Mô hình 5M và cách ứng dụng vào các hoạt động marketing

24/11/2022
1769

Mô hình 5M, bao gồm Mission (mục tiêu), Money (ngân sách), Media (phương tiện truyền thông), Message (thông điệp) và Measurement (đánh giá hiệu quả), là một công cụ mạnh mẽ trong việc lập kế hoạch và quản lý các chiến dịch marketing. Trong bài viết này, hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu về mô hình 5M, tầm quan trọng của nó trong marketing, cũng như cách áp dụng mô hình này vào thực tế để đạt được kết quả tốt nhất cho doanh nghiệp.

Mô hình 5M và cách ứng dụng vào các hoạt động marketing
Mô hình 5M và cách ứng dụng vào các hoạt động marketing

I. Mô hình 5M – 3M – 4M trong marketing là gì?

1. Mô hình 3M trong marketing là gì?

Mô hình 3M trong marketing gồm 3 yếu tố quan trọng marketer cần cân nhắc khi triển khai hoạt động marketing, bao gồm:

  • Market – thị trường mục tiêu
  • Media – phương tiện truyền thông
  • Message – thông điệp.

Market – Thị trường mục tiêu

Yếu tố đầu tiên trong mô hình 3M là thị trường mục tiêu (market). Yếu tố gốc rễ của bất kỳ hoạt động marketing nào là xác định thị trường mục tiêu doanh nghiệp muốn hướng đến.

Khi xác định thị trường mục tiêu, các marketer cần xác định đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể dựa trên những tiêu chí như: đặc điểm nhân khẩu học, địa lý, tâm lý, hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm dịch vụ.

Từ những thông tin này, các marketer sẽ lên kế hoạch hoạt động marketing, lựa chọn phương tiện truyền thông, thông điệp phù hợp để tiếp cận nhóm khách hàng này.

Media – phương tiện truyền thông

Tiếp theo là yếu tố phương tiện truyền thông (media). Phương tiện truyền thông là cách thức marketer sử dụng để truyền tải thông điệp tới đúng đối tượng khách hàng mục tiêu. Các phương tiện truyền thông có thể được phân loại thành kênh truyền thống và kênh hiện đại.

Kênh media truyền thống bao gồm các kênh như TV, quảng cáo ngoài trời (OOH), radio, sản phẩm in ấn, trưng bày vật dụng hỗ trợ bán hàng (POSM) tại điểm bán, phát tờ rơi…

Kênh media truyền thống thường có chi phí khá cao. Khi sử dụng kênh này, thương hiệu thường truyền tải một thông điệp đến đại chúng, sự tương tác giữa khách hàng và thương hiệu khá hạn chế.

Kênh media hiện đại bao gồm những kênh như Internet, marketing kỹ thuật số (digital marketing), mạng xã hội, blog, chatbot… Với kênh hiện đại, thương hiệu có thể điều chỉnh thông điệp cho mỗi nhóm đối tượng khách hàng.

Kênh hiện đại mở ra nhiều cơ hội hơn cho sự tương tác giữa khách hàng và thương hiệu, khi khách hàng có thể trực tiếp kết nối và trao đổi qua chatbot, các nhóm cộng đồng…

Message – thông điệp

Yếu tố thứ ba là thông điệp (message). Thông điệp là những thông tin, nội dung doanh nghiệp muốn truyền tải tới khách hàng nhằm thu hút sự chú ý, tương tác hoặc thuyết phục người tiêu dùng thực hiện hành động, hay lựa chọn sản phẩm dịch vụ.

Chìa khóa để tạo ra thông điệp hiệu quả là đảm bảo nó phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự am hiểu tường tận nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ, lợi thế của thương hiệu và đối thủ cạnh tranh trên thị trường, liên tục cập nhật những thay đổi và xu hướng mới trên thị trường.

2. Mô hình 4M trong marketing là gì?

Mô hình 4M trong marketing bao gồm 4 yếu tố các marketer cần xác định khi triển khai hoạt động marketing:

  • Merchandise – hàng hóa
  • Market – thị trường mục tiêu
  • Media – phương tiện truyền thông
  • Message – thông điệp.

Trong đó, các yếu tố thị trường mục tiêu, phương tiện truyền thông, thông điệp tương tự với mô hình 3M đã được MISA phân tích ở trên. Điểm khác biệt của mô hình 4M so với mô hình 3M là có thêm sự xuất hiện của yếu tố hàng hóa (merchandise).

Hàng hóa bao gồm những sản phẩm, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường. Khi triển khai hoạt động marketing, marketer cần xác định rõ hàng hóa mình cần quảng bá, điểm đặc biệt, cũng như thị trường mục tiêu và đối thủ cạnh tranh.

Điều này giúp doanh nghiệp lựa chọn thị trường mục tiêu, phương tiện truyền thông, thông điệp phù hợp để quảng bá sản phẩm dịch vụ tới đúng đối tượng khách hàng tiềm năng.

Việc am hiểu thông tin thị trường và khách hàng cũng giúp các marketer liên tục nghiên cứu và cải tiến chất lượng hàng hóa, hoặc hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ mới, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

3. Mô hình 5M trong marketing là gì? Các yếu tố trong mô hình 5M

Mô hình 5M gồm 5 yếu tố người làm marketing cần xác định khi triển khai hoạt động marketing:

  • Mission – mục tiêu
  • Money – ngân sách
  • Media – phương tiện truyền thông
  • Message – thông điệp
  • Measurement – đánh giá hiệu quả.

Mission – Mục tiêu

Yếu tố đầu tiên cần xác định trong mô hình 5M là mục tiêu. Đằng sau sự thành công của mọi chiến dịch marketing là một mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Mục tiêu là kết quả mong muốn mà doanh nghiệp đặt ra khi triển khai hoạt động marketing và cố gắng đạt được trong một khoảng thời gian nhất định.

Mục tiêu là kim chỉ nam định hướng toàn bộ kế hoạch triển khai hoạt động marketing, giúp doanh nghiệp đi đúng hướng và tập trung nguồn lực để đạt được kết quả. Khi xác định mục tiêu marketing, doanh nghiệp có thể tham khảo mô hình SMART.

Money – ngân sách

Bên cạnh mục tiêu, ngân sách là yếu tố các marketer cần cân nhắc khi thực thi hoạt động marketing, đặc biệt trong thời điểm thị trường kinh doanh ngày càng trở nên cạnh tranh và chi phí marketing ngày càng đắt đỏ.

Ngân sách dành cho hoạt động marketing của mỗi doanh nghiệp đều có giới hạn, nên đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương tiện truyền thông.

(Nguồn: freepik.com)
(Nguồn: freepik.com)

Media & message

Các yếu tố phương tiện truyền thông, thông điệp trong mô hình 5M giống với mô hình 3M và 4M đã được phân tích ở trên. Hãy cùng MISA tìm hiểu thêm về việc xác định mục tiêu, ngân sách và đánh giá hiệu quả trong mô hình 5M.

Measurement – đánh giá hiệu quả

Yếu tố cuối cùng trong mô hình 5M là đánh giá hiệu quả (measurement). Peter Drucker – chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị từng có câu nói nổi tiếng: “What gets measured, gets managed.”

Những gì được đo lường thì mới có thể quản lý được. Điều này cũng áp dụng cho hoạt động marketing. Sau khi triển khai một chiến dịch marketing, điều quan trọng là marketer cần nhìn nhận và đánh giá hiệu quả của những hoạt động đã thực thi.

Từ đó, chúng ta mới biết được những điểm đã làm tốt, những điểm cần cải thiện, tạo cơ sở để lập kế hoạch và tối ưu hiệu quả hoạt động marketing trong tương lai.

4. Mối liên hệ giữa mô hình 3M, 4M, 5M trong marketing

Mô hình 3M, 4M, 5M trong marketing thể hiện những yếu tố quan trọng cần được xác định khi xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động marketing. Cụ thể:

  • Mô hình 3M gồm những yếu tố cốt lõi là thị trường mục tiêu, phương tiện truyền thông, thông điệp.
  • Mô hình 4M là sự mở rộng của mô hình 3M với sự xuất hiện thêm của yếu tố hàng hóa.
  • Cuối cùng, mô hình 5M là mô hình có số lượng yếu tố nhiều nhất, với 5 yếu tố từ mục tiêu, ngân sách, phương tiện truyền thông, thông điệp, đánh giá hiệu quả.

Tùy thuộc từng hoạt động marketing và sự đánh giá của marketer về mức độ cần thiết của từng yếu tố với mỗi chiến dịch, marketer có thể linh hoạt sử dụng các mô hình này.

Trong đó, mô hình 5M là mô hình toàn diện và có đầy đủ yếu tố nhất, nên đây cũng là mô hình các marketer có thể ưu tiên sử dụng để có được kế hoạch marketing hoàn thiện nhất, tăng khả năng thành công và mức độ hiệu quả của chiến dịch marketing.

5. Tầm quan trọng của mô hình 5M trong marketing

Mô hình 5M đóng vai trò quan trọng trong marketing vì nó cung cấp một cấu trúc toàn diện để lập kế hoạch và thực hiện các chiến dịch marketing hiệu quả. Dưới đây là những lý do cụ thể giải thích tầm quan trọng của mô hình này:

  • Định hướng rõ ràng: Mô hình 5M giúp xác định mục tiêu cụ thể cho chiến dịch marketing (Mission). Việc xác định rõ mục tiêu từ đầu giúp doanh nghiệp tập trung vào những hoạt động có giá trị và tránh lãng phí nguồn lực vào những việc không cần thiết.
  • Quản lý nguồn lực hiệu quả: Thông qua yếu tố Money (Ngân sách), mô hình giúp doanh nghiệp xác định và phân bổ ngân sách hợp lý. Điều này đảm bảo rằng các nguồn lực tài chính được sử dụng tối ưu để đạt được mục tiêu đề ra, tránh việc chi tiêu vượt mức hoặc thiếu hụt ngân sách.
  • Lựa chọn phương tiện truyền thông tối ưu: Media (Phương tiện truyền thông) là yếu tố giúp doanh nghiệp chọn lựa các kênh truyền thông phù hợp với đối tượng mục tiêu và mục tiêu chiến dịch. Việc lựa chọn đúng phương tiện truyền thông giúp nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng và tăng khả năng thành công của chiến dịch.
  • Xây dựng thông điệp nhất quán và hấp dẫn: Message (Thông điệp) đảm bảo rằng thông điệp truyền tải đến khách hàng là nhất quán, rõ ràng và có sức thuyết phục. Một thông điệp tốt sẽ giúp doanh nghiệp nổi bật trong đám đông, tạo được sự kết nối với khách hàng và thúc đẩy hành động của họ.
  • Đánh giá và cải thiện: Measurement (Đánh giá hiệu quả) là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp theo dõi và đánh giá hiệu quả của chiến dịch marketing. Thông qua việc đo lường kết quả, doanh nghiệp có thể xác định được những gì đang hoạt động tốt và những gì cần điều chỉnh, từ đó cải thiện các chiến dịch tương lai.
  • Tính linh hoạt và ứng dụng rộng rãi: Mô hình 5M có thể được áp dụng cho nhiều loại hình doanh nghiệp và nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Nó cung cấp một framework linh hoạt để thích ứng với các mục tiêu kinh doanh và bối cảnh thị trường khác nhau.

Nhìn chung, mô hình 5M không chỉ giúp doanh nghiệp thiết lập một kế hoạch marketing hiệu quả mà còn đảm bảo rằng tất cả các yếu tố cần thiết để thành công đều được xem xét và tích hợp một cách hợp lý.

II. Cách áp dụng mô hình 5M vào hoạt động marketing

Sau khi đã hiểu được tầm quan trọng của mô hình 5M, hãy cùng MISA tìm hiểu về cách áp dụng mô hình 5M vào hoạt động marketing nhé.

Yếu tố đầu tiên cần xác định trong mô hình 5M là mục tiêu.

Để hoạt động marketing được tập trung và hiệu quả nhất, marketer cần đánh giá và lựa chọn mục tiêu quan trọng nhất cần đạt được ở thời điểm hiện tại tương ứng với hành trình mua hàng và sự nhận biết của khách hàng với thương hiệu.

Ví dụ, với thương hiệu mới ra mắt trên thị trường, mục tiêu đầu tiên là cần thu hút sự chú ý, tăng cường nhận biết của khách hàng tiềm năng với sản phẩm, dịch vụ, bởi họ cần biết về thương hiệu trước khi cân nhắc lựa chọn hoặc quyết định mua hàng.

Khi khách hàng đã biết đến thương hiệu và đang ở giai đoạn cân nhắc giữa rất nhiều lựa chọn, mục tiêu của marketer ở thời điểm này là tăng sự tương tác, kết nối giữa khách hàng và thương hiệu.

Các hoạt động marketing tập trung khiến khách hàng cảm thấy quan tâm, tin tưởng, yêu thích thương hiệu, thông qua việc cung cấp thông tin, truyền tải thông điệp, thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu là sự lựa chọn phù hợp nhất với họ.

Ở giai đoạn quyết định mua hàng, mục tiêu của hoạt động marketing là tăng trưởng doanh số của thương hiệu, khiến khách hàng thực hiện hành động mua hàng. Để làm được điều này, marketer có thể cân nhắc và triển khai những chương trình khuyến mãi, dùng thử để khách hàng cảm thấy tự tin và sẵn sàng đưa ra quyết định mua hàng.

Sau khi khách hàng đã mua hàng, mục tiêu ở thời điểm này là nâng cao lòng trung thành của khách hàng, khiến họ quyết định mua hàng thêm nhiều lần nữa và giới thiệu sản phẩm dịch vụ với người khác.

Điều này là vô cùng quan trọng bởi việc thuyết phục những khách hàng cũ đã từng lựa chọn thương hiệu thường sẽ dễ và ít tốn kém hơn so với việc tìm kiếm khách hàng mới.

Những hoạt động để đạt được mục tiêu này có thể kể đến như thiết kế những chương trình ưu đãi dành cho khách hàng trung thành, giảm giá khi mua từ lần thứ 2 trở lên, gửi quà tặng hoặc ưu đãi đặc biệt khi khách hàng giới thiệu thành công người khác mua sản phẩm dịch vụ.

Xác định mức ngân sách cho hoạt động marketing

Sau khi đã làm rõ mục tiêu, marketer cần xác định mức ngân sách cho hoạt động marketing. “Nên chi bao nhiêu cho hoạt động marketing?” luôn là một câu hỏi lớn với các marketer. Một phương pháp phổ biến thường được sử dụng là xác định ngân sách dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh số.

Một lời khuyên bạn có thể thường gặp là các doanh nghiệp nên dành mức ngân sách khoảng 6% đến 12%, với mức phổ biến là 10% doanh số cho hoạt động marketing.

Đây là con số để bạn tham khảo, trong thực tế sẽ không có mức nào tối ưu cho tất cả doanh nghiệp, mà phụ thuộc vào ngành hàng và mục tiêu của từng doanh nghiệp.

Các marketer có thể bắt đầu với mức ngân sách nhỏ trước, triển khai trong thực tế và sau đó đánh giá, điều chỉnh để xác định được mức ngân sách phù hợp nhất với thương hiệu của mình.

Marketer có thể xác định ngân sách marketing dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh số (nguồn: amis.misa.vn)
Marketer có thể xác định ngân sách marketing dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh số (nguồn: amis.misa.vn)

Lựa chọn phương tiện truyền thông

Yếu tố tiếp theo trong mô hình 5M là lựa chọn phương tiện truyền thông. Dựa vào sự am hiểu về hành vi của khách hàng, mục tiêu và mức ngân sách, marketer sẽ xác định phương tiện truyền thông phù hợp.

Với sự thay đổi mạnh mẽ của hành vi mua hàng trong kỷ nguyên công nghệ, marketer cần hiểu rõ về sự thay đổi này lựa chọn phương tiện truyền thông, có sự kết hợp giữa kênh truyền thống và kênh hiện đại tùy theo ngành hàng và hành vi khách hàng.

Khi triển khai chiến lược truyền thông đa kênh, marketer có thể kiểm tra kết quả hoạt động marketing đã thực hiện trước đây để có sự phân bổ ngân sách hợp lý giữa các kênh.

Ví dụ, trong quá khứ, có một tỷ lệ lớn khách hàng tiềm năng đến từ một kênh truyền thông, và kênh đó đã chứng tỏ được mức độ hiệu quả, thì chúng ta có thể phân bổ ngân sách nhiều hơn cho kênh đó.

Nếu doanh nghiệp có ngân sách marketing hạn chế, marketer nên tập trung triển khai và tối ưu hoạt động marketing ở một vài kênh truyền thông quan trọng trước và có khả năng đem lại kết quả tốt nhất, thay vì dàn trải trên nhiều kênh.

Xác định thông điệp phù hợp

Tiếp theo, marketer cần xác định thông điệp phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu. Với những thương hiệu triển khai chiến lược truyền thông đa kênh, marketer cần đảm bảo có sự nhất quán về thông điệp giữa các kênh để thể hiện sự đồng nhất của thương hiệu.

Ngoài ra, các marketer có thể thực hiện phương pháp A/B testing, hay thử nghiệm A/B đối với thông điệp để xác định thông điệp hiệu quả hơn, tối ưu hiệu quả của chiến dịch.

A/B testing là một quy trình mà trong đó hai phiên bản A và B sẽ được cùng so sánh trong một tình huống xác định và qua đó đánh giá xem phiên bản nào hiệu quả hơn. Phiên bản ở đây có thể là nội dung quảng cáo, landing page, email marketing… và hiệu quả được đánh giá dựa trên mục tiêu khi thử nghiệm, như lượt xem, lượt đăng ký.

Ví dụ, khi triển khai chiến dịch quảng cáo Facebook với mục tiêu là lượt đăng ký trên trang đích landing page, marketer có thể tạo ra hai thông điệp quảng cáo, với cùng hình ảnh, đối tượng mục tiêu và landing page.

Qua một thời gian chạy quảng cáo, thông điệp quảng cáo nào đem lại nhiều lượt chuyển đổi hơn sẽ được xác định là thông điệp hiệu quả hơn. Từ đó, chúng ta có thể cân nhắc tạm dừng thông điệp còn lại, tập trung ngân sách quảng cáo cho thông điệp hiệu quả để tối ưu ngân sách và kết quả chiến dịch marketing.

Đánh giá hiệu quả

Bước cuối cùng trong việc áp dụng mô hình 5M là đánh giá hiệu quả. Một điểm các marketer cần lưu ý là với những kênh truyền thống như biển quảng cáo ngoài trời, chúng ta sẽ khó đánh giá được chính xác mức độ hiệu quả của những kênh này.

Với những kênh marketing kỹ thuật số (digital marketing) như quảng cáo Facebook, việc đánh giá hiệu quả sẽ dễ dàng hơn với số liệu được cập nhật liên tục. Đây cũng là điểm quan trọng các marketer cần cân nhắc để lựa chọn và đánh giá mức độ hiệu quả của các phương tiện truyền thông.

Việc đánh giá hiệu quả phụ thuộc vào mục tiêu của hoạt động marketing đã được xác định từ ban đầu. Với từng mục tiêu tương ứng với từng giai đoạn của hành trình khách hàng, chúng ta sẽ dựa vào những chỉ số khác nhau để đánh giá hiệu quả.

Ví dụ, ở giai đoạn nhận biết, khi triển khai chiến dịch quảng cáo Facebook, chỉ số marketer cần quan tâm là CPM (cost per mille) – chi phí trên 1000 lượt hiển thị.

Đến giai đoạn cân nhắc, tương ứng với mục tiêu là tăng sự tương tác, quan tâm của khách hàng tiềm năng, marketer có thể đánh giá hiệu quả qua chỉ số CTR (click through rate) – tỷ lệ nhấp, tương ứng số lượt nhấp mà quảng cáo nhận được chia cho số lượt hiển thị quảng cáo.

Ở giai đoạn khách hàng quyết định mua hàng, tỷ lệ chuyển đổi conversion rate, tương ứng với số lượt chuyển đổi chia cho tổng số lần tương tác với quảng cáo là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả ở bước này.

Cuối cùng, để đo lường hiệu quả tương ứng với mục tiêu tăng mức độ trung thành của khách hàng, marketer có thể xem xét customer lifetime value (CLV) – giá trị vòng đời khách hàng, là giá trị khách hàng đem lại cho doanh nghiệp trong suốt vòng đời của họ.

Giá trị vòng đời khách hàng thể hiện sự trung thành của khách hàng với doanh nghiệp. Chỉ số này càng trở nên quan trọng hơn khi việc thu hút và thuyết phục khách hàng mới ngày càng khó khăn và tốn kém.

Customer lifetime value (CLV) - giá trị vòng đời khách hàng là giá trị khách hàng đem lại cho doanh nghiệp trong suốt vòng đời của họ (nguồn: amis.misa.vn)
Customer lifetime value (CLV) – giá trị vòng đời khách hàng là giá trị khách hàng đem lại cho doanh nghiệp trong suốt vòng đời của họ (nguồn: amis.misa.vn)

>> Có thể bạn quan tâm: CLV (Customer Lifetime Value) là gì? 6 cách tăng giá trị vòng đời khách hàng hiệu quả nhất

III. Ví dụ về mô hình 5M của thương hiệu Coca Cola

Để tìm hiểu cụ thể hơn về cách áp dụng mô hình 5M trong thực tế, hãy cùng MISA tìm hiểu ví dụ về mô hình 5M của thương hiệu nổi tiếng Coca Cola qua chiến dịch Share a Coke đình đám tại Úc vào năm 2011.

Mục tiêu của Coca Cola khi triển khai chiến dịch là để tăng doanh số vào mùa hè. Bên cạnh đó, Coca Cola muốn tăng sự tương tác và kết nối với những người trẻ, đặc biệt là khi 50% người trẻ không uống coca trong tháng trước đó. Coca Cola muốn người trẻ không chỉ sử dụng sản phẩm mà còn cảm thấy kết nối, yêu thích thương hiệu.

Ngân sách ban đầu cho chiến dịch là 3.3 tỷ đô la. Sau đó, nhờ vào sự thành công vang dội của chiến dịch, Coca Cola đã tăng thêm 1 tỷ đô la cho những năm tiếp theo.

Thông điệp truyền thông sáng tạo, độc đáo có một không hai chính là điểm nhấn đặc biệt khiến Share a Coke trở thành một trong những chiến dịch mang tính biểu tượng của Coca Cola.

Coca Cola bắt đầu in 150 cái tên phổ biến nhất ở Australia lên những chai coca để nhắc nhở mọi người kết nối với một người bạn mà họ muốn với thông điệp:

“Nếu bạn yêu/ muốn gặp gỡ/ nhớ/ thích/ lâu rồi chưa gặp ai đó, hãy chia sẻ 1 lon nước ngọt (với tên của người đó được in trên chai) với người đó”.

Đây không chỉ đơn thuần là một chiến dịch quảng cáo mà những chai Coca Cola với tên được in trên vỏ chai đã đem đến sự bất ngờ, niềm vui và kết nối giữa mọi người theo cách rất đặc biệt.

Thông điệp của Coca Cola nhắc nhở mọi người chia sẻ chai Coca với người họ muốn kết nối (nguồn: marketingmag.com.au)
Thông điệp của Coca Cola nhắc nhở mọi người chia sẻ chai Coca với người họ muốn kết nối (nguồn: marketingmag.com.au)

Xuyên suốt toàn bộ chiến dịch, Coca Cola sử dụng kết hợp đa dạng các phương tiện truyền thông. Chiến dịch xuất hiện trên kênh báo chí (tờ “The Australian”), các biển quảng cáo ngoài trời, đài phát thanh quốc gia và được lên sóng vào sự kiện thể thao cuối tuần lớn nhất nước Úc – AFL (Australian Football League), và NRL (National Rugby League).

Các chai coca xuất hiện trong những chiếc tủ lạnh bán hàng ở khắp nước Úc, nhờ đó khách hàng dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn những chai có tên mình. Coca Cola cũng tận dụng mạng xã hội Facebook để truyền thông về chiến dịch, đồng thời sử dụng một ứng dụng để người dùng có thể tạo ra một chai Coca ảo có tên mình.

Trong quá trình diễn ra chiến dịch, Coca Cola liên tục lắng nghe đề xuất của khách hàng về những cái tên mới họ muốn tiếp tục được in lên chai. Sau đó, thương hiệu này đã nhanh chóng triển khai in thêm 50 tên mới, từ đó nâng tổng số tên riêng được in lên đến con số 200.

Chiến dịch Share a Coke xuất hiện trên biển quảng cáo ngoài trời tại nước Úc (nguồn: marketingmag.com.au)
Chiến dịch Share a Coke xuất hiện trên biển quảng cáo ngoài trời tại nước Úc (nguồn: marketingmag.com.au)

Chiến dịch Share a Coke đã gây tiếng vang lớn tại Úc. Trên Facebook, lượng traffic tăng 870%. 76,000 mô hình các vỏ chai coca được tạo ra và chia sẻ trên Facebook. Lượng tiêu thụ coca bởi những người trẻ tăng 7%.

Chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu làm thay đổi thái độ của người tiêu dùng trẻ ở Úc về thương hiệu, tạo nên một ấn tượng tích cực với Coca Cola. Coca Cola được nhắc đến như “một thương hiệu luôn tạo nên điều mới mẻ”, “thương hiệu mà tôi yêu thích”, theo Cannes Lions.

Coca Cola đã bán hơn 250 triệu chai Coca có in tên tại Úc chỉ trong mùa hè năm đó. Sau đó, chiến dịch đã lan tỏa đến hơn 70 quốc gia khác trên thế giới.

Tổng kết

Việc áp dụng mô hình 5M trong hoạt động marketing giúp marketer xác định kế hoạch thực thi marketing rõ ràng, bài bản thông qua 5 yếu tố quan trọng bao gồm mục tiêu, ngân sách, phương tiện truyền thông, thông điệp, đánh giá hiệu quả. Đây là kim chỉ nam để định hướng hoạt động marketing, tăng khả năng thành công và tối ưu hiệu quả của chiến dịch, góp phần giúp doanh nghiệp tăng trưởng.

Với những phân tích chi tiết về mô hình 5M và cách áp dụng vào hoạt động marketing, hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho quý độc giả.

Tác giả: Lê Thị Bích Ngọc

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả