Mô hình PEST của Shopee bao gồm những sự tác động của môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của Shopee. Phân tích mô hình PEST đầy đủ, chi tiết sẽ giúp Shopee có những chiến lược kinh doanh – marketing đúng đắn. MISA AMIS sẽ cùng các bạn tìm hiểu mô hình PEST của Shopee nhé!
Giới thiệu tổng quan về Shopee
Shopee là một công ty công nghệ cung cấp nền tảng thương mại điện tử, đối tượng mục tiêu của công ty hầu hết tập trung vào người tiêu dùng ở Đông Nam Á. Tính đến nay, nền tảng này đã được đón nhận ở Philippines, Singapore, Malaysia…
Giống như eBay hay Amazon tại thị trường Bắc Mỹ, Shopee cung cấp đa dạng mẫu mã sản phẩm cũng như nhiều ngành hàng khác nhau đồng thời cho phép cả đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ lẫn doanh nghiệp lớn đăng bán mặt hàng của mình.
Tại thời điểm ban đầu, Shopee theo đuổi mô hình marketplace, trung gian kết nối người bán và người mua thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Sau khi đạt thành công rực rỡ, nền tảng này không còn đơn thuần phục vụ mô hình C2C mà dần lấn sân sang cả B2C.
Để đẩy nhanh tiến độ giao hàng, hiện Shopee có Shopee Xpress. Đồng thời Shopee hợp tác với nhiều đơn vị vận chuyển khác nhau, được gọi là “đối tác hỗ trợ hậu cần” đồng thời tích hợp tính năng theo dõi đơn hàng trên ứng dụng của mình. Các đối tác vận chuyển của Shopee tại Việt Nam có thể kể đến: NinjaVan, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm,…
Mô hình PEST là gì?
Mô hình PEST được các nhà quản lý sử dụng nhằm xem xét, đánh giá những yếu tố bên ngoài, bao gồm chính trị, kinh tế, xã hội, và công nghệ, có thể gây nên những tác động nhất định đến khả năng tồn tại và lợi nhuận của một công ty hoặc một tổ chức.
Hiểu đơn giản, qua việc phân tích mô hình PEST sẽ giúp nhà quản lý nắm chắc bức tranh toàn cảnh về cơ hội cũng như thách thức của doanh nghiệp.
Các yếu tố chính của mô hình PEST
P – Political (Môi trường chính trị)
Một số vấn đề chính cần được xem xét và làm rõ trong phần này có thể kể đến quyền sở hữu tài sản, sự ổn định chính trị, hướng dẫn/thay đổi về thuế, quy định an toàn, quy định thương mại và luật việc làm.
Các nhà quản lý nên chuẩn bị sẵn câu trả lời cho các câu hỏi như “Bất kỳ thay đổi luật hoặc thuế đang chờ xử lý có gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không, theo hướng tích cực hay tiêu cực?” hoặc “Có bất kỳ thay đổi nào về luật kinh doanh và luật thương mại khiến hoạt động của doanh nghiệp phải tạm dừng không?”
E – Economic (Môi trường kinh tế)
Thông qua các yếu tố kinh tế như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thuế, lãi suất,…, doanh nghiệp có thể đánh giá và xem xét các nhân tố có thể tác động đến công ty của mình. Các nhà quản lý sẽ cần trả lời những câu hỏi như “Nền kinh tế hiện tại thế nào? Nó đang phát triển, trì trệ hay giảm sút?”
S – Social (Môi trường xã hội)
Môi trường xã hội là những yếu tố cho phép doanh nghiệp phân tích các thông tin về khách hàng như: nhân khẩu học, thái độ sống, nghề nghiệp, gia tăng dân số, đức tin tôn giáo, hạn chế văn hóa, nền tảng dân tộc, vị trí, giáo dục,….
Thông qua các yếu tố này, doanh nghiệp có thể xác định được nhu cầu của khách hàng và những gì kéo họ đến thị trường hoặc sản phẩm để mua. Sau đó, họ có thể dễ dàng đánh giá quy mô tiềm năng của thị trường. Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như “Có bất kỳ yếu tố văn hóa xã hội nào có thể thúc đẩy sự thay đổi cho doanh nghiệp không?”
T – Technology (Môi trường công nghệ)
Các yếu tố công nghệ bao gồm những thay đổi, đổi mới và tiến bộ của công nghệ có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến doanh nghiệp. Với những yếu tố này, các nhà quản lý có thể xác định các công nghệ mới, áp dụng chúng vào công ty nhằm nhanh chóng đạt được mục tiêu cũng như cần loại bỏ công nghệ nào đã lỗi thời.
Tầm quan trọng của mô hình PEST
Hiệu quả về chi phí
Doanh nghiệp chỉ mất thời gian để tạo và tiến hành phân tích PEST. Giờ đây, có rất nhiều chương trình mở rộng giúp các nhà quản lý hoàn thành phân tích một cách nhanh chóng, các vấn đề liên quan tới thời gian đã hoàn toàn được giải quyết.
Bất kỳ ai cũng có thể thực hiện phân tích PEST với một tờ giấy và bút đơn giản trong tay. Phân tích PEST cần được thực hiện bởi một nhóm, qua đó giúp bản phân tích kỹ lưỡng và khách quan hơn với đánh giá từ nhiều góc độ.
Hiểu sâu hơn về môi trường kinh doanh
Phân tích PEST sẽ giúp doanh nghiệp xác định các môi trường trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp của mình mà có thể không được chú ý. Các nhà quản lý có thể không nhận ra sản phẩm của mình hoạt động tốt như thế nào ở thời điểm hiện tại nếu như không đạt thành công ở một quốc gia khác.
Phân tích PEST cho phép doanh nghiệp có góc nhìn toàn cảnh về tất cả các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, dù tích cực hay tiêu cực.
Nâng cao nhận thức về các mối đe dọa tiềm ẩn
Phân tích PEST có thể là cảnh báo hữu ích đối với các mối đe dọa tiềm ẩn mà doanh nghiệp có thể phải chống lại do tác động của các yếu tố trong môi trường vĩ mô. Thông tin mà phân tích PEST cung cấp sẽ giúp xác định các đối thủ cạnh tranh hiện tại hoặc mới nổi trong phạm vi của doanh nghiệp.
Các nhà quản lý cũng có thể lường trước những khó khăn trong tương lai và nhanh chóng chuẩn bị giải pháp ứng phó để chống lại chúng, giúp giảm thiểu và loại bỏ ảnh hưởng xấu của chúng đối với doanh nghiệp của mình.
Phân tích mô hình PEST của Shopee
Yếu tố chính trị trong mô hình PEST của Shopee
Có thể dễ dàng nhận thấy thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Dẫn đầu cuộc chơi đó chính là Shopee với 78.5 triệu lượt truy cập (theo số liệu tháng 02/2022).
Tiềm năng là vậy, tuy nhiên ẩn sâu bên trong vẫn là những nguy cơ về vấn đề bảo mật. Nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm rò rỉ, thất thoát dữ liệu, Việt Nam đã có những điều luật rõ ràng về an ninh mạng, giúp đây trở thành một trong số ít những quốc gia có chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật và quản lý thuế tại Việt Nam luôn được cập nhật và sửa đổi kịp thời, qua đó nhanh chóng hoàn thiện giúp các doanh nghiệp ổn định kinh doanh. Với tình hình chính trị ổn định tạo điều kiện thuận lợi giúp Shopee phát triển một cách bền vững trong tương lai.
Yếu tố kinh tế trong mô hình PEST của Shopee
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn giữ vững phong độ trong suốt những năm vừa qua, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 265 tỷ USD (2019), tăng 7.02%. Mặc dù đối mặt với sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, GDP Việt Nam giảm xuống 2.6% (2021).
Tuy nhiên theo Ngân hàng Thế Giới (World Bank), con số này dự đoán sẽ phục hồi nhanh chóng 7.5% trong năm 2022. Cũng theo báo cáo này, chỉ số lạm phát được dự báo sẽ tăng trung bình 3.8%. Nguyên nhân chính phải kể đến xăng tăng giá kéo theo giá của của toàn bộ mặt hàng đều tăng theo.
Đồng thời, ngành vận tải, logistics vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn sau đại dịch kéo theo chuỗi cung ứng gián đoạn, làm tăng giá thành. Dẫu vậy, thì đây vẫn là mức lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, và không gây ảnh hưởng nặng nề tới Shopee.
Về trình độ lao động, theo Tổng cục thống kê (2022), tỷ lệ lao động Việt Nam có trình độ kỹ năng chuyên môn là chưa đến 30% và chỉ 10% người lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số theo đánh giá của World Bank (2019).
Để nâng cao trình độ lao động, hiện Shopee cũng rất tích cực đầu tư vào các chương trình đào tạo nhân viên, hay những chương trình dành cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp như Global Leaders Program. Theo đó, chương trình bao gồm lộ trình 2 năm, đạt vị trí cấp quản lý. Với những nỗ lực đầu tư vào con người, Shopee luôn là điểm đến lý tưởng cho bất kỳ sinh viên mới tốt nghiệp nào.
Thói quen chi tiêu cũng là yếu tố quan trọng trong môi trường kinh tế, với sự ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 trong suốt 2 năm vừa qua cũng làm thay đổi đáng kể cách mà người tiêu dùng mua sắm.
Mức thu nhập bị ảnh hưởng, họ đã bắt đầu thắt chặt chi tiêu của mình, cùng với đó là quy định giãn cách xã hội khiến người dần dần chuyển phương thức mua sắm từ trực tiếp sang online trên các trang thương mại điện tử. Với thay đổi này, đây là cơ hội tốt giúp Shopee tăng trưởng trong mùa dịch bệnh.
Yếu tố xã hội trong mô hình PEST của Shopee
Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã nằm trong nhóm dân số vàng, với lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý IV năm 2021 là 50,7 triệu người, tăng khoảng 1,7 triệu người so với quý trước (theo Tổng cục Thống kê). Trong đó, thu nhập bình quân ở mức 5.3 triệu đồng.
Đối với ngành thương mại điện tử, mức thu nhập sẽ dao động tuỳ từng vị trí:
- Trợ lý thương mại điện tử: 5 – 7 triệu/ tháng.
- Chuyên viên thương mại điện tử: 7 – 10 triệu/ tháng.
- Trưởng phòng thương mại điện tử: 12 – 20 triệu/ tháng.
Xét về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Shopee là nền tảng phổ biến nhất, thu hút hàng triệu lượt truy cập. Tuy nhiên, các mặt hàng được bày bán trên nền tảng này thường xuyên đặt nghi vấn về vấn đề chất lượng.
Vì vậy người dùng còn nghi ngại khi đặt những đơn hàng giá trị lớn. Để giải quyết vấn đề này, Shopee đã ra mắt Shopee mall, với những gian hàng chính hãng đã được kiểm duyệt, xóa tan những lo lắng của khách hàng.
Yếu tố công nghệ trong mô hình PEST của Shopee
Cơ hội tiếp cận công nghệ ở Việt Nam là tương đối lớn. Theo thống kê, người dân Việt Nam dành nhiều thời gian để xem truyền hình trực tuyến và sử dụng các nền tảng mạng xã hội. Theo đó, người Việt Nam mất trung bình 2 giờ 40 phút và 2 giờ 21 phút mỗi ngày cho các hoạt động này. Tận dụng được lợi thế này, Shopee đã tung ra nhiều chiến dịch quảng cáo trên đa nền tảng nhằm thu hút thêm người dùng mới.
Xu hướng thanh toán không tiền mặt góp phần đẩy mạnh dịch vụ thanh toán di động như Momo, ShopeePay, ZaloPay… Theo thống kê, tổng số đơn đặt hàng trên Shopee thanh toán qua ví điện tử ShopeePay trên toàn khu vực đã tăng trưởng gấp bốn lần.
Tổng kết
Shopee là sàn thương mại điện tử hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với đa dạng các mặt hàng trong mọi lĩnh vực. Bằng việc nhận định chuẩn xác về mô hình PEST của Shopee, doanh nghiệp này đã luôn có những hướng đi đúng đắn. Hi vọng bạn đọc hiểu rõ hơn về mô hình PEST của Shopee qua những thông tin do MISA cung cấp ở trên.