Quy định về việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

18/07/2022
983

Quy định về việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng gồm những nội dung gì? Pháp luật có những chế tài gì đối với người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng? Bài viết sau đây của MISA AMIS sẽ tập trung làm rõ vấn đề này.

I. Người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần có lý do

người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng

Trước đây, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định rằng người lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì bắt buộc phải có 01 trong các lý do được nêu tại Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật này, đồng thời phải tuân thủ về thời gian báo trước.

Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật Lao động năm 2019 bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/01/2021, thì người lao động muốn chấm dứt hợp đồng chỉ cần đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước sau đây (trừ 01 số trường hợp không cần báo trước theo quy định).

1. Điều kiện về thời gian báo trước khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Điều kiện về thời gian người lao động báo trước cho người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng được căn cứ vào thời hạn ký kết hợp đồng, cụ thể là:

Thời hạn ký hợp đồng lao động Thời gian báo trước
  • Không xác định thời hạn
  • Ít nhất 45 ngày làm việc
  • Từ 02 tháng đến 36 tháng
  • Ít nhất 30 ngày làm việc
  • Dưới 12 tháng
  • Ít nhất 03 ngày làm việc

Lưu ý: Đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Các trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước người sử dụng lao động

Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

– Tính chất công việc, địa điểm và điều kiện làm việc không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp được quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019;

– Lương không được trả hoặc trả không đúng thời hạn, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019;

– Người sử dụng có lời nói hoặc hành vi mang tính chất ngược đãi, đánh đập, nhục mạ, làm ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự;

– Bị cưỡng bức lao động; Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

– Là lao động nữ mang thai phải nghỉ việc để tránh ảnh hưởng xấu tới thai nhi theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019;

– Đến độ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ Luật lao động 2019, trừ trường khi nào các bên có thỏa thuận khác;

– Người sử dụng cung cấp thông tin liên quan đến công việc không trung thực theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Bộ Luật lao động 2019, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

II. Hậu quả của việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng không tuân theo đúng thời gian báo trước

Theo quy định tại Điều 40 của Bộ luật Lao động 2019, trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (tức không báo trước đúng thời hạn nêu trên) sẽ phải chịu những hậu quả như sau:

– Không được hưởng tiền trợ cấp thôi việc.

– Phải bồi thường nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước cho người sử dụng lao động.

– Phải hoàn lại cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo nghề (nếu có).

III. Quyền lợi của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp là gì?

Quyền lợi của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp

1. Được doanh nghiệp trả lương còn lại theo số ngày làm việc

Căn cứ theo Điều 48 của Bộ luật Lao động 2019, trong thời hạn từ 14 đến không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động.

2. Được doanh nghiệp thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ phép trong năm

Theo khoản 3 Điều 113 của Bộ luật này, người lao động khi nghỉ việc được doanh nghiệp thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.

3. Được hưởng tiền trợ cấp thôi việc

Căn cứ Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc khi đáp ứng đủ điều kiện sau:

– Nghỉ việc do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật.

– Đã làm việc cho người sử dụng lao động liên tục từ đủ 12 tháng trở lên.

Do đó, nếu đủ điều kiện thì cứ mỗi năm làm việc, người lao động sẽ được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được xác định trên tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc được xác định trên tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động nghỉ việc.

Nếu người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì người sử dụng không phải trả tiền trợ cấp nghỉ việc cho người lao động mà do là cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.

4. Được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp

Người sử dụng lao động không chi trả cho tiền trợ cấp thất nghiệp mà khoản tiền này sẽ do Quỹ Bảo hiểm xã hội giải quyết. Tuy nhiên, để được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đáp ứng các quy định tại Điều 49 của Luật Việc làm năm 2013.

Lưu ý: Mức trợ cấp thất nghiệp người lao động được hưởng hằng tháng = 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo Hiểm Thất Nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Trong đó:

– Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng hằng tháng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng.

– Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định (ngoài nhà nước) thì mức hưởng hằng tháng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

Căn cứ để xác định số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

– Đóng đủ 12 đến đủ 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.

– Cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì người lao động được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Do đó, người lao động có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều lần nhưng cộng lại cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu tối đa không được quá 12 tháng/1 người.

Bên cạnh đó, khoản tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ do cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết cho người lao động chứ không phải do người sử dụng lao động chi trả, trong trường hợp người sử dụng lao động có đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

5. Nhận lại sổ bảo hiểm xã hội và các loại giấy tờ khác

Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn trả số bảo hiểm xã hội (sau khi đã hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp) và bản chính các giấy tờ khác nếu đã giữ của người lao động.

IV. Quy định về xử phạt khi người sử dụng lao động không hoàn trả hồ sơ trong đó có sổ bảo hiểm cho người lao động

Quy định về xử phạt khi người sử dụng lao động không hoàn trả hồ sơ trong đó có sổ bảo hiểm cho người lao động

Theo quy định của luật lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ hồ sơ cho người lao động trong đó bao gồm cả sổ bảo hiểm xã hội.

Trường hợp doanh nghiệp cố tình hoặc có hành vi vi phạm hoàn trả hồ sơ cho người lao động thì phải chịu phạt theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 11 Nghị Định 28/2020/NĐ-CP về vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động cụ thể như sau:

Phạt tiền đối với người sử dụng lao động nếu có một trong các hành vi sau: hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và hoàn trả những hồ sơ, giấy tờ khác có liên quan mà doanh nghiệp đã giữ của người lao động sau khi các bên chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, mức phạt tiền cụ thể như sau:

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với hành vi vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với hành vi vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với hành vi vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với hành vi vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài ra, pháp luật còn quy định các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và hoàn trả hồ sơ, những giấy tờ khác có liên quan mà người sử dụng lao động đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật là: bắt buộc phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ đã giữ trong quá trình giao kết hợp đồng với người lao động.

Lưu ý:

Trường hợp người lao động muốn được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian chưa tìm được công việc mới thì phải nộp đủ hồ sơ tới cơ quan đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp trong vòng 90 ngày làm việc. Do đó, người lao động cần yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện chốt sổ bảo hiểm xã hội để không ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Trên đây là các quy định quan trọng về việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Cả người sử dụng lao động và người lao động đều có trách nhiệm tuân thủ đúng những quy định này.

Xem thêm các bài viết trước đó

Xem thêm các bài viết tiếp theo

Xem thêm các bài viết khác

1. Mẫu hợp đồng lao động 2022 cập nhật mới nhất hiện nay

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Mr. Trịnh Văn Biển
Tác giả
GĐ Chuyển Đổi Số MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả