bạn đọc đã có thêm hiểu biết về bán buôn thực phẩm là gì và mô hình bán buôn thực phẩm giàu tiềm năng nhất hiện nay – O2O2O. Theo đó, nếu đang là nhà bán buôn thực phẩm hoặc có mong muốn trở thành nhà bán buôn thực phẩm, bạn nên thực sự chú trọng đầu tư vào kênh bán hàng trực tuyến thay vì xây dựng cho có.
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Vân