Xu hướng kinh doanh 2025: Cơ hội triệu đô hay một cuộc đào thải?

22/11/2024
1323

Theo khảo sát của Vietnam Report, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành đã tăng cao lên đến con số 4,17 trên thang điểm 5. Điều này phản ánh sự gia tăng của các doanh nghiệp mới và sự thâm nhập mạnh mẽ của các công ty quốc tế vào thị trường Việt Nam. Để tồn tại và dẫn đầu trong bối cảnh hiện nay, tối ưu quy trình và phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh là điều cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Linh hoạt đón đầu xu hướng và có sự chuẩn bị, thích nghi trước những biến động chính là chìa khóa cho sự bền vững của doanh nghiệp.

Hãy cùng MISA phân tích xu hướng kinh doanh 2025, tìm hiểu về những yếu tố được dự đoán sẽ định hình thị trường toàn cầu trong tương lai như sự bùng nổ của công nghệ, những mô hình/mặt hàng sẽ lên ngôi, sự dịch chuyển trong hành vi của người tiêu dùng và nhiều điểm đáng chú ý khác.

Yếu tố nào sẽ định hình xu hướng kinh doanh 2025?

1. Công nghệ: Động lực thay đổi toàn cầu

Trong quá khứ, nhân loại từng chứng kiến sự bùng nổ về công nghệ của internet (1990s), smart-phone (2000s) và điện toán đám mây (2010s). Ba yếu tố này đã thay đổi hoàn toàn nền kinh tế. Chúng không chỉ tạo nên sự kết nối toàn cầu mạnh mẽ, mở ra thương mại điện tử và truyền thông số, mà còn là tiền đề cho sự phát triển của những lĩnh vực công nghệ mới được dự đoán sẽ thay đổi “cuộc chơi” xu hướng kinh doanh 2025 tới.

Những lĩnh vực đó bao gồm Big Data, AI – Machine Learning và Blockchain.

xu hướng kinh doanh 2025

Big Data

Big Data là thuật ngữ dùng để chỉ khối lượng dữ liệu lớn, đa dạng, và thường được tạo ra với tốc độ nhanh chóng. Những dữ liệu này có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như giao dịch trực tuyến, hoạt động mạng xã hội, cảm biến IoT, thiết bị di động, hoặc thậm chí từ các camera giám sát. Big Data thường được đặc trưng bởi yếu tố 3V:

  • Volume (Khối lượng): Lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra hàng ngày.
  • Velocity (Tốc độ): Dữ liệu được tạo ra và xử lý trong thời gian thực hoặc gần như thời gian thực.
  • Variety (Đa dạng): Dữ liệu có nhiều dạng khác nhau như văn bản, hình ảnh, video, và số liệu.

Big Data là yếu tố then chốt trong sự phát triển và gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, thể hiện rõ qua những vai trò thiết thực:

  • Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng: Big Data giúp doanh nghiệp phân tích hành vi và sở thích của từng khách hàng để cung cấp các dịch vụ và sản phẩm phù hợp nhất. Ví dụ, Viettel tận dụng Big Data để phân tích hành vi người dùng, đưa ra các gói cước, chương trình khuyến mãi phù hợp với nhu cầu từng nhóm khách hàng, cải thiện trải nghiệm và tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng.
  • Tối ưu hóa vận hành và ra quyết định: Phân tích dữ liệu thời gian thực giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, dự đoán nhu cầu, và giảm chi phí lưu kho.
  • Dự đoán xu hướng thị trường: Dữ liệu từ mạng xã hội và các nguồn trực tuyến khác giúp doanh nghiệp dự đoán các xu hướng tiêu dùng mới, cải thiện chiến lược tiếp thị.
  • Cải thiện sản phẩm và dịch vụ: Các công ty công nghệ, ví dụ như MISA, sử dụng dữ liệu từ phương tiện của mình để cập nhật và nâng cấp phần mềm tự động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dùng.
  • Quản lý rủi ro và gian lận: Các ngân hàng và tổ chức tài chính sử dụng Big Data để phát hiện các giao dịch bất thường và giảm nguy cơ gian lận.

Để khai thác được hiệu quả Big Data, chuyển đổi số là nghiệp vụ mà doanh nghiệp bắt buộc “chỉ bàn làm, không bàn lùi, khó mấy cũng phải làm”, theo như lời thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu về vấn đề này trong năm 2024.

Doanh nghiệp của anh/chị chưa có công cụ khai thác Big Data hiệu quả? Tìm hiểu giải pháp MISA AMIS CRM khai thác tối đa dữ liệu kinh doanh

Trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning)

Thuật toán học máy (machine learning) giúp AI phát triển mạnh mẽ nhờ khả năng lưu trữ và gia tăng dữ liệu. Tại thời điểm mới ra mắt công chúng, những công cụ như ChatGPT, Gemini, Microsoft’s Bing, Copilot,.. giống như những “tấm chiếu mới” giữa khối dữ liệu khổng lồ trên không gian mạng.

Nhờ khả năng học hỏi từ hàng triệu người sử dụng khắp thế giới suốt thời gian qua, AI được “tôi luyện” ngày càng sắc bén hơn và đang dần trở thành trung tâm của các giải pháp kinh doanh, từ tự động hóa quy trình, cho đến phân tích dự đoán, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Không chỉ gói gọn trong việc hỗ trợ cung cấp thông tin và sáng tạo nội dung, AI chắc chắn sẽ tác động mãnh mẽ đến xu hướng kinh doanh 2025, đem lại cho doanh nghiệp những lợi ích quan trọng như:

  • Hỗ trợ quyết định nhanh chóng và chính xác dựa trên phân tích dữ liệu.
  • Cung cấp dịch vụ cá nhân hóa, chẳng hạn chatbot AI cải thiện dịch vụ khách hàng.
  • Tăng năng suất với tự động hóa quy trình, như RPA (Robotic Process Automation).

Động thái hợp tác phát triển công nghệ AI giữa Việt Nam và “ông lớn” NVIDIA càng khẳng định tiềm năng của lĩnh vực này là một điều mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua. Hiện nay, có nhiều công ty đã nhạy bén đón đầu xu hướng ứng dụng AI vào mô hình kinh doanh. Ví dụ như những doanh nghiệp sử dụng phần mềm quản lý bán hàng MISA AMIS CRM đang tận dụng tối đa trợ lý ảo AVA để tối ưu hóa quy trình nội bộ và tương tác với khách hàng.

xu hướng kinh doanh 2025

Blockchain và Web3

Blockchain không chỉ áp dụng trong tiền mã hóa mà còn trong quản lý chuỗi cung ứng, hợp đồng thông minh và đặc biệt là bảo mật dữ liệu. Đã có nhiều tổ chức lớn như Walmart và Trung tâm Hợp tác An toàn Thực phẩm tại Bắc Kinh sử dụng công nghệ chuỗi khối để giám sát chuỗi cung ứng minh bạch hơn.

Tương tự tại Việt Nam, một số đơn vị nông nghiệp hay như Lotte Mart cũng đã ứng dụng blockchain vào hệ thống quản trị. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu nguồn gốc sản phẩm, tạo nên một trật tự thị trường mới bớt “thật giả lẫn lộn”.

Blockchain còn là yếu tố cốt lõi của Web3. Với tính chất chuyển đổi từ nền tảng internet tập trung sang phi tập trung, Web3 giúp người dùng nắm quyền kiểm soát dữ liệu thay vì chịu sự quản lý của Google hay Facebook. Người dùng được tăng cường bảo mật và tránh việc bị đánh cắp/kinh doanh thông tin cá nhân. Tất cả những điều này đều góp phần giúp các doanh nghiệp xây dựng niềm tin với khách hàng, thúc đẩy hành vi giao dịch trên thị trường sôi nổi và lành mạnh hơn.

2. Môi trường: Áp lực và cơ hội mới

Nền công nghiệp đã đưa cuộc sống của con người lên một tầm cao mới, hiện đại hơn, tiện nghi hơn, giàu có hơn. Thế nhưng những mặt trái mà sự phát triển này đem lại đang ngày càng hiện rõ. Đó là sự ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, vấn đề về phát thải nhựa, suy giảm tài nguyên và biến đổi khí hậu.

Con người bắt đầu phải hứng chịu ảnh hưởng rõ rệt như nhiệt độ toàn cầu tăng lên, lũ lụt, cháy rừng, bão lũ cùng những căn bệnh nan y xuất hiện nhiều hơn. Hơn 1 triệu loại thực vật, động vật cũng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Tất cả những điều này khiến cho môi trường trở thành yếu tố tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế.

Không chỉ chính phủ nỗ lực thúc đẩy xu hướng kinh doanh bền vững mà những người tiêu dùng hiện cũng đề cao giá trị môi trường hơn bao giờ hết. Những doanh nghiệp không chịu chuyển mình theo xu thế hoặc thậm chí là đi ngược lại với giá trị này chắc chắn sẽ rất khó để cạnh tranh và tồn tại trong thời gian tới.

Mô hình nào sẽ lên ngôi xu hướng kinh doanh 2025?

Dựa theo diễn biến của tình hình kinh tế – xã hội, có 5 mô hình kinh doanh được nhận định sẽ “chiếm ngôi” trong xu hướng kinh doanh 2025:

1. Mô hình kinh doanh dựa trên đăng ký (Subscription-Based Model)

Là một mô hình kinh doanh mà khách hàng trả phí định kỳ (thường là hàng tháng hoặc hàng năm) để sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ. Thay vì mua đứt sản phẩm, khách hàng tiếp tục thanh toán để duy trì quyền truy cập. Mô hình này phổ biến trong lĩnh vực:

  • Phần mềm SaaS: Như Microsoft 365, Adobe Creative Cloud.
  • Phần mềm quản trị doanh nghiệp: MISA AMIS CRM, Salesforce, Monday, Trello.
  • Giải trí: Netflix, Spotify.
  • Hàng tiêu dùng: Dollar Shave Club, HelloFresh.

Lý do khiến mô hình này được cho là xu hướng kinh doanh 2025 là bởi sự tiện lợi và cá nhân hóa mà các mô hình này cung cấp cho người tiêu dùng. Subscription còn đem lại lợi ích to lớn giúp doanh nghiệp ổn định dòng tiền, tăng lòng trung thành, và giảm chi phí thu hút khách hàng mới. Với sự phát triển của công nghệ, các nền tảng như AI có thể đề xuất sản phẩm/dịch vụ phù hợp dựa trên hành vi tiêu dùng.

xu hướng kinh doanh 2025
Phần mêm MISA AMIS CRM là một ví dụ cho mô hình kinh doanh Subscription.

Theo nghiên cứu của Zuora, 78% người tiêu dùng hiện đang sử dụng ít nhất một dịch vụ subscription. Thị trường này dự kiến đạt giá trị hơn 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tăng mạnh so với 650 tỷ USD năm 2020. Chúng ta đã chứng kiến nhiều thương hiệu thành công rực rỡ từ mô hình này như Netlix, Spotify, Youtube Premium, Icloud từ Apple hay vô vàn các ứng dụng khác như sách nói (audio book), chỉnh sửa hình ảnh/video, giáo dục,..

2. Kinh tế chia sẻ (Sharing Economy)

Kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) là một mô hình kinh doanh nơi tài nguyên, dịch vụ hoặc tài sản được chia sẻ giữa các cá nhân thông qua nền tảng trung gian, thường dựa trên công nghệ. Tăng trưởng của mô hình này được thúc đẩy bởi chi phí sở hữu tài sản tăng cao, ý thức tiết kiệm tài nguyên và sự tiện lợi trong việc chia sẻ. Các nền tảng kỹ thuật số làm giảm chi phí kết nối, giao dịch và mở rộng khả năng tiếp cận của người dùng.

Sự ra đời và phát triển của Airbnb, Grab, ShopeeFood,.. tại Việt Nam là minh chứng rõ nhất cho sự hiệu quả của Sharing Economy. Dù không còn mới mẻ nhưng mô hình này được dự đoán sẽ tiếp tục là xu thế kinh doanh 2025. Báo cáo từ PwC dự báo rằng giá trị kinh tế chia sẻ toàn cầu có thể đạt 335 tỷ USD vào năm 2025 và mở rộng thêm các lĩnh vực như không gian làm việc, chia sẻ thiết bị (Fat Llama), và thậm chí thực phẩm (Too Good To Go).

3. Direct-to-Consumer (D2C)

Nếu như trước đây, một đơn vị sản xuất cần thời gian để phát triển mạng lưới phân phối từ sỉ đến lẻ thì hiện giờ chỉ một phiên livestream đã có thể “dọn sạch” cả một kho hàng. Hiện tượng này thể hiện sức mạnh của mô hình D2C, mô hình giúp doanh nghiệp bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng mà không cần thông qua các nhà bán lẻ hoặc trung gian.

Mô hình này đem lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích như giảm chi phí vận hành và chiết khấu, kiểm soát toàn bộ hành trình mua hàng, cũng như tăng cường mối quan hệ với khách hàng. Ngoài ra, việc sở hữu dữ liệu khách hàng cũng cho phép các doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược tiếp thị.

Các thương hiệu như Glossier, Warby Parker, hay Coolmate (tại Việt Nam) là những ví dụ điển hình. Chính sự phát triển của thương mại điện tử và mạng xã hội đã thúc đẩy D2C phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng kinh doanh 2025 không thể bỏ qua. Báo cáo của Statista cho thấy doanh thu từ mô hình D2C toàn cầu dự kiến vượt 175 tỷ USD vào năm 2025 và hoàn toàn có khả năng thống trị xu hướng kinh doanh trong tương lai.

4. Kinh doanh xanh (Green Business)

Trước những biến động không ngừng từ khí hậu và môi trường, kinh doanh xanh không những sẽ tiếp tục là xu hướng kinh doanh 2025 mà còn được đánh giá là xu hướng kinh doanh thế kỷ 21 nói chung. Người tiêu dùng ngày càng hướng tới các sản phẩm/dịch vụ thân thiện với môi trường, sử dụng tài nguyên bền vững, và giảm phát thải carbon.

Xu hướng này phản ánh sự ưu tiên của người tiêu dùng hiện đại, đặc biệt là thế hệ Millennials và Gen Z, hai lực lượng sôi nổi nhất của thị trường. Một khảo sát của Nielsen cho thấy 73% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm thân thiện với môi trường.

PatagoniaTesla là những thương hiệu đi đầu trong kinh doanh xanh. Ở Việt Nam, Biti’s Hunter cũng đã áp dụng vật liệu tái chế cho sản phẩm giày của mình.

Ngoài ra còn có mỹ phầm thuần chay Cocoon phát triển bền vững trong 10 năm qua, và chắc chắn không thể không kể đến thương hiệu VinFast đầy tham vọng trong cuộc đua về xe điện toàn cầu.

xu hướng kinh doanh 2025
VinFast là một trong số thương hiệu Việt Nam nhạy bén và quyết liệt nhất trước xu hướng kinh doanh xanh đang dần thống trị toàn cầu.

Tìm hiểu thêm: Chiến lược kinh doanh của VinFast trong cuộc đua xe ô tô điện

5. Kinh doanh đa kênh Omnichannel

Omnichannel là chiến lược tích hợp tất cả các kênh bán hàng và tiếp xúc khách hàng của doanh nghiệp (như cửa hàng vật lý, website, ứng dụng di động, mạng xã hội) thành một trải nghiệm thống nhất và liền mạch. Điều này cho phép khách hàng chuyển đổi giữa các kênh mà không gặp bất kỳ gián đoạn nào. Ví dụ, một khách hàng có thể xem sản phẩm trực tuyến, kiểm tra tính sẵn có tại cửa hàng gần nhất, và hoàn tất mua sắm qua ứng dụng di động.

Hình thức kinh doanh này giúp doanh nghiệp gia tăng cơ hội bán hàng, tối ưu dịch vụ khách hàng và thu thập dữ liệu từ nhiều kênh để tối ưu hóa chiến lược kinh doanh. Số liệu từ các cuộc khảo sát cũng cho thấy, 63% khách hàng mong muốn trải nghiệm mua sắm liền mạch trên tất cả các kênh và dự báo thị trường omnichannel toàn cầu sẽ đạt 16,9 tỷ USD vào năm 2027.

Nền tảng bán hàng nào đang dẫn đầu xu thế thương mại 2025?

1. Social Commerce

Social Commerce là hình thức bán hàng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, nơi quá trình khám phá, tương tác và mua hàng diễn ra liền mạch. Hình thức này đang bùng nổ mạnh mẽ, thậm chí vượt tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử (E-Commerce).

Xu hướng này đang bùng nổ nhờ sự phổ biến của mạng xã hội và mua sắm trực tuyến. Việc kết hợp giữa tính giải trí và mua sắm online (shoppertainment) không gián đoạn, cùng với sự lên ngôi của hình thức livestream bán hàng đã khiến cho Social Commerce thay đổi hoàn toàn cách các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Bằng chứng là sự ra đời và ảnh hưởng của Facebook Marketplace, Instagram Shopping và đặc biệt là Tiktok Shop.

Theo eMarketer, doanh thu từ thương mại xã hội toàn cầu sẽ đạt 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2026. Các doanh nghiệp vẫn duy trì bán hàng theo các hình thức truyền thống chắc chắn sẽ phải cập nhật xu hướng này nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường quá cạnh tranh hiện nay.

2. Conversational Commerce 

Conversational Commerce là xu hướng mua sắm qua các ứng dụng tin nhắn như livechat trên website, Facebook Messenger, Zalo, Instagram Direct, trang thương mại điện tử,… với sự hỗ trợ tự động từ công nghệ chatbot/trợ lý ảo.

Người tiêu dùng hiện nay có quá nhiều lựa chọn khi mua sắm trực tuyến, do đó họ không mặn mà với những nhãn hàng thiếu sự tương tác nhanh chóng. Mặc dù phương pháp hỗ trợ trực tiếp qua điện thoại vẫn là hình thức hiệu quả nhất nhưng Conversational Commerce được đánh giá là một điểm không nên bỏ qua trong xu hướng kinh doanh 2025, thể hiện qua những khảo sát:

  • Việt Nam là một trong những thị trường có tỷ lệ sử dụng ứng dụng nhắn tin cao nhất thế giới.
  • Theo khảo sát của Meta và Boston Consulting Group, 73% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng tin nhắn để tiếp cận các nhãn hàng và doanh nghiệp.
  • Theo báo cáo “Nielsen Global Consumer Trends”, 68% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ sẽ chọn mua hàng từ một doanh nghiệp nếu nhận được phản hồi ngay lập tức khi liên hệ qua các kênh chat trực tiếp,

Những lĩnh vực kinh doanh tiềm năng năm 2025

Một điều mà nhiều doanh nghiệp và nhà khởi nghiệp quan tâm nhất đó là những lĩnh vực kinh doanh tiềm năng nào sẽ lên ngôi trong năm tới. Dưới đây là một số ngành hàng/sản phẩm được dự đoán sẽ là xu hướng kinh doanh 2025, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới. Thậm chí, những lĩnh vực này được cho là sẽ vẫn phù hợp với xu hướng kinh doanh 5 năm tới:

xu hướng kinh doanh 2025
Những lĩnh vực được xác định là xu hướng kinh doanh 2025 và sẽ vẫn là xu hướng kinh doanh 5 năm tới.

1. Công nghệ cá nhân và thiết bị IoT gia đình thông minh

Sự phổ biến của các thiết bị AI và IoT trong nhà như robot hút bụi, tủ lạnh thông minh, và trợ lý ảo tăng nhanh nhờ giá cả giảm và tiện ích gia tăng. Thị trường thiết bị IoT cho người tiêu dùng dự kiến đạt 555,92 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng CAGR là 12,7% từ 2023 đến 2030.

Sự phát triển này được hỗ trợ bởi sự thâm nhập của các hãng lớn như Samsung, Amazon, và Google, cùng với các sáng kiến thành phố thông minh từ chính phủ nhiều quốc gia, đặc biệt ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương​.

2. Phương tiện giao thông xanh

Xe máy điện và ô tô điện sẽ tiếp tục phát triển mạnh nhờ các quy định về khí thải, chính sách hỗ trợ từ chính phủ, và mối quan tâm đến môi trường ngày càng lớn từ người tiêu dùng. Qua thời gian, những lợi ích thiết thực như tiện ích công nghệ, tiết kiệm chi phí, giảm tiếng ồn và phát thải ra môi trường đã dần xóa tan sự nghi ngại của mọi người về xe điện.

Sự mở rộng cơ sở hạ tầng sạc điện và ra mắt những dòng xe giá rẻ từ Tesla, hay các thương hiệu mới nổi như VinFast, cũng giúp phân khúc này trở nên dễ tiếp cận hơn. Viễn cảnh tương lai thay thế hoàn toàn xe xăng là mục tiêu mà cả thế giới đang hướng đến. Điều này sẽ mở ra một số cơ hội kinh doanh những sản phẩm/dịch vụ liên quan như công nghệ tái chế nhiên liệu, bảo dưỡng sửa chữa, trang trí/độ xe, xây dựng hạ tầng,…

3. Thời trang bền vững

Keyword “bền vững” sẽ vẫn vững ngôi trong xu hướng kinh doanh tương lai. Thời trang tái chế và vật liệu thân thiện môi trường đang được các thương hiệu như H&M, Adidas và Patagonia thúc đẩy mạnh mẽ. Ngành thời trang bền vững phát triển từ nhận thức ngày càng cao của người tiêu dùng về những tác động môi trường. Thị trường thời trang bền vững toàn cầu dự kiến tăng trưởng với tốc độ CAGR trên 8% trong những năm tới, do sự hỗ trợ từ các chính sách thuế ưu đãi và sự đổi mới vật liệu​.

Ngành hàng quần áo, phụ kiện đã qua sử dụng, còn được gọi là đồ thriftshop hay second hand, cũng là điểm đáng chú ý trong xu hướng kinh doanh 2025. Nhận thức được tác động khủng khiếp của ngành thời trang nhanh (fast fashion) lên môi trường tự nhiên, những người tiêu dùng trẻ đang ngày càng ưa chuộng mặt hàng này bởi nó không chỉ giảm thải quần áo thừa mà còn đem lại lợi ích về chi phí và giá trị về văn hóa, tính vượt thời gian (timeless) của thời trang.

4. Sản phẩm sáng tạo và thủ công truyền thống

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đem lại nhiều sự phấn khích cho con người nhưng cũng đồng thời tạo ra một nỗi sợ hãi thầm kín về một viễn cảnh xã hội ngày càng lún sâu vào thế giới ảo và xa rời cuộc sống thực tế. Điều này khiến người ta trở nên trân quý hơn những sản phẩm thủ công tỉ mẩn từ nghệ nhân, đề cao giá trị văn hóa, hay các sản phẩm sáng tạo có tính cá nhân hóa hoặc câu chuyện sinh động.

Sự phát triển của trang web Etsy và các nền tảng bán hàng trực tuyến tập trung vào sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã thúc đẩy các nhà sản xuất nhỏ lẻ gia nhập thị trường toàn cầu. Tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ đã chọn quay trở lại với những mặt hàng truyền thống của gia đình và tận dụng kiến thức của mình để kết nối chúng với người mua khắp thế giới, đặc biệt là ở những đất nước phát triển, nơi mà loại mặt hàng này đặc biệt được ưa chuộng.

5. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần

Nhịp sống vội vã và đầy cạnh tranh của thế giới hiện đại khiến cho con người đang phải đối mặt với các vấn đề về tâm lý nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử. Bằng chứng là cụm từ “healing – chữa lành” dần được sử dụng vô cùng phổ biến trên các nền tảng thông tin, kéo theo đó là sự phát triển của nhiều loại dịch vụ/sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Mô hình du lịch nghỉ dưỡng Retreat (gần gũi tự nhiên và tạo cảm giác yên bình, thư thái) đang lên ngôi mạnh mẽ. Các dịch vụ hoặc ứng dụng thiền định, huấn luyện tâm lý, và trị liệu trực tiếp hay trực tuyến như BetterHelp cũng ghi nhận sự gia tăng đột biến, đặc biệt là từ sau dịch Covid-19.

Những dịch vụ/sản phẩm này sẽ ngày càng được chú trọng hơn nữa, bởi không chỉ giới trẻ mà cả các thế hệ X và Y cũng đang dần dành nhiều sự quan tâm hơn cho sức khỏe tinh thần.

6. Nội dung số

Dịch vụ học tập trực tuyến và giải trí số tăng trưởng bùng nổ nhờ số hóa giáo dục và thói quen tiêu dùng mới. Các khóa học kỹ năng chuyên sâu từ Coursera, Udemy hay các nội dung số độc quyền từ Netflix, Disney+ đang định hình ngành này.

Sự ra đời ồ ạt của các nền tảng nội dung số như mạng xã hội, ứng dụng ChatGPT, sách nói, podcast, truyền hình số,.. cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ trong cách xã hội tiếp cận thông tin, mở ra xu hướng kinh doanh trong tương lai đầy tiềm năng cho lĩnh vực này. Rất nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau đã bắt tay vào xây dựng kênh nội dung số, truyền tải kiến thức một cách sáng tạo và “hợp thời” hơn để người dùng dễ tiếp cận. 

Dù vấn đề bất cập về quản lý bản quyền số vẫn chưa được giải quyết triết để nhưng lĩnh vực này chắc chắn là xu hướng kinh doanh 2025 mà các doanh nghiệp và nhà khởi nghiệp không thể bỏ qua.

7. Phần mềm chuyển đổi số

Không chỉ người tiêu dùng mà các doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước cũng có nhu cầu mạnh mẽ về sử dụng công nghệ. Các đơn vị này đang đẩy mạnh chuyển đổi số, làm tăng nhu cầu phần mềm như ERP, CRM, và các giải pháp quản lý tự động hóa. Xu hướng này dựa trên nhu cầu cải thiện năng suất và hiệu quả hoạt động, cùng với việc chính phủ nhiều nước thúc đẩy số hóa dịch vụ công. Đây là nghiệp vụ được toàn thế giới đánh giá là chỉ có hai lựa chọn, đó là thay đổi để thích ứng hoặc chậm trễ để tụt hậu.

Điều này kéo theo sự ra đời của nhiều phần mềm, ứng dụng quản trị doanh nghiệp như MISA AMIS, MISA FinGov, Salesforce, Monday, Trello, Zoho,.. Chỉ riêng phần mềm quản lý bán hàng AMIS CRM do công ty MISA phát triển đã được hơn 12.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng để tối ưu hóa quy trình kinh doanh, gia tăng lợi thế cạnh tranh và đảm bảo an toàn dữ liệu.

Dùng thử miễn phí đầy đủ tính năng

Hình thức thanh toán và giao hàng trong xu hướng kinh doanh 2025

Những yếu tố như hình thức thanh toán và giao hàng cũng góp phần không nhỏ vào việc gia tăng tiện ích và dịch vụ, trải nghiệm khách hàng. Trong năm 2025, những hình thức sau được dự đoán sẽ trở nên ngày càng phổ biến:

  • Thanh toán qua ví điện tử: Xu thế hạn chế sử dụng tiền mặt khiến cho ví MoMo, ShopeePay, ZaloPay, Viettel Money,.. ngày càng phổ biến và sẽ tiếp tục được ưa chuộng trong năm 2025.
  • Mua trước trả sau (Buy Now, Pay Later):  Hình thức này đã phổ biến ở nước ngoài từ lâu nhưng mới chỉ có dấu hiệu tăng mạnh tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhiều thương hiệu đã triển khai và đạt được doanh thu tốt như Shopee, Lazada, Sendo, Lotte,.. nhờ sự “mời gọi” chi tiêu đầy hấp dẫn mà hình thức này đem đến cho người tiêu dùng.
  • Giao hàng nhanh: Những xu hướng nổi bật trong dịch vụ giao hàng nhanh tại Việt Nam là giao hàng trong ngày (same-day delivery), giao hàng tức thì (instant delivery) và giao hàng theo yêu cầu (on-demand delivery). Những dịch vụ này đặc biệt phổ biến tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, nơi nhu cầu tiêu dùng và mật độ mua sắm trực tuyến cao. Tối ưu được yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng đáng kể lợi thế cạnh tranh.
  • Logistics xanh: Đây là xu thế đã lan rộng toàn cầu và được dự đoán sẽ sớm tạo nên ảnh hưởng tại Việt Nam. Không chỉ góp phần giảm khí thải và tiết kiệm năng lượng, hình thức này được cho là còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hơn vận chuyển thông thường. Một số điểm đáng chú ý về logstics xanh bao gồm giải pháp vận chuyển Milk-Run, sử dụng xe điện, tái sử dụng container rỗng và vận chuyển bằng sà lan.

Xu hướng marketing 2025 có gì đáng chú ý?

Để quảng bá sản phẩm đến khách hàng hiệu quả và tối đa được hiệu suất kinh doanh, các doanh nghiệp nên chú trọng 5 xu hướng marketing dưới đây:

  • Quảng cáo cá nhân hóa: Nhờ sự phát triển của công nghệ và các công cụ thu thập, phân tích dữ liệu, các công ty đều đang tập trung tối đa vào AI và dữ liệu lớn (big data) để tạo nội dung quảng cáo riêng cho từng cá nhân.
  • Quảng cáo qua micro-influencer: Các nhà sáng tạo nội dung và KOL/Influencer vẫn là lựa chọn hàng đầu, nhưng sẽ dịch chuyển sang micro-influencer để tăng tính xác thực. Họ là những người có ảnh hưởng trong phạm vi nhỏ hơn, thường chỉ có từ 1.000 đến 100.000 người theo dõi. Hợp tác với nhóm này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều nhóm khách hàng mục tiêu được phân loại chi tiết với mức chi phí tiết kiệm hơn.
  • Nội dung ngắn, có tính giải trí và tương tác cao: TikTok, YouTube Shorts, Facebook và Instagram Stories sẽ tiếp tục là sân chơi quảng cáo hàng đầu vì khẩu vị của người tiêu dùng với nội dung ngắn và giải trí vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm. Ngoài những nội dung giải trí thì các hình thức có tính tương tác cao như livestream, trò chơi hóa (gamification) vẫn đem lại hiệu quả cao trong việc kết nối với khách hàng. Phương pháp storytelling với những câu chuyện đời thường gần gũi cũng là một yếu tố không nên bỏ qua.
  • Quảng cáo bền vững: Thông điệp xoay quanh bảo vệ môi trường và đóng góp, phát triển cộng đồng sẽ được ưu tiên.

xu hướng kinh doanh 2025

Tổng kết về xu hướng kinh doanh 2025

Xu hướng kinh doanh 2025 mở ra một giai đoạn mới, nơi công nghệ, môi trường và trải nghiệm cá nhân hóa trở thành tâm điểm. Từ mô hình kinh doanh, các ngành hàng, hình thức thanh toán, giao hàng cho đến các hoạt động marketing đều xuất hiện những điểm sáng mới mẻ đáng chú ý.

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ khai mở nhiều tiềm năng mới cho nền kinh tế. Thế giới ngày càng “phẳng”, chi phi kết nối, giao dịch thương mại toàn cầu ngày càng được tối ưu hóa. Có thể nói rằng, chưa bao giờ thị trường có được cơ hội cạnh tranh bình đẳng như hiện nay. Những nhà khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa & nhỏ với tiềm lực và mạng lưới quan hệ hạn chế cũng có thể kết nối trực tiếp đến khách hàng một cách dễ dàng hơn nhiều so với trong quá khứ.

Năm 2025 là một thời điểm quan trọng, tiềm tàng nhiều cơ hội “hóa rồng” cho những doanh nghiệp có lãnh đạo nhạy bén, thế nhưng cũng đem lại rủi ro bị đào thải nếu như các tổ chức không kịp chuyển mình và thích nghi. Hãy bắt tay xây dựng chiến lược kỹ càng trước bối cảnh này và khai thác triệt để những cơ hội trong năm tới để vươn lên dẫn đầu thị trường.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Tuyến Phạm
Tác giả
Giám đốc Kinh doanh tại MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả