[Tổng hợp] 15+ Báo cáo thị trường Việt Nam năm 2022

29/12/2022
913

Với mục đích giúp người đọc có các thông tin chi tiết về thị trường, đa dạng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, để từ đó nắm bắt xu thế và có căn cứ lên kế hoạch đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới, bài viết này sẽ tổng hợp các báo cáo cùng các phân tích từ nhiều nguồn nghiên cứu, khảo sát uy tín tại Việt Nam và thế giới. MISA tin rằng, đây sẽ là tư liệu rất hữu ích cho các cá nhân/doanh nghiệp.

1. Báo cáo ngành vật liệu xây dựng năm 2022

Báo cáo ngành vật liệu xây dựng được tổng hợp bởi MISA, căn cứ trên quá trình theo dõi thông tin thị trường trong và ngoài nước suốt năm 2022 vừa qua, dẫn nguồn những số liệu uy tín đến từ Tổng cục Thống kê, Bộ Xây dựng, Vụ vật liệu Xây dựng, Ngân hàng thế giới … 

Báo cáo gồm 3 phần, cung cấp cho Quý độc giả các thông tin về Bối cảnh chung của thị trường, Tình hình kinh doanh của 4 doanh nghiệp thuộc top đầu trong ngành, Đánh giá về ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam năm 2022 và dự báo những xu hướng của năm 2023. 

Điểm chung của tình hình kinh doanh ngành vật liệu xây dựng trong năm 2022 là đầu năm khởi sắc, cuối năm khó khăn. Báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp lớn như Hoà Phát, Viglacera, Vicostone, Nhựa Tiền Phong đều cho thấy lợi nhuận 2 quý đầu năm khá ổn định, thậm chí tăng trưởng so với 2021, tuy nhiên ngay quý 3 đã giảm rất sâu do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga – Ukraine và các lệnh cấm vận kinh tế khiến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. 

Để ổn định tình hình, Chính Phủ đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công nhằm kích cầu trong nước, tái khởi động hàng loạt dự án giao thông trị giá hàng chục tỷ USD, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới tới Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy và các công trình khác.

>> TẢI BÁO CÁO NGAY

2. Báo cáo ngành dược phẩm 2022

Đại dịch Covid-19 đã tạo đà cho sự tăng trưởng vượt bậc của ngành dược phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành. Có thể thấy, sự thay đổi rõ rệt nhất của thị trường dược phẩm 2022 là hành vi mua thuốc của người tiêu dùng chuyển từ mua tại bệnh viện (kênh ETC) sang mua tại các nhà thuốc (kênh OTC), khiến cơ cấu doanh thu của ngành có sự thay đổi đáng kể. Đây cũng là cơ hội để các cửa hàng thuốc bùng nổ về số lượng mở mới, đặc biệt là từ hệ thống chuỗi như Long Châu, Pharmacity, An Khang. 

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp dược phẩm cũng ghi nhận mức tăng doanh thu đáng kể. Điển hình như, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Dược Hậu Giang đạt doanh thu 3.345 tỷ đồng và lãi sau thuế là hơn 752 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 24% so với cùng kỳ, đặc biệt lợi nhuận sau thuế trong quý 3 đạt 262 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của Dược Hậu Giang kể từ năm 2004. 9 tháng đầu năm, Traphaco ghi nhận doanh thu thuần 1.818 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 251 tỷ đồng, hoàn thành 77,5% kế hoạch doanh thu cùng 87,8% mục tiêu lợi nhuận cả năm. 

>> Xem chi tiết báo cáo TẠI ĐÂY 

3. Báo cáo ngành thực phẩm Việt Nam 2022

2022 chứng kiến tốc độ hồi phục đáng kinh ngạc của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm tại Việt Nam, thậm chí 60% các công ty được khảo sát đã vượt mức năng suất trước dịch. Sự tăng trưởng được ghi nhận ở hầu hết các kênh phân phối, nổi bật là kênh truyền thống (tăng 85,7%), thương mại điện tử (tăng 29,5%), kênh tiêu dùng tại chỗ (tăng 30%).

Trong năm 2022 sau khi đại dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát, người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch mua sắm từ các mặt hàng thiết yếu sang các sản phẩm không thiết yếu, bên cạnh đó mức chi tiêu cho các sản phẩm dinh dưỡng vẫn được duy trì. Ngoài chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng cũng dành sự quan tâm rất lớn đến tính tiện dụng của bao bì và giá trị xanh, bảo vệ môi trường. 

Top 10 công ty thực phẩm trong ngành sữa và thực phẩm từ sữa, ngành bánh kẹo, ngành thực phẩm tươi sống đóng gói và ngành thực phẩm đông lạnh không có nhiều thay đổi so với các năm trước.

>> Xem thêm: báo cáo và xếp hạng top 10 doanh nghiệp ngành thực phẩm năm 2022 TẠI ĐÂY

4. Báo cáo ngành thuỷ sản 2022 tại Việt Nam

Ngành thủy sản Việt Nam 2022 chứng kiến sự tăng trưởng tích cực khi các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội xuất khẩu đến các thị trường có nhu cầu lớn. 74% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam được ghi nhận đến từ bốn thị trường trọng điểm là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và liên minh châu Âu – EU. Đặc biệt, Việt Nam lần đầu tiên vượt cột mốc ấn tượng 2 tỷ USD khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ. 

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) dự đoán xuất khẩu thủy sản sẽ lần đầu tiên chinh phục cột mốc kỷ lục 11 tỷ USD trong năm 2022, trong đó xuất khẩu tôm đạt mức 4,3 tỷ USD, xuất khẩu cá tra chính thức vượt mốc 2 tỷ USD, đánh dấu mức tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, xuất khẩu cá ngừ cũng có mức tăng mạnh khi ghi nhận vượt qua con số ấn tượng 1 tỷ USD.

Cơ cấu sản lượng của ngành cũng đã có sự dịch chuyển khi nuôi trồng thuỷ sản tăng trưởng mạnh mẽ và lượng thuỷ sản khai thác có sự sụt giảm nhẹ. 

>> Mời Quý độc giả theo dõi chi tiết báo cáo

5. Mức độ phổ biến của mạng xã hội tại Việt Nam 2022

Báo cáo này cho biết các nền tảng mạng xã hội nào đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam, những đối tượng tương ứng và xu thế phát triển trong thời gian tới. Báo cáo dựa trên các khảo sát của Q&ME trong số 600 người dùng mạng xã hội có độ tuổi từ 18-44.

Về thị phần, mặc dù Facebook vẫn đang thống trị các nền tảng mạng xã hội, nhưng Facebook đang giảm thị phần vì sự phát triển tốc độ cao của Tiktok, đặc biệt là với giới trẻ.

Theo đó, thống kê trong số những người dùng mạng xã hội, 97% sử dụng Facebook trong đó 94% là người dùng hàng ngày, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

86% người dùng mạng xã hội sử dụng Youtube, phổ biến là đối tượng trẻ, trong đó 81% là lượng người hàng ngày, tương tự so với năm trước.

87% người dùng  sử dụng Zalo, trong đó độ tuổi từ 26 đến 44 chiếm số lượng phổ biến. 88% lượng người được khảo sát dùng Zalo hàng ngày, số người dùng vài lần một ngày tăng 4% so với năm ngoái.

Nguồn: Q&ME
Nguồn: Q&ME

>> Tham khảo thêm các phân tích chi tiết trong báo cáo: TẠI ĐÂY

6. Báo cáo ngành thương mại điện tử Việt Nam qua các tháng của năm 2022

Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam theo từng tháng trong năm 2022 được Reputa tổng hợp sẽ cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn cảnh về thị trường thương mại điện tử, cập nhật các xu thế mới, từ đó giúp các doanh nghiệp có căn cứ để xây dựng chiến lược đầu tư hiệu quả.

Dữ liệu trong báo cáo được tổng hợp từ 42 sàn thương mại điện tử và 42 công ty thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam và có hoạt động trên mạng xã hội. Theo đó, tổng thảo luận trong tháng 10/2022 trong ngành thương mại điện tử là 607,553.

Theo báo cáo tháng 11, Top 10 các công ty thương mại điện tử theo mức độ phổ biến trên mạng xã hội ghi nhận những thương hiệu nổi tiếng như Thế giới di động, FPT Shop, Viettel Store… trong đó Meta có bước nhảy vọt về thứ hạng khi tăng 5 bậc, trở thành công ty được người dùng mạng xã hội quan tâm nhiều nhất trong tháng 10.

Nguồn: Reputa
Nguồn: Reputa

Với riêng ngành giao thông vận tải, Grab tiếp tục giữ vững vị trí công ty phổ biến nhất trên nền tảng mạng xã hội với 32.700 lượt tương tác trong tháng, thành quả này nhờ Grab vẫn tiếp tục triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng như các voucher, chính sách thẻ hội viên…

Mặc dù tương tác giảm nhưng Shopee Food vẫn giữ vị trí thứ nhất trong top 5 sàn thương mại điện tử và giao nhận hàng trên mạng xã hội. Be Food với những hoạt động tích cực đã vượt qua Grab Food, vươn lên vị trí thứ 2 trong các thương hiệu phổ biến.

Nhìn chung, thương mại điện tử đang là đầu tàu trong việc tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam. Theo báo cáo có 90% người dùng dự định tiếp tục duy trì thậm chí tăng các hoạt động mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới, phần lớn tập trung vào các dịch vụ mua đồ ăn (chiếm 60%) và mua sắm trực tuyến (54%).

>> Xem thêm báo cáo ngành Thương mại điện tử Việt Nam qua từng tháng

7. Người tiêu dùng kỹ thuật số và phân tích thị trường thương mại điện tử Việt Nam 2022

Báo cáo này được thực hiện bởi Q&ME, minh họa cho toàn cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2022, cơ hội và rủi ro đối với nền thương mại kỹ thuật số. Báo cáo được tổng hợp từ dữ liệu người dùng thương mại điện tử độ tuổi từ 16-49 ở các nước Đông Nam Á.

Theo đó, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh nhất trong số các nước Đông Nam Á, thị trường hứa hẹn còn mở rộng hơn trong vòng 3-4 năm tới. Báo cáo dự đoán quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2026 sẽ đạt 56 tỷ USD, tăng trưởng gấp 4,5 lần so với năm 2021 (12 tỷ USD), đạt tốc độ cao nhất Đông Nam Á.

Nguồn: Q&ME
Nguồn: Q&ME

Về thị phần,  Shopee tiếp tục tăng thị phần trong khi Lazada và Tiki nối tiếp theo sau. Bên cạnh đó, Thế giới di động tiếp tục cải tiến nền tảng thương mại điện tử, nếu chỉ tính riêng lượng truy cập website bán hàng quý 3 năm 2021, Thế giới di động đã chiếm 20% thị phần, chỉ đứng sau Shopee (31%).

>> Tải báo cáo để xem chi tiết

8. Xu hướng bán lẻ trên các kênh hiện đại tại Việt Nam năm 2022

Báo cáo này cung cấp các phân tích về xu hướng bán lẻ qua các kênh hiện đại tại Việt Nam trong năm 2022. Dữ liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn uy tín, trong đó có các thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong bối cảnh ngành bán lẻ năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 dẫn tới mức tăng trưởng âm (8%), tuy nhiên trong năm 2022, tình hình đã trở nên tốt hơn rất nhiều.

Tính đến tháng 4/2022, những nhóm ngành sau có sự tăng trưởng tốt:

  • Cửa hàng tiện lợi: Bách Hóa Xanh và Winmart+ tiếp tục tăng trưởng và tái cấu trúc các cửa hàng. Số lượng cửa hàng Bách hóa xanh năm 2022 đạt 2147 cửa hàng, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Trong khi đó Winmart+ tiếp tục cải tiến và phát triển chất lượng, số cửa hàng cũng tăng nhẹ lên 2601 trong năm 2022.
  • Chuỗi nhà thuốc tây phát triển rất mạnh và đang có hơn 2000 nhà thuốc trên toàn quốc, các thương hiệu chiếm tỷ trọng lớn là Pharmacity (1000 nhà thuốc), FPT Long Châu (535 nhà thuốc) và An Khang Pharmacy (210 nhà thuốc)
Nguồn: Q&ME
Nguồn: Q&ME

Những ngành suy thoái bao gồm mini stores (số lượng cửa hàng giảm liên tiếp 2 năm), chuỗi rạp chiếu phim và phòng tập gym tăng trưởng ở mức chậm và vẫn chưa phục hồi như ở mức trước đại dịch

>> Bạn có thể xem thêm chi tiết báo cáo: TẠI ĐÂY

9. Sự mở rộng của các cửa hàng bán lẻ theo khu vực ở Việt Nam (2022)

Báo cáo này được Q&ME tổng hợp vào tháng 8/2022, thống kê các chuỗi bán lẻ lớn đang mở rộng cửa hàng ở những khu vực nào tại Việt Nam, dựa trên tổng hợp về số lượng phân bổ các cửa hàng, bao gồm cả các cửa hàng ăn uống và chuỗi cà phê.

Nhìn chung, các siêu thị lớn vẫn có sự phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn, dẫn đầu là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về số lượng. Trong tổng số 452 siêu thị lớn trên khắp cả nước, 134 siêu thị nằm ở thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 30%) và 122 siêu thị ở Hà Nội (chiếm 27%). 

Tương tự, các siêu thị nhỏ cũng tập trung phần lớn ở 2 thành phố kể trên, với 51% số lượng các siêu thị ở Hà Nội và Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các siêu thị nhỏ có xu hướng mở rộng ở các vùng ngoại ô hơn so với các siêu thị lớn. Winmart+ đã gia tăng số lượng cửa hàng tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng (1201 cửa hàng trong năm 2022, tăng 382 cửa hàng so với năm 2021).

Nguồn: báo cáo của Q&ME
Nguồn: báo cáo của Q&ME

Trong khi đó, một tên tuổi nổi bật trong ngành bán lẻ khác là Bách Hóa Xanh lại giảm số lượng cửa hàng tại khu vực các tỉnh Đông Nam Bộ, từ 1884 xuống còn 1735 cửa hàng. Động thái này có thể nằm trong chiến lược tối ưu chi phí vận hành, trong bối cảnh MWG đang tái cấu trúc lại mảng bán lẻ.

>> TẢI BÁO CÁO NGAY

10. FMCG in VIETNAM 2022

Đây là báo cáo hợp nhất thị trường FMCG Việt Nam quý 2, 2022 được tổng hợp bởi Kantar. Dữ liệu lấy từ nguồn World Panel Việt Nam. Báo cáo phản ánh các yếu tố quan trọng liên quan đến thị trường hàng tiêu dùng nhanh trong nửa đầu năm 2022, bao gồm: kinh tế vĩ mô, toàn cảnh thị trường FMCG trong quý 2 2022, các danh mục nổi bật, bức tranh thị trường bán lẻ Việt Nam, Spotlight…

Nhìn chung, GDP Việt Nam quý 2, 2022 có sự tăng trưởng ngoạn mục: tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, trở lại tốc độ tăng trưởng khi chưa có đại dịch. Điều này phản ánh kinh tế Việt Nam đang có tốc độ phục hồi rất tốt. Tuy nhiên, CPI quý 2 tăng trung bình 2,96% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện áp lực lạm phát cao, đòi hỏi nền kinh tế phải có sự điều tiết hợp lý.

Nguồn: báo cáo của Kantar
Nguồn: báo cáo của Kantar

Báo cáo này cũng chỉ ra người tiêu dùng đang quan tâm điều gì nhất tính đến nửa năm 2022. Với dân cư ở 4 thành phố lớn, những mối quan tâm chủ yếu được chỉ ra là: giá cả của dầu/ga/nhiên liệu, giá cả thực phẩm, sự tăng giá của các mặt hàng… 

Dễ nhận ra sau đại dịch, việc nhiều sản phẩm tăng giá bán đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Bên cạnh đó, khách hàng cũng chú ý nhiều hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm, hay các vấn đề thân thiện với môi trường.

Các loại đồ uống có lợi cho sức khỏe là danh mục sản phẩm được quan tâm hàng đầu trong khẩu vị khách hàng sau đại dịch. Báo cáo chỉ ra mức độ yêu thích của các loại đồ uống thân thiện tăng 8% ở thành thị và 15% ở nông thôn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các loại nước ép, trà xanh đóng chai, đồ uống năng lượng là những sản phẩm được ưa chuộng nhất trong 3 năm trở lại đây. 

Nguồn: Báo cáo của Kantar
Nguồn: Báo cáo của Kantar

Về xu hướng mua sắm các sản phẩm thiết yếu, 51% hộ gia đình mua các loại gạo có nhãn hiệu và 18% mua các loại thịt có nhãn mác rõ ràng chỉ ra tiềm năng kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sạch, có nguồn gốc và thương hiệu đang là rất lớn, các doanh nghiệp nếu đầu tư sản phẩm bài bản sẽ rất có lợi thế. 

>> Tải báo cáo để xem chi tiết tài liệu

11. Vietnam Brand Footprint 2022

Đây là báo cáo của Kantar tổng hợp và chọn lọc những thương hiệu nổi bật nhất trong ngành FMCG Việt Nam, xét theo các tiêu chí về độ phổ biến, số lượng khách hàng, số lượng nhãn hàng, thị phần…

Thống kê ở 4 thành phố lớn, Vinamilk là thương hiệu được yêu thích nhất, vượt qua các đối thủ lớn (trong đó có cả các nhãn hiệu nước ngoài tên tuổi) như Masan, Unilever, Nestle…

Ở khu vực nông thôn, thứ tự các nhãn hiệu có sự thay đổi trong đó Masan là thương hiệu được đông đảo người tiêu dùng ở các khu vực này lựa chọn, theo sau là Unilever và Vinamilk.

Nguồn: Báo cáo của Kantar
Nguồn: Báo cáo của Kantar

>> Tải báo cáo để xem chi tiết tài liệu

12. Báo cáo ngành dịch vụ F&B Việt Nam các tháng năm 2022

Báo cáo ngành dịch vụ F&B Việt Nam được tổng hợp theo từng tháng, cung cấp cho người đọc những thông tin biến động về ngành. Các báo cáo liệt kê bảng xếp hạng top 10 công ty F&B theo mức độ phổ biến trên mạng xã hội, top các thương hiệu dịch vụ trên mạng xã hội, các mặt hàng/hành vi được người tiêu dùng thường xuyên đề cập… Dữ liệu được tổng hợp từ thống kê các tương tác, thảo luận của người dùng trong 1 tháng về các chủ đề trong ngành F&B.

KFC đứng đầu trong top 10 công ty F&B phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội trong tháng, với tổng điểm tăng 18,2% so với tháng trước, đây là thành quả của việc thương hiệu này đẩy mạnh các hoạt động khuyến mãi, digital marketing, với chiến dịch “đặt KFC trên Gojek” là điểm nhấn.

Nguồn: Reputa
Nguồn: Reputa

The Coffee House giữ vững phong độ trong top 3 mặc dù tổng điểm giảm hơn 43%. Sự kiện ra mắt dòng sản phẩm Cloud Tea đã nhận về rất nhiều lượt tương tác và bình luận sôi nổi, góp phần giúp thương hiệu duy trì độ phổ biến. Trong khi đó, các hoạt động tích cực trong việc truyền thông qua mạng xã hội đã giúp Pizza Hut tăng 19 bậc, vươn lên vị trí thứ 2 trong số các công ty được quan tâm nhất.

Danh sách các loại đồ uống được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội bao gồm những thức uống được yêu thích như trà sữa, trà, cafe… Trà sữa tiếp tục là loại đồ uống được thảo luận nhiều nhất với trên 45% tổng số thảo luận. Tại danh sách các loại đồ ăn, bánh ghi nhận vị trí đứng đầu với trên 20% tổng thảo luận trên các nền tảng.

>> Bạn có thể tham khảo báo cáo từng tháng trong năm 2022: TẠI ĐÂY

13. Báo cáo ngành Fintech Việt Nam 2022 các tháng năm 2022

Báo cáo ngành Fintech Việt Nam các tháng cung cấp cho người đọc các biến động trên thị trường Fintech trong 1 tháng. Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) đang hoạt động là trên 100 công ty, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tài chính cá nhân. Trong đó Việt Nam đang có 40 ví điện tử đi vào hoạt động.

Báo cáo hàng tháng được tổng hợp dựa trên các tiêu chí:

  • Tổng quan thảo luận ngành Fintech trong tháng
  • Top 10 công ty lĩnh vực Fintech
  • Top 5 công ty ví điện tử
  • Top 5 ngân hàng số
  • Trải nghiệm người dùng về dịch vụ/sản phẩm Fintech
  • Top 5 tin tức nổi bật về ngành Fintech trên báo chí

Một số thông tin nổi bật trong báo cáo tháng 11:

Trong bảng xếp hạng top 10 công ty Fintech Việt Nam theo mức độ phổ biến trên mạng xã hội, Fe Credit tiếp tục giữ vững top đầu với Total Score tháng 10 tăng 53,7% so với tháng 9. Trong top 10 có sự thay đổi thứ hạng khi Trusting Social tăng 13 hạng và đang đứng vị trí thứ 8.

Nguồn: Reputa
Nguồn: Reputa

Top 5 ngân hàng số trong tháng 10 đều có lượng thảo luận trên mạng xã hội giảm đi, MBBank vẫn đang giữ vị trí đứng đầu với 7,95 điểm, mặc dù điểm số này đã giảm mạnh đến 65,6% so với tháng trước.

Về lượng thảo luận 3 loại hình Fintech là thanh toán điện tử, mô hình gọi vốn và các loại hình khác đều có sự sụt giảm. Trong đó thanh toán điện tử ghi nhận sự giảm lượng người quan tâm trên mạng xã hội nhất với việc giảm hơn 24% so với tháng trước, mô hình gọi vốn giảm 12,3% và các loại hình khác giảm 6,5%.

>> Xem ngay báo cáo chi tiết từng tháng

14. Xu hướng thảo luận thị trường Chứng khoán trên nền tảng số trong nửa năm 2022

Báo cáo bán niên 2022 được thực hiện bởi Reputa tổng hợp các xu hướng thảo luận về thị trường chứng khoán trên các nền tảng Digital. Dữ liệu được lấy từ việc thống kê các lượt tương tác, thảo luận của người dùng trên các nền tảng số từ ngày 15/12/2021 – 15/06/2022

Theo đó, nửa năm 2022 là khoảng thời gian ghi nhận sự sụt giảm thanh khoản mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam do nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước như: sự vụ về các lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức trong nước, xung đột giữa Nga và Ukraine, áp lực lạm phát trên thế giới…

Tổng quan, thảo luận về thị trường chứng khoán trên các phương tiện Digital trong 6 tháng đầu năm tăng 2022 tăng 139% so với cùng kỳ năm 2021 với 710,826 lượt thảo luận. Lý giải cho việc này chính là do thị trường trong thời điểm này liên tục chứng kiến các sự vụ bắt giữ các lãnh đạo doanh nghiệp có hành vi thao túng giá cổ phiếu, xử lý vi phạm của các lãnh đạo tại Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM… Những sự việc trên đã tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư.

Trong top 10 mã chứng khoán được thảo luận nhiều nhất trong nửa năm 2022, mã FLC (Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC) và GAS (Tổng công ty khí Việt Nam) chiếm 2 vị trí đầu tiên với lượng người dùng quan tâm thảo luận đạt lần lượt 26,843 và 25,965. Các mã cổ phiếu còn lại tập trung ở các nhóm ngành thép, tài chính – ngân hàng và bất động sản.

Nguồn: Reputa
Nguồn: Reputa

Bên cạnh các yếu tố trong nước, khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là các mã cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành năng lượng như xăng, dầu, nhiên liệu. Qúy 2 năm 2022 cũng là thời điểm kiểm soát chặt chẽ các dòng vốn tín dụng và bất động sản, thanh tra trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng… hệ quả là các cổ phiếu nhóm ngân hàng có sự sụt giảm mạnh từ 30-40%.

>> TẢI BÁO CÁO NGAY

15. Báo cáo ngành bất động sản Việt Nam các tháng năm 2022

Báo cáo ngành bất động sản Việt Nam được tổng hợp theo từng tháng cung cấp cho người đọc những thông tin như biến động trong ngành, các công ty nổi bật trên các phương tiện truyền thông… Dữ liệu được lấy từ tổng hợp các tin bài liên quan đến ngành bất động sản được tổng hợp trong tháng, với tháng 10 là hơn 23,888,770 tin bài.

Theo báo cáo của Reputa, Nam Long trong tháng 10 vươn lên trở thành doanh nghiệp bất động sản phổ biến trên mạng xã hội với điểm total score tăng ấn tượng, gấp 37,6 lần so với tháng 9. Tháng 10 cũng là tháng Nam Long kỷ niệm 30 năm thành lập tập đoàn với nhiều chiến dịch truyền thông hấp dẫn, doanh nghiệp còn được vinh danh hàng loạt giải thưởng như Top 10 toàn ngành bất động sản, top 100 nơi làm việc tốt nhất châu Á 2022…Đây cũng là những yếu tố làm tăng các thảo luận và quan tâm của người dùng với thương hiệu này trên mạng xã hội.

Nguồn: Reputa
Nguồn: Reputa

Các doanh nghiệp còn lại trong top 10 đều là những tập đoàn tên tuổi như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh… Mức độ phổ biến trên các kênh số của top 10 đa phần đều giảm so với tháng trước, trong bối cảnh thị trường bất động sản trong quý 3/2022 có sự sụt giảm mạnh cả nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ ở hầu hết các phân khúc bán chủ chốt.

Tổng quan thảo luận về ngành bất động sản trong tháng 10, đất thổ cư vẫn tiếp tục là chủ đề được đông đảo người dùng thảo luận nhiều nhất trên các nền tảng mạng xã hội, tuy nhiên đều có sự giảm so với các tháng trước, nhất là ở các thành phố lớn. Quan tâm về loại hình chung cư ở Hà Nội giảm đến 65%, trong khi thảo luận về đất thổ cư ở Đà Nẵng tăng nhẹ 4%.

>> Xem thêm báo cáo chi tiết từng tháng

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả